Phát triển ý định tự lực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapia Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/1/2016.

TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Mục đích của thày trong bài giảng này là cho con một số gợi ý có ý thức sẽ giúp con vượt qua các khai ngộ trên tầng thứ tư ở khóa nhập thất của thày. Và tất nhiên, đây là tầng mà con nhận được một liều tinh khiết gấp đôi.

Để bắt đầu, thày mong muốn con nhận ra là bây giờ con đã đạt tới điểm trên đường tu tâm linh – con đường tự điều ngự – nơi con cần biểu hiện động lực tự lực mà con đã vốn có, đã mang sẵn, để bước trên đường tu. Các Thượng sư biết rõ là các thày phải khởi sự thật dịu dàng với mọi người. Ở ba tầng đầu, các thày đã cho con một số giáo lý, một số kỹ thuật mà con có thể ứng đáp. Khi làm vậy, như thày đã trình bày trong bài giảng trước, các thày nhìn nhận là đối với hầu hết mọi người, cuộc sống từ quá lâu đã là một trận đấu quần vợt nơi con quen có một ai đó đánh banh lại cho con, và do đó con luôn luôn có một điều gì đó để mà phản ứng lại. Các thày cần con đạt tới điểm mà động lực để bước chân trên đường tu không còn là một sự phản ứng đối với, hay đối lại, bất cứ gì trong thế giới vật chất.

Các thày hiểu rất rõ đây có thể là một khai ngộ khó khăn vì nhiều người trong các con – cho dù con có nhận thức được trong ý thức hay trong trực giác – cũng biết từ lâu là có một lực chống lại tiến bộ tâm linh của con. Con có thể gọi đó là thế lực bóng tối, là thế lực của cái ác, là sa nhân hay bất cứ tên gọi nào khác. Sau khi con đã biết chuyện này từ lâu, lẽ tự nhiên con nảy ra ý tưởng là động lực tu tập của con phần nào là để lánh xa, để thoát ra, để tránh né hay để vươn lên khỏi các thế lực bóng tối đó. Con hiểu điều thày đang nói, phải không con? Thật là dễ rơi vào một cơ chế nơi động lực để bước trên đường tu liên quan đến – và do đó phần nào được quy định bởi – sa nhân. Thày đã nói về hàng ngũ giả trá, và chúng đã rất thiện nghệ cài đặt nhiều ý tưởng nhằm bóp méo cách nhìn của con về đường tu đến độ nó kềm hãm tiến bộ của con, hay thậm chí đưa con vào một ngõ cụt sẽ tốn nhiều kiếp để thoát ra.                 

10.1. Ý định tự lực

Điều thày cần con làm ở mức này ở khóa nhập thất là nhìn vào những ý định của con một cách trung thực. Các thày đã nói trước đây là ngay cả nỗi sợ hàng ngũ tà đạo cũng mở tâm con ra cho hàng ngũ tà đạo – không phải theo nghĩa là chúng sẽ xâm nhập trực tiếp vào tâm con và ảnh hưởng con qua cách đó, nhưng chúng có khả năng ảnh hưởng con gián tiếp bằng cách khiến con trốn chạy những gì con sợ, hay con không sẵn lòng nhìn vào một điều gì mà con sợ. Sự kiện này khiến nhiều đệ tử tâm linh mang trong tâm thức một số yếu tố mà mình không muốn xem xét. Chẳng hạn, nếu con rất lo sợ đi theo hàng ngũ tà đạo, có thể con sẽ không sẵn lòng nhìn vào một số ý tưởng mà chúng đã cài đặt vào tiềm thức con trong kiếp này hay những kiếp trước.

Con sẽ cảm thấy thật xấu hổ, thật tủi nhục, thật khiếp sợ nếu con phải nhìn nhận là mình đã mang một số yếu tố tâm thức sa ngã trong tiềm thức mình. Thậm chí con có thể sợ là thày, Serapis Bey, sẽ chối từ con nếu có ai phát hiện là con có những yếu tố đó, và điều này đương nhiên sẽ không giúp con hưởng lợi từ sự giúp đỡ mà thày dành cho con.

Như thày có nói, con không thể giấu gì với thày. Gần như không có ai đến khóa nhập thất của thày trên đường tự điều ngự mà không có những yếu tố tâm thức sa ngã, hay những tin tưởng do sa nhân và hàng ngũ giả trá tạo ra trong tiềm thức mình. Làm sao con có thể sống sót một vài kiếp trên hành tinh này mà không bị tác động bởi từng nấy ảo tưởng và dối trá khắp mọi nơi? Đối với thày, không có gì bất thường, không có gì tiêu cực, không có gì mà thày cần xét đoán xem con có những yếu tố đó hay không. Thày không ở đây để phán xét con, bắt lỗi con hay làm con xấu hổ. Thày ở đây để giúp con thăng vượt tất cả những gì đang giới hạn con trên đường tu. Một điều sẽ giới hạn con là nếu con có những yếu tố do sa nhân hay tà lực cài đặt. Cho dù con không mang những thứ bị cài đặt trực tiếp, vẫn có thể con mang lòng sợ hãi – mà theo một cách nào đó cũng là một cài đặt – và khi con tránh nhìn một điều gì thì, tất nhiên, nó sẽ kềm chân con trên đường tu. Không thể nào khác được.   

Thày cần con đạt tới mức con nhận ra là động lực thật sự của con khi bước trên đường tu không dính dáng gì đến tà lực hay hàng ngũ giả trá. Động lực thật sự của con phải đến từ bên trong và liên hệ, trong ngắn hạn, với Sứ vụ Thiêng liêng của con cho kiếp này, và trong dài hạn với mục đích nguyên thủy của con khi đến địa cầu. Thày đề nghị là con suy ngẫm điểm này thật cẩn thận trong tâm ý thức. Một lần nữa, có thể sẽ hữu ích nếu con lập ra một danh sách những ý định và động lực mà con thấy xuất phát từ một phản ứng nào đó đối với tà lực. Có điều gì mà con cố tránh né, trốn chạy hay vượt khỏi hay không?

Thày cần con suy ngẫm trong ý thức điều gì con thực sự yêu thương về tâm linh và đời sống. Nhiều khi các thày thấy đệ tử đến khóa nhập thất của thày với quá nhiều giới hạn đã được lập trình trong tâm, đến độ họ không dám nghĩ tới cả những gì mình thực sự mong muốn. Thày yêu cầu con làm một bài tập là con hãy lấy một tờ giấy, đọc bài thỉnh kèm với bài giảng này, sau đó con ghi xuống bất cứ gì đến với con liên quan tới những điều con thực sự muốn làm trong đời. Thày cần con ý thức sự kiện là con cần bỏ sang một bên mọi hạn chế mà con đang có. Thày yêu cầu con, lúc đầu, hãy xem việc này như một bài tập lý thuyết, nghĩa là– trên lý thuyết – nếu con không có tất cả những hạn chế mà con phải đối diện trong hoàn cảnh hiện thời hay trong tâm lý con, thì con thực sự muốn làm gì?

Thày không yêu cầu con suy đoán xem thày muốn con làm gì, hay các chân sư thăng thiên khác muốn con làm gì, hay Thượng đế muốn con làm gì. Thày không yêu cầu con suy đoán xem các sa nhân không muốn con làm gì. Thày cũng không yêu cầu con nghĩ xem người khác muốn hay không muốn con làm gì. Mà thày yêu cầu con suy nghĩ xem – nếu con không có bất kỳ giới hạn nào – con muốn thực sự làm gì trong đời?

10.2. Những loại ý định khác nhau

Con sẽ nhận thấy câu trả lời cho câu hỏi trên có thể thuộc hai loại. Có thể có những việc liên quan đến những mong muốn và ước mơ chưa thỏa nguyện, một cái gì đó mà con chưa bao giờ làm được nhưng lại luôn luôn muốn thực hiện. Không có gì sai trái với điều đó. Đó có thể là những trải nghiệm mà con muốn có.

Thày yêu cầu con nhìn xa hơn thế và xem xét là còn có một loại khác nữa, là những chuyện con muốn làm không vì muc đích cá nhân mà vượt cá nhân. Con có thể xem đó là một điều gì phụng sự sự sống, hay một mong muốn thay đổi chuyện gì đó, đem lại một thay đổi tích cực nào đó trên hành tinh này. Như các thày đã nói nhiều lần, đa số các con là người tâm linh đã tình nguyện đến hành tinh này để đem lại sự thay đổi tích cực qua chính ánh sáng, qua những sáng ngộ, động lượng và kinh nghiệm của con. Sẽ có một tỷ lệ nào đó trong số những việc con muốn làm trong đời liên quan đến mục đích này, là mong muốn thay đổi gì đó trên địa cầu.

Bây giờ thày cần con xem xét kỹ lưỡng hơn. Có lẽ con có thể đọc bài thỉnh thêm một lần hay đọc bài chú của thày thêm mấy lần nữa. Có lẽ con có thể ngồi yên trong im lặng, nhắm mắt lại và thiền quán về điều này. Điều thày mong muốn con làm là nhìn xa hơn tất cả những thứ mà con muốn làm, mà con cảm thấy con bó buộc phải làm, hay con cảm thấy con nên làm hầu thay đổi địa cầu. Thày cần con nhìn thấy là ngoài những hoạt động đó, sẽ có một số động lực, một số ý định không liên quan gì đến ý muốn làm gì ở ngoài con, mà thay vào đó, liên quan đến những gì đem lại cho con nhiều niềm vui nhất trong bản thân con.

Có thể con không thể thấy rõ lúc đầu. Có thể con sẽ thấy khó biểu đạt thành lời. Điều thày cố giúp con khám phá ở đây là sự kiện động lực nguyên thủy khiến con đến địa cầu có một khía cạnh Alpha và một khía cạnh Omega. Khía cạnh Omega là con muốn đem lại một số thay đổi vì con thấy trên địa cầu có những điều kiện cần bỏ lại đằng sau. Khía cạnh Alpha là con muốn chia sẻ ánh sáng của con, Hiện diện TA LÀ của con, ngọn lửa Thượng đế của con, khuôn đúc cá biệt độc đáo của con. Con muốn biểu hiện cá thể của mình một cách sáng tạo. Thày đã đề cập đến sự kiện đường tu tâm linh không phải là một chiếc áo tù bó tay bó chân. Nó vẫn cho con đủ khoảng trống cho sự sáng tạo cá nhân. Sự sáng tạo cá nhân này, trong dạng thuần khiết của nó, không nhằm sản xuất ra một số thay đổi nhất định để phản ứng lại những điều kiện hiện thời trên trái đất. Trong dạng thuần khiết, sáng tạo liên quan đến việc biểu hiện con người mà con là, cá thể thiêng liêng của con. Sự biểu hiện thuần khiết của sáng tạo không phải là chuyện tạo ra những kết quả vỏ ngoài, thay đổi vỏ ngoài, đặc biệt là những thay đổi tùy thuộc vào những chọn lựa của các sinh thể khác có quyền tự quyết, dù họ đang đầu thai vật lý hay là sinh thể sa ngã trong các cõi khác.

Trong tinh túy, sự sáng tạo liên quan đến việc biểu hiện con người của con vì niềm vui tinh khiết mà con nhận được khi con cảm nhận ánh sáng mà Thượng đế cho con chảy xuyên qua lăng kính của cá thể mà ngài đã cho con. Thày hiểu là lúc này có thể con chưa hòa điệu được với cảm nhận đó trong ý thức. Nhưng bằng cách suy ngẫm và thỉnh cầu, lần hồi con sẽ bắt đầu cảm nhận được. Điều vô cùng quan trọng là con cảm được điều đã cho con niềm vui tinh khiết đó không liên quan gì tới bất cứ gì bên ngoài con, vì đây là ý định thuần khiết nhất để con có mặt trên địa cầu. Đây cũng là một ý định mà con có thể bày tỏ cho dù hoàn cảnh vỏ ngoài hay các giới hạn con phải đối mặt có là gì đi nữa.

10.3. Động lực cao nhất của con

Thày đã cho con làm bài tập: “Nếu con không có giới hạn nào, con sẽ biểu hiện điều gì?” Bây giờ thày yêu cầu con đưa bài tập này lên một mức cao hơn, là con nhận ra rằng bất kể các giới hạn con đang đương đầu trong hoàn cảnh vỏ ngoài, không có gì trong các giới hạn đó có thể ngăn con làm cánh cửa mở cho ánh sáng và cá thể của Hiện diện TA LÀ tuôn chảy xuyên qua con. Điều này con có thể thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào, và đây là điều thày cần con quán chiếu. Đây là cách duy nhất để con phát triển một động lực phát xuất hoàn toàn từ bên trong, và do đó nó không thể bị tác động, bị tiêu diệt hay bị kềm hãm bởi bất cứ gì bên ngoài con.

Trên đường tự điều ngự, phải tới một điểm khi động lực để con bước chân trên đường tu chỉ còn liên quan đến mong muốn ý thức của con, viễn quan ý thức của con, muốn biểu đạt con người thật của con trong thế giới vật chất. Đây là động cơ cao nhất để bước chân trên đường tu, mà đó là điều con cần hầu vượt qua các khai ngộ dưới các Thượng sư của Tia sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Đó là tại sao thày là người chuẩn bị con cho các tia sáng đó vì con đang đứng ở ngay lỗ kim, ở ngay tiêu điểm.

Khi con bắt đầu cảm nhận được bản thể nội tâm của con cùng những gì đem lại cho con niềm vui, con cũng có thể bắt đầu nhìn ra hoàn canh bên ngoài. Thày có bao đệ tử đến với thày, và khi ngồi họp mặt nơi khóa nhập thất và nhìn vào hoàn cảnh vỏ ngoài của họ, họ thường hỏi: “Nhưng Serapis, thày chẳng thấy là con đang phải đối mặt với những hạn chế này trong hoàn cảnh vỏ ngoài hay sao? Làm thế nào con có thể thực sự tâm linh, làm thế nào con có thể biểu đạt sáng tạo khi con phải đương đầu với tất cả những tình huống đó mỗi ngày trong đời con? Làm sao con có thể bỏ việc làm, bỏ con cái, bỏ gia đình để làm một việc hoàn toàn sáng tạo hay tâm linh?”  

Các Thượng sư không đang yêu cầu con làm chuyện đó. Có một động lực giả hiệu mà sa nhân và hàng ngũ giả trá đã tạo ra suốt nhiều thế kỷ. Trong các thế kỷ trước, động lực đó thường được thể hiện, chẳng hạn trong văn hóa Cơ đốc, qua toàn bộ ý tưởng về đời sống tu hành ẩn dật. Có một sự tin tưởng là nếu con là một người thực sự sùng đạo, con sẽ dành trọn đời mình cho Thượng đế bằng cách đi tu trong một tu viện. 

Con sẽ rút hẳn khỏi đời sống con người bình thường, bị xem là đi ngược lại lòng sùng bái tâm linh và thờ phượng Thượng đế đích thực. Người ta cho rằng Thượng đế rất coi trọng những ai rút khỏi cuộc đời tầm thường và sống cách ly trong một môi trường thật là thoải mái nơi họ không phải đương đầu với rất nhiều khía cạnh của tự ngã, và do đó họ cũng không có tiến bộ tâm linh – hay họ không tiến bộ nhiều lắm.

Các chân sư thăng thiên không xem chuyện đó là lý tưởng. Đã có một thời khi việc rút lui khỏi đời sống để tích tụ động lượng tu tập là một việc ích lợi cho một số người, nhưng cũng không có nghĩa là tất cả những ai sống trong tu viện đều tinh tấn. Trong thế giới ngày nay của Thởi đại Bảo bình, như các thày đã nói nhiều lần, thật là không còn cần thiết hay ngay cả xây dựng để có quá nhiều người rút lui khỏi xã hội. Điều quan trọng hơn gấp bội là con là người tâm linh và con tìm được cách thể hiện tính chất tâm linh của con trong đời sống hàng ngày. Điều quan trọng là con không cách ly khỏi xã hội mà lại chứng tỏ thế nào là sống tâm linh ngay trong một xã hội phản tâm linh.     

Điều quan trọng cho sự tăng triển của con là con không tự cô lập trong những cộng đồng tâm linh nơi các thành viên đều có thể xác nhận, chứng thực lẫn nhau. Họ có thể sống vô cùng thoải mái mà không phải quấy rầy đến tự ngã để mà tự buộc mình phải nhìn thấy tự ngã. Quá nhiều cộng đồng tâm linh hoạt động theo kiểu đó. Nếu mọi người ở đó đều tin chắc mình là người tâm linh và ai ai cũng đều xác nhận tự ngã cho nhau, thì họ sẽ không giúp nhau nhìn ra tự ngã và do đó chẳng ai sẽ khắc phục được tự ngã.    

10.4. Xem Serapis không là vị thày mà là vị hỗ trợ

Thày cần con nhận ra là đối với tuyệt đại số người tâm linh trong thời đại này, điều cần thiết, xây dựng và phù hợp với Sứ vụ Thiêng liêng của con là tìm được cách biểu hiện tính chất tâm linh và sáng tạo của mình bất kể hoàn cảnh vỏ ngoài có là gì. Để làm được thành công, con cần xoay chuyển tâm thức của con. 

Chuyển đổi đầu tiên mà con cần thực hiện là con không nhìn thày như là một vị thày truyền thống. Cho tới giờ, thày cùng ba vị Thượng sư mà con đã gặp đã hành xử phần nào như những vị thày mà con có thể tìm thấy trên địa cầu. Các thày đã nắm phần chủ động trong khóa nhập thất. Các thày đã trình bày một số bài giảng, bài tập, đưa ra một số thử thách cho con và con đã hồi đáp. Tất nhiên, có thể con đã có một động lực để gia nhập khóa tu và bước chân trên đường tự điều ngự. Một khi con ở trong khóa tu, nhiều khi động lực hàng đầu trong tâm ý thức của con dồn vào các thày, dồn vào việc tuân theo khai ngộ, vượt khai ngộ, tránh làm các thày thất vọng hay bất kỳ cảm nhận nào khác. Thày cần con xoay chuyển động cơ của con khi tham dự khóa nhập thất và tương tác với thày không dựa trên mong muốn chiều lòng thày, đi theo thày, hay cũng quan trọng không kém, chống  đối thày. Thày cần con xoay chuyển và nhận ra con ở trong khóa này là vì con muốn khắc phục tất cả mọi chướng ngại đang ngăn cản con làm cánh cửa mở cho sự biểu hiện sáng tạo của ánh sáng, cũng như của cá thể mà con thật là, tức cá thể neo trụ nơi Hiện diện TA LÀ của con.    

Thày cần con xoay chuyển sang một động lực tham gia khóa này dựa trên tình thương. Thày có thể cảm nhận khá dễ dàng khi đệ tử có một phản ứng với thày. Hoặc họ mong muốn chiều lòng thày, hoặc họ có một điểm tắc nghẽn nào đó trong tâm thức khiến họ miễn cưỡng làm theo chỉ dẫn của thày. Đây là điều mà con cần khắc phục ở tầng thứ tư của khóa nhập thất này. Thày cần con đạt tới điểm, cho dù con đã nhìn thày và các chân sư khác như thế nào trong quá khứ, thì giờ đây con có khả năng liên hệ với thày một cách hoàn toàn cởi mở và trung lập. Thày không phải là người kỷ luật con, thày không nhìn con từ trên cao, thày không phơi trần hay hạ nhục con. Thày không là người đặt đòi hỏi lên con.   

Thày ở đây để tạo điều kiện cho con phát triển nhưng thày không là cái động lực. Con cần tự cung cấp động lực đó hoàn toàn từ bên trong chính con. Thật ra tại tầng thứ tư, có một thời điểm khi thày quy tụ các đệ tử đã sẵn sàng vào một căn phòng. Trước khi mọi người bước vào phòng, thày nói với họ mục đích là để họ nhận được động cơ chủ chốt khiến họ bước chân trên đường tu từ điểm này trở đi. Tất nhiên, thày nói cách nào đó để họ tin là chính thày sẽ trao cho họ động cơ đó. Và khi mọi người bước vào phòng và ngồi xuống, thày sẽ chỉ ngồi đó, đưa mắt nhìn từ người này đến người kia. Đối với các đệ tử sẵn sàng nhìn vào mắt thày thì thày cũng nhìn vào mắt họ, nhưng thày không nói gì.       

Phải mất một lúc thì các đệ tử mới bắt đầu nhìn thày với một dấu hỏi to tướng trong mắt họ. Rồi phải mất thêm nhiều thời gian hơn trước khi một số bắt đầu hỏi: “Serapis, đến bao giờ thày mới tiết lộ cho chúng con động cơ của chúng con?” Thày vẫn cứ ngồi như vậy, nhìn họ và mỉm cười, và rồi thường thường sẽ có một hai người trong nhóm nhìn mọi người và nói: “Có lẽ thày đang muốn nói là chúng ta cần tìm bên trong chính chúng ta chăng?” Thế là, thông thường, ánh sáng bỗng bật lên trong mắt hầu hết mọi đệ tử.    

Có thể có một số không sẵn lòng làm chuyện này. Trong một số trường hợp, có đệ tử đã phải rời khóa tu, quay trở ngược và theo học những khai ngộ khác. Trong đa số trường hợp, các đệ tử trở nên rất háo hức, họ nhắm mắt lại và đi vào bên trong. Điều mà thày có thể giúp đệ tử ở điểm này là, đương nhiên, vì họ đang ở trong hào quang của thày, thày có thể che chắn họ khỏi mọi động lực ô uế bình thường sẽ tới lôi kéo tâm họ. Trong Hiện diện của thày, họ có nhiều cơ hội hơn để khám phá ra điều mà thày vừa đề cập, tức là những gì đem lại cho họ niềm vui lớn nhất.   

10.5. Là người ngang hàng với Serapis

Sau khi các đệ tử khám phá ít nhất một số động lực nội tâm của mình, thì một sự chuyển đổi xảy ra. Bỗng nhiên, không còn ý muốn chiều lòng thày, hay sự miễn cưỡng hay yếu tố giả tạo nào khác trong thái độ và quan hệ của họ với thày. Giờ đây cả trò lẫn thày bắt đầu tương tác với nhau một cách hoàn toàn khác. Đệ tử không còn chờ thày làm gì đó và giữ chủ động, mà thay vào đó, họ nắm lấy vai trò chủ động, và họ đến hỏi thày: “Serapis, con muốn thấy điều này, con muốn hiểu điều kia, con muốn phát triển khả năng nọ, vậy thày nghĩ sao?” Đột nhhiên, mọi người không còn hành xử như thày với trò, mà hành xử bình đẳng.

Thày không đứng trên đệ tử, thày không đứng trên các con. Thày chỉ có nhiều kinh nghiệm hơn và có lẽ nhiều viễn quan hơn. Thay vì là vị thày cao cả dũng mãnh đứng đầu lớp học và nhìn xuống học sinh, giờ đây thày là kẻ mà thày luôn luôn muốn là: một vị hỗ trợ. Ở điểm này, mọi người kinh qua một số bài tập khác nhau, nhưng thày nói điều này cho con vì điều quan trọng cho sự tăng triển của con ở mức này là con cũng kinh qua một số bài tập đó trong tâm ý thức của con.

Điều thày cần con nhận ra ở mức này là sự tăng trưởng của con có hai yếu tố, Alpha và Omega. Yếu tố Alpha tất nhiên là con đạt tới điểm con biểu hiện được sự sáng tạo của con từ bên trong, từ Hiện diện TA LÀ của con. Yếu tố Omega là hầu đạt tới điểm đó, con cần nhìn ra một số chuyện trong chính tâm thức con. Và để nhìn ra, thường khi con sẽ cần trải nghiệm một số tình huống trong thế giới vật chất.  

10.6. Tin rằng có những thứ không tâm linh

Điều này có nghĩa là con có thể thực hiện thêm một sự xoay chuyển rất quan trọng trong thái độ của con đối với thế giới vật chất, đối với cõi của Mẹ, trong cách con nhìn thế giới. Có một cái móc vô cùng tinh vi mà hàng ngũ giả trá đã tạo ra suốt một thời gian rất dài là ý tưởng rằng trên thế giới có một số thứ không tâm linh, không tinh khiết, một số thứ sẽ không giúp con tăng triển tâm linh.

Các thày đã từng nói là tất cả những gì sa nhân cần làm để làm rối tung mọi thứ trên trái đất là tạo ra ý tưởng rằng:
– Có một chuẩn mực.
– Tất cả mọi thứ đều phải được phán xét theo chuẩn mực.

Sa nhân đã tạo ra chuẩn mực bảo rằng những thứ này là tâm linh và những thứ kia không tâm linh. Sau đó chúng phóng chiếu ý tưởng là nếu con là người tâm linh hay người sùng đạo, con cần phải đánh giá mọi thứ theo chuẩn mực đó. Thế là con có rất nhiều người tâm linh bỏ ra biết bao năng lực và chú ý để đánh giá mọi công việc mình làm, mọi chuyện mình gặp trong thế giới vật chất. Họ không làm vậy một cách trung hòa mà họ lại dựa trên sự phán xét giá trị xem cái gì là tâm linh, cái gì không. Và tất nhiên, niềm tin nền tảng, hay sự giả định nền tảng của họ là bất cứ gì mang nhãn hiệu không tâm linh sẽ cản bước tăng trưởng của họ. Đây chính là điều mà hàng ngũ giả trá muốn con tin.   

Con hiểu là con không còn ở dưới tầng tâm thức 48 nữa, phải không con? Bởi vì nếu không, con đã không ở tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày. Có những người ở dưới tầng 48 cần lượng định xem điều gì là không tâm linh. Chắc chắn là họ không thể tinh tấn tâm linh được nếu họ cứ tiếp tục giết người, ăn cắp hay làm chuyện tội phạm. Có những người cần đến một chuẩn mực bảo rằng: “Chuyện này là không tâm linh, nó sẽ chặn không cho tôi lên thiên đàng, ngăn chặn tôi tiến bước trên đường tâm linh.” Nhưng thày không đang nói về những người đó.       

Thày đang nói về con, là người đã đạt đến tầng thứ tư của Tia thứ Tư trên con đường tự điều ngự. Thày cần con, ngay bây giờ, nhìn lại các chuẩn mực của con về cái gì là tâm linh hay không tâm linh. Mục đích của thày là đưa con tới điểm con nhận ra là cho dù hoàn cảnh con phải đối diện ngay bây giờ có là gì, con vẫn có thể là người tâm linh, và con vẫn có thể biểu hiện sự sáng tạo và cá thể mà Thượng đế đã ban cho con.  

Thày cần con thăng vượt một cái móc tinh vi khác của hàng ngũ giả trá, bảo rằng khi nào một số điều kiện vỏ ngoài được hội đủ, thì khi đó con mới có thể thực sự tâm linh. Đây là ảo tưởng mà con cần khắc phục, và con khắc phục bằng cách nhận ra là cách đánh giá, xét đoán một điều kiện hay một hoạt động là tâm linh hay không tâm linh, không phải lả cách nhìn cao nhất về sự vật.

Con sẽ không tiến xa hơn điểm này nếu con nghĩ là có một số hoạt động không tâm linh mà con phải tránh né, và có những hoạt động khác tâm linh mà con phải tìm cầu.  Điều thày cần con nhận ra là, ngay bây giờ, bước tiến của con trên đường tu tùy thuộc vào việc con nhìn ra một số điều kiện, một số khuôn nếp, một số khuôn đúc trong bốn thể phàm của con đang hạn chế con biểu hiện sự sáng tạo cũng như quyền năng sáng tạo của con.

Để nhìn thấy chúng, con cần có một số trải nghiệm trong thế giới vật chất. Những điều kiện mà con đối mặt ngay trong lúc này không phải là kẻ thù của sự phát triển tâm linh của con. Con không cần phải nhìn chúng theo cách đánh giá sơ sài, cách đánh giá trắng đen, cách đánh giá nhị nguyên là chúng có tâm linh hay phản tâm linh. Con cần xem xét chúng và nhận ra các điều kiện đó chỉ là sự biểu hiện của một trạng thái tâm thức nào đó. Chúng cho con một cơ hội để con nhìn thấy một điều gì đó về chính con dựa trên cách con phản ứng lại các điều kiện đó.

Con có thể đang đối mặt với một hoàn cảnh, mà từ một sự đánh giá trắng đen bề ngoài, con sẽ cho là có những thứ không được tâm linh, không được trong sạch. Cho đến giờ, có thể con đã cố tránh né chúng, bác bỏ chúng, chối từ chúng, chạy trốn khỏi chúng. Điều thày cần con làm là xoay chuyển và nói: “Những điều kiện này thật ra đang có ý dạy tôi điều gì? Tôi đang phản ứng lại chúng như thế nào? Phản ứng của tôi nói lên điều gì về những tin tưởng, những cảm nhận của tôi, về cách tôi nhìn chính mình trong quan hệ với thế giới vật chất?”

10.7. Khía cạnh Alpha và Omega của bản sắc

Những gì con mang trong thể bản sắc có một khía cạnh Alpha và một khía cạnh Omega. Khía cạnh Alpha nằm trong phần cao của thể bản sắc, là cái nhìn từ ngay bên dưới cá thể trong Hiện diện TA LÀ của con. Nhiều người không thể nhìn thấy nó một cách ý thức vì nó bị che khuất bởi khía cạnh Omega của bản sắc. Cái Omega này là ý niệm bản sắc mà con đã xây đắp suốt nhiều kiếp đầu thai trên địa cầu.

Ý niệm bản sắc này là cách con nhìn bản thân con trong quan hệ với thế giới vật chất, với cõi của Mẹ. Đây là bản sắc mà con cần phát hiện, phơi bày, tra vấn, nhìn thấy là nó không thực, và dần dần thăng vượt nó. Đây là cái bản sắc khiến con tin rằng bởi vì con ở trong một cơ thể vật lý, bởi vì con ở trong hoàn cảnh này kia nọ, con không thể bày tỏ cá thể đích thực và sự sáng tạo đích thực của con. Chắc chắn là con có một số khuôn ếp trong cảm thể, một số tin tưởng trong trí thể, cũng chặn nghẽn sự sáng tạo của con. Chúng ở một mức thấp hơn ý niệm bản sắc bảo con có thể làm gì và không thể làm gì, cái gì con được phép hay không được phép làm trong thế gian này. Thày cần con suy ngẫm điều này với tâm  ý thức, để qua đó con có thể tận dụng những bài học mà con nhận được ban đêm ở khóa nhập thất của thày.  

Người ta nói rằng dưới mắt người trong sáng thì mọi chuyện đều trong sáng, và hẳn câu nói này chứa đựng nhiều sự thật. Nhưng thày sẽ đi một bước xa hơn và nói rằng đối với một người có tâm thức trong sạch, ngay cả sự lượng định trong sạch hay không trong sạch cũng tan biến mất. Con không nhìn vào đời mình, vào các điều kiện, rồi bảo: “Ồ, cái này ô uế, tôi muốn tránh.” Thay vào đó, con nói: “Nhất định phải có lý do khiến điều kiện này thị hiện trong đời mình, nhất định phải có điều gì đó mà đúng lý tôi phải học hỏi từ đó.”

Điều này không có nghĩa là con ôm lấy điều kiện đó, mà con ôm lấy bài học. Thay vì chạy trốn khỏi điều kiện và như vậy cũng chạy trốn khỏi bài học, con ôm lấy bài học. Có nhiều người tâm linh, hầu khắc phục một giới hạn trong tâm lý mình, cần phải đi một số bước, cần kinh qua một số trải nghiệm có vẻ phản tâm linh hay ô trược trong nhãn quan trắng đen. Nhiều người trong số các con sẽ có thể nhìn vào đời mình và nhận thấy là con đã trải qua một số tình huống tỏ ra hoặc ô trược, không tâm linh và đau đớn, hoặc khiến cho bây giờ con phải vô cùng xấu hổ.

10.8. Nguyên nhân của cảm nhận nhục nhã 

Con đã cảm thấy nhục nhã bởi những điều kiện đó nhưng nếu con sẵn lòng xoay chuyển như thày vừa nói, con có thể khắc phục những cảm giác đó và hiểu ra là con đã phải kinh qua chúng hầu khắc phục một điều gì đó bên trong con. Có thể có một bài học mà con đã phải học về một niềm tin là con có thể hay không thể làm điều gì trong thế gian này. Cũng có thể con cần bị nhục nhã để khắc phục một niềm tự hào.  

Nhiều người tâm linh được hưởng trớn rất lớn khi họ thành công trong thế giới vật chất. Chẳng hạn có nhiều người trong một tiền kiếp đã được ưu đãi, đã thuộc một tầng lớp ưu tú ưu đãi. Con đã giàu có, đã sinh ra trong một gia đình danh giá quyền lực, hay con đã từng giữ chức vụ và điạ vị trong xã hội khiến con không phải nếm mùi một số điều kiện mà những người gọi là tầm thường phải trải qua.

Do đó, có thể con đã cảm thấy thật nhục nhã phải trải qua các điều kiện đó, nhưng tại sao con lại cảm thấy như vậy? Là vì con đã tạo dựng một niềm tự hào cho rằng mình phần nào tốt hơn mọi người khác do vị thế ưu đãi của mình. Thày không đang bảo là đa số người tâm linh đều là sa nhân, nhưng sự thật là nhiều người trưởng thành tâm linh đã đầu thai trong những gia đình có sa nhân trong đó, và lý do là để cho người tâm linh có thể học hỏi cũng như để cho sa nhân có cơ hội chứng kiến một cách nhìn khác về cuôc đời. Thật là quá dễ khoác vào niềm tin vi tế của sa nhân cho rằng bởi vì con có địa vị ưu đãi trong xã hội, thì con cũng là một người tốt hơn người khác, và do đó có những chuyện xấu xa mà con không phải tiếp xúc.

Nếu con tiếp xúc với những điều kiện đó, con sẽ cảm thấy nhục nhã. Và nếu đó là trường hợp của con, thày yêu cầu con xét xem liệu đó chẳng phải là toàn bộ mục đích để con có cơ hội khắc phục niềm tự kiêu của mình và bỏ nó lại đằng sau hay sao? Có một lý do khác cũng có thể xảy ra khi con trải nghiệm những điều kiện nhục nhã hay hạn chế mình. Có thể là con phải nhìn ra một khuôn nếp trong tâm lý mình, có thể con phải vượt qua lòng tự kiêu, hay cũng có thể là con muốn đạt tới điểm con biểu hiện được sức mạnh ý chí mà con đã không thể biểu hiện trong những kiếp trước.   

10.9. Biểu hiện một sức mạnh ý chí cao hơn

Khi thày nói là con phải có một số trải nghiệm cho đến khi con chán chê, thì câu này có những khía cạnh khác nhau. Có những trải nghiệm liên quan đến cơ thể đem lại cho con một cảm giác thích thú. Hầu hết mọi người sẽ thấy là suốt mấy kiếp sống, một khi họ đã nếm đủ những trải nghiệm đó thì họ sẽ bắt đầu chán ứ, không còn dính mắc những loại ham muốn thể xác đó như trước. Có một mức cao hơn cho sự kiện trên, là có một số điều kiện mà con trải nghiệm với mục đích đưa con tới mức con có được quyết định ý thức là: “Thế này là đủ rồi, tôi không muốn trải nghiệm chuyện này thêm nữa.”

Chính vị sứ giả này đã có trải nghiệm trong những năm gần đây là nhận ra ông đã tin tưởng sai lầm là vai trò của ông nhằm giúp đỡ tất cả những ai tự nhận mình quan tâm đến đường tu tâm linh, thậm chí cả những người đã từng là sa nhân, hay đã có một cái nhìn vô cùng tiêu cực về cuộc sống cũng như về chính họ. Rồi ông đã nhận ra lý do ông đã thu hút những loại người như vậy là vì ông cần biểu hiện sức mạnh ý chí để nói rằng: “Thôi đủ rồi, tôi không muốn những loại người đó trong đời tôi nữa.” Có thể con cũng đối mặt với một khai ngộ tương tự dưới một ngụy trang và y phục bên ngoài khác hơn. Điều quan trọng là con suy ngẫm xem trong đời mình có thể có chăng một số điều kiện mà con thu hút hết lần này tới lần khác, chỉ vì một nguyên do duy nhất là con chưa lấy quyết định chắc chắn là con không muốn đối phó với điều kiện đó nữa.    

Dĩ nhiên, điều có thể cần thiết là sau đó con nhìn vào bản thân và nói: “Đâu là niềm tin đang thu hút điều kiện này tới tôi, khiến tôi cảm thấy như mình bị bắt buộc, như mình phải làm, hay phải phản hồi?” Trong trường hợp vị sứ giả này, ông đã nhận ra là ông tưởng ông phải có khả năng giúp đỡ mọi người. Trong một nghĩa nào đó, đây cũng là một hình thức kiêu ngạo, bởi vì không ai trong chúng ta có thể giúp đỡ mọi người. Không một vị thày tâm linh nào – từ xưa tới giờ và trong tương lai – có thể giúp đỡ mọi người đang đầu thai. Cho dù con là ai đi nữa, sẽ có một số người mà con không thể chạm được. Sứ giả này tưởng là nếu có ai ông không thể giúp được, đó là vì nơi ông có cái gì đó không ổn. Ông không đủ giỏi, không đủ hiểu biết, đã không đủ phát triển một số khả năng. Ông không ngừng nghĩ là chính ông phải thay đổi bản thân để chiều lòng người khác.  

10.10. Thay đổi bản thân để chiều lòng người khác

Đây lại là thêm một cái móc của sa nhân mà chúng cài đặt vào tâm trí hầu hết mọi người dưới những ngụy trang khác nhau. Chúng khiến con nghĩ là bởi vì con đi trên đường tâm linh và con sẵn sàng tự cải sửa bản thân, đây là thêm một điều kiện mà con cần tự thay đổi để mà giải quyết. Con cần phải cong lưng ra để chiều lòng thêm những loại người đó, phải có khả năng giúp đỡ họ hay thực hiện một việc gì đó trong thế giới vật chất.     

Trong nhiều trường hợp, cuộc khai ngộ ở đây là con phải đạt tới điểm con có thể nói: “Tôi không muốn làm chuyện này. Chuyện này không phù hợp với mong muốn cao hơn về những gì tôi muốn biểu đạt trên địa cầu. Tôi không muốn xử lý những loại người này. Tôi không muốn thay đổi bản thân để chiều lòng những người không sẵn lòng bước chân trên đường tu, không sẵn lòng xem xét chính mình. Họ tìm cách thay đổi tôi để tránh không phải thay đổi chính họ, và tôi không chấp nhận nữa. Tôi không sẵn lòng tự thay đổi để chiều lòng những người không sẵn lòng tự thay đổi. Tôi sẽ tự thay đổi, và tôi tự thay đổi ngay bây giờ bằng cách quyết định trong ý thức là tôi không muốn những người này trong đời tôi. Tôi thay thế tin tưởng rằng tôi phải tự thay đổi để chiều lòng họ bằng nhận thức là tôi có quyền là con người mà tôi là, và biểu hiện cá thể mà Thượng đế đã ban cho tôi, cho dù những người đó có nghĩ gì đi nữa.”

Sự thật muôn đời là các đệ tử tâm linh có thể chia đại khái làm hai loại. Có những đệ tử rất chắc chắn nơi mình, họ thường có một niềm tự hào và một cảm nhận nào đó rằng mình biết hơn thày là thày phải dạy họ như thế nào. Những đệ tử như thế rất khó cho vị thày tâm linh giúp đỡ.

Xong có loại đệ tử kia thì vô cùng khiêm tốn, cởi mở đón nhận sự hướng dẫn của vị thày, cởi mở với nhu cầu cải sửa bản thân. Họ rất “khả huấn” nhưng chỉ tới một mức mà thôi, vì sẽ tới một điểm khi họ không thể tiến bộ được bằng cách đi theo thày. Con phải bắt đầu tự lấy quyết định, con phải quyết định là con muốn gì và không muốn gì trong đời mình. 

10.11. Tất cả đều tâm linh

Có thể sẽ rất ích lợi nếu con nhìn vào đời con, nhìn vào cách con lượng định điều gì là tâm linh hay không tâm linh, và nhận ra là khi mục đích thực sự là tăng triển, thì chẳng có gì trên địa cầu mà ô trược hay không tâm linh. Nếu con cần một trải nghiệm nào đó để nhìn ra điều gì đó về bản thân, thì việc trải nghiệm đó không phản tâm linh.

Thày cũng cần con nhìn vào chuẩn mực đó về tâm linh và nhận ra là hàng ngũ giả trá đã dùng nó để khiến nhiều người chú tâm vào việc tránh né một cái gì. Hãy lấy một ví dụ điển hình: tình dục. Biết bao người tâm linh có đủ loại tin tưởng rằng tình dục không tâm linh, rằng một số dạng tình dục không tâm linh, hay một số sinh hoạt tình dục không tâm linh.

Các con đã có nền văn hóa tu viện cổ xưa, qua đó người tu hành phải hoàn toàn tránh quan hệ tình dục, như ngay cả Giáo hội Công giáo cũng cấm đoán linh mục kết hôn. Thày không quan tâm con có quan hệ tình dục hay không, mà thày quan tâm là liệu con có để cho quan hệ tình dục chiếm quá nhiều chú ý của con mà con có thể sử dụng để tinh tấn tâm linh. Con có thấy điều thày muốn nói?  

Nếu con nghĩ tình dục là chuyện ô uế và con buộc mình phải tránh quan hệ tình dục, con đang tạo ra một sự căng thẳng trong tâm sẽ khiến con sao lãng việc tăng trưởng tâm linh. Nếu con nghĩ tình dục là ô uế hay một số dạng tình dục là ô uế, và con không ngừng đánh giá tình dục trong khi vẫn có quan hệ, thì một lần nữa sự chú ý của con lại bị bận rộn.   

Điều thày cần con ngộ ra là cho dù đó là tình dục hay một hoạt động thể xác nào khác, tự thân hoạt động đó không có gì ô uế. Điều con cần làm là đạt tới điểm con đơn giản lấy một quyết định. Thày không có vấn đề gì khi đệ tử nói: “Con mong muốn trải nghiệm tình dục” rồi sau đó con trải nghiệm một cách có trách nhiệm mà không làm tổn hại đến bản thân hay người khác. Như vậy con không để cho nó chiếm giữ sự chú ý của con.

Đó chỉ là một việc mà con làm nhưng nó không lôi cuốn sự chú tâm của con. Nó không khiến con ở trong tình trạng xáo trộn tình cảm không ngừng, hay không ngừng tranh luận với chính mình là chuyện đó có chấp nhận được hay không. Nó không khiến con tự hỏi: “Ồ, không biết mình có là người tâm linh hay không khi mình lại làm chuyện này, hay là mình không nên làm?” Thày cần con đạt tới điểm con không còn căng thẳng nào nứa liên quan đến các hoạt động thể xác mà con tham gia. Con cứ việc tham gia, con thưởng thức và con vui hưởng kinh nghiệm, và sau đó con lại tập trung phần lớn sự chú ý của mình vào những công việc khác.     

Thày vừa cho con một bài giảng thật dài, đó là vì tầng thứ tư ở khóa nhập thất của thày lại là một tầng nữa mà con thật sự không thể tiến bước cho tới khi con có sự đột phá. Thày biết là các thày khuyên con học từng bài hay đọc từng bài thỉnh mỗi ngày một lần và liên tục trong chín ngày. Điều sẽ vô cùng xây dựng nếu con có thể đọc bài thỉnh cho tầng thứ tư này nhiều hơn chín ngày, đọc đi đọc lại bài giảng này, suy ngẫm những gì thày đã nói, lập ra các danh sách hay it nhất thiền quán về các điều kiện và gợi ý mà thày đã trao cho con.

Thày muốn con không đặt ra giới hạn trong thời gian con sẽ học tập bài này. Con hãy tiếp tục cho đến khi con có thể cảm thấy một cách trung thực: “Bây giờ tôi đã sẵn sàng bước tiếp.” Thày không nói cho con biết con cần làm bao lâu. Có thể là chỉ một ngày, có thể là chín, hay cũng có thể là nhiều hơn. Thày chỉ yêu cầu con hòa điệu với thời điểm khi con cảm thấy trong nội tâm là con đã sẵn sàng.  Thày không yêu cầu con quyết định với tâm vỏ ngoài. Thật ra, thày yêu cầu con ý thức là tâm vỏ ngoài của con có thể muốn con hoàn tất bài học nhanh chóng do niềm kiêu ngạo, hay là nó có thể muốn kéo dài bài học ra do kiêu ngạo giả dối, khiêm tốn giả dối. Con hãy học tập bài này cho tới khi con biết rõ từ bên trong: “Giờ đây tôi đã sẵn sàng.”, xong con hãy bước tới tầng khai ngộ thứ năm.

Serapis Bey TA LÀ.