Sự đổi mới của đạo Phật

Hỏi: Các chân sư thăng thiên đã giải thích rất nhiều về các vấn đề tổng quát của Cơ đốc giáo. Con xin các thày cho biết quan điểm về những vấn đề tổng quát của xã hội Phật giáo trên toàn thế giới và xã hội Phật giáo Hàn quốc. Các xã hội này cần phương hướng thế nào để tiến về phía trước?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 14/10/2019.

Như Mẹ Mary vừa bày tỏ, kiến thức và gốc gác văn hóa của vị sứ giả có thể là một hạn chế bởi vì sứ giả này không quen thuộc với xã hội Phật giáo tại Hàn quốc hay với Phật giáo nói chung, ít nhất là các khía cạnh về tổ chức. Ông nắm vững giáo lý của đức Phật nhưng không hiểu biết nhiều về phần tổ chức.

Nhưng thật là rõ ràng Phật giáo đã tiếp tục là một tôn giáo thuần khiết hơn Cơ đốc giáo chẳng hạn. Trong Phật giáo không đến nỗi có những lớp che phủ giáo lý như trong Cơ đốc giáo. Điều này một phần là vì những giáo lý mà ta giảng dạy không dễ dàng bị bóp méo. Và phần khác là vì tư duy của người Á đông không đến nỗi “đường thẳng” như tư duy người phương Tây. Vì thế mà tâm người Á đông cởi mở hơn đối với các lời dạy về bất nhị, họ thấy được các thái cực dễ dàng hơn là tâm người phương Tây nói chung.

Cho nên nếu con nhìn một người trung bình đã lớn lên trong một nền văn hóa Phật giáo tại Á châu, không nhất thiết có nhiều điều có thể thay đổi. Ta không nghĩ là Phật giáo đã hoàn toàn đi trật đường rầy như Cơ đốc giáo rõ ràng đã đi chệch hướng. Vì vậy các xã hội Phật giáo tại Á châu, kể cả Hàn quốc, vẫn đang đưa ra những lời dạy khả dĩ có giá trị đối với một người trung bình.  

Nhưng mặt khác cũng phải nói là khi con có một vị thày đã đạt một mức tâm thức nào đó, tức là vượt khỏi nhị nguyên, thì vị thày này sẽ vô cùng khó khăn đưa ra những lời dạy về nhị nguyên và bất nhị mà một người chìm trong nhị nguyên có thể nắm bắt được. Điều này có nghĩa là cho dù người đó không có ý định xấu xa và không bị sa nhân ảnh hưởng, thì tâm nhị nguyên vẫn trải một lớp phủ nào đó lên trên giáo lý.   

Vì vậy từ góc nhìn này, điều không thể tránh được là Phật giáo đã trở thành một tôn giáo với một cách diễn giải nhị nguyên phủ chồng lên trên giáo lý bất nhị. Điều này đã mang hệ quả mà con cũng thấy trong Cơ đốc giáo, là rất, rất nhiều người xem Phật giáo là một con đường công truyền, vỏ ngoài. Nếu theo con đường này thì chỉ cần tuân thủ một số giáo huấn, thực hành một số tu tập, một số nghi lễ, và tất cả trở nên gần như máy móc. Hiện có quá, quá nhiều người cũng có cùng thái độ như tại phương Tây khi con thấy những tín đồ Cơ đốc nghĩ rằng nếu mình tin vào giáo lý vỏ ngoài, nếu mình tu tập tôn giáo vỏ ngoài, nếu mình làm đúng theo nghi thức, thì một ngày nào đó trong tương lai, có thể là sau kiếp này, mình sẽ thấy một sự chuyển đổi và mình sẽ chứng ngộ.   

Tất nhiên đây không phải là những gì ta giảng dạy thuở trước. Ta giảng dạy một con đường nội tâm đòi hỏi con phải chuyền vọt trạng thái tâm thức của con. Liệu một người trung bình tại hầu hết các nước Á châu có sẵn sàng đi theo con đường nội tâm này hay chưa? Chưa đâu, nhưng chắc chắn là có nhiều người đã sẵn sàng. Cho nên sự thay đổi có tiềm năng xảy ra là các xã hội Phật giáo sẽ nhận ra được sự khác biệt giữa con đường công truyền vỏ ngoài với con đường tâm truyền nội tâm, và trong thời đại hôm nay, ngày càng sẽ có nhiều người sẵn sàng cất bước trên con đường nội tâm này. Do đó, các xã hội này có thể nỗ lực nhiều hơn để đặt trọng tâm vào con đường tâm truyền hầu giúp được nhiều người hơn.

Một số xã hội Phật giáo có nhận thức về đường nội tâm, nhưng song song lại cảm nhận một người trung bình không làm sao theo được, và do đó con đường này không được giảng dạy cho quần chúng mà chỉ trong một số tu viện nơi người ta cho rằng chỉ các tăng ni mới sẵn sàng đi theo vì họ đã cống hiến cả đời mình cho việc tu hành. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, cách hiểu như vậy không chính xác. Như ta đã trình bày, một người trung bình có thể chưa sẵn sàng nhưng chắc chắn nhiều người khác thì thật đã sẵn sàng. Có rất, rất nhiều người sẵn sàng hơn là các vị có ý xuất gia nơi tu viện, bởi vì như ta có nói trong thời đại hôm nay, sống tâm linh không thực sự là sống trong tu viện mà là sống bình thường mỗi ngày và tham gia tích cực vào xã hội, ít ra là cho đa số.     

Lẽ tự nhiên, ta mong muốn thấy các xã hội Phật giáo nhận ra được điều này: nếu đức Phật và sự chứng đạt giác ngộ còn có chút ý nghĩa nào, thì điều đó phải là ta vẫn còn hiện diện như một đấng giác ngộ, như một Chân sư Thăng thiên, và ngày hôm nay ta vẫn hoàn toàn sẵn sàng cũng như hoàn toàn có khả năng đưa ra những lời giảng dạy trực tiếp cho những ai sẵn lòng nhận lấy. Thực sự rất có thể có những người đã lớn lên trong truyền thống Phật giáo, đã thấm nhuần truyền thống này, sẽ trở thành những vị sứ giả cho ta, không nhất thiết là phải truyền đọc bài giảng của ta như ở đây tuy rằng điều đó cũng có thể xảy ra, mà trong ý nghĩa họ có thể nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của ta và như vậy đưa đạo Phật lên một tầm cao mới.     

Con sẽ thấy là giáo lý mà các chân sư đưa ra hôm nay được dựa trên nguyên tắc tiết lộ tuần tự. Tình hình thật giản dị. Để cho một vị thày đang đầu thai trong thế gian đạt được một mức tâm thức nào đó không phải là điều dễ dàng, đơn giản, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Con thấy là từ khi ta hiện thân trong xác thịt, đã có một số vị thày đạt được tâm thức cao và đưa ra được một số giáo lý có thể xem là tiết lộ tuần tự. Long Thọ là một ví dụ như thế và chắc chắn có nhiều ví dụ khác nữa. Cho nên trong một nghĩa nào đó, con có thể thấy sự ích lợi nếu các xã hội Phật giáo nhận ra được những thay đổi lớn lao trong xã hội từ khi ta hiện thân vật lý, cũng như sự cần thiết phải tinh chỉnh và mở rộng thông điệp, sự cần thiết phải tiến xa hơn nữa, phải không ngừng tiết lộ thêm những điều mới một cách tuần tự.    

Con hãy nhìn vào dòng chuyển động của tâm thức. Khi một giáo lý được đưa ra ở một thời điểm nào đó và có tiềm năng giúp con người thăng vượt tâm thức mình, nếu có người nhận lấy và thực hành giáo lý thì tâm thức tập thể sẽ được nâng lên. Không thể nào có giáo lý đưa ra ở một thời điểm mà lại vẫn tiếp tục hữu ích y như vậy mãi mãi trong tương lai. Nếu giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm mang lại kết quả thì tâm thức tập thể đã được nâng lên, có nghĩa là sẽ cần giáo lý ở một mức cao hơn. Những gì ta có thể giảng dạy 2500 năm trước không phải là chân lý tuyệt đối có thể đứng yên mãi trong mọi thời đại, mà đó là giáo lý phù hợp với tâm thức tập thể của con người vào thời buổi đó, ở địa phương đó. Cho nên dù là một bậc thày giác ngộ thì cũng không thể nào đưa ra một giáo lý tuyệt đối được.      

Một vị thày giác ngộ không dạy giáo lý mà vị đó cần, mà trái lại dạy giáo lý mà con người cần. Vị thày biết rõ trình độ tâm thức của những người theo học mình và những gì mình có thể đem ra giảng dạy vào thời điểm đó. Vị thày biết rõ họ không thể nắm bắt một giáo lý cao hơn cho dù mình có thể trao cho họ giáo lý cao hơn.

Và vì vậy, đây sẽ là một sự thay đổi thật quý báu khi mà các Phật tử cũng các vị lãnh đạo Phật giáo nhận ra được là quả thực có sự cần thiết phải đổi mới đạo Phật. Ngoài ra cũng có nhu cầu vượt ra khỏi con đường công truyền, con đường máy móc chỉ lặp đi lặp lại một số nghi thức. Như con có thể thấy qua ví dụ cùng cực là bánh xe cầu nguyện Phật giáo: người ta cho rằng bằng cách quay một chiếc bánh xe, họ có thể thăng tiến tâm linh và làm cho nghiệp quả của họ tiêu sạch. Đó không phải là những điều ta giảng dạy cách đây 2500 năm, ít ra là những gì ta còn nhớ, và ta nhớ khá rõ.