Sự bóp méo các lời dạy của Khổng Tử

Hỏi: Con nghe nói là Khổng Tử đã thăng thiên và hiện nay đang phụng sự ở một hành tinh khác. Khi nhìn vào Khổng Tử cùng các lời dạy của ông theo một quan điểm hiện đại, chúng ta có thể nói là các lời dạy đó đã khuyến khích sự phân biệt đối xử đối với phái nữ và cũng đã góp phần vào việc hình thành một nền văn hóa đặt nền tảng trên nhị nguyên. Tại sao những việc này đã xảy ra? Cũng giống như giáo lý của Giê-su đã bị sa nhân bóp méo, liệu giáo lý của Khổng Tử cũng đã bị bóp méo hay không? Nếu vậy thì có cách nào để phần tinh hoa của giáo lý Khổng Tử được trình bày một cách đúng đắn trong thế giới hiện đại không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Trước hết con yêu dấu, chưa bao giờ trên hành tinh này đã từng có một giáo lý tâm linh nào không bị bóp méo. Một khi lời dạy được đưa ra dưới một dạng ngôn từ có thể được sao chép và truyền bá thì ngôn từ có thể được diễn giải, nhiều điều có thể được ghép thêm vào đó, còn sa nhân thì luôn luôn cố gắng bóp méo bất cứ lời dạy nào. Tất nhiên lời dạy của Khổng Tử cũng đã bị tha hóa.

Các lời dạy này đã được người ta sử dụng để viện cớ cho một nhà nước tập trung dưới sự cai trị của một người, một lãnh đạo độc nhất. Chúng cũng đã được người ta dùng ở một mức độ nào đó để củng cố cho sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, nhưng vào thời Khổng Tử sự kỳ thị phụ nữ đã vô cùng sâu đậm rồi cho nên thật không có cách nào bài trừ được hoàn toàn.

Khổng Tử hiểu rõ điều này và ông đã lấy một quan điểm thực tế và thực tiễn hầu cố thay đổi những gì có thể thay đổi được dựa trên tâm thức quần chúng vào lúc đó. Và tất nhiên, ông đã nhận được linh hứng từ các chân sư thăng thiên nhưng chỉ ở một cấp độ nào đó.

Vậy thì các lời dạy, phần tinh hoa các lời dạy của Khổng Tử, có đã được truyền lại trong thế giới hiện đại hay không? Hẳn nhiên là có, qua trung gian giáo lý của các chân sư thăng thiên mà các thày đang truyền rải trong thời đại hôm nay. Liệu lời dạy của ông có thể được truyền rải như là “Đây là giáo lý đích thực của Khổng Tử” hay không? À, điều này sẽ rất khó thực hiện bởi vì chính những người đang nghiên cứu hay tuân thủ lời dạy của Khổng Tử theo một cách nào đó sẽ là những người cuối cùng chịu nhìn nhận như vậy. Và do đó đối với những ai không đặc biệt quan tâm đến Khổng Tử, tại sao các thày lại gắn liền giáo lý đó với Khổng Tử, tại sao không chỉ đơn giản đưa ra những lời dạy này y như các thày đang làm trong các bối cảnh khác?

Học hỏi Nho giáo

Hỏi: Liệu Nho giáo có đáng để người ta học hỏi hầu cải sửa bản thân hay không? Hay Nho giáo là xấu xa và do một sa nhân lập ra?


Trả lời của chân sư thăng thiên Khổng Tử qua trung gian Kim Michaels trong Webinar 2021 – Tiến tới Quan hệ thời Hoàng kim. Đăng ngày 11/10/2021.

Ta không là một sa nhân. Ta chưa bao giờ là sa nhân và cũng không đến từ sinh thể sa ngã. Vào thời ta đầu thai và giảng dạy, ta đã đạt được một khả năng nhận biết khá cao, nhưng không thể gọi là cao nhất có thể đạt được trên địa cầu. Nhưng ta đã có thể nhận được một số ý tưởng từ cõi tâm linh và đã gói gọn lại thành giáo lý vỏ ngoài của Nho giáo.   

Tuy nhiên, con cần nhận ra là – và mọi lời dạy khác cũng đều phải như vậy – lời dạy của ta được trình bày trong một bối cảnh, một nền văn hóa, một dân tộc, một thời điểm đặc thù. Đương nhiên cũng có một số yếu tố, một số nguyên lý vượt thời gian trong đó, nhưng ta không khuyến cáo con học hỏi giáo lý này ngày nay bởi vì con đã có giáo lý của các chân sư thăng thiên rồi. Có thể một vài người sẽ có nhu cầu tìm hiểu Nho giáo trong một thời gian để biết rõ hơn, nhưng nói chung, ta sẽ không khuyên mọi học trò tâm linh nên học.     

Các ý tưởng đó được đưa ra vào thời buổi đó nhằm thay đổi cách hành xử vỏ ngoài của con người, chứ không chủ yếu nhắm vào việc cải sửa tâm lý con người ở mức sâu xa, bởi vì điều đó không thể làm được vào lúc đó. Cũng cần nói thêm là giáo lý được đưa ra từ quan điểm giải thích mối quan hệ giữa nhà nước với người dân, và người dân cần phải cư xử như thế nào hầu giữ vững cho nhà nước được trật tự, vận hành đúng chức năng. Nhưng hiển nhiên là chế độ thời đó khác xa một nền dân chủ, và do đó những ý tưởng này không thật sự áp dụng được cho một nền dân chủ tân tiến.   

Con có thể nói được là ở một mức độ nào đó, Nho giáo đã bị các sa nhân sử dụng để biện hộ cho một nhà nước kiểm soát. Về điểm này thì con có lý. Nhưng điều này không có nghĩa là lời dạy không có những yếu tố có giá trị hay vượt thời gian. Cho dù chúng tôi có đưa ra điều gì đi nữa thì sa nhân cũng sẽ tìm cách xuyên tạc, lạm dụng. Và tất nhiên, một số kẻ sẽ cố tình lạm dụng nếu nó đem lại lợi lạc cho họ. Chẳng hạn, nó củng cố địa vị của giai cấp thượng lưu cầm quyền và khiến cho người dân phải phục tùng giai cấp đó.

Sự đổi mới của đạo Phật

Hỏi: Các chân sư thăng thiên đã giải thích rất nhiều về các vấn đề tổng quát của Cơ đốc giáo. Con xin các thày cho biết quan điểm về những vấn đề tổng quát của xã hội Phật giáo trên toàn thế giới và xã hội Phật giáo Hàn quốc. Các xã hội này cần phương hướng thế nào để tiến về phía trước?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 14/10/2019.

Như Mẹ Mary vừa bày tỏ, kiến thức và gốc gác văn hóa của vị sứ giả có thể là một hạn chế bởi vì sứ giả này không quen thuộc với xã hội Phật giáo tại Hàn quốc hay với Phật giáo nói chung, ít nhất là các khía cạnh về tổ chức. Ông nắm vững giáo lý của đức Phật nhưng không hiểu biết nhiều về phần tổ chức.

Nhưng thật là rõ ràng Phật giáo đã tiếp tục là một tôn giáo thuần khiết hơn Cơ đốc giáo chẳng hạn. Trong Phật giáo không đến nỗi có những lớp che phủ giáo lý như trong Cơ đốc giáo. Điều này một phần là vì những giáo lý mà ta giảng dạy không dễ dàng bị bóp méo. Và phần khác là vì tư duy của người Á đông không đến nỗi “đường thẳng” như tư duy người phương Tây. Vì thế mà tâm người Á đông cởi mở hơn đối với các lời dạy về bất nhị, họ thấy được các thái cực dễ dàng hơn là tâm người phương Tây nói chung.

Cho nên nếu con nhìn một người trung bình đã lớn lên trong một nền văn hóa Phật giáo tại Á châu, không nhất thiết có nhiều điều có thể thay đổi. Ta không nghĩ là Phật giáo đã hoàn toàn đi trật đường rầy như Cơ đốc giáo rõ ràng đã đi chệch hướng. Vì vậy các xã hội Phật giáo tại Á châu, kể cả Hàn quốc, vẫn đang đưa ra những lời dạy khả dĩ có giá trị đối với một người trung bình.  

Nhưng mặt khác cũng phải nói là khi con có một vị thày đã đạt một mức tâm thức nào đó, tức là vượt khỏi nhị nguyên, thì vị thày này sẽ vô cùng khó khăn đưa ra những lời dạy về nhị nguyên và bất nhị mà một người chìm trong nhị nguyên có thể nắm bắt được. Điều này có nghĩa là cho dù người đó không có ý định xấu xa và không bị sa nhân ảnh hưởng, thì tâm nhị nguyên vẫn trải một lớp phủ nào đó lên trên giáo lý.   

Vì vậy từ góc nhìn này, điều không thể tránh được là Phật giáo đã trở thành một tôn giáo với một cách diễn giải nhị nguyên phủ chồng lên trên giáo lý bất nhị. Điều này đã mang hệ quả mà con cũng thấy trong Cơ đốc giáo, là rất, rất nhiều người xem Phật giáo là một con đường công truyền, vỏ ngoài. Nếu theo con đường này thì chỉ cần tuân thủ một số giáo huấn, thực hành một số tu tập, một số nghi lễ, và tất cả trở nên gần như máy móc. Hiện có quá, quá nhiều người cũng có cùng thái độ như tại phương Tây khi con thấy những tín đồ Cơ đốc nghĩ rằng nếu mình tin vào giáo lý vỏ ngoài, nếu mình tu tập tôn giáo vỏ ngoài, nếu mình làm đúng theo nghi thức, thì một ngày nào đó trong tương lai, có thể là sau kiếp này, mình sẽ thấy một sự chuyển đổi và mình sẽ chứng ngộ.   

Tất nhiên đây không phải là những gì ta giảng dạy thuở trước. Ta giảng dạy một con đường nội tâm đòi hỏi con phải chuyền vọt trạng thái tâm thức của con. Liệu một người trung bình tại hầu hết các nước Á châu có sẵn sàng đi theo con đường nội tâm này hay chưa? Chưa đâu, nhưng chắc chắn là có nhiều người đã sẵn sàng. Cho nên sự thay đổi có tiềm năng xảy ra là các xã hội Phật giáo sẽ nhận ra được sự khác biệt giữa con đường công truyền vỏ ngoài với con đường tâm truyền nội tâm, và trong thời đại hôm nay, ngày càng sẽ có nhiều người sẵn sàng cất bước trên con đường nội tâm này. Do đó, các xã hội này có thể nỗ lực nhiều hơn để đặt trọng tâm vào con đường tâm truyền hầu giúp được nhiều người hơn.

Một số xã hội Phật giáo có nhận thức về đường nội tâm, nhưng song song lại cảm nhận một người trung bình không làm sao theo được, và do đó con đường này không được giảng dạy cho quần chúng mà chỉ trong một số tu viện nơi người ta cho rằng chỉ các tăng ni mới sẵn sàng đi theo vì họ đã cống hiến cả đời mình cho việc tu hành. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, cách hiểu như vậy không chính xác. Như ta đã trình bày, một người trung bình có thể chưa sẵn sàng nhưng chắc chắn nhiều người khác thì thật đã sẵn sàng. Có rất, rất nhiều người sẵn sàng hơn là các vị có ý xuất gia nơi tu viện, bởi vì như ta có nói trong thời đại hôm nay, sống tâm linh không thực sự là sống trong tu viện mà là sống bình thường mỗi ngày và tham gia tích cực vào xã hội, ít ra là cho đa số.     

Lẽ tự nhiên, ta mong muốn thấy các xã hội Phật giáo nhận ra được điều này: nếu đức Phật và sự chứng đạt giác ngộ còn có chút ý nghĩa nào, thì điều đó phải là ta vẫn còn hiện diện như một đấng giác ngộ, như một Chân sư Thăng thiên, và ngày hôm nay ta vẫn hoàn toàn sẵn sàng cũng như hoàn toàn có khả năng đưa ra những lời giảng dạy trực tiếp cho những ai sẵn lòng nhận lấy. Thực sự rất có thể có những người đã lớn lên trong truyền thống Phật giáo, đã thấm nhuần truyền thống này, sẽ trở thành những vị sứ giả cho ta, không nhất thiết là phải truyền đọc bài giảng của ta như ở đây tuy rằng điều đó cũng có thể xảy ra, mà trong ý nghĩa họ có thể nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của ta và như vậy đưa đạo Phật lên một tầm cao mới.     

Con sẽ thấy là giáo lý mà các chân sư đưa ra hôm nay được dựa trên nguyên tắc tiết lộ tuần tự. Tình hình thật giản dị. Để cho một vị thày đang đầu thai trong thế gian đạt được một mức tâm thức nào đó không phải là điều dễ dàng, đơn giản, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Con thấy là từ khi ta hiện thân trong xác thịt, đã có một số vị thày đạt được tâm thức cao và đưa ra được một số giáo lý có thể xem là tiết lộ tuần tự. Long Thọ là một ví dụ như thế và chắc chắn có nhiều ví dụ khác nữa. Cho nên trong một nghĩa nào đó, con có thể thấy sự ích lợi nếu các xã hội Phật giáo nhận ra được những thay đổi lớn lao trong xã hội từ khi ta hiện thân vật lý, cũng như sự cần thiết phải tinh chỉnh và mở rộng thông điệp, sự cần thiết phải tiến xa hơn nữa, phải không ngừng tiết lộ thêm những điều mới một cách tuần tự.    

Con hãy nhìn vào dòng chuyển động của tâm thức. Khi một giáo lý được đưa ra ở một thời điểm nào đó và có tiềm năng giúp con người thăng vượt tâm thức mình, nếu có người nhận lấy và thực hành giáo lý thì tâm thức tập thể sẽ được nâng lên. Không thể nào có giáo lý đưa ra ở một thời điểm mà lại vẫn tiếp tục hữu ích y như vậy mãi mãi trong tương lai. Nếu giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm mang lại kết quả thì tâm thức tập thể đã được nâng lên, có nghĩa là sẽ cần giáo lý ở một mức cao hơn. Những gì ta có thể giảng dạy 2500 năm trước không phải là chân lý tuyệt đối có thể đứng yên mãi trong mọi thời đại, mà đó là giáo lý phù hợp với tâm thức tập thể của con người vào thời buổi đó, ở địa phương đó. Cho nên dù là một bậc thày giác ngộ thì cũng không thể nào đưa ra một giáo lý tuyệt đối được.      

Một vị thày giác ngộ không dạy giáo lý mà vị đó cần, mà trái lại dạy giáo lý mà con người cần. Vị thày biết rõ trình độ tâm thức của những người theo học mình và những gì mình có thể đem ra giảng dạy vào thời điểm đó. Vị thày biết rõ họ không thể nắm bắt một giáo lý cao hơn cho dù mình có thể trao cho họ giáo lý cao hơn.

Và vì vậy, đây sẽ là một sự thay đổi thật quý báu khi mà các Phật tử cũng các vị lãnh đạo Phật giáo nhận ra được là quả thực có sự cần thiết phải đổi mới đạo Phật. Ngoài ra cũng có nhu cầu vượt ra khỏi con đường công truyền, con đường máy móc chỉ lặp đi lặp lại một số nghi thức. Như con có thể thấy qua ví dụ cùng cực là bánh xe cầu nguyện Phật giáo: người ta cho rằng bằng cách quay một chiếc bánh xe, họ có thể thăng tiến tâm linh và làm cho nghiệp quả của họ tiêu sạch. Đó không phải là những điều ta giảng dạy cách đây 2500 năm, ít ra là những gì ta còn nhớ, và ta nhớ khá rõ.  

Đạo Phật và tiến trình tiết lộ tuần tự

Hỏi: Khoảng một ngàn năm trước đây, một trong những giáo lý cao siêu nhất của Phật giáo Tây tạng, Kali Chakra Tantra, từng được một vị thày thuyết giảng. Tuy nhiên vì một số lý do, văn bản gốc đã bị thất lạc. Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng trong một tương lai gần, Chân sư Yêu dấu sẽ đưa ra một giáo lý hoàn chỉnh hơn để những người theo Phật giáo Tây tạng nói riêng và các Phật tử nói chung có thể tiếp cận được hay không?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Kazakhstan năm 2018. Đăng ngày 12/9/2019.

Tiếc thay, con yêu dấu, khả năng của ta để cải cách Phật giáo Tây tạng cũng hạn chế như khả năng của Giê-su cải cách đạo Cơ đốc vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với các tông phái chính mạch khác của đạo Phật. Các tông phái này không thực sự đón nhận ý tưởng rằng ngày nay ta có thể là một chân sư thăng thiên trong số nhiều chân sư thăng thiên khác. Tất nhiên là các chân sư sẽ tiếp tục đưa ra những giáo lý mới. Qua vị sứ giả này và qua các đợt truyền pháp trước, ta đã giảng dạy một số giáo lý tiên tiến hơn tất cả những gì có thể được giảng dạy hàng ngàn năm trước.

Con thấy không, trong hầu hết mọi phong trào tôn giáo luôn luôn có khuynh hướng nhìn về quá khứ và tôn vinh quá khứ như thể những gì được giảng dạy thuở trước phần nào cao hơn, thuần khiết hơn những giáo lý được trình bày thời nay. Nhưng với thực tế của tiến trình tiết lộ tuần tự, con cần nhìn nhận là khi tâm thức tập thể bước lên cao hơn thì giáo lý có thể được giảng dạy ngày hôm nay cũng phải cao hơn những gì có thể được giảng dạy 1000 năm hay 2000 năm hay 2500 năm về trước. Là một học trò của chân sư thăng thiên, con không có lý do gì tìm về quá khứ và tôn vinh các giáo lý quá khứ.

Sự đổi mới của tất cả mọi tôn giáo

Hỏi 1: Giê-su kính yêu, sau 2000 năm thày đến để cải tổ đạo Cơ đốc đã hiểu lầm những lời dạy của thày, để làm sáng tỏ những mối liên kết còn thiếu sót trong giáo lý cũng như để giải thích tinh túy của giáo lý của thày. Liệu chúng con có thể mong đợi sự xuất hiện sớm sủa của Đại thiên thần Gabriel, là đấng đã tiết lộ kinh Qur’an, trên một trang mạng tương tự như trang mạng của thày để làm sáng tỏ những thiên khải cho Muhammad? Con nghĩ những lời giải thích và sáng tỏ này ngày nay đã trở thành vô cùng cấp thiết cho phúc lợi của các tín đồ Hồi giáo, y như lời giải thích của thày đối với các tín đồ Cơ đốc giáo.   

Hỏi 2: Con thật phấn khích khi nghĩ đến bao nhiêu thay đổi lớn lao đã xảy ra, như trang mạng và sách vở của Kim Michaels đã đến với mọi người khắp thế giới. Những lời dạy chân chính của thày thực sự đã là một phúc lành cho hành tinh này. Con tự hỏi liệu có một số công cuộc tương tự cũng đang diễn ra, hay sẽ diễn ra trong tương lai, để đem lại những giáo lý chân truyền mà các tôn giáo khác hơn là Cơ đốc giáo chưa biết đến rộng rãi. Chẳng hạn, liệu các bậc như đức Phật Gautama, Khổng Tử, Lão Tử, Mohammed, Zarathustra và Krishna có đang thực hiện những điều tương tự như thày hầu nâng cao tâm thức các tín đồ của các tôn giáo lớn? Thật là vui mừng biết bao khi nghĩ đến một sự thức tỉnh rộng khắp thế giới bao gồm mọi tôn giáo.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Ta có thể cam kết với con là các chân sư thăng thiên vô cùng mong muốn đổi mới tất cả mọi tôn giáo trên địa cầu. Tuy nhiên, mục tiêu rộng lớn của các chân sư là đưa ra cho mọi người thấy được rằng, vượt lên trên mọi tôn giáo công truyền, là một tôn giáo tâm truyền, phổ quát toàn vũ. Tôn giáo này không thể bị giam hãm trong một giáo hội hay một giáo điều nhất định. Nó phổ quát chính là vì nó vượt ra ngoài bất kỳ cách biểu hiện nào về bản chất của nó. Con có thể dùng một cái hộp nào đó để làm bực thang vươn tới tôn giáo phổ quát, nhưng con không thể giam tôn giáo phổ quát trong một cái hộp nhất định.

Công việc đổi mới các tôn giáo của nhân loại đang trên đà tiến hành. Quả là có nhiều người hiện đang phụng sự để làm công cụ hay sứ giả cho sự đổi mới này bằng nhiều phương cách và trong nhiều tư cách khác nhau. Các chân sư mong muốn tất cả mọi tôn giáo truyền thống được đổi mới qua tiến trình tiết lộ tuần tự. Tuy nhiên, để điều này có thể xảy ra, có hai điều kiện cần hội đủ:

  • Phải tìm ra một hay nhiều người sứ giả thích hợp. Chẳng hạn, để ban ra những tiết lộ tuần tự hầu đổi mới đạo Hồi, các chân sư phải có một sứ giả hiểu biết đạo Hồi, là người tận tụy sâu xa với đạo Hồi nhưng đồng thời cũng đón nhận sự đổi mới đạo mình. Nói cách khác, người làm sứ giả không được vướng mắc vào một khía cạnh nào đó của đạo mình và không thể có động lực muốn đạo của mình trở thành tôn giáo chiếm ưu thế hay tôn giáo độc tôn. Người sứ giả cũng phải có tâm thức thực sự phổ quát, nghĩa là đã đạt được một mức độ then chốt trong tâm Ki-tô.
  • Để các chân sư có thể đỡ đầu cho một sứ giả đứng ra đổi mới một tôn giáo nào đó, thì phải có đủ túc số những tín đồ của tôn giáo này đạt tới một trạng thái tâm thức khiến họ sẵn sàng nhìn xa hơn tôn giáo vỏ ngoài, hay giáo điều vỏ ngoài, hầu nắm lấy tôn giáo phổ quát nằm đằng sau tín ngưỡng của họ. 

Rất có thể các chân sư sẽ khởi sự đưa ra các tiết lộ tuần tự cho các tôn giáo khác. Không nhất thiết là dưới hình thức một trang mạng tương tự như trang này, bởi vì trang này thật sự chỉ là một thử nghiệm. Những gì có thể hoặc sẽ xảy ra cho trang mạng này tùy thuộc phần lớn vào sự đón nhận của những người tìm thấy nó. Cho tới nay thì hầu hết những ai cởi mở với trang mạng này đều thuộc thành phần đã sẵn cởi mở với tôn giáo toàn vũ mà ta vừa đề cập. 

Đa số các tín đồ Cơ đốc thuộc các giáo hội chính thống hay chính mạch đã không sẵn sàng xem kỹ trang mạng này và nhìn xa hơn những giáo điều cố hữu của mình. Họ đã không sẵn lòng cho ta – Giê-su Ki-tô hằng sống – cơ hội để ta nói cho họ những điều đi xa hơn các giáo điều của giáo hội “giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi điều dơ bẩn” (Matthew 23:27).

Lý do ta đã có thể có trang mạng riêng là vì ta có một vị sứ giả, và thật sự cũng có đủ túc số những người ở các nước Tây phương đã từng lớn lên trong một nền văn hóa Cơ đốc giáo nhưng lại sẵn lòng nhìn xa hơn và cố vươn tới một giáo lý tâm linh phổ quát hơn, như có đăng tải ở nhiều nơi. Ta chỉ có thể ngợi khen tất cả những vị đó đã giúp ta tìm lại tiếng nói trong thời đại hôm nay. Ta sẽ mãi mãi biết ơn sự yêu thương cùng sự cởi mở trong trái tim và tâm trí các con.  

Hiển nhiên, trang mạng của ta được ra đời qua một vị sứ giả đặc thù. Tuy nhiên  chính trái tim và tâm trí của những người cởi mở với giáo lý trên trang mạng của ta đã cho ta cánh cửa mở để biểu đạt ra ngoài. Hãy tìm thì con sẽ thấy – có nghĩa là cho tới khi có đủ số người tìm kiếm thì các chân sư không thể ban ra  giáo lý mới.

Cho nên có thể nói rằng tiềm năng đổi mới tôn giáo chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng và sự sẵn lòng của những ai tham gia vào sứ mạng. Riêng các chân sư thăng thiên thì luôn sẵn lòng đáp ứng và sinh sôi mỗi cơ hội mà các anh chị em chưa thăng thiên trao cho chúng tôi. Tuy nhiên, chỉ khi nào các con nắm lấy những gì chúng tôi trao cho các con rồi sinh sôi khả năng của mình – thay vì đem chôn xuống dưới đất của giáo điều truyền thống – thì chúng tôi mới có thể truyền dạy những giáo lý cao hơn. Ta cam đoan với các con là có rất nhiều giáo lý mà chúng tôi mong muốn phổ biến, và nếu có sự đón nhận tích cực thì các con sẽ thấy những thay đổi lớn lao trong đời sống tôn giáo trên hành tinh này.