Truyền thống thần bí trong Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo

Hỏi: Cơ đốc giáo Chính thống (Giáo hội phương Đông) có khác biệt cơ bản với Công giáo (Giáo hội phương Tây hay Giáo hội La mã) là pháp tu thần bí gọi là Hesychasm (gốc chữ Hy lạp Hesychia có nghĩa là im lặng, là một pháp tu thần bí dựa trên một số kỹ thuật thiền định trong truyền thống Giáo hội phương Đông).

Khác với Công giáo đã đi theo con đường thiết lập thần học, Cơ đốc giáo Chính thống đã chọn con đường thần bí để trải nghiệm sự hợp nhất với Ki-tô qua kinh nghiệm tâm linh trực tiếp – là con đường tự thăng vượt của con người trong Ki-tô. Thày có nhận xét gì về góc nhìn so sánh giữa hai tôn giáo này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Ukraine năm 2019. Đăng ngày 2/11/2019.

Trong truyền thống Công giáo cũng có những khía cạnh thần bí. Ngay cả trong một số hội thánh Cơ đốc Tin lành, con cũng tìm thấy một số khía cạnh thần bí. Và dĩ nhiên, con có những nhà thần bí Cơ đốc trong truyền thống Công giáo đã đạt đến những mức tâm thức rất cao. Thần bí có thể được tìm thấy trong mọi tôn giáo nhưng không là chính mạch ở đâu cả.

Một điều con cần nhìn nhận ở đây là mặc dù có những điểm khác biệt giữa hai giáo hội Chính thống và Công giáo, Giáo hội Chính thống cũng vẫn bị tác động bởi cùng một tư duy đã lập ra Giáo hội Công giáo. Và con sẽ thấy là đã có một thời cả hai giáo hội đã phát triển song song với nhau theo cùng một cách thức trước khi phân ra làm hai.

Có rất nhiều khía cạnh tương đồng, hay cách suy nghĩ tương đồng, đã che khuất con đường thần bí đối với quần chúng nói chung. Luôn luôn đã có những người có khả năng nhìn vượt khỏi các giáo điều và các nghi lễ vỏ ngoài để tìm thấy con đường thần bí, tuy nhiên đối với quần chúng thì tất cả các giáo hội Cơ đốc đã che lấp thực tại mà ta giảng dạy cũng như thực tại của đường tu. Con có thể nói là các giáo hội thường thường đã được thiết lập để ngăn cản không cho quần chúng rộng lớn tìm thấy và bước đi trên con đường đích thực dẫn đến quả vị Ki-tô.

Đó chính là cách mà sa nhân đã định nghĩa các giáo hội đó. Nhưng sa nhân cũng biết là sẽ có một số người không xem đó là đủ, và họ sẽ tìm kiếm con đường thần bí. Cho nên điều mà sa nhân đã cố làm là cho phép những người như vậy bước đi trên con đường thần bí, nhưng họ vẫn phải nằm trong phạm vi của giáo hội vỏ ngoài, cho dù là Chính thống hay Công giáo. Đó là lý do con có khái niệm gọi là những nhà thần bí Cơ đốc.

Kỳ thực, nếu con đã là thần bí thì con là một sinh thể phổ quát. Con có khả năng bước vào truyền thống Cơ đốc hay truyền thống Ấn giáo hay truyền thống Phật giáo hay truyền thống Hồi giáo, mà vẫn thăng vượt được truyền thống đó. Con dựa vào nền tảng truyền thống đó mà vẫn bước đi trên con đường thần bí, nhưng con không thật sự là một nhà thần bí Cơ đốc hay thần bí Ấn giáo hay thần bí Phật giáo nữa. Bởi vì khi con càng bước xa hơn trên đường tâm linh, thì việc nhìn thấy tính phổ quát đằng sau mọi tôn giáo vỏ ngoài càng trở nên quan trọng hơn.

Một điều mà Giáo hội Công giáo, chẳng hạn, đã làm với một số những nhà thần bí đó là tâng họ lên thành bực thánh, qua đó giáo hội giành lấy quyền sở hữu họ và không để cho tính phổ quát của họ được tỏa sáng. Và trong nhiều trường hợp, các nhà thần bí không thể biểu hiện tính phổ quát này và cẫn coi mình là nhà thần bí Cơ đốc. Đây là điều mà chúng ta cần thăng vượt trong thời đại hôm nay. Chúng ta cần góp chung lại tất cả các nhà thần bí từ mọi nguồn gốc, và nhìn nhận rằng đằng sau tất cả những truyền thống vỏ ngoài đó, có một con đường phổ quát mà không một truyền thống nào có thể đóng khung hay sở hữu.

Chuyện này thật là giản dị. Ki-tô không hề cấp bằng sáng chế cho bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào trong thế giới con người.