Vai trò tâm linh của Ấn độ

Hỏi: Vai trò tâm linh của Ấn độ là gì?


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga, năm 2017. Đăng ngày 4/9/2019.

Con nhìn nhận, con yêu dấu, là chúng ta đang nói chuyện về một quốc gia có 1,3 tỷ người, cho nên thật không có câu trả lời dễ dàng và đơn giản nào cho một câu hỏi như thế, vì lẽ tự nhiên, vai trò tâm linh của bất kỳ quốc gia nào cũng là việc thúc đẩy sự tăng triển tâm thức của người dân sinh sống ở đó.

Hiển nhiên con cũng biết Ấn độ đã có một truyền thống rất lâu đời trong cái mà các chân sư thường gọi là mối quan hệ giữa đạo sư và đệ tử. Con có một lịch sử rất lâu đời những vị đạo sư Ấn độ – một số thì hoạt động độc lập, trong khi một số khác thì thuộc về một hệ phái và tỏ lòng tôn kính đối với hệ phái đó. Thật sự con sẽ thấy là tương đối chỉ có một số ít – hay đúng hơn, rất ít – những vị đạo sư đó nhận ra được các chân sư thăng thiên trong khuôn khổ hệ phái của họ.

Đây thực sự là yếu tố chính đang kìm hãm sự phát triển tâm linh của dân tộc Ấn. Điều này mang nhiều hệ quả cho nước Ấn, trong đó có hệ quả là Ấn độ có một niềm tự hào dân tộc muốn mình tự đủ, và thường khi điều này ngăn cản người Ấn học hỏi từ các dân tộc khác. Thậm chí nếu con biết rõ cuộc đời của Gandhi, có một thời điểm trong nhóm của ông có một nhà truyền giáo Cơ đốc rất tốt, nhưng ông lại yêu cầu vị này rời khỏi nhóm vì ông cảm thấy nhân dân Ấn độ phải đứng ra hành động một mình. Đây chính là một cách biểu lộ niềm tự hào dân tộc đó, bởi vì nói thật, có dân tộc nào trên địa cầu mà lại đứng được một mình hay không? Liệu có dân tộc nào đứng riêng rẽ khỏi tâm thức tập thể của toàn bộ nhân loại? Chắc chắn là không.

Con có thể nhìn vào từng quốc gia riêng lẻ và có xu hướng xem họ là những đơn vị tự đủ, độc lập, tách biệt, nhưng không phải vậy, vì tất cả đều là một phần của tâm thức tập thể của nhân loại, và con không thể nào thực sự hiểu được vai trò của bất kỳ dân tộc nào mà không nhìn thấy chỗ đứng của dân tộc đó như một thành phần của tổng thể.

Như ta vừa nói, Ấn độ có một truyền thống lâu đời tôn kính con đường tâm linh, đã giáo dục được nhiều người về con đường tâm linh mà mỗi cá nhân có thể bước theo, nhưng họ cũng có một truyền thống vô cùng lâu đời là tách rời con đường tâm linh ra khỏi cuộc sống vật chất thường nhật.

Nhiều khi truyền thống đó còn xem thường những ai sống một cuộc đời thế tục, và một lần nữa, điều này lại nằm trong niềm tự hào dân tộc, qua đó nhiều người tâm linh bị cuốn vào ý niệm kiêu hãnh vi tế đó, và họ cho rằng bởi vì họ đang bước chân trên đường đạo tâm linh, bởi vì họ sinh trưởng trong một quốc gia có truyền thống tâm linh lâu đời thì một cách nào đó, họ là những con người tiến hóa hơn người dân các xứ khác.

Giê-su đã nói gì? Rằng “Quả vị Ki-tô mà không được biểu lộ qua việc phụng sự tổng thể, không phải là quả vị Ki-tô”. Con có thể thấy được là suốt rất nhiều thế kỷ, ngay cả trước khi người Anh đến Ấn độ, thì một đằng, nước Ấn đã có một truyền thống tâm linh giúp cho nhiều người cất bước trên đường đạo và đạt được một mức tâm thức nào đó. Nhưng đằng khác, họ lại có mức nghèo đói cao nhất và những điều kiện vật chất trong số thiếu thốn nhất, với biết bao người phải sống trong tình trạng cùng khổ.

Làm thế nào hai điều đó lại có thể sống chung với nhau trong một quốc gia? Ấy, chỉ là vì những người tâm linh đã không bước lên mức quả vị Ki-tô đó, nơi thay vì đi theo một con đường cá nhân nhằm nâng tâm thức riêng của mình cho ngày càng cao hơn, thì giờ đây họ sử dụng sự chứng đạt của mình để cải thiện hoàn cảnh của người khác.

Phải, tất cả những vị đó đều có lý do riêng của họ. Nhiều vị đạo sư và đệ tử đó, ta đã có quen biết rất rõ vì ta đã từng sống một thời gian tại Ấn độ trong một số tiền kiếp, thậm chí còn có một tu viện nhập thất tại Darjeeling nơi ta đã đồng điệu với những gì xảy ra nơi quốc gia đó. Thật sự nhiều vị đạo sư và đệ tử này đã không sẵn lòng bước lên một mức nơi họ có thể quên mình để phụng sự toàn thể và nhìn nhận rằng chuyện nâng cao tâm thức của riêng mình không thể nào đủ được nếu mọi người chung quanh vẫn còn khổ đau.

Chúng ta có thể dùng một từ thông dụng trong vùng này và nói rằng họ đã không bước lên tầng mức của lý tưởng Bồ tát, mặc dù nhiều người trong số họ sẽ phản đối lời nhận định này và nhìn sự việc khác hơn. Con yêu dấu, con không thể có một quốc gia nơi 95 hay 98% dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tất cả những vị đạo sư kia ngồi trong đạo tràng quy tụ đệ tử quanh mình, nhưng họ lại tự cô lập và từ chối nhìn thấy những điều kiện cùng khổ chung quanh.

Thử thách mà dân tộc Ấn phải đối mặt ngay lúc này là liệu họ có khắc phục được khuynh hướng vô cùng lâu đời đó hay không. Liệu họ có thể nào bước lên cao hơn và làm hòa nhiều hơn với cõi vật chất? Thay vì nhìn xuống và coi thường cõi vật chất và tưởng rằng mình phải tự cô lập khỏi cõi đó, liệu họ có thể nào nhìn ra là việc cải thiện điều kiện sống cho người khác chính là một việc làm tâm linh và là một phần của đường tu tâm linh?

Chúng ta có thể nói là hiện nay, sự phát triển của dân tộc Ấn không do các đạo sư cùng các đệ tử của họ thúc đẩy, mà nó được đẩy mạnh do những người đang ra tay làm những biện pháp tích cực hầu cải thiện một số khía cạnh của xã hội – cho dù đó có thể là việc kinh doanh cạnh tranh mà động cơ bề mặt có vẻ là cạnh tranh, nhưng tuy vậy nó vẫn đang giúp nâng cao mức sống, vẫn tạo ra tăng trưởng kinh tế, vẫn xây dựng cơ sở hạ tầng, và do đó nó đang kéo nước Ấn đi lên để có thể trở thành một quốc gia tân tiến.

Nếu ta hoàn toàn thành thật và thẳng thắn với con – và ta khó lòng nào mà không hoàn toàn thành thật – thì ta phải nói là yếu tố chính yếu đã cầm giữ nước Ấn không phát triển được để trở thành một quốc gia hoàn toàn hiện đại, đó chính là các đạo sư.

Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã có đề cập đến sự kiện tại Ấn độ có một hàng ngũ bóng tối gồm những đạo sư giả tìm cách gài bẫy người ta vào con đường giả trá, và nhiều người đã bị chúng đánh bẫy mà đeo đuổi một con đường họ tưởng là phát triển tâm linh. Nhiều người như vậy đã có thể đạt được một số trải nghiệm tâm linh cao cấp nào đó, nhưng liệu đó có phải là tăng triển tâm linh đích thực hay không? À, thế nào là tăng trưởng tâm linh đích thực chứ con? Có phải là con cứ mãi mãi tìm cách nâng cao tâm thức riêng của mình mà phớt lờ mọi người khác? Không, con yêu dấu. Bởi vì sẽ tới một điểm khi sự tăng triển tâm linh có nghĩa là con ý thức nhận diện được nhu cầu bước vào sự hợp nhất, trước hết là hợp nhất với một cái gì vượt ra khỏi cõi vật chất – Hiện diện TA LÀ của con cùng các chân sư thăng thiên – xong sau đó con hợp nhất chiều ngang với mọi người ở dưới đây hầu con tìm cách nâng cao toàn thể.    

Con đường giả trá là khi người ta tìm cầu những trải nghiệm ngày càng cao hơn, và cái họ đạt được không phải là trải nghiệm tâm linh chân chính. Làm sao ta có thể nói như vậy? Tại vì nơi tu viện nhập thất của ta tại Darjeeling bên Ấn độ, một phần vai trò của ta trong tư cách chân sư thăng thiên là làm việc với những đệ tử tâm linh cao cấp tại Ấn, những người đã thể hiện được một mức độ quả vị Ki-tô nào đó. Vì vậy ta là đại diện chủ yếu của Ki-tô cho dân tộc Ấn, và điều này có nghĩa đơn giản là khi có ai bước lên một mức nào đó của quả vị Ki-tô thì người đó sẽ nhận ra ta. Họ nhận ra là ta đang hiện hữu, ta là sinh thể sẽ đưa họ lên cao hơn. Nếu họ không nhận diện được vai trò của ta trong đại đoàn chưởng giáo thì họ đã chưa bước lên quả vị Ki-tô – thật giản dị như vậy đó, con yêu dấu.

Những ai không nhận ra Ki-tô nơi Giê-su đã chưa bước lên một mức nào đó của quả vị Ki-tô cho dù họ có tuân thủ đủ loại nghi lễ vỏ ngoài trong các hội thánh Cơ đốc. Những ai trong số các đạo sư “tự phát triển” (self-help) trong thời hiện đại mà chưa bước lên và nhận diện được các chân sư thăng thiên, thì họ cũng chưa bước lên quá một mức quả vị Ki-tô nào đó, cho dù họ có quy tụ được nhiều đệ tử đến đâu đi nữa xem họ là những đấng giác ngộ.

Giác ngộ có nghĩa là gì – nếu từ này mang bất kỳ ý nghĩa nào? Nó có nghĩa là con nhận diện được con là ai, và một khi con nhận ra mình là ai thì con cũng nhận ra con là một phần của tổng thể, và khi đó con nhìn ra tổng thể đó. Vậy tại sao lại có quá nhiều đạo sư tại Ấn chưa nhận ra các chân sư thăng thiên? Họ chưa bước lên mức đó của quả vị Ki-tô. Trong các thời đại trước, điều này có thể không làm được vì chúng tôi không được phép tiết lộ công khai sự hiện diện của mình, nhưng ngày nay thì chắc chắn điều này có thể làm được.