11 | Lên tiếng từ một tâm thái an bình

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 1/12/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su, và ở đây thày muốn đưa ra một số nhận xét về một chủ đề có thể gây bối rối. Thày hiểu hoàn toàn là chủ đề này gây bối rối cho một số các con. Đó là chủ đề quả vị Ki-tô, làm thế nào con thực thi quả vị Ki-tô của con khi lên tiếng trên trái đất. Nếu con ở trong tư duy đường thẳng, con có thể nói là các lời dạy mới nhất mà các thày trao truyền – trong năm qua hay lâu hơn một chút – mâu thuẫn với giáo lý các thày đã trao truyền trước đây. Các thày đã nói là một phần của quả vị Ki-tô của con là lên tiếng, và bây giờ có vẻ như các thày lại bảo rằng con không nên lên tiếng và thay vào đó con nên làm việc trên các phàm linh nội tại, các ngã tách biệt của con và khắc phục chúng.

Con yêu dấu, chìa khóa để giải quyết điều có vẻ bí ẩn như vậy là nhận ra con đường tâm linh có một số giai đoạn. Có một số tầng khai ngộ mà con kinh qua trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Các thày đã trao con một khóa học về tự điều ngự, và khoá học này được thiết kế để đưa con người từ tầng tâm thức thứ 48 lên tầng 96. Tầng 96 là điểm con bắt đầu thực thi quả vị Ki-tô, nhưng hiển nhiên, có một khoảng cách giữa tầng 96 với tầng 144. Con có thể thấy là tất nhiên, những gì con đạt được hay có khả năng đạt được ở tầng 96 chưa phải là quả vị Ki-tô trọn vẹn. Khi con bước lên cao hơn và cao hơn nữa cho đến tầng 144, con có khả năng thể hiện và biểu lộ – nếu có thể gọi như vậy – những trình độ cao hơn của quả vị Ki-tô.

11.1. Khía cạnh trải nghiệm của quả vị Ki-tô

Điều này có nghĩa là khi các thày đưa ra một giáo lý áp dụng cho đệ tử ở tầng 96 hay khoảng đó, dĩ nhiên đây không phải là cùng giáo lý các thày sẽ đưa ra cho những ai ở các tầng cao hơn. Chẳng hạn như khi thày đưa ra khóa học về quả vị Ki-tô [Chìa khóa Chỉ đạo cho quả vị Ki-tô Cá nhân] cùng nhiều giáo lý lúc ban đầu trong đợt truyền pháp này, thì giáo lý đã được đưa ra cho tầng tâm thức khởi sự. Những gì các thày trao truyền bây giờ nhắm đến các tầng quả vị Ki-tô cao hơn, qua đó con cần nhìn nhận là trên đường tu tâm linh có những điều không thể được truyền dạy một cách lý thuyết. Con cần một sự tương tác giữa một đằng là việc tiếp nhận giáo lý cùng sự hiểu biết, và đằng khác là việc thực hành, biểu đạt các giáo lý này và thu hoạch trải nghiệm. Con không trở thành Ki-tô bằng cách ngồi trong lớp học và nhận lời dạy từ một vị thày cho dù vị này đã chứng quả vị Ki-tô. Phải có một yếu tố trải nghiệm nào đó qua sự kiện con bước ra ngoài và nếm mùi trải nghiệm.

Trong những giai đoạn sơ khởi của đợt truyền pháp này, điều mà thày cùng các chân sư khác đã bảo học trò làm là hãy đi ra ngoài và lên tiếng với tầm hiểu biết và nhận biết mà mình có lúc đó. Nhưng tất nhiên, các thày cũng dư biết là học trò sẽ bước ra với một khối lượng ngã tách biệt nào đó và sẽ cảm thấy một sự cưỡng bách phải lên tiếng. Các thày biết là một số đã rất bất đắc dĩ lên tiếng vì những ngã tách biệt mà họ đã vun trồng trong tiền kiếp bảo họ là chuyện lên tiếng thật nguy hiểm, thật không an toàn, và họ không nên lên tiếng gì hết.

Các thày biết là một số người khác lại có tham vọng lên tiếng, hoặc vì họ muốn làm việc gì quan trọng, hoặc họ muốn được các chân sư thăng thiên công nhận, được người khác hay thế giới công nhận, hay đủ loại động cơ khác mà con người có thể có. Các thày cũng biết mình cần phải trao giáo lý cho con người rồi để yên cho mọi người muốn dùng thế nào cũng được, vì cho dù họ có lên tiếng hay không, họ vẫn có được một số trải nghiệm sẽ giúp họ tiến bộ tới mức họ sẵn sàng nhận một giáo lý cao hơn.

Và đó là điều đã xảy ra. Đã có đủ số người vươn lên tới mức họ sẵn sàng nhận được giáo lý cao hơn mà các thày đang ban ra bây giờ. Chúng ta có thể nói là một khối tới hạn (critical mass) trong số các con đã vươn đến mức này, nhưng thày cũng ưa nói là một khối người không phán xét (uncritical mass) trong số các con đã vươn đến mức này vì các con đã vươn lên bằng cách khắc phục thái độ phán xét mà qua đó con cảm thấy phải chỉ trích, phải xét đoán, phải đánh giá mọi chuyện. Đây chính là điểm đặc trưng cho các tầng quả vị Ki-tô cao hơn.

11.2. Quả vị Ki-tô không là một tiến trình đường thẳng

Ở các tầng quả vị Ki-tô thấp hơn, con bắt đầu nhận biết là theo cách nhìn của con ở tầng này, có nhiều sự việc không phải lẽ trên trái đất. Chúng không phù hợp với tầm nhìn cao hơn, chúng không phù hợp với cách mọi chuyện nên diễn ra và chúng cần được thay đổi. Như các thày đã có nói về các avatar đến hành tinh này với cảm nhận mình phải thay đổi nhiều thứ trên trái đất, thì trong những giai đoạn sơ khởi của quả vị Ki-tô con thường bước ra với thái độ là con phải thay đổi một điều gì đó. Con phải khiến cho mọi người nhìn thấy những gì họ chưa thấy, con phải đem lại một sự khác biệt và tạo sự thay đổi.

Đây chính xác là thái độ nhiều avatar đã có khi đến trái đất. Kỳ thực con cần trải nghiệm này trong kiếp sống này để gắn kết lại với động lượng đó. Có những avatar khác đến trái đất mà không lên tiếng, họ không muốn lên tiếng và họ quyết định là họ không muốn lên tiếng trên hành tinh này. Một số những người này đã không bước ra lên tiếng, nhưng điều này vẫn cho họ trải nghiệm nhận được giáo lý và làm gì với giáo lý.

Tuyệt đối không có gì sai trái khi con làm vậy. Như các thày đã nói rất nhiều lần, con có quyền ở một tầng tâm thức nào đó và con có quyền tự biểu đạt dựa theo tầng tâm thức này – không có gì sai trái và các thày hoàn toàn không chê trách gì con. Như Nada đã giải thích cặn kẽ trong sách của thày, các thày chấp nhận con cho dù con có ở tầng tâm thức nào và các thày chỉ nhìn xem làm thế nào giúp được con thăng lên tầng kế tiếp.

Đương nhiên điều này không có nghĩa là các thày muốn con ở lại tầng thấp của quả vị Ki-tô cho đến mãn kiếp. Các thày muốn con có một trải nghiệm nào đó về các tầng thấp, thế rồi phối hợp với những lời dạy các thày đang cho con, các thày muốn giúp con vươn lên những tầng quả vị Ki-tô ngày càng cao hơn. Rồi sẽ tới điểm con đạt đến tầng quả vị Ki-tô nơi con phải chất vấn những gì mình đã làm trước đó. Thày biết là một số người sẽ rơi vào một tư duy đường thẳng vì họ muốn nghĩ là nếu họ đã nhận được một giáo lý chân truyền từ một chân sư thăng thiên về quả vị Ki-tô, thì giáo lý này là tuyệt đối, do đó tất cả những gì họ cần làm là cứ việc đi theo cho đến hết kiếp này.

Thày biết có những người muốn nghĩ như vậy, nhưng đơn giản là họ không nắm bắt được ý nghĩa của quả vị Ki-tô trong tiến trình tự thăng vượt không ngưng nghỉ, và do đó thày không thể cung ứng cho họ. Các thày là chân sư thăng thiên có thể ban một số lời dạy cho những người mang tư duy này, nhưng nếu họ không lưu ý đến lời dạy, nếu họ không xoay chuyển thái độ của họ, thì theo quy luật – thậm chí cả Luật Tự quyết – các thày phải để yên cho họ và không tìm cách bắt họ nhìn ra những gì họ không muốn nhìn thấy.

Vì vậy cho nên các thày sẽ tập trung nỗ lực vào những ai sẵn lòng nhìn ra là trên con đường quả vị Ki-tô sẽ đến lúc con cần chất vấn chính những điều đã đưa con đến mức này của quả vị Ki-tô. Đây không phải là một chuyện con làm chỉ một lần. Đây là một công việc con không ngừng làm, vì con càng lên cao hơn về hướng tầng 144 thì nhịp độ con cần tự chất vấn sẽ càng dồn dập hơn. Thật ra ở những tầng tâm thức cao hơn, con cần tra vấn tất cả mọi thứ ở tầng hiện tại của con hầu thăng lên tầng kế tiếp.

11.3. Đặc tính tuần tự của quả vị Ki-tô

Điều các thày nói với con bây giờ với các giáo lý về avatar, về việc khắc phục chấn thương nhập đời, khắc phục các ngã tách biệt, là ở các tầng thấp hơn của quả vị Ki-tô, điều chấp nhận được – điều cần thiết vì đây là một phần của đường tu – là con lên tiếng với mức nhận biết mà con có, với các ngã tách biệt mà con có lúc đó. Ngay cả nếu nó khiến con bước ra ngoài và cư xử một cách hơi mất cân bằng, có thể quá mạnh mẽ, có thể quá ngoan cố, có thể quá “lửa xanh” (như Chân sư MORE gọi như vậy), thì cách hành xử này của con vẫn chấp nhận được vì con không thể làm gì khác hơn. Chính nhờ con làm vậy mà con nhận được sự phản hồi, con nhận được một khung tham chiếu cho phép con nhìn ra là có lẽ mình phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình.

Đó chính là điều sẽ mở tâm con ra để con nói: “Ừ nhỉ, có lẽ tôi đã đến một mức quả vị Ki-tô khi các giáo lý đã đưa tôi đến đây không thể đưa tôi xa hơn được nữa.” Trong bản chất, như các thày đã có giảng, điều này cũng giống như trường hợp một đứa trẻ mới học đi xe đạp phải cần đến hai bánh xe nhỏ ở hai bên (bánh xe tập) để giúp nó giữ thăng bằng. Phải tới một điểm đứa trẻ đã học được cách giữ thăng bằng trên xe đạp thì nó có thể vứt bỏ hai bánh xe tập đi. Nếu con thấy một người lớn đi xe đạp mà vẫn gắn bánh xe tập thì con sẽ nghĩ người này vẫn chưa nắm được một điều gì đó.

Đường tu tâm linh cũng tương tự như vậy. Đó là vì sao các thày đã nói là con cần xem xét phương thức vận hành của con [modus operandi, xem sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. Con cần xét xem con nhìn trái đất như thế nào: Đây có là một hành tinh thân thiện hay thù địch? Cơ thể này thân thiện hay thù địch? Thượng đế thân thiện hay thù địch? Các chân sư thăng thiên là những vị thày thân thiện hay thù địch? Con cần xem xét những điều đó. Con cần nhìn vào bản thân. Thậm chí con có thể nói: “Tôi có một cái nhìn thân thiện hay một cái nhìn thù địch về chính mình?” Sự thù địch đến từ đâu? Nó chỉ có thể đến từ một ngã tách biệt bị tâm thức sa nhân ảnh hưởng, và do đó tất nhiên nó cần được phép chết đi.

Điều thày muốn cho con ở đây về quả vị Ki-tô và việc lên tiếng là như sau: Việc khắc phục ngã gốc của con, khắc phục tất cả hay hầu hết các ngã tách biệt không có nghĩa là con không lên tiếng nữa. Đạt được sự an bình với việc mình ở trên trái đất – là mục đích của chúng ta trong hội nghị này – không có nghĩa là con sẽ không lên tiếng. Nhưng có nghĩa là con sẽ lên tiếng một cách khác, với một thái độ hoàn toàn khác. Con không bị một ngã tách biệt thúc đẩy con lên tiếng. Con không bị một động lực cưỡng bách con phải lên tiếng. Con không lên tiếng với thái độ là mình phải tạo được một kết quả nào đó. Con không lên tiếng vì con phải thuyết phục hay cải đổi người khác.

Con lên tiếng với thái độ là con ở đây để cho người khác một khung tham chiếu mà họ không đang có bây giờ, xong con để họ hoàn toàn tự do chọn xem họ muốn làm gì với khung tham chiếu này. Con cho họ những gì trước đó họ không có. Con cho họ một nền tảng để họ chọn lựa tốt hơn, chọn lựa cao hơn, chọn lựa nhận biết hơn, nhưng con để yên cho họ chọn như thế nào và chọn những gì. Đây không phải là nhiệm vụ của con trong khuôn khổ Luật Tự quyết. Nhiệm vụ của con là cho họ sự tùy chọn, sự chọn lựa để họ chọn tự do hơn, nhưng sau đó con vẫn cho phép họ chọn bất cứ gì họ muốn. Đó là tại sao điều cốt yếu là con buông bỏ toàn bộ thang điểm tương đối, so sánh của sa nhân về thế nào là toàn hảo và bất toàn, thế nào là đúng và sai cùng toàn bộ tư duy này. Con sẽ tốn một chút thời gian, các thày cũng biết vậy, nhưng điều quan trọng là con bắt tay vào việc để vươn lên tới mức con có thể phát biểu từ một trạng thái nội tâm an bình khi con lên tiếng.

11.4. Phát biểu từ sự an bình nội tâm

Khi con làm vậy, con sẽ hoàn thành hai chuyện: Con sẽ giải phóng người khác để họ tự do phản ứng theo cách họ muốn đối với những gì con nói. Và con sẽ giải phóng chính mình để con tự do phản ứng như con muốn cho dù người ta có chọn lựa thế nào. Con không phiền hà, con không nản lòng. Con không bực tức, con không cảm thấy mình bị chối bỏ khi người ta không tiếp nhận những gì con nói. Kỳ thực con cảm thấy an bình nội tại, niềm vui nội tại là con đã nói nó ra, con đã đem nó ra trước công chúng, con đã đưa nó ra để mọi người sử dụng, và đó chính là mục đích của con. Đó là phần thưởng của con: biết rằng nó đang có mặt trong cõi vật lý và để yên cho mọi người tự do chấp nhận hay bác bỏ.

Con yêu dấu, một số các con có thể cần phải kinh qua một giai đoạn ngừng lên tiếng nếu con đã lên tiếng, để con chỉ nói rất ít. Sứ giả này có mô tả ông cảm nhận như thế nào: ông không còn có quan điểm về bất cứ gì nữa. Dù vậy ông vẫn lên tiếng về đủ loại đề tài, nhưng ông không lên tiếng vì ông có một quan điểm mà ông muốn người ta chứng thực. Đây là điểm con cũng có thể đạt tới, và ở đây thày khuyên con nên xem xét hai điều khi con lên tiếng.    

Một là con có thể chia sẻ những gì con suy nghĩ, những gì con cảm nhận, cách con trải nghiệm vấn đề như thế nào. Con có thể chia sẻ những việc con làm, những việc con chọn làm hay chọn không làm và tại sao như vậy. Con không cố thuyết phục bất cứ ai. Con không bảo ai phải làm gì. Con chỉ đơn giản chia sẻ suy tư của riêng con, cái hiểu của riêng con, ngay cả quá trình đã dẫn con đến cái hiểu đó.

Điều này hoàn toàn khác với việc con đi ra bảo người khác là họ phải nghĩ gì hay tin gì và tìm cách thuyết phục hay cải đạo họ. Con chỉ đơn giản chia sẻ tiến trình của con, và như các thày có nói nhiều lần con yêu dấu, cho dù sa nhân có nghĩ gì, cho dù người khác có nghĩ gì và họ không muốn con làm phiền họ như thế nào, con vẫn có quyền sống trên hành tinh này, con vẫn có quyền biểu đạt bản thân con cùng những kết luận con đã đạt được, những sáng ngộ mà con đã có và quá trình mà con đã kinh qua. Con có quyền chia sẻ những thứ đó.

Nếu điều này làm cho người khác bực bội, con tuyệt đối không cần phải phản ứng lại. Con có thể cho họ tự do chọn cảm thấy như vậy nếu họ muốn, nhưng điều này không ngăn cản con, nó không làm con nản lòng. Đồng thời nó cũng không khiến con khăng khăng muốn thuyết phục họ nhiều hơn. Con không phát biểu với nhu cầu được người khác chứng thực hay đồng ý với con. Cách họ phản ứng lại những gì con nói thật không quan trọng gì với con. Đây là một khía cạnh của việc lên tiếng. Con hãy chia sẻ bản thân con, chia sẻ sáng ngộ của con, tiến trình của con. Hãy chia sẻ cái đó.

Còn cách kia để lên tiếng mà thày đề nghị với con là thay vì con trình bày điều gì là đúng hay sai, là cái này hay cái nọ, con nói về hậu quả của một hành động đặc thù, một quan điểm hay một ý thức hệ hay một hệ tư tưởng đặc thù. Con có thể làm vậy bằng nhiều cách. Chỉ lấy một ví dụ, hôm qua có một người hỏi sứ giả này về vấn đề người nhập cư vào châu Âu, và ông bày tỏ quan điểm đây là hậu quả của việc các nước giàu có ở Âu châu đã không làm đủ. Các nước này đã không sử dụng sự giàu có của mình để trợ giúp người dân châu Phi đạt được mức sống cao hơn ở ngay xứ họ. Cho nên thật sự các biến cố này đang ép buộc các nước giàu phải nhìn ra những gì họ không chịu nhìn thấy, để họ nhận lãnh trách nhiệm mà của cải của họ đã giao phó cho họ. Ông bày tỏ là thật ra tình thế đã bó buộc các nước giàu phải lấy một số chọn lựa. Hoặc họ có thể tiếp tục cho phép người di dân nhập cư với tất cả các hậu quả gây ra cho xã hội họ – họ sẽ làm gì đây với quá nhiều người như vậy? Liệu họ sẽ giam giữ hết trong “trại tập trung” hay họ sẽ tìm cách hội nhập, nhưng làm thế nào hội nhập quá nhiều người như vậy đến từ một nền văn hóa khác lạ? Rõ ràng là hầu hết các nước này sẽ hiểu ra là nếu họ cứ tiếp tục cho phép người di dân vào nước thì họ sẽ khiến cho các hệ thống hiện hữu của họ bị quá tải.

Hoặc vấn đề này sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn hẳn, hoặc có một chọn lựa khác là họ phải tìm cách chặn đứng làn sóng di dân, và ở đây lại có hai chọn lựa. Họ có thể dùng lực lượng hải quân đem tàu vào Địa trung hải đánh chìm bất cứ thuyền bè nào chở người di dân từ Phi châu. Đây là một cách chặn đứng làn sóng, nhưng tất nhiên nó không phù hợp với cách nhìn của hầu hết các nước Âu châu về chính mình. Nếu đây không là một biện pháp khả thi thì đâu là chọn lựa duy nhất còn lại? Đó là xây dựng một cách giải quyết hoàn toàn mới mẻ, là đi đến các nước Phi châu và cải thiện mức sống ở ngay đó hầu người dân không còn muốn bỏ nước ra đi. Không phải là những ai sinh ra ở châu Phi đều có một mong muốn tối thượng và vô độ muốn di dân sang châu Âu. Hầu hết đều thích ở lại châu Phi hơn do họ đã quen với khí hậu nóng ấm, và họ thật không muốn đến sống ở những nước như Đan Mạch chẳng hạn nơi mùa đông thật ảm đạm lạnh lẽo. Họ thà ở lại xứ họ nếu họ có thể có được một mức sống tạm đủ. Đây chính là điều sẽ đòi hỏi các nước Âu châu, ngay cả Liên Âu, có một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ và dành ra nguồn lực để thực hiện, thay vì như hiện nay chỉ có một chương trình viện trợ nước ngoài mang tính chất vá víu mà chẳng giải quyết được vấn đề.

Trên đây chỉ là một ví dụ về cách con có thể trình bày một vấn đề mà không bảo người khác đúng hay sai, không bảo người khác phải tin gì mà chỉ đơn giản nhìn vào các hậu quả. Đâu là hậu quả của sự việc đang xảy ra? Vì hẳn là ở đây có một tình trạng đang diễn ra. Chúng ta không thể búng ngón tay để làm cho nó biến mất, cho nên chúng ta sẽ đối phó như thế nào? Chúng ta tự nhìn mình như thế nào, và điều này có nghĩa thế nào đối với những chọn lựa mà chúng ta có thể chọn trong thực tế?

11.5. Ki-tô không có quan điểm cố định

Con có thể chuyển cách thức vừa rồi sang nhiều lãnh vực khác của xã hội bởi vì, con yêu dấu, con không nhất thiết – như một sinh thể Ki-tô – phải có một quan điểm cố định về những gì phải xảy ra trong tình thế này. Cái nhìn bao quát của con như một sinh thể Ki-tô ở các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô là con muốn mọi người – mọi người can hệ đến tình trạng này, ngay cả một xã hội hay một dân tộc hay Liên Âu hay Hoa Kỳ hay ai khác nữa – trở nên ý thức hơn để họ có thể có những chọn lựa nhận biết hơn. Và đó là mục đích của con: nâng cao sự nhận biết, chứ không cứ là chế tạo một kết quả vỏ ngoài đặc thù. Kết quả thực sự mà con muốn hòa nhập là việc nâng cao nhận biết. Ở các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô, con bắt đầu hòa điệu nhiều hơn với các chân sư thăng thiên. Cho nên con sẽ hòa nhập một cách tự nhiên vào mục đích chủ yếu là nâng cao tâm thức, chứ không phải tạo ra một kết quả đặc thù như Saint Germain đã nói mấy lần.

Đó là một số gợi ý rất sáng giá cho một số các con đang ở tầng mức này. Thày hoàn toàn nhận ra đây cũng là một thử thách cho con, vì để bước ra ngoài và lên tiếng mà vẫn an bình, để giải phóng người khác và giải phóng chính con, nó đòi hỏi con phải chữa lành chấn thương nhập đời của con. Nó đòi hỏi con phải khắc phục các ngã tách biệt đó đang cưỡng bách con phải ảnh hưởng người khác. Như các thày đã nói mấy lần, con cần khắc phục cơ chế muốn thay đổi người khác để cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân, hay để tránh cảm giác tiêu cực khi, nói chung, con muốn thay đổi người khác để con không phải thay đổi chính con.

Một lần nữa con yêu dấu, tại sao các thày đã không cho con những lời dạy này mười năm về trước? Bởi vì vào lúc đó, các thày chưa cho con các dụng cụ để con có thể thực hành lời dạy. Giờ đây các thày đã cho con các dụng cụ và đó là tại sao các thày cũng cho con lời dạy. Một lần nữa, các thày đã phải làm việc một cách tuần tự. Các thày làm vậy vì nhiều lý do và như các thày có giảng, các thày rất vui mừng có được một số lượng không phán xét trong các con đã vươn lên đến mức sẵn lòng tiếp nhận lời dạy, suy ngẫm lời dạy, học sách, áp dụng các kỹ thuật và thực sự bỏ ra nỗ lực mà nhiều các con đã bỏ ra để chữa lành chấn thương nhập đời đó.

Hãy đừng nản lòng nếu con chưa hàn gắn được chấn thương nhập đời vũ trụ của con. Đừng bị nản lòng nếu con vẫn còn ngã tách biệt khởi lên trong con. Sứ giả này đã làm việc trên tâm lý mình nhiều hơn hầu hết mọi người suốt 40 năm trời và ông đã khắc phục được chấn thương nhập đời của ông, nhưng ông vẫn có ngã tách biệt khởi lên. Lẽ tự nhiên nếu con đã sống nhiều, rất nhiều kiếp trên trái đất này, đã có rất nhiều trải nghiệm khó khăn trong nhiều kiếp, thì con đã tạo ra nhiều ngã tách biệt và con sẽ cần thời gian để giải quyết lần lần cho hết. Vậy có sao đâu, con yêu dấu?

11.6. Con được phép không lên tiếng

Điều thày sẽ làm bây giờ với bài truyền đọc này là thày cho phép con bỏ qua một bên bất kỳ cảm giác cưỡng bách nào là con phải lên tiếng. Thày cho phép con, nếu con muốn, bước lui lại và nói: “Tôi sẽ ngừng lên tiếng một thời gian. Tôi sẽ ngậm miệng lại, vứt bàn phím máy tính đi và không lên tiếng. Tôi cho phép mình không phát biểu, mà thay vào đó tôi tập trung vào bên trong để giải quyết chấn thương nhập đời cùng các ngã tách biệt đã cưỡng bách tôi phải nói ra, đã cho tôi nhu cầu phải thuyết phục người khác, đã khiến tôi muốn được chứng thực, muốn được công nhận, muốn tạo ra một cảm giác bên trong hay muốn né tránh một cảm xúc tiêu cực.”

Thày làm điều này vì thày muốn con có một chút nghỉ ngơi để con có thể chữa lành và khắc phục khuôn nếp mà một số các con đã xây dựng, qua đó con đã phần nào xung đột hay ít ra có mối quan hệ đối nghịch với nhiều người khác. Con yêu dấu, thật không cần thiết con phải đi ra khích bác mọi người để bày tỏ quả vị Ki-tô của con. Nếu con nhìn quanh thế giới, con có thể thấy rất nhiều người ở ngoài kia đang lên tiếng một cách đối nghịch, khiêu khích, hung hãn – rất nhiều người như vậy.

Nếu con cứ tiếp tục làm cùng một chuyện và mong đợi là kết quả sẽ khác đi thì con điên rồi đó. Đã có rất nhiều người lên tiếng kiểu này từ rất lâu nay. Chúng ta cần khác hơn. Chúng ta cần một tiếng nói khác. Chúng ta cần những người có khả năng phát biểu một cách khác, như thày vừa vạch ra, bằng cách chia sẻ chính bản thân của mình và trình bày các hậu quả. Nhưng vượt khỏi cả những thứ đó, chúng ta cần những cách lên tiếng khác, chẳng hạn khi con trình bày về một tầm nhìn cao hơn. Thay vì tạo ra cảm tưởng: “Đây là sự thật duy nhất, đây là những gì bạn phải tin, nếu không thì bạn ngu lắm,” thì con có thể nói: “Nhưng giả sử có một cách khác để nhìn sự việc này thì sao? Nếu như có một góc cạnh khác về vấn đề này thì sao? Thế còn điều kia, và thêm điều kia, và điều kia nữa thì sao?”

Đây có thể là một điều quá mới mẻ, quá khác lạ, quá hiếm khi áp dụng, đến độ người ta sẽ ngạc nhiên và bất chợt người ta sẽ nói: “Ừ nhỉ, đây là một điểm chúng ta chưa bao giờ nghe nói tới. Chúng ta lắng nghe xem.” Kỳ thực nó có thể đem vào hiện thực điều mà các thày đã có đề cập về nước Mỹ là các thày mong muốn thay đổi toàn bộ diễn ngôn công cộng, không những ở Mỹ mà ở mọi quốc gia. Chúng ta vứt bỏ kiểu tranh luận công cộng do các nhà báo đề xướng, qua đó họ luôn luôn mang sẵn hậu ý muốn mô tả sự việc theo một cách mặc dù họ tuyên bố là họ khách quan. Hoặc theo kiểu các nhà chính trị bị kẹt trong trò chơi đảng phái muốn đảng mình là đảng vượt trội, đến độ họ không thể hợp tác trong bất cứ chuyện gì.

Toàn bộ lối suy nghĩ đen trắng nhị nguyên này từng chi phối diễn ngôn công cộng từ quá lâu nay, các thày mong muốn nhìn thấy nó được thay thế bởi một tiếng nói khác. Thẳng thắn mà nói, nếu chính các con không thể đưa ra tiếng nói khác biệt này thì ai đây sẽ có thể? Để lên tiếng với một tiếng nói khác, con phải khắc phục những ngã tách biệt kia, và các con đây là những người trên toàn hành tinh này đang đến gần nhất với mục tiêu đó. Thày không đang nói vậy để áp lực con mà để cho con một lượng định thực tế. Một số các con khi nghe hay đọc câu nói này của thày sẽ biết liền: “Phải, đây chính là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của tôi. Thật ra đây là điều tôi mong muốn. Tôi không bao giờ muốn lên tiếng theo cách tôi đã từng làm, cách này luôn luôn cho tôi một phản ứng tiêu cực. Tôi đã muốn tìm một tiếng nói khác để lên tiếng và giờ đây tôi bắt đầu nhìn ra. Chắc chắn tôi sẽ làm việc trên bản thân mình cho đến khi tôi tìm được tiếng nói nội tâm của tôi, tiếng nói đích thực của tôi. Và khi tôi tìm thấy, tôi sẽ lên tiếng. Tôi nhất định sẽ lên tiếng.”   

Với lời này, con yêu dấu, thày cảm ơn con đã dành sự chú ý, đã hiện diện ở đây hay trên làn sóng trực tuyến. Thày cảm ơn tất cả những ai đã đón nhận các lời dạy mới từ quyển sách Các kiếp của tôi trở đi và đã sẵn lòng đem ra áp dụng. Thày biết là nhiều người trong các con đã nghiệm thấy những tiến bộ to lớn. Một số các con còn bày tỏ là ngày hôm nay con không thể nào tin được mình đã đổi khác đến chừng nào so với một năm trước. Đây là niềm vui lớn nhất của các thày: nhìn thấy học trò của mình đón nhận giáo lý và sử dụng để vươn lên cao hơn, qua đó con cảm thấy mình có tiến bộ, mình có an bình. Sự kiện một số người đã ngộ đạt như vậy trong vòng một năm có nghĩa là tất cả các con cũng đều có thể làm được trong một thời gian vừa phải. Không có một người nào ở đây, không có một người nào đã đón nhận các lời dạy này mà không mang tiềm năng đạt được trạng thái an bình đó trong một thời gian tương đối ngắn – ngắn hơn rất, rất nhiều so với thời gian con đã bước chân trên đường tu tâm linh, ít ra đối với những ai đã bước chân được vài năm.

Lẽ tự nhiên, nếu con chỉ mới nhập cuộc vào tuần rồi thì sẽ không hẳn là như vậy. Dẫu sao thì con yêu dấu, các thày vô cùng phấn khích – nếu chúng ta có thể dùng từ này cho một chân sư thăng thiên không thể nào nản chí. Các thày rất vui mừng nhìn thấy tiến bộ mà tất cả các con đã có. Mặc dù một số các con có thể cảm thấy mình tiến bộ chưa đủ, nhưng thày có thể cam đoan với con là con đã có tiến bộ, và bước đột phá mà con đang tiến đến, nó gần hơn là con tưởng. Với lời này, con hãy nhận sự biết ơn của thày. Con hãy nhận Ngọn lửa Vui mừng của thày, vì thật là một niềm vui cho thày được tương tác với các con theo cách này, được trải nghiệm các con, con yêu dấu. Trải nghiệm chính các con.

Đây là niềm vui lớn cho thày. Thày sẽ nói là tất nhiên con không nên nghĩ là khi thày phát biểu qua trung gian một người sứ giả, đây là thời điểm duy nhất thày có thể trải nghiệm con. Thày có thể trải nghiệm con bất cứ lúc nào nhưng thày luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết. Nếu con lấy nội dung bài thỉnh này cùng với bài truyền đọc trước về cách vận hành của con – mong muốn trốn tránh các chân sư – thì tất nhiên là thày sẽ tôn trọng. Kỳ thực, một số các con có thể được trợ giúp bằng cách quyết định mời thày đến trải nghiệm con. Có thể con sẽ chỉ cần, một lúc nào đó khi con yên lặng, nhắm mắt lại, trụ vào tim và nói: “Giê-su, con mời thày đến trải nghiệm con.” Có lẽ khi làm vậy, con sẽ có thể trải nghiệm được thày và thày nghĩ việc này sẽ làm con vui.