23 | Thoát khỏi ngã gốc của con

Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 3 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày muốn con nghĩ tới nhiều tín đồ Cơ đốc đang ngồi thờ phượng trong giáo đường của họ vào một buổi sáng Chủ nhật khắp nơi trên thế giới. Nhiều người trong họ thuộc về một giáo hội đặc thù và họ tin rằng giáo hội của họ có sự diễn giải chân chính về cuộc đời của thày và có khi còn là diễn giải chân chính duy nhất.

Nhiều người trong những tín đồ Cơ đốc này cho rằng họ diễn giải Kinh thánh theo nghĩa đen. Họ tuyên bố là họ diễn giải Thánh kinh theo nghĩa đen. Giờ đây, con yêu dấu, thày có thể chứng minh họ sai chỉ qua vài câu. Tất cả các con đều biết câu trích dẫn lời thày nói trong Thánh kinh: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nhưng ai vì ta mà mất mạng sống mình thì sẽ được sự sống thật, sự sống trường cửu.” Con yêu dấu, nếu con tuyên bố diễn giải thánh kinh theo nghĩa đen, thì câu hỏi là: “Vậy thì tại sao con chưa kết liễu mạng sống mình?”

Nếu con vẫn còn sống thì sự thật giản dị là con đã không hiểu theo nghĩa đen tất cả mọi câu trong Thánh kinh. Nếu con không hiểu theo nghĩa đen một câu nói (vì con đã không bỏ mạng sống mình để đi tìm đời sống vĩnh cửu), vậy thì tại sao con không hiểu câu nói đó theo nghĩa đen? Lẽ dĩ nhiên đó là vì con nhận ra ý của câu này không thể hiểu theo nghĩa đen được. Nếu có một câu không nên hiểu theo nghĩa đen, thì phải chăng nhiều câu khác cũng thế? Còn hơn thế nữa, phải chăng là tất cả những câu nói của thày không nên hiểu theo nghĩa đen?

Ngay cả Thánh kinh cũng chứng minh là thày giảng giáo lý thấp hơn cho đại chúng và giáo lý cao hơn cho các tông đồ của thày. Có khó lắm không để thấy là thày đã dạy một giáo lý có thể hiểu ở nhiều trình độ khác nhau vì thày chờ đợi là các con dùng giáo lý để gia tăng sự hiểu biết, để nâng cao sự nhận biết của các con? Khi làm như thế, con sẽ hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn đằng sau những lời thày nói. Cho nên, những ai hiểu Thánh kinh theo nghĩa đen đang không đi trên con đường tu, con Đường Đạo mà thày đã phác họa. Có khó lắm chăng để thấy điều này, con yêu dấu?

23.1. Những cái ngã của con bị kẹt trong một nhận thức đặc thù

Lẽ dĩ nhiên thày biết là tất cả các con có thể thấy được điều này vì nếu không thì các con đã không theo học giáo lý của các chân sư thăng thiên. Thày nêu lên điều này bởi vì ngay cả những người trong các con đã mở tâm đón nhận giáo lý của các thày, các con quả thực cũng nhận ra có những phần trong tâm thức mình đã hiểu một số điều theo nghĩa đen. Thày đã nói tới những cái ngã mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại những kinh nghiệm con trải qua trong thế gian này. Con yêu dấu, có thể nói một cái ngã như thế bị kẹt trong một trạng thái tâm thức mà con thấy nơi nhiều tín đồ Cơ đốc giáo cực chính thống.

Cái ngã được tạo ra cho một mục đích đặc thù và nó chỉ có thể nhìn cuộc đời (hay nhìn một khía cạnh đặc thù của cuộc đời) theo cách nhìn được quy định khi nó được tạo ra. Nó giống như cái máy cứ giản dị lặp đi lặp lại cùng một khuôn nếp. Giáo lý mà các thày trao truyền ở đây lẽ dĩ nhiên không dành cho người mới bắt đầu tu, ngay cả những người mới bắt đầu tu theo giáo lý của các chân sư thăng thiên. Nó được trao truyền đặc biệt cho những người đã tiến lên những tầng cao hơn. Giáo lý thày trao truyền trong lần truyền giảng này đặc biệt dành cho những người đã đọc quyển sách mà các thày đã trao truyền (Các Kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su) và do đó họ đã sẵn sàng đối phó với các khai ngộ này vì họ nhận ra họ là một avatar đã đầu thai trên trái đất. Thày yêu cầu con, nếu con cảm thấy mình chưa tới tầng mức này, thì con để qua bên giáo lý này và tìm hiểu một số giáo lý khác cho tới khi con cảm thấy mình sẵn sàng học nó. Nhiều người trong các con đã sẵn sàng và đó là lý do tại sao các thày không giữ lại giáo lý này.

Các thày đã trao truyền cho các con một số giáo lý về những cái ngã mà con đã tạo ra, những khía cạnh của tự ngã, những phàm linh nội tại. Đầu năm nay, thày có nói tới cách hành xử của con, cách con nhìn các chân sư thăng thiên. Thày đã nói con nhìn thế giới vật chất như thế nào và tất cả những giáo lý này là dụng cụ để giúp con khám phá ra con đã tạo ra những cái ngã nào bên trong con và chúng vẫn còn ở đó và con vẫn còn mang chúng bên trong con. Chúng là gánh nặng đè lên con, kiềm giữ con lại trên nhiều khía cạnh. Ví dụ như chúng có thể khiến cho tư tưởng của con đi vào những khuôn nếp lặp đi lặp lại. Chúng có thể khởi động một phản ứng xúc cảm khi con ở trong một số tình huống nào đó. Xúc cảm này có thể là sợ hãi, có thể là mắc cở hay hổ thẹn. Nó có thể là giận dữ; nó có thể là nhiều xúc cảm khác. Mỗi người mỗi khác, nhưng điểm chính là con nhận ra có một khuôn nếp được lặp đi lặp lại. Con yêu dấu, con lưu ý điều sau: Cái Ta Biết của con, cốt lõi của bản thể con là một sinh thể sáng tạo.

Nó muốn luôn luôn tiến lên và trải nghiệm cái mới. Đó là lý do tại sao con tới đây ngay từ đầu. Sau khi đã sống trên các hành tinh tự nhiên một thời gian dài, con muốn trải nghiệm cái gì mới, cái gì khác. Một lần nữa, điều này không có gì sai trái. Hiếu kỳ có thể giết con mèo nhưng các con không phải là mèo. Hiếu kỳ là điều hoàn toàn tự nhiên đối với một sinh thể đang mở rộng tự nhận biết của nó. Làm sao con có thể mở rộng tự nhận biết nếu con không hiếu kỳ về những gì ở bên ngoài ý niệm bản ngã hiện hành của con?

Con nhận ra ở đây là cốt lõi của bản thể con là hiếu kỳ, thích tiến sang chuyện khác, thích trải nghiệm những cái mới. Điều này có nghĩa là bất cứ khi nào con thấy có một khuôn nếp lặp đi lặp lại trong bốn thể phàm của mình, thì con biết đây không phải là cái ta thật của con. Con cũng biết là nó kiềm giữ con lại và có thể là nó khiến cho cái ta thật của con cảm thấy bực bội, bất toại nguyện, không vui khi phải ở đây.

23.2. Sự tạo thành của cái ngã tách biệt đầu tiên của con

Giờ đây, khi thày nói điều này, lẽ dĩ nhiên chúng ta cần phân biệt. Chúng ta cần tự hỏi: “Nếu cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết, thì có thể nào cái Ta Biết thực sự cảm thấy không vui, nóng giận, bực bội chăng?” Câu hỏi này không có câu trải lời giản dị, đường thẳng. Lý do là vì con đã đầu thai trong một thời gian rất dài và do đó con đã tạo ra những cái ngã vi tế đến độ con bây giờ không thể thấy được sự khác biệt giữa cái Ta Biết và những cái ngã này.

Đó là lý do tại sao các thày đã bắt đầu nói với các con về một số ngã có tính cách phiến diện hơn và con có thể thấy rất dễ dàng là những ngã này liên quan tới những tình huống đặc thù hay khía cạnh đặc thù của cuộc sống. Con nhìn ra những ngã phiến diện này dễ hơn, con nhận diện chúng là ngã tách biệt và chúng không phải là cái ta thật của con. Trước đây các thày có trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời mà con gánh chịu khi con xuống đầu thai lần đầu trên trái đất, thì bây giờ các thày đã sẵn sàng trao cho các con sự hiểu biết là khi các con trải qua chấn thương nhập đời này, thì con tạo ra một cái ngã. Nó không phải là cách cơ bản con liên hệ với trái đất nhưng là cách cơ bản con liên hệ với trái đất sau khi bị chấn thương. Nói cách khác, để có thể đối phó với chấn thương, con tạo ra cái ngã tách biệt đầu tiên này. Chúng ta có thể nói ý niệm bản ngã mà con có trước khi bị chấn thương, ý niệm bản ngã mà con tạo ra khi con tạo ra bốn thể phàm của con, nó đã chết đi vì con bị chấn thương nhập đời.  

Con lưu ý là các thày đã giảng điều này trước đây nhưng thày sẽ tóm tắt ở đây. Để có thể đầu thai lần đầu trên một hành tinh dày đặc như trái đất, con tạo ra (với sự nhận biết mà con có trước khi con tới đây) thể bản sắc, thể lý trí, thể tình cảm và cuối cùng là thể vật lý (nghĩa là cái tâm liên quan tới thể vật lý). Ba thể cao được tạo ra dựa trên viễn quan về trái đất mà con có trước khi con thật sự kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất. Nó là một cái ngã phần nào có tính cách lý thuyết. Sau đó, con đi xuống với ý định tốt nhất, với cái ngã con đã tạo ra với những mong chờ về những gì con muốn làm, về những gì con có thể gặp, về hậu quả của sự hiện diện của con ở đây. Sau đó, con trải nghiệm chấn thương nhập đời khi con gặp các sa nhân, và cái ngã nguyên thủy chết đi. Một cái ngã mới được tạo ra khi con phản ứng lại sa nhân và các điều kiện trên trái đất. Ta có thể nói là quả thực cái Ta Biết không thể cảm thấy buồn phiền, bực dọc hay bất toại nguyện khi nó nhận ra nó là nhận biết thuần khiết. Trong nhận biết thuần khiết không có cảm xúc tiêu cực, cũng không có bất cứ cảm xúc nào được gọi là cảm xúc tích cực trên trái đất. Trong nhận biết thuần khiết con chỉ giản dị quan sát. Nếu con có thể trụ mình vào nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, con có thể chỉ quan sát trái đất. Con không lượng định, phê phán. Không có phán xét giá trị, không có cái phải là hay cái không được là: Con chỉ quan sát.

Đây là trạng thái tâm thức mà Phật đã chứng minh khi thày đạt sáng ngộ cuối cùng khi thày ngồi thiền định dưới cội cây Bồ đề, và quỷ sứ của Ma vương lại gần và tìm cách khích động thày phản ứng lại chúng một cách nào đó. Thày trụ trong tâm không dính mắc, thày đứng ra ngoài các khuôn nếp phản ứng bằng cách ở trong nhận biết thuần khiết trong đó thày thấy chuyện gì đang xảy ra trên trái đất nhưng chỉ quan sát mà không phản ứng.

Giờ đây lẽ dĩ nhiên, con yêu dấu, con không ở đây để ngồi dưới một gốc cây và chỉ quan sát. Con ở đây để tham gia vào cuộc sống trên trái đất. Con cần gì để có thể tham gia vào cuộc sống? Con cần một thể bản sắc, một thể lý trí, một thể tình cảm và một thể vật lý. Hệ quả là con có một cái ngã và điều này nghĩa là con có thể bước lui ra khỏi cái ngã đó, đi vào nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết và chỉ quan sát. Lẽ dĩ nhiên đây không phải là điều con làm trong đời sống thường nhật thực tiễn. Ngay lúc con chú ý bên ngoài để thực sự tham gia vào cuộc sống trên trái đất này, thì con (như là cái Ta Biết) đang trải nghiệm cuộc sống qua cái ngã mà con tạo ra. Đó là lý do tại sao cái Ta Biết có thể kinh nghiệm sự bực bội, thất vọng, cảm giác bị ruồng bỏ.

Trên mặt lý thuyết đây không phải là cái Ta Biết. Những cảm xúc này không ở trong cái Ta Biết nhưng cái Ta Biết đang kinh nghiệm cuộc sống qua cái ngã đó. Đó là lý do tại sao đây là một ý niệm sâu thẳm về bản ngã mà hầu hết không ai thấy được. Ngay cả những người đã đi trên con đường tu một thời gian khá dài cũng không thấy được điều này vì đây quả thực là cái ngã cơ bản mà họ đã tạo ra sau khi tới đây. Nó là cái ngã sinh ra sau khi cái ngã đầu tiên chết đi. Nó bám chặt, nó ăn sâu, nó vi tế đến độ con xem nó là đương nhiên. Con nghĩ đây là cách duy nhất để kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất.

23.3. Con đã buông bỏ những cái ngã khác

Các thày đã trao truyền cho con khái niệm về những cái ngã phiến diện hơn liên quan tới một điều kiện đặc thù. Mục đích là giúp con nhận ra con đã thấy một số các ngã này. Con đã đi trên con đường tâm linh, ngay cả nếu con chỉ mới đi trong một thời gian ngắn (và ở đây thày không nói tới chuyện con tìm thấy những giáo lý đặc thù này vì nhiều người trong các con đã đi trên con đường tu nhiều năm trước khi con tìm thấy các giáo lý này). Nếu con đã đi trên con đường tu một thời gian, thì con đã thấy một số các ngã vỏ ngoài này, con đã tách mình ra khỏi chúng và con đã buông bỏ chúng.

Con đã quen thuộc với tiến trình buông bỏ đó. Một khi con nghĩ về nó và xem xét đường tu của mình, con nhận ra là con đã buông bỏ một số ngã này (có thể là con buông bỏ một cách không có ý thức). Ngày hôm nay con không phản ứng giống như trước khi con tìm thấy con đường tâm linh. Con đã thăng vượt một số khuôn nếp phản ứng, con đã bỏ chúng lại đằng sau, và đó là vì con đã vượt lên trên những cái ngã vỏ ngoài này. Điều thày muốn nói ở đây là một cái ngã vỏ ngoài là một cái ngã vỏ ngoài. Con có thể có một cái ngã vỏ ngoài liên quan tới cách con hành xử với những người nổi giận với con. Lẽ dĩ nhiên nó là một cái ngã vỏ ngoài đặc thù hơn cái ngã con đã tạo ra khi con phản ứng lại chấn thương nhập đời, nhưng trên căn bản cả hai đều được tạo ra theo cùng một cách.

Cả hai đều dựa trên một ảo tưởng cho nên cách khắc phục chúng quả thực là một. Con nhận ra nó là một cái ngã vỏ ngoài và con quyết định con không muốn mang nó trong mình nữa. Sau đó con có thể buông bỏ nó. Tuy nhiên với cái ngã mà con tạo ra trong chấn thương nhập đời vũ trụ, mà chúng ta có thể gọi là ngã gốc, thì lẽ dĩ nhiên buông bỏ nó khó hơn vì nó vi tế hơn.

23.4. Cái ngã mà con có trong kiếp đầu thai đầu tiên

Khi thày nói con xuống đầu thai với một cái ngã mà con đã tạo ra trước khi con kinh nghiệm cuộc sống trên trái đất và cái ngã này chết đi và con tạo ra một cái ngã khác, thì điều này thực sự có nghĩa gì? Ấy, điều này có nghĩa, con yêu dấu, là khi cái ngã trước của con chết đi, con mất đi khung tham chiếu mà cái ngã này có thể cho con. Nói cách khác, cái ngã mà con có khi con xuống đây được tạo ra với tầm nhìn của con từ một cõi cao hơn, dựa trên cuộc sống của con trên một hành tinh tự nhiên. Lẽ dĩ nhiên cái ngã này không đầy đủ vì nó không biết cuộc sống ở đây ra sao. Điều nó biết là có một lối sống khác với lối sống trên trái đất, có một dạng sống tốt hơn; có một cái gì khác. Khi con trải qua chấn thương và cái ngã đó chết đi, con mất đi khung tham chiếu này, ít nhất là trong tâm ý thức của con.

Điều này có nghĩa là từ lúc đó con bắt đầu nghĩ và kinh nghiệm là cách duy nhất để nhìn cuộc sống là cách con đang nhìn cuộc sống qua cái ngã mới, cái ngã gốc mà con đã tạo ra khi con phản ứng lại chấn thương nhập đời và các điều kiện trên trái đất. Do đó nhận diện cái ngã này khó hơn nhận diện những cái ngã phiến diện hơn. Con phải làm việc nhiều hơn nhưng các thày đã trao truyền giáo lý và dụng cụ cho các con. Dụng cụ của Mẹ Mary để giúp con tiếp cận chấn thương nhập đời là một dụng cụ tuyệt diệu giúp con có một nhận biết, một nhận biết rộng hơn về cái ngã mà con đã tạo ra để con có thể bắt đầu tách mình ra khỏi nó. Có thể nói là con có thể bắt đầu thấy ngã này từ bên ngoài thay vì con nhìn cuộc sống xuyên qua cái ngã, từ bên trong cái ngã.

23.5. Buông bỏ cái ngã thâm sâu

Thày tin là con cũng thấy sự thật hiển nhiên là ngày nào con còn ở trong một cái ngã, thì con không thể thấy cái ngã đó. Nếu con mang cặp mắt kính màu vàng và con không biết mình đang mang kính thì con không thể thấy cặp kính này. Để có thể thấy được cái ngã, thì con phải bước ra bên ngoài nó. Lẽ dĩ nhiên, mục đích của các thày là dẫn con theo một tiến trình trong đó con dần dần buông bỏ tất cả những phàm linh và ngã phiến diện cho tới khi con tới điểm cái ngã duy nhất còn lại là ngã gốc. Khi con đã đi qua tiến trình này, thì con có thể chuyển đổi nhận thức và nhận ra con có một ngã gốc. Nó vi tế hơn các ngã khác nhưng nó vẫn chỉ là một cái ngã được tạo ra theo cùng một cách. Sau đó con có thể bắt đầu nhận ra nó không phải là con người thật của con. Nó là một cái ngã được tạo ra để đáp ứng lại một tình huống rất khó khăn, làm con bị chấn thương mạnh, xảy ra cho con trên trái đất.

Một lần nữa các thày hoàn toàn không trách cứ con. Các thày đã từng đầu thai; các thày đã tạo ra một ngã gốc khi phản ứng lại chấn thương nhập đời trên hành tinh này. Các thày chỉ có mặt ở đây để chứng minh cho các con thấy là các thày đã khắc phục cái ngã gốc đó và do đó các con cũng làm được. Điều mà một người đã làm được thì tất cả đều có thể làm được.

Vậy thì làm sao con khắc phục cái ngã gốc được? Ấy, như các thày đã nói trước đây, chìa khóa là con nhận ra là bất cứ mọi cái ngã đều được tạo ra với một mục đích đặc trưng, với một tầm nhìn đặc trưng. Do đó, chúng ta có thể nói là trong cốt lõi, cái ngã có một vấn đề nào đó. Nó có một vấn đề cố hữu và khi con nhìn từ bên trong cái ngã, vấn đề này phải được giải quyết một cách nào đó. Các thày đã nói là các con có thể đã tới đây với ý định tạo ra một sự thay đổi bên ngoài nào đó trên trái đất. Sau đó khi con tạo ra một cái ngã dựa trên những gì xảy ra cho con trên trái đất, cái ngã này có thể phóng chiếu ra hay nó có thể thấy một vấn đề đặc trưng nào đó ở đây trên trái đất nhất định phải được giải quyết. Như thày có nói, nếu vấn đề là chiến tranh, thì phải loại trừ chiến tranh ra khỏi trái đất trước khi con có thể giải quyết vấn đề.

Lẽ dĩ nhiên đây không phải là cách giúp con khắc phục một cái ngã như thế. Ngay cả nếu con giải quyết được vấn đề mà cái ngã phóng chiếu ra, như loại trừ tất cả chiến tranh, thì con vẫn không tự động khắc phục được cái ngã vỏ ngoài này. Bí quyết ở đây là con bắt đầu nhận ra là con sẽ không vượt lên trên ngã gốc bằng cách giải quyết vấn đề hay thay đổi điều kiện đã khiến con phản ứng lại và tạo ra ngã gốc.

Con sẽ chỉ khắc phục nó khi con nhận ra nó là một ngã tách biệt, nó dựa trên một ảo tưởng và không có vấn đề nào cần giải quyết. Điều này lẽ dĩ nhiên không đơn giản. Đúng là có chiến tranh trên trái đất. Đúng là các chân sư thăng thiên muốn loại trừ chiến tranh khỏi trái đất, và tất cả các con cũng vậy. Nó là một vấn đề thật, nhưng con không thể giải thoát khỏi ngã gốc bằng cách giải quyết vấn đề ở bên ngoài. Nó chỉ làm được bằng cách giải quyết cơ cấu bên trong con khiến con nghĩ rằng cuộc sống của con trên hành tinh này, ý niệm bản ngã của con và việc con rời khỏi hành tinh này, tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào ở đây.

Một lần nữa chúng ta có thể xem xét những gì thày nói, trích dẫn từ thánh kinh: “Ông Hoàng Thế gian tới và không nắm được gì nơi ta.” Câu này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là không có lực nào trên trái đất có sức thu hút trên con khiến con phải làm điều gì đó, phải thay đổi điều gì đó, phải giải quyết điều gì đó ở đây. Không có lực nào có thể ra lệnh cho con là con phải phản ứng theo kiểu nào đó, con phải có cảm xúc như thế nào đó.

23.6. Cảm nhận của ngã gốc

Giờ đây, lẽ dĩ nhiên là không phải tất cả các con đều đã tạo ra một ngã gốc có mục đích giải quyết một vấn đề nào đó. Một số các con đã tạo ra một ngã gốc cảm thấy mình bị sa nhân hoàn toàn bác bỏ. Một số các con đã tạo ra những cái ngã cảm thấy một nỗi buồn chung về cuộc sống, cảm thấy rất thất vọng và rất bị chấn động vì những điều kiện ở đây, cảm thấy mình quá bất lực không thay đổi được chúng, cho nên việc mình tới đây không có ý nghĩa gì và không đạt được mục đích gì. Việc mình tới đây đã là một sai lầm.

Mỗi người trong các con phải dùng các dụng cụ của các thày, dùng bài tập của Mẹ Mary, để chiêm nghiệm xem ngã gốc của mình là gì. Cốt lõi của nó là gì? Phản ứng là gì? Niềm tin là gì? Sau đó, con cần nhận ra là ngã gốc đã cho con một cảm nhận gốc, một ý niệm gốc về trái đất và đời sống trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên ý niệm này không đẹp đẽ cho nên con biết đáng lẽ nó phải khác. Như thày đã nói, dù là cái ngã nguyên thủy của con đã chết, một số các con vẫn có thể còn cảm nhận là có một lối sống khác với lối sống trên trái đất, có một cõi khác nơi, ví dụ, chiến tranh không có mặt.

Con cảm thấy một sự bất an nào đó, một sự căng thẳng nào đó. Có điều gì đó sai, có điều gì đó làm con bất an. Con cần tới được điểm con nhận diện chính xác cảm giác đó, niềm tin đó vì, như các thày đã nói với con, khi con gặp chấn thương nhập đời thì con lấy một quyết định. Đây có thể là một quyết định khó có thể diễn tả chính xác bằng lời. Như được nói trong quyển sách, con đã lấy quyết định: “Tôi không bao giờ muốn kinh nghiệm điều này nữa.” Điều chính xác nào con không muốn kinh nghiệm nữa? Con cũng đã lấy quyết định điều gì con có thể làm và điều gì con muốn làm trên trái đất kể từ lúc đó – nghĩa là con sẽ tiếp cận cuộc sống như thế nào. Ở đây con cần nhận ra một sự vận hành cơ bản.

23.7. Sa nhân phá hoại sứ vụ của con

Có nhiều sa nhân đang đầu thai mà có thể con đã gặp họ nhưng họ không ý thức điều này. Các sa nhân ở cõi bản sắc chắc chắn ý thức điều này. Họ biết về các avatar, họ biết đã có nhiều sinh thể tới trái đất để nâng hành tinh này lên. Họ biết rằng sự thống trị trái đất của họ tùy thuộc họ có phá hoại được sứ vụ của các avatar này không hay ít nhất trì hoãn được sứ vụ đó. Điều họ thực sự muốn làm là cho con một cú sốc lớn đến độ con cảm thấy sứ vụ nguyên thủy của con khi xuống đây không thể hoàn thành được. Do đó con cảm thấy con đã sai lầm khi tới đây vì con không thể đem lại thay đổi. Con không thể thay đổi bất cứ điều gì trên trái đất.

Nhiều người trong các con khi trải qua chấn thương nhập đời vũ trụ đã bị cú sốc vì các con tới đây với ý định trong sáng nhất. Điều này có nghĩa là các con thấy mọi người trên trái đất đang đau khổ, tỷ dụ vì có chiến tranh trên trái đất. Con giả định là nếu con người đang đau khổ, thì họ muốn thoát khỏi đau khổ và do đó họ muốn khắc phục chiến tranh. Con xuống đây và con nghĩ lẽ hiển nhiên con người muốn khắc phục chiến tranh. Khi con đề nghị cách thực hiện điều này, thì con chờ đợi là mọi người sẽ tiếp nhận một cách tích cực.

Khi con ở trên hành tinh tự nhiên, con quen thấy mọi người đều muốn cải thiện cuộc sống của họ. Sau đó, con xuống trái đất và con nhận ra hai điều. Trước tiên, có những người trên trái đất không muốn thay đổi, họ không muốn khắc phục đau khổ của họ; họ không muốn từ bỏ chiến tranh hay bất cứ điều gì khác. Họ không muốn thay đổi. Sau đó, khi con ở dưới này, con trải nghiệm trọn vẹn hiện thực tuyệt đối, không thay đổi được của quyền tự quyết. Trước đây, khi con nhìn xuống trái đất từ trên cao, con không thực sự hiểu thấu điều này. Tất cả chúng ta thật sự không hiểu thấu rằng nếu con người trên trái đất không muốn từ bỏ chiến tranh, thì con không ép họ được. Khi con ở dưới này, thì con nhận ra (và đây thường là cú sốc lớn nhất) là dù con biết cách khắc phục các vấn đề và giới hạn của nhân loại, nhưng con không làm gì được vì con người không hưởng ứng.

23.8. Cú sốc khi gặp sự chống đối thay đổi

Lẽ dĩ nhiên con không thể đi ngược lại quyền tự quyết của họ. Quả thực là con không muốn đi ngược lại quyền tự quyết của họ, nhưng trước khi con tới đây, con giản dị nghĩ nếu con chỉ cho họ con đường thoát khỏi lầm than, thì họ sẽ muốn theo con đường này. Con bị cú sốc khi nhận ra có một số sinh thể, các sa nhân, không những không muốn thay đổi mà còn tìm cách tiêu diệt con. Trong một số trường hợp con có thể đối phó với điều này, nhưng con cũng nhận ra là đại đa số người trên hành tinh này không muốn tiêu diệt con, họ chỉ không muốn dính dáng tới con. Họ không muốn lắng nghe con, họ không muốn thay đổi.

Khi con kinh nghiệm điều này, thì con rất dễ (và chúng ta đều đã làm như thế) lấy quyết định (quyết định này hơi khác tùy theo mỗi cá nhân) rằng: “Đáng lẽ tôi không nên tới đây, đó là một sai lầm, tôi chẳng làm được gì ở đây, tôi có mặt ở đây vô ích, tôi không thay đổi được sa nhân, tôi còn không thay đổi được con người vì họ không muốn thay đổi, họ không muốn vượt lên trên đau khổ của họ, họ còn không muốn lắng nghe tôi. Quả thực họ không muốn tôi ở đây.”

Trải nghiệm này khiến con có nỗi bất mãn sâu xa. Tại sao tôi ở đây? Tôi ở đây để làm gì? Ngay lúc sự bất mãn của con lên tới cùng cực, thì con lấy một quyết định là từ nay về sau con sẽ tiếp cận cuộc sống ra sao. Mỗi người sẽ biểu hiện quyết định đó thành lời khác nhau và đó là lý do tại sao con cần khám phá ra quyết định của riêng mình. Một ví dụ chung chung là con có thể quyết định rằng: “Tôi sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết của con người.” Hoặc: “Tôi sẽ không bao giờ ép buộc ai. Tôi sẽ không bao giờ lấy quyết định ảnh hưởng tới người khác vì tôi không muốn ép buộc ai cả.” Hoặc: “Tôi sẽ không thách thức sa nhân.” Hoặc con có thể lấy quyết định, như quyển sách đã mô tả, là con sẽ chống lại sa nhân; hay quyết định là con muốn hiểu sa nhân và tại sao họ phản ứng như thế.

23.9. Tái sinh trong Ki-tô

Các quyết định đó đã tạo ra một cái ngã đã pha màu cách con nhìn mình như thế nào như một sinh thể trên trái đất. Đây là cái ngã cuối cùng, cái ngã gốc, mà con có thể buông bỏ, và con có thể buông bỏ nó. Con có thể buông bỏ nó từng phần một. Con có thể tới điểm con cho cái ngã đó chết đi và con tái sinh trong một ý niệm bản sắc mới dựa trên hiểu biết mà con có lúc này và dựa trên sự việc con đã phần nào tiếp xúc được với Hiện diện TA LÀ của con. Do đó con có thể được tái sinh trong Ki-tô vì đây không phải là một cái ngã vỏ ngoài dựa trên sợ hãi và phản ứng lại trái đất. Đây là cái ta hòa điệu với Hiện diện TA LÀ hay là nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, cá thể của Hiện diện TA LÀ của con, và thực tại Ki-tô là con là một sinh thể tâm linh, là nhận biết thuần khiết không thể bị ảnh hưởng hay thay đổi bởi bất cứ điều gì trên trái đất.

Lúc ấy, con có thể vượt lên trên ngã gốc và tái sinh trong ý niệm bản sắc mới qua đó con thấy cuộc sống trên trái đất là điều tích cực. Giờ đây con có cái nhìn tích cực, một mục tiêu tích cực, một cảm nhận tích cực. Điều này không có nghĩa là con có một vấn đề mà con nhất định phải giải quyết bằng được. Con nhận ra sự có mặt của con ở đây có ý nghĩa vì chỉ vỏn vẹn con có mặt ở đây là con đang tỏa chiếu ánh sáng vào tăm tối. Con đang cho mọi người một tấm gương là có một cách sống khác với tâm thức nhị nguyên, khác với đau khổ, khác trạng thái tâm loạn động như tâm của mọi người.

23.10. Khi cái bất thường trở thành bình thường

Mọi người trên trái đất đều không vui, bất toại nguyện và xáo trộn trong tâm: điều này hoàn toàn thật. Nhưng để có thể sống được thì mọi người tới điểm xem trạng thái mất quân bình là bình thường. Đó là lý do tại sao chế độ cộng sản sống còn lâu như vậy. Hầu hết mọi người chấp nhận đó là tình trạng bình thường để họ có thể sống được với nó và do đó họ có thể sống còn. Điều này không có nghĩa là họ bằng lòng với chế độ này. Điều này không có nghĩa là họ đang tăng triển nhưng họ có thể sống còn. Lẽ dĩ nhiên con cũng đã làm như thế: con đã tạo ra một chuẩn mực cho phép con sống còn. Con đã tìm ra một cách sống trên trái đất giúp con tránh được những cảnh huống khơi dậy cảm xúc mà con có khi trải qua chấn thương nhập đời của mình.

Gần giống như là con đã tìm ra một cách ru ngủ ngã gốc, cho nó bị hôn mê, vì con đã học cách tạo ra những hoàn cảnh bên ngoài không đánh thức nó dậy. Quả thực con có thể sống như vậy trong vài kiếp và con có thể tiến bộ trong việc vứt bỏ một số ngã vỏ ngoài nhưng con thật sự chưa bao giờ chạm vào ngã gốc. Có những trường hợp đệ tử chân sư thăng thiên đã theo học giáo lý của các chân sư thăng thiên vài thập kỷ và họ đã có tiến bộ nhưng họ còn chưa bắt đầu nhìn vào ngã gốc.

Một lần nữa không nhất thiết chuyện này là sai trái. Con không thể nhìn vào ngã gốc khi con chưa sẵn sàng. Nhưng con sẽ tới điểm quả thực dậm chân tại chỗ nếu con không bắt đầu nhìn vào ngã gốc. Con sẽ không tăng triển, có thể cho tới cuối kiếp sống này, bởi vì con có cảm nhận là có điều gì trong con mà con không muốn chạm tới, con không muốn đối phó – vì chuyện này khó quá.

23.11. Chuyển đổi đồng hóa mình với ai

Con có thể có cảm nhận là con biết mình đã buông bỏ nhiều cái ngã khác và làm điều này không có vấn đề. Cái ngã này, con cảm thấy không bỏ nó được vì con cảm thấy mình sẽ chết nếu bỏ nó. Con sẽ chết. Con yêu dấu, đúng thế. Con sẽ chết. Cái “ngã” qua đó con nhìn mình như một sinh thể trên trái đất, cái ngã đó sẽ chết. Điều này không có nghĩa là cái ta thật của con sẽ chết vì con sẽ tái sinh trong một cái ta mới mà con sẽ phải tuần tự tạo ra, lẽ dĩ nhiên. Con thấy là các thày hoàn toàn ý thức, con yêu dấu, là điều mà các thày yêu cầu con làm ở đây (trong các giáo lý gần đây về chấn thương nhập đời và hành trình của các con trên trái đất) là một việc làm rất, rất phức tạp. Con không thể phất tay một cái là làm xong. Con cần nhiều thời gian, một số năm, có khi vài thập kỷ vì con sẽ dần dần phá bỏ cái ngã cũ và đồng lúc con cũng tạo ra một cái ta mới.

Đây là một việc làm phức tạp, nhưng việc này có thể làm được và con đã trong tiến trình làm việc này. Những gì thày mô tả ở đây nghe rất lớn lao nhưng nó không lớn lao như thế. Khi con đi trên con đường tu, con buông bỏ một số ngã phiến diện, con cũng tạo ra một ý niệm bản ngã mới dựa trên một tầm nhìn tích cực, dựa trên sự hiểu biết của con về giáo lý. Không phải là con phải hoàn toàn phá vỡ ngã gốc và nó chết đi và con không còn gì cả – và sau đó con có thể bắt đầu xây dựng lại một cái ta mới. Mọi chuyện không xảy ra như thế. Con phá vỡ cái cũ và con tạo ra cái mới cùng một lúc.

Điều gì có thể mang lại sự chuyển đổi nơi con? Ấy nó giản dị như thế này. Thày không nói là tất cả các con đều làm được ngay bây giờ nhưng sẽ tới lúc con đã phá vỡ phần lớn ngã gốc của mình. Con đã tạo ra một cái ngã mới, nhưng trong bản thể của con vẫn còn một điểm nơi con đồng hóa mình với ngã gốc. Con vẫn nhìn cuộc sống trên trái đất qua ngã gốc này. Khi thày nói cho ngã gốc chết đi, thì đó là điểm con nhìn thấy nó, con thấy cái ngã đó và con có thể buông bỏ nó. Con có thể cho ngã gốc chết đi. Đó là lúc thày nói con tái sinh.

Điều thật sự xảy ra là trọng tâm bản sắc của con, trung tâm bản sắc của con, dời chuyển từ ngã gốc sang cái ta mới mà con đã gày dựng bấy lâu nay. Bất thình lình, con thoát khỏi cái nhìn tiêu cực về trái đất và cuộc sống trên trái đất và bây giờ con nhìn cuộc sống qua cái nhìn tích cực. Con nhìn mình với cái nhìn tích cực. Con không còn cái nhìn tiêu cực về điều gì con làm được hay không làm được trên trái đất, tại sao con ở đây và con đã ngu xuẩn khi tới đây – điều này và điều kia. Nó không còn nữa. Nó đã chết.

23.12. Khi chết là đồng minh của con

Con yêu dấu, con hiểu là có một câu trích từ thánh kinh nói rằng kẻ thù cuối cùng mà chúng ta chinh phục là cái chết. Câu này không chỉ cái chết vật lý. Tất cả các con đều là người tâm linh, các con đều nhận ra là các con đã từng sống trước đây và các con đều đã kinh nghiệm nhiều lần là thân xác vật lý chết đi nhưng con thì vẫn tồn tại. Thân xác có thể tới, có thể đi nhưng ta tồn tại mãi mãi. Chuyện xảy ra ở đây không phải là con chết (cái ta thật của con không chết) nhưng có một cái “ta”, một cái ngã đúng thực chết. Lẽ dĩ nhiên cái ngã này sẽ chống trả không muốn chết. Nó không có tự nhận biết nhưng nó có đủ tâm thức để chống lại cái chết. Lẽ dĩ nhiên nó sẽ phóng chiếu lên con là con sẽ chết khi chết. Đó là lý do tại sao con cần tới điểm xét lại quan điểm của mình về cái chết. Cái chết có thực là kẻ thù không?

Khi con nhận ra là cốt lõi bản sắc của mình là Hiện diện TA LÀ, ở trên cõi tâm linh, một cõi vượt lên trên thời gian và không gian, thì con biết là Hiện diện TA LÀ của con không thể chết. Các thày đã nói nhiều lần với các con là cái Ta Biết là một nối dài của Hiện diện nên nó cũng không thể chết. Khi con bắt đầu kết nối với ý niệm nhận biết thuần khiết đó (ý niệm biết mình hơn cái ta vỏ ngoài, hơn bất cứ điều gì trên trái đất), con có thể chuyển đổi nhận thức và nhận ra rằng con không thể chết. Cái có thể chết chỉ là ý niệm cái “ta”, ý niệm cái ngã, ý niệm mình là ai. Bởi vì ý niệm bản ngã của con giới hạn, nên con có thật sự mất mát chăng khi cái ngã đó chết đi? Hay đó là một thắng lợi cho con vì cái nhìn tiêu cực về mình đã chết, và con tái sinh trong cái nhìn tích cực? Nói cách khác, con tự do hơn sau khi cái ngã chết đi.

Kẻ thù cuối cùng mà mình chinh phục là cái chết, câu này nghĩa là gì? Nó nghĩa là con nhận ra cái chết không phải là kẻ thù của mình. Cái chết là bạn của mình. Cái chết là một dụng cụ giúp cho cái ngã giới hạn chết đi và nhờ vậy mình được tự do. Lẽ tự nhiên hầu hết mọi người chống cự lại cái chết vì họ quá đồng hóa họ với thân xác của họ và ngay cả thân xác cũng có nhận biết của nó, được gọi là bản năng sinh tồn khiến nó chống cự lại cái chết. Con biết là con sẽ không chết khi cái ngã tách biệt chết. Chúng ta không nói chuyện ở đây về cái chết vật lý. Chắc chắn đây không phải là giáo phái tự vận cuồng tín. Các con yêu dấu, chúng ta nói là con sẽ tới điểm thay vì sợ chết, sợ và chống cự cái ngã tách biệt chết, thì con cho phép nó xảy ra. Con đón mừng nó vì con nhận ra con sẽ tự do hơn sau cái chết của ngã tách biệt này. Đây là ý nghĩa đích thực của phục sinh.

23.13. Phục sinh đích thực

Phục sinh không thực sự là phục sinh thân xác như một số tín đồ Cơ đốc mơ tưởng. Trên căn bản nó là một khai ngộ tâm linh. Nó là điều con thấy khi thày đang bị treo trên cây thập tự và lúc đầu thày kêu lên: “Ôi Thượng đế, ôi Thượng đế, sao ngài lại bỏ rơi con?” Tại sao thày đã hành động như thế? Bởi vì cho tới lúc đó, thày có một cái ngã nghĩ rằng một cách nào đó Thượng đế sẽ làm phép lạ, gửi các thiên thần xuống giải cứu thày để thày không phải chết trên cây thập tự. Sau đó thày vẫn bị treo ở đó và thày nhận ra đây là một ảo tưởng. Có một cái ngã tách biệt mang ảo tưởng này. Quả thực nó là cái ngã tách biệt mà thày đã tạo ra khi bị chấn thương nhập đời. Nó là cái ngã tách biệt gốc của thày.

Trước khi thày xuống đầu thai lần đầu tiên trên trái đất, thày biết rất rõ tự thân mình không làm được điều gì cả. Thày biết rất rõ là cần có người đầu thai trên trái đất để làm cánh cửa mở cho uy lực của Thượng đế làm việc trong cõi vật chất của hành tinh này. Thày tình nguyện làm chuyện này, nhưng thày cũng đã xây đắp kỳ vọng là khi thày làm việc phụng sự Thượng đế thì Thượng đế sẽ can thiệp không để điều gì quá tệ hại xảy ra cho thày. Do đó, khi chuyện quá sức tệ hại xảy ra, thì Thượng đế sẽ tới và giải cứu thày bằng một phép lạ nào đó.

Đó là cái ngã thày đã xây dựng, đó là cái ngã thày đã có khi đầu thai. Sau đó, khi thày bị chấn thương nhập đời, thì thày đích thực nhận ra chuyện này sẽ không xảy ra. Thượng đế sẽ không dùng phép lạ để giải cứu thày khỏi hoàn cảnh rất khó khăn khiến thày bị chấn thương nhập đời. Thày phản ứng lại bằng cách tạo ra một ngã gốc giải thích tại sao Thượng đế đã không cứu thày trong hoàn cảnh đó. Đồng thời, thày cũng không thật sự chấp nhận thực tế của quyền tự quyết và Thượng đế không thể nào can thiệp vào quyền tự quyết và do đó trong một số trường hợp Thượng đế sẽ không thể nào giải cứu thày. Thày không chấp nhận điều này cho nên thày vẫn kỳ vọng là nếu thày thật sự, thật sự cần được giải cứu thì Thượng đế sẽ cứu thày.  

Cái ngã gốc của thày phải chịu tin là, thôi thì trong hoàn cảnh đó, dù nó tạo chấn thương tâm lý mạnh cho thày, thày quả thực không cần được giải cứu vì thày có thể đối phó được với chuyện đó. Nhưng nếu có một hoàn cảnh mà thày thật sự cần thì Thượng đế sẽ giải cứu thày. Nhiều nhiều năm sau đó, trong kiếp đầu thai cuối cùng của thày, thân xác thày đang bị treo trên cây thập tự và bỗng nhiên thày đối mặt với ngã gốc và kỳ vọng đây là một trong những cảnh huống mà thày thật sự, thật sự cần được giúp và bây giờ Thượng đế sẽ giải cứu cho thày. 

Lần đầu tiên thày thấy thực tế, toàn bộ thực tế của quyền tự quyết. Thày thật sự thấy nó và thày nhận ra là Thượng đế sẽ không giải cứu thày. Sau đó, thay vì tạo ra một cái ngã khác để đối phó với chuyện này, thì thày bỗng nhiên nhận ra đó là một cái ngã không thật. Nó chỉ là một ảo tưởng và thày thấy nó từ bên ngoài, và đó là lúc, như trong thánh kinh nói, thày “buông bỏ hồn ma.” Thày buông bỏ cái ngã cho rằng nó đặc biệt và do đó nó được quyền nhận phép lạ từ Thượng đế vì nó đã phụng sự Thượng đế trên trái đất này. Thày buông bỏ nó. Thày buông bỏ nó và sau đó thân xác thày chết đi nhưng điều thật sự quan trọng trong cảnh huống này là thày tái sinh theo nghĩa tâm linh. Cái ngã tách biệt, ngã gốc chết đi và thày tái sinh. Sau đó, thày không cần phải đầu thai trở lại trên trái đất nữa. Thày có thể từ bỏ trái đất. Dù rằng sau đó, thày được phép thị hiện một thân vật lý, điều này chính là để khởi động phong trào Cơ đốc và để khắc phục một số mong muốn vỏ ngoài không liên quan tới ngã gốc của thày. Tiến trình thật sự là việc cho phép cái ngã chết đi và con yêu dấu, có thể nói là khi con cho ngã gốc chết đi, con phải trải qua kinh nghiệm cảm thấy mình sẽ chết. Con cảm thấy con đang chết.

23.14. Chấp nhận cái chết

Giờ đây, con sẽ thấy, nếu con đã đọc về các kinh nghiệm cận tử, là có nhiều người đã trải qua kinh nghiệm cận tử trong một hoàn cảnh rất nguy hiểm, tạo chấn thương tâm lý. Trong một khoảng thời gian, bản năng sinh tồn của họ khiến họ chống cự lại và không chịu rời bỏ thân xác. Sau đó, họ tới điểm bỗng nhiên cảm thấy một sự bình an nội tâm và lúc đó họ buông bỏ thân xác và nói: “Bất chấp chuyện gì xảy ra.” Trong sự phó thác này, họ rời bỏ thân xác. Sau đó, họ có kinh nghiệm cận tử và trở về và kể lại câu chuyện. Con có thể tới điểm nhận diện ra ngã gốc, con biết nó cần phải chết đi, con biết bây giờ là đúng lúc. Sau đó, thay vì chống lại cái chết của ngã gốc, thì con quy thuận. Con hàng phục. Con cảm thấy bình an trong lòng và con nói: “Hãy cho nó chết đi; bất chấp chuyện gì sẽ xảy ra” hay “Xin ý cha được hoàn thành, không phải ý con.”

Con chỉ cho phép nó xảy ra và con cho phép mình trải qua tiến trình, trong đó mình cảm thấy như mình đang chết, giống như mình đang buông bỏ cái gì đó. Đó là vì con đang buông bỏ thật sự. Lẽ dĩ nhiên con kinh nghiệm là sau khi con buông bỏ cái ngã tách biệt này, con không biến mất, con vẫn còn tự nhận biết. Đấy là lúc con có thể chuyển dời bản sắc của mình tới một cái ta mới, một cái ta được xây dựng trong Ki-tô và con trở thành, như Paul đã diễn tả, “một sinh thể mới trong Ki-tô.”

Không phải tất cả các con đều làm được điều này trong khoảnh khắc. Thày không yêu cầu con làm điều này sau khi nghe hay đọc bài truyền đọc này. Thày yêu cầu con chiêm nghiệm tiến trình này, nhận biết tiến trình này. Khi con tới điểm đã sẵn sàng vì con đã phá vỡ hầu hết ngã gốc của mình, con đã tạo dựng một cái ta mới và quả thực để ngã gốc chết đi không phải là một chuyện lớn lao nữa (nó chỉ là chuyện chuyển dời tâm thức khi con đưa trọng tâm bản sắc của con rời khỏi ngã gốc để chuyển sang cái ta mới), thì lúc đó con không chống cự lại tiến trình. Con cảm thấy: “Ồ, tôi sẵn sàng rồi” và con giản dị buông bỏ. Con đón mừng cái chết. Con đón mừng cái chết của ngã gốc. Con đón mừng cái chết như người bạn của mình. Con ngưng chống lại nó. Con ngưng hờn trách hay chống cự nó. Con đón mừng nó, không phải như sự chết mà là sự tái sinh, là một khởi đầu mới. 

23.15. Hoàn tất lý do con tới trái đất

Con yêu dấu, đấy là lúc con thật sự có thể bắt đầu hoàn tất lý do nguyên thủy tại sao con xuống trái đất. Con không hoàn tất nó bằng cách làm điều gì, bằng cách thay đổi điều gì, bằng cách thay đổi người khác. Con hoàn tất lý do đó chỉ bằng cách con là cái con là và tỏa chiếu ánh sáng, sinh thể, tâm thức và khuôn đúc của cá thể mình. Con không cần giải quyết vấn đề nào và không cần hoàn tất mục tiêu nào. Con nhận ra rằng con chỉ cần ở đây là đã làm điều con tới đây để làm. Con cảm thấy mãn nguyện khi làm vậy vì sự việc con là cái con là không lệ thuộc vào chọn lựa của người khác. Con không cần thay đổi chọn lựa của người khác để là cái con là.

Có thể là con nhận ra, cái ngã gốc đã làm gì? Niềm tin cốt lõi của ngã gốc là gì? Con yêu dấu, nó tin là sự việc con là chính mình, con là cái con là, không tốt đủ. Hoặc như thế là sai trên hành tinh này. Hành tinh này không muốn thấy điều đó.  Nói cách khác, trước khi con xuống đây, con chờ đợi là con chỉ cần tới đây và là cái con là thì mọi người sẽ đón mừng con. Sau đó, con nhận ra là sa nhân và luôn cả hầu hết con người không đón mừng con, chào đón con, chấp nhận con. Con quyết định là hình như con đáng lẽ không nên là cái con là, con không được phép là cái con là trên hành tinh này. Hoặc sự việc con là cái con là vẫn chưa đủ.

Có thể nói là tất cả những gì con đã làm, tất cả những gì đã xảy ra cho con sau chấn thương nhập đời, là con đã dồn nén không cho phép con là cái con là. Đây là điều con có thể giành lại, và khi con giành lại, con sẽ có ảnh hưởng trên trái đất. Con sẽ không dính mắc tới ảnh hưởng này vì con không là cái con là để thay đổi bất cứ điều gì trên trái đất. Con là cái con là vì nó đem lại cho con niềm hỷ lạc và mãn nguyện lớn lao nhất.

Con nhận ra niềm hỷ lạc lớn nhất mà con có thể có trên trái đất là con là cái con là trước mọi điều kiện trên hành tinh này. Con có thể đứng yên và không gì ảnh hưởng được con, giống như Phật ngồi dưới cội bồ đề đối mặt với quỷ dữ của Ma vương đang cám dỗ để thày phản ứng lại chúng. Con có thể nhìn màn xiếc trên trái đất, con có thể nhìn vào quỷ dữ của Ma vương mà không phản ứng. Con vẫn tỏa chiếu ánh sáng của mình, vẫn sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của mình, tương tác với người khác, đi làm, nuôi dạy các con, hay bất cứ điều gì khác. Con cảm thấy dòng chảy, niềm hỷ lạc, khi con cảm thấy con đang biểu lộ cái con là trong mọi việc con làm. Bỗng nhiên rào cản giữa sinh hoạt tâm linh và không tâm linh trở nên hoàn toàn vô nghĩa vì tất cả trở thành sinh hoạt tâm linh. 

Mọi sự đều biểu hiện cái con là. Mọi sự đều mang lại cho con niềm hỷ lạc và mãn nguyện, không còn cái đúng cái sai, hay cái này cái kia. Đây là cách con có thể mang lại ảnh hưởng lớn nhất cho hành tinh này vì nó sẽ kéo tâm thức tập thể lên. Nó sẽ gây cú sốc cho người khác, những người mở tâm để thấy là có một cách sống khác với cách sống mà họ xem là bình thường của con người.

Một lần nữa con không dính mắc chuyện người khác có làm hay không làm. Con không dính mắc chuyện này. Con chỉ chú tâm là cái con là và con vui hưởng làm như thế. Sau đó, con có thái độ là bất cứ chuyện gì xảy ra, con chỉ nói “bất chấp chuyện gì xảy ra.” Con không có ý định gì, con không có ý muốn vỏ ngoài nào. Con chỉ cho phép cuộc sống trải bày ra. Đây là, như các thày đã nói trước đây, ở trong Dòng sông sự Sống. Đây là trôi theo Dòng sông sự Sống. Con yêu dấu, đây đích thực là chứng minh quả vị Ki-tô. Nó có vẻ không lớn lao như nhiều tín đồ Cơ đốc giáo hay ngay cả đệ tử chân sư thăng thiên mường tượng, chẳng hạn như con phải làm tất cả những phép lạ kia hay làm tất cả những biểu hiện thấy rõ kia.

Con yêu dấu, một khía cạnh rất quan trọng, rất cao của quả vị Ki-tô (và lẽ dĩ nhiên có nhiều khía cạnh khác) là con có thể tham gia đời sống thường nhật với một thái độ và cách nhìn đời hoàn toàn tích cực. Phải chăng đây là chứng minh quả vị Ki-tô, con yêu dấu? Đích thực, nó .

Đây là điều mà thày đã không làm trong kiếp đầu thai cuối cùng, thày đồng ý với con. Nhưng phải chăng thày có nói là các con sẽ hoàn thành những việc lớn lao hơn thày? Đây là một ví dụ của những việc lớn lao hơn mà thày chưa đủ khả năng điều ngự để hoàn thành 2,000 năm về trước – con có thấy vậy chăng.