Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 4 tháng 6, 2017, qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Thế nào là một chân sư thăng thiên? Thế nào là Phật? Có biết bao sự hiểu lầm được lan truyền trong tâm thức tập thể đến độ, như Giê-su vừa nói lên thật hùng hồn, các thày liên tục phải đối mặt với tình thế khó xử là làm thế nào đâm xuyên qua phin lọc nhận thức của mọi người và trao cho con một số ý tưởng, một sự thôi thúc nào đó giúp con bước lên mức kế tiếp.
29.1. Vì sao các tôn giáo hạ thấp trải nghiệm sống
Các thày còn đối mặt với một thử thách khác nữa, một thử thách dài hạn hơn. Như con thấy khi con nhìn lịch sử, các thày đã có thể, như chính thày từng làm 2500 năm về trước, trao truyền một lời dạy có khả năng lan rộng, thu hút nhiều người và tác động đáng kể đến cuộc sống cá nhân của nhiều người lẫn xã hội. Sau một thời gian, điều không thể tránh được – hoặc có vẻ như thế – là phong trào này chuyển mình thành một tôn giáo có giáo điều hẳn hoi, thế là bỗng nhiên sự tăng trưởng đạt được ở khởi đầu bị chậm lại, thậm chí còn có thể ngừng hẳn. Sự thể có thể biến thành tiêu cực khi nguyên một tôn giáo tạo ra một vòng xoắn ốc hướng hạ, với kết quả là rốt cuộc nó kéo mọi người đi xuống, đi xuống mãi những tầng mức ngày càng thấp hơn.
Bây giờ con yêu dấu, nếu chúng ta áp dụng phương pháp mà các thày đã trao cho các con trong hội nghị này để lượng xem mình đang cảm thấy thế nào về chính mình, chúng ta sẽ có thể có một cái nhìn khác hơn về tôn giáo. Lẽ tự nhiên khi các thày bảo: “Con cảm thấy thế nào về chính mình?” thì các thày không chỉ muốn nói là con cảm thấy ra sao trong thể cảm xúc của mình. Các thày muốn nói con nhìn mình như thế nào, nhìn đời mình, nhìn thế giới, nhìn bất kỳ vị thượng đế nào mà con thấy, nói chung là con trải nghiệm cuộc sống như thế nào. Trải nghiệm sống của con là gì, như các thày đã có nói? Nếu con áp dụng sự lượng định này thì con nói: “Lý tưởng thì người ta nên cảm thấy hài lòng về bản thân và cuộc sống của mình, người ta nên có một trải nghiệm sống tích cực.”
Bây giờ nếu con yêu cầu tín đồ các tôn giáo lớn trên địa cầu hãy xem xét thật trung thực câu hỏi đó, con sẽ thấy tuyệt đại đa số tín đồ của tất cả các tôn giáo lớn trên địa cầu thật ra không cảm thấy hài lòng về chính họ. Họ không đang có một trải nghiệm sống tích cực. Và nếu sau đó con xem xét tôn giáo của họ tác động nhiều hay ít trên trải nghiệm sống của họ, con sẽ thấy là hầu hết tín đồ các tôn giáo lớn đang bị chính tôn giáo mình ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm sống của mình.
Nếu con có thể mở rộng nghiên cứu này để nhìn xem sự thể này có như vậy hay không cách đây 50 năm, 100 năm, 500 năm về trước, con sẽ thấy là tất cả mọi tôn giáo lớn trên trái đất đã có một sự suy giảm trên thực tế. Ngày nay, tín đồ các tôn giáo này đang có một trải nghiệm sống kém hơn, tiêu cực hơn các tín đồ của cùng tôn giáo đó cách đây 200 hay 500 năm. Nếu con có thể chứng minh điều này qua thống kê khoa học thì câu hỏi được đặt ra là tại sao như vậy? Tại sao tác dụng của tôn giáo lại dẫn đến một trải nghiệm sống thấp hơn cho các tín đồ? Tại sao lại có suy giảm?
Tất nhiên lời giải thích sẽ gồm có nhiều mặt, nhưng chúng ta có thể nói, như Saint Germain và các chân sư khác cũng đã nói, là trong 2000 năm qua hoặc hơn nữa, lịch sử cho thấy là tâm thức tập thể đã nâng lên cao hơn. Con có thể nói là cho mỗi thời đại đều có một mức nhận biết tập thể nào đó. Điều này có nghĩa là chỉ một số ít người sẽ có được một trải nghiệm sống tích cực hơn những gì được định nghĩa bởi nhận biết tập thể. Một người trung bình vào thời đó sẽ có một trải nghiệm sống ở mức tương đương với tâm thức tập thể.
29.2. Trải nghiệm sống và thời đại của con
Vậy thì tâm thức tập thể 500 năm về trước thấp hơn bây giờ, nhưng không nhất thiết điều này có nghĩa là con người thời đó có một trải nghiệm sống kém hơn một số người ngày nay, mà có nghĩa là tiềm năng để có một trải nghiệm sống tích cực có thể đã thấp hơn. Nhưng dẫu vậy, trải nghiệm sống là một cái gì rất phức tạp. Thật ra chúng ta có thể nói là nếu con sống 500 năm về trước ở châu Âu chẳng hạn, con có thể nhìn vào đó và so sánh với các chuẩn mực ngày nay, thì đa số đều có một mức sống vật chất thấp hơn rất nhiều. Họ có ít tự do hơn, họ gặp nhiều hạn chế khác mà ngày nay không có. Cho nên con có thể nghĩ là không có cách nào họ có thể mãn nguyện hơn về cuộc sống của họ. Nhưng con thấy đó, thực tế là ở bất kỳ thời đại nào, nếu con song hành với tâm thức tập thể lúc đó, và nếu con có một thế giới quan khiến mình cảm thấy là mọi chuyện đúng như mình có thể chờ đợi và không thể tốt hơn được, thì kỳ thực con có thể có một trải nghiệm sống khá tích cực và tương đối thoải mái bởi vì con không biết gì khác hơn.
Người sống 500 năm về trước không biết gì về mức sống vật chất mà con có ngày hôm nay. Điều thày muốn chỉ ra là 500 năm về trước, tâm thức tập thể ở một mức nào đó, và đã có nhiều tín đồ Phật giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo sử dụng tôn giáo của mình để tạo dựng một thế giới quan cho mình một cảm giác an bình tương đối nào đó trong tình trạng thế giới và tình trạng đời sống của họ bấy giờ. Vì vậy họ đã có một trải nghiệm sống cũng tích cực như một người bình thường có thể có vào thời điểm đó. Họ song hành với thời đại của họ. Ngày nay con có một mức tâm thức tập thể cao hơn, nghĩa là một người trung bình có tiềm năng có được một trải nghiệm sống cao hơn, tích cực hơn, an bình hơn với con người mà họ là, trong thời đại họ đang sống.
Tuy nhiên, các thày đã chỉ ra điều gì, và chắc chắn chính con cũng có thể nhìn ra điều gì trong xã hội? Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần và trầm cảm càng ngày càng gia tăng. Càng ngày càng có nhiều người – mặc dù họ sống ở những quốc gia cực kỳ văn minh giáu có với tự do và nhân quyền tuyệt vời – đã trở nên bất mãn với vị thế của họ trong cuộc sống. Điều này dẫn đến kết luận giản dị là ngày nay, một người trung bình không đang song hành với mức tâm thức của tập thể. Một người trung bình đang không có một trải nghiệm sống tích cực như những gì bình thường họ phải có dựa trên mức tâm thức tập thể.
Vậy con có thể nhìn xem lý do tại sao như thế. Con sẽ thấy là trong mỗi trường hợp, cho mỗi con người bị tụt hậu so với trải nghiệm sống mà họ có tiềm năng đạt được – đại khái một mức trung bình – thì tôn giáo là một yếu tố chủ yếu đã kéo họ xuống thấp hơn trung bình. Có thể con sẽ bảo là ở đây tại Âu châu, nhiều người không có cả tín ngưỡng tôn giáo, nhưng thày sẽ nói: “Hiển nhiên là họ có tín ngưỡng. Họ chỉ không theo một trong những tôn giáo truyền thống đó thôi.” Con không thể sống mà không có “tín ngưỡng tôn giáo.” Con phải có một thế giới quan nào đó cho con cảm tưởng thế giới này vận hành ra sao, con là ai, con là loại sinh thể gì, và con ăn khớp thế nào trong bối cảnh rộng lớn đó. Con không thể sống mà không có cái đó – ít ra nếu con không đang ở trong viện tâm thần, mặc dù có lẽ chúng ta có thể liệt lại một số viện đại học lớn là viện tâm thần, cùng với một số “think tank” chính trị, một số tập đoàn doanh nghiệp lớn, nhưng chuyện này chúng ta không cần bàn đến bây giờ.
29.3. Trải nghiệm sống và thế giới quan của con
Vấn đề ở đây là một người trung bình thời nay đang không có một trải nghiệm sống tích cực như họ có thể có, và lý do là vì các tín ngưỡng của họ đang kéo họ xuống. Tín ngưỡng tôn giáo của họ – hay tín ngưỡng vô thần hay duy vật của họ, vì đó vẫn là tín ngưỡng tôn giáo – thật ra đã lạc hậu, đã tụt hậu so với bước tiến của thời đại. Đã có một sự nâng cao nhận biết tập thể, có nghĩa là hầu hết mọi người đúng lý đã phải thăng vượt cái thế giới quan dựa trên đạo Phật truyền thống, đạo Cơ đốc truyền thống hay chủ nghĩa duy vật khoa học. Nói cách khác, rất nhiều người hơn lẽ ra đã phải chấp nhận một thế giới quan phổ quát hơn hẳn, thần bí hơn hẳn, mà chính các con đây cho là đương nhiên vì từ lâu các con đã tu tập theo giáo lý tâm linh hay giáo lý của chân sư thăng thiên, đến độ các con đã thể nhập thế giới quan này vào bản thể mình từ rất lâu. Thực tế là thế giới quan của hầu hết mọi người đang tụt hậu so với mức nhận biết tập thể, và đây là tại sao họ không đang có trải nghiệm sống tích cực mà lẽ ra họ phải có.
Con yêu dấu, đây không phải là chuyện khiến cho mọi người chấp nhận giáo lý của chân sư thăng thiên, mà là chuyện giúp họ chấp nhận điều mà Saint Germain đã giải thích cho các con tối qua. Đó là những ý tưởng phổ quát về tiềm năng nâng cao tâm thức, có nghĩa là giờ đây con có một chí hướng trong đời. Con hãy nhìn xem các nước giàu có ở châu Âu, nhìn sự trù phú vật chất, nhìn các quyền tự do và những cơ hội mà mọi người đều có. Xong con hãy nhìn sang những vùng khác trên thế giới, thì làm sao con có thể đi đến kết luận nào khác hơn là hầu hết mọi người ở châu Âu đang hành xử như những đứa trẻ được nuông chiều quá độ, không bao giờ thấy đủ, không thế nào cảm thấy hạnh phúc trong khi đang có tất cả những gì họ có thể mong muốn?
À con có thể đi đến một kết luận khác nữa, cụ thể vấn đề ở đây là sự kiện những người này, với tất sự giàu có, tất cả quyền tự do, tất cả những cơ hội mà họ có, họ vẫn không thể sử dụng được vì họ không có chí hướng trong đời. Họ không có ý niệm là cuộc sống của mình có thể đi theo một hướng tốt đẹp hơn, để họ cảm thấy ngày càng an lạc hơn về chính mình.
Con thấy đó, con yêu dấu, điều thày muốn chỉ ra qua ví dụ của thày về con người 500 năm trước cảm thấy thế nào về bản thân, là họ dễ tìm hơn một thế giới quan giúp họ an bình với thời đại của họ, giúp họ cảm thấy là họ sống trong một thế giới không đến nỗi nào, và có lẽ thế giới này không thể nào tốt hơn được. Có lẽ sau kiếp này họ sẽ có một cuộc sống khá hơn trên thiên đàng vì họ đã là những con chiên ngoan đạo hay bất kể gì khác. Con có thể nhìn ngược về quá khứ và bảo rằng đó là một thế giới quan khá thô sơ, và thày không bất đồng với con. Nhưng con thấy không, thế giới quan đó đi song hành với thời đại của họ, song hành với mức tâm thức của tập thể, cho nên người ta không cần phần tìm kiếm một thế giới quan cao siêu hơn để cảm thấy an bình và hưởng một trải nghiệm sống tốt đẹp.
Ngày nay tâm thức tập thể cao hơn vậy rất nhiều, đến độ nó đòi hỏi con người phải đạt được một thế giới quan tinh xảo hơn hầu có thể cảm thấy an bình với thời đại của mình và nâng cao trải nghiệm sống của mình. Đó là tại sao quá nhiều người không an bình cho dù mọi nhu cầu vật chất của họ được thỏa mãn thừa thãi. Vì họ đã vượt quá mức tập trung vào các nhu cầu vật chất, nên họ phải tập trung vào các nhu cầu tự hiện thực hóa (self-actualization) là nâng cao tâm thức. Nhưng vì họ không đang làm chuyện này, nên họ không thể cảm thấy mãn nguyện. Và tại sao họ không thể làm chuyện này? Bởi vì tín ngưỡng tôn giáo của họ đang kềm giữ họ trong cái hộp tư duy đã trở nên lỗi thời từ mấy thập kỷ qua. Cho dù đó là đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi hay đạo chủ nghĩa duy vật, tất cả đều đang ngăn cản con người nâng cao thế giới quan của mình và nhờ vậy nâng cao trải nghiệm sống của mình. Lẽ tự nhiên, các thày mong muốn nhìn thấy mọi người nâng cao trải nghiệm sống của mình, cảm thấy an lạc về bản thân mình, cảm thấy hài lòng về thế giới, và nhận ra là mình đang sống trong một vũ trụ thân thiện.
29.4. Điều kiện vật chất tốt hơn, điều kiện tinh thần tệ hơn
Con yêu dấu, chẳng trớ trêu hay sao khi tất cả những nước giàu có, đặc biệt là Hoa Kỳ, càng ngày càng có nhiều người tin vào các loại thuyết âm mưu (conspiracy theories) hay các lời tiên tri tiêu cực cho họ cảm tưởng là tình trạng thế giới chưa bao giờ tồi tệ đến thế này và một thảm họa khủng khiếp sắp sửa xảy đến? Thế nhưng đó là những người đang sống trong một môi trường với nhiều tự do cá nhân, nhiều của cải cá nhân hơn bất ký thế hệ nào đi trước. Làm thế nào họ có điều kiện vật chất tốt hơn nhưng điều kiện tinh thần của họ lại tồi tệ hơn?
Có một sự trớ trêu mà nhiều người phải có thể nhìn thấy, phải có thể nhìn thấy với một chút thúc đẩy, một chút lôi kéo trên tâm thức tập thể. Theo nghĩa là, như Mẹ Mary vừa nói, chỉ cần một số khá ít học trò của chân sư thăng thiên để tạo tác dụng lớn lao đến xã hội trong một số trường hợp. Tác động con có thể có là tạo ra một sự xoay chuyển rất tinh tế, mà Saint Germain đã có nói đến, qua đó con người bắt đầu bớt chú tâm vào các vấn đề mà chú tâm nhiều hơn vào các khả năng. Điều này sẽ lần hồi kéo con người của thời đại hôm nay ra khỏi vòng xoắn ốc tiêu cực, để họ nhìn vào sự kiện họ chính là những người cần bắt đầu xem xét tâm thức của mình, học hỏi cách vận hành của tâm hồn (psyche), học hỏi tiềm năng của tâm thức, rồi áp dụng để nâng cao mức tâm thức và nhờ vậy cũng nâng cao trải nghiệm sống của mình.
Tất nhiên, một người sẽ cần gì để làm vậy? À, sẽ tới một điểm người đó phải lấy một quyết định ý thức là mình sẵn lòng xoay chuyển từ sự tập trung vào tiêu cực sang tập trung vào tích cực, từ sự chú tâm vào các vấn đề sang chú tâm vào các khả năng. Đây là một quyết định mà con phải lấy, và chừng nào con chưa lấy quyết định ý thức này, con sẽ không thực sự neo trụ vào một vòng xoắn ốc tích cực, con không thực sự neo trụ vào con đường quả vị Ki-tô.
Một lần nữa, con yêu dấu, có người vừa hỏi sứ giả này về ý nghĩa và giá trị của 14 chặng đường thập tự giá mà Giáo hội Công giáo đã định nghĩa, qua đó nỗi thương khó của Giê-su được trải bày ra cho đến điểm Giê-su bị đóng đinh. Con thấy không, cách đây 2000 năm, đau khổ là một khía cạnh cần thiết của con đường quả vị Ki-tô. Ngày nay, tâm thức tập thể đã được nâng cao đến độ thật không cần phải khổ đau để có thể bước chân trên con đường quả vị Ki-tô. Một số người có thể vẫn cần đến cách đó, nhưng đối với những ai đã sẵn lòng xoay chuyển tâm mình để tập trung vào các khả năng thì việc này không cần thiết nữa.
29.5. Những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô và quả vị Phật
Con yếu dấu, là học trò của chân sư thăng thiên, tất nhiên con có thể thực hiện một cuộc xoay chuyển chủ yếu bằng cách làm điều Giê-su đã giải thích qua việc chuyển đổi cách vận hành thường lệ của mình (modus operandi). Con xoay chuyển bằng cách tự hỏi: “Tôi đang sống trong một vũ trụ thân thiện hay thù địch? Tôi đang có thày tâm linh thân thiện hay thù địch? Tôi đang sống trong một cơ thể vật lý thân thiện hay thù địch?” Một số các con sẽ được lợi lạc nhận ra một điều đơn giản: “Đâu là mục đích của quả vị Ki-tô? Đâu là mục đích của quả vị Phật – tức là bước cao hơn quả vị Ki-tô một chút?” Chắc chắn con có thể thấy được mục đích quả vị Phật là để đạt được tâm an bình. Thật ra đây cũng là mục đích của quả vị Ki-tô, nhưng chỉ đạt được ở những tầng cao hơn.
Không phải là các thày muốn tỏ ra tuyến tính đến như vậy, nhưng nếu con nhìn 144 tầng tâm thức, con có thể nói là con có một số yếu tố của con đường quả vị Ki-tô từ tầng 48 trở lên. Con sẽ xoay chuyển một cách chủ yếu khi con thực sự neo trụ vào con đường quả vị Ki-tô sau tầng 96, là khi con quyết định phụng sự một cái gì lớn hơn chính mình. Sau đó con sẽ tiếp tục vươn lên nữa đến nhiều tầng khác nhau của quả vị Ki-tô cho đến khi con lên đến khoảng tầng 136 – không hoàn toàn đường thẳng như vậy, nhưng đâu đó chung quanh tầng này. Rồi đến các tầng cao hơn có thể được xem là con đường quả vị Phật. Thật không nhất thiết phải tuyến tính như vậy khi nói về quả vị Ki-tô hay quả vị Phật, vì cả hai không có gì xung khắc hay loại trừ lẫn nhau. Con có thể bước trên con đường quả vị Phật từ tầng 96 trở đi và có được một số yếu tố nào đó. Và con có thể có một số yếu tố của quả vị Ki-tô với con cho đến tầng 144.
Dù sao đi nữa, sẽ tới một điểm con bắt đầu chuyển tiếp và con tập trung vào tâm thức Phật nhiều hơn vào tâm thức Ki-tô, vào các khai ngộ của Phật hơn là khai ngộ của Ki-tô. Tất nhiên, đây là tại sao thày đã đưa ra những bài truyền đọc này thay vì để cho Giê-su và con đường quả vị Ki-tô là con đường duy nhất được các thày mô tả. Sẽ tới một điểm con có thể được lợi lạc khi tự hỏi: “Đâu là mục đích của đường tu? Đó là tâm an bình. Thế nào là quả vị Phật? Là tâm an bình. Vậy thì phải cần gì để đạt đến quả vị Phật?” Phải cần con vượt tất cả mọi dính mắc của mình.
Khi đó con có thể bắt đầu xem xét những gì níu kéo mình xa khỏi tâm an bình và con tháo gỡ những dính mắc này đi. Các thày đã trao giáo lý cho con về điểm này rồi và thày không muốn bàn sâu thêm ở đây. Đó là điều con cần lưu ý khi con là học trò của chân sư thăng thiên, khi con đã bước chân trên đường tu được một thời gian, thì mục tiêu tự nhiên mà con thấy là đạt được tâm an bình. Và con cũng có thể nói, làm thế nào rốt cuộc tôi có thể cảm thấy bằng lòng về chính mình và về thế giới nếu tôi không có tâm an bình?
29.6. Tâm an bình là gì?
Có tâm an bình nghĩa là gì? Nghĩa là hòa thuận với chính mình, ở một nơi thôi. Nghĩa là chỉ có một tâm trong đầu mình hay trong trường năng lượng của mình. Nếu có những phân rẽ trong tâm đang lôi kéo con về những hướng khác nhau, nếu con có những phàm linh nội tại đang giao chiến với nhau, thì con không thể có tâm an bình. Nói cho cùng, con sẽ không cảm thấy bằng lòng với chính con nếu con không an bình với chính con, không an bình với thế giới, với cơ thể vật lý của con, với các thày tâm linh của con.
Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, các thày đều muốn thấy con tiến bộ trên đường tu. Nhiều người trong các con đã đi theo mô thức là con tìm thấy đường tu tâm linh, tìm thấy giáo lý của các chân sư thăng thiên, con trở nên vô cùng háo hức, vô cùng quyết tâm đạt được tiến bộ, thực hành giáo lý, tu học giáo lý, tìm hiểu giáo lý, đọc chú đọc thỉnh, giải quyết tâm lý của mình. Con đã trở nên vô cùng quyết chí. Các thày hoàn toàn tán thưởng các nỗ lực này của con. Đôi khi con có thể hơi mất cân bằng, và sẽ hữu ích hơn nếu con có thể quay về cân bằng. Nhưng các thày tán thưởng con đã sẵn lòng đem đường tu vào thực hành.
Tuy nhiên như các thày đã nói, ngay cả khái niệm đường tu cũng có thể trở thành một trở ngại vì nó ngụ ý là con vẫn chưa đến. Sẽ tới một điểm trên đường tu khi điều sáng giá cho con là con công nhận mình đã có tiến bộ và do đó mình phải gần hơn với mức đến. Thật ra có lẽ con đã tới điểm mà điều duy nhất ngăn cản con đến là con không thể chấp nhận một cách ý thức là con đã đến rồi, bởi vì con quá chú tâm vào việc đi bước kế tiếp trên đường tu.
Một số các con đã hoãn lại quả vị Ki-tô của mình, hoãn lại quả vị Phật của mình, vì con không sẵn lòng lùi lại để nhìn: “Liệu tôi có tâm an bình hay không, liệu tôi có an bình với việc mình là học trò của chân sư thăng thiên đang bước trên đường tu tâm linh? Liệu tôi có an bình với mức chứng đạt của mình trên đường tu? Liệu tôi có an bình với sự kiện mình đang hiện thân vật lý, sinh sống trong thế giới nơi mình đang sống? Nếu tôi không an bình thì cái gì đang kéo tôi ra khỏi sự an bình?” Trong nhiều trường hợp, tất nhiên là có thể có một số vấn đề tâm lý, nhưng cũng có những trường hợp khi điều duy nhất thực sự ngăn cản con an bình là con lấy điều đó làm mục tiêu mới của con. Con thực hiện những xoay chuyển tâm thức sẽ cho phép con nhìn nhận là quả thực con đã đạt đến một mức trên đường tu nơi con có tiềm năng an bình, và con chỉ cần xoay tâm thức để đạt an bình.
Điều này không có nghĩa, con yêu dấu, là con nghĩ giờ đây mình đã đến một tầng mức tối hậu nào đó và con đã hội đủ tư cách thăng thiên, và do đó con đã giác ngộ và con không cần phải thay đổi gì nữa, con không cần tăng trưởng thêm nữa. Mà điều này có nghĩa là thay vì nỗ lực một cách quá háo hức, luôn luôn cảm thấy mục tiêu cứ ở phía trước mình, thì bây giờ con an bình là mình đang bước trên đường tu, an bình là mình đang ở đây trên đường tu nhưng không ngừng tiến lên những tầng cao hơn. Đây chỉ là một xoay chuyển nhỏ trong tâm thức để con an bình với việc đi trên đường tu, mặc dù con vẫn chưa đến nơi mục tiêu tối hậu vì con chưa thăng thiên.
29.7. Không có mức tâm thức tối hậu
Con yêu dấu, rõ ràng là con cần một mục tiêu để tranh thủ hầu có thể tiến bộ. Những ai không có mục tiêu để hướng đến sẽ tiến bộ khó khăn hơn nhiều. Nhưng thày có thể nói với con là có những người trên trái đất, trong nhiều trường hợp đã tự xưng mình là đạo sư tâm linh hay đã là đệ tử tâm linh suốt nhiều năm trời, giờ đây mắc vào tâm trạng cảm thấy là mình đã đạt đến một mức tâm thức tối thượng nào đó. Họ ở trong tâm thức vũ trụ, họ đã chứng được tâm thức Ki-tô, họ đã giác ngộ, họ là chân sư thăng thiên chưa thăng thiên hay bất cứ gì khác.
Ngay khi con nghĩ là con đã đạt được một trạng thái tối thượng trong khi vẫn còn hiện thân vật lý, thì con đã ngừng tiến tới. Con không cởi mở với khả năng là vẫn còn điều gì trong tâm lý mà mình cần phải xem xét và thăng vượt, hay vẫn còn những tầng tâm thức cao hơn hay những mức phụng sự cao hơn. Quả là có một số phong trào tâm linh với một đạo sư được xem là bậc giác ngộ, và đạo sự này thì không đang tăng trưởng, còn trong số các đệ tử thì nhiều người cũng không đang tăng trưởng.
Ở đây có điểm tương đồng với các tôn giáo truyền thống, tuy không có một đạo sư tự xưng là giác ngộ, nhưng có một giáo hoàng chẳng hạn tự nhận mình là Đại diện của Ki-tô. Vị ấy không đang tăng trưởng cũng y như các tín đồ, và đây là lý do vì sao họ lại tụt hậu càng ngày càng xa, vì sao họ càng ngày càng bất toại nguyện. Nếu con nhìn một cách trung thực, tại sao lại có quá nhiều người như vậy rời bỏ tôn giáo truyền thống? Đó là vì mặc dù họ không nhận biết ý thức, họ có cảm giác là tôn giáo thật sự đang hạn chế trải nghiệm sống của họ, ngăn cản họ có được một trải nghiệm sống tích cực hơn. Trong các tôn giáo truyền thống, cả trong nhiều phong trào Thời Mới và những phong trào nhỏ hơn, con cũng thấy rất, rất nhiều người không đang tăng trưởng. Họ cảm thấy một sự căng thẳng càng ngày càng gia tăng vì họ không đang tăng trưởng mà lại không chịu nhìn xem lý do tại sao mình không tăng trưởng.
Họ không chịu nhìn nhận là có sự giới hạn trong giáo lý mà họ đang theo, hay ít ra trong cách họ áp dụng giáo lý. Cho nên nỗi căng thẳng cứ lớn thêm và lớn mãi, với kết quả là họ cảm thấy ngày càng bất mãn với bản thân. Họ không đang theo kịp tiềm năng thực sự của thời đại nơi họ sinh sống – cụ thể là mọi người sinh sống trong một vùng tương đối giàu có của địa cầu và nhờ vậy không phải lo lắng đến các điều kiện vật chất, đều có tiềm năng cảm thấy bằng lòng về chính mình, cảm thấy an bình về con người mình là, ở ngay đây trong thời gian lẫn không gian.
29.8. Đường tu không cần phải khó khăn
Như thày vừa nói, trong mỗi thời đại, những ai song hành với tầng mức tâm thức của tập thể, ngay cả khi họ là người trung bình, cũng có khả năng cảm thấy an bình. Con có thể nhìn vào chính mình như một học trò của chân sư thăng thiên và tự hỏi, nếu con không cảm thấy bằng lòng về bản thân, về việc mình đang đầu thai và đứng đâu trong cuộc sống, nếu con không an bình thì liệu có điều gì trong tôn giáo của con, hay ít ra trong cái nhìn của con về tôn giáo đó, trong cách vận hành thường lệ của con, trong cách con tiếp cận các chân sư thăng thiên và các vị thày, đang hạn chế cảm giác bằng lòng này về mình, hạn chế trải nghiệm sống của mình? Và nếu con làm theo những gì Giê-su vừa hướng dẫn, con có khả năng rất, rất nhanh chóng nhận diện cái đó là gì, con thăng vượt cái đó và nâng cao trải nghiệm của mình trên đường tu lên một tầm mức hoàn toàn mới.
Tại sao con lại cho phép mình nghĩ rằng các chân sư thăng thiên muốn đường tu của con gian nan, căng thẳng, đầy bực dọc khắc khoải? Tại sao con lại nghĩ đến chuyện các thày muốn con phải chịu đau khổ trên đường tâm linh? Lý do chỉ có thể là con đang bám víu một hình ảnh lỗi thời về Thượng đế và các vị thày tâm linh, như Giê-su đã giải thích. Con yêu dấu, con có thấy được là con chỉ cần chuyển nhẹ cái nhìn của mình đi một chút để đạt đến mức an bình về con người mình là? Con an bình với mức chứng đạt hiện thời của con trên đường tu, và con không tự dằn vặt vì mình không đang ở một mức cao hơn.
Con an bình với hoàn cảnh vỏ ngoài của con, với việc mình là một người tâm linh trong một xã hội phi tâm linh, phải sống trong thời đại con đang sống. Con an bình với sự thể này vì con tập trung vào những cơ hội tăng trưởng cá nhân lẫn giúp đỡ người khác. Điều này có nghĩa là trong phần còn lại của kiếp này, con có thể vui hưởng cuộc sống, vui hưởng những bước mình đi trên đường tu tâm linh. Thày cam đoan với con là khi con đến được điểm đó ở những tầng cao của quả vị Ki-tô và quả vị Phật, bước tiến của con kỳ thực sẽ nhanh hơn.
Tất nhiên các thày cũng biết, như Giê-su đã nói, các thày không thể nào nâng con lên quá phin lọc nhận thức của con. Thày biết là mỗi con đang nghe lời dạy này, hay sẽ nghe và sẽ đọc sau đó, mỗi người trong các con đều có phin lọc nhận thức riêng của mình. Thày có thể thâm nhập vào đó đôi chút, thày có thể thúc con lên cao hơn một chút. Nhưng thày không thể thúc con vượt lên trên nơi con sẵn lòng đi đến. Thày hoàn toàn chấp nhận điều này. Thày hoàn toàn tôn trọng quyền của con được đứng ở nơi con đang đứng. Thày hoàn toàn tôn trọng quyền của con tiếp tục vật lộn trên con đường tâm linh nếu đó là trải nghiệm con mong muốn. Thày hy vọng là con cũng có thể tôn trọng sự kiện là thày – như một vị thày tâm linh, như một chân sư thăng thiên đang có một cỗ xe sẵn lòng nói lên lời hằng sống – cũng có quyền trao cho con một viễn quan về một điều gì vượt khỏi giai đoạn hiện thời của con. Thật không cần thiết con phải bước chân trên con Đường Thương khó, phải đau đớn, phải vật lộn, phải luôn luôn cảm thấy mình tụt hậu và không an bình.
Trên thực tế, con có khả năng vừa là một học trò tâm linh, vừa an bình với việc mình đang hiện thân vật lý trên một hành tinh khó khăn như trái đất. Điều này khả thi. Và điều này cũng thú vị hơn nhiều. Con cảm thấy hài lòng hơn về chính mình, và các thày đã cho con những dụng cụ để con có được cảm giác này nếu con sẵn lòng. Khả năng này, thày đã đặt trước măt con – các thày đã đặt nó trước mặt con – và các thày chỉ hy vọng con có thể bước lên và cảm thấy an lạc về con người mình là ngay bây giờ. Đây là điều thày mong muốn cho con. Lẽ tự nhiên, ngày mai con sẽ là hơn như vậy, và một năm hay mười năm nữa, thày ước ao là con sẽ tiếp tục ngày càng an lạc hơn về chính mình, bởi vì như Giê-su đã nói: “Các thày không bao giờ có mong muốn khiến học trỏ của mình cảm thấy bất mãn về bản thân, không chỉ trong cảm xúc mà cả trong trải nghiệm.”
Nếu con có thể, con hãy xoay chuyển phương thức vận hành thường lệ của mình hầu có được một trải nghiệm trực tiếp hơn về một chân sư thăng thiên. Khi đó, con có thể nhanh chóng nhìn ra là thật sự, con cũng có một phương thức vận hành định đoạt cách quan hệ của con với Hiện diện TA LÀ, với phần cao hơn của chính bản thể con. Và nếu con xem xét phương thức này, con cũng sẽ có thể xoay chuyển khi con nhận ra: “Liệu tôi có một HIện diện TA LÀ thân thiện hay một Hiện diện TA LÀ thù địch? Quả thật là tôi có một Hiện diện TA LÀ thân thiện đang muốn hỗ trợ sự tăng triển của tôi.” Đó là lúc con làm hòa vói Hiện diện TA LÀ của con, để cuối cùng con cảm thấy an lạc về bản thân và có được trải nghiệm sống cao nhất có thể, ngay cả khi con vẫn đầu thai trên hành tinh đầy thử thách này.
Đó là hy vọng của thày, viễn quan của thày, và cũng là món quà của thày hôm nay. Thày niêm con và thày niêm sự hội tụ tuyệt vời của những con tim trong dịp này, và thày vô cùng biết ơn.