9 | Hành động cao hơn

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Chủ đề tiếp theo của chúng ta đương nhiên là điều mà theo truyền thống được gọi là Chánh nghiệp, nhưng thày sẽ chọn gọi là hành động cao hơn.

Con cần lấy các lời dạy của thày về lời nói cao hơn [Chánh ngữ], về năng lượng và việc sử dụng năng lượng vì các đề tài này cũng liên quan đến hành động. Con có thể hỏi: “Làm thê nào một hành động vật lý với một cơ thể vật lý lại liên quan đến năng lượng?” À như thày đã nói, mọi thứ đều là năng lượng. Mọi việc con làm đều được làm với năng lượng. Thày biết có thể con sẽ dễ tưởng tượng hơn việc gửi ra một xung lực năng lượng xuyên qua cảm thể khi con phóng chiếu một cảm xúc thật mạnh mẽ. Và có thể con sẽ khó tưởng tượng hơn việc gửi ra một xung lực năng lượng bằng cơ thể vật lý.

Vấn đề này tương đối dễ giải quyết khi con nhận ra cơ thể vật lý là thể thấp nhất trong bốn thể phàm của con. Con không thể nào có một hành động vật lý chỉ diễn ra trong cơ thể vật lý ở tầng vật lý mà thôi. Tầng vật lý là sự phóng chiếu của những gì xảy ra ở ba tầng cao hơn. Bất kỳ hành động nào cũng khởi sự ở thể bản sắc của con, đi xuống thể lý trí, đi xuống thể cảm xúc rồi mới được chuyển thành một hành động vật lý. Mỗi khi con hành động vật lý, con gửi ra một xung lực xuyên qua cả bốn thể phàm của con. Hầu hết mọi người không nhận biết điều này. Họ cứ đinh ninh là họ có thể hành động vật lý ở tầng vật lý thôi. Nhiều người cho rằng nếu họ quyết định làm việc gì đó thì họ đang quyết định bằng tâm ý thức, mà họ không biết là họ đang có những khuôn nếp trong cả ba tâm cao hơn, và những khuôn nếp này đã phần lớn định ra ranh giới cho những gì họ có thể quyết định bằng tâm ý thức.

Ngăn chặn một vòng xoáy nghiệp quả không kềm chế

Như thày đã giảng, nhiều người thường hành xử giống như một loại rô-bốt, một loại máy tính với những lập trình, những mô thức mà họ mang nơi cái tâm cao hơn, là tâm tiềm thức của họ. Các chương trình này điều khiển phản ứng của họ, cho nên họ không đang lấy một quyết định vật lý, ý thức, để làm một việc gì. Quyết định được định đoạt bởi các khuôn nếp trong tâm tiềm thức. Đây là một sự kiện mà một lần nữa chúng ta có thể nói nó có vẻ như là nghịch lý. Thày đã có giảng là trên cơ bản, con có thể chọn một trong hai cách tiếp cận trên đường tu tâm linh. Con có thể tìm cách kìm nén một số cảm xúc, một số ý tưởng, một ý niệm bản sắc nào đó, thậm chí cả một số hành động, nhưng điều này sẽ không giúp con nâng cao mức nhận biết của con. Để nâng cao nhận biết, con cần bước vào bên trong, xem xét các khuôn nếp và giải quyết chúng một cách ý thức – giải quyết thay vì phủ nhận và đè nén.

Khi nói đến hành động, có một giai đoạn trên đường tu khi quả thực con cần trau dồi một sức mạnh ý chí ý thức để chặn không cho một xung lực từ tâm tiềm thức, từ ba tầng của tâm con, bị đưa ra biểu hiện thành một hành động vật lý. Ở một tầng tâm thức nào đó, con không hoàn toàn có khả năng giải quyết các khuôn nếp đó, con không thật sự biết cách làm thế nào, có thể con không có sự quyết tâm để giải quyết, hay con không sẵn lòng nhìn vào bên trong tâm mình – nhìn vào cái xà trong mắt mình theo cách diễn tả của Giê-su.

Xuyên qua các thời đại, không chỉ đạo Phật mà nhiều tôn giáo và nhiều truyền thống tâm linh đã lập ra một quy tắc ứng xử, một quy tắc hành động về những gì con làm hay không làm khi con là tín đồ của tôn giáo đó. Chúng ta không thể chỉ đơn giản bác bỏ quy tắc này và bảo nó hoàn toàn sai trái, ngay cả nếu chúng ta dùng những từ “sai” và “đúng” trong bối cảnh này. Thày sẽ không tìm cách bác bỏ nó vì tất nhiên, khi con làm một hành động thì hành động này có thể tạo nghiệp. Như thày có giảng, nghiệp là các xung lực năng lượng đi qua bốn tầng cõi và quay trở về với con. Nếu con cứ liên tục làm những việc tạo ra các dạng nghiệp nghiêm trọng hơn, con có thể phá hoại khả năng nâng cao nhận biết của con. Cho nên ở một giai đoạn nào đó, thật là tự nhiên hoặc cần thiết con dùng sức mạnh của ý chí vỏ ngoài để kỷ luật hành động của mình, bởi vì nếu không, con sẽ phá hoại bước tiến tâm linh của con. Có thể con đang theo học một giáo lý tâm linh, có thể con đang thực hành một số pháp tu, nhưng nếu con không ngừng làm những việc tạo ra các dạng nghiệp nặng nề thì làm thế nào con tăng triển tâm linh được đây? Quả báo thường sẽ ngăn chặn hay cản trở đường phát triển tâm linh của con.

Có một số hành động đã được nhiều tôn giáo quy định suốt các thời đại. Chính thày đây chắc chắn cũng đã định ra một số giới luật cách đây 2500 năm. Một số điều răn được xác định trong Kinh Cựu ước qua những câu “Ngươi chớ…” Những câu này có thể hiệu nghiệm ở một tầng nào đó trong việc ngăn chặn một vòng xoáy nghiệp quả không kềm chế mà nhiều người đã vướng phải suốt nhiều kiếp sống. Đến một lúc nào đó con phải chặn nó lại, và bằng cách chấp nhận một khuôn mẫu lý tưởng về những gì một tín đồ trong tôn giáo của con không làm, thì quả thực con có thể tiến bộ. Nhưng tiến bộ này chỉ có thể đưa con đến một điểm nào đó, vì thật ra nó không khiến cho vòng xoáy nghiệp quả ngừng hẳn. Nó sẽ ngăn không cho nghiệp trở thành vật lý nếu con không có hành động vật lý, và nhờ vậy nó giảm bớt độ khắc nghiệt của vòng xoáy nghiệp quả. Tuy nhiên nếu con vẫn mang cùng những khuôn nếp trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, tất nhiên con vẫn phóng chiếu ra ngoài xuyên qua chúng. Chỉ có điều là nghiệp sẽ bớt nặng, bớt mãnh liệt.

Con đường vỏ ngoài và con đường nội tâm

Vậy con sẽ làm gì khi con vượt quá giai đọan đó? Thành thật mà nói, hầu hết những người cởi mở tâm linh đều nằm trong số này. Thường thường từ rất nhiều kiếp, con đã không tham gia vào chuyện giết người, không dùng ma túy hay rượu chè cùng nhiều loại sinh hoạt như vậy mà thày đã quy định ngay từ thuở đó là không có tính xây dựng trên con đường Bát chánh đạo. Vậy bước kế tiếp từ điểm này là gì? Ấy, đó là trước hết con nhìn nhận là nếu con chỉ quy định một số hành động như vậy thôi thì thật không đủ. Bởi vì tâm vỏ ngoài, tự ngã, vô cùng khéo léo sử dụng một giáo lý tâm linh để ngăn chặn bước tiến của con, để nó lẩn trốn hầu con không thấy nó, con không thấy cần buông bỏ nó, chối từ nó, giải thể nó.

Một trong những cách tự ngã làm là nó tạo ra, như thày đã có đề cập trước đây, khái niệm một con đường vỏ ngoài, một con đường tự động. Con đường này bảo rằng có hành động chân chính và hành động bất chính, có hành động đúng và hành động sai. Nếu con ép mình kiêng cữ những việc sai và nếu con ép mình chỉ làm những việc đúng, thì đảm bảo con sẽ lên được niết bàn. Nếu con cứ nhắm mắt bước theo con đường tự động này thì ở một điểm nào đó trong tương lai, đùng một cái, con sẽ giác ngộ. Con kiêng những việc làm phi tâm linh và con làm những việc làm tâm linh, kể cả các pháp tu do tôn giáo con quy định, và nếu con cứ siêng năng thực hành thì con sẽ tự động tiến bước.

Như thày vừa giảng, bằng cách nhịn không làm những hành động tạo nghiệp và thực hành các pháp tu tâm linh, con có thể tiến bộ nhưng chỉ tới một tầng nào đó. Sẽ đến một điểm con không bước xa hơn tầng này cho tới khi con neo chặt vào con đường nội tâm. Thật không đủ nữa nếu con chỉ kiêng một số hành động và làm một số hành động khác. Con cần làm việc trên tâm lý của con, giải quyết các khuôn nếp, các ảo tưởng, những cái ngã mà con có trong tâm tiềm thức giống như những chương trình điều khiển phản ứng của con. Con không thể đi quá một điểm nào đó cho đến khi con nhận ra và bước chân trên con đường nội tâm này. Điều tự ngã thường làm là nó định ra một con đường vỏ ngoài rồi bảo, bởi vì con đã chuyên cần kiêng cữ việc sai và chỉ làm việc đúng, cho nên con không cần xem xét bản thân mình. Con không cần nhìn vào tâm tiềm thức của con. Con không cần làm bất cứ gì có thể phơi bày chính tôi là tự ngã của con.   

Xuyên qua các thời đại, biết bao nhiêu người – không chỉ người theo đạo Phật mà bất kỳ giáo lý tâm linh nào – đã tin vào chuyện này. Nhiều người thời nay là Phật tử, là người tâm linh, tin vào con đường vỏ ngoài này. Quả là có một giai đoạn con có thể tinh tiến với con đường vỏ ngoài, nhưng sẽ tới một điểm nó sẽ cản trở bước tiến của con vì nó sẽ ngăn con nhìn vào tâm tiềm thức.

Khi các nỗ lực tâm linh cản trở bước tiến

Có những người đã quy định thế nào là hành động bất chính hay chân chính và họ đã rất chăm chỉ sống theo cách định nghĩa đó. Nhưng dần dần họ đã cảm thấy một sự căng thẳng bất an nào đó. Lý do là vì qua trực giác, họ cảm thấy họ không đang thực sự tiến bước với cách tu này. Nhưng tâm vỏ ngoài của họ thì rất gắn bó, và họ gắn bó rất chặt với con đường vỏ ngoài. Họ có nỗi dính mắc nói rằng nếu họ thay đổi cách tiếp cận đường tu thì điều này sẽ chứng tỏ là họ đã đi lầm đường cho đến giờ. Và điều cuối cùng họ mong muốn là bị sai trật về con đường tâm linh họ đang đi.

Cho nên họ mới dính mắc, họ ôm chặt lấy quan điểm của họ, họ bám víu vào cách tiếp cận hiện thời của họ về đường tu. Do cảm giác bất an, giờ đây họ lý luận: “Tôi phải tu tập chăm chỉ hơn nữa. Tôi phải cần mẫn hơn nữa, kiêng cữ việc làm bất chính và chỉ làm những việc chân chính.” Có thể đầu tiên họ sẽ suy luận là họ không thể nào sống tiếp một cuộc đời thế tục, họ phải lánh xa xã hội, rút vào tu viện nơi họ sẽ không bao giờ bị cám dỗ vào những hành động bất chính. Nhưng ngay cả khi họ sống trong tu viện, họ vẫn cảm được sự bất an cho nên giờ đây họ nghĩ: “Tôi phải tu tập nghiêm mật hơn nữa.” Thế là nó biến thành một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tới mức rốt cuộc họ cảm thấy hành động chân chính độc nhất còn lại là pháp tu của họ – dù đó là quỳ lạy trên sàn nhà, quay bánh xe cầu nguyện hay bất cứ gì khác. Càng ngày họ càng bị ám ảnh nhiều hơn đến độ họ cảm thấy đây là tất cả những gì họ có thể làm.

Bấy giờ tâm vỏ ngoài sẽ thì thầm vào tai họ: “Ồ xem kìa, bạn tu tập sao quá thuần thành. Hiếm có ai tu nghiêm mật như bạn. Điều này chứng minh bạn là môt đệ tử cao cấp, cho nên bạn không có nhu cầu nhìn vào tâm tiềm thức, bạn không có nhu cầu soi gương. Đừng để ý đến những loại xung lực kia và tập trung tâm trí vào việc tu tập đúng đắn.” Có những người có thể làm chuyện này nguyên một kiếp sống hay hàng chục năm trời mà không bước lên được một bước nào trên đường tu đích thực.

Trung đạo đích thực

Tất nhiên con sẽ muốn tránh điều đó, và làm thế nào con sẽ tránh được chứ? Một lần nữa, qua con đường Trung đạo, mà thật sự chúng ta có thể gọi là Thượng đạo, con đường cao hơn, hay Việt đạo, con đường siêu việt. Tâm đường thẳng nói chuyện như thế này: “Đây là một đối cực, kia là một đối cực nữa. Giữa hai đối cực có một thang điểm, có nhiều sắc thái khác nhau từ màu đen qua đủ các sắc xám ngày càng nhạt hơn cho đến khi bạn có màu trắng. Khi Phật dạy về Trung đạo, nhất định phải có nghĩa là trung điểm giữa hai đối cực.”

Và người ta lý giải: “Ồ đúng rồi, tôi cần phải nhịn không làm điều sai và tôi cần thực hành pháp tu, nhưng tôi không thể bỏ ra quá nhiều thì giở tu tập đến độ tôi không còn tham gia vào cuộc sống bình thường năng động được nữa. Tôi phải tìm ra một thế cân bằng.” Đây không phải là một cách tiếp cận hoàn toàn vô giá trị, nhưng có một cách hiểu cao hơn. Trung đạo trong nghĩa nguyên thủy, ngay cả trong cách biểu đạt nguyên thủy của nó, không phải là con đường chính giữa. Đó không phải là trung điểm giữa hai đối cực. Đó là con Đường Cao hơn, con Đường Thăng vượt, con Đường Siêu việt. Là con đường vượt khỏi không chỉ hai đối cực mà toàn bộ thang điểm nhị nguyên giữa cả hai, tất cả mọi sắc đậm nhạt giữa cả hai. Cho đến giờ thày đã nói là tâm nhị nguyên quy định hai cực đối lập, nhưng tâm nhị nguyên hoàn toàn có khả năng quy định một vùng xám với những độ xám khác nhau giữa hai cực. Toàn bộ thang điểm này, không chỉ hai đối cực mà cả những sắc thái khác nhau cùng với điểm chính giữa, vẫn do tâm nhị nguyên quy định.

Hòa điệu với Kế hoạch Trọn đời

Vậy thế nào là con Đường Cao hơn để tiếp cận hành động? À một lần nữa đó là tìm cách gia tăng khả năng trực giác để chạm được phần nào những gì đã được ghi vào Kế hoạch Trọn đời của con. Như thày đã có nói, vào lúc con lập ra Kế hoạch Trọn đời, có thể con đã quyết định là có một trải nghiệm nào đó con có thể có trên trái đất mà con chưa chán chê – như thể con cần trải nghiệm nó cho thỏa thuê tới mức con hoàn toàn chán chê, và nhờ vậy con có thể giải quyết toàn bộ ham muốn này và buông bỏ nó. Con thăng vượt hoạt động đó, ham muốn đó, trải nghiệm đó. Nhưng bây giờ khi con bước vào đầu thai, con đã quên mất. Con tìm thấy một giáo lý tâm linh bảo rằng chính cái sinh hoạt mà con muốn nếm thoả thuê cho tới mức chán ngán, là không tâm linh. Và vì vậy con phải kiêng khem không được làm. Con buộc mình phải nhịn hẳn sinh hoạt đó, và kết quả là gì? Con không đạt được tiến bộ mà con đã trù liệu trong Kế hoạch Trọn đời của con.

Thày đang nói gì ở đây? Thày đang nói là con không thể lập ra một thang điểm vỏ ngoài rồi bảo: “Đây là cách một người tâm linh phải hành động, và kia là những hành động mà một người tâm linh không bao giờ được làm.” Chẳng hạn: “Một người tâm linh phải sống độc thân và kiêng quan hệ tình dục.” Nhiều người tâm linh, đặc biệt trong truyền thống Phật giáo, đã lý luận kiểu đó. Nếu ham muốn trải nghiệm tình dục là dính mắc cuối cùng ngăn cản con nhập niết bàn, thì làm như vậy sẽ cản trở bước tiến của con. Đương nhiên tự ngã có thể dễ dàng dùng điểm này như một cái cớ và nói: “Ồ lời dạy này nghe hay quá. Có nghĩa là tôi có thể làm bất cứ chuyện gì tôi muốn. Có lẽ chăng trải nghiệm này nằm trong Kế hoạch Trọn đời của tôi?” Tất nhiên, làm như vậy chỉ là rơi vào cực đoan ngược lại. Tất cả là vấn đề sử dụng trực giác của con để phát hiện chính xác những gì chính con đã đặt vào Kế hoạch Trọn đời của con. Những gì người khác nói hay đặt vào Kế hoạch Trọn đời của họ thật không quan trọng gì. Con cần khám phá chính con đã ghi gì trong Kế hoạch của con và con có thể làm vậy qua trực giác. Một lần nữa, bằng cách dùng những dụng cụ này để nâng cao nhận biết, khắc phục các khuôn nếp và chuyển hóa năng lượng thấp, con sẽ có được một tầm nhìn sáng suốt.  

Kế hoạch Trọn đời của con neo trụ ở đâu? À, nó thật sự neo trụ nơi cái ta cao của con. Kế hoạch Trọn đời của con có thể được xem như một quyển sách hay ít ra một tấm bảng trên kia ở một cõi có năng lượng cao hơn. Cách duy nhất con có thể thấy nó là nhìn từ tâm ý thức xuyên qua các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Nhưng nếu các thể này chất đầy những năng lượng thấp, những ảo tưởng của Maya, thì con sẽ không thể nhìn thấy tấm bảng đó, hay ít ra con không thể đọc được.

Khi con bắt đầu dọn dẹp rác rưởi trong các thể cao hơn, loại bỏ Maya, làm sạch năng lượng, thì một cách tự nhiên con sẽ có thể bắt đầu hé nhìn thấy Kế hoạch Trọn đời. Do đó con có thể bắt đầu nhìn ra thế cân bằng cá nhân của con là gì, những hoạt động nào con nên tham gia mà con đã muốn tham gia để khắc phục chúng và được giải thoát khỏi chúng.

Tất nhiên một khía cạnh khác trong Kế hoạch Trọn đời là con muốn đóng góp vào sự thăng tiến của cuộc sống trên trái đất, của tâm thức tập thể, của hoàn cảnh nhân loại. Một lần nữa, nhiều người tâm linh đã đặt ra chuẩn mực quy định sự đóng góp này phải như thế nào. Thường thường có thể là họ tham gia vào công việc từ thiện hay họ thực hành pháp tu tâm linh của họ vì đây là cách họ có thể thay đổi thế giới. Điều này không hẳn là sai, nhưng liệu có phải là điều chính con đã định ra trong Kế hoạch Trọn đời của con không? Mặc dù con là một người tâm linh, có thể có một đóng góp cụ thể mà con muốn cống hiến trong một lãnh vực thế tục nào đó. Con muốn đưa ra một ý tưởng mới nhằm đề xướng một cải tiến nào đó chẳng hạn trong lãnh vực kinh doanh, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay nhiều thứ khác. Có lẽ con muốn viết một quyển sách đặc biệt để giúp một số người đạt sáng ngộ. Có thể là nhiều thứ khác nhau. Có muôn ngàn chuyện mà con đã có thể quyết định muốn làm nhưng lại không được hầu hết các phong trào tôn giáo hay tâm linh định nghĩa là việc làm tâm linh, chính vì họ đã mang sẵn quy chuẩn kia. Một lần nữa, con có thể bỏ lỡ cơ hội mà con đã đặt vào Kế hoạch Trọn đời của mình, và điều này sẽ không giúp con tăng triển tâm linh cho dù con đã thực hành những pháp tu được thiết kế để giúp con tăng triển tâm linh. Nó sẽ giúp con cảm thấy mình tâm linh hơn, mình tinh tiến hơn, nhưng điều này không phải là tăng triển tâm linh, như thày hy vọng đã giảng rõ rồi.

Làm hay không làm đều không đủ

Có rất nhiều khía cạnh ở đây cần được cân nhắc nhưng không bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Kỳ thực, chính tâm vỏ ngoài đường thẳng mới thường ngăn cản con hòa điệu với Kế hoạch Trọn đời của con qua trực giác. Con cần vô hiệu hóa tâm vỏ ngoài đường thẳng này, nó luôn luôn muốn lập ra chuẩn mực có hai đối cực đúng-sai, nó bảo tất cả những gì con cần làm là làm cái này mà không làm cái kia và như thế con sẽ đạt mục tiêu. Vì lý do gì con sẽ không đạt được mục tiêu bằng cách làm những việc tâm linh và nhịn không làm những việc phi tâm linh?

Thày đã nói mục tiêu là gì? Giác ngộ là gì? Đó là một mức nhận biết cao hơn. Làm thế nào con sẽ đạt được mức nhận biết cao hơn? Chỉ bằng cách, duy chỉ bằng một cách là thăng vượt mức nhận biết hiện tại của con và cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con vươn tới ít nhất những tầng ờ các giai đoạn khởi đầu của giác ngộ. Khi con làm hay nhịn không làm những việc vỏ ngoài, điều này sẽ không tự động chuyển đổi mức nhận biết của con. Trên thực tế, nhiều người tâm linh đã chui vào rồi bị kẹt lại trong một ngõ cụt, và cách duy nhất để họ tiến bước là chất vấn chính cái chuẩn mực về tâm linh và phi tâm linh, trong hành động, trong lời nói, trong ý định, trong toàn bộ cái nhìn của họ về cuộc sống.

Thày có nói là con sống trong một thế giới bất ổn, rằng con không thể nào sống sót về mặt tâm lý, cho nên để sống sót con phải kìm nén một số cảm xúc, một số ý tưởng, một số xung lực ở tầng bản sắc, hầu con tìm được một thế quân bình và một cảm giác liên tục nào đó. Việc kìm nén cần thiết cho sự sống còn ở một tầng nào đó, nhưng kìm nén cũng trở thành cái bẫy chủ chốt – Maya, tấm màn của Maya – sẽ giam giữ con người trong Biển Luân hồi. Do tấm màn ảo tưởng, con người không thấy được là nội dung trong chính tâm họ sản xuất ra trải nghiệm mà họ đang có về cuộc sống. Cho nên cách duy nhất để thay đổi trải nghiệm cuộc sống là thay đổi nội dung trong tâm họ, chứ không phải một cái gì ở ngoài họ ngay cả ở mức hành động.

Con cần lượng định lại các hành động dựa theo ảnh hưởng của chúng trên trình độ tâm thức của con. Rõ ràng có một số hành động sẽ kéo thấp mức tâm thức của con. Và một trong những hành động phổ biến nhất là ma túy, rượu và các chất gây say khác. Tại Ấn Độ đã có một truyền thống khá lâu đời là một số người – thậm chí họ còn tự xưng là swami hay yogi – sử dụng nhiều loại ma túy và cho đây là cách đạt được tiến bộ tâm linh. Nếu có một chất vật lý nào có thể đưa con đến giác ngộ thì tại sao lại có truyền thống hàng ngàn năm trời của các vị thày tâm linh giảng dạy pháp tu khó khăn kia thay vì chỉ cứ giản dị sử dụng chất đó? Đấy, có lẽ là vì các vị thày tâm linh này biết rõ ma túy là một ngõ cụt. Nó cho con một cảm giác, có thể nó khiến con nghĩ vì con có một số trải nghiệm cho nên nhất định con phải là người tâm linh. Nhưng không có gì con có thể làm cho bộ não vật lý sẽ nâng cao mức tâm thức của con. Trái lại nó có thể hạ thấp mức tâm thức của con, hay ít ra ngăn con vươn lên cao hơn vì con bị kẹt lại ở một tầng nhất định.

Nếu con cứ tiếp tục làm vậy thì quả thực nó sẽ kéo thấp mức tâm thức của con xuống, vì sẽ tới một điểm sau khi con dùng ma túy một thời gian, con bắt đầu trực nhận trong nội tâm là con không thể tiếp tục như vậy được nữa, con cần bước tới vì con đang không tăng triển. Như thày vừa nói, điều này gia tăng sự căng thẳng. Bây giờ nếu con phớt lờ cảm giác này và cứ nhất định làm tiếp – hay con tiếp tục ăn cắp, lừa gạt người ta hay bất kỳ thói nào khác – thì chỉ có một chuyện có thể xảy ra. Con sẽ phủ nhận mãnh liệt hơn, và chính việc gia tăng phủ nhận sẽ hạ thấp trạng thái tâm thức của con. Cho nên con bước xuống các bực thang tâm thức khi sự phủ nhận càng ngày càng sâu đậm hơn.

Có những hành động khác cũng có thể đem lại tác động tương tự nhưng lại được nhiều người tâm linh liệt vào loại việc làm tâm linh, thậm chí còn thánh thiện nữa. Ngày nay không còn nhiều thông tin về hoàn cảnh thực tế mà thày đã gặp phải trong tư cách là Phật cách đây nhiều thế kỷ. Thày đã gặp khá nhiều sự chống đối từ các nhà Bà la môn đạo Hindu, họ cho rằng họ có độc quyền giảng dạy tâm linh ở vùng này của nước Ấn. Họ rất coi trọng các loại nghi lễ vỏ ngoài. Ngày nay con cũng thấy rất nhiều lễ hội, có những nghi lễ người ta đi vào đền thờ, được một tu sĩ rưới nước trái cây lên người hay bất cứ việc gì khác, và điều này được cho là sẽ trợ giúp tiến bộ tâm linh. Tất nhiên đó là vì các nhà Bà la môn đã tự đặt minh làm kẻ trung gian giữa quần chúng và cõi tâm linh, hay các vị thần được mô tả trong đạo Hindu. Cũng giống như các chức sắc giáo hội vào thời Giê-su cũng định nghĩa một tôn giáo dạy rằng cách duy nhất để đến với Thượng đế là qua trung gian hội thánh cùng các tu sĩ, thành phần tu sĩ của giáo hội. Giê-su bị kết án tử hình và hành quyết là vì thày đã thách thức quan điểm đó với lời dạy rằng Nước Trời ở ngay trong con.

Trong tinh túy, nói rằng Nước Trời ở ngay trong con cũng giống như nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh và mọi người đều có tiềm năng vươn lên quả vị Phật. Đây chính là điều mà các tu sĩ của một tôn giáo có tổ chức không thể chịu nổi. Họ đã dựng lên quan niệm là qua những hành động được tôn giáo vỏ ngoài quy định và việc kiêng khem những loại hành động khác, thì đảm bảo con sẽ được cứu rỗi, con sẽ được lên niết bàn hay bất cứ tên gọi nào khác. Đây là một động lượng vô cùng lâu đời trên trái đất, một động lượng rất mạnh mẽ trong tâm thức tập thể. Rất, rất nhiều người tin như vậy. Tại sao họ tin vào điều đó? Vì nó cho họ một cái cớ để họ không nhìn vào chính tâm họ cùng tâm lý của họ.

Nỗi sợ những gì nằm trong tâm tiềm thức

Tại sao họ không muốn nhìn vào? Vì họ sợ những gì họ có thể tìm thấy trong đó. Điều này con sẽ không hiểu nổi nếu con không hiểu về luân hồi. Con thử nhìn trường hợp đứa bé kia lớn lên tại một trong những nền dân chủ thịnh vượng hiện đại mà xem. Nhìn từ mọi khía cạnh, đứa bé này đã được hưởng một sự nuôi dạy lý tưởng với cả cha lẫn mẹ thương yêu nó, có thày giáo tốt ở trường học, anh chị em cũng tốt bụng. Nói chung nó có những điều kiện tốt nhất mà một người có thể mong muốn, nhưng nó lại mắc phải những chứng bệnh tâm lý trầm trọng đến độ nó không thể hoạt động bình thường trong xã hội. Có vấn đề gì trong cách nuôi dưỡng hay trong gen của nó hay không? Không ai trong gia đình nó có xu hướng mắc bệnh tâm lý cho nên không thể quy cho di truyền được. Trong suốt tuổi ấu thơ nó không bị chấn thương, cho nên cũng không thể quy cho cách nuôi dạy. Làm thế nào con giải thích được tại sao một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh lý tưởng lại mắc phải một chứng bệnh tâm lý ngặt nghèo đến thế? Chỉ có một cách giải thích là trong tiền kiếp, nó đã trải qua chấn thương trầm trọng.

Con hãy nhìn bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra chỉ trong một thế kỷ qua. Bao nhiêu người đã phải chịu cảnh chiến tranh? Bây giờ khi họ tái đầu thai, họ mang chấn thương này trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc. Rất nhiều người trong thế giới ngày nay đã đầu thai lại nhiều lần cho nên họ đã hứng chịu đủ loại chấn thương, nhưng chính họ cũng đã làm nhiều chuyện rất ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình, dựa trên ảo tưởng họ là những sinh thể tách biệt, và những gì họ gây cho người khác sẽ không ảnh hưởng gì đến họ, hay ít ra nếu họ không phải chịu hậu quả vật lý trực tiếp thì hình như họ đã tránh khỏi tội tày trời. Nếu họ không bị bắt thì hình như họ đã thoát được hình phạt. Bây giờ họ hiện thân trong thời đại tân tiến, một trong những biến chuyển to lớn đã xảy ra trong tâm thức tập thể trong mấy thế kỷ qua là rất, rất nhiều người hơn trước bắt đầu lo việc cải sửa tâm lý, như chữa lành tâm lý, đón nhận nhiều loại giáo lý tâm linh, từ yoga qua thiền chánh niệm cho đến đủ loại liệu pháp khác nhau. Cho nên họ đã khởi sự làm việc trên tâm lý của họ.

Có một động lượng đang lớn mạnh trong tâm thức tập thể xem việc tu sửa tâm lý là bình thường, tự nhiên, cần thiết, xây dựng. Trên thế giới có một nhóm người rất đông không chỉ mang theo chấn thương từ tiền kiếp, mà họ cũng mang theo sự nhận biết là họ đã làm những chuyện mà đúng lý họ không nên làm. Và họ không muốn nhìn vào những cái đó. Họ không muốn xem xét tâm lý của họ vì họ sợ họ có thể tìm thấy điều gì trong đó. Họ sợ bị choáng ngợp đến độ không thể hoạt động bình thường được nữa. Những người đó muốn gì? Họ muốn con đường tự động, họ muốn có ai đó hứa hẹn với họ: “Con hãy tuyên bố Giê-su Ki-tô là Chúa, là Đấng Cứu rỗi, thì bảo đảm con sẽ được cứu rỗi,” hay “Bạn hãy gia nhập môn phái Phật giáo này, học tập các giáo lý này, thực hành các pháp tu này thì bảo đảm bạn được cứu rỗi,” hay “Bạn hãy làm bài tập này, quỳ lạy trên sàn, quỳ lạy đủ 10 ngàn lần trong kiếp này thì bảo đảm bạn được nhập niết bàn.” Đó là điều người ta muốn.

Vậy một lần nữa, đâu là cách nhìn cao hơn về hành động? Đó là con nói: “Việc này sẽ tác động đến tâm thức của tôi như thế nào? Không những nó có nâng cao mức tâm thức của tôi hay không, mà khi tôi làm một hành động thì phản ứng của tôi là gì? Phản ứng tâm lý của tôi là gì? Nó khởi lên những gì trong tâm lý tôi? Cái gì đang bị khuấy động?” Rồi con dùng đó như một cơ hội để nhận ra chính vì con là một sinh thể tâm linh, vì con muốn tăng triển tâm linh, cho nên con đã tự đặt mình vào những tình huống sẽ buộc con – nếu có thể nói như vậy – làm một số hành động để khuấy động những điểm chưa giải quyết trong tâm lý của con. Đó là một cơ hội để con nhìn ra một điểm chưa giải quyết, con xử lý nó và nhờ vậy con tinh tiến, con bước lên cao hơn. Thêm một bực nữa trên chiếc cầu thang. Nếu con xem mình là một người tâm linh, con cần thực hiện cuộc xoay chuyển này để con sẵn lòng làm công việc này, con ngộ ra sự cần thiết của công việc này, và con bỏ hẳn giấc mộng kia về con đường tự động. Con cần quan sát phản ứng của con khi con nghe những ý tưởng này và nhìn thấy lực kháng cự trong con đang không muốn xem xét chính mình.

Hành động không thể đưa con vào Niết bàn

Sau đó con có thể đi thêm một bước liên quan đến hành động. Trong giới mộ đạo truyền thống có nhiều người sẽ bảo rằng nếu con làm một số chuyện thì hành động của con sẽ kết án con xuống địa ngục. Nếu con giết một người hay thậm chí nhiều người, con sẽ bị đọa xuống địa ngục. Một lần nữa, đây lại là lối suy nghĩ nhị nguyên. Con đang định ra một đối cực nhị nguyên. Có một thiên đàng, có một địa ngục, và liệu con đi đến nơi này hay nơi kia tùy thuộc vào hành động của con. Một số hành động sẽ đày con xuống địa ngục, một số hành động khác sẽ bảo đảm đưa con lên thiên đàng. Một lần nữa có một động lượng mạnh mẽ trong tâm thức tập thể khiến người ta muốn tin vào chuyện đó, ít ra nếu những người này đã kiêng cữ không làm những việc đưa xuống địa ngục. Thật không có cơ sở thực tế nào trong chuyện này.

Thày không hề phủ nhận là có một tầng cõi vượt khỏi vũ trụ vật chất, vượt cả bốn tầng của vũ trụ vật chất. Thày không phủ nhận là con người có khả năng vươn lên tầng cõi đó để được giải thoát khỏi bánh xe sinh tử – con không phải trở lại hiện thân mà sẽ vĩnh viễn thăng khỏi trái đất. Tầng cõi này có đó, đó là một tiềm năng, nhưng đó không phải là cái những người mộ đạo gọi là thiên đàng. Sự khác biệt giữa cõi con đang sống và cõi cao hơn kia – mà thày không muốn dùng ngôn từ để mô tả – sự khác biệt giữa cõi hiện hữu của con bây giờ trên trái đất và tầng cõi cao hơn là mức độ tâm thức. Không phải các hành động của con sẽ quyết định con có thể thoát khỏi trái đất và vươn lên cõi cao kia nơi không còn xung đột, không còn Biển Luân hồi như trên trái đất. Điều duy nhất sẽ quyết định là mức độ tâm thức của con.

Hãy thử lấy một ví dụ cùng cực, con hãy tự hỏi loại sinh thể nào có thể bước vào cõi cao đó? Hãy thật cụ thể. Giáo hội Công giáo có dạy về thiên đàng và những tín đồ Công giáo ngoan đạo đảm bảo được lên thiên đàng. Con có thực sự hình dung được một người Công giáo trung bình tồn tại ở một cõi cao được cho là thiên giới hay chăng? Thử lấy một vị linh mục Công giáo. Từ một góc nhìn vỏ ngoài về hành động, thật con không thể tìm được ai tốt đẹp hơn một linh mục Công giáo. Nhưng nếu như vị này đã lạm dụng trẻ em thì sao? Ông là một kẻ đạo đức giả vì ông giả vờ là một linh mục và một người của Chúa, nhưng ông lại xâm hại trẻ em. Liệu con có thể nào hình dung một người như vậy được bảo đảm lên thiên đàng ở mức tâm thức đã khiến ông xâm hại trẻ em? Có thể nào không? Có thể tưởng tượng được không? Đối với những ai đã kích hoạt trực giác thì chắc chắn không thể. Con sẽ lập tức nhìn ra là tuyệt đại đa số mọi người trên trái đất không thể lên thiên đàng hay nhập niết bàn với mức tâm thức hiện thời của họ.

Điều này liên quan thế nào với hành động? À, nhiều người rất lo sợ khi họ tin vào luân hồi, là có thể họ đã làm một việc gì đó trong kiếp trước sẽ ngăn họ không lên được thiên đàng hay niết bàn, cho dù họ định nghĩa là gì. Sau đây là sự thật giản dị mà thày đã cố giải thích cách đây 2500 năm nhưng thày sẽ trao cho con dưới một hình thức trực tiếp hơn nữa. Không có hành động nào con có thể làm trên trái đất sẽ đưa con lên thiên đàng, và không có hành động nào con có thể làm trên trái đất sẽ ngăn con khỏi thiên đàng. Tại sao? Vì hành động không phải là yếu tố quyết định con có lên thiên đàng hay không, mà là mức tâm thức của con. Tất nhiên, một hành động tuôn ra từ một mức tâm thức nào đó. Nếu con đã làm một hành động thì nó cho thấy là it ra trong tiền kiếp đó khi con đã hành động như vậy – hay ngay cả trong kiếp này – con đã ở mức tâm thức đó, và mức tâm thức này sẽ giữ con ở ngoài thiên đàng.

Nếu con là một người tâm linh, con không cần sợ xem xét tâm lý của mình. Bởi vì cho dù con đã làm gì đi nữa trong một kiếp trước, con vẫn có thể khắc phục hậu quả của hành động bằng cách thăng vượt mức tâm thức đã tạo ra hành động. Vũ trụ, Thượng đế, hay bất cứ gì con có thể tưởng tượng, không quan tâm đến những hành động con làm trên trái đất. Quan tâm duy nhất là trình độ tâm thức của con. Thật chẳng quan trọng gì nếu trong một tiền kiếp con đã làm gì đó bị quy định là phi tâm linh hay phản tâm linh. Nếu con đã thăng vượt mức tâm thức này, hay nếu con sẵn lòng thăng vượt tâm thức này ngay bây giờ, thì con có thể và con sẽ thoát ra khỏi hành động. Cho nên con sẽ tiến bộ trên đường tâm linh dựa trên những tiến bộ con đạt được trong tâm thức của con. Hành động không phải là yếu tố quyết định mà là mức tâm thức. Và một khi con đã thăng vượt mức tâm thức thì con không cần cảm thấy tội lỗi về những việc con đã làm.

Nghiệp quả vận hành thực sự như thế nào

Con có thể được lợi lạc từ việc thỉnh cầu năng lượng cao để nó biến hóa xung lực năng lượng do hành động tạo ra, là điều mà nhiều người gọi là nghiệp. Con có khả năng chuyển hóa nghiệp quả – nếu con đã giải quyết tâm thức. Cũng có thể nói là khi con làm một hành động, con gửi một xung lực vào bốn tầng của vũ trụ vật chất, và khi nó đi lên tầng bản sắc, nó được phản chiếu lại cho con, đi vào thể bản sắc của con. Đây là một xung lực năng lượng. Năng lượng làm gì? Nó tạo ra những mô thức giao thoa với năng lượng ở xấp xỉ cùng độ rung. Nếu con chưa thăng vượt tâm thức đã khiến con hành động như vậy, nếu con vẫn còn một số ảo tưởng và niềm tin chưa giải quyết trong thể bản sắc của con, năng lượng nghiệp báo sẽ tương tác với những thứ này, sẽ được tăng cường bởi những thứ này. Có nghĩa là nghiệp báo bây giờ đi xuống thể lý trí dưới một dạng tăng cường. Nếu trong thể lý trí con vẫn còn những khuôn nếp và niềm tin, nó sẽ lại tương tác với chúng và được tăng cường thêm nữa. Rồi nó đi vào thể cảm xúc, và nếu con vẫn còn khuôn nếp cảm xúc chưa giải quyết, nó lại được củng cố thêm, cho nên khi nó băng qua lằn ranh của cõi vật lý, rất có thể nó sẽ thị hiện như một hậu quả dữ dội.

Nhiều người tin vào nghiệp quả tin rằng nếu con đã giết ai đó trong một kiếp trước, quả báo có thể khiến con bị giết hại trong kiếp này. Không có gì con làm có thể ngăn chặn được sự kiện này vì con đã tạo nghiệp và giờ đây nghiệp phải giáng xuống với kết quả là con bị giết. Điều này chỉ đúng nếu con chưa thăng vượt tâm thức. Nếu con đã thăng vượt tâm thức ở tầng bản sắc, nghiệp báo có thể quay trở lại nhưng không có gì để nó tương tác, không có gì để nó gia tăng. Kỳ thực nếu con đã tạo ra những khuôn nếp cao hơn hay đã tự giải phóng khỏi ảo tưởng và thỉnh cầu năng lượng, nghiệp báo có thể suy giảm.

Đến khi nó xuống đến thể lý trí và nếu con đã thăng vượt các khuôn nếp lý trí, cũng lại không có gì tăng cường cho nó và nó suy giảm thêm. Điều tương tự lại xảy ra ở thể cảm xúc, cho nên khi nó xuống đến thể vật lý, có thể nó đã được chuyển hóa toàn diện thành một độ năng lượng cao hơn, hay nó chỉ thị hiện dưới một dạng nhẹ hơn rất nhiều. Thay vì bị giết, có thể con chỉ gây cho mình một thương tích ngoài da.

Như ngành vật lý hiện đại cho thấy, hành động gắn liền với phản ứng. Không có hành động mà không có phản ứng, nhưng cũng không có phản ứng mà không có hành động. Tất cả buộc chặt với nhau trong lý duyên khởi. Con có thể nói: “Tôi đã làm một hành động vật lý. Hành động này tạo ra một phản ứng từ người khác, và phản ứng đã ảnh hưởng đến tôi.” Hay có lẽ nó không ảnh hưởng đến con vì con đã tránh né được, nhưng nó vẫn tạo ra một phản ứng trong bốn tầng của vũ trụ vật chất. Nó cũng tạo ra một phản ứng trong tâm con. Thật ra hành động đi theo một tiến trình trong tâm con. Nếu con bị kẹt trong Maya và các ảo tưởng, trong một trạng thái tâm thức tách biệt, trong tâm nhị nguyên, rất có thể hành động của con đã khởi lên từ các khuôn nếp phản ứng có mặt trong ba tâm cao của con. Cho mỗi hành động đều có một phản ứng, nhưng con có khả năng thăng vượt, biến hóa phản ứng từ tấm gương vũ trụ bằng cách thăng vượt cái tâm thức đã dẫn đến hành động.

Có rất nhiều người tin vào nghiệp quả, tin đó là một sự trừng phạt, nhưng thật sự nghiệp quả không phải là trừng phạt. Đó là một cơ hội. Thày đã nói gì về mục đích cuộc sống? Là để tăng triển nhận biết của con. Làm thế nào con tăng triển nhận biết? Bằng cách nhìn ra điều gì đang cầm giữ con lại ở mức nhận biết hiện thời, khiến con không thể thăng vượt và vươn lên mức cao hơn. Nếu con không nhìn ra thì làm sao con thăng vượt đây? Đôi khi con có thể cố tình nhìn và con thấy, nhưng khi khác con không cố tình nhìn. Thế rồi một tình huống bên ngoài buộc con phải nhìn thấy nó bằng cách tạo ra một phản ứng trong con. Đấy, đó là điều nghiệp quả vốn làm. Luật nghiệp quả bảo rằng con đang làm một hành động. Con giết một người – một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự quyết của họ cũng như quyền được có cơ hội tăng triển. Nếu luật nghiệp quả trải bày tức khắc, con sẽ bị giết ngay lập tức, nhưng điều này có nghĩa là con sẽ đi ra ngoài hiện thân. Nếu con không bị giết ngay lập tức, con sẽ phải sống phần còn lại của kiếp này biết rằng mình đã giết một người.

Và điều này cho con một cơ hội để con xử lý nó trong kiếp sống đó. Trong những kiếp tiếp theo, có thể con không nhớ lại một cách ý thức, nhưng con vẫn mang cái tâm lý, các khuôn nếp trong tâm lý đã khiến con giết người. Con vẫn có cơ hội nhìn ra cái đó, xử lý nó và khắc phục nó. Mấy kiếp sau, xung lực nghiệp quả quay trở lại. Đây không phải là một trừng phạt mà là một cơ hội. Nếu con chưa thăng vượt tâm thức, xung lực nghiệp quả sẽ khuấy động tâm thức đó lên, ngay cả khi không có một tình huống bên ngoài kích động. Có thể con không ở trong một hoàn cảnh bị thúc giục giết người, nhưng xung lực nghiệp quả quay trở về các thể bản sắc, lý trí và cảm xúc của con sẽ khuấy động những gì chưa được giải quyết, để con kinh nghiệm nó và được thêm cơ hội xem xét nó trước khi nghiệp quả trở thành vật lý.

Nếu con không sẵn lòng xem xét nó, nghiệp quả sẽ trở thành vật lý, và giờ đây con hứng chịu một hậu quả vật lý mà con không thể phủ nhận. Nhưng trước khi con phải chịu hậu quả vật lý không thể phủ nhận này, con đã có một cơ hội để chuyển hóa trạng thái tâm thức của con. Con chỉ phải chịu hậu quả vật lý nếu con không sử dụng cơ hội. Vậy đâu là trừng phạt chứ? Mọi sự đều là cơ hội. Đây là điều con có thể neo trụ vào và chấp nhận một cách ý thức. Con có thể tự hỏi, con có thể dùng trực giác mà hỏi: “Đâu là cơ hội ở đây? Tôi cần nhìn ra điều gì trong tình huống này? Có điều gì trong tâm lý mà tôi cần giải quyết để thăng vượt hoàn cảnh này, sử dụng hoàn cảnh này như một bàn đạp để vươn lên cao hơn trên con đường Bát chánh đạo?”  

Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn cho con về hành động. Thày niêm con trong niềm vui của Phật biết rằng thày đã chọn một hành động cao hơn khi trao truyền lời dạy này.