Các linh mục Công giáo có nên được phép lấy vợ?

Hỏi: Thưa Giê-su, con hiểu được sự cần thiết thực sự cải tổ Giáo hội Công giáo, và con mong nhiều tín hữu Công giáo sẽ lắng nghe lời của thày về nhu cầu cải tổ này. Tuy nhiên con xin hỏi, liệu thày có nghĩ là các linh mục Công giáo nên được phép lấy vợ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Ta là một thày tâm linh, và quan tâm của ta luôn luôn hướng về sự phát triển tâm linh của mỗi dòng sống cá nhân. Tăng trưởng tâm linh có nghĩa là giải quyết những tin tưởng sai lầm và vết thương tình cảm đang ngăn cản dòng sống đạt được sự viên mãn, trọn vẹn, cũng gọi là sự thánh thiện. Đây là một sự giải quyết tâm lý nội tâm, không thể là kết quả tự động, hay máy móc, của việc cử hành một số hành động vỏ ngoài. Vì vậy, việc cưỡng ép độc thân có rất ít giá trị và sẽ là một gánh nặng cho những dòng sống chưa sẵn sàng ngừng hẳn tình dục. Thay vì đưa đến việc giải quyết các vấn đề tâm lý, thì rất có thể nó sẽ khiến cho những vấn đề này gia tăng. Đây chính là lý do tại sao Giáo hội đang gặp phải một vấn nạn khổng lồ là sự xâm hại tình dục.

Điều ta muốn nói ở đây là mục đích thực sự của cuộc sống là bước trên một con đường tuần tự sẽ dẫn đến một trạng thái tâm thức cao hơn. Con đường này có thể ví như một cầu thang có nhiều bậc. Khi dòng sống bước lên cầu thang, y sẽ dần dần mất đi – một cách tự nhiên – những gắn bó, dính mắc, ham muốn hay quan tâm đến những thứ của thế gian này, đặc biệt là những khoái cảm giác quan do cơ thể vật lý tao ra. Nói cách khác, điều tự nhiên sẻ xảy ra là dòng sống sẽ lần hồi mất đi ham muốn tình dục của mình, và sẽ chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh tâm linh của cuộc sống.

Nếu con khảo sát toàn bộ loài người, con sẽ thấy một số người đã đạt được trạng thái tâm linh này và đã bỏ lại đằng sau các ham muốn thể xác của họ. Con cũng thấy một số người dần dần vượt qua được ham muốn tình dục chỉ trong một kiếp sống. Nhưng con cũng thấy nhiều người trên địa cầu chưa sẵn sàng từ bỏ tình dục. Và nếu một người chưa sẵn sàng thì rất có thể việc ép buộc bản thân phải kiêng cữ tình dục sẽ không giúp cho người đó phát triển tâm linh. Sự kiêng cữ tình dục phải dựa trên căn bản một sự giải quyết đích thực vấn đề ham muốn tình dục trong sâu thẳm của nội tâm, thay vì chỉ là một quyết định của ý chí và tâm vỏ ngoài.

Ý định và hy vọng nguyên thủy của ta cho phong trào Ki-tô giáo là đưa ra một con đường tuần tự dẫn đến một trạng thái tâm thức cao hơn, tức là tâm thức Ki-tô. Lý tưởng, sự tăng trưởng này phải phát xuất từ một sự thấu hiểu, một thấu hiểu nội tâm đích thực, về những bí ẩn tâm linh của sự sống.

Khi dòng sống nhận được sự thấu hiểu như thế, y sẽ tìm được những lời giải đáp đích đáng cho những câu hỏi của y về sự sống. Những lời giải đáp này sẽ đem lại sự giải quyết sâu xa cho dòng sống. Y sẽ dần dần đặt thẳng hàng các tin tưởng của mình cho đồng bộ với thực tế cuộc sống, và y sẽ từ từ giải quyết được các vết thương cùng bế tắc tình cảm của mình. Do đó, sẽ không cần thiết phải tự ép mình làm một số hành động vỏ ngoài, mà y sẽ tự nguyện chọn ra những hành động nào mà y biết sẽ phục vụ cho quyền lợi sáng ngộ của mình.

Điều xảy ra với Giáo hội Công giáo là Giáo hội đã đi chệch đường so với chủ ý nguyên thủy của ta. Rồi Giáo hội bị cuốn mắc vào những cuộc tranh giành quyền lực, với kết quả là một số giáo lý ban đầu của ta bị loại bỏ. Vì thế Giáo hội đã không thể đưa ra cho tín đồ một hiểu biết đích thực khả dĩ dẫn đến một sự giải quyết đích thực. Hệ quả là Giáo hội đã rơi vào một truyền thống ép buộc tín đồ phải tuân theo giáo điều vỏ ngoài cũng như những luật lệ cư xử cứng nhắc.

Trong lý tưởng, một tổ chức tôn giáo cần có một hệ thống thứ bậc cho phép tín đồ tuần tự leo lên những mức cao hơn khi họ đạt được khả năng và họ sẵn lòng làm điều đó. Cấu trúc thứ bậc đó sẽ có nhiều trình độ dựa trên trình độ chứng đạt tâm linh khác nhau của mỗi người. Chẳng hạn, đa số nhân loại chưa đạt tới mức có thể xem việc kiêng cữ tình dục là một chuyện tự nhiên, hay thậm chí hữu ích cho mình. Những người này phải được quyền sống trong một khung cảnh gia đình bình thường, như rất nhiều người trong số họ vẫn đang làm.  

Một giáo hội cần một lớp tu sĩ phục vụ cho những thành phần như thế. Đây sẽ là những vị linh mục Công giáo có trách vụ quản trị bình thường. Nếu con muốn làm việc mục vụ hữu hiệu cho quần chúng, con phải hiểu biết những vấn đề mà người thường phải đối mặt. Làm sao con hiểu được những vấn đề này nếu chính con chưa sống qua? Nói cách khác, nếu con muốn phục vụ hiệu quả cho những gia đình, những cặp vợ chồng có con cái, điều vô cùng hữu ích cho con là con cũng là một người đã lập gia đình, có con cái phải chăm lo hàng ngày.

Thực tế đơn giản là nhiều vị linh muc Công giáo trở thành vô hiệu trong vấn đề muc vụ cho những cặp vợ chồng, những gia đình và trẻ nhỏ. Lý do là vì họ không hề có kinh nghiệm bản thân để dùng làm căn bản cho mục vụ của mình. Cho nên để trả lời câu hỏi của con, ý định của ta không bao giờ là tạo ra một tổ chức đòi hỏi các tu sĩ có trách vụ bình thường phải độc thân. Điều này đã được người ta thêm vào sau này, và không đúng với ý muốn cũng như ý định của ta. Điều này chỉ có mặt do nhu cầu tranh giành quyền lực và kiểm soát.

Bây giờ hãy trở về ý tưởng một hệ thống thứ bậc dựa trên những mức độ chứng đạt tâm linh khác nhau. Khi dòng sống leo con đường tâm linh, y sẽ mất dần một cách tự nhiên, qua một sự giải quyết nội tâm, các dính mắc của mình đối với những thứ của thế gian. Vì vậy, một tổ chức giáo hội phải cung ứng một cách thức cho những ai đã đạt được mức chứng đạt đó có thể sống trong một môi trường nơi họ có thể tập trung vào hoạt động tâm linh. Việc này có thể thực hiện qua các tu viện, hoặc một số khung cảnh khác được đặc biệt thiết kế cho những ai không mong muốn có đời sống gia đình. Việc này cũng có thể thực hiện qua những tổ chức phục vụ quần chúng, và một ví dụ tuyệt vời là tổ chức do Mẹ Teresa lập ra.

Trong những tổ chức như thế, việc sống độc thân sẽ là cách sống tự nhiên chứ không là một quy luật vỏ ngoài bị áp đặt. Đó sẽ là một việc làm tự nguyện dựa trên một sự giải quyết nội tâm và sự phát triển tâm linh đích thực. Những ai chưa đạt được mức này sẽ đương nhiên không chọn sống trong một môi trường như thế. Có thể nói, một tổ chức giáo hội nên có một khía cạnh công truyền nhắm vào việc phục vụ đa số quần chúng sống trong quan hệ gia đình bình thường, và đồng thời cũng có một khía cạnh nội tâm nhằm tạo cơ hội tối đa cho những ai muốn sống tập trung vào hoạt động tâm linh.

Nhưng hãy cho ta đưa ra một lời cảnh báo. Đúng là khi một dòng sống trưởng thành trên đường tâm linh, y sẽ lần hồi bỏ rơi sự vướng mắc vào những ham muốn trần thế một cách tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả những ai chứng đạt tâm linh đều không nên lập gia đình và sống độc thân. Việc không kết hôn và bị bắt buộc sống độc thân sẽ không tự động đem lại phát triển tâm linh, và đây chính là tin tưởng sai lạc mà Giáo hội Công giáo cổ võ. Sự sai lầm này được chứng minh rõ ràng qua việc phơi bày tệ nạn xâm hại tình dục do các linh mục. Tệ nạn này cũng chứng minh hiểm họa khi giáo hội cố tình ép buộc một người phải tuân thủ luật lệ vỏ ngoài cứng nhắc khi dòng sống người đó chưa sẵn sàng sống được như vậy.

Điều ta muốn nói là các lãnh đạo của một giáo hội không nhất thiết phải là người độc thân. Một lần nữa, một tu sĩ chỉ có thể làm việc mục vụ hữu hiệu khi tự thân mình biết rõ những vấn đề của tín đồ. Vì vậy, một giáo hội có thể có những vị lãnh đạo, ngay cả những vị lãnh đạo cao cấp, đã lập gia đình. Thật sự, ta cũng không bảo rằng một dòng sống trưởng thành tâm linh sẽ phải ly dị và sống độc thân. Con hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân mà vẫn kiêng cữ tình dục, hoặc con sinh hoạt tình dục một cách cân bằng hơn so với đa số cặp vợ chồng khác.

Cho nên ta không muốn nhìn thấy một tổ chức với một nền văn hóa quy định rằng những ai độc thân là tốt đẹp hơn, hay chứng đạt tâm linh hơn, những người không độc thân. Ta không khuyến khích bất kỳ hình thức phân biệt cao thấp nào vì nó nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh, và kiêu hãnh thì ngược hẳn với tăng trưởng tâm linh. Con hãy nhớ lời này: “Ai là người cao nhất trong số các người, thì sẽ làm đầy tớ cho mọi người.”