May mắn là gì?

Hỏi: Trong một bài truyền đọc gần đây nhân buổi hội thảo trực tuyến Phục sinh, Mẹ Mary nói rằng chúng ta không thể tiên đoán chắc chắn bất cứ gì xảy ra trên địa cầu. Lý do là vì trong những tình huống can dự đến nhiều người, có một làn sóng nghiệp quả tạo ra nhiều kịch bản khác nhau cho sự tương tác trải bày. Vì vậy tương lai không thể biết được cho đến khi nó xảy đến. Trong những lãnh vực đòi hỏi việc tiên đoán những sự kiện tương lai không thể biết trước, như đầu tư chẳng hạn, liệu kỹ năng chuyên môn có thể đem lại thành công đều đặn không? Hay sự thành công trong các lãnh vực này chủ yếu là sự may mắn? Nói rộng hơn, thế nào là một quan niệm xây dựng về may mắn?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 27/7/2023.

Đầu tiên chúng ta hãy nhìn đến sự may mắn. Điều người ta gọi là may mắn chính là sự trải bày của những sự kiện không thể đoán trước. Nghĩa là không thể nào tiên đoán một cách chắc chắn kết quả của một sự việc sẽ ra sao, như đầu tư chẳng hạn. Nhưng tất nhiên, con có thể tăng xác suất sự kiện xảy ra, chẳng hạn khi con nâng cao hiểu biết về lãnh vực đầu tư. Nhưng con cũng có thể bước vào một tâm thái cởi mở đối với một thành quả tích cực.

Trên thế giới có nhiều người giảng dạy là không có chuyện may mắn, mà trái lại con cần phóng chiếu ra kết quả mà con mong muốn. Nhiều người đã cố thử thị hiện đồ vật bằng cách làm theo những lời chỉ dẫn đủ loại về phương pháp thị hiện. Chẳng hạn nhiều người đã dùng bản đồ kho báu hay một số kỹ thuật khác, đôi khi gần giống như ma thuật đen, để gia tăng vận may của mình qua việc cưỡng bách sự việc xảy ra. Hiển nhiên, đây không phải là điều các thày khuyên con làm như một đệ tử của chân sư thăng thiên.

Nhưng chắc chắn con có thể ảnh hưởng đến các sự kiện tích cực trong đời mình bằng cách, trước tiên, làm việc với tâm lý của mình và giải quyết một số vấn đề tâm lý khiến con xua đuổi một số thành quả. Ví dụ, nhiều người tâm linh có một thái độ tiêu cực đối với tiền bạc từ nhiều kiếp trước. Trong tiềm thức, họ đẩy xa tiền bạc vì họ tin rằng tiền bạc là phản tâm linh. Nếu con giải quyết những cái ngã như vậy, con sẽ không còn đẩy nó ra xa nữa, nhưng đồng thời con cũng không cố kéo nó vào đời con. Con có thể bước vào tâm thái cởi mở, tâm thái trung hòa, nhưng con chờ đợi là một điều tích cực sẽ xảy ra. Theo một nghĩa nào đó, đây không phải là chuyện chế tạo một kết quả, mà đúng hơn là thu hút kết quả đến với con. Đây sẽ là một cách khả thi để gia tăng điều mà nhiều người gọi là may mắn. Không phải các thày đặc biệt bảo con phải coi may mắn là nền tảng cho cuộc sống, nhưng con có thể bước vào một tâm thái đón nhận triển vọng một kết quả tích cực sẽ xảy ra thay vì xua đẩy nó đi.

Khi con hiểu những gì các thày đã trao cho con về đường tu tâm linh, con có khả năng bước vào một tâm thái không dính mắc với một kết quả đặc thù. Con làm điều con cảm thấy là một điều xây dựng trong một tình cảnh đặc thù, nhưng thay vì bị cuốn hút vào một kết quả nhất định như trường hợp những kẻ ra sức thị hiện, con mở tâm ra đón nhận môt kết quả tốt đẹp, kết quả tốt nhất có thể, nhưng con cho phép các chi tiết được quyền mơ hồ. Con cởi mở với mọi khả năng, và con đi vào một tâm thái biết ơn đối với bất cứ gì xảy ra, luôn luôn cố gắng sử dụng nó tốt nhất.

À, nhiều người thông thạo các kỹ thuật thị hiện sẽ bảo rằng làm theo cách này là sai trật vì con phải càng rõ ràng càng tốt. Con cần phải rõ ràng trong những gì con muốn vũ trụ đem lại cho con, nhưng đây không phải là cách tiếp cận cao nhất. Và lý do, như ta vừa giải thích, là vì mọi tình huống trong thế gian đều vô cùng phức tạp. Có những sóng xác suất ảnh hưởng đến kết quả của một tình huống nhất định và con không thể tiên đoán các sóng này một cách chắc chắn. Cho nên nếu con phóng chiếu: “Tôi muốn kết quả chính xác là như thế này,” thì thường thường con sẽ bị thất vọng vì đơn giản kết quả đó không thực tế dựa trên các điều kiện nghiệp quả của tình huống.

Điều đáng tiếc xảy ra đối với nhiều người toan cưỡng ép thị hiện là họ thường bị thất vọng, và sau một thời gian nhiều người bị chán nản rồi lý luận rằng tất cả chỉ là chuyện hồ đồ, là chuyện không tưởng, là chuyện “úm ba la” của giới Thời Mới hay bất cứ gì khác. Các thày muốn cho con một con đường dài hạn khả thi hơn mà qua đó con có thể cải thiện hoàn cảnh đời con. Và nếu con dùng các giáo lý, đặc biệt về ngã tách biệt, con sẽ có thể đạt được những cải thiện đáng kể trong đời mình. Nhưng luôn luôn, điều khôn ngoan là con nên có một thái độ đón nhận triển vọng trong sự biết ơn thay vì đòi hỏi một kết quả nhất định.

Dự báo kinh tế 2023

Hỏi: Đâu là xác suất nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu có thể chứng kiến một sự sụp đổ khác nữa, như đã được các thày nói đến trong các bài truyền đọc gần đây? Ngay bây giờ, chúng ta có vẻ đang ở trong một thời kỳ suy thoái do các ngân hàng trung ương và lạm phát gây ra. Liệu có khả năng là chúng ta sẽ chứng kiến một sự chuyển đổi từ từ của nền kinh tế thay vì một sự sụp đổ toàn bộ hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn độn. Đăng ngày 26/1/2023.

Chắc chắn là có tiềm năng một sự sụp đổ. Cũng có tiềm năng cho một sự thay đổi lần hồi. Tất nhiên, không phải là các chân sư thăng thiên đã không suy nghĩ khi đề nghị các con hãy tập trung vào nền kinh tế trong Canh thức 500 của Mẹ Mary từ bấy lâu nay, và các thày sẽ tiếp tục làm như vậy.

Hiện nay có khoảng 30% xác suất một sự sụp đổ kinh tế rộng lớn sẽ xảy ra, hay ít nhất một cuộc khủng hoảng cũng trầm trọng như khủng hoảng năm 2008. Cũng có khoảng 30% xác suất một sự chuyển tiếp lần hồi sẽ xảy ra, qua đó người ta sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng quy mô. Và phần xác suất còn lại là nhiều kịch bản khác nhau giữa những thay đổi tiệm tiến và một số biến động nghiêm trọng hơn.

Điều ta vừa nói không nhất thiết sẽ giúp con nhiều lắm, nhưng ít ra nó sẽ mang lại cho con ấn tượng rằng việc tham gia vào các chương trình canh thức nói trên về đề tài kinh tế sẽ rất hữu ích, vì không những chúng đã có tác dụng tích cực rồi mà trong tương lai chúng còn có thể đóng góp nhiều hơn nữa.

Lẽ tự nhiên, chiến tranh sẽ là một chủ đề to lớn trong năm 2023, nhưng dẫu vậy, y như các thày đã có nói cho năm 2022, vấn đề cơ bản trên thế giới là lãnh vực kinh tế cùng những gì xảy ra cho nền kinh tế.  

Dự báo kinh tế 2022 và xa hơn

Hỏi: Saint Germain yêu dấu, điều gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai ngắn hạn? Theo một số nhà báo, chúng ta chưa đạt tới điểm thấp nhất vì các ngân hàng trung ương không có khả năng giảm bớt lạm phát tăng vọt bằng cách tăng lãi suất. Có vẻ như các ngân hàng trung ương bị kẹt cứng trong một thế bí lưỡng nan và không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Xin thày vui lòng cho chúng con một số sáng ngộ về những gì có nhiều xác suất xảy ra nhất?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 21/6/2022.

Trong ngắn hạn, lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Lý do không chỉ là vì các ngân hàng trung ương không có khả năng chặn đứng lạm phát qua việc nâng lãi suất, mà cũng vì sau cơn đại dịch corona, lượng cầu bị dồn nén khiến cho giá cả tăng lên theo luật cung cầu.

Tuy nhiên, phần lớn lạm phát mà con thấy thật ra là do đầu cơ. Đặc biệt, giá hàng hóa và giá dầu hỏa bị các nhà đầu cơ đưa lên cao vì họ nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách tạo ra khan hiếm giả tạo khi lượng cầu gia tăng. Điều có xác suất xảy ra trong tương lai ngắn hạn là sẽ tới lúc sự tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu bị trì trệ và thế giới bước vào suy thoái. Điều này sẽ khiến cho giá cả giảm xuống trở lại do lượng cầu suy giảm. Trong kịch bản tốt nhất, cuộc suy thoái này sẽ không kéo dài quá lâu, nhưng trong kịch bản xấu nhất, nó có thể dẫn đến giảm phát (deflation) khi giá cả tuột dốc. 

Các vấn đề cơ bản tác động đến nền kinh tế, nói chung, gồm có ba điều:

Trước hết, sự khuynh đảo nền kinh tế bởi tầng lớp quyền lực tài chánh qua trung gian các công cụ tài chánh không đóng góp gì cho nền kinh tế tự nhiên là sự cung cấp sản phẩm, cung cấp dịch vụ. Họ bòn rút tiền từ dân chúng cũng như từ các doanh nghiệp đang cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Đây là một vấn đề cần được giải quyết.

Vấn đề sau đó là tự thân hệ thống tiền tệ, việc tạo ra tiền tệ qua nợ nần, không thể kéo dài bền vững được nữa. Vấn đề ở đây là có nhu cầu thiết lập một hệ thống tiền tệ lành mạnh không dựa trên nợ nần. Con có thể nói đây là vấn đề thứ nhì, việc thiết lập một hệ thống tiền tệ không đặt nền tảng trên nợ nần.

Nhưng vấn đề thứ ba là chính những khoản nợ đó, khi người dân, các công ty và các chính phủ cùng các quốc gia đã mang nợ những khoản tiền khổng lồ đến độ nó không thể tiếp tục bền vững được nữa. Chỉ tiền trả lãi không thôi cũng đang đe dọa nền kinh tế của nhiều nước, nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân. Sẽ tới một điểm khi ngày càng nhiều người – các nhà kinh tế học, nhà chính trị, nhà báo, vân vân – sẽ đi đến nhận thức là thế giới đang đối mặt với một chọn lựa đơn giản. Hoặc nền kinh tế sẽ sụp đổ toàn diện, và toàn bộ hệ thống tài chánh cũng sụp đổ do nợ nần, đầu cơ, vân vân. Hoặc các chính phủ dân chủ sẽ nhận lãnh trách nhiệm của mình là tạo ra một nền kinh tế thực sự dân chủ, một nền kinh tế tự do với cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người, một nền kinh tế không thể bị lạm dụng bởi một thiểu số thượng tôn quyền lực.

Ngay cả thiểu số thượng tôn quyền lực này cũng sẽ bắt đầu nhìn ra là hoặc họ có thể hủy bỏ một số khoản nợ, hoặc họ có thể duy trì khoản nợ, đòi hỏi mọi người phải thanh toán nợ, và như vậy họ có thể khiến cho kinh tế sụp đổ và không bao giờ nhận được thêm tiền trả nợ nào nữa. Đơn giản cần có sự nhận thức rằng nợ nần đã lên cao tới mức mà lối thoát duy nhất là hủy bỏ món nợ, có lẽ không phải tất cả, nhưng chắc chắn một phần lớn món nợ.

Con có thể thấy tại Hoa Kỳ, khoản nợ quốc gia đã lên tới mức thực sự khủng khiếp. Cần có một sự nhận thức và một phong trào trong quần chúng nói rằng: “Chúng ta đang mượn tiền của ai vậy? Ai đang cho chúng ta vay tiền? Chúng ta đang nợ tiền của ai đây?” Và cần có sự nhận thức rằng: “Phải, chúng ta đang nợ tiền của một số ngân hàng lớn trong nước, ngay cả những ngân hàng xuyên quốc gia. Nhưng những công ty này, những tập đoàn này, họ phải là tập đoàn của dân Mỹ chứ? Tại sao chúng ta đã lập ra một hệ thống tiền tệ dựa trên nợ nần mà chính phủ phải vay từ các cơ sở tư nhân, rồi người dân đóng thuế phải trả lãi cho các cơ cở tư nhân này? Tại sao chúng ta không tuân thủ những gì được viết trong Hiến pháp, là chỉ có Quốc hội mới có quyền in tiền? Tại sao chúng ta không in tiền trực tiếp mà lại vay tiền từ các ngân hàng tư nhân kiếm lời? Tại sao chúng ta cho phép một hệ thống tiền tệ như vậy? Tại sao chúng ta cho phép Cục Dự trữ Liên bang – gồm một số ngân hàng tư nhân – điều khiển nền kinh tế?

Tất nhiên, ở các quốc gia khác có thể có những bộ phận khác, nhưng dẫu sao thì tiền tệ dựa trên nợ nần là một vấn đề ở khắp mọi nơi. Câu hỏi được đặt ra là đến khi nào sự nhận thức đó mới có mặt, liệu người ta sẽ nhận thức được kịp thời để ngăn chặn một vụ sụp đổ, hay liệu sẽ cần thêm một khủng hoảng nữa cũng trầm trọng như năm 2008 hay 1929 để mọi người hiểu ra là họ không thể có một quốc gia dân chủ với một hệ thống tài chánh phản dân chủ?

Các bạn trẻ cần xét lại cái nhìn của mình về an toàn tài chánh

Hỏi: Nhiều sinh viên yêu thích một số lãnh vực khác nhau, đặc biệt là các lãnh vực phi kỹ thuật như xã hội học và các ngành nhân văn, hiện đang cảm thấy rất bất an về tương lai của mình. Họ muốn một tương lai tài chánh an toàn vì nhiều người đã sinh ra trong hoàn cảnh tài chánh bấp bênh. Họ không muốn một cuộc sống luôn luôn phải lo lắng những chuyện cơ bản như thanh toán hóa đơn hay tiền thuê nhà, và họ muốn làm nhiều thứ để cải thiện hoàn cảnh kinh tế cá nhân của mình. Trong trường hợp những người tâm linh, họ còn muốn có thời gian và chú ý để tiếp tục nâng cao tâm thức và giúp đỡ người khác cũng làm như vậy, nếu có thể.

Tuy nhiên, do không có cơ hội trong nhiều lãnh vực học tập, đặc biệt các lãnh vực khác hơn là công nghệ và y khoa, và do hệ thống giáo dục và nhân dụng có vẻ ưu đãi một thành phần xã hội đặc biệt nào đó, những sinh viên này đôi khi không thể không cảm thấy vô cùng bất lực khi họ tìm cách cải thiện hoàn cảnh đời sống, cho dù họ có cố gắng thế nào đi nữa.

Thêm vào đó, với dịch coronavirus và nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến thị trường nhân dụng, triển vọng tìm được việc làm với tiềm năng thu nhập ổn định dường như trở nên khó khăn hơn hẳn, đặc biệt là đối với những người thuộc thành phần thua thiệt về tài chánh. Không hiểu các chân sư có lời khuyên nào hay không cho các bạn trẻ đó từ những thành phần thiệt thòi đang cảm thấy bất lực trong cố gắng đạt được sự độc lập ổn định về tài chánh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 16/10/2020.

Con yêu dấu, nếu con không thể thay đổi hệ thống nơi con sinh sống, thì con có thể thay đổi cái nhìn của con về hệ thống. Điều các bạn trẻ đó có thể làm là lượng định lại xem họ đã có tiếp nhận một số giá trị từ cha mẹ mình hay không. Sau Thế chiến thứ Hai, đã có một giai đoạn rất nhiều quốc gia chứng kiến nền kinh tế phát triển và thịnh vượng gia tăng nơi các lớp trung lưu. Sự phát triển này vẫn còn tiếp tục tại một số quốc gia, nhưng ở nhiều nước khác thì nó đang bắt đầu giảm xuống.

Điều con chứng kiến là có một thế hệ lớn lên và được nuôi nấng bởi những cha mẹ an toàn về tài chánh. Từ đó, các bạn trẻ này có sự chờ đợi là mình cũng phải được hưởng điều tương tự. Họ cũng có suy nghĩ là điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ có việc làm ổn định mang lại thu nhập sung túc. Nhưng họ cần nhìn vào thực tế là cha mẹ họ đã phải trả một cái giá để có được sự an toàn tài chánh đó, nghĩa là cha mẹ họ đã phải làm việc không ngừng trong những công việc ổn định cho dù mình có nghĩ gì về công việc đó, cho dù mình có thoả mãn với công việc hay không.   

Kỳ thực, hiện nay có nhiều bạn trẻ đã đầu thai để đưa xã hội về một hướng đi mới không còn quá chú trọng đến những yếu tố vật chất của cuộc sống. Điều này có nghĩa là con không nhất thiết phải xem cách duy nhất để sống còn về mặt tài chánh là có một việc làm ổn định với mức lương cao. Con sẽ thấy là để có lương cao một cách ổn định, con phải sẵn lòng – nếu có thể gọi như vậy – bán linh hồn của mình và đặt nó lên bàn thờ của công ty, và con phải sẵn lòng buộc mình vào những đòi hỏi của việc làm.

Có rất nhiều bạn trẻ đã không họach định trong sứ vụ thiêng liêng của mình là mình sẽ sống theo cách đó. Có nghĩa là họ phải xét lại xem họ có cần sống giống như cha mẹ họ hay không. Liệu họ có phải có cùng một mức sống vật chất? Liệu họ có phải có một ngôi nhà thật lớn, chẳng hạn? Hay là họ có thể sống một cách khiêm tốn hơn? Liệu con có thể sống với mức thu nhập không ổn định và không đều đặn? Liệu con sẽ không bị phiền hà bởi đồng lương như vậy, mà con sẽ tin tưởng rằng vũ trụ sẽ chu cấp đầy đủ cho con nếu con sẵn sàng làm những gì nằm trong sứ vụ thiêng liêng của con?

Ta không nói đây là câu trả lời cuối cùng về vấn đề này, vì trong dài hạn, tất nhiên sẽ có một số thay đổi trong nền kinh tế khi kinh tế lại phục hồi hướng tăng trưởng đều đặn. Cũng sẽ có một số quốc gia nơi người ta sẽ ban hành một mức thu nhập cơ bản hầu con có thể sống một cuộc sống tương đối an toàn mà không cần phải làm việc trong một việc làm truyền thống, và điều này sẽ là cơ hội cho nhiều bạn trẻ dành thời gian để thực hiện sứ vụ thiêng liêng của mình. Nhưng trước hết, vấn đề ở đây là con chất vấn quan hệ của con đối với tài sản cũng như cái nhìn của con về của cải vật chất và sự an toàn tài chánh. Con không thể thực sự kỳ vọng có được sự độc lập về tài chánh nếu con không có một việc làm nơi con không còn sự độc lập về thời gian, năng lực và chú ý.

Đệ tử của chân sư thăng thiên và sự nghèo túng

Hỏi: Mẹ Mary có nói là trong tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên, trọng điểm của chúng con không phải là thế giới vật chất. Hình như về mặt tài chánh, nhiều người trong chúng con phải cóp nhặt và làm đủ mọi cách để sinh sống. Nhưng cho dù cố gắng hết sức, chúng con vẫn rơi vào tình trạng nghèo túng. Vậy chúng con phải làm gì đây?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Một câu hỏi không thể được trả lời chung chung vì nó rất cá nhân. Tất nhiên, nó tùy thuộc vào nơi con sinh sống, xã hội của con là loại xã hội nào, và trong xã hội đó con có những cơ hội như thế nào. Ta biết rõ trên thế giới có nhiều quốc gia có đệ tử của chân sư sinh sống, và do các điều kiện ở các nước đó, việc vươn lên khỏi tình trạng nghèo túng – ít ra để không phải dồn quá nhiều sức vào việc kiếm sống đến độ nó hút hết thời gian và sự chú ý của con – có thể là một điều rất khó khăn.

Vì vậy trong một số trường hợp, có những đệ tử sẽ phải chấp nhận một lối sống không mấy sung túc và tập trung vào sự phát triển tâm linh của mình.

Nhưng trong những trường hợp khác, các đệ tử sẽ được lợi lạc rất nhiều nếu họ đẩy mạnh để đạt được một mức sống cao hơn, và nhờ vậy họ sẽ có nhiều tự do hơn để theo đuổi các mục tiêu tâm linh của mình. Nếu con sống trong một quốc gia tương đối giàu có, hẳn con sẽ phải tìm được những cách cung ứng một mức sống vật chất khả dĩ sẽ không ngăn trở sự tăng trưởng tâm linh của con.

Con cần nhìn nhận là rất, rất nhiều đệ tử tâm linh, không chỉ các đệ tử của chân sư thăng thiên mà nhiều người tâm linh, ngay cả nhiều người sùng đạo, mang một thái độ tiêu cực đối với sự dồi dào vật chất. Họ cảm thấy có lẽ tiền bạc là gốc rễ của mọi chuyện xấu xa, như họ đã được nghe rất nhiều lần. Hoặc họ cảm thấy là trong tư cách một người tâm linh, họ không được làm gì để kiếm tiền. Chính điều này đã giữ chặt nhiều người tâm linh ở một mức sung túc kém hơn là thực sự cần thiết.

Cho nên con cần lượng định cá nhân mình xem, và thật sự trong nhiều trường hợp, con sẽ có khả năng nhìn ra là con mang một cái ngã tách biệt đang cưỡng chống lại sự dồi dào, cưỡng chống lại sung túc vật chất. Nếu con loại bỏ được cái ngã này, nếu con phát hiện được niềm tin đứng đằng sau đó, thì con sẽ tìm ra là con sẽ dễ dàng thị hiện sự sung túc hơn mà không phải tổn hại đến các mục tiêu cùng ý tưởng tâm linh của con.

Có thể rất nhiều khi, con đã lớn lên trong một hoàn cảnh gia đình nào đó, một hoàn cảnh văn hóa hay có lẽ một thành phố nào đó nơi tâm thức tập thể chỉ biết đúng một cách kiếm sống mà thôi, và con mang một thái độ cố hữu đối với việc kiếm tiền. Điều này có thể giới hạn con. Và nếu con có thể thoát ra khỏi cái khuôn đó, thậm chí có lẽ dọn đến một môi trường khác hơn, thì con sẽ có thể vươn lên một mức sung túc cao hơn mà vẫn không xao lãng các mục tiêu tâm linh của mình. Thật sự đây là vấn đề những gì con đã thảo vào Sứ vụ Thiêng liêng cá nhân của con.

Đúng thật là con không được rơi vào cực đoan tập trung quá nhiều sự chú ý cùng năng lực của mình vào chuyện kiếm tiền. Nhưng mặt khác, con cũng không nên quá nghèo túng đến độ việc kiếm sống hút mất hết thời gian cùng năng lượng của con do con quá lo sẽ thiếu thốn những thứ mình cần. Cho nên con cần tìm được sự cân bằng này. Và nếu con khắc phục được những cái ngã đang lôi kéo con mất cân bằng về chuyện tiền bạc, con sẽ nhận thấy là có những cơ hội sẽ mở ra cho con để con thị hiện sự dồi dào vật chất cần thiết, hầu sự dồi dào vật chất sẽ hỗ trợ cho việc phát triển tâm linh cùng sự trải bày của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và đó phải là mục tiêu của người tâm linh.

Cái nhìn quân bình về tiền bạc

Hỏi: Thưa vâng, con đồng ý là tốt hơn hết nên cất giữ kho báu của mình trên thiên đàng thay vì đeo đuổi của cải vật chất. Nhưng điều con nhận thấy là những người chân chính bước theo chân Giê-su Ki-tô đều rơi vào vòng kiểm soát và thao túng của những kẻ có tiền. Họ bị ràng buộc vào năng lượng tiêu cực của những kẻ này vì họ cần sự giúp đỡ vật chất từ những loại người đó. Con biết điều gì đang xảy ra: những dòng sống tốt thiện bị chúng lạm dụng. Cho nên có quan trọng hay chăng là chúng con có một nguồn thu nhập và tài lực vật chất phải chăng để chúng con không phải tuân theo luật lệ của người khác và bị thao túng trong cõi vật lý? Người ta hay bảo: “Chủ nhân trong nhà mới có quyền đặt luật lệ trong nhà mình, v.v…” và người đó cũng kiểm soát mọi năng lượng trong nhà. Nếu một hành giả tâm linh có một nguồn vật chất nào đó, liệu nó có sẽ bảo vệ cho người đó không bị kẻ khác xâm phạm quyền tự do cầu nguyện theo ý mình trong ngôi nhà của mình?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Ta đồng ý với những gì con nói. Con đã đưa ra một số điểm hữu lý. Nhiều tín hữu Cơ đốc đã hiểu lầm lời dạy của ta rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng.

Tiền bạc tự thân nó không có gì sai trái. Tiền bạc chỉ đơn giản là biểu tượng vật chất  cho năng lượng của Thượng đế. Ý định của Thượng đế là năng lượng phải lưu thông, và tiền bạc cũng vậy.

Điều sai trái là sự dính mắc vào tiền bạc. Sự dính mắc vào tiền bạc đã ảnh hưởng sâu xa hầu hết mọi khía cạnh đời sống trên hành tinh này. Khi con người dính mắc với tiền bạc, thực sự họ sẽ rất khó lòng bỏ dính mắc để theo đuổi sự phát triển tâm linh.

Hãy cho phép ta nhắc lại một lời dạy của ta: “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng đế và sự công chính của ngài, và mọi thứ khác sẽ được thêm vào cho con.” Ngoài những ý nghĩa khác, câu này còn có nghĩa là con không bao giờ được đặt bất cứ khía cạnh nào của đời sống trước sự phát triển tâm linh. Nhiều người, dù là họ có tiền hay không có tiền, bị vướng mắc vào tiền bạc, hoặc những thú vui của thế gian có thể mua được bằng tiền bạc, đến độ họ đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên mục tiêu tăng trưởng tâm linh.    

Ta không có vấn đề gì với những người tâm linh sở hữu một số tiền vừa phải hầu mang lại sự độc lập và tự do cá nhân cho họ. Tuy nhiên, ta phải cảnh báo mọi người rằng điều cực kỳ quan trọng là phải kiếm tiền mà không vi phạm các quy luật và chuẩn mực tâm linh. Điều này vô cùng khó khăn trong thế giới hiện nay vì toàn bộ hệ thống tài chánh đã bị thao túng tới một mức độ mà việc sở hữu tài sản lớn lao khó lòng nào không vi phạm quy luật của Thượng đế. Hơn nữa, việc sở hữu một số tiền lớn gần như luôn luôn dẫn đến sự dính mắc với tiền bạc.

Vì vậy, tốt hơn là con nên có it tiền hơn là kiếm tiền mà làm tổn hại đến sự phát triển tâm linh của con. Điều này không có nghĩa là ta muốn mọi người phải sống nghèo đói, mà đơn giản là ta không muốn mọi người đặt việc kiếm tiền cao hơn việc tìm kiếm tâm linh.

Ta thấy nhiều tín hữu Cơ đốc giáo đã bước vào tâm thức gạt sang một bên sự tìm kiếm tâm linh cá nhân và thay vào đó họ đã tập trung vào việc kiếm tiền và của cải vật chất. Nhiều người đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật một cách siêng năng, và họ nghĩ rằng một cách nào đó khi họ đi lễ, đóng góp vào quỹ chung hay tặng tiền cho cộng đoàn, họ có thể bù lại sự thiếu vắng tâm linh trong tim họ.

Hãy để ta nhắc con lời dạy của ta rằng một người không lợi lộc gì khi nắm được cả thế giới mà lại đánh mất linh hồn của mình. Hãy để ta nhắc con câu chuyện ngụ ngôn của người đàn ông kia đi dự tiệc cưới mà không mặc quần áo cưới. Tiệc cưới biểu tượng cho tâm thức Ki-tô, quả vị Ki-tô cá nhân mà mọi người phải đạt được trước khi bước vào Nước trời.

Nếu con nghĩ là con có thể bỏ qua nhu cầu khoác lên quả vị Ki-tô cá nhân của con và mua được vé vào cửa thiên đàng bằng cách tặng tiền cho một giáo hội vỏ ngoài, thì ta phải nói với con là con đang làm hại dòng sống của con. Thượng đế không tôn trọng cá nhân, bất kể địa vì mà cá nhân đó nắm giữ trong một tổ chức hay một hệ thống nào của con người. Con không thể mua vé vào cửa thiên đàng. Thật không may, nhiều người giàu có đã quá quen thói mua chuộc bất cứ gì mà họ ham muốn trên trái đất đến độ họ cũng tưởng là tiền bạc sẽ mở cửa thiên đàng. Điều này hoàn toàn không đúng. Đây thật sự là một trong những ảo tưởng  nguy hiểm nhất trong thế giới này.

Một lần nữa, như ta đã nói nhiều lần trên trang mạng này, sự quân bình là chìa khóa cho sự phát triển tâm linh đích thực. Có những con đường có vẻ đúng đắn cho con người nhưng lại là con đường dẫn đến sự chết. Thật ra có hai con đường có vẻ đúng đắn cho con người, đó là hai đối cực do cái tâm nhị nguyên tương đối tạo ra. Tâm nhị nguyên khiến cho con người suy nghĩ theo cách trắng đen rồi đẩy mọi thứ đến cùng cực.

Trong lãnh vực tiền bạc, cả hai con đường nghèo đói khốn khổ lẫn giàu có thừa thãi đều là cực đoan. Nhiều tín hữu Cơ đốc đã dùng lời dạy của ta về con lạc đà với người giàu có để đeo đuổi sự nghèo túng tột cùng. Nghèo đói sẽ không nhất thiết đưa con vào thiên đàng, y hệt như tiền bạc cũng không đưa con vào, hoặc ngăn cản con vào thiên đàng.

Điều sẽ đưa con vào thiên đàng là tâm thức Ki-tô. Đối với một số người, sự nghèo khó có thể là một con đường để đạt tâm thức Ki-tô bởi vì khi không có tiền của, nó có thể cho mình cảm giác tự do không bị ràng buộc vào vật chất. Tuy nhiên, nếu con có của cải vừa phải, nếu con không bị vướng mắc, nó cũng cho con sự tự do để con theo đuổi phát triển tâm linh.

Con đường chân chính là con đường trung đạo. Đó là khi con người cố gắng chu toàn những bổn phận thế gian của mình mà không bị bám mắc vào tiền bạc hoặc các thú vui của thế gian. Con hãy đi tìm trung đạo trong mọi thứ, kể cả mọi thứ liên quan đến tiền bạc.

Khi ta còn bước chân trên mặt đất, ta đã có nói: “Ta là con đường, sự thật và sự sống.” Thừ thuở đó, ta đã tăng trưởng, và hôm nay ta nói: “Ta là trung đạo, sự thật và sự sống.”

Tại sao người xấu có tiền và người tốt thì không?

Hỏi: Con thấy trên thế giới đang có sự thể này xảy ra. Tại sao những người bước đi theo Giê-su Ki-tô bằng cả trái tim, tâm trí lẫn tâm hồn và đang sống một cuộc đời trong sạch đạo đức, lại rất khó khăn chu toàn một nếp sống thịnh vượng về mặt vật chất? Trong khi đó, những kẻ đi ngược lại đạo đức và sống một cuộc đời không đẹp lòng Thượng đế lại giàu có? Sự thể này tạo ra sự xung đột giữa các dòng sống về các quy luật của Thượng đế. Con có biết tới luật nghiệp quả và sự thật về đầu thai và tiền kiếp. Còn có lý do nào khác để giải thích tại sao sự thể này lại xảy ra?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Ta hoàn toàn hiểu được tại sao những tình trạng mà con mô tả khiến cho nhiều người bị bối rối, thậm chí bực dọc. Tuy nhiên, lý do khiến cho bao nhiêu người bị bối rối là vì các tôn giáo chính trhống trên thế giới đã không trình bày các quy luật của Thượng đế một cách trọn vẹn. Do đó nhiều người đã lớn lên với một sự hiểu biết thiếu sót về quy luật của Thượng đế.

Đúng như con mô tả, một phần lớn những tình cảnh đó là do các hành vi của mỗi người gây ra trong tiền kiếp. Con cũng nói đúng khi con cho rằng đó không phải là lời giải thích đầy đủ.

Quy luật tối thượng của vũ trụ này là Luật Tự Quyết. Thượng đế đã ban cho mọi con người quyền tự quyết, và cả Thượng đế lẫn các chân sư thăng thiên sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết. Điều mà hầu hết mọi người không hiểu là có nhiều người trên điạ cầu, cũng như nhiều tà lực ở các tầng thấp của vũ trụ do Thượng đế sinh tạo, không hề có mảy may ân hận nào khi họ xâm phạm quyền tự quyết của con người. Những thế lực đó thường sử dụng những người đang đầu thai, cụ thể là những ai sẵn sàng “bán linh hồn” của mình hầu đoạt được mối lợi tạm thời trong thế gian.  

Trong một thời gian rất dài, thế liên minh vô đạo này giữa những con người đang đầu thai và những tà lực không xác đã tạo ra một tình thế trên địa cầu khác rất xa với viễn quan và ý định ban đầu của Thượng đế. Con phải hiểu rằng mỗi con người luôn không ngừng sáng tạo. Con sáng tạo qua quyền năng của sự chú tâm. Có một dòng năng lượng tâm linh tuôn xuống từ Hiện diện TA LÀ vào tâm thức phàm nhân của con. Con hướng năng lượng tâm linh này qua quyền năng sự chú tâm của con. Và như thế, con tạo ra những hình ảnh và hình tướng mà chú tâm của con sẽ ngụ lại trong đó. Nói cách khác, Thượng đế đã không tạo ra sự bất công hiện thời trên địa cầu mà con người đã tạo ra các điều kiện đó.

Từ hàng ngàn năm nay, những thế lực không nể nang gì tới các quy luật của Thượng đế đã thao túng để khiến con người chú tâm vào những hình ảnh và hình tướng bất toàn. Một khía cạnh của sự thể này là quần chúng nói chung đã bị thao túng để mà chấp nhận ý tưởng là một nhóm thượng lưu ít ỏi có quyền tích lũy một số của cải và quyền lực to lớn quá độ. Và một khía cạnh khác là nền kinh tế đã bị thao túng tới độ con khó lòng nào phát đạt được nếu con lương thiện, đạo đức. Nhiều người thường cảm thấy bị bắt buộc phải vi phạm các quy luật tâm linh nếu muốn tiến thân trong cuộc sống.  

Do đó, con hiện có một tình trạng trên trái đất là con người đã tạo ra một thực tế nơi một số quy luật của Thượng đế đã bị tạm thời đình chỉ. Nhưng không ai có thể nhạo báng Thượng đế, vì Thượng đế biết rõ là mọi năng lượng được sử dụng trên trái đất cuối cùng sẽ biến hoá trở lại trạng thái thuần khiết của nó. Tuy nhiên trong khi chờ đợi, một số người và một số thế lực đã thành công tạo ra một thế giới nơi các quy luật và công lý của Thượng đế không được biểu hiện một cách trọn vẹn.

Qua sự thao túng này, các tà lực đã tránh được một số hậu quả của hành vi của chúng, vì chúng đã thao túng để quần chúng nói chung phải nhận chịu một số những hậu quả này, một số những nghiệp quả này. Chẳng hạn, điạ cầu đang chứng kiến của cải và quyền lực bị tập trung trong tay một số rất ít người. Sự tập trung của cải và quyền lực như thế không phù hợp với quy luật hay ý định của Thượng đế. Thế nhưng nếu một phần lớn nhân loại cứ lựa chọn là mình sẽ chấp nhận tình trạng hiện nay thay vì hành động để thay đổi hiện trạng, Thượng đế sẽ không thể nào can thiệp vào các chọn lựa tự quyết của con người. Một bất công rõ ràng khác là một số quốc gia đã tập trung của cải và quyền lực khổng lồ trong khi nhiều quốc gia khác lại có người phải chết đói hay sống cảnh nghèo khổ cùng cực. Đương nhiên, điều này không phù hợp với viễn quan và công lý của Thượng đế.

Cách duy nhất để thay đổi tình trạng này và đưa trái đất trở về trong khuôn khổ quy luật và công lý của Thượng đế là có đủ số người trong nhân loại nâng cao tâm thức của mình bằng cách bước trên đường quả vị Ki-tô cá nhân. Đây là điều mà ta mong muốn chứng kiến trong những thập niên sắp tới và cũng là lý do ta đã cho thiết lập trang web của ta và phát hành quyển sách về quả vị Ki-tô cá nhân.  

Nếu có đủ túc số những người này – và chúng ta nói đến hàng triệu người – nỗ lực chân thành để thể hiện quả vị Ki-tô cá nhân cao độ, họ sẽ trở thành, trong nghĩa đen, những cánh cửa mở mà qua đó Thượng đế sẽ có thể “phế bỏ những kẻ có quyền khỏi ngôi của họ và nâng cao những kẻ ở dưới”. Hành động này sẽ tái lập công bằng của Thượng đế.

Còn một nguyên nhân nữa đã dẫn đến tình trạng mà con mô tả. Nó liên quan đến lời dạy của ta rằng con có thể nhận phần thưởng trên thiên đàng hoặc là con nhận phần thưởng dưới thế gian. Matthew 6:1 có viết: “Hãy lưu ý rằng các con không bố thí trước mặt người ta để cho người ta thấy mình, bởi vì nếu không, con sẽ không nhận được phần thưởng từ Cha con ở trên trời”.

Một số người đã rơi vào trạng thái tâm thức duy vật và họ không hiểu gì về Nước Trời. Họ đã tập trung tất cả chú ý của họ vào việc giành lấy những thú vui của thế gian. Trải qua bao nhiêu kiếp sống, các dòng sống đó đã phát triển các kỹ năng thu thập của cải vật chất hay quyền lực và vì thế, họ có vẻ thành công phát đạt trong thế gian.  

Ngược lại, những ai đã đạt đến trạng thái tâm thức tâm linh thì chủ yếu không quan tâm đến việc hưởng thụ vui thú thế gian. Vì thế những dòng sống này đã không thu hoạch được kỹ năng cần thiết và họ thường không thành tựu trong thế giới kinh doanh hay tung hoành nơi các hành lang của quyền lực. Thế nhưng, như câu thành ngữ quen thuộc vẫn nói, con không thể đem nó theo sang thế giới bên kia. Dù con có thu thập bao nhiêu của cải hay quyền lực, con cũng sẽ không thể mang nó theo con khi con rời cõi đời này. Trái lại, con mang theo được những thành tựu tâm linh mà con đã lãnh hội.

Thượng đế đã ban quyền tự quyết cho con người. Nếu một dòng sống chọn cách sử dụng năng lượng và chú tâm của mình để trở nên giàu có và quyền lực, nó sẽ bỏ ra tất cả sức lực của nó để cố đoạt được những thứ đó. Và như vậy, các thú vui đó là sẽ là phần thưởng duy nhất của nó. Nếu nó sử dụng toàn bộ năng lực của nó để đeo đuổi của cải vật chất, nó sẽ không thể tích lũy kho báu trên thiên đàng và nó sẽ không nhận được phần thưởng nào trong cõi tâm linh.

Ngược lại, nếu dòng sống tập trung chủ tâm của mình vào đời sống tâm linh, chắc chắn nó sẽ tích tụ kho báu trên thiên đàng. Vì thế phần thưởng của nó sẽ ở trên cõi thiên đàng. Nó sẽ ở một vị trí tốt đẹp trong vương quốc của Cha ta hơn là những kẻ không có của cải gì trên thiên đàng.

Con nghĩ tại sao ta lại nói rằng kẻ giàu có sẽ khó vào Nước Trời hơn là con lạc đà chui qua lỗ kim? Là vì những kẻ bám mắc vào vật chất của thế gian sẽ không có khả năng sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn con đường tâm linh dẫn đến tâm thức Ki-tô. Và đương nhiên, những kẻ như thế sẽ kẹt lại trong thế gian suốt nhiều kiếp sống.

Chắc con còn nhớ câu ta nói rằng kẻ đứng đầu sẽ là kẻ sau chót và kẻ sau chót sẽ là kẻ đứng đầu? Trong cõi tâm linh, những ai đứng đầu trong thế gian vật chất sẽ đứng chót, và những ai đứng chót trong thế gian vật chất – tức là những người tâm linh – sẽ là kẻ đứng đầu trong cõi thiên đàng.

Tất cả đều quay trở lại câu này: “Ngay hôm nay, con hãy chọn con sẽ phục vụ cho ai”. Con không thể phục vụ hai người chủ. Con không thể cùng một lúc phụng sự Thượng đế (phát triển tâm linh) và thế gian (các thú vui trần thế). Mỗi dòng sống sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng của mình. Vấn đề duy nhất là con muốn loại phần thưởng nào, con muốn phần thưởng trên địa cầu hay trên thiên đàng. Nếu con muốn phần thưởng cao nhất thì con hãy cất bước ngay trên con đường quả vị Ki-tô và theo chân ta.