Giữ an bình và đồng thời để cho ánh sáng mình tỏa rạng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 1/10/2006.

Thật vậy, ta là đức Phật ở đỉnh đầu, ở luân xa đỉnh đầu của hành tinh, nơi ta giữ vị trí, trách vụ, là Chủ tể Thế gian (Lord of the World). Ta trông ngóng các cánh hoa sen mở ra – sáu tỷ cánh hoa sen và nhiều hơn nữa của mọi người trên địa cầu là thành phần của đóa hoa sen tuyệt đẹp của Thượng đế.

Để châu Âu hoàn thành vai trò, phải có hội nhập

Thật là một niềm vui lớn cho ta được phát biểu hôm nay. Đối với công việc được hoàn thành qua hội nghị này với cao điểm là lời thỉnh cầu của các con cho sự hợp nhất giữa Đông và Tây, thì bài thỉnh Đông-Tây của Thời Hoàng kim (Golden Age East-West Invocation – WINV02) đã có một ý nghĩa thật to lớn cho lục địa châu Âu này. Bởi vì qua lời thỉnh được đọc lên với trái tim trong sáng của tình thương, ta đã có thể – cùng với nhiều chân sư thăng thiên khác và nhiều thiên thần – xóa bỏ một phần đáng kể những ký ức đã lâu nay cắt đứt và phân rẽ châu Âu thành hai phe Đông và Tây.

Như con thấy mối chia rẽ giữa Đông và Tây trên bình diện hành tinh, thì chắc chắn con cũng thấy được mối chia rẽ này tại Âu châu cho tới rất gần đây. Cho dù biểu tượng vật chất của chia rẽ đã sụp đổ – cụ thể là bức Tường Bá linh và bức Màn Sắt – nhưng vẫn có một điểm tắc nghẽn còn hiện hữu trong các cõi cảm xúc, lý trí, thậm chí cả những vùng thấp của cõi ê-the, và sự tắc nghẽn này đã ngăn cản Đông và Tây tái kếp hợp, hội nhập đích thực với nhau. Và do đó cho tới nay vẫn không có một dòng chảy năng lượng tối ưu giữa hai vùng này của Âu châu.

Tuy nhiên qua công việc được hoàn thành tại hội nghị này cũng như việc đọc bài nguyện tràng hạt của Mẹ Mary, chúng tôi đã có thể thanh tẩy những điểm nghẽn trong cõi tình cảm. Đây là một bước đáng kể. Và khi công việc này được tiếp diễn bởi cá nhân từng người cũng như bởi các hội nghị tương lai mà ta tin tưởng sẽ được tổ chức trên lục địa này, chắc chắn chúng tôi sẽ có thể tiếp tục làm thông sạch các tầng cấp khác.

Nếu Âu châu muốn hoàn thành vai trò đại sứ của mình cho nền hoà bình thế giới, rõ ràng sẽ phải có sự hội nhập giữa Đông và Tây, ngay cả giữa Bắc và Nam. Bởi vì nếu còn chia rẽ, làm thế nào châu Âu sẽ có thể làm vị đại sứ cho hòa bình, làm tiếng nói cho lẽ phải? Vì vậy, giờ đây sự hội nhập giữa Đông và Tây sẽ được gia tốc qua việc giải tỏa các năng lượng tình cảm đó, giải tỏa điểm bế tắc đó đã ngăn cản không cho các dân tộc Âu châu buông bỏ quá khứ của mình và tha thứ lẫn nhau. Và các con sẽ thấy một sự thay đổi trong lãnh vực này. Con sẽ thấy một sự cởi mở lớn hơn, một sự sẵn lòng nhiều hơn để nhìn vào quá khứ và học những bài học cần thiết rồi tha thứ cho nhau.

Thật sự với Liên minh Âu châu mở rộng về hướng Đông, các quốc gia Âu châu đã mở cửa ra cho sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ, kể cả những người di chuyển giữa Đông và Tây để cống hiến kỹ năng của mình hay tìm việc làm. Với lượng trao đổi lớn hơn, con sẽ thấy các rào cản được gỡ bỏ nhiều hơn, hội nhập sẽ gắn bó hơn, thậm chí một ý thức hợp nhất bắt đầu hình thành. Đây chính là ý thức hợp nhất đã thiếu sót từ quá lâu nay trên lục địa này do những phân rẽ giữa quá nhiều quốc gia không ngừng giao chiến hay cạnh tranh với nhau.

Những gì Tây Âu có thể học được từ Đông Âu

Điều hiển nhiên là các nước tại Tây Âu đang vượt xa các nước đằng sau bức Màn Sắt cũ về mặt kinh tế, công nghệ và, ở một mức nào đó, cả về mặt chính trị. Tuy nhiên con không thể bỏ qua thực tế là các nước phương Đông cũng có thể đóng góp đáng kể cho tương lai châu Âu, không chỉ trên phương diện sáng tạo. Đặc biệt, hãy để ta chỉ ra cho con thực tế hiển nhiên là đa số các nước Tây Âu đã trở nên duy vật đến độ họ không thực sự dám nghĩ đến, hay dám bàn đến, tôn giáo cùng vai trò của tôn giáo trong xã hội. Điều này thấy được rất rõ qua cách mà nhiều nước Tây Âu đã xử lý – hay đúng hơn, không xử lý – các xung đột do người tỵ nạn từ các nước Hồi giáo gây ra. Thậm chí họ còn không biết cách có được một cuộc bàn cãi xây dựng về vai trò của tôn giáo trong xã hội.

Các nước Tây phương đã trở nên gần như bất lực khi cần thảo luận công khai về các vấn đề tôn giáo. Và tất nhiên, đây không phải là một tình trạng có thể kéo dài. Vì như con vừa nghe các chân sư khác trình bày ở đây, không thể có một chính quyền đích thực nếu không có tâm linh đích thực. Giải pháp duy nhất cho tình trạng thế giới là một chính quyền của Thượng đế. Nhưng làm thế nào có chính quyền của Thượng đế mà không có Thượng đế? Làm thế nào có chính quyền của Thượng đế ở những nước sợ bàn cãi về Thượng đế, sợ bàn cãi về khả năng một giáo lý tâm linh phổ quát về Luật Thượng đế có thể làm nền tảng cho thể chế dân chủ tự do? Một nền dân chủ như vậy phải công nhận người dân có những quyền không do nhà nước ban bố, mà do một thẩm quyền vượt hẳn mọi quyền lực nhân thế, và do đó cũng không thể bị lung lạc bởi các trò chơi quyền lực nhân thế.

Đây chính là lãnh vực mà các nước Đông Âu cũ có thể đóng góp sáng giá. Vì từ quá lâu các nước này đã bị cộng sản cai trị, cho nên họ biết quá rõ cuộc sống như thế nào khi nhà nước cấm đoán mọi hình thức sinh hoạt tôn giáo, thậm chí còn đàn áp những ai dám theo đạo. Cho nên con sẽ thấy khu vực Đông của Âu châu đang trải qua một mức độ thức tỉnh tâm linh cao hơn khu vực Tây, và nếu hiện tượng này lấy trớn để biến thành sự thức tỉnh tâm linh đích thực – thay vì chỉ là thức tỉnh tôn giáo nơi người dân Đông Âu vẫn bị kẹt trong các tôn giáo cũ – thì nó có thể lan sang phương Tây và tái lập cân bằng giữa một hình thức chính quyền thế tục và một chính quyền của Thượng đế. Xác suất cho sự việc này xảy ra trong hiện thực đã lớn hơn sau khi các rào cản trong cõi cảm xúc được gỡ bỏ, khi những trao đổi về quan điểm, tư tưởng và tình cảm được tự do hơn và người dân cũng cảm thấy tự do hơn để phát biểu cảm nghĩ của mình.

Một chính quyền không có Thượng đế sẽ trở nên chuyên chế

Ngay cả tại Đông Âu, người dân cũng sẽ thấy tự do hơn khi phát biểu cảm nghĩ về điều mà họ xem là chủ nghĩa duy vật phản tâm linh tại phương Tây. Và như vậy, họ sẽ có đủ can đảm đứng lên làm chứng cho điều mà họ đã ngộ ra, tức là một chính quyền phủ nhận Thượng đế không thể tránh khỏi trở thành một chế độ chuyên chế đàn áp người dân. Đây là một quy luật phổ quát mà bất cứ ai sẵn lòng nhìn vào lịch sử đều có thể xác nhận. Tất nhiên có nhiều ví dụ một chính quyền không phủ nhận Thượng đế vẫn trở thành chuyên chế, nhưng nếu người ta công nhận sự hiện hữu của một thẩm quyền cao hơn thì ít ra đó sẽ là một khung tham chiếu vượt khỏi quyền lực con người cùng sự quy định của con người.

Có một tầng mức nơi con người bị hoàn toàn mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên, nơi họ chỉ quan tâm đến chuyện tranh giành, giao chiến với nhau. Họ đặt ra một định nghĩa về cái gì là phải, và theo định nghĩa đó, chính họ là người nắm lẽ phải và bất cứ ai khác với họ đều tự động là trái. Và nếu hai dân tộc hay hai nền văn minh định nghĩa phải-trái một cách nhị nguyên như vậy, làm thế nào họ sẽ tránh được xung đột đây? Làm thế nào họ có thể giải quyết xung đột nếu cả hai bên đều theo cách định nghĩa nhị nguyên, nhân tạo như thế? Cần phải có một thiện chí vượt lên trên nhị nguyên, vươn tới một hiểu biết cao hơn về lẽ phải không do con người hay thể chế đặt ra, không do tâm thức nhị nguyên quy định bảo rằng bất kỳ ý tưởng nào cũng phải có đối nghịch.

Khác biệt giữa nhị nguyên và bất nhị

Khi con vượt lên khỏi nhị nguyên, con thấy rõ có cái không thực. Nhưng cái không thực đó không đối nghịch với cái thực – theo nhãn quan thường tình của con người là một điều trái sẽ đối nghịch với một điều phải. Cái không thực chỉ đơn giản là không thực. Nó đứng ngoài thực tại, nó tách biệt khỏi thực tại. Nhưng nó không đối nghịch và không thể đối nghịch với thực tại. Bởi vì cái thực không thể có đối nghịch. Không gì có thể đe dọa cái thực.

Cho nên bước đầu tiên trên đường tu tâm linh là con vươn lên một cái gì vượt khỏi nhị nguyên. Và đó là điều mà Giê-su đã diễn tả tuyệt vời khi thày nói: “Trước hết hãy tìm vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài.” Đúng vậy, trước hết con hãy tìm “lẽ phải” cao hơn của Thượng đế.

Đó cũng chính là điều ta đã diễn đạt qua Bát chánh đạo. Biết bao nhiêu Phật tử đã hiểu lầm Bát chánh đạo và tưởng rằng con đường đó có thể được định nghĩa theo nhãn quan con người – thế nào là việc làm phải, thế nào là suy nghĩ phải, thế nào là sinh kế phải, vân vân.

Nhưng con thấy đó, định nghĩa thực của Bát chánh đạo là con vươn lên “lẽ phải” của Thượng đế, và lẽ phải này thì vượt khỏi nhị nguyên. Nhưng làm thế nào con vươn đến được lẽ phải đó, lẽ phải cao hơn đó? Con chỉ làm được vậy khi con nhận ra diệu đế rằng bất cứ gì khởi lên từ nhị nguyên sẽ tạo ra đau khổ, và nguyên nhân của đau khổ là lòng ham muốn sai lầm phát xuất từ dính mắc vào những vật của thế gian. Những vật này có thể là thú vui giác quan, hay cũng có thể là ham muốn nắm lẽ phải trong nhãn quan con người, cảm thấy mình tốt đẹp hơn những người mình đã định nghĩa là trái vì họ khác với mình hay có quan điểm ngược với mình.

Trên hành tinh này có biết bao người bỏ ra cả cuộc đời để xây dựng cảm giác vượt trội đó, để cảm thấy mình tốt đẹp hơn người. Họ luôn xem mình trong thế cạnh tranh với người khác. Xu hướng này không chỉ bao gồm những người gọi là bình thường – họ đua đòi với người chung quanh, họ chạy theo căn nhà đẹp hơn, chiếc xe lớn hơn hay nhiều của cải vật chất hơn – mà nó còn chi phối cả lớp thượng lưu quyền lực không ngừng tranh giành quyền lực với những nhóm thượng lưu quyền lực khác mà họ luôn luôn so bì.

Con yêu dấu, con có thể bỏ ra rất nhiều kiếp sống chạy theo cuộc tìm kiếm điên cuồng đó để người đời xem con là “phải”. Hay con có thể vươn lên cao hơn, vươn lên thực tại của lẽ phải Thượng đế. Tuy nhiên, để được “phải” với Thượng đế, con phải sẵn sàng chọn lựa một cách ý thức, cố tình, rằng con sẽ buông bỏ mọi dính mắc vào những thứ của cõi vật chất. Bởi vì chừng nào con còn dính mắc vào ý tưởng mình là “người phải” trong tập thể loài người, rằng mình được người đời yêu mến, rằng mình không bị người đời gạt bỏ hay bị chê cười do niềm tin của minh, do lối sống hay cách hành xử của mình, chừng nào con còn dính mắc vào bất cứ gì, bất cứ hình dáng nào của thế gian, bất cứ địa vị nào trong nhân quần, thì con sẽ không thể tự do để nắm lấy lẽ phải cao hơn của Thượng đế hay biểu đạt được lẽ phải đó.

Cách đây 2500 năm, ta có dạy rằng sự không dính mắc là chìa khóa của an bình nội tâm. Lời giảng đó xác thực. Nó vượt thời gian. Nó vĩnh cửu. Thế nhưng như Giê-su đã chỉ ra, không có một lời dạy nào diễn tả bằng ngôn từ mà không thể bị con người bẻ cong. Bởi vì bất cứ gì nói thành lời cũng có thể bị tâm nhị nguyên chụp lấy, diễn giải theo cách cực đoan này hay cách cực đoan nọ, thậm chí còn có quan niệm sai lầm bảo rằng Trung đạo là cái nằm ngay giữa hai đối cực nhị nguyên.

Ngay cả khái niệm Trung đạo cũng có thể bị diễn giải sai lầm. Bởi vì thật sự, ta không bao giờ dạy rằng con người phải cố đạt trung điểm giữa hai đối cực nhị nguyên. Ta dạy con người thăng vượt toàn bộ cái thang của nhị nguyên, toàn bộ tâm thức nhị nguyên. Và đó là tinh túy của tâm Phật. Nhưng để thăng vượt nhị nguyên, con phải sẵn sàng buông bỏ các ham muốn, các tin tưởng, các dính mắc đã khởi lên từ nhị nguyên. Và như vậy con phải đạt tới điểm con yêu lẽ phải của Thượng đế nhiều hơn lẽ phải của con người.

Nói cho cùng, đây phải là một quyết định có ý thức của con. Đồng ý, không phải ai ai cũng sẵn sàng lấy được quyết định đó, nhưng chắc chắn những ai là người tâm linh thì đã sẵn sàng, hay có thể nhanh chóng trở nên sẵn sàng. Và nếu con suy ngẫm về những ý tưởng trên, con sẽ đạt tới điểm là con cảm thấy một tình yêu tự phát dâng lên trong nội tâm con đối với thực tại cao hơn của Thượng đế, và thực tại này bỗng nhiên khiến con dễ dàng buông bỏ một số dính mắc. Và một khi con ngộ ra là sự buông bỏ dính mắc dễ dàng đến như vậy, con sẽ có thể dùng cái trớn đó để buông bỏ các dính mắc khác ngay khi con phát hiện ra chúng.

Giữ an bình bên trong

Điều không nhất thiết sẽ dễ dàng là làm thế nào luôn luôn biết được cái gì là phải đối với Thượng đế. Lý do là vì không có một luật lệ vỏ ngoài nào trên thế gian có thể định đoạt cái gì là phải trong thực tại tuyệt đối của Thượng đế. Mỗi tình huống, mỗi cá nhân đều khác nhau. Trong tình huống này thì điều phải có thể là thế này, nhưng trong một tình huống khác, mặc dù dáng vẻ bề ngoài có thể tương tự, thì rất có thể cách hành xử ngược lại mới là phải. Và do đó, con không thể biết điều phải bằng cách dùng tâm phân tích để đặt ra luật lệ, là cái tâm ưa dán nhãn: “Trong hoàn cảnh này phải luôn luôn hành xử thế này, và trong hoàn cảnh kia phải luôn luôn hành xử thế kia.”

Con yêu dấu, làm như vậy sẽ không đi đến đâu, vì con đã tự kéo mình vào lãnh vực của trí thức chỉ có khả năng hoạt động trong lãnh vực nhị nguyên. Nhưng con sẽ đạt được rất nhiều bằng cách tu tập sự không dính mắc một cách ý thức. Thật sự khi con không dính mắc vào dáng vẻ bên ngoài, con sẽ không muốn phản ứng theo các tiêu chuẩn của con người về thế nào là điều phải trong tình huống này hay tình huống nọ. Con sẽ có khả năng với lên thực tại cao hơn của Thượng đế, và khi đó, con sẽ hành xử “phải” một cách tự nhiên.

Tuy nhiên để biết cái gì là phải đối với Thượng đế, con phải nhận ra rằng không dính mắc không đồng nghĩa với thờ ơ. Nếu con tìm hiểu đời ta như là đức Phật hiện thân, con sẽ nhận thấy ta đã đi trên đường chứng đạt sự không dính mắc toàn diện với mọi thứ của thế gian. Rồi sau khi đạt được sự không dính mắc đó – thường được nhà Phật gọi là giác ngộ – ta vẫn phải đối mặt với một cuộc khai ngộ mà nhiều Phật tử không hiểu hay không để ý. Vì ta đã phải đối đầu với cám dỗ khi các thế lực của thế gian bảo ta: “Ồ, nhưng những gì ông đã nhìn thấy, những gì ông đã đạt được, thật quá cao siêu, quá phức tạp đối với con người trên địa cầu. Ông sẽ không làm thế nào giải thích được cho họ. Họ sẽ không thể hiểu được. Không một ai sẽ hiểu được ông, cho nên ông đừng mất công bước ra ngoài xã hội để làm chứng cho sự thật của ông. Ông chỉ cần ở lại Niết bàn và phó mặc thế giới cho các thế lực nhị nguyên. Đừng cố khai sáng cho một ai vì họ sẽ không hiểu.”

Đấy, ta chỉ vượt qua được khai ngộ đó bằng cách nối kết với Hiện diện TA LÀ bên trong ta, với chính Brahman. Và qua sự nối kết đó, ta nhận được lời nhắn rõ ràng: “Sẽ có một số người hiểu được.” Thế là ta bước ra ngoài và bắt đầu giảng dạy về chân lý của ta, và quả thực một số người đã hiểu được. Vì thế, con cũng sẽ đối diện với cùng khai ngộ đó. Trước hết, con đối diện với cuộc khai ngộ không dính mắc vào phản ứng của người khác, để khi họ chối bỏ ánh sáng của con, ngọn Lửa Thượng đế của con, sự thật của con, con không bị dính mắc vào phản ứng của họ. Và con không cho phép sự chối bỏ của họ trở thành một cái cớ mà tự ngã có thể sử dụng để lừa gạt con tắt ánh sáng con đi, hay trở nên im lặng và không thách thức những điều không thực trên địa cầu.

Khi con tu tập và đạt được sự không dính mắc đó, con sẽ trực diện với ý tưởng đầy cám đỗ: “Đâu là ích lợi của việc cố gắng khai sáng khi người ta bị chìm quá sâu vào tâm thức nhị nguyên, dường như không quan tâm gì đến những chuyện tâm linh?” Thật là một thế cân bằng vi tế khi con phải trụ vững trong không dính mắc và đồng thời không trở nên thờ ơ, không bỏ cuộc, không biến thành một kẻ cầu an chỉ ngồi đó, để mặc cho thế giới cứ tiếp tục xoay vần mà không làm gì để thách thức những điều không thực. Mỗi người trong các con sẽ phải tìm ra thế quân bình của mình, vì ta nói thật với con, trên thế giới có một xu hướng sùng bái thần tượng cho rằng đối với cá nhân ta thì chuyện bước trên đường tu thật là quá dễ, và chuyện ta chứng ngộ, tìm được thế cân bằng rồi bước ra xã hội để giảng dạy chân lý cũng thật quá dễ.

Cũng vậy, người ta cho rằng thật là quá dễ cho Giê-su chứng đạt rồi bước ra làm chứng cho sự thật của thày. Nhưng ta nói với con, điều đó đã hoàn toàn khó khăn cho Giê-su lẫn cho ta, như nó sẽ khó khăn cho chính con. Tất cả chúng ta đều mang một số yếu tố của thân phận làm người mà chúng ta phải khắc phục, phải bỏ lại, trước khi biểu hiện được một trạng thái tâm thức cao hơn. Và các điều kiện phàm phu mà mỗi chúng ta đều mang chính là những điều kiện mà chúng ta khó nhìn thấy nhất. Cho nên Giê-su đã không sinh ra trong sự viên mãn của quả vị Ki-tô. Ta cũng không sinh ra trong sự viên mãn của quả vị Phật, như con có thể thấy rõ qua cuộc đời của cả hai chúng tôi.

Do đó, chúng tôi cũng đã phải khắc phục những điểm đui mù về chính mình mà chúng tôi không thể nhìn thấy. Và nếu cái không nhìn thấy đã là cái khó khắc phục cho chúng tôi, thì đó cũng là cái khó khắc phục cho con vì con không nhìn thấy. Con có thấy chăng, con yêu dấu, thật là một ảo tưởng to lớn khi cho rằng Giê-su với ta, cùng với các vị thày tâm linh khác, đứng cao hơn con, và đường tu của chúng tôi đã dễ dàng hơn đường của con. Kỳ thực, nó không dễ dàng chút nào. Nhưng chính sự kiện chúng tôi đã thành công phải là một lời khuyến khích để con biết rằng con cũng có khả năng thành công. Bởi vì phương châm từ lâu nay của các chân sư thăng thiên vẫn là: “Cái gì một người có thể làm được thì mọi người cũng làm được.” Thời nay, chúng ta có thể nói: “Cái gì một người có thể Là, thì mọi người cũng có thể Là!” Đúng vậy, chìa khoá không phải là làm, mà là Là.

Làm thế nào làm chứng cho sự thật của con

Hãy để ta cho con ít nhất một lời gợi ý về cách làm thế nào con có thể bước ra ngoài và làm chứng cho sự thật, làm thế nào con để cho ánh sáng của con tỏa sáng trước mọi người đến độ khi họ nhìn thấy việc làm tốt của con, họ sẽ không thấy tác nhân là con người vỏ ngoài của con, mà họ thấy tác nhân thật sự là ánh sáng của Thượng đế bên trong con. Muốn làm được như vậy, con phải không dính mắc mà lại không thờ ơ. Vậy hãy để ta chỉ cho con bí quyết, đó là nếu con cố giữ an bình nội tâm ngay cả khi con thách thức người khác, thì con sẽ luôn luôn ở trong lẽ phải cao hơn của Thượng đế.

Cho nên con hãy tự xem xét mình. Liệu con có cảm thấy miễn cưỡng khi phải đặt vấn đề với một ai không? Liệu con có cảm thấy sợ hãi, tội lỗi hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khi con thách thức người khác? Trong trường hợp này, con thử nghĩ xem là con vẫn còn bị dính mắc với một dáng vẻ vỏ ngoài nào đó đang ngăn cản con thách thức người kia với tâm bình an thực sự của Ki-tô hay của Phật, là những vị đã đạt được sự không dính mắc hoàn toàn. Và con chỉ nhìn vào đó. Con xem xét và con tu sửa. Con đi vào cốt lõi của nó rồi con buông cho nó ra đi.

Liệu con có thật tin rằng Giê-su với ta khi mới sinh ra đã không còn tàn tích nào của tự ngã con người? Ta biết rõ nhiều người theo đạo Phật hay đạo Cơ đốc tin vào chuyện thần tượng hóa như vậy. Nhưng nó không đúng đâu con. Bởi vì quả thực chúng tôi đã có mang một số yếu tố của tự ngã, một số dính mắc và bệnh mù tâm linh mà chúng tôi cần khắc phục. Và làm thế nào chúng tôi khắc phục được chứ? Không như một số vị thày giảng dạy, chuyện đó đã không xảy ra trong một giây phút đột phá vinh quang bước vào Niết bàn. Nó đã xảy ra từng bước nhỏ một. Và phần lớn tiến trình này đã không được người ta ghi chép lại vì đó là một tiến trình nội tâm. Và vào thời điểm chúng tôi giảng dạy, nhân loại cũng chưa sẵn sàng hiểu được nhiều nét của tâm lý con người mà ngày nay nhiều người khắp thế giới nắm bắt được.

Vì lý do đó mà thuở ấy, chúng tôi đã không thể giảng dạy những điều đó. Chúng tôi đã phải đưa ra một giáo lý đơn giản hơn, thích hợp với tâm thức của loài người vào thời buổi tăm tối đó. Nhưng vào thời đại hôm nay, ta có thể nói với con là con đã có sẵn những giáo lý và những dụng cụ để con khắc phục từng dính mắc một cách hệ thống. Và khi con neo chặt vào cái ta cao hơn của con và vào Ngọn lửa Thượng đế của con – và con biết mình là ngọn lửa đó chứ không phải nhân cách vỏ ngoài, hay tự ngã hay cơ thể hay con người mà người khác đã tạo dựng trong tâm họ – thì con sẽ có thể đạt tới điểm con sẵn sàng buông bỏ bất kỳ dính mắc nào ngay khi con thấy nó.

Và con biết là cho dù cái gì khởi lên, con cũng sẽ sẵn sàng buông bỏ nó. Đây là dấu ấn đích thực của một người tầm đạo tâm linh chân chính đã bắt đầu tìm thấy những gì bao nhiêu người khác vẫn tìm kiếm mà không biết mình đang tìm gì. Và như vậy, mặc dù không nhất thiết là con đã hoàn toàn bỏ hết mọi dính mắc, nhưng con vẫn đạt được niềm an bình nội tâm vượt khỏi mọi hiểu biết, vì nó không dựa trên bất kỳ hình thức an toàn vỏ ngoài nào, chẳng hạn như có bom hay đại bác lớn hơn nước khác – hay ngay cả sự an toàn trí thức giả dối cho rằng nếu con là tín đồ của đạo này hay đạo nọ, nếu con theo thế giới quan khoa học này hay khoa học nọ và con hiểu tất cả mọi khái niệm đó một cách trí thức, thì con chắc chắn sẽ được cứu rỗi.

Không, đây là niềm an bình vượt khỏi mọi hình dáng vỏ ngoài, nó không tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào trong cõi vật chất, và do đó nó không thể bị tước mất bởi bất kỳ điều kiện nào trong cõi vật chất cho dù chuyện gì có xảy ra. Đây chính là sự an bình nội tâm mà ta mong muốn tất cả các con chứng được. Đó cũng là an bình nội tâm mà ta đã chứng đạt trước khi ta khởi sự sứ vụ của ta. Nhưng ta phải nói cho con là con sẽ tinh tấn nhanh chóng hơn nếu con sẵn sàng làm chứng cho sự thật mà con đang thấy cho dù có thể con chưa thấy được sự thật cao nhất.

Giê-su với ta đã nêu cho con một số tấm gương. Chúng tôi đã rút lui khỏi thế giới cho tới khi chúng tôi đạt được một mức tâm thức cho phép mình hoành thành sứ vụ của mình. Nhưng chính vì chúng tôi muốn nêu gương mà sứ vụ của chúng tôi đã phải chạm trán với sự chống đối dữ dội mà mỗi cá nhân các con sẽ không phải đối mặt, vì vào thời đại hôm nay, ưu tiên là nhiều người sẽ cùng chung bước với nhau trên đường tu thay vì chỉ có đúng một người đi bước tiên phong. Cho nên mỗi cá nhân các con không phải đương đầu với cùng lực chống đối mà chúng tôi đã phải đương đầu, và đó là tại sao các con có thể làm chứng cho sự thật ngay cả khi con chưa đạt được sự không dính mắc và an bình nội tâm hoàn toàn.

Và quả thực khi làm vậy, các con sẽ tinh tấn nhiều hơn so với trường hợp con rút khỏi xã hội cho tới khi con đạt trạng thái tâm thức cao hơn. Cho nên con hãy sẵn lòng làm chứng cho sự thật của mình cho dù con chưa toàn hảo, cho dù con vẫn bị bận tâm bởi sự chối bỏ của người khác. Bởi vì nếu con có lòng can đảm đó, sự sẵn lòng đó, chắc chắn con sẽ tiến bộ nhanh hơn, đặc biệt nếu con sẵn sàng xem xét chính mình và nói: “À, nhưng tại sao tôi lại bận tâm với phản ứng của người khác? Liệu có một yếu tố tự ngã đang lẩn trốn đằng sau sự bối rối này? Nếu vậy thì khi tôi nhìn vào nó, tôi sẽ chẳng phát hiện tự ngã rồi buông nó ra hay sao?”  

Đúng vậy, con có thể tự xét mình và nói: “Liệu tôi có đang hoàn toàn thoải mái và an bình khi tôi đứng lên và thể hiện Ngọn lửa Thượng đế của mình, hay tôi vẫn quan ngại phản ứng của người khác?” Nếu con tìm thấy những lo lắng loại đó, con hãy nhìn vào chúng và nói: “Tại sao tôi lại băn khoăn? Tại sao tôi không thể bình an, bởi vì nói cho cùng, nếu tôi đang thể hiện Ngọn lửa Thượng đế của mình, tại sao tôi lại bị bận tâm bởi bất kỳ dáng vẻ bề ngoài nào?” Sự bình an mà con cần đạt được là con có khả năng làm chứng cho sự thật của mình và để ánh sáng con tỏa rạng bất kể điều kiện vỏ ngoài hay phản ứng nào mà con nhận được từ người khác. Con không bị quấy rầy. Họ không lấy mất an bình của con. Con không cảm thấy mình bị chối bỏ vì con không bị dính mắc vào cách phản hồi của họ. Con đơn giản cho phép quyền tự quyết của họ trải bày ra và con để yên cho họ chấp nhận hay từ chối sự thật cao hơn mà họ đã nhìn thấy nơi con.

Một khi con có thể không dính mắc như vậy, không có gì sẽ làm phiền được con nữa. Không có gì sẽ có thể lấy đi sự bình an của con. Ta không muốn con nghĩ rằng con còn quá xa quả vị Phật đến độ con sẽ phải bỏ ra phần còn lại của kiếp này hay nhiều năm, nhiều chục năm trời để đạt được bình an đó, bởi vì đối với đa số các con, chuyện đó không đúng. Con có khả năng chứng được bình an nội tâm đó trong một thời gian tương đối ngắn nếu con tận dụng các giáo lý và dụng cụ con đã có, và con hãy hỏi người khác xem họ đã đạt được bình an như thế nào, xong con hãy chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để bước vào cảm giác an bình nội tâm đó.

Đây là một mục tiêu thực tế – mà các con trong cương vị một cộng đồng trên toàn thế giới có thể đạt được nếu con công khai đặt tâm trí vào đó. Và như vậy, thông điệp chót của ta hôm nay là ta đưa ra thách đố này cho các con. Hãy nắm lấy các dụng cụ mà con đã được trao cho, những bài nguyện, bài thỉnh, bài chú, các bài giảng về tự ngã, nhưng con cũng hãy sẵn sàng trao đổi công khai về đề tài này và đặt câu hỏi. Hãy giúp đỡ lẫn nhau. Tạo cảm hứng cho nhau. Và sẵn lòng cởi mở, trung thực với nhau và nói: “Tôi nghĩ bạn vẫn còn dính mắc và đó là tại sao bạn bị chuyện này quấy rầy bạn. Chúng ta hãy thử nhìn xem chúng ta có thể cùng nhau phát hiện nguyên nhân dính mắc này là gì, hầu nó có thể quy hàng trước Ngọn lửa của An bình Cực lạc.”

Ta đã nói xong phần của ta, và trong khi ta nói, quả thật là ta đã truyền rải một động lực mãnh liệt của Ngọn lửa An bình của Phật. Ngọn lửa chuyển động như một làn sóng trên khắp lục địa này để tiêu hủy một phần của tâm thức và ký ức chiến tranh. Vì vậy ta cũng vô cùng biết ơn sự hiện diện của các con, biết ơn hội nghị này đã thị hiện, hầu ta có thể làm cánh cửa mở đem xuống tác động vô cùng cần thiết này.

Trong niềm tri ân, ta niêm con lại trong Ngọn lửa An bình của Phật. Và ta xin con nhận lấy tiềm năng là Phật của con trước khi con suy nghĩ việc đó có khả thi hay không. Ta ban cho con hòa bình của ta. Ta giao lại cho con hòa bình của ta. Vậy con hãy an bình bằng cách trụ trong an bình của Phật, bằng cách con LÀ an bình của Phật.

Niêm.