Trò chơi của tự ngã phá hoại các cộng đồng tâm linh như thế nào

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 1 tháng 1 năm 2006 qua trung gian Kim Michaels.

Ta, Gautama, là đức Phật nơi Đỉnh đầu của mỗi đệ tử chân chính trên con đường dẫn đến quả vị Phật. Ta đến để chắc chắn rằng con hiểu rõ giáo lý về mối quan hệ giữa Phật và Mẹ. Đúng thực là chìa khóa để chữa lành tâm lý của con và vượt qua quá khứ – cùng mọi dính mắc với quá khứ – là hiểu rằng con không thể khắc phục tâm thức phàm phu bằng cách sử dụng tâm thức phàm phu.

Con thấy đó, con yêu dấu, mọi thứ trong vũ trụ vật chất đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật. Bất kỳ vấn đề nào con gặp đều tạo bằng một sự tha hóa của Ánh sáng Mẫu-Vật, tức là ánh sáng đã khoác vào một hình tướng không thẳng hàng với các định luật toàn hảo của Cha, là các định luật toàn hảo của tình thương đang đảm bảo sự tăng triển của mọi sự sống. Cho nên hình tướng bất toàn, sự thị hiện bất toàn, không những hạn chế chính con mà còn hạn chế mọi sự sống.

Một khi ánh sáng của Mẹ đã khoác vào một hình dạng rung động ở dưới độ rung của tình thương, sẽ không có phương thuốc nào trong vũ trụ vật chất có thể hoàn toàn điều trị vấn đề này. Thật ra có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp con tiến bước trên con đường dẫn đến lành bệnh, nhưng không có một phương thuốc tối hậu nào, một loại đá hóa kim nào, một cây đũa thần nào sẽ loại đi các điều kiện bất toàn bằng cách chỉ dùng đến các thế lực có mặt trong vũ trụ vật chất.

Cách duy nhất để giải thoát khỏi quá khứ là con với lên uy lực của Thượng đế ở ngay trong con, uy lực của Thượng đế Cha. Uy lực này là điều ta từng gọi là Phật tánh vào thuở ta được đặc ân trao truyền những lời dạy làm nền móng cho tôn giáo mà ngày nay các con xem là đạo Phật. Thời nay con biết đó là Thượng đế Cha, là lực lan rộng của Cha, hay Hiện diện TA LÀ của con.

Con phải lấy hai quyết định để được chữa lành

Con yêu dấu, chỉ có uy lực của Hiện diện TA LÀ, uy lực của Cha, uy lực của Phật mới có thể giải thoát Ánh sáng của Mẹ khỏi một khuôn đúc bất toàn và nhờ vậy chữa con lành khỏi những vết thương trong tâm lý. Tuy nhiên để uy lực này đi xuống thể phàm của con, con phải sẵn lòng buông bỏ sự dính mắc đối với vết thương, đối với nỗi đau, đối với nỗi khổ. Do đó điều này trở thành một hành động nhân đôi, và nó đòi hỏi con lấy hai quyết định. Con phải quyết định là con sẵn sàng đứng thẳng hàng trong ý chí của Cha. Đây là điều mà Mẹ Mary chứng tỏ khi nói với thiên thần “Không phải ý muốn của con mà ý muốn của Cha được thành tựu.” Đây cũng là điều Giê-su thốt lên khi thày xin Cha lấy chén khỏi tay thày mà vẫn nói “Không phải ý muốn của con mà ý muốn của Cha được thành tựu.”  

Nhưng con phải hiểu đây là ý chí cao hơn của chính con chứ không phải một ý chí xa lạ gì đang tìm cách hạn chế hay giới hạn con. Ngược lại là đằng khác, ý chí cao hơn của con chỉ tìm cách giải thoát con để con là tất cả những gì con là. Và như vậy, để có thể quy phục và đầu hàng ý chí cao hơn của chính mình, con phải sẵn sàng vứt bỏ lời gian dối của các thiên thần sa ngã bảo rằng ý chí Thượng đế trái ngược với ý chí của con, nó hạn chế hay tước mất quyền tự quyết của con. Đây là lời gian dối chúng đã áp đặt lên cuộc tiến hóa của địa cầu từ hàng thiên niên kỷ, và nói thật, đây là lời gian dối mà con phải thách thức trong thời đại hôm nay, con phải tăng triển tâm thức để vượt lên trên nó.  

Bởi vì một khi con hàng phục ý chí cao hơn của chính bản thể con, ánh sáng mới có thể được phóng thích để nó đi xuống thế giới hình tướng. Nhưng sự chữa lành sẽ không trọn vẹn với ánh sáng đi xuống mà thôi, vì con cũng phải sẵn sàng buông bỏ sự dính mắc vào nỗi đau, vào thương tổn, vào niềm oán giận hay không tha thứ đối với những ai đã làm con đau đớn, thậm chí cả lòng không tha thứ đối với Thượng đế hay chính mình. Rồi điều này có thể được thực hiện tốt nhất khi con hiểu rõ tự ngã, hiểu rõ là nó muốn giam giữ con trong cái hộp nhỏ xíu đó nơi con chỉ nghĩ đến mình con, nghĩ đến nỗi đau và các nhu cầu của mình con đến độ con không còn nghĩ đến những thành phần khác của sự sống. Và đúng thực, đó là tại sao cách tốt nhất để tự chữa lành là con tìm cách chữa lành người khác, cống hiến cho người khác.

Các trái tim yêu dấu của ta, khi con tự đặt mình cho thẳng hàng lại với ý chí của Cha, kéo ánh sáng của Cha xuống và đồng thời sẵn sàng phụng sự người khác, thì con sẽ thiết lập một dòng chảy hình số 8. Và khi nó liên tục chảy xối, nó sẽ kéo con – trong nghĩa đen – ra khỏi mọi điều kiện cùng năng lượng bất toàn để dần dần con được chữa lành. Và khi con càng được chữa lành, cường độ của ánh sáng sẽ càng tăng lên. Con có khả năng cầm giữ nhiều ánh sáng hơn, và khi con toả ra nhiều ánh sáng hơn, Thượng đế sẽ nhân lên những gì con cho ra, sẽ nhân lên các ta-lăng của con. Và như vậy, những ai đã có thì sẽ được cho thêm nhiều hơn, cho tới khi mọi sự sống được nâng lên.

Một hiểu biết sâu sắc hơn về thăng thiên

Đây là một lời dạy thiết yếu cho sự chữa lành của con cũng như của hành tinh, nhưng không kém thiết yếu là những gì ta sẽ trình bày cho con trong bài giảng này, cụ thể là làm thế nào con có thể thiết lập Quả cầu Một của Maitreya được hình thành trong Tánh linh Một đích thực. Con sẽ thấy từ thuở khai sinh hành tinh này, hầu hết các phong trào hay tổ chức tâm linh đều nói về sự cần thiết của việc mọi người đến với nhau, cho dù họ gọi đó là cộng đồng, Tăng đoàn của Phật, Thân thể của Chúa hay một giáo hội hay một tôn giáo đặc thù nào đó.

Tại sao việc mọi người đến với nhau quan trọng như vậy? À, như ta vừa giải thích, để con có thể thực sự được chữa lành, con phải vượt qua sự chú tâm vào bản thân mình và tìm cách phụng sự mọi sự sống và chữa lành người khác. Và còn cách nào tốt hơn và hiển nhiên hơn là các con hội tụ lại trong một khung cảnh tâm linh, một tổ chức hay một phong trào tâm linh, để các con có dịp giúp đỡ lẫn nhau chữa lành và tăng triển. Cho nên đây là một mục đích – sự chữa lành của con.

Thế nhưng có một mục đích rộng lớn hơn mà nhiều người chưa hiểu, một mục đích chưa thể thực sự hoàn thành được cho đến thời đại hôm nay. Khi con nhìn lại lịch sử được ghi chép, con sẽ thấy là tôn giáo đã tập trung vào việc cứu rỗi từng cá nhân. Từ nhiều năm, giáo lý của chân sư thăng thiên đã nói đến sự thăng thiên, tập trung vào việc thăng thiên của từng cá nhân. Thực sự việc thăng thiên của cá nhân con là một tiến trình con phải bước đi một mình. Nhưng có một hiểu biết rộng lớn hơn về tiến trình thăng thiên.

Trong các thời đại trước, với độ dày đặc của hành tinh địa cầu lẫn độ dày đặc của tâm thức nhân loại, việc nâng toàn bộ hành tinh lên một mức rung động cao hơn đã không thể làm được. Do đó, các thày đã tập trung vào việc nâng cao từng cá nhân một, hầu những cá nhân này khi họ thăng lên thiên đàng sẽ hình thành một thỏi nam châm ở thiên đàng, và nam châm này sẽ kéo phần còn lại của nhân loại, sẽ gọi nhân loại vươn lên cao hơn. Đây là điểm mà Giê-su đã diễn tả khi thày nói: “Và khi ta thăng lên, ta cũng sẽ kéo mọi người lên với ta.” Cho nên ngay cả trong Thời đại Song ngư, việc cần thiết là tập trung giúp đỡ những ai đã sẵn sàng thực hiện cuộc thăng thiên cá nhân của mình.

Nhưng trong Thời đại Bảo bình, một mục tiêu cao hơn đã nằm trong tầm tay, nếu có đủ số người chịu lắng nghe các lời dạy về cái Một và cống hiến đời mình cho việc thị hiện cái Một ngay dưới này. Khi con đi vào nội tâm và thiết lập dòng chảy hình số 8 mà ta vừa mô tả, con sẽ mở toang cổng nước lũ của thiên đàng. Và khi con thực hiện hành động Omega, con sẽ có thể kéo xuống hành động Alpha của ánh sáng và sử dụng nó ngay dưới này để xây dựng sự kết hợp chiều ngang. Con có một dòng chảy hình số 8 chiều dọc giữa con là người đầu thai với cái Ta cao hơn của con cùng các chân sư thăng thiên ở trên, nhưng con cũng xây dựng một dòng chảy hình số 8 chiều ngang ở dưới này.

Nếu có một số tới hạn những người chịu xây dựng các dòng chảy hình số 8 chiều dọc lẫn chiều ngang – nếu họ đến với nhau trong Quả cầu Một – thì không có sự cần thiết con phải thăng thiên khỏi địa cầu, bởi vì các con có thể cùng nhau nâng cao địa cầu để địa cầu được thanh lọc và trình chiếu ra Vương quốc của Thượng đế, mà các thày cũng gọi là Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Cho nên con thấy đó, việc hội tụ lại với nhau trong một cộng đồng tâm linh thực sự là một bước thiết yếu trong sự tiến bộ của hành tinh và nâng cao tâm thức của nhân loại. Vì thế việc cần thiết là con hiểu được rất nhiều điều về tiến trình hội tụ lại, và chắc chắn các thày sẽ cho con những lời dạy sẽ giúp con làm được vậy.

Một tổ chức tâm linh có thể trở thành một trở ngại cho tăng triển

Ta đến để cho con một lời dạy đặc biệt liên quan đến những ai đã từng tham gia vào bất kỳ tổ chức tâm linh nào trong một thời gian và đã từng rời bỏ tổ chức đó, hoặc vì họ thất vọng, hoặc vì họ có một cảm giác trống rỗng hay khắc khoải nào đó như thể đã đến lúc họ phải ra đi. Đó là vì khi con đã bước trên đường tu tâm linh được một thời gian và đã chú tâm vào sự chữa lành và tăng triển bản thân mình, con sẽ tới một điểm quyết định – được Mẹ Mary giải thích trong quyển sách mới của thày [A Course in abundance hay Khóa học về sự dồi dào] – qua đó con không thể tăng triển thêm nữa bằng cách tập trung vào tăng triển cá nhân của mình.

Cách duy nhất để con tăng triển quá điểm đó là chuyển hướng tập trung của con và tìm cách giúp đỡ người khác. Đối với nhiều đệ tử tâm linh chân thành, đây có thể là một thử thách rất khó khăn vì từ quá lâu họ đã quen tập trung vào việc tăng triển bản thân. Nhiều người trong số đó đã chú tâm vào một cách tiếp cận đặc thù, như cứu nguy hành tinh hay phụng sự các chân sư thăng thiên. Và khi từ lâu con đã tập trung vào một cách tiếp cận, hầu như không thể tránh được là tự ngã của con sẽ xoay sở để dựng lên một số bức tường trong tâm con gây ra một trạng thái xơ cứng. Con trở nên thoải mái với cách tiếp cận của mình, thế là giờ đây con khó lòng từ bỏ cảm giác là con đã đạt được một độ trưởng thành nào đó trên đường tu, con đã biết mọi đường đi lối bước. Con có một cảm giác thoải mái, có lẽ cả một cảm giác an toàn.

Đây là điều con có thể nhận xét trong mỗi tổ chức tôn giáo hay tâm linh trên hành tinh này. Nhiều người đã phụng sự không mỏi mệt và vô cùng nhiệt thành trong một thời gian dài, và họ đã đạt được một vị trí lãnh đạo. Và giờ đây, đột nhiên, một cảm giác thoải mái hay xơ cứng nhen nhúm nổi lên, thế là bỗng chốc tự ngã thuyết phục họ rằng điều quan trọng hơn là họ phải cố giữ lấy vị trí hiện thời của họ trong tổ chức vỏ ngoài, thay vì tái cam kết bước đi bước kế tiếp trên đường tu tâm linh hầu họ có thể vươn tới một tầng mức hoàn toàn mới.

Khi lãnh đạo cảm thấy bị đe dọa

Quả thực đây là tại sao Giê-su có nói rằng người đi đầu sẽ là kẻ đi chót và kẻ đi chót sẽ là người đi đầu. Bởi vì điều gì sẽ xảy ra khi những người giàu kinh nghiệm nhất, những người đã đạt được vị trí lãnh đạo, trở nên cứng nhắc trong cách tiếp cận đường tu hay cách tiếp cận một lời dạy hay một tổ chức? À, ta sẽ nói cho con điều gì sẽ xảy ra. Sự tăng triển của họ sẽ ngừng lại.

Nhưng sẽ có những người chưa ở trong tổ chức lâu đến thế, và họ không xơ cứng, họ vẫn kiên quyết tăng triển. Cho nên họ dùng giáo lý hay tổ chức để tăng triển, và sẽ tới một điểm không thể tránh là họ bắt đầu vượt quá mức chứng đạt tâm linh của các vị lãnh đạo. Không thể tránh khỏi các vị lãnh đạo này bỗng nhiên cảm thấy mình bị đe doạ bởi những người mà họ vẫn xem là cấp dưới trong hệ thống thứ bậc mà họ đã thiết lập trong tâm họ.

Bỗng nhiên họ nhận ra là những thành viên mới này, những cái chồi mới này, muốn nhiều hơn là thụ động đi theo lãnh đạo. Trong một số trường hợp, cũng đúng là những người ít kinh nghiệm hơn này muốn thoả mãn tự ngã, hay có lẽ họ ham muốn uy quyền của những người đang giữ địa vị lãnh đạo, và nếu vậy thì đúng thực là họ không xứng đáng với địa vị đó.

Tuy nhiên, ta phải nói với con là trong hầu hết mọi tổ chức có chút giá trị nào, sẽ có một số người bắt đầu bước ra khỏi tự ngã và thể hiện quả vị Ki-tô, cho nên họ có một khao khát không thể tránh khỏi và không thể cưỡng lại, là họ muốn biểu hiện quả vi- Ki-tô này. Họ thực sự là những người xứng đáng được giữ vị trí lãnh đạo, hay được biểu lộ bằng một cách nào khác quả vị Ki-tô của họ trong khuôn khổ của tổ chức. Và nếu những lãnh đạo đương nhiệm cũng quyết tâm y như vậy trong việc thể hiện quả vị Ki-tô của mình thì sẽ không có xung đột gì hết. Bởi vì thật vậy, mọi người sẽ tìm được chỗ đứng của mình và có thể biểu hiện chứng đạt Ki-tô cùng ngọn lửa Thượng đế của mình. Nhưng nếu các lãnh đạo đương nhiệm đã đánh mất sự quyết tâm tăng triển, thì không thể tránh khỏi họ sẽ cảm thấy bị đe doạ, và vì vậy họ sẽ tìm cách kềm chân những người kia đang gia tăng quả vị Ki-tô.

Thảm họa lớn nhất trong các tổ chức tâm linh

Con yêu dấu, đây là thảm họa lớn nhất trong bất kỳ tổ chức tâm linh nào – khi tiến trình đó nổ thành khủng hoảng và cuộc đối đầu bắt buộc xảy ra. Qua các thời đại, quá nhiều kịch bản đã trải bày ra đến độ nếu ta cố kể cho con thì con sẽ buồn nôn. Con sẽ cảm thấy ghê tởm khi chứng kiến tự ngã, hết lần này sau lần nọ, đã có thể xoay sở để khiến cho những người tầm đạo chân thành rơi vào trò chơi nhị nguyên là cố chứng minh ai là người đúng, ai là kẻ sai, và tự ngã của ai mới là đẹp đẽ hơn.

Các trái tim yêu dấu của ta, điều này đã diễn ra từ quá lâu đến độ các chân sư thăng thiên thấy là quá đủ. Các thày đã nói: “Đủ rồi là đủ rồi. Đã đến lúc các thày thành lập những tổ chức và phong trào trên hành tinh này nơi những trò chơi đó của tự ngã không còn có thể hủy hoại tổ chức, hủy hoại những con người đang thành tâm bước trên đường tu.” Vì vậy các thày yêu cầu những ai trong số các con cởi mở với đợt truyền pháp mới này, những ai mở tâm ra với Quả cầu Một của Maitreya, hãy nhất quyết khắc phục các trò chơi đó của tự ngã, trước tiên là trong chính mình, rồi sau đó tìm cách giúp người khác cũng khắc phục theo.

Ta đang phát biểu một cách nghiêm nghị, vì quả thực ta muốn đến trong tư cách uy lực của Cha, uy lực của Phật, để giúp con đứng thẳng hàng với ý chí cao hơn của chính bản thể con, giúp con thấy được là chính con cũng đã chán ngán các trò chơi này của tự ngã. Từ nhiều tiền kiếp, con đã tham gia vào những phong trào tâm linh. Con đã nỗ lực chân thành, chỉ đề cuối cùng nhìn thấy nỗ lực của mình bị tiêu tan, những hạt ngọc của mình bị ném cho heo ăn, và hạt ngọc bị vồ lấy bởi những con người còn chìm đắm quá đỗi trong trò chơi tự ngã đến độ họ không chịu nhả nó ra.

Chính con cũng đã đạt tới điểm khi con nói “Đủ rồi”, và đây là tại sao con đang đứng ở mức tâm thức này của con. Nhưng ta cũng biết có một số người tâm linh vẫn chưa cởi mở với những lời dạy các thày đang ban truyền vì con đã từng bị quá tổn thương, con đã bị ức hiếp quá sức. Và con đã cho phép mình nhận lấy tổn thương một cách cá nhân, con bị dính mắc vào đó và không sẵn lòng buông nó ra. Con không sẵn lòng đứng thẳng hàng lại với ý chí cao hơn của Cha đang nói rằng: “Con ơi, bây giờ đã đến lúc con về nhà. Đã đến lúc con ngừng chơi trên cát. Đã đến lúc con ngừng vùi đầu dưới cát mà hãy ngẩng đầu, đứng thẳng lên và là chính mình. Hãy bước lên cao hơn! Bỏ lại tất cả nỗi đau cũ, bỏ lại thương tích cũ, và ngộ ra là con đã bị người khác làm tổn thương chính vì họ bị mắc kẹt trong tự ngã, và con cũng đã cho phép mình bị tổn thương vì con mắc kẹt trong tự ngã.”

Giải pháp duy nhất là có ai đó phải bước ra ngoài trò chơi của tự ngã. Và các trái tim yêu dấu, ta kêu gọi con là người bước ra ngoài trò chơi của tự ngã và tái cam kết đi theo đường tu đích thực, đường tu của Hợp nhất. Đây chính là điều các thày muốn chứng kiến trong những năm sắp tới. Đó là tại sao Maitreya đã ban ra Quả cầu Một, mà ta phải nói là một cống hiến vĩ đại nếu con xem xét những gì đang xảy ra ngay lúc này trên hành tinh trong biết bao lãnh vực, khi các trò chơi tự ngã được phép lan tràn khắp nơi đến độ người ta sẵn sàng giết hại hàng triệu người để chứng minh tôn giáo hay chủ nghĩa của mình là đúng.

Món quà đặc biệt của Gautama

Những người tâm linh là triển vọng tốt nhất cho các thày để lật ngược tình trạng này, thiết lập một Quả cầu Một có thể dùng làm tấm gương cho những ai khao khát nhìn thấy hành tinh vươn lên khỏi trò chơi tự ngã và thị hiện Vương quốc Thượng đế, Tăng đoàn của Phật, Vòng tròn của Duy nhất, sự kết hợp của Thân thể Chúa, Thân thể Ki-tô. Cho nên ta, Gautama, khen ngợi tất cả những ai sẽ thức tỉnh trong lời kêu gọi Quả cầu Một của Maitreya, bây giờ lẫn trong tương lai. Ta chúc mừng con đạt tới điểm nhận diện được rằng quả thực có một sự mệnh rộng lớn hơn đang chờ đón con, một sứ mệnh không dành riêng cho một tôn giáo nào mà vượt trên mọi tôn giáo vỏ ngoài. Vì đúng thực, các thành viên của bất kỳ tôn giáo nào hay vô tôn giáo cũng đều được chào đón như nhau trong Quả cầu Một của Maitreya – một khi họ cam kết bước đi trên con đường hợp nhất.      

Cho nên ta, Gautama, đến đây để cống hiến một món quà cho mọi con người tâm linh. Nếu con cho phép, ta sẽ neo trụ một phần của sự An bình của Phật vào luân xa đỉnh đầu của con, và nó sẽ ở lại với con chừng nào con còn kiên quyết với con đường khắc phục mọi dính mắc. Vì thế, bất cứ khi nào con cảm thấy mình phải đối mặt với một hoàn cảnh khó khăn hay một thương tích nan giải trong tâm lý mình, ta yêu cầu con hình dung là con đang ngồi giống như Phật ở luân xa đỉnh đầu của con, và luân xa đỉnh đầu mở lớn như đóa hoa sen nở rộ, và con nhìn thấy Hiện diện của ta đi xuống con, để Phật trong ta và Phật tánh trong con trở thành Một. Điều này sẽ đem lại an bình cho con và sẽ đặt con thẳng hàng lại với Hiện diện TA LÀ của con.  

Vậy thì ta, Gautma, niêm con trong tình yêu của Alpha và Omega. Ta niêm con trong danh của Cha, của Con, của Thánh linh và Mẹ Thiêng liêng, và ta niêm con trong An bình của Phật.