Làm thế nào cho tâm im lặng

Hỏi: Con có một câu hỏi cho các chân sư. Có cách nào hiệu quả để vượt qua thói quen không ngừng suy nghĩ, có khi nói nhảm cưỡng chế trong tâm? Con hiểu là con cần chấp nhận ngã tách biệt đó là không quan trọng, và con cần chấp nhận chính con như con đang là. Nhưng làm cách nào con có thể kéo sự chú ý của con ra khỏi đó một cách hiệu quả hơn, bởi vì nó đang lấy đi năng lượng của con?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 20/6/2022.

Có nhiều yếu tố gây ra thói quen lảm nhảm trong tâm mà nhiều người trong đạo Phật gọi là “tâm khỉ”. Nó không ngừng suy nghĩ, không ngừng nói chuyện, không ngừng phân tích, không ngừng tham gia vào chuyện này chuyện nọ hầu lôi kéo sự chú ý của con vào tiến trình không bao giờ ngưng nghỉ đó. Chắc chắn một trong các yếu tố có thể là sự phóng chiếu của những thế lực trong cõi trung giới hay cõi lý trí, là những thế lực chỉ đơn giản cố khiến cho con bị mất thăng bằng để chúng đoạt năng lượng của con. Cúng có thể là sự phóng chiếu từ tâm thức tập thể. Đối với vấn đề này, con cần dùng những bài chú, bài thỉnh của chân sư để kêu gọi Đại thiên thần Michael bảo vệ và niêm phong hào quang của con, và Elohim Astrea cắt đứt và giải thoát con khỏi các tà lực đó.

Hiển nhiên con cũng sẽ cần dùng các dụng cụ của chân sư để chữa lành nhiều loại ngã tách biệt hay nhiều khuôn nếp phản ứng khác nhau – chẳng hạn như khi con thấy nhiều người gặp phải xung đột hay bất đồng với ai đó, thì nó khiến cho tâm họ cứ mãi lặp đi lặp lại tình huống đó, họ không ngừng phân tích rồi bị cuốn hút vào đó. Họ không thể nào ngừng suy nghĩ về chuyện đó, và trong tâm họ mong muốn sửa đổi một tình huống mà họ không thể thay đổi ở mức vật lý. Con cần nhận ra là sự thể này khởi lên từ một số ngã tách biệt nhất định do con bị dính mắc vào tình huống, vào kết quả của tình huống, hoặc con có một cái ngã không sẵn lòng tha thứ cho người kia. Một lần nữa, bằng cách tha thứ cho người đó, con sẽ tìm được tự do. Vậy con có muốn được tự do hay không? Có rất nhiều những cái ngã tách biệt như vậy tạo ra những câu chuyện lảm nhảm liên tục trong tâm.

Nói cho cùng, không có cách nào khác hơn là con cần nhìn thấy chúng, cần giải quyết chúng và đơn giản để cho chúng ra đi. Và khi đó, những chuyện mà tâm con thường lôi kéo chú ý con vào, bỗng nhiên có vẻ như không còn gì quan trọng nữa đối với con. Con có khả năng nhìn chúng và nói: “À vậy sao? Có gì quan trọng đâu?”

Nhưng cho dù con giải quyết được thật nhiều ngã như vậy, con vẫn cần nhìn nhận là con đang sống trên một hành tinh rất dày đặc, rất hỗn tạp, với một tâm thức tập thể và biết bao nhiêu loại năng lượng vô cùng hỗn tạp. Có thể là khó tránh chuyện tâm con cứ nhặt nhạnh những thứ đó. Và như các chân sư thường giải thích, không phải con chỉ có một cái ngã tách biệt đâu, mà con có một cái ngã tách biệt to lớn hơn – nếu có thể nói như vậy – với nhiệm vụ chủ yếu là khiến cho tâm con làm việc. Đơn giản, ngã này sẽ không ngừng suy nghĩ, lượng định, phân tích.

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã nhận ra là mình có một cái ngã cứ muốn giải quyết đủ mọi loại vấn đề. Và khi không có vấn đề nào để giải quyết thì nó sẽ chế ra vấn đề. Cho nên có thể con sẽ khó tránh việc tâm con cứ muốn hoạt động, cứ muốn suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ. Có những thiền gia Phật giáo đã bỏ ra hàng chục năm trời trong thiền quán và thiền định mà vẫn cảm thấy rất khó làm yên tâm mình. Thậm chí một số còn bảo rằng việc làm cho tâm im lặng không quan trọng lắm miễn là mình vẫn tập trung vào một cái gì vượt khỏi tâm – là cái mà chúng ta có thể gọi là Hiện diện TA LÀ, hay cõi tâm linh, hay sự phát triển tâm linh.

Nhưng ta sẽ cho con một phương cách thiết thực sẽ có thể giúp được con. Nếu con quan sát tâm, điều con sẽ để ý thấy là có một ý nghĩ đi vào tâm con. Có một khoảnh khắc khi con có thể quyết định: “Tôi có nên đi theo ý nghĩ này hay không, tôi có nên nghĩ cái ý nghĩ này hay không?” Hầu hết mọi người không để ý đến sự kiện này. Nhưng khi con đặt chú ý của con vào đó, sẽ tới một điểm khi con nhận biết có một khoảnh khắc thời gian khi một ý nghĩ đến với con – có thể là từ ngoài hay từ ngay trong tâm con – nhưng cái Ta Biết, sự nhận biết thuần khiết của con có một khoảng thời gian rất ngắn để nó quyết định: “Liệu tôi sẽ bước theo cái này hay tôi sẽ không bước theo?”     

Thay vì quyết định “Tôi sẽ không bước theo cái này”, điều con làm là con chỉ nhận biết ý nghĩ đó – cho dù nó đã bắt đầu và đã tiếp diễn một chập rồi – xong con nói trong tâm: “Tôi buông bỏ. Tôi buông bỏ ý nghĩ này.” [trong tiếng Anh, surrender có mấy nghĩa: buông bỏ, hàng phục, trả lại]  

Trên căn bản, con đang ra hiệu là chuyện đó không quan trọng đối với con, rằng con sẽ không giao tiếp, không tương tác với nó, rằng con sẽ không đặt chú ý hay trao năng lượng của con cho nó. Con chỉ đơn giản buông nó ra, con để cho nó ra đi. Nó không quan trọng. Nó không có ý nghĩa. Nếu con cứ tiếp tục làm như vậy thì con sẽ đạt được một số thành quả.      

Bất cứ khi nào một ý tưởng xuất hiện thì con có thể làm như vậy, ngay cả khi con nằm trên giường buổi tối và đang cố chìm vào giấc ngủ. Con chỉ liên tục tự nhủ: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.” Có thể là sau một lúc vẫn có một ý tưởng bỗng nhiên thu hút sự chú ý của con và nó tiếp diễn một chập. Nhưng khi con nhận biết nó ở đó thì con lại nói: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.”

Ta không bảo là phương cách này sẽ hiệu quả đối với những người chưa làm những điều kia mà ta khuyên ở trên. Nhưng chắc chắn nó có thể hiệu nghiệm đối với những ai đã đạt được một độ trong sáng hơn, tinh khiết hơn nơi bốn thể phàm của mình.