Mật mã trong Kinh thánh

Câu hỏi 1: Liệu các mật mã Kinh thánh trong quyển kinh Torah là thật hay không?

Câu hỏi 2: Hình như mọi người đều đang bàn tán sôi nổi về một đoạn mã được tìm thấy trong ấn bản gốc tiếng Do thái của Kinh Cựu ước, hay Torah. Liệu mật mã này có thật hay không? Nó có tiên đoán một số biến cố thực trên địa cầu? Liệu nó chỉ chứa đựng một hậu quả duy nhất hay mấy hậu quả khác nhau có thể xảy đến? Có phải Thượng đế hay người ngoài hành tinh đã đặt nó vào trong đó?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Con hãy tự đặt một vài câu hỏi. Tại sao Thượng đế lại đi giấu mật mã trong một lời dạy tâm linh được trao truyền ban đầu như một lời tiết lộ trực tiếp và sau đó được truyền khẩu cho đến ngày nay? Tại sao lại cài vào trong đó một đoạn mã mà không ai có thể giải thích được cho tới 2000 năm sau, khi máy tính được phát minh?

Để tin vào một mật mã như vậy, con phải tin rằng mặc dù Thượng đế đã trao cho nhân loại Kinh thánh trong một sự tiết lộ trực tiếp, tự dưng ngài đã đánh mất khả năng tiết lộ trực tiếp đó sau khi ban ra Kinh thánh. Nói cách khác, ngài đã phải biết trước là ngài chỉ có đúng một dịp duy nhất để ban tiết lộ thiêng liêng cho loài người, và do đó ngài đã phải cài vào một đoạn mã để sau này người ta có thể diễn giải khi người ta có máy tính nhưng không còn nhận được tiết lộ nữa.

Khi con suy nghĩ một chút, con sẽ thấy chuyện này hoàn toàn vô lý. Thượng đế là đấng toàn năng, cho nên ngài không thể đánh mất khả năng giao tiếp với loài người. Vậy tại sao ngài lại cài đặt mật mã vào một lời được ban ra cách đây hàng ngàn năm để truyền đạt một thông điệp mà ngày nay ngài có thể dễ dàng truyền đạt qua sự tiết lộ trực tiếp? Một khi con nắm vững thực tế của tiến trình tiết lộ tuần tự – một tiến trình đã tiếp diễn từ trước khi lịch sử được ghi chép và sẽ còn tiếp diễn một cách vô hạn định trong tương lai – thì hiển nhiên không hề có nhu cầu giấu mã trong Kinh thánh.     

Điều hoàn toàn đúng là bất kỳ lời dạy tâm linh chân chính nào cũng có thể được diễn giải ở nhiều tầng cấp khác nhau. Điều này được diễn tả qua câu: “Giê-su chẳng hề giảng cho quần chúng mà không sử dụng ngụ ngôn, nhưng khi ở riêng, thày cắt nghĩa tất cả mọi điều cho môn đồ của mình.” (Mark 4:34)

Cho nên giáo lý của ta có những tầng cấp thông hiểu khác nhau tương ứng với trình độ tâm linh của người nhận trưởng thành tới đâu. Dù sao thì ý nghĩa “ẩn giấu” như vậy không mang hình thức mật mã chỉ được giải trình bởi một chiếc máy tính, mà nó được ban ra dưới dạng một lời dạy mà tâm nhị nguyên không có khả năng hiểu được. Ý nghĩa thực của nó có thể được mở khóa khi người tầm đạo nâng cao tâm thức của mình vượt lên khỏi tư duy nhị nguyên và bắt liên lạc với cái ta Ki-tô của mình.   

Tại sao bỗng nhiên nhiều người lại quan tâm và phát hiện ra những cái gọi là mật mã Thánh kinh chứ? Một phần là vì tâm thức loài người đang được nâng lên, và điều này khiến cho con người dễ dàng nhận diện hơn các mô thức “ẩn giấu”.

Tuy nhiên còn một phần giải thích khác nữa, đó là kể từ biến cố Sa ngã, một số người đã tìm cầu một cách thức máy móc để đạt cứu rỗi. Những người như vậy ham chuộng máy tính, và ngược lại với một ý tưởng thịnh hành, máy tính là một thiết bị hoàn toàn máy móc sẽ không bao giờ đạt được khả năng thông minh thật sự. Một chiếc máy tính chỉ có thể nhận dạng những mô thức máy móc, nhưng quả vị Ki-tô thì không thể chứng được một cách cơ học máy móc – cho dù nhiều thày giả muốn con tin là chuyện này có thể làm được. Đây chính là “con đường có vẻ đúng cho con người, nhưng cuối cùng lại là con đường của sự chết” (Châm ngôn 14:12).    

Thực tế đơn giản là máy tính không có khả năng rút tỉa thông tin thực. Nó chỉ có thể phân tích một tác phẩm văn chương và so sánh với những con số đã được người dùng máy lập trình vào trong máy. Cho nên những loại mã mà người ta có thể tìm thấy trong Kinh thánh đã được định sẵn bởi những gì người dùng máy muốn tìm. Điều này rất giống như khám phá của ngành vật lý lượng tử, cụ thể là tâm thức của người quan sát sẽ nhất định ảnh hưởng đến kết quả được quan sát.

Sự thật đằng sau việc “khám phá mật mã” này là: Chừng nào con người còn bị mắc kẹt trong tâm nhị nguyên thì họ sẽ còn xu hướng nhìn thấy những gì họ muốn nhìn thấy. Chỉ khi nào con vươn lên cao hơn nhị nguyên và chứng được tầm nhìn đích thực của tâm Ki-tô thì con mới thấy được cái thực.  

Trên thực tế, con có thể lấy hầu như bất kỳ tác phẩm văn chương nào đủ dài và đủ phức tạp và tìm thấy trong đó một loại mã hay mô thức nào đó. Tuy nhiên, như nhà vật lý lượng tử sẽ hỏi: “Liệu thế giới thật sự có ở đó hay chăng khi không có ai đứng nhìn?” thì cũng vậy, con có thể hỏi: “Liệu mật mã Thánh kinh thật sự có ở đó hay chăng khi không có ai tìm nó?”  

Cũng có một vài tác phẩm văn chương mà tác giả đã cố tình cài vào một mật mã. Người ta làm chuyện này trong những xã hội bị nhà nước hay giáo hội đàn áp và tác giả gặp nguy hiểm khi tiết lộ một loại thông tin nhất định nào đó. Cho nên thông tin được bảo mật dưới một dạng mã mà chỉ những ai nắm được chìa khóa mới có thể đọc được. Có một số ví dụ như vậy là các tác phẩm của Francis Bacon và Shakespeare. Tuy nhiên như ta vừa giải thích ở trên, Thượng đế không hề có nhu cầu sử dụng những loại mã như thế. Thượng đế cùng các chân sư thăng thiên có khả năng, bất cứ lúc nào, sử dụng sự tiết lộ trực tiếp để truyền đạt thông điệp của mình.