13 | Nỗ lực cao hơn là ngừng nỗ lực

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị qua mạng Internet mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Chủ đề kế tiếp là tinh tấn hay nỗ lực. Một lần nữa theo truyền thống mọi người quy định có nỗ lực đúng và có nỗ lực sai. Sau đó họ cố né tránh nỗ lực sai và trau dồi và thực hành nỗ lực đúng. Điều này trở nên một chiếc áo tù bó tay trong đó họ hầu như cảm thấy không làm được bất cứ điều gì vì họ quá sợ hãi mình nỗ lực sai rồi tạo nghiệp. Rốt cuộc họ cảm thấy điều duy nhất làm được là hoạt động thể chất tối thiểu và hoặc thiền định hoặc làm những thực tập tâm linh khác trong hầu hết thời gian. Sau đó điều này mang tính cách ám ảnh cưỡng chế và tuy họ cảm thấy họ rất tâm linh nhưng thật ra họ không tiến bộ chút nào trên đường tâm linh. Họ không leo lên các tầng cao hơn. Họ chỉ dậm chân tại chỗ, càng lúc càng trở nên xao động hơn, càng lúc càng lo sợ tất bật để có “nỗ lực đúng” theo như họ quy định.

Lẽ tất nhiên, dựa trên những điều thày đã trao truyền trước đây cho các con, giờ đây ta có thể khá dễ dàng thẩm định các nỗ lực của con một cách khác. Thày đã cố gắng nhiều để giải thích mục tiêu của Bát chánh đạo, mục tiêu của Trung đạo. Đó chính là nâng cao tâm thức và con nâng cao tâm thức bằng cách nào? Bằng một cách duy nhất: giải quyết tâm lý. Điều này sẽ mới lạ và gây sốc cho nhiều người, thậm chí cho nhiều người trong truyền thống Phật giáo. Họ đã đưa họ vào trạng thái tâm nghĩ rằng nỗ lực đúng là làm một số thực tập tâm linh. Họ cho rằng những thực tập tâm linh này có khả năng hầu như thần diệu chuyển hóa tâm thức họ và đưa họ tới gần giác ngộ hơn, hay niết bàn hay bất cứ điều gì mà họ quy định. 

13.1. Khắc phục ảo tưởng không phải là chuyện làm máy móc

Thày có nói có những thực tập tâm linh có giá trị và hiệu quả nhưng chúng mang lại hiệu quả như thế nào? Chúng hiệu quả bằng cách chuyển hóa những năng lượng dựa trên sợ hãi đã tích tụ trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con, thậm chí phần nào trong các tế bào vật lý. Một thực tập tâm linh có thể có tác dụng chuyển hóa năng lượng, nhưng không có thực tập tâm linh nào có thể chuyển hóa trạng thái tâm của con, tin tưởng của con, ảo tưởng của con, bất kể các kỹ thuật này là gì, đến từ đâu, do bất cứ ai quy định hay truyền ra.

Một ảo tưởng là một ảo tưởng. Nó không thật, nhưng ngày nào con còn nghĩ ảo tưởng là thật, ngày nào con chưa nhận biết mình đang có một ảo tưởng, thì con bị giam hãm trong cách nhìn đời xuyên qua phin lọc của ảo tưởng đó. Làm sao con tới điểm chấp nhận ảo tưởng đó? Có con quỷ dữ nào cấy ảo tưởng vào tâm con? Có thể có một sinh thể thấp, một sinh thể với nhận biết thấp phóng chiếu một ảo tưởng nào đó vào tâm con. Thật ra tâm thức tập thể đang phóng chiếu nhiều ảo tưởng vào tâm mọi người. Nhưng con là một sinh thể cá biệt. Con không phải là một sinh thể tách biệt, nhưng con là một sinh thể cá biệt, có nghĩa con có thẩm quyền cho phép cái gì đi vào tâm con, ra khỏi tâm con và xảy ra trong tâm con. Có thể con đã quên mình đã cho phép một ảo tưởng đi vào tâm mình trong một tiền kiếp nhưng cho dù con nhớ hay quên, đã có một thời điểm khi con quyết định chấp nhận một ảo tưởng nào đó là sự thật. 

Giờ đây, sau khi con đã đi vào tâm thức tách biệt, con đã cho phép rất nhiều ảo tưởng xâm nhập tâm con. Chúng tạo nên tấm màn huyễn Maya khiến con đui mù không thấy được thực tại con là một biểu hiện của Phật tánh và tất cả mọi thứ khác cũng là một biểu hiện của Phật tánh bất kể hình tướng vỏ ngoài như thế nào. Không có kỹ thuật tâm linh nào có thể thay đổi trạng thái tâm của con, thay đổi các tin tưởng của con, tự động giải thoát con khỏi các ảo tưởng. Con chỉ có thể thoát khỏi các ảo tưởng khi con thấy một cách ý thức chúng là ảo tưởng và do đó con buông bỏ chúng, vì con thấy chúng là ảo tưởng.

Đây là tình trạng cách đây 2,500 năm, nó vẫn là tình trạng trong khoảng thời gian từ đó tới nay, và nó sẽ vẫn là tình trạng trong tương lai. Tăng trưởng tâm linh tới những tầng tâm thức cao hơn là một tiến trình thấy được các ảo tưởng một cách có ý thức. Một thực tập tâm linh có thể chuyển hóa các năng lượng lưu trữ giả dụ như trong tâm tình cảm của con khiến tâm ý thức của con khó lòng thấy được các ảo tưởng. Không phải là thực tập tâm linh không hữu ích nhưng nó không tự động vì nó không thể lấy quyết định thay con được. Con là Cái Ta Biết, là cốt lõi của bản thể con, con phải lấy quyết định, nhưng con lấy quyết định như thế nào? Bằng cách con ý thức những điều mà ngay bây giờ con chưa ý thức. Bằng cách con moi các ảo tưởng tiềm thức của con lên để con có thể thấy chúng, xem xét chúng và sau đó khi con nhận ra chúng là ảo tưởng, con buông bỏ chúng, con xua duổi chúng.

13.2. Tạo ra các ngã tiềm thức

Các thày có đưa ra nhiều giáo lý dạy rằng ảo tưởng không chỉ là ảo tưởng. Không phải chỉ là con có hiểu biết hư giả. Không phải chỉ là con có tin tưởng mình đang cầm sợi dây khi thật sự đấy là con rắn. Bất cứ điều gì xảy ra trong tâm con đều có ba yếu tố. Đó là năng lượng, một hiểu biết hay tin tưởng nào đó và tâm thức. Khi con nhìn vào một ảo tưởng đặc trưng một cách ý thức và quyết định chấp nhận nó trong tâm mình, thì chuyện gì xảy ra lúc đó? Trước hết, cái Ta Biết, mà con là, giờ đây bắt đầu nhìn thế giới xuyên qua ảo tưởng đó.

Giống như con đang ở trong một căn nhà và căn nhà là các thể vật lý, bản sắc, lý trí và tình cảm của con. Căn nhà có cửa sổ, nhưng khi con chấp nhận một ảo tưởng thì con đặt một mảnh kính có màu trước một cửa sổ, hay ít nhất trước một phần của cửa sổ đó. Bây giờ con nhìn qua cửa sổ đó và những gì con nhìn thấy ở ngoài kia đã bị pha màu bởi mảnh kính nên con sẽ thấy một hình ảnh méo mó. Điều này có nghĩa là giờ đây con thấy thế giới không như nó là, nghĩa là khi năng lượng từ cái ta cao của con chảy xuyên qua nhận biết ý thức của con và qua phin lọc đó, thì nó bị pha màu bởi rung động dựa trên sợ hãi. Ảo tưởng khiến con nhìn đời dựa trên sợ hãi, bởi vì nếu con thấy mọi sự đều là Phật tánh thì đâu cần sợ hãi. Sau khi con đã chấp nhận một tin tưởng hư giả, thì con bắt đầu tha hóa, hạ thấp rung động của năng lượng qua tin tưởng này. Một phần của năng lượng đó được phóng chiếu ra ngoài, một phần khác tích tụ trong ba thể bản sắc, lý trí và tình cảm của con. 

Khi năng lượng tích tụ thì nó tạo lực hút trên nhận biết ý thức của con, nghĩa là con dễ, tỷ dụ, nổi giận hơn. Khi con nhìn thế giới qua phin lọc của ảo tưởng, con quả thực đang thấm đẫm ảo tưởng đó với tâm thức của con. Bởi vì khi con tập trung vào bất cứ gì, thì con cho phép tâm thức của con tuôn chảy vào đó và xuyên qua đó. Giờ đây con có ba yếu tố, con có một tin tưởng không thực tế và huyễn ảo, con có năng lượng tích tụ tạo nên lực hút từ tính và con có sự thấm đẫm ảo tưởng với tâm thức của con. Nghĩa là con đang tạo tác điều mà thày đã gọi là hành uẩn (samskara), là các khuôn nếp mà các thày có thể gọi là “ngã” theo cách diễn đạt hiện đại hơn. Con tạo tác một ngã tách biệt trong tâm bản sắc, lý trí và tình cảm của con, và điều quan trọng là ngã này có một mức tâm thức nào đó. Nó không có sự tự nhận biết của Cái Ta Biết, cho nên ngã này không tạo tác chính nó. Cái Ta Biết có thể tạo tác một ngã nhưng ngã không thể tạo ra chính nó.

Điều này có nghĩa là ngã cũng không thể thay đổi chính nó. Nó có thể tăng triển, theo nghĩa nó có thêm cường độ, nó có lực hút từ tính càng ngày càng mạnh hơn trên tâm ý thức của con nhưng nó không thể thay đổi chính nó. Nếu con tạo ra một ngã dựa trên ảo tưởng là trong một số tình huống nổi giận là một phản ứng chấp nhận được, thì ngã không thể nói: “Ồ đợi chút nhé, nổi giận không đúng với giáo lý tâm linh, cho nên tôi sẽ tự cho phép mình chết đi.” Ngã sẽ không bao giờ làm được điều này. Ngã có cái mà chúng ta có thể gọi là bản năng sinh tồn. Nó có thể càng ngày càng dễ nóng giận hơn, nhưng nó không thể bớt nóng giận, ít nhất là qua nỗ lực của chính nó. Nó có thể bớt nóng giận nếu con ngừng bơm năng lượng nuôi nó và dùng các dụng cụ tâm linh để chuyển hóa năng lượng tích tụ, nhưng ngã không thể tự nó làm điều này.

Thật vậy ngã giống như một chương trình máy tính chỉ có thể làm những gì mà nó được lập trình để làm. Khi nó thêm cường độ, thì lực hút của nó trên Cái Ta Biết của con mạnh hơn. Con bị hút vào ngã đó và chuyện xảy ra qua nhiều kiếp hiện thân là con dần dà tạo ra một tập đoàn các ngã đều dựa trên ảo tưởng tách biệt, và chúng tạo lực hút trên Cái Ta Biết của con khiến nó bị hút vào tấm màn ảo tưởng. Con bị hút vào đằng sau tấm màn ảo tưởng đó và bây giờ con nhìn mọi sự xuyên qua tấm màn ảo tưởng đó. Thậm chí con có thể tới điểm con quên khuấy con đã từng ở bên ngoài tấm màn ảo tưởng. Đấy là cách con quên mình có sự nối kết với cái ta cao hơn của con và con có Phật tính và tiềm năng Phật trong con. Con đồng hóa mình là người phàm, hoặc một kẻ tội đồ, hoặc một kẻ mang nghiệp quả lớn, hoặc một con vượn tiến hóa. Điều này chỉ có thể xảy ra khi con quên mình có sự kết nối với cái gì bên ngoài tâm của con.

13.3. Ngã tách biệt chỉ có thể tạo thêm nghiệp quả

Nếu con muốn thẩm định nỗ lực một cách cao hơn, thì con có thể nói nếu con hoàn toàn đồng hóa với tập đoàn ngã tách biệt và với tự ngã là cái bình chứa các ngã tách biệt đó, thì mọi chuyện con làm, mọi nỗ lực con bỏ ra qua ngã tách biệt sẽ tạo nghiệp quả. Nỗ lực đó sẽ tha hóa năng lượng. Nó sẽ chuyển năng lượng dựa trên tình thương thành năng lượng dựa trên sợ hãi và nó sẽ chỉ buộc con chặt hơn vào ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt. Rõ ràng đây không phải là nỗ lực cao, đây là nỗ lực thấp.

Vậy thì nỗ lực cao là gì? Đó là những hoạt động có tác dụng giải thoát con khỏi sự đồng hóa với các ngã tách biệt và tự ngã. Bây giờ con cần cẩn thận phân biện ở đây. Nhiều người thuộc truyền thống Phật giáo sẽ nói: “Nhưng Phật đã chối bỏ kịch liệt sự hiện hữu của tự ngã tách biệt.” Đúng đấy, nhưng hãy lắng nghe điều đã được nói. Phật chối bỏ sự hiện hữu, sự có thật của tự ngã tách biệt. Tự ngã tách biệt không có thật, nó không hiện hữu trong Phật tánh, trong tâm Phật, nhưng không có nghĩa là nó không có hiện hữu tạm thời và phù du trong tâm con người. Như thày đã giảng, mọi thứ đều là năng lượng. Năng lượng có thể khoác lên bất kỳ hình tướng nào, nhưng nó khoác lên hình tướng xuyên qua tâm thức, khi tâm thức phóng chiếu một tâm ảnh lên năng lượng.

Đây là điều con làm khi hiện thân như một con người. Con đồng sáng tạo bằng cách dùng khả năng của tâm để áp chồng những hình tư tưởng lên trên năng lượng. Khi con làm chuyện này xuyên qua một trong những ảo tưởng tách biệt, thì con tạo một ngã tách biệt, thậm chí con tạo luôn ảo tưởng tổng quan rằng mình là một sinh thể tách biệt. Ngã này, tự ngã này, có một sự hiện hữu tạm bợ. Không có sinh thể cao nào tạo ra nó, nhưng con tạo ra nó và do đó nó hiện hữu trong tâm con. Nó không có một sự hiện hữu khách quan, và nói theo cách diễn đạt của khoa học thì nó có một sự hiện hữu chủ quan, nhưng ngày nào nó còn ở trong tâm con thì năng lượng, ảo tưởng và ý niệm bản ngã còn đó và nó ảnh hưởng được tâm con. Một trong nhiều ý nghĩa của điều này là tự ngã không thể chuyển hóa chính nó. Quả thực có nhiều người đã xây dựng một ngã tách biệt dũng mãnh và họ đồng hóa với nó đến độ họ nghĩ rằng mục đích con đường tâm linh là thay đổi ngã tách biệt này cho tới khi nó đạt được một trạng thái có thể đi vào thiên đàng hay giác ngộ.

Đây là ý nghĩa thật của giáo lý được truyền dạy 2,500 năm trước. Tự ngã không có sự hiện hữu, cho nên nó không thể trở thành Phật, nó không thể đựợc nâng lên cao và đạt bất cứ tính trường tồn hay bất diệt nào. Có những người trong truyền thống Cơ đốc giáo tin rằng nếu họ là người Cơ đốc ngoan đạo và làm tròn mọi yêu cầu của Cơ đốc giáo thì sau khi chết, Giê-su sẽ hiện ra và đem cá thể vỏ ngoài của họ, ý niệm bản ngã tách biệt của họ vào thiên đường.

13.4. Giấc mơ bất khả thi của tự ngã

Đặc tính của thiên đàng, hay cõi tâm linh, hay bất cứ chữ nào con muốn dùng, là gì? Đặc tính ấy là nhận ra mọi sự sống là một, mọi thứ đều liên thông với nhau, tất cả là một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau. Như thế làm sao một ngã tách biệt chối bỏ sự liên thông này, chối bỏ cái một, có thể đi vào cái một? Chuyện này không thể xảy ra được, không làm được. Nó giản dị là một giấc mơ bất khả thi, là giấc mơ tối hậu của ngã tách biệt. Tại sao con người nảy ra giấc mơ này? Ấy như thày đã nói, đó là vì khi con đi vào ảo tưởng tách biệt thì con sẽ cảm thấy mình đã mất mát cái gì đó. Con đã mất đi sự nối kết với cái ta cao của con. Con sẽ cảm thấy một nỗi mất mát và con có mong muốn bù đắp mất mát này, dù con không ý thức điều này thực sự nghĩa là gì. Trong con có sự khát khao cái gì đó. Người ta có thể tạm thời phủ lấp khao khát này bằng cách chìm đắm trong các sinh hoạt thế gian, nhưng sẽ tới điểm nỗi khao khát cái gì đó, trên cơ bản là khao khát cái gì đó ở ngoài chính tâm của con, ngoài tâm tách biệt của con, sẽ trồi lên và con không thể chối bỏ nó nữa.

Tự ngã có một dạng nhận biết sơ đẳng. Nó muốn duy trì quyền lực của nó trên tâm con. Khi nỗi khao khát cái gì hơn nữa trồi lên, thì tự ngã biết nó không thể đáp ứng được nhưng nó sẽ cố làm cho con tin rằng con có thể đáp ứng nỗi khao khát đó bằng cách hoàn thiện ngã tách biệt. Tỷ dụ khi con tìm thấy một giáo lý tâm linh nói về nâng cao nhận biết của con, đạt được một trạng thái cao hơn, nhập niết bàn, thiên đàng, cõi hỷ lạc, giác ngộ, thì tự ngã sẽ nói: “Lẽ dĩ nhiên! Tôi ủng hộ mong muốn tự cải thiện của bạn và đạt tới trạng thái cao này. Bạn có thể làm được điều này bằng cách nâng tôi lên tới trạng thái cao này. Tôi có thể trở nên toàn hảo. Tôi có thể trở nên bất tử.” Đây là lời nói dối hoàn toàn, một sự hiểu lầm hoàn toàn. Tự ngã sẽ không bao giờ đi vào thiên đàng, cõi tâm linh, niết bàn. Điều này – không – thể – làm – được.

Một ngã tách biệt không thể tự chuyển hóa thành một cái ta của nhất nguyên. Đây là điều mà nhiều người tâm linh thuộc nhiều truyền thống sẽ phủ nhận, nhưng đây là sự thực. Con đã sinh tạo những ngã này dựa trên ảo tưởng tách biệt. Mỗi ngã là một ảo tưởng đặc thù, nó có một số năng lượng nào đó và nó được thấm đẫm một ý niệm tâm thức thô sơ nào đó, cho nên nó nghĩ rằng nó có một thực tại nào đó, một hiện hữu nào đó.

Giống như triết gia René Descartes đã nói: “Tôi nghĩ, do đó tôi là.” Nói cách khác, sự kiện tôi ý thức phải có nghĩa là tôi hiện hữu và đấy là điều ngã tách biệt nghĩ. Tự ngã nghĩ rằng sự kiện tôi ý thức mình là một sinh thể tách biệt có nghĩa là tôi có một thực tại nào đó, một hiện hữu nào đó như một sinh thể tách biệt. Đây là ảo tưởng mà thày đã cố gắng giảng 2,500 năm trước đây khi thày nói không có tự ngã tách biệt nào có một sự hiện hữu thật. Lẽ tất nhiên thày rất ý thức là ngã tách biệt có một sự hiện hữu tạm thời và toàn bộ mục đích của Bát chánh đạo là giúp con người vượt qua sự đồng hóa với tự ngã này.

13.5. Buông bỏ từng ngã tách biệt một để khắc phục tự ngã

Con có thể làm gì để khắc phục tự ngã? Ấy, tự ngã là cốt lõi của ý niệm bản sắc tách biệt nhưng nó không phải là cái dễ khắc phục nhất. Con có thể thực tiễn hơn. Con bắt đầu bằng cách nhận ra tự ngã giống như cái thùng chứa trong đó có nhiều ngã tách biệt riêng lẻ khác nhau và mỗi ngã dựa trên một ảo tưởng đặc trưng. Con khắc phục từng ngã một và cách dễ nhất để phơi trần ngã là con nhìn vào phản ứng của mình trong những tình huống đặc thù. Tỷ dụ, tại sao con phản ứng với sợ hãi trong một số hoàn cảnh? Tại sao con đáp trả với sự giận dữ hay bực tức? Tại sao trong một số tình huống con nghi ngờ bản thân mình? Tại sao con trở nên hung hãn hay tại sao con tùng phục khi bị tấn công?

Con làm việc với một phản ứng cá biệt của mình. Con nhận ra mình có một ngã tách biệt trong tâm tiềm thức. Một số hoàn cảnh nào đó kích hoạt ngã này hoạt động và khi chuyện này xảy ra thì nó làm chủ phản ứng của con. Con không quyết định phản ứng thế nào với hoàn cảnh đó với tâm ý thức của mình. Giản dị là ngã tách biệt được kích hoạt, nó tiếp quản và điều khiển phản ứng của con. Điều này chỉ cho con thấy là có một ngã tách biệt lẩn trốn sau khuôn nếp này. Bây giờ con có thể đi sâu vào nó. Con đi vào các cảm xúc của mình cho tới khi con đi xuyên suốt chúng và con có thể quán xét và dùng trực giác cho tới khi thấy được tin tưởng đằng sau chúng.

Sẽ tới một điểm khi bỗng nhiên cái Ta Biết bước ra khỏi ngã tách biệt này và con nhìn nó từ bên ngoài. Nhiều người chưa từng nghe về giáo lý tâm linh và chắc chắn chưa nghe giáo lý về các ngã tách biệt, đã trải nghiệm điều này một cách tự phát trong suốt cuộc đời họ. Họ ở trong một tình huống nào đó, thường là một tình huống nghiêm trọng mà họ cảm nhận như một khủng hoảng và đột nhiên họ cảm thấy tâm mình xoay chuyển. Thay vì phản ứng theo như họ vẫn thường làm, bỗng nhiên tâm họ trùng xuống yên lặng. Gần giống như trong một khoảnh khắc vượt thời gian, họ đã bước ra khỏi tình huống đó và bất giác họ thấy nó từ bên ngoài. 

Trong một số trường hợp con có thể có một ý tưởng ý thức như sau: “Tại sao tôi cứ phản ứng cùng kiểu này?” Đây là một ví dụ con tới được điểm cái Ta Biết bước ra ngoài một ngã tách biệt đặc thù và một khi đứng ra ngoài, con có thể thấy được ngã đó. Con có thể thấy ngã này dựa trên ảo tưởng gì. Con có thể thấy ngã hạn chế con như thế nào và hạn chế phản ứng của con, tước đi quyền tự do phản ứng một cách ý thức của con. Đấy là lúc con có thể lấy quyết định: “Tôi không muốn phản ứng kiểu này nữa. Tôi không muốn điều này trong cuộc sống của tôi nữa. Tôi không muốn nhìn đời qua phin lọc này nữa.” Sau đó con làm được gì? Ấy con không cần giải quyết một vấn đề gì, con không cần làm gì đó với ngã này. Một khi con thấy ảo tưởng, con giản dị tiến sang việc buông bỏ ngã, thải ngã ra, cho ngã chết đi.

Con không thể hoàn thiện một ngã tách biệt. Con không thể chuyển hóa nó lên một trạng thái cao hơn. Giản dị con cần cho nó chết đi. Trên cơ bản một ngã tách biệt là một dính mắc và con khắc phục dính mắc như thế nào? Bằng cách buông bỏ nó. Bằng cách buông bỏ bất kỳ ảo tưởng và ham muốn nào đằng sau sự dính mắc. Con nghĩ con phải thành tựu điều gì đó trên thế gian này – trên cơ bản là để khỏa lấp cảm giác con không trọn vẹn. Khi nhận ra điều trên, con có thể buông bỏ nó và hiểu ra con không cần thành tựu bất cứ điều gì trên thế gian để cảm thấy mình trọn vẹn. Con cần buông bỏ ý tưởng con phải làm gì đó trên thế gian này và sau đó một cách tự nhiên con sẽ cảm thấy mình trọn vẹn.

Tại sao lại như vậy? Con hãy nhớ lại điều thày đã nói. Thoạt đầu con cảm nhận mình kết nối với cái ta cao của mình. Con che phủ cảm nhận này bằng một ảo tưởng nhưng trạng thái mặc định là con cảm nhận sự kết nối đó. Khi con buông bỏ ảo tưởng thì con sẽ trở về cảm nhận mình có sự kết nối. Lẽ tất nhiên con có thể mở rộng cảm nhận kết nối, và đó là kết quả tự nhiên khi con tiến bước trên Bát chánh đạo. Trạng thái mặc định của con người là cảm thấy mình kết nối với cái ta cao của mình. Con có thể biết điều này một cách ý thức hơn, con có thể mở rộng sự kết nối hơn, nhưng con không thể hoàn toàn mất đi tiềm năng trở về với sự kết nối này. Theo một nghĩa nào đó, sự kết nối này luôn có đó. Cái ta cao của con luôn ở đó, nó luôn luôn gửi năng lượng tới con. Chỉ là trong tâm con, con đã đi vào một ảo tưởng nên con không ý thức cảm nhận kết nối đó. Đây không phải là chuyện nghĩ rằng con cần hoàn thiện cái ngã tách biệt đang ngăn cản con trải nghiệm sự kết nối và sau đó con sẽ cảm thấy kết nối trở lại. Không đâu, con chỉ cần buông bỏ cái ngã và trở về trạng thái tự nhiên của sự kết nối.

13.6. Tăng triển không có gì bí mật

Điều này nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bất kỳ cố gắng nào củng cố cảm nhận tách biệt sẽ không giúp con đi xa hơn trên con đường tu. Bất kỳ cố gắng nào giảm thiểu tấm màn huyễn Maya sẽ tái lập sự kết nối hay mở rộng sự kết nối và đây là điều đưa con tiến xa hơn trên đường tu. Nó nghĩa là bất kỳ cố gắng nào giúp con trở về với kết nối là cố gắng cao. Như thày có giảng, không phải là con chỉ cần có hành động hay nỗ lực vật lý. Một thực tập tâm linh tự nó không tự động đem lại sự chuyển hóa tâm thức. Học hỏi một giáo lý tâm linh không tự động đem lại sự chuyển hóa tâm thức.

Có rất rất nhiều người, rất nhiều người tâm linh qua các thời đại trong truyền thống Phật giáo và các truyền thống khác tin rằng có một bí quyết đem lại sự tăng triển tâm linh. Họ nghĩ rằng có một giáo lý cao nào đó mà họ có thể tìm được. Nhiều người tin rằng có giáo lý công truyền dành cho đại chúng nhưng có giáo lý bí truyền chỉ dành cho giới ưu tú được tuyển chọn đã đạt tới tầng cao hơn trên con đường tâm linh. Họ nghĩ rằng các giáo lý này được cất giấu đâu đó và họ bỏ ra cả cuộc đời cố đi tìm các giáo lý này vì họ nghĩ rằng một khi tìm ra họ sẽ tự động giác ngộ chỉ giản dị bằng cách đọc giáo lý đó. Làm sao chuyện này xảy ra được? Đúng, một giáo lý tâm linh có thể giúp con thấy một ảo tưởng, nhưng không bảo đảm là đọc một giáo lý đặc trưng sẽ giúp con thấy ra ảo tưởng của con.

Có thể có hai người có cùng ảo tưởng, cùng ngã tách biệt. Họ đọc một giáo lý tâm linh. Một người có thể thấy ra ảo tưởng và buông bỏ nó nhưng người kia không thấy ra ảo tưởng. Tại sao không? Ấy, vấn đề là con có nhận ra tinh túy của con đường tâm linh không? Tinh túy là thấy ra ảo tưởng và buông bỏ ngã tách biệt, hay là bằng cách nào đó nâng cao và hoàn thiện ngã tách biệt? Chúng ta cũng có thể nói vấn đề là con tập trung chú ý nơi nào? Con nhìn ra bên ngoài con hay ở trong con? Con có sẵn lòng nhìn vào chính tâm lý mình, nhìn các ảo tưởng của chính mình, vật lộn với chúng cho tới khi con nhìn xuyên thấu chúng? Hay con nghĩ có cái gì thần diệu ở bên ngoài con có thể làm giùm cho con? Hay đúng hơn, con còn không nghĩ là điều gì đó ở bên ngoài kia sẽ giải quyết tâm lý của con. Con nghĩ vị đạo sư bên ngoài sẽ đem cho con giác ngộ một cách thần diệu nào đó. 

13.7. Những điều một vị đạo sư không làm được cho con

Tại phương Đông có một truyền thống lâu dài về quan hệ giữa vị đạo sư và người đệ tử. Nhiều, rất nhiều người tin rằng và có nhiều vị đạo sư cũng xác nhận, là một vị đạo sư chân chính (và họ hầu hết thuộc nam giới) có khả năng thần diệu nâng đệ tử lên một trạng thái cao, được giác ngộ, được nhập niết bàn, hay bất kỳ con gọi nó là gì. Điều này không thể làm được. Không ai có thể gỡ bỏ quyết định của con hộ con. Con phải sẵn lòng nhìn một cách ý thức những quyết định chấp nhận một ảo tưởng và tạo ra một ngã tách biệt mà con đã lấy trong quá khứ, và con phải muốn lấy quyết định một cách ý thức cho ngã tách biệt này chết đi.

Một vị đạo sư có thể giúp con thấy ngã tách biệt. Vị ấy có thể khiến con phải đối mặt tự ngã của con. Vị ấy có thể hành xử để phơi bày, kích hoạt một trong những khuôn nếp phản ứng mà con có. Vị ấy không thể quyết định hộ con vì quyết định được làm ra trong tâm con và chỉ có thể gỡ bỏ trong chính tâm con. Có thể con không ý thức mình đã lấy quyết định đó nhiều kiếp trước, nhưng con vẫn có thể ý thức mình đã từng lấy quyết định, hậu quả là gì và do đó con buông bỏ nó. Không có cố gắng bên ngoài, sức mạnh bên ngoài hay vị đạo sư bên ngoài, dù mạnh tới đâu chăng nữa có thể làm hộ con. Ngày nào con còn nghĩ con có thể hướng chú ý ra ngoài và cố gắng thay đổi điều gì đó bên ngoài, thì con sẽ dậm chân tại chỗ trên con đường tâm linh. Con sẽ chẳng đi tới đâu. Một lần nữa, con có thể tạo cảm tưởng con đang tiến tới nhưng con thật sự làm gì khi con làm thế? 

Con hãy suy ngẫm những gì thày nói ở đây. Con có một số ngã tách biệt dựa trên ảo tưởng. Chúng giam cầm con trong tấm màn huyễn Maya. Giờ đây, con tìm thấy con đường tâm linh, giáo lý tâm linh. Đấy là một giáo lý tâm linh có giá trị. Nó có tiềm năng giúp con tăng triển khi con dấn thân theo con đường Bát chánh đạo, nhưng nó có sẽ làm vậy chăng? Không thể bảo đảm kết quả bởi vì tinh túy của con đường tu chân chính là con khắc phục được các ngã tách biệt, con phơi bày chúng hiện lên trong ý thức của con và sau đó con thải bỏ các ngã này một cách ý thức. Nếu con không chịu làm điều trên hay con không nắm bắt điều trên, thì con sẽ làm gì thay vào đó? Con sẽ lấy giáo lý tâm linh và con sẽ dùng nó để xây dựng một ngã tách biệt mới. Ngã tách biệt này sẽ dựa trên ảo tưởng là nếu con chăm chỉ học một giáo lý tâm linh, nếu con chăm chỉ thực hành các thực tập tâm linh, thì con sẽ trở nên một học trò càng ngày càng cao cấp khi con chứng minh mình đang làm những điều vỏ ngoài đó. Vì những điều vỏ ngoài đó, con đang tiến bộ trên đường tu. 

Nhiều, rất nhiều người qua các thời đại có thiện ý muốn tiến triển tâm linh nhưng họ không nắm bắt bản chất cốt yếu của đường tu và do đó họ giản dị tạo ra một số ngã tách biệt dựa trên giáo lý tâm linh. Họ đã củng cố tự ngã. Tự ngã tin rằng nó tách biệt và luôn cố gắng có một vị trí cao trội. Một lần nữa, tại sao tự ngã cố gắng đạt điều này? Ấy, tự ngã có đủ nhận biết để biết mình không trọn vẹn. Nó không thật sự hiểu nó không bao giờ có thể vào thiên đàng nhưng nó biết nó không trọn vẹn. Nó biết con cảm thấy con không trọn vẹn và lúc nào nó cũng tìm cách che phủ sự thiếu trọn vẹn này, bù đắp nó. Tự ngã luôn luôn tìm cách được cao trội theo môt cách nào đó vì nó nghĩ, tự ngã nghĩ, nếu nó tinh xảo đủ trên thế gian này, thì bắt buộc nó phải được phép vào cõi cao.  

13.8. Tự ngã được tâm linh hóa

Nhiều, nhiều người khi tin vào một Thượng đế tối cao thì trên cơ bản, họ đã tạo ra một tự ngã nghĩ rằng nếu tôi làm hết mấy chuyện vỏ ngoài đúng theo quy định của tôn giáo, thì đơn giản là Thượng đế phải cho phép tôi vào thiên đường. Thượng đế phải ban cho tôi đời sống bất diệt. Như thể tự ngã đang thương thảo với Thượng đế. Con làm mấy chuyện vỏ ngoài này thì Thượng đế phải cho con vào thiên đàng. Vấn đề là đây toàn là tưởng tượng. Trước tiên, hình ảnh mà tự ngã tạo ra về Thượng đế chẳng dính dáng gì tới thực tại của cõi tâm linh. Ví dụ, con có thể nhìn lại ba tôn giáo độc thần đặt căn bản trên hình ảnh Thượng đế giận dữ trên trời ở trong Cựu Ước kinh và con có thể nói: “Có chăng một Thượng đế như thế trên trời phù hợp với hình ảnh này?” Sự thực là không có thượng đế nào như thế trên trời, nhưng có một sinh thể được tạo ra bởi tâm thức đại chúng và nó có sự hiện hữu tạm bợ ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc của vũ trụ vật chất và tâm thức tập thể. Đây là một thượng đế do con người tạo ra, dựa trên hình ảnh của tự ngã và giống tự ngã. Đây là một thượng đế thiên vị tưởng thưởng những ai làm theo mệnh lệnh của ông nhưng trừng phạt những ai không vâng lời ông. Thượng đế này chỉ có thể là một thượng đế nhị nguyên và do đó ông ấy không thể nào có chút thực tại nào một khi con nắm bắt nhị nguyên và bất nhị là gì.

Tự ngã đang cố làm một điều không thể làm được. Nó cố gắng quy định những tiêu chuẩn thế gian sẽ bảo đảm cho nó vào cõi cao. Tự ngã sinh ra từ ảo tưởng tách biệt. Nó không bao giờ thấu rõ được cái một. Vậy tự ngã đang làm gì? Nó đang quy định những tiêu chuẩn dựa trên ảo tưởng tách biệt, nghĩa là chúng không thật. Sự thật là cái một, sự không thật là tách biệt và phân chia. Con nghĩ, hay tự ngã nghĩ, con có thể rời cái một và đi vào tách biệt và dựa trên ảo tưởng tách biệt con có thể trở về với cái một. Điều này không khả thi. Làm sao điều này có bao giờ khả thi được?

Con có thể thấy nhiều người sùng đạo hay tâm linh tìm được một giáo lý tâm linh hay một tôn giáo. Giờ đây họ tạo ra, hay đúng hơn thường là họ lấy vào điều đã được những thành viên của tôn giáo đó cùng tạo ra, là một cái nhìn phức tạp về những gì họ phải làm và không được làm. Họ xả thân cần cù thực tập như thế, và họ tuyệt đối tin chắc họ tiến bộ và một ngày kia chuyện gì đó sẽ xảy ra. Giê-su sẽ hiện ra trên trời, dẫn người Cơ đốc lên thiên đàng, cuộn thế giới lại như cuộn giấy và xử phạt mọi người khác xuống địa ngục. Phật sẽ hiện ra cho con người, ban cho họ giác ngộ và bỏ mặc người khác. Một giáo lý thần diệu nào đó sẽ hiện ra cho họ và khi họ đọc giáo lý đó, họ sẽ giác ngộ.

Nhiều người có tin tưởng rằng bước chân trên đường tâm linh là một cuộc phiêu lưu vinh quang dẫn họ tới những trạng thái càng ngày càng tinh thông hơn và đem lại cho họ chức vị và sự công nhận càng ngày càng nhiều hơn của thế gian dựa trên tiêu chuẩn do thế gian quy định. Những tiêu chuẩn này do tự ngã quy định và dựa trên tách biệt. Làm sao chúng dẫn tới cái một được? Con đường tâm linh thật sự không vinh quang chút nào. Nó là con đường liên tục nhìn vào chính mình, phản ứng của mình, phơi bày phản ứng trong tâm lý mình và cho chúng chết đi. Vạch trần các ngã tách biệt này và cho chúng chết đi. Đấy chính là ý nghĩa của con đường tâm linh. Ngày nào con còn hiện thân con sẽ còn ngã tách biệt nào đó mà con chưa khám phá ra bởi vì nếu con không có ngã tách biệt, thì con không thể ở lại trong một xác thân vật lý trên một hành tinh dày đặc như trái đất.

13.9. Giác ngộ nghĩa là gì

Có một tin tưởng rất xưa trong các đệ tử tâm linh cho rằng: “Ồ, người này đã giác ngộ, vị đạo sư này đã giác ngộ.” Ấy ở đây có sự thật và cũng có ảo tưởng. Một mặt rõ ràng là có những người đã đạt một tầng nhận biết cao hơn người trung bình. Chắc chắn là với những người hiểu cách vận hành của con đường tâm linh mà thày đã giảng ở đây, các con đều có thể tu tập dần dần tiến tới những tầng tâm thức cao hơn so với khi con bắt đầu, và chắc chắn là những tầng cao hơn người trung bình. Tuy nhiên, nếu con nghĩ giác ngộ có nghĩa là con không có ảo tưởng, không còn ngã tách biệt nữa thì con không có hiểu biết cao.

Có câu truyện về Phật nói rằng thày đạt giác ngộ. Thày nhập Niết bàn và sau đó thày quyết định thay vì ở lại Niết bàn, thày sẽ trở về trái đất và giảng dạy và do đó thày trở về trong trạng thái giác ngộ. Nhiều người phóng chiếu rằng thày, bằng một cách nào đó, là một sinh thể hoàn hảo, thày không còn ảo tưởng, không còn ngã tách biệt nữa. Sự thật là thày đã khắc phục hầu hết các ảo tưởng có thể có được khi là một con người hiện thân. Nhưng thày chưa khắc phục tất cả ảo tưởng vì nếu được vậy thì thày không thể ở lại trong một thân vật lý. Điều này không có nghĩa là thày không đạt được một tầng tâm thức cao hơn người trung bình. Thày có đạt được như vậy. Nghĩa là thày có một sự thẩm định thực tế, hay con có thể nói là thẩm định khiêm tốn về chính mình. Thày không coi mình là một sinh thể hoàn hảo như nhiều môn đồ của thày thời đó nghĩ, và đặc biệt sau này tiếp tục nghĩ. 

Có một hiện tượng trong các phong trào tâm linh mà chúng ta có thể gọi là “hội chứng đạo sư chết”. Một khi vị đạo sư qua đời, người ta bắt đầu phóng chiếu giấc mơ và ảo tưởng lên vị đạo sư như vị thày đặc biệt và hoàn hảo như thế nào. Tại sao họ làm thế? Vì vị đạo sư càng đặc biệt bao nhiêu thì các đệ tử theo thày càng đặc biệt bấy nhiêu. Qua cách này họ xây đắp tự ngã và ảo tưởng cho rằng khi đi theo vị đạo sư hoàn hảo và bởi vì thày quá đỗi hoàn hảo, thày có quyền năng thần diệu biến hóa họ mà không cần họ nhìn vào chính trạng thái nhận biết và tâm lý của họ.

Thày đang nói điều gì ở đây? Thày giản dị đang nói là khi con còn hiện thân trong thân thể vật lý thì con có một số ảo tưởng đặc thù mà con cần khắc phục. Nghĩa là con phải khiêm cung, con phải thực tế và không tuyên bố mình đã đạt được một trạng thái hoàn hảo nào đó. Có những người tuyên bố họ là hiện thân của vị thần nào đó hoặc họ đã đạt được một trạng thái giác ngộ nào đó. Có những người không tự mình tuyên bố điều trên nhưng họ cho phép những người theo họ tin vào điều này mà không cải chỉnh. Đây không phải là cách nhìn cao nhất.

Ngày nào con còn trong thân vật lý, con vẫn còn ít nhất một ảo tưởng phải khắc phục và khi con khắc phục nó thì con không thể ở lại trong thân vật lý. Nó giản dị như thế. Con có thể chế ra đủ loại truyện và ý tưởng về những sinh thể hoàn hảo sống trên dãy núi Himalaya và họ duy trì được thân vật lý vài thế kỷ. Không phải là chuyện này không có một phần sự thật nhưng các sinh thể này không nhìn họ như con nhìn họ trong trạng thái tách biệt. Họ đạt được một tầng nhận biết cao nhưng họ thực tế nhận rằng vẫn còn điều gì đó giữ họ trong thân vật lý và để vĩnh viễn thoát khỏi thân ấy họ phải khắc phục ảo tưởng đó. Họ thực tế trong sự đánh giá chính mình bởi vì con không thể đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn mà không khắc phục sự tách biệt, ý niệm tách biệt. Chỉ trong ý niệm tách biệt mới có người cao trội hơn người khác. Sự tôn thờ một vị thày tâm linh chỉ có thể phát xuất từ ý niệm tách biệt. Nếu vị đạo sư tuyên bố ông cao trội, hoặc nếu ông cho phép người theo ông nâng ông thành người cao trội, thì ông đã không khắc phục được tách biệt. Làm sao ông đã làm chuyện đó được?

13.10. Nỗ lực giả để nâng mình cao hơn người khác

Khi khắc phục hết các ngã tách biệt đó, con đánh giá một cách thực tế con là sự biểu hiện của tâm một và mọi người cũng thế. Ấy, làm sao một sự biểu hiện của tâm một có thể tinh vi hơn, hoàn hảo hơn một biểu hiện khác? Mọi sự đều là Phật Tánh. Mỗi sinh thể có tự nhận biết là một biểu hiện của Phật Tánh. Làm sao trên cơ bản một sinh thể có thể đặc biệt hơn sinh thể khác? Tuyên ngôn Độc lập của Hoa kỳ nói: “Mọi con người được tạo ra bình đẳng.” Ấy, theo một nghĩa nào đó, đây là sự nhìn nhận tất cả là biểu hiện của Phật tánh. Trong Phật tánh không có phán xét giá trị. Chỉ trong màn huyễn maya, trong ảo tưởng tách biệt mới có phán xét giá trị nói rằng môt người đặc biệt hơn người khác.

Chuyện này liên quan gì tới nỗ lực? Ấy, bất kỳ nỗ lực nào tìm cách nâng con lên cao hơn so với người khác không phải là nỗ lực cao. Làm sao có thể được? Khi con tiến cao hơn và thoát khỏi càng ngày càng nhiều hơn ảo tưởng tách biệt, con bắt đầu thấy cái tổng thể và do đó mỗi nỗ lực của con có mục đích nâng cao tổng thể, chớ con không nâng cao chính mình như một cá nhân tách biệt.

Tìm cách nâng mình lên cao như một cá nhân tách biệt phát xuất từ ảo tưởng tách biệt và nó chỉ có thể buộc chặt con vào ảo tưởng đó. Nếu con nâng mình để là một đạo sư hoàn hảo, và con khiến những người theo con tin điều này, mọi nỗ lực con bỏ ra chỉ làm cho con mắc bẫy sâu hơn trong ảo tưởng tách biệt và giữ những người theo con mắc bẫy sâu hơn trong ảo tưởng tách biệt. Nếu con đọc kỹ những ghi chép, thành thực mà nói khá rời rạc và không đầy đủ, về cuộc đời của Phật và con đọc giữa hai hàng chữ, thì con sẽ thấy điều này – thày không dựng mình lên trong vị thế một sinh thể toàn hảo. Giờ đây, con có thể tìm thấy những giáo lý làm điều này nhưng chúng đã được thêm vào sau này vì con người nhìn vào đời sống và giáo lý của Phật qua màn huyễn maya, họ áp chồng tin tưởng tách biệt của họ lên đó, tin tưởng vào sự tách biệt của họ lên đó và do đó họ thần tượng hóa Phật, cho rằng Phật rất là đặc biệt, Phật sinh ra một cách đặc biệt và đo đó Phật là vị đạo sư hoàn hảo duy nhất xuất hiện trên trái đất từ trước tới giờ. Đó là lý do tại sao thày có khả năng thần diệu dẫn họ tới giác ngộ mà không cần họ bỏ ra nỗ lực khó khăn và khó chịu nhìn vào chính tâm lý mình và khắc phục các dính mắc của mình.

Đấy là những ảo tưởng do ngã tách biệt tạo ra. Con không thể khắc phục tách biệt bằng tách biệt. Con không thể tạo ra một ngã tách biệt nắm bắt cái một, trải nghiệm cái một, đi vào cái một. Con không thể lấy một ngã tách biệt và hoàn thiện nó để nó đi vào cái một. Con không thể khắc phục một trạng thái tâm thức, khắc phục một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề.

Một số người sẽ nói thày đang lặp đi lặp lại. Khi con đọc trở lại một số giáo lý nguyên thủy, con sẽ thấy thường có một câu truyện được kể ra để minh họa một điểm nào đó. Sau đó truyện này được kể một lần rồi lần nhì rồi lần ba, trong một số trường hợp còn kể hơn ba lần. Tại sao như thế? Bởi vì hầu hết người nghe không nắm bắt giáo lý lần đầu họ tiếp cận. Con có thân tình cảm, lý trí và bản sắc. Con học một giáo lý, con nắm bắt nó ở tầng cảm xúc, rồi con học nó lại và nắm bắt nó ở tầng lý trí, và con học nó lại và nắm bắt nó ở tầng bản sắc. Nếu con không nắm bắt ở tầng tình cảm thì sao? Con có thể dễ dàng đọc giáo lý và nó không chuyển hóa tâm thức con. Con hiểu giáo lý qua trí năng và con dùng sự hiểu biết trí năng để tạo ra một loại tâm ảnh về giáo lý. Đấy không phải là nắm bắt giáo lý.

Nắm bắt giáo lý thật sự nghĩa là gì? Con ghi nhớ ở đây là thày không nói hiểu biết mà thày nói nắm bắt, thể nhập. Khi con lấy một giáo lý tâm linh đặc trưng và con dùng giáo lý như tấm gương để nhìn chính mình, nhìn phản ứng của chính mình, nhìn chính tâm lý mình, và khi con thấy điều gì đó trong mình, con ý thức về nó và buông bỏ nó, lúc ấy con đã sử dụng giáo lý, lúc ấy con nắm bắt giáo lý. Con đã đưa giáo lý vào hành động.

13.11. Mục đích thật của một giáo lý tâm linh

Thậm chí còn hơn thế, mục đích của một giáo lý vỏ ngoài là gì? Đó là nối kết con với cội nguồn của giáo lý. Con làm sao nối kết với cội nguồn của giáo lý?À không phải là qua tâm tách biệt. Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với bất cứ gì? Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với bất cứ gì vượt quá sự tách biệt? Làm sao tâm tách biệt có thể kết nối với cái một?

Ở đây con thấy Phật. Thày đã đi trên con đường tâm linh nhiều năm. Thày đạt được một tầng nhận biết cao và thày có một chọn lựa. Thày có thể bỏ trái đất lại đằng sau vĩnh viễn và nhập niết bàn. Thày sẽ không mô tả điều gì xảy ra trên niết bàn, nó không liên quan đến cuộc thảo luận này. Thày có chọn lựa bỏ lại trái đất đằng sau. Thay vào đó thày chọn trở lại thân vật lý để giáo huấn. Thày muốn đạt điều gì? Ấy, thày biết là thân vật lý của thày có tuổi thọ giới hạn. Thày biết thời gian thày giảng dạy trực tiếp và tương tác với đệ tử chỉ có thể xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó, do đó mục đích của thày là trao truyền một giáo lý có thể tồn tại lâu hơn thân vật lý của thày và giúp những thế hệ tương lai bước trên con đường đạo, chính con đường thày đã đi qua để tới những tầng nhận biết cao hơn.

Có những tầng khác của con đường, như thày đã mô tả, có thể giúp con đi một số bước khác. Cốt lõi của con đường đạo, mụch đích thật của giáo lý là gì? Ấy, thày đã đạt được một tầng nhận biết cao như thế nào? Thày đạt được bằng cách khắc phục cáo ảo tưởng, vứt bỏ chúng từng cái một. Sau khi thày bắt đầu khắc phục những ảo tưởng này, chuyện gì bắt đầu xảy ra?  Chuyện bắt đầu xảy ra là thày kết nối với cái ta cao của thày, với Phật tánh trong thày. Thày kết nối với tâm một và thày không làm thế qua trí năng. Thày không làm thế từ một khoảng cách, thày không làm thế bằng cách tạo ra một hình tư tưởng về tâm một. Thày không làm thế bằng cách dùng tâm tách biệt để tạo ra một hình tư tưởng về tâm một. Không đâu, thày làm thế bằng cách bước ra ngoài tâm tách biệt và trải nghiệm trực tiếp tâm một. Đây là mục đích nội tại thật của một giáo lý – kết nối con với tâm một bên trong con để con không phóng chiếu là tâm một ở ngoài con.

Sự thật đằng sau giáo lý nói rằng mọi sự đều là Phật tánh là gì? Con có Phật tánh trong con. Làm sao con tìm thấy Phật tánh? Làm sao con tìm thấy Phật? Chỉ bằng cách nhìn bên trong con. Tâm tách biệt, tự ngã không thể nắm bắt điều này. Nó sẽ mãi mãi đi tìm ở ngoài nó, bên ngoài chính nó. Con tìm thấy một giáo lý Phật giáo nói về Phật và tâm tách biệt phóng chiếu: “À Phật ở bên ngoài mình. Phật ở kia. Phật ở kia. Phật ở đằng sau tảng đá kia. Phật ở trong hang đá kia trên dãy Himalaya. Phật ở trong kinh điển kia. Phật ở trong pháp tu tập này.” Có một vị thày Phật giáo đưa ra ý tưởng rằng nếu con gặp Phật trên đường thì con cần giết Phật. Tại sao thế? Bởi vì nếu con gặp một người và con nhận diện người đó là Phật, khi làm thế con sẽ cản con thấy Phật tánh trong chính con và điều này sẽ ngưng sự tiến triển của con trên đường đạo. Tốt hơn là con giết người ngoài kia, không phải là giết thân vật lý của họ mà là giết tâm ảnh trong tâm con để con còn có cơ hội khám phá Phật tánh trong chính con.

Làm sao con khám phá được Phật tánh trong chính con? Không qua sự hiểu biết trí năng mà qua một trải nghiệm trực tiếp. Điều gì có thể cho con trải nghiệm này? Ấy, thày đã giảng cốt lõi bản thể con là Cái Ta Biết, cái ta ý thức. Nó tạo ra cái nhân cách vỏ ngoài. Nó tạo ra nội dung trong tâm tình cảm, lý trí và bản sắc nhưng nó không trở thành các nội dung đó. Con tạo ra tự ngã nhưng con không trở thành tự ngã. Con chỉ chui vào tự ngã giống như con mặc vào một áo giáp. Con không thể mất đi khả năng bước ra ngoài tự ngã và tâm vỏ ngoài. Khi con ý thức về khả năng này, khi con trau dồi nó, khi con dùng nó, khi con giảm thiểu lực hút của tâm vỏ ngoài trên tâm ý thức của con, thì con sẽ tới điểm mà con tự nhiên trải nghiệm bước ra ngoài ý niệm bản ngã bình thường của con và do đó con kết nối với cái gì lớn hơn, cái gì vượt quá ý niệm bản ngã bình thường của con. Đây là trải nghiệm tâm một, trải nghiệm Phật tánh trong con.

Đây là mục đích của bất kỳ giáo lý tâm linh thật nào. Đây là mục đích của Bát chánh đạo.

13.12. Mục đích của các nỗ lực của con

Do đó giờ đây con có thể đánh giá các nỗ lực của mình. Nỗ lực của con nhắm tới mục đích gì? Phải chăng mục đích là nâng con lên một vị thế nào đó, dựa trên những tiêu chuẩn do thế gian quy định? Hay mục đích là con trải nghiệm sự kết nối, trải nghiệm là một với tâm một, với Phật tánh? Thấy Phật tánh trong con thay vì thấy nó ngoài con. Mục đích của Phật khi trở về từ niết bàn để giáo huấn là gì? Phải chăng là để đời đời nâng mình lên cao khiến cho mọi người trên trái đất nói: “Ồ, ngày xửa ngày xưa, có sinh thể kia toàn hảo tuyệt vời đã bước chân trên trái đất. Chúng ta phải tôn thờ ngài, chúng ta phải đi theo ngài và một ngày kia ngài sẽ nâng chúng ta lên chỗ toàn hảo?” Có thật chăng là Phật muốn tự đề cao bản thân, nâng mình lên trên tất cả mọi người khác đời đời kiếp kiếp? Nếu con tin điều này thì con đang ở trong trạng thái tách biệt và con đang phóng chiếu giấc mơ của chính tự ngã của con lên Phật. Thà là con giết Phật này vì làm thế còn có thể giúp con tiến bộ, bởi vì tôn thờ Phật đó dứt khoát không giúp con tiến bộ.

Phật thật sự muốn gì? Phật muốn đưa ra một tấm gương là bất kỳ người nào cũng có thể đạt một tầng nhận biết cao hơn. Như thế khi nhìn vào Phật như một tấm gương, họ có thể nói: “Điều gì một người làm được, mọi người đều có thể làm được.” Nếu Phật có thể đạt được một trạng thái nhận biết cao thì tôi cũng có thể làm được. Làm thế nào Phật đạt được một trạng thái nhận biết cao? Bằng cách tìm lại được Phật tánh trong ngài. Phật nói mọi sự đều là Phật tánh, nghĩa là tôi có Phật tánh trong tôi, nghĩa là tôi có thể tìm lại Phật tánh trong tôi bằng cách theo gương và giáo lý của Phật. Nếu tôi phóng chiếu là Phật tánh chỉ có thể hiện ra trong Phật, thì tôi không thật sự là người theo Phật. Tôi không dùng giáo lý và tấm gương của Phật. Tôi đang tạo một thần tượng và tôn thờ thần tượng đó.

Một lần nữa, nỗ lực của con phải nhắm tới gì? Ấy, mục đích của con trên đường tâm linh phải là trải nghiệm cái một, trải nghiệm nối kết. Bây giờ con hãy quan sát tâm vỏ ngoài của con phản ứng như thế nào. Tâm vỏ ngoài của con sẽ nói: “Ồ, để tạo ra trải nghiệm này, để bảo đảm có trải nghiệm này, hẳn tôi phải nỗ lực một cách đặc biệt nào đó.” Nếu con hiểu những gì thày nói ở đây, con sẽ thấy sự điên rồ của lối tiếp cận này. Không có nỗ lực nào dựa trên ảo tưởng tách biệt bảo đảm trải nghiệm được cái một. Điều con cần làm là không nỗ lực, không cố gắng giỏi hơn, không cố gắng mãnh liệt hơn. Con cần ngưng cố gắng. Con cần ngưng các nỗ lực của ngã tách biệt muốn tạo sự tiến bộ tâm linh.

Giờ đây thày đã nói có những nỗ lực con có thể làm để khắc phục các ảo tưởng nhưng không có nỗ lực nào con có thể làm để trải nghiệm cái một. Để trải nghiệm cái một, con phải ngưng nỗ lực. Con thật sự phải cho tâm con yên lặng nhưng làm sao con làm cho tâm yên lặng? Tâm con sẽ hỏi, tôi phải nỗ lực như thế nào để an tâm mình. Chẳng có nỗ lực nào con có thể làm được để an tâm mình.

13.13. Nỗ lực ngừng tâm lại

Nhiều người, thật nhiều người trong truyền thống Phật giáo đã suy ngẫm kỹ về thiền định và thực tập nhưng họ thấy tâm họ luôn xen vào. Cái tâm khỉ luôn xẹt ra ý tưởng nên họ nghĩ họ phải tìm ra một nỗ lực cao để khiến tâm im bặt. Con càng nỗ lực làm cho tâm im lặng, con càng thật sự dùng tâm nhiều hơn, do đó con càng bị kẹt trong tâm mình hơn. Nghĩ rằng con có thể dùng tâm để làm cho tâm im lặng chỉ trở thành một cái bẫy, một cái bẫy mới. Vậy con làm được gì? Ấy, con có thể tiến bước trên đường tu. Con có thể dùng những giáo lý mà thày cho con ở đây. Khi con khắc phục những ngã tách biệt, sẽ có lúc con tới điểm trải nghiệm một cách tự phát mình đang bước ra ngoài ý niệm bản ngã bình thường của mình và nối kết với cái gì vượt lên trên chính tâm mình.

Trải nghiệm cái một không phải là điều gì con có thể tạo ra được. Nó là điều con nhận được. Con có thể xem nó như một món quà, một ân huệ, nhưng con hãy cẩn thật đừng nghĩ là có một lực bên ngoài nào ban nó cho con. Nó chỉ xảy ra một cách tự phát khi con bước trên đường tu. Cho nên con cần kiên nhẫn với chính mình, tiếp tục bước trên đường tu và chờ nó xảy ra. Nói theo một khía cạnh nào đó, con đừng dính mắc nó xảy ra hay không xảy ra, bởi vì nếu con muốn nó xảy ra thì con đang làm gì? Con đang dùng tâm vỏ ngoài để cố gắng cho nó xảy ra, và điều này đẩy nó xa ra khỏi con. Nhiều, nhiều người tâm linh quả thực đã đạt được một tầng cấp trong đó họ đã vứt bỏ nhiều chướng ngại trong tâm họ. Họ có thể trải nghiệm sự kết nối với tâm cao của họ vì các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của họ đã mở rộng đủ. Họ có thể làm được điều này nhưng trong tâm ý thức của họ, họ quá mức chú tâm nỗ lực nên họ đẩy trải nghiệm này xa ra khỏi họ.

Không có nỗ lực nào con có thể áp dụng được. Con chỉ có thể từ bỏ nỗ lực. Con có thể xả bỏ. Con có thể buông bỏ. Buông bỏ sự dính mắc. Nhiều người tâm linh bị dính mắc muốn có những trải nghiệm tột đỉnh này và sự dính mắc ngăn cản tâm họ buông bỏ và do đó đẩy trải nghiệm ra xa. Nhiều người đã làm điều này cả nhiều thập niên, thậm chi cả nhiều kiếp, họ liên tục tập trung mạnh trong tâm thay vì buông bỏ. Hầu hết những người mở tâm với giáo lý này đã có một mức cởi mở nào đó trong tâm. Do đó, con có thể ngay lúc này trải nghiệm sự kết nối nhưng con chỉ trải nghiệm được khi con có thể buông bỏ. Thay vì ở trong trạng thái tâm bình thường của con và thay vì ở trong tâm muốn có một trải nghiệm nào đó, con đi vào trạng thái tâm hoàn toàn trung hòa. Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra. Nếu con có trải nghiệm, con có trải nghiệm. Nếu không có trải nghiệm, con tiếp tục bước trên đường tu.

Trên đường tu tâm linh con có thể có những nỗ lực giúp con tăng triển. Có những nỗ lực con có thể áp dụng sẽ dần dần đưa con lên những tầng cao hơn và cao hơn. Sẽ tới một tầng trên đường tu khi con cũng cần nghĩ tới chuyện vượt lên trên nỗ lực, và thày không nói là con phải ngừng nỗ lực, nhưng vượt lên trên nỗ lực, con cần vun trồng khả năng không nỗ lực. Con buông bỏ, con phó thác, con xả bỏ để xuôi theo dòng sông sự sống, theo bất kỳ cách nhìn nào của con. Con không nỗ lực. Nỗ lực tối cao là không nỗ lực.

Với điều này, thày niêm con. Đối với thày trao truyền bài giảng dài này hoàn toàn không có nỗ lực. Con có nỗ lực để học bài giảng này chăng? Ấy, con hãy suy ngẫm điều thày nói về buông bỏ, vì con có thể tới điểm học và thể nhập bài giảng mà không cần nỗ lực, và đấy là lúc con đã hiểu thấu trọn vẹn nỗ lực cao.