Tất cả đều nối kết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 21/9/2019 tại Kyiv, Ukraine.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Thật là một niềm vui rất lớn cho ta được niêm hội nghị chân sư thăng thiên này tại quốc gia Ukraine. Và ta cũng rất vui nói với các con là các con đã vượt quá tiềm năng cao nhất mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã dự đoán cho hội nghị này. Các con đã làm được như vậy là do đã sẵn sàng đến với nhau, và mặc dù những khác biệt về ngôn ngữ, quốc gia hay văn hóa, các con đã đạt được một mức độ kết hợp cao hơn là chúng tôi có thể dự đoán. Điều này đã mở ra khả năng cho chúng tôi truyền rải nhiều ánh sáng hơn những gì có thể.

Bởi vì điều gì định đoạt lượng ánh sáng mà chúng tôi truyền rải tại một hội nghị? Phần lớn, đó là khả năng của luân xa các tham dự viên – kể cả những tham dự viên nối kết qua mạng lưới internet – để tỏa rạng, phát sóng ánh sáng vào tâm thức tập thể. Nếu chúng tôi ban ra nhiều ánh sáng hơn là luân xa các con có khả năng tiếp nhận thì sẽ quá nhiều cho các con, và nếu ánh sáng không thể tỏa ra thì không chắc nó sẽ thực hiện được mục đích của nó. Qua sự kiện các con vừa nhận được những bài truyền đọc với uy lực rất lớn, các con có thể biết là mình đã sẵn lòng đến với nhau trong hợp nhất – là sự hợp nhất đạt được khi không chỉ luân xa của từng cá nhân được chúng tôi sử dụng, mà các con đã hình thành một tâm và một tim kết hợp rộng lớn hơn, khiến luân xa mọi người được phối hợp lại, được đồng bộ với nhau để nhân lên gấp nhiều lần những gì chúng tôi truyền rải.

Ta không bảo là mọi hội nghị đều như vậy, hay các con phải bắt đầu đánh giá xem hội nghị nào mà không nhận được bài truyền đọc đầy uy lực thì tham dự viên đã không kết đoàn. Có những hội nghị mang những mục tiêu khác. Có những bài truyền đọc mà mục đích chủ yếu là để giảng dạy giáo lý. Và do đó, vì phần nào chúng ta đang ở một khu vực mang tâm thức tập thể rất dày đặc nên mới có nhu cầu phóng ra một lực thúc đẩy thật mạnh mẽ hầu đâm thủng, phá vỡ một số khuôn đúc trong tâm tập thể.

Trong hội nghị này, chúng tôi đã gợi ý một số khái niệm mà chúng tôi chưa đề cập trước đây. Con đã nghe chúng tôi trình bày về một khái niệm – lý duyên khởi – có lẽ xa lạ đối với đa số các con nhưng lại khá phổ biến trong một số giới đạo Phật. Tất nhiên đó là một cách gọi hơi hoa mĩ vì con có thể diễn tả một cách khác: Tất cả mọi thứ đều nối kết với nhau. Khái niệm này mang nhiều hệ quả mà chúng tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn trong thời gian tới. Thật ra chúng tôi cũng đã có đề cập bằng những từ ngữ và ý tưởng khác rồi, nhưng như con cũng biết, chúng tôi thường trở lại một đề tài đã bàn đến trước đây để đưa nó lên một tầng cao hơn, bởi vì tiến trình truyền pháp có một số chu kỳ, và tiến trình tăng trưởng của con cũng có một số chu kỳ nhất định. Cho nên thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ giảng lại về một đề tài đã được giảng trước đó để đem lại một cái gì mới và đưa nó lên một tầm nhìn cao hơn.

Khi bảo rằng tất cả mọi thứ đều nối kết thì câu này có nghĩa là gì? Có nghĩa là ảo tưởng, hay ấn tượng do giác quan của con tạo ra là một ảo tưởng. Con nhìn qua giác quan của con, và với tâm vỏ ngoài giới hạn giác quan, con thấy mọi thứ đều tách biệt. Con có thể bảo rằng cái loa bên này tách biệt với cái loa bên kia, rằng mặt trời tách biệt với mặt trăng, địa cầu tách biệt với sao Thủy hay sao Kim. Một người bên Nga tách biệt với một người bên Mỹ, vân vân.

Thế giới chú tâm vào sự khác biệt, chú tâm vào những vật tách biệt. Đây là một ảo tưởng mà con có thể bắt đầu rèn luyện tâm trí để con nhìn vượt qua. Và con có thể làm điều này một cách cao hơn hầu hết mọi người đã làm được trước đây nhờ con được học rất nhiều giáo lý mà chúng tôi đã ban ra. Trước tiên là giáo lý về bốn tầng của vũ trụ vật chất. Nó cho thấy là dải tần số vật chất, quang phổ vật lý, cũng giống như phần nổi của một tảng băng hiển lộ trên mặt nước, trong khi phần còn lại thì không thấy được bởi nó ẩn dưới mặt nước.

Cũng vậy, ba thể cao của phàm ngã con không thấy được. Nhưng như con cũng biết, nếu 90% băng đá bên dưới chuyển động thì chẳng phải là phần nổi bên trên cũng sẽ chuyển động theo hay không? Cho nên nếu bên dưới có dòng nước ngầm di chuyển về hướng Nam, thì dù cho bên trên có một ngọn gió thật mạnh thổi về hướng Bắc, phần nổi của tảng đá vẫn sẽ trôi ngược gió về hướng Nam.

Và như vậy nếu trong ba thể cao của con có sự chuyển động về một hướng nào đó, thì có thể tâm ý thức của con sẽ rất khó lòng đi ngược về hướng kia. Con sẽ đi theo những ngọn sóng ngầm trong tiềm thức. Và đó là tại sao con có tiềm năng nắm quyền chủ động đời mình bằng cách giải tỏa những năng lượng đó, giải quyết tâm lý và buông bỏ những cái ngã, vân vân. Nhưng con cũng có thể rèn luyện tâm trí để con cảm nhận sự nối kết sâu hơn bên dưới cho dù con không nhất thiết nhìn thấy được.

Điều này sẽ đem lại rất nhiều ích lợi cho đường tu của con. Sơ khởi ta sẽ đưa ra một ví dụ. Sứ giả này đang dang hai bàn tay ra khá xa. Nếu giả dụ con lấy một tấm vải che phần dưới cơ thể của ông thì con có thể thấy hai bàn tay này tách biệt với nhau. Bây giờ hai bàn tay bắt đầu chuyển động nhịp nhàng với nhau và chúng gặp nhau ở giữa – con có thể nghĩ chúng là hai vật tách biệt đang di động nhịp nhàng. Nhưng tất nhiên vì không có tấm vải nào đang che cơ thể của ông, cho nên con thấy rõ chúng thuộc về, chúng gắn liền với cùng một cơ thể. Và do đó, thật không có gì lạ lắm khi cơ thể này có thể làm cho chúng chuyển động.

Nhưng bây giờ con hãy tưởng tượng hai vật có vẻ tách biệt đối với giác quan của con. Nếu một vật di chuyển về hướng này và vật kia di chuyển về hướng kia, con sẽ có thể nghĩ rằng có hai nguyên nhân khác nhau đang làm chúng chuyển động. Và con có thể nghĩ, như khoa học đã nghĩ như vậy từ mấy thế kỷ qua, rằng thế giới được tạo thành bởi những vật tách biệt, những vật không nối kết với nhau, không trao đổi tín hiệu với nhau. Và do đó nếu chúng di chuyển về hướng khác nhau, nhất định là phải có những nguyên nhân khác nhau khiến chúng chuyển động. Nhưng thật là không phải vậy. Không có vật nào tách biệt cả. Và cũng không có nguyên nhân nào tách biệt. Không có hậu quả tách biệt lẫn nguyên nhân tách biệt.

Điều gì có thể giải thích chuyện này? Làm thế nào con hình dung được đây? Một lần nữa, con hãy lấy ví dụ hai bàn tay của sứ giả này đang chuyển động nhịp nhàng với nhau trước khi chúng chụm lại. Dựa trên giác quan, con có thể bảo là có hai bàn tay đang hiện hữu trong thời gian và không gian. Chúng đang di chuyển một cách liên tục với nhau trước khi gặp gỡ. Nhưng như chúng tôi đã gợi ý trước đây, điều xảy ra không thực là vậy. Bởi vì quang phổ vật lý giống như hình ảnh trên một màn hình chiếu phim. Những chuyển động mà con thấy trên màn hình không liên tục vì chúng do cuộn phim tạo ra, và cuộn phim thì có nhiều tấm ảnh tách rời được ánh sáng chiếu xuyên qua. Chính các tấm ảnh này chuyển động, nhưng chúng chuyển động nhanh đến độ con không thấy có một tấm ảnh đang thay thế một tấm khác. Nhưng dĩ nhiên con cũng biết, trong phim cũ thời xưa quay chậm hơn, con có thể nhận thấy hình bị nhảy giật giật, khiến người ta đi đứng trong phim cũng giật giật như thế – và nhờ vậy con dễ nhận ra đó là những tấm ảnh cố định riêng rẽ đang được trình chiếu ở một tốc độ khiến con có cảm giác chúng là phim xi-nê.

Khi con biết mọi chuyện xảy ra trong cõi vật lý là kết quả của những nguyên nhân trong ba cõi cao hơn, con sẽ bắt đầu thấy được là không có hai bàn tay đang chuyển động cùng với nhau trong một động tác liên tục. Nếu con có thể chiếu chậm lại, con sẽ thấy: đây, có một tấm ảnh đang được trình chiếu ngay bây giờ bởi những gì đang xảy ra trong ba cõi tình cảm, lý trí và bản sắc, tức là sự tương tác giữa những năng lượng và khuôn đúc trong ba cõi đó. Nếu con hình dung được và chiếu cho thật chậm, con sẽ có thể nói: đây, có một tấm ảnh nữa đang được tạo ra bởi tương tác trong ba cõi cao. Và đây, lại thêm một tấm ảnh nữa. Và đúng vậy, đối với con hai bàn tay có vẻ như xích lại gần với nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu có phải là cùng hai bàn tay đó hay không? Có phải là cùng hai bàn tay đang chuyển động từ tấm ảnh này sang tấm ảnh kia rồi sang tấm ảnh nọ? Hay phải chăng nó giống như những tấm ảnh riêng rẽ trên một cuộn phim đang quay và được chiếu lên màn hình, hết tấm này sau tấm kia?

Nói cách khác, thực tế là cho dù con thấy cái đó như một vật liên tục và một sự chuyển động liên tục, thật ra nó giống như một chuỗi ảnh được chiếu lên màn hình, nhưng nó nhanh đến độ các giác quan vỏ ngoài của con, tâm vỏ ngoài của con không thể nắm bắt được.

Tại sao chuyện này lại quan trọng? Vì nhiều lý do. Nhưng sơ khởi, vì con hiểu ra là nếu con thực sự muốn thay đổi cõi vật lý thì con sẽ cần thay đổi nguyên nhân, con cần làm việc trên nguyên nhân thay vì trên kết quả. Đây là điều chúng tôi đã dạy con làm bằng cách làm sạch bốn thể phàm của con. Và khi thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ dạy con nhiều hơn, không những về cách làm sạch bốn thể phàm mà vượt ra ngoài năng trường của con để bắt đầu làm sạch một số khuôn đúc, hình ảnh, năng lượng cùng mô thức sóng đang ảnh hưởng đến hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Nhưng điều này chúng tôi chưa thể trao cho con cho đến khi chúng tôi dạy con về cách khắc phục ngã gốc (primal self). Bởi vì nếu không, có thể con sẽ bị rất nhiều ngã tách biệt xúi giục con lạm dụng lời dạy đó để đạt quyền năng thay đổi hoàn cảnh vật lý cho dù con sẽ xen vào quyền tự quyết của người khác.

Nhưng điều con hiểu ra khi con suy ngẫm về lời dạy trên là sự kiện con đã bị lập trình để nghĩ rằng một khi một nguyên nhân đã được kích hoạt thì không gì sẽ có thể lật ngược lại được. Không gì có thể thay đổi nó được. Sứ giả này đã lớn lên với một người ông rất ham thích săn bắn và súng ống, nhưng ông cũng rất quan tâm đến an toàn. Phương châm của ông là: “Đừng bao giờ quên, một khi viên đạn đã rời khỏi nòng súng thì không một thế lực nào trên địa cầu sẽ có thể quay nó ngược trở lại.” Đây là điều mà khi lớn lên con đã được dạy dỗ để suy nghĩ. Một khi một nguyên nhân được kích hoạt thì không một thế lực nào trên địa cầu có thể quay nó trở ngược lại. Một khi trận tuyết lở đã khởi động thì không gì có thể ngăn nó đổ xuống sườn núi.

Nhưng làm thế nào Ki-tô đã làm yên được cơn bão chứ? Ki-tô đã làm được vì tâm của thày không rơi vào cái ảo tưởng thường tình cho rằng cơn bão là một hiện tượng liên tục được tạo ra bởi một nguyên nhân nào đó, và một khi nó đã được khởi động thì nó bắt buộc phải tiếp diễn cho đến khi kiệt sức. Giê-su nhận ra là rất nhiều lần trong mỗi giây, thế giới vật lý lại được tái tạo, được trình chiếu lại một lần nữa. Giữa hai lần trình chiếu riêng rẽ đó có một khoảng thời gian – một khoảnh khắc rất, rất ngắn, nhưng không phải là không có. Có một khoảnh khắc im lặng. Và nếu con có thể uốn cong tâm mình hay kéo tâm cho khỏi tập trung vào sự kiện, và nếu thay vào đó con tập trung vào sự im lặng giữa hai lần trình chiếu, thì con có thể thay đổi hình chiếu ở cõi vật lý. Hay đúng hơn, con thay đổi ở các cõi cao hơn và sau đó cõi vật lý cũng thay đổi theo.

Tuy thời nay không phải là một thời con cần sản xuất ra loại hiện tượng mà Giê-su đã làm 2000 năm về trước, nhưng con có thể dùng lời dạy này để thị hiện những hoàn cảnh vỏ ngoài tốt đẹp hơn cho mình, kể cả việc chữa lành xác thân vật lý. Nếu con suy ngẫm về lời dạy, con sẽ nhận ra là trong thế gian này không có hiện tượng nào là liên tục, mà chỉ có những hình ảnh riêng rời được phóng chiếu, và ở giữa thì có im lặng. Im lặng đó, mặc dù có vẻ ngắn ngủi hơn cả một khoảnh khắc, thật ra vượt khỏi thời gian. Điều này có nghĩa là khi con tu luyện tâm trí, con có khả năng dùng khoảnh khắc im lặng đó để thay đổi các khuôn đúc trong cõi bản sắc, lý trí và tình cảm và khiến cho sự thị hiện vật lý cũng thay đổi theo.

Ta tuyệt nhiên không bảo là lúc đầu con sẽ cần làm được chuyện này trong tích tắc. Nhưng với thời gian, con sẽ lần hồi chấp nhận những hình ảnh khác hơn về hoàn cảnh đời sống của con có thể thay đổi ra sao, về những gì con có thể thị hiện trong đời, những gì con có thể thu hút về phía con – và con làm chuyện đó trước hết trong thể bản sắc, xong trong thể lý trí, xong trong thể tình cảm. Với thời gian, có thể những hoàn cảnh tốt hơn đó sẽ thị hiện. Con có thể cho rằng chuyện này thật là khó tin, nhưng hãy để ta hỏi con câu này. Con có cảm thấy con đã từng trải nghiệm là mình đã cải thiện hoàn cảnh đời sống của mình hay không? Nếu có thì con chỉ có thể làm vậy một cách mà thôi, và cách đó là cách ta vừa mô tả. Có điều là con đã không ý thức, và vì vậy con không thể thực hiện một cách đều đặn, chắc chắn. Nhưng đó chính là cách con có thể luyện tập để thực hiện.

Con thấy đó, sự kiện một hình ảnh được chiếu ra nhiều lần mỗi giây trên màn hình của thế giới vật chất có nghĩa là ngay khi nó được thay đổi trên màn hình của ba thể cao, thì cùng lúc đó sự thị hiện vật lý cũng thay đổi. Và bởi vì rõ ràng ba cõi cao là một dạng năng lượng cao hơn – một dạng năng lượng ít vật lý hơn và do đó cũng lỏng hơn dạng vật lý – cho nên thật là hữu lý để con chấp nhận chúng dễ thay đổi hơn. Chúng linh hoạt hơn, mềm lỏng hơn, không cứng đặc như đá. Vả lại, ngay cả cái cứng đặc như đá cũng không tồn tại được hoài hoài, và đó là tại sao nó có khả năng được thay đổi khi hình ảnh do ánh sáng rọi xuyên qua thay đổi.

Chuyện này nghe có vẻ như là phép thần tiên, nhưng không đâu con. Chẳng có gì là thần tiên trong đó. Nhưng trên thực tế, đó không phải là một lời dạy có thể được nắm bắt hay thực hiện bởi một người mới cất bước trên đường tu. Nó đòi hỏi một sự trưởng thành nào đó. Nó đòi hỏi kinh nghiệm. Nhưng nhiều người trong số các con đã sẵn sàng để ít ra bắt đầu suy ngẫm, trước hết bằng cách nhận ra là không có gì là không thể thay đổi. Và thêm vào đó, con cũng cần được cảnh báo là tất cả mọi thứ đều nối kết với nhau.

Điều này có nghĩa là nếu con muốn thay đổi hoàn cảnh đời con, đó sẽ không chỉ là chuyện nhìn vào ba thể cao của mình. Chắc chắn con cần bắt đầu ở đó. Con cần bắt đầu thanh lọc năng lượng ở đó, chữa lành tâm lý của mình và vứt bỏ đi những cái ngã tách biệt. Nhưng ngay cả khi con đạt đến một mức tâm thức cao như Giê-su hay như chính ta đã đạt được, thì điều này không có nghĩa là con chỉ cần búng tay là sẽ thay đổi được tuyệt đối bất kỳ hoàn cảnh vật lý nào. Bởi vì có những hoàn cảnh mà con không muốn thay đổi do chúng sẽ áp đặt lên quyền tự quyết của người khác. Và đó là tại sao chúng tôi đã cho con tất cả những lời dạy kia về nhu cầu thanh lọc tâm thức cho sạch ngã tách biệt, hầu con không sử dụng hiểu biết này để đoạt một số ưu thế cho cá nhân mình, khiến con quên mất tổng thể rộng lớn hay thậm chí làm hại cả người khác.

Để áp dụng lời dạy này cho đúng đắn, con cần có phần nào cái mà chúng tôi gọi là sự nhận biết Ki-tô, tính nhân bản cơ yếu, cảm nhận nối kết với mọi người, để con nhận ra là có những điều con sẽ không làm. Có những điều mà con sẽ không thay đổi, bởi vì người khác có quyền trình chiếu ra những chọn lựa mà họ đã chọn. Nói cách khác và để cho con một ví dụ hiển nhiên, nếu con có con cái thì con có thể muốn tránh cho con mình những biến cố đau lòng. Nhưng nếu đứa con đã kết đọng biến cố đó qua chính tâm thức của nó thì nó sẽ cần trải nghiệm hậu quả của biến cố đó để mà tăng triển. Nếu con tránh cho nó không bị đau lòng và do đó cản trở sự tăng triển của nó, thì đây không phải là một cách dùng giáo lý và hiểu biết cao lắm.

Trước khi con có thể thực sự dùng được lời dạy này, con sẽ cần đạt được một trình độ buông bỏ, lãnh đạm nào đó, một sự không dính mắc nào đó, và con không còn ý thức cá nhân trong cuộc sống nữa.

Ta cũng biết những gì ta đưa ra ở đây chỉ là một thoáng hé mở về một giáo lý rộng lớn hơn. Nhưng vì con đã thực hiện những gì con đã thực hiện nơi đây, cho nên ta quyết định cho con thêm một chút quà đặc biệt mặc dù nó không nhất thiết nằm trong chương trình hội nghị này. Nhưng bây giờ thì lời dạy này đã được đặt vào cõi vật lý, và đối với những ai trong số các con đã sẵn sàng thì các con hãy suy ngẫm về lời dạy. Chắc chắn với thời gian, chúng tôi sẽ còn ban ra nhiều lời dạy nữa khi thấy thời điểm cũng như cộng đồng đệ tử đã sẵn sàng.

Và như vậy, thật là một niềm vui rất lớn cho ta được niêm hội nghị này, niêm các con ngồi đây lẫn các tham dự viên trên mạng internet. Ta niêm ánh sáng đã được rải truyền đến những quốc gia từng là thành viên của Liên bang Sô viết, để các quốc gia này bước lên cao hơn và để những ai sẵn sàng tự do tìm được tự do. Tất nhiên, có thể có một số người ở đâu đó vẫn muốn tiếp tục đau khổ, và bởi vì chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết cho nên chúng tôi cũng sẽ tôn trọng quyền muốn đau khổ, quyền tự do đau khổ của mọi người. Nhưng chắc chắn con cũng thấy được, quyền tự do đau khổ không nằm trong ngọn lửa tự do của Saint Germain và do đó nó không đến từ các chân sư thăng thiên, nó không phải là một ngọn lửa tâm linh. Chính sự vắng mặt này của ngọn lửa mới tạo ra đau khổ.

Đau khổ không có thực chất. Ngọn lửa thì có thực chất – mặc dù đó không phải là một chất vật lý – vì đó là một ngọn lửa tâm linh. Nhưng đau khổ, oán giận, mọi loại hận thù, mọi loại năng lượng xuất phát từ sợ hãi đó, thực sự không có thực chất của một chất trường tồn. Đó là tại sao những gì có vẻ mang chất vật lý có thể được thay đổi bởi một năng lượng cao hơn. Nó có thể được thay đổi chính vì mặc dù nó có vẻ có chất liệu, nó có vẻ là vật chất rắn đặc hay là năng lượng cảm xúc dày đặc, nhưng nó chỉ hiện ra như vậy khi được nhận thức qua phin lọc những cái ngã vỏ ngoài, qua tâm vỏ ngoài. Khi con nhìn vượt khỏi nó, con sẽ thấy là nó không hề có chất liệu liên tục. Nó chỉ là một ảo ảnh được trình chiếu trên màn hình. Và ở giữa các hình ảnh được trình chiếu thì màn hình vẫn trắng tinh. Và như con cũng biết trên một màn hình trắng tinh, bất cứ hình ảnh nào cũng có thể được trình chiếu. Khi con nhìn thấy màu trắng tinh ở giữa các hình ảnh, con biết là bất cứ lúc nào, hay đúng hơn ngay lúc sau đó, một hình ảnh mới có thể được trình chiếu. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con có thể thay đổi toàn bộ hoàn cảnh trong một tích tắc – bởi vì một phần của giáo lý duyên khởi là có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng một tình huống có vẻ giản dị – nhưng bằng cách thay đổi các yếu tố này lần hồi, con có khả năng thay đổi hoàn cảnh một cách đáng kể.

Như con có thể thấy, ta hân hoan ban cho con lời dạy này đến độ gần như ta không thể ngừng nói. Nhưng bây giờ ta sẽ niêm hội nghị này trong tim vui mừng và ta trao cho con niềm vui đó. Niềm vui của ta tràn đầy. Và ta mong niềm vui của con cũng tràn đầy.

Gautama TA LÀ.