Uy lực và gia tốc

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Trong bài giảng này, thày sẽ nâng các lời hướng dẫn lên một mức cao hơn. Trong các bài trước thày đã mô tả cách thày giúp những dòng sống lần đầu tới khóa nhập thất của thày ở Darjeeling. Thày mô tả là đa số đệ tử mới tới phải qua một giai đoạn sơ khởi trong đó thày giúp họ nhận ra nhu cầu là họ cần nhìn quá những gì họ chờ đợi nơi một vị thày tâm linh, nơi một đệ tử tâm linh, và nơi một nhập thất tâm linh. Những chờ đợi này chính là thế giới quan và tiêu chuẩn của họ. Vì thày không thể giúp những người muốn ép buộc thày phải tuân theo những chờ đợi của họ, thay vì sẵn sàng để cho thày dẫn họ ra ngoài hộp tư duy hiện nay của họ.

Thày có mô tả là thày tìm cách lý luận với họ, vì tất cả mọi người đều có khả năng lý luận một mức trên tầng tâm thức hiện nay của họ. Thày mô tả là thày tìm cách cho người đệ tử cảm thấy mình được thương yêu, và nhận ra là thày không phê phán họ chút nào, vì thày chỉ có một mục đích là giúp họ vươn lên các tầng tâm thức cao hơn.

11.1. Chữa lành trong Vườn Tình thương

Thày cũng mô tả là nhiều đệ tử – sau khi đã nhận ra nhu cầu nhìn quá tiêu chuẩn và bắt đầu dùng khả năng lý luận – cần một thời gian để được chữa lành qua việc kinh nghiệm tình thương. Đó là lý do thày có một khu vườn rất rộng chung quanh khu nhập thất của thày, và vì khu này tọa lạc trên cõi bản sắc nên khí hậu không là vấn đề. Vì khí hậu do thày và các phụ tá chăm lo khu nhập thất tạo ra.

Thày và các phụ tá đã tạo ra một khu vườn rất rộng có nhiều khóm hoa, cây cỏ nức mùi thơm, suối nước và vòi nước, và dĩ nhiên cũng có nhiều loài chim ca hát không ngừng. Thày có nói tới con chim nhỏ màu xanh của sự tử tế nhưng trong vườn của thày cũng có nhiều loài chim khác. Thày có một phần của khu vườn trồng nhiều hoa hồng và có nhiều chim hót một cách khiến người đệ tử cảm nhận được rung động của tình thương.

Dĩ nhiên hoa hồng mà con biết tới trên trái đất có mùi thơm gần rung động của tình thương nhất. Khi con ngửi hoa hồng, con tới gần rung động của tình thương hơn những gì con có thể trải nghiệm qua khứu giác. Sau khi người đệ tử đã ở khóa nhập thất của thày một thời gian thì tới lúc các vị ấy cần ngửi hoa hồng. Lúc đó, các đệ tử đi ra ngoài vườn, chọn một nơi họ thích và ngồi đó hấp thụ mùi thơm của hoa và tiếng hót của chim. Thày dĩ nhiên có người phụ tá biết đọc rung động của từ trường và luân xa con người, và biết thật chính xác họ cần nghe, ngửi, thấy và cảm những gì để được chữa lành tốt nhất.

Các đệ tử có khi ngồi trong khu vườn rất lâu, vì thực sự khóa học không thể tiến xa hơn nếu con chưa trải nghiệm tình thương đích thực, là tình thương vượt lên trên điều kiện. Tình thương này vượt lên trên tình thương con thường trải nghiệm trên trái đất. Trên trái đất con đã quá quen thuộc ý tưởng tình thương của người khác đối với mình lúc nào cũng có điều kiện. Con cần phải xứng đáng, con cần phải hội đủ một số điều kiện thì mới được nhận tình thương. Nhưng sự thực là sự chữa lành tối hậu đến từ trải nghiệm tình thương vô điều kiện.

Lúc ban đầu con có thể cảm nhận tình thương vô điều kiện của thày, nhưng mục đích tối hậu là con trải nghiệm trực tiếp tình thương vô điều kiện của Hiện diện TA LÀ của con, là nguồn tình thương vô điều kiện cho con. Tình thương này, dĩ nhiên, là tình thương của đấng Sáng tạo, tình thương mà đấng Sáng tạo dành cho tất cả những nối dài có tự nhận biết của ngài. Do đó, con không thể tạo ra nó. Con chỉ có thể là cánh cửa mở nhận nó, nhưng nó là tác nhân tối hậu chữa lành.

11.2. Chối bỏ tình thương vô điều kiện

Có những người đã bị lập trình quá nặng bởi điều kiện trên trái đất nên họ khó chấp nhận tình thương vô điều kiện khi lần đầu tới khóa nhập thất của thày. Đây là một thách đố cho thày. Vì làm sao con có thể giúp một người cảm được tình thương, khi người đó có quá nhiều điều kiện liên quan tới tình thương – tình thương phải được biểu hiện như thế nào, một người phải sống theo đúng tiêu chuẩn nào trước khi có thể mở lòng để thực sự trải nghiệm tình thương?

Con nhìn trái đất và thấy là con đã bị lập trình để nghĩ rằng con phải hội đủ một số điều kiện trước khi con có thể nhận tình thương, và nhiều đệ tử đã gán điều này lên Thượng đế và nghĩ Thượng đế là người có nhiều điều kiện nhất. Vì tình thương của Thượng đế đúng lý phải đặc biệt – đặc biệt hơn tình thương của con người – do đó nếu con phải hội đủ một số điều kiện mới nhận được tình thương của người phàm, thì con sẽ phải hội đủ nhiều điều kiện khắt khe hơn nữa mới mong nhận được tình thương cao hơn của Thượng đế.

Một số đệ tử lý luận như vậy khi họ tới thày. Dĩ nhiên là thày có thể tìm cách dùng lý trí để khuyên bảo họ. Nhưng câu hỏi là: liệu họ có thể tới chỗ buông bỏ lâu đủ những điều kiện của họ để trải nghiệm – không phải chỉ hiểu mà thực sự trải nghiệm – tình thương vô điều kiện?

Thày đã giảng là ở tầng tâm thức 48, con phải đối mặt với nhu cầu nhìn quá tiêu chuẩn của mình. Khi con chấp nhận chịu nhìn quá tiêu chuẩn của mình thì con có thể tiến lên tầng 49. Điều này không có nghĩa là con đã buông bỏ hết mọi tiêu chuẩn, vì bình thường con chỉ làm được điều này khi con tới tầng 96, và có khi còn phải cao hơn nữa. Nhưng nó có nghĩa là con đã trải nghiệm nhìn vào chính mình và cuộc đời từ một trạng thái tâm thức cao hơn trạng thái được quy định bởi tiêu chuẩn. Lúc đó con tiến lên tầng 49.

Ở tầng này, con phải học cách dùng khả năng lý luận để chất vấn một cách ý thức một phần của tiêu chuẩn và trải nghiệm cảm giác buông bỏ phần đó. Một lần nữa, không có nghĩa là con buông bỏ hết mọi tiêu chuẩn, nhưng con đã trải nghiệm tiến trình buông bỏ một phần tiêu chuẩn. Lúc đó con tiến lên tầng 50.

Tầng 50 là nơi con phải đối mặt nhu cầu trải nghiệm tình thương vượt lên trên điều kiện. Không có nghĩa là con buông bỏ hết mọi điều kiện, nhưng có nghĩa là con trực tiếp trải nghiệm tình thương vượt lên trên điều kiện hiện nay của con. Và nếu con chưa trải nghiệm điều này thì con không thể lên tầng 51. Điều này không thể xảy ra được.

11.3. Quan hệ giữa con và Thượng đế 

Đối với một số đệ tử, đây là một thách đố lớn, vì con phải nghĩ lại cách con nhìn Thượng đế và quan hệ của con với Thượng đế. Dĩ nhiên là trái đất có một truyền thống rất lâu đời – lâu đời nếu tính theo chiều dài kiếp người, nhưng không lâu nếu so sánh với toàn bộ thời gian có sự sống thông minh trên trái đất – miêu tả Thượng đế như một thượng đế giận dữ và phê phán ở trên trời. Có rất nhiều người trên trái đất hiện nay đã bị lập trình bởi tiêu chuẩn này, bởi ý do sa nhân phóng chiếu là đây là hình ảnh thực duy nhất của Thượng đế, và ai chất vấn hình ảnh này sẽ mang tội thóa mạ thần linh.

Các con yêu dấu, có một sự kiện giản dị là tâm thức con không thể nào vươn cao hơn hình ảnh của con về Thượng đế. Con có thể tới khóa nhập thất của thày với hình ảnh một Thượng đế giận dữ và phê phán. Con có thể tiến triển qua hai tầng đầu, nhưng con sẽ không thể đi quá tầng 50 nếu con giữ hình ảnh Thượng đế giận dữ và phê phán và nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên thày; muốn thày là một vị thày giận dữ và phê phán sẽ phạt nặng khi con làm lỗi.

Các con yêu dấu, nhiều đệ tử đã tới khóa nhập thất của thày với trạng thái tâm thức sợ làm lỗi hơn là yêu làm cái hơn nữa. Thày có nói về tiêu chuẩn. Bản chất của tiêu chuẩn là nó quy định hai cực: tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai. Hầu hết mọi người đã bị lập trình để đánh giá như vậy mọi khía cạnh của đời sống, tâm thức, tình cảm, tư tưởng và hình ảnh mình là ai.

Nhất định là phải có đúng và sai, đúng vậy chăng? Sai, con yêu dấu! Trong thực tại của Thượng đế không có đúng sai. Những khái niệm nhị nguyên do tâm thức tách biệt, tâm thức phản-Ki-tô tạo ra. Con sẽ không bao giờ biết Thượng đế thật nếu con nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên Thượng đế.

11.4. Chân sư MORE không phải là một vị thày giận dữ

Con sẽ không bao giờ biết Chân sư MORE thật nếu con nhất định phóng chiếu hình ảnh này lên thày, như nhiều người tự nhận là đệ tử chân sư thăng thiên đã và đang làm. Họ muốn thày là một vị thày giận dữ và phê phán. Thày không phải là một vị thày như vậy. Thày chưa bao giờ như vậy. Trong mấy chục năm trước, thày đã để đệ tử phóng chiếu hình ảnh này lên thày, nhưng thày sẽ không để chuyện này xảy ra nữa. Thày sẽ công khai bác bỏ hình ảnh này và tố cáo các đệ tử đó là người không chịu nhìn vào – hay đúng hơn là không chịu trải nghiệm – thực tại của thày.

Thày không phải là vị thày giận dữ và phê phán. Thày là vị thày thương yêu vô điều kiện và thày sẽ hỗ trợ con vô điều kiện. Nhưng cách thày hỗ trợ con và sự tăng triển của con là giúp con thăng vượt các điều kiện của mình, vì thày không phải là người kềm con lại. Thượng đế không kềm con lại; ma quỷ không kềm con lại. Cái kềm con lại trên con đường tu chính là các điều kiện của con, những điều kiện mà con đã quy định và chấp nhận. Thày đồng ý là ma quỷ đã quy định nhiều điều kiện mà con đã chấp nhận, và do đó ma quỷ đã gián tiếp kềm con lại. Nhưng ma quỷ không có quyền lực trên con trừ phi con cho nó quyền lực đó bằng cách chấp nhận một số điều kiện.

Con sẽ không bao giờ biết thày nếu con phóng chiếu hình ảnh một Thượng đế giận dữ và phê phán lên thày và nghĩ rằng thày giống vậy. Con yêu dấu, con sẽ không bao giờ biết thày. Và đây là một gánh năng trên tim thày, thày phải thành thật nói vậy. Vì dĩ nhiên thày biết thày là ai. Thày biết thày có thể cống hiến đệ tử rất nhiều. Và thày thấy họ ngồi đó và bị kẹt vì không buông bỏ lâu đủ các điều kiện của mình để trải nghiệm, dù chỉ một thoáng, tình thương vô điều kiện mà thày cảm nhận đang tuôn chảy qua thày từ đấng Sáng tạo, và từ Hiện diện TA LÀ trực tiếp xuống tới họ.

Thày thấy thày trở thành cánh cửa mở cho tình thương đó khi các đệ tử tới khóa nhập thất của thày. Và họ ngồi đó và không chịu nhận nó vì họ nhất định nắm giữ điều kiện nào đó miêu tả họ không xứng đáng – vì thày là người quy định điều kiện mà họ không hội đủ. Thực ra chính họ đã quy định các điều kiện này, nhưng họ phóng chiếu lên thày là thày là người đã quy định chúng. Họ cho rằng thày là người đã giữ lại và không cho họ tình thương vì thày đã quy định những điều kiện quá khắt khe mà họ không hội đủ được. Nhưng thày không có điều kiện. Mọi người tới khóa nhập thất của thày với điều kiện của chính họ.

Có trường hợp đệ tử ở rất lâu trong vườn hồng mà vẫn không cảm được tình thương. Vì giản dị là họ không chịu ngửi mùi hoa hồng và trải nghiệm khu vườn.

11.5. Tia thứ Nhất của uy lực sáng tạo

Đệ tử tới thày trong tâm như có một bản nhạc – tựa như một đĩa nhạc rè cứ lặp đi lặp lại – lặp lại những điều kiện. Họ nhìn khóa nhập thất của thày và nghĩ: “Tôi phải hội đủ những điều kiện nào đây? Tôi không thể phạm lỗi ở đây; tôi đang tham dự một khóa nhập thất tâm linh.”

Vì họ quá quan tâm đến việc tránh phạm lỗi nên họ không dám làm gì cả. Và vì sao đây là một vấn đề? Đây là một vấn đề vì thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Trong quá khứ, Tia thứ Nhất được miêu tả là tia của uy lực và ý chí, nhưng đó là vì uy lực và ý chí là thành phần thiết yếu của nỗ lực sáng tạo.

Con không thể sáng tạo bất cứ cái gì nếu con không phóng uy lực ra ngoài, và con không thể sáng tạo bất cứ cái gì nếu con không có ý chí sáng tạo. Do đó con có thấy chăng là thày không muốn con nhìn uy lực và ý chí như đức tính cố định, như tiêu chuẩn mà con phải sống theo. Thày đã nói gì về tiêu chuẩn? Nó giết sự sáng tạo. Nhưng con có nghĩ thày, là Chân sư MORE, Thượng sư của Tia thứ Nhất của Nỗ lực Sáng tạo, muốn giết sự sáng tạo của con? Nếu con nghĩ vậy, thì thày có thể bảo đảm với con là con sẽ thấy điều này không đúng nếu con chịu dùng khả năng lý luận của mình.

Thày không phải là người muốn giết sự sáng tạo của con. Tự ngã của con, các tà lực và thày giả muốn làm điều này, nhưng thày thì không, vì thày, chân sư MORE, chỉ muốn con hơn nữa. Và con hơn nữa qua sự sáng tạo. Và con chỉ sáng tạo khi con sẵn sàng thử nghiệm. Và con chỉ sẵn sàng thử nghiệm khi con nhìn vào nỗi sợ phạm lỗi và tự hỏi: “Có điều gì con yêu thích hơn nỗi sợ phạm lỗi không? Trong con có sự yêu thích nào mạnh hơn nỗi sợ phạm lỗi không?”

Thày không muốn nói tới lòng yêu thích muốn mình đúng dựa trên một tiêu chuẩn thế gian, tuy rằng đây có khi là một điểm khởi đầu. Thày muốn nói tới tình yêu thương cái gì hơn mọi tiêu chuẩn. Vì chỉ khi con vượt lên trên tiêu chuẩn con mới có thể sáng tạo.          

Nếu ngồi trong vườn hồng không giúp được người đệ tử, thì thày có một khu khác trong khu nhập thất của thày. Chắc con cũng có nghe đến kho sử liệu akasha. Kho sử liệu akasha có thể coi như một trường năng lượng có độ rung rất thanh hay cao, vượt rất xa các rung động trong cõi vật chất. Những rung động này có khả năng ghi nhận tất cả mọi diễn biến, mọi hành động xảy ra trong vũ trụ vật chất, do đó tất cả những điều này được ghi lại như hình ảnh, giống như cuộn phim có thể xem lại.

Kho sử liệu akasha đặc biệt hữu dụng khi một dòng sống rời bỏ xác thân và duyệt xét lại cuộc đời vừa qua của mình. Vì nhiều khi dòng sống đã quên hay có một cái nhìn méo mó về những chuyện đã xảy ra. Do đó, các thày có thể trở về kho sử liệu và chiếu lại hoàn cảnh thực, vì cái gì được ghi nhận trong kho sử liệu chỉ là sự kiện đã xảy ra, không có những cảm xúc và trải nghiệm nội tâm của những người trong cuộc.

Khi người đệ tử thấy những gì được ghi trong kho sử liệu akasha, y trải nghiệm chuyện xảy ra một cách hoàn toàn trung hòa không cảm xúc. Y có thể nhìn câu chuyện một cách khách quan – thấy nó như nó là – do đó giúp y dễ dàng buông bỏ, ghi nhận điều xảy ra và được chữa lành. Dĩ nhiên, có sử liệu khác ghi nhận các cảm xúc và các rung động này cũng cần được xóa bỏ trước khi người đệ tử thực sự buông bỏ.

11.6. Vẽ lên tấm vải vẽ của tiềm thức

Trong khu nhập thất của thày, thày cũng có một căn phòng có một màn ảnh 180 độ có thể chiếu lên bất cứ hình ảnh nào. Thày cũng có một dụng cũ giống như máy rà hình, tương tự như máy rà hình trong bệnh viện trên trái đất nhưng tinh vi hơn. Máy này có thể rà tiềm thức – gồm các thể xúc cảm, lý trí và bản sắc của tâm – của người đệ tử. Tác dụng là màn ảnh lớn trở nên một tấm vải vẽ trên đó người đệ tử có thể vẽ bất cứ gì mình muốn. Tiến trình xảy ra như sau.

Người đệ tử ngồi xuống và máy rà hình rà tâm của y. Máy rà hình phát hiện tất cả các điều kiện mà người đệ tử có trong tiềm thức. Sau đó, máy phát lên màn ảnh một tấm vải vẽ trắng giống như tấm vải vẽ của người họa sĩ. Tuy nhiên, kích thước của tấm vải vẽ – và con nên nhớ là màn ảnh rất lớn và chiếm nửa căn phòng – được chiếu như một phần màu trắng trên màn ảnh tùy thuộc vào những điều kiện mà người đệ tử có trong tâm. Càng nhiều điều kiện, tấm vải vẽ càng nhỏ.

Bên cạnh người đệ tử có một bảng pha màu gồm cọ và màu, và bảng pha màu này cũng tùy thuộc các điều kiện. Càng nhiều điều kiện, càng ít màu ít cọ. Có đệ tử chỉ có một cọ và chỉ có màu đen để vẽ trên một tấm vải vẽ trắng nhỏ – có khi nhỏ đến độ hầu như không có chỗ để vẽ gì vào.

Người đệ tử được giao công việc vẽ lên tấm vải vẽ màu trắng – vẽ gì cũng được. Một số đệ tử coi đây là một thách đố lớn. Những người có nhiều điều kiện nhất có tấm vải vẽ nhỏ nhất và ít màu nhất, nhưng tuy vậy họ không biết phải chọn màu gì, họ không thể quyết định vẽ cái gì. Họ nhìn thày với con mắt hoảng sợ và muốn thày nói họ phải vẽ gì lên tấm vải vẽ của đời mình. Họ muốn có quy luật, tiêu chuẩn mà họ có thể áp dụng, và như vậy biết chắc là mình đang làm đúng và không làm gì sai.

Nhưng con yêu dấu, con có thấy chăng: ở đây không có đúng sai. Vì mục đích không phải là vẽ một bức tranh. Mục đích là giúp con thẩm định các điều kiện đang hạn chế sự sáng tạo của mình.

Thày rời căn phòng để lại người đệ tử một mình, và trở lại một lúc sau để xem người đệ tử đã vẽ gì. Có khi thày trở lại nhưng y không vẽ được gì cả. Lúc đó thày cho y thêm thì giờ. Nhưng vẫn có một số đệ tử bị giam trong điều kiện đến độ họ không dám vẽ gì cả. Có người thày không thể giúp được và đành phải gửi trả họ về quán ăn miễn phí là nơi họ có thể đi thêm một vòng nữa và nhận được chút ít hơn những gì họ có thể nhận lúc này.

Với những đệ tử đã vẽ được một cái gì, thì thày tìm cách giúp họ bằng cách hỏi: “Khi con vẽ hình này – khi con nhìn hình này – thì năng lượng của con lên hay xuống? Con có phản ứng gì? Trạng thái tâm của con thế nào khi con vẽ và nhìn hình?”

Thày giúp họ thấy đây không phải là một kỳ thi khảo hạch. Đây không giống các chương trình truyền hình trong đó có một số giám khảo đưa ra những lời bàn vô duyên về những gì người khác sáng tạo. Thày không ở đây để bàn về tấm hình của con. Thày ở đây để giúp con thấy trạng thái tâm mình và thấy mức độ tự do – hay nhiều khi là thiếu tự do – của mình khi biểu lộ chính mình một cách sáng tạo.

11.7. Sáng tạo qua các luân xa

Sau khi thày đã giúp người đệ tử tiếp cận cảm xúc của mình, thì thày hỏi y đánh giá tiềm năng sáng tạo của mình. Hay nói cách khác, con có thể làm hơn những gì con đã làm chăng? Nhiều khi người đệ tử trả lời: “Con có thể làm hơn nếu con có một tấm vải vẽ lớn hơn và nhiều màu hơn”. Lúc đó là lúc thày giúp y thấy rằng thày không phải là người giới hạn kích thước tấm vải vẽ và số màu: đó là chính các điều kiện của người đệ tử. Thày có thể chỉ cho y thấy – và chiếu lên màn ảnh – cách điều kiện hạn chế biểu hiện sáng tạo.

Thày có thể chiếu lên màn ảnh từ trường và các luân xa của người đệ tử. Thày có thể cho thấy biểu hiện sáng tạo vận hành ra sao qua các luân xa. Thày có thể cho thấy là mỗi luân xa có những cái được gọi là cánh hoa, vì luân xa có thể so sánh với một đóa hoa. Nhưng những cánh hoa này thực sự là những van hay cổng cho ánh sáng vào. Trong nhiều trường hợp người đệ tử đã đóng hầu hết các cổng này trong luân xa, do đó có rất ít ánh sáng chảy xuyên qua luân xa.

Sau đó, thày cho thấy những luân xa có cổng bị tắc nghẽn. Và thày cho thấy là sự tắc nghẽn được tạo ra bởi điều kiện mà người đệ tử đã chấp nhận. Và thày cho thấy là nếu điều kiện được buông bỏ thì có nhiều ánh sáng chảy qua luân xa hơn, và lúc đó tấm vải vẽ sẽ rộng lớn và số màu sẽ tăng lên. Qua cách này, thày có khi – đúng thật là thường khi – giúp người đệ tử thấy được một số điều kiện và dần dần buông bỏ chúng để mở rộng tấm vải vẽ và gia tăng số màu trong bảng pha màu.

Nhiều đệ tử đáp ứng rất tốt, và họ hăng hái làm công việc buông bỏ điều kiện để tăng kích thước bức vải vẽ. Dĩ nhiên là thày cho họ thấy bức vải vẽ có tiềm năng lớn thế nào. Thày có thể cho họ thấy khi họ sẵn sàng – có nghĩa là họ thấy mà không quá nản chí – những bức hình mà các đệ tử khác đã vẽ. Thày chỉ cho thấy những bức hình đẹp tuyệt vời khi đệ tử dùng được toàn bộ bức vải vẽ và bảng pha màu.

Nhưng thày cũng cho họ thấy là các đệ tử này đã bắt đầu với một bức vải vẽ rất nhỏ và một bảng pha màu giới hạn, giống như họ vậy. Qua đó, thày chỉ cho thấy sự khác biệt giữa tiềm năng sáng tạo và khả năng sáng tạo hiện nay của họ, và cho thấy chính các điều kiện và không gì khác đã hiển nhiên hạn chế tiềm năng sáng tạo của họ.

Đây là một công việc rất hữu ích, và người đệ tử thường đáp ứng rất tốt. Cũng có người không buông bỏ được hình ảnh Thượng đế giận dữ và phê phán, và tiếp tục chối cãi họ không phải là người đã quy định điều kiện của họ. Có khi những đệ tử đó phải trở lại xếp hàng trong quán ăn miễn phí. Cũng có người phải trở lại Trường Đời Cay đắng vì họ không chịu nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời mình.

11.8. Quyết định gia tốc

Ở tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày – ở tầng tâm thức 50 – công việc của con là tình thương. Công việc của con là trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Nhưng trải nghiệm tình thương thực sự chỉ đặt nền móng cho bước kế tiếp. Bước kế tiếp là sử dụng Tia thứ Tư, được coi là tia của tinh khiết. Nhưng tinh khiết là gì? Đó là điều xảy ra khi cái có độ rung thấp được gia tốc lên độ rung cao hơn.

Làm sao con khiến một cái gì trở nên tinh khiết? Bằng cách gia tốc độ rung của nó. Do đó, con sẽ phải tới chỗ nhìn nhận một cách ý thức con thương yêu cái gì hơn nữa – con thương yêu sự biểu hiện sáng tạo của mình, bản thể cao của mình, và tiềm năng sáng tạo của mình. Và con yêu tiềm năng này nhiều đến độ con sẵn sàng nhìn chính mình và thấy cái gì hạn chế sự biểu hiện sáng tạo chính là những điều kiện mình đã chấp nhận và cho phép hiện hữu trong tâm thức.

Lúc đó con lấy quyết định: “Vâng, con sẵn sàng gia tốc mình vượt lên trên các điều kiện này. Con sẵn sàng gia tốc ý niệm bản ngã vượt lên trên tiêu chuẩn con đã chấp nhận. Con bây giờ thấy tiêu chuẩn này dựa trên tâm thức sa ngã, tâm thức phản-Ki-tô. Con sẽ không bị hạn chế bởi tiêu chuẩn này nữa. Con muốn gia tốc ý niệm bản ngã vượt lên trên tiêu chuẩn đó, và con gia tốc mình vượt lên trên tiêu chuẩn đó.”

Nhưng con có thấy chăng, con không thể lấy quyết định này nếu con chưa trải nghiệm, ít nhất là một thoáng, tình thương vô điều kiện. Con yêu dấu, tại sao lại như vậy? Vì trở nên hơn nữa là một tiến trình sáng tạo, và một tiến trình sáng tạo thì không ép uổng được. Nó không thể dựa trên sợ hãi, nó phải dựa trên tình thương. Con thương yêu cái hơn, do đó con sẵn sàng gia tốc mình lên một tầng cao hơn để cái hơn đó chảy qua con.

Chắc con đã bắt đầu thấy là Hiện diện TA LÀ của con là nguồn gốc của sự sáng tạo của con, và Hiện diện TA LÀ muốn thể hiện đầy đủ sự sáng tạo của nó như món quà giúp nâng trái đất lên một mức cao hơn. Nhưng Hiện diện TA LÀ của con chỉ có thể thể hiện sự sáng tạo của nó qua con. Con có tiềm năng – con, cái Ta Biết – có tiềm năng trở về trạng thái nhận biết thuần khiết, khi đó con trở thành cánh cửa mở, cánh cửa hoàn toàn mở. Và con thấy vì tiêu chuẩn của con, vì các điều kiện của con, con chưa là cánh cửa mở hoàn toàn. Con chỉ mở cánh cửa một phần, đôi khi chỉ mở chút xíu.

Khi con nhận ra điều này – khi con trải nghiệm tình thương vô điều kiện của Hiện diện TA LÀ dành cho con và muốn biểu hiện qua con – thì con có thể lấy quyết định từ cốt lõi bản thể mình. Quyết định này không đi qua phin lọc của cái ta vỏ ngoài và cá tính, vì cái ta vỏ ngoài đựa trên sợ hãi và chỉ có thể quyết định dựa trên sợ hãi. Con yêu dấu, Tia thứ Nhất là tia của ý chí, và ý chí thật dựa trên tình thương – ngược với ý chí giả dựa trên sợ hãi.

Ở đây có một điểm tế nhị con cần xem xét. Có đệ tử tới khóa nhập thất của thày quá sợ lấy quyết định sai nên họ không chịu lấy bất cứ quyết định gì. Họ muốn thày nói cho họ biết phải làm gì. Với các đệ tử này, thày không làm được gì khác hơn là gửi họ về quán ăn miễn phí. Thày chỉ có thể khởi sự tích cực làm việc với một đệ tử khi đệ tử này ít nhất chịu lấy quyết định. Nhưng dĩ nhiên lúc đầu – đặc biệt là các đệ tử đã xuống dưới tầng tâm thức thứ 48 – họ chỉ có thể lấy quyết định dựa trên sợ hãi.

11.9. Quyết định dựa trên sợ hãi

Thày muốn nói gì khi thày nói tới quyết định dựa trên sợ hãi? Đó là một quyết định phản ứng lại điều gì con cảm thấy bị áp đặt lên con. Con hãy nhìn cuộc đời mình và thấy có những điều kiện mà con cảm thấy đang hạn chế con. Đó có thể là người khác, có thể là cha mẹ con, người phối ngẫu, thày giáo hay một người có uy quyền, nhưng con cảm thấy họ quy định một số hàm số – họ đặt trên con môt số yêu cầu – và con lấy một quyết định né tránh phản ứng tiêu cực từ các người đó.

Đó là một thí dụ điển hình của một quyết định dựa trên sợ hãi. Con sợ phản ứng tiêu cực, do đó con lấy quyết định né tránh nó. Hầu hết các quyết định của con là quyết định né tránh; con tìm cách né tránh không cho chuyện xấu xảy ra. Tuy thế, lấy những quyết định này còn tốt hơn là không quyết định gì cả, vì ít nhất con đang hành động. Lúc đó, thày có thể làm việc với con và hướng quyết định con về hướng khác bằng cách giúp con nhận ra tiêu chuẩn, lý luận với con và dẫn con tới chỗ con nhận ra con cần trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Và do đó, con cần buông bỏ điều kiện để chấp nhận tình thương.

Một khi một người đã trải nghiệm một thoáng tình thương vô điều kiện, y có thể dùng lý luận để bắt đầu hiểu là có một mức quyết định không do sợ hãi, không để né tránh cái xấu. Con lấy quyết định tích cực dựa trên tình thương yêu cái hơn nữa và lòng mong muốn trải nghiệm một cái gì tích cực, một cái gì tốt.

Vì dĩ nhiên khi con bị giam trong sợ hãi, con nghĩ là bất cứ quyết định nào cũng sẽ dẫn tới điều xấu. Vì con quá chú tâm tới tiềm năng của chuyện xấu nên con không thấy sự thực hiển nhiên là một quyết định cũng có thể dẫn tới điều tốt. Nó có thể dẫn tới tiến bộ, nhưng không lấy quyết định không dẫn con tới đâu hết.

11.10. Sự thực về ý chí Thượng đế

Đây là ý chí cao. Ý chí của Thượng đế hoàn toàn tích cực. Con yêu dấu, con hãy nghĩ xem. Con có thực sự nghĩ là Thượng đế sợ hãi? Nếu con tin vào hình ảnh thượng đế giận dữ và phê phán thì con đã gián tiếp tin rằng thượng đế sợ hãi. Vì nếu thượng đế giận dữ, thì nỗi giận này từ đâu tới? Nó tới từ sợ hãi. Nếu thượng đế phê phán, thì nhu cầu phê phán này từ đâu tới? Nó tới từ sợ hãi. Con thấy chăng, hình ảnh phổ biến của một Thượng đế giận dữ và phê phán ở trên trời thực sự là một hình ảnh dựa trên sợ hãi. Nó miêu tả Thượng đế như một Thượng đế hành xử dựa trên sợ hãi.

Dĩ nhiên là ma quỷ ước mơ là Thượng đế sợ ma quỷ và quyền lực của ma quỷ. Quả thực có người trên trái đất tin điều này, tin rằng ma quỷ có quyền năng nào đó khiến Thượng đế phải sợ. Nhưng dĩ nhiên là Thượng đế thật, Thượng đế thật của tình thương vô điều kiện, không sợ bất cứ cái gì. Trong ngài không có sợ hãi.

Ý chí của Thượng đế không dựa trên sợ hãi; quyết định của Thượng đế không dựa trên sợ hãi. Và ý chí của Thượng đế là con có quyền tự quyết, và ý chí của Thượng đế là con thực thi quyền tự quyết theo ý con muốn. Nhưng ý chí và viễn quan cao nhất của Thượng đế là con thực thi quyền tự quyết dựa trên tình thương và tất cả quyết định của con giúp con trở nên hơn nữa, giúp bầu cõi vật chất trở nên hơn nữa, sẽ rốt cuộc giúp đấng Sáng tạo trở nên hơn nữa. Đây là tiến trình của sự sống trong đó mọi thứ đều trở nên hơn nữa.

Tiến trình này đã tạm thời bị đảo ngược trên trái đất, và trái đất quả thực đã là một trường học cho nhiều dòng sống bị giam trong tâm thức sợ hãi. Nó là một loại chặng giữa thiên đàng và địa ngục. Trái đất không phải là một hành tinh cao, như thày đã từng nói trước đây.

Điều thày muốn nói là sẽ có một lúc con phải dùng ý chí để gia tốc mình vượt lên trên tiêu chuẩn của mình, cái tiêu chuẩn đang hạn chế sự sáng tạo của mình. Nhưng ý chí này, quyết định này không thể dựa trên tâm vỏ ngoài thấm đậm sợ hãi. Nó phải dựa trên tình thương vì chỉ như vậy nó mới gia tốc ý niệm bản ngã của con.

Có nghĩa là con có thể thực sự tới chỗ đã bắt đầu con đường đi lên, nhưng con vẫn nghĩ mục đích của con đường tu là kiện toàn cái ta vỏ ngoài và khiến cái ta vỏ ngoài sống theo tiêu chuẩn nào đó. Con nghĩ rằng nếu con kiện toàn cái ta vỏ ngoài theo tiêu chuẩn đó, thì thày sẽ phải chấp nhận con – cái ta vỏ ngoài – và Thượng đế phải chấp nhận cái ta vỏ ngoài. Đó là điều mà Giê-su đã giảng trong ẩn dụ về bữa tiệc cưới:

Con tưởng con có thể nhập tiệc cưới mà không mặc áo cưới. Áo cưới được dệt bằng tình thương; nó không được làm bằng sợ hãi.

Con có thể có hình ảnh một hiệp sĩ thời Trung cổ đội mũ sắt và mặc áo giáp sắt che khắp thân. Đây không phải là áo cưới, đây là một dụng cụ dựa trên sợ hãi được thiết kế để bảo vệ con khỏi những cú đánh mà con sợ sẽ tới. Chỉ khi nào con buông bỏ nỗi sợ và dệt chiếc áo không đường may, chiếc áo cưới, thì con mới bắt đầu thăng vượt sợ hãi. Và chỉ lúc đó con mới vào được tiệc cưới.

11.11. Một tiệc mừng ở Darjeeling

Dĩ nhiên là lúc này con chưa thể vào tiệc cưới, vì chiếc áo không đường may – chiếc áo cưới – phải được dệt với chỉ của cả bảy tia sáng. Tuy nhiên – một khi con đã thoáng trải nghiệm tình thương vô điều kiện – con đã thực sự bắt đầu công việc dệt áo cưới của mình. Và con sẽ tiếp tục kiện toàn nó, đây chỉ là một cách nói, khi con tiến dần lên tầng 96.

Sẽ có lúc cách duy nhất để tiến triển là con quyết định gia tốc ý niệm bản ngã, không phải là vượt lên trên mọi tiêu chuẩn nhưng chắc chắn là vượt lên trên tiêu chuẩn của con lúc đó, và quyết định này phải dựa trên tình thương. Khi con lấy quyết định này, thày cảm thấy một niềm vui trong tim lớn đến độ thày không diễn tả nổi. Khi một đệ tử đã trải nghiệm tình thương vô điều kiện và quyết định gia tốc mình dựa trên tình thương, thì đây là một cơ hội để ăn mừng ở khóa nhập thất của thày.

Đây thực sự là mục đích của công việc của các thày; đây là một phần thưởng quý giá. Không có nghĩa là thày đã làm xong công việc với người đệ tử đó, nhưng có nghĩa đây là một bước cơ yếu trên con đường tu. Và đây là một lý do quá lớn để vui mừng, nên thày luôn luôn tổ chức một tiệc mừng người đệ tử. Giống như những lễ thuộc một số truyền thống Cơ đốc giáo mà con thấy trên trái đất, khi một em trẻ được chứng minh, và sau đó có một bữa tiệc trong đó em được nhận quà và nhiều lời chúc tụng. Thày có một buổi lễ không hoàn toàn giống nhưng tương tự để ăn mừng sự tiến triển của người đệ tử, và thày phải nói, với khá nhiều nghi thức long trọng.

Và thày mong mỏi con có được buổi lễ đó. Thày mong muốn thấy con tới chỗ cảm được tình thương vô điều kiện tới từ cõi cao ngay cả khi con tỉnh thức và ý thức .