Uy lực và tự do

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/2/2013.

TA LÀ chân sư MORE, và thày tự do. Con sẽ tự do với thày chăng? Đó là câu hỏi mà con có thể tự hỏi mình. Và con có thể xem câu hỏi này là cơ hội để đứng lùi lại, xem các bài giảng trước của thày và tự đặt câu hỏi: “Con có thể tự do với Chân sư MORE không?”

Con hãy tưởng tượng con và thày đi vào khu vườn xung quanh khu nhập thất của thày tại Darjeeling. Chúng ta tìm thấy một nơi yên tĩnh, ngồi xuống, và ở đây chỉ có hai thày trò chúng ta. Chúng ta có thể nói bất cứ chuyện gì con muốn. Con sẽ cảm thấy tự do đến đâu trong tình huống đó?

Con có cảm thấy đủ tự do để chia sẻ với thày những quan tâm về cuộc đời, những quan tâm về sự tăng triển của mình, về trạng thái tâm thức của mình? Con có cảm thấy đủ tự do để hỏi bất cứ câu hỏi nào, hay có câu hỏi con ngại hỏi vì con sợ nghe câu trả lời của thày?

Con thấy chăng, điều thày muốn giải thích là khóa nhập thất của Tia thứ Nhất là nơi đầu tiên các sinh thể tâm linh tìm đến khi họ sẵn sàng đi con đường tu cao hơn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chân sư thăng thiên, của các Thượng sư. Điều này có nghĩa là con không cần ở tầng tâm thức thứ 48 khi đến nhập thất với thày. Con cần tới một bước ngoặt, là nơi con thành thật mong muốn điều gì hơn là cứ lặp đi lặp lại những khuôn nếp cũ, như con đã làm trong một thời gian dài.

17.1. Con tự do đến đâu?

Khi con có ước muốn trở nên hơn nữa, con có thể tham dự khóa nhập thất của thày trong các thể cao của mình. Lúc ấy, thày sẽ cố gắng giúp con tùy theo tầng tâm thức của con và ý muốn vượt qua tầng tâm thức đó. Con thấy chăng, ta có thể nói mức độ tự do của con định đoạt khả năng giúp đỡ của thày. Đây là tự do đứng lùi lại và nhìn trạng thái tâm thức hiện nay, phin lọc nhận thức hiện nay, cách nhìn đời của con. Con có sẵn sàng đứng lùi lại, tự do nhìn vào tâm thức hiện nay của mình và nhận ra: “Tôi không còn muốn ở tầng tâm thức này nữa, tôi muốn lên cao hơn?”

Nhiều học viên đến đây có rất ít tự do chất vấn cách họ nhìn cuộc đời. Họ thường cảm thấy kẹt cứng trong một khuôn nếp. Họ chỉ có một cách nhìn cuộc đời. Họ không muốn hay không có khả năng nhận ra cách họ nhìn cuộc đời hiện nay chỉ là một trong nhiều cách và có nhiều cách nhìn khác – và chỉ xem xét các cách này họ mới có cơ hội vượt lên trạng thái tâm thức cao hơn. Vì nếu con tiếp tục nhìn đời theo cách con nhìn hiện nay mà không chất vấn, thì làm sao con có thể bước lên tầng cao hơn? Chuyện giản dị như vậy, phải không con?

Con có cảm thấy đủ tự do để lùi lại và nhìn vào trạng thái tâm thức hiện nay của mình, hoặc hỏi thày: “Chân sư MORE, xin thày chỉ cho con thấy con đang ở tầng tâm thức nào. Xin thày chỉ cho con thấy điều gì đang kềm giữ con ngay bây giờ, ngăn cản con đi bước kế tiếp lên tầng cao hơn.”

17.2. Khuôn nếp phản ứng của con

Con có thể nhận ra yếu tố chính là mức độ con cá nhân hóa những chuyện xảy ra trong cuộc đời mình. Con hãy sẵn sàng nhìn vào đời mình và nhận ra những hoàn cảnh khi người khác nói hay làm điều gì, và con coi điều đó như một tấn công vào chính cá nhân mình. Con cảm thấy người khác tấn công con, chế giễu con, tìm cách miệt thị con, tìm cách làm con xấu hổ, tìm cách làm con tức giận. Và vì vậy, con rơi vào khuôn nếp phản ứng mà con có thể thấy rõ – nếu con chịu nhìn.

Sau đó, con hãy sẵn lòng tự hỏi những phản ứng này từ đâu đến. Khuôn nếp phản ứng này từ đâu đến? Và con hãy nhận ra nó đến từ một chỗ giản dị: nó đến từ các phàm linh mà con đã cho phép xâm nhập vào các thể thấp của con hay con đã tạo ra trong các thể thấp của con.

Khi con biết rằng con là cái Ta Biết – khi con biết con đã trải nghiệm thoáng qua nhận biết thuần túy – con có thể thấy rằng cái Ta Biết, vốn đơn giản là nhận biết thuần túy, không thể thấy những chuyện xảy ra trên thế gian như dính dáng đến cá nhân nó. Bởi vì nó biết nó không phải là thân thể, nó biết nó không phải là tâm phàm, nó biết nó không phải là các phàm linh. Vậy thì đâu có lý do gì con cảm thấy cá nhân mình bị tấn công? Con thấy chăng, cái Ta Biết không xem những chuyện xảy ra dính dáng đến cá nhân nó. Con chỉ thấy một chuyện xảy ra dính dáng đến cá nhân mình khi con nhìn hoàn cảnh xuyên qua phin lọc của một phàm linh.

Thày Saint Germain có nói (Xuôi theo Dòng sông sự Sống) là khu nhập thất chính của thày được gọi là Hang Biểu tượng. Thày có khả năng giúp con nhìn thấy biểu tượng đang kìm hãm con, đang hạn chế con. Nhưng giáo lý này đã được đưa ra trước khi Đại thượng sư giảng về các phàm linh. Vì vậy, bây giờ con thấy tuyến phản ứng đầu tiên thực sự là phàm linh. Nhưng tất nhiên phàm linh được tạo ra từ một khuôn đúc tư tưởng, đó là cái thày Saint Germain gọi là biểu tượng vì nó là chỉ là một biểu tượng. Nó không có thật. Nó chỉ là một khuôn đúc tư tưởng được tạo ra trong tâm. Và nó được tạo ra dựa trên một cái nhìn hạn hẹp, chọn lọc về cuộc đời.

Do đó, con có thể thấy là khi một phàm linh được tạo ra, nó được tạo ra dựa trên một biểu tượng, dựa trên một cách nhìn cá biệt về cuộc đời. Đây là một cách nhìn đời mà con chấp nhận vì một điều gì đó đã xảy ra cho con trên trái đất, hoặc con đã quyết định tạo ra để đối phó với một số tình huống trên trái đất.

17.2. Đối phó với tự tấn công

Thày đã nói gì với con trước đây? Hành tinh này là một hành tinh đen tối với nhiều sa nhân hiện thân và nhiều sinh thể bị kẹt trong tâm thức sa ngã. Họ chỉ có thể thấy mình như sinh thể tách biệt, họ chỉ có thể thấy mình đối lập với người khác, ganh đua với người khác, luôn tìm cách nâng mình lên bằng cách hạ người khác xuống. Khi con biểu lộ bất cứ tính sáng tạo nào, bất cứ tính tâm linh nào, họ cảm thấy bị đe dọa và do đó họ muốn miệt thị con. Đó là lý do vì sao, ngay từ lúc con hiện thân ở đây và dám biểu lộ động lực sáng tạo của mình, con đã bị chế giễu, miệt thị và tấn công qua nhiều cách: thể chất, tình cảm, tư tưởng và thậm chí ở tầng bản sắc.

Con đã làm gì, khi con là một dòng sống mới đến đây với những ý định tốt đẹp nhất và cảm thấy mình như một đứa trẻ ngây thơ, rồi con đã bị tấn công dữ dội bởi những người lớn này. Họ chỉ có một mong muốn là miệt thị, khóa miệng hoặc tiêu diệt con, nếu họ cần tiêu diệt con, để ngăn cản con biểu lộ động lực sáng tạo của con.

Điều con đã làm là con không biết phải hành xử ra sao, và do đó con đã tạo ra một phàm linh để đối phó với tình huống này. Phàm linh này được tạo ra dựa trên ý niệm bản ngã hạn chế mà con có lúc đó. Và do đó, con đã không thể nhìn tình huống một cách rõ ràng bằng Hiện diện TA LÀ của con. Con đã quên rằng con là cái Ta Biết, tức là nhận biết thuần khiết và do đó không cần phải phản ứng với bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất nhưng có thể cho phép Hiện diện phản ứng.

Con đã tin rằng con phải phản ứng với mọi chuyện xảy ra trên trái đất với mức độ tự nhận biết lúc đó của con. Do đó, con đã phản ứng nhưng vì con không biết phản ứng như thế nào, không muốn phản ứng, và không thấy có cách phản ứng nào xây dựng hay hữu ích, nên con đã tạo ra một phàm linh để phản ứng thay con. Và phàm linh được tạo ra dựa trên mức độ tâm thức, cách nhìn cuộc đời qua cái ta mà con mang lúc đó. Như vậy, trên bản chất nó là một phàm linh hạn hẹp. Nó chỉ có một số ít chọn lựa khi phản ứng lại tình huống.

Một khi phàm linh được tạo ra, nó bị khóa trong khuôn đúc đã tạo ra nó, đã quy định nó. Nó không có khả năng tự nhận biết để thăng vượt khuôn đúc đó, vì vậy nó chỉ có thể tiếp tục phản ứng lại tình huống một cách giản dị theo cùng một khuôn nếp. Nhưng nó có thể đi tới những hình thái ngày càng cực đoan của khuôn nếp, thí dụ nếu khuôn nếp đó là sự tức giận, thì nó có thể ngày càng tức giận nhiều hơn, cho tới khi con gần như lúc nào cũng tức giận, lúc nào cũng sẵn sàng la chửi khi có bất cứ điều gì cản trở hay làm con khó chịu.

17.4. Thấy những phàm linh đang phản ứng thay con 

Khi các học viên đến khóa nhập thất của thày và bị mắc kẹt trong những khuôn đúc này, thì thày có thể – nếu họ đã học qua sáu bước đầu tiên mà thày đã mô tả trong các bài giảng trước – đưa họ đến khóa nhập thất của thày Saint Germain tại Hang Biểu tượng. Nơi đây, các thày có thể chỉ cho học viên thấy trên một màn ảnh là chính các phàm linh đã phản ứng khi họ nhìn sự việc như tấn công cá nhân họ.

Tất nhiên, phản ứng không phải lúc nào cũng là tức giận. Nhiều khi có những cảm xúc khác. Nhiều người tâm linh cảm thấy xấu hổ hay bị chế giễu khi chọ cảm thấy không được người khác chấp nhận. Trước hết, các thày chỉ cho học viên thấy là phản ứng của họ không phải là một phản ứng sáng tạo, một kết quả của lựa chọn. Họ chỉ đơn giản phản ứng một cách tự động, và trong một số trường hợp, họ hoàn toàn rút lui không dùng khả năng tự nhận biết và để phàm linh làm chủ phản ứng của mình.

Các thày chỉ cho họ thấy phàm linh phản ứng ra sao . Các thày chỉ cho họ thấy phàm linh trông như thế nào, thường thì không đẹp đẽ lắm đâu. Sau đó, các thày cho thấy phàm linh phản ứng ra sao, nhưng các thày cũng cho thấy cái gì phóng tới khiến phàm linh phản ứng. Các thày cho thấy cái phóng tới không phải là một phản ứng sáng tạo vì hành động tấn công, chế giễu hay miệt thị không phải là một phản ứng sáng tạo từ người kia.

Người kia cũng đã cho phép một phàm linh làm chủ tâm họ, và do đó chính phàm linh hung hãn này đang tấn công con. Và nay con phản ứng lại nó với một phàm linh hung hãn của chính mình hay với một phàm linh thụ động quy phục sự tấn công. Phàm linh thụ động tìm cách giải quyết bằng cách giữ nó trong tâm, đưa đến tự trách mình, hay cảm thấy mình ngu ngốc, cảm thấy bị chế giễu, xấu hổ hoặc giận mình tại sao không tự vệ hay tấn công lại.

Con thấy chăng, khi con tới khóa nhập thất của thày Saint Germain và nhìn lên màn ảnh, con thấy là phản ứng của con là một phàm linh, nhưng tấn công cũng là một phàm linh. Như vậy, có một phàm linh tấn công con và có một phàm linh khác phản ứng lại cuộc tấn công. Khi con đã học qua sáu cấp của khóa nhập thất của thày, thì thường con sẵn sàng nhận ra thật là vô nghĩa nếu con cho phép cuộc đời mình và sự chú ý của mình bị tiêu hao trong những cuộc phàm linh tấn công và tự vệ chống lại sự tấn công của phàm linh khác. Con nhận ra điều này tiêu hao cuộc đời và sự chú ý của con, và con quyết tâm nói rằng; “Ngưng lại! Tôi sẽ không cho phép phàm linh tước đi tự do của tôi.”

Và tất nhiên, con có thể tiến thêm bước nữa và nhìn vào phàm linh đang điều khiển đời mình – là phàm linh chính mà con cho phép làm chủ phản ứng của mình trước hoàn cảnh sống đang bận tâm con. Con nhận ra rằng cách duy nhất để thực sự thoát khỏi phàm linh là con phải lấy quyết định không cho phàm linh này kiểm soát phản ứng của mình trước loại tình huống này nữa. Vì con thực sự sẵn sàng sử dụng uy lực và ý chí của mình để lấy quyết định sáng tạo về cách phản ứng trước những tình huống này.

17.5. Lấy quyết định sáng tạo

Thày muốn nói gì khi nói tới quyết định sáng tạo? Đó là khi con có tự do phản ứng theo cách mà con chưa từng làm trước đó. Con tự do phản ứng theo cách con muốn phản ứng, không để một phàm linh nào làm chủ phản ứng của con. Con sẵn sàng quyết định và nói: “Vâng, tôi thấy là tôi đã tạo ra một phàm linh. Tôi thấy rằng trong quá khứ tôi đã phản ứng nhiều lần theo cách này trong tình huống như thế. Nhưng tại sao bây giờ tôi lại bị ràng buộc bởi cách mà tôi phản ứng trong quá khứ? Đây không phải là tự do quyết định. Tôi không dùng sức mạnh ý chí của mình khi tôi cho phép một phàm linh làm chủ phản ứng của tôi bởi vì tôi không muốn lựa chọn. Vậy bây giờ, tôi lấy lại sức mạnh ý chí của mình, và tôi sẵn sàng lựa chọn. Vì tôi nhận ra phàm linh mà tôi tạo ra nhiều kiếp trước đây, đã được tạo ra với trạng thái tâm thức của tôi vào lúc đó, ý niệm bản ngã của tôi vào lúc đó. Nhưng tôi đã tăng triển. Tôi đã mở rộng ý niệm bản ngã của mình. Vì vậy, tôi có khả năng và ý muốn phản ứng một cách chín chắn hơn, có ý thức hơn và có nhận biết nhiều hơn so với trước đây.

Con có thấy chăng? Tự do có thể bị mất nếu không chịu lấy quyết định. Nhưng không thể có tự do nếu không chịu lấy những quyết định có ý thức, có chủ tâm và có cân nhắc. Con có thể nghĩ tự do là cái gì đó thụ động, là trạng thái không có gì bên ngoài cản trở con. Nhưng đây không phải là tự do.

Tự do là một lực tích cực. Phải có uy lực mới có tự do, và uy lực chỉ có thể phát huy qua ý chí. Con không thể có tự do bằng cách thụ động và hy vọng không ai tấn công mình. Vì điều đó sẽ không xảy ra trên trái đất này, ít nhất là trong tương lai gần. Vẫn còn quá nhiều dòng sống có tâm thức sa ngã đang hiện thân trên trái đất, và họ sẽ tấn công con. Cuộc sống của họ bị các phàm linh làm chủ, và các phàm linh này được tạo ra bởi một khuôn đúc hung hãn và tấn công. Hiện nay họ không thể sống cách nào khác.

Khi con nhận ra các điều này, con bắt đầu ngưng cá nhân hóa cuộc đời mình. Vì con nhận ra rằng những người đang tấn công hay chế giễu con không thực sự chế giễu cá nhân con. Thậm chí họ còn không thấy con, vì họ chỉ thấy con qua phin lọc của phàm linh đang khống chế tâm thức họ. Phàm linh này nhìn sự việc qua khuôn đúc đã quy định nó. Thật ra điều phàm linh thấy là thấy cái khuôn đúc. Nó không nhìn thấy con thực sự là ai. Nó không có khả năng nhìn thấy con thực sự là ai. Nó chỉ đơn giản nhìn thấy mô thức được tạo ra trong tâm nó khi nó gặp con, trường năng lượng của con, hay phàm linh đang làm chủ cuộc đời con.

Con thấy chăng, phàm linh trong người kia không nhìn thấy con. Người kia không có ý thức, không có nhận biết. Không ai có thể tấn công, chế giễu hay miệt thị con nếu họ hoàn toàn nhận biết họ là một sinh thể tâm linh. Vì lúc đó, họ cũng sẽ nhận biết rằng con là một sinh thể tâm linh. Và tại sao một sinh thể tâm linh lại đi miệt thị một sinh thể tâm linh khác? Nhưng một phàm linh thì sẵn sàng miệt thị một phàm linh khác hay một sinh thể tâm linh khác. Người kia không thấy con là một sinh thể tâm linh, họ chỉ thấy một ảo ảnh được tạo ra trong tâm họ khi phin lọc nhận thức của họ tiếp xúc với con.

17.6. Ngưng cá nhân hóa cuộc đời mình

Khi con biết điều này – khi con bắt đầu nhận ra điều này, khi con bắt đầu nhìn thấy nó – con có thể nói: “Nếu họ không tấn công cá nhân tôi, tại sao tôi lại cá nhân hóa chuyện này? Tôi nhận ra nếu có người khác ở trong hoàn cảnh của tôi, họ cũng sẽ tấn công người đó nếu người đó đang làm những gì tôi đang làm. Vì vậy, đòn tấn công này không thực sự nhắm vào cá nhân tôi. Tại sao tôi lại cảm thấy cá nhân mình đang bị tấn công?”

Lúc đó con nhận ra rằng con, cái Ta Biết – nhận biết thuần khiết – không cảm thấy cá nhân nó bị tấn công. Chính phàm linh mà xuyên qua đó con nhìn tình huống, đang cảm thấy cá nhân nó bị tấn công. Con có thể nói là cá nhân phàm linh đang bị tấn công bởi một phàm linh khác. Hoặc con có thể nói phàm linh của con được tạo ra để cảm thấy cá nhân nó bị tấn công, và để đối phó với loại tình huống này một cách đặc trưng và cá nhân. Nhưng khi con nhận ra con không phải là phàm linh, con thấy được là con không cần cảm nhận những gì phàm linh cảm nhận. Mặc dù phàm linh coi chuyện này là một tấn công cá nhân, con không cần nhìn giống nó.

Cái “ta” đang phản ứng với tình huống là ai? Nó có phải là cùng cái “ta” đang hỏi câu hỏi này không? Và khi con nhận ra con có khả năng tự hỏi, cái ta nào đang phản ứng với tình huống, thì con nhận ra có một cái ta là cái Ta Biết và có một cái ta chỉ là phàm linh – và cái ta nghĩ nó là phàm linh không có thật. Phàm linh không có thật.

Do đó, con nhận ra con không bị ràng buộc bởi phản ứng của phàm linh. Con không bị ràng buộc bởi khuôn đúc. Con có thể quyết định sáng tạo nhìn vào khuôn đúc, xem nó hạn chế con như thế nào và nói: “Tôi không muốn nhìn tình huống qua khuôn đúc này. Tôi muốn nhìn nó một cách sáng tạo hơn. Tôi muốn có tự do nhìn tình huống với tầm nhìn cao hơn và do đó phản ứng từ tầm nhìn cao hơn.”

Đây là lúc con bắt đầu đạt được tự do, tự do ý chí, tự do biểu lộ uy lực của mình. Vì các phàm linh con tạo ra đang làm gì? Chúng đang hạn chế uy lực của con. Chúng nói rằng con không thể phản ứng với tình huống một cách sáng tạo, con phải phản ứng y như những lần trước bởi vì con phải phản ứng qua phàm linh. Con không biểu hiện quyền năng sáng tạo của mình nếu con để phàm linh phản ứng. Con càng tạo ra nhiều phàm linh, con càng hạn chế uy lực sáng tạo từ Hiện diện TA LÀ chảy qua con. Hiện diện TA LÀ làm điều này như một hồng ân cho con, để con không củng cố phàm linh hơn nữa, không để chúng hoàn toàn làm chủ cuộc đời con.

17.7. Đánh mất sự ngây thơ của mình 

Tất nhiên, những phàm linh đang tấn công con không phải là phàm linh sáng tạo. Chúng được tạo ra bởi sa nhân lúc ban đầu để ngăn cản con biểu hiện quyền năng sáng tạo của con. Sa nhân có kinh nghiệm là nếu họ tấn công những người ngây thơ thiêng liêng một cách tàn ác và bất công, thì một tỷ lệ nào đó – đúng thực là một tỷ lệ cao – sẽ bị chấn thương, bị chấn động đến độ bị lừa và đánh mất sự ngây thơ của mình, vì nghĩ rằng phải phản ứng lại đòn tấn công với một tầng mức tâm thức tương tự như tâm thức của kẻ tấn công. Vì vậy, họ nghĩ rằng họ phải tạo ra phàm linh với cùng tầng mức tâm thức để phản ứng lại những phàm linh đang tấn công.

Sư vận hành này rất tinh vi. Khi con đang ở trong tình trạng thơ ngây, con không thể nào đẩy ngược một đòn tấn công có tầng mức tâm thức thấp. Con chỉ có thể đẩy ngược một đòn tấn công bằng cách vô hiệu hóa hay chặn nó với năng lượng ở một tầng tương đương hay thấp hơn. Hành động lúc nào cũng tạo ra phản ứng. Đây là quy luật của một bầu cõi chưa thăng thiên. Và đó là lý do vì sao con dễ rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng khi có một hành động tấn công con ở một tầng rung động nào đó, con phải chống lại nó bằng một phản ứng có cùng độ rung và cùng tầng tâm thức. Và đây là nguyên nhân khiến con mất đi sự ngây thơ thiêng liêng của mình.

Vậy thày muốn nói gì đây? Phải chăng thày muốn nói, để giữ sự ngây thơ, con phải cho phép sa nhân liên tục tấn công con? Đó quả thực là điều thày muốn nói. Vì đâu có sao đâu nếu họ tấn công con và con giữ mình trong suốt để cú đánh đi xuyên qua con? Sự ngây thơ tối hậu là sự trong suốt, khi ấy bất cứ gì họ phóng tới con với tâm thức sa ngã sẽ đi xuyên qua con, bởi vì trong con không có cái gì có cùng tần số rung động cho nó tương tác.

Vì vậy thực tế sâu sắc là tà lực, sa nhân không thể buộc con phản ứng lại chúng. Chính con đã chọn lựa phản ứng ở cùng tầng cấp tâm thức. Chúng rất không ngoan lừa con nghĩ rằng phản ứng ở tầng đó cần thiết và chính đáng. Giống như chúng đã dụ những người tốt thuộc Cơ đốc giáo tham gia thánh chiến, nghĩ rằng giết đàn ông, phụ nữ và trẻ em theo đạo Hồi để giải phóng Jerusalem là điều chính đáng. Trong khi sự thực là các cuộc thánh chiến chỉ là một cuộc xung đột lớn do sa nhân và tà lực tạo ra để nuôi dưỡng phàm linh và ngăn cản con người không biểu hiện được quả vị Ki-tô bằng cách kéo họ vào một cuộc xung đột bất tận.

Con không có tự do khi con bị kéo vào chuỗi hành động-phản ứng tiếp diễn mãi mãi. Khi con đến cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, thày tìm cách giúp con thấy điều này. Một số sẽ không thấy được, và họ phải rời khóa nhập thất và quay trở lại Trường đời Cay đắng. Một số khác sợ hãi đến độ phải trở lại quán cháo từ thiện một thời gian và nhận sự chữa lành.

Một số khác nhìn thoáng thấy những phàm linh mà họ đã tạo ra và chuyện này tạo ra một vết sẹo. Khi nhìn thấy phàm linh của mình, họ phản ứng mạnh đến độ họ tạo ra một phàm linh mới. Lúc đó, họ quay trở lại tầng đầu tiên của khóa nhập thất của thày và học trở lại từ đầu, vừa học vừa nhận sự chữa lành. Hoặc họ đi đến khóa nhập thất của một trong các Thượng sư khác, nơi họ có thể nhận sự chữa lành hoặc tình thương hoặc bất cứ điều gì họ cần, cho đến khi họ sẵn sàng trở lại cấp thứ bảy. Lúc ấy họ có thể bình tĩnh nhìn vào phàm linh đang kìm hãm họ ở tầng tâm thức này và nói: “Ngươi lừa ta đủ rồi. Ngươi sẽ không kiểm soát cuộc đời của ta thêm nữa. Ngươi sẽ không kiểm soát phản ứng của ta đối với loại tình huống này nữa, và từ nay ta sẵn sàng quyết định một cách ý thức phải phản ứng như thế nào.”

17.8. Thay đổi các mối quan hệ của con

Con yêu dấu, có nhiều học viên đến khóa nhập thất của thày mà không có ý thức về những gì thày đang nói với con ở đây. Một phần lý do thày nói với con là để giúp con lưu giữ lại một số ký ức ý thức về các khai ngộ này, để con có thể áp dụng chúng dễ hơn trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng thày cũng có thể nói với con là nhiều học viên đã bắt đầu áp dụng những khai ngộ này mà không biết một cách ý thức là chúng từ đâu đến. Và tác dụng của việc đến khóa nhập thất của thày, và đạt được sự khai ngộ ở cấp thứ bảy, là học viên sẽ bắt đầu cố ý thay đổi phản ứng của mình đối với một số tình huống.

Điều này thường xảy ra trong mối quan hệ với một người khác, như cha mẹ, vợ, chồng, bạn bè hay con cái. Cũng có thể là người đồng nghiệp. Con đã gặp khó khăn khi đối xử với họ – có khi suốt nhiều năm hay nhiều chục năm – nhưng nay con chợt nhận ra rằng con không muốn tiếp tục mối quan hệ dựa trên khuôn nếp cũ này nữa.

Con đột nhiên nhận ra rằng người kia sẽ không thay đổi. Vậy nếu muốn quan hệ thay đổi, thì ai là người phải thay đổi? Người đó là con vì con ý thức hơn. Con có nhiều nhận biết hơn. Con sẵn sàng lấy quyết định hơn. Và do đó, con có thể đột nhiên nhìn vào mối quan hệ và nói: “Nếu mối quan hệ này thay đổi, và đó là điều tôi muốn, thì tôi là người phải làm điều gì đó để thay đổi cách nó vận hành. Và điều đó có nghĩa là tôi phải thay đổi phản ứng của tôi và cách tôi đối xử với người kia.”

Con yêu dấu, lúc đó con sẽ thấy rằng khi con quyết định thay đổi một cách cố ý và ý thức cách con đối xử với người kia, thì một trong hai chuyện sẽ xảy ra: hoặc người kia sẽ ngạc nhiên và bắt đầu thay đổi, hoặc, nếu người kia không thay đổi và tiếp tục phản ứng như trước, thì nhiều khi con sẽ thấy con giản dị ngưng mối quan hệ đó và chuyển sang tình trạng không phải đối mặt với loại người này.

Có những trường hợp con có lý do đặc biệt để tiếp tục duy trì mối quan hệ. Đặc biệt là khi đó là quan hệ với con cái, vợ chồng, và tất nhiên cha mẹ. Lúc đó, con sẽ thấy rằng dù người kia không thay đổi, con đã thay đổi nhiều đến độ hành vi người kia không còn làm phiền con nữa vì con không còn coi hành vi này tấn công cá nhân con. Điều này có nghĩa là con tiếp tục có mối quan hệ với người đó, nhưng con sẽ thấy mình rút lui khỏi người đó và chỉ duy trì quan hệ tối thiểu. Nhưng khi con tiếp xúc với họ, con có thể duy trì một phản ứng không cá nhân. Con có thể để người đó nói huyên thuyên như họ đã làm suốt mấy chục năm bởi vì con biết họ bị mắc kẹt trong một khuôn nếp.

Nếu đó là cha mẹ hoặc con cái của con, con thương yêu họ, con chấp nhận họ như họ là, và sau đó con chấp nhận rằng có lẽ họ sẽ không thể thay đổi trong suốt phần còn lại của cuộc đời họ. Và con nhận ra rằng con không có phận sự buộc họ thay đổi, cho dù họ là một người thân thiết với con. Con có thể cho phép mình là mình. Con có thể cho phép người kia là họ bởi vì con chấp nhận Luật Tự quyết.

Con chấp nhận rằng con đã sử dụng quyền tự quyết của mình khi con thay đổi phản ứng của mình. Con sẽ tiếp tục sử dụng quyền tự quyết bằng cách không cho phép bị tâm thức rắn lừa và nghĩ rằng con có trách nhiệm thay đổi người kia. Con cho phép người kia tiếp tục lặp lại những khuôn nếp cũ vì người đó không sẵn sàng sử dụng quyền tự quyết của mình. Nhưng con vẫn sử dụng quyền tự quyết của con bằng cách tiếp tục phản ứng với người kia một cách không cá nhân.

Con không coi cá nhân mình đang bị tấn công. Con duy trì tự do của mình. Và để duy trì phát triển tâm linh của mình, có khi con cần giữ phản ứng không cá nhân với người kia trong một thời gian dài để nó dần dần neo chặt trong bốn thể phàm của con. Và sẽ có một lúc con chứng minh cho chính mình là con có thể đương đầu với người đó, đối phó với người đó, mà không trở lại những khuôn nếp cũ mà con đã lặp đi lặp lại qua nhiều kiếp.

17.9. Không cá nhân hóa và không có nhân tính

Một lần nữa, con không nên dính mắc vào hoàn cảnh bên ngoài và kết quả của hoàn cảnh đó. Đây là một bước cốt yếu để có tự do. Một trong những cách chính mà sa nhân và những người trong tâm thức rắn dùng để cám dỗ con đi vào khuôn nếp hành động-phản ứng, là khiến con tin rằng con phải đạt được một kết quả – một kết quả vật lý – nào đó. Họ thường dùng tư duy cuồng đại cho rằng có một đại nghĩa cao cả đòi hỏi một kết quả nào đó phải được thể hiện.

Con yêu dấu, Adolf Hitler đã làm gì để lừa đối đa số dân Đức và khiến họ tin rằng trong sạch hóa chủng tộc Aryan là điều cốt yếu? Các nhà lãnh đạo cộng sản quốc tế đã làm gì để lừa dối biết bao nhiêu người và khiến họ tin rằng giết và tra tấn người khác để đem lại thiên đàng cộng sản là điều chính đáng?

Con có nghĩ rằng một người tiếp cận tâm linh của mình có thể giết hay tra tấn người khác chăng? Chuyện này không thể làm được. Chuyện này chỉ xảy ra khi người đó cho phép một phàm linh làm chủ phản ứng của mình. Vì sao người đó lại làm vậy? Đó là vì họ tin chắc là một kết quả nào đó hoàn toàn cần thiết để hoàn thành đại nghĩa cuồng đại, và do đó họ cần làm những điều mà họ không thể làm như một con người. Do đó, họ xóa cá nhân tính của họ bằng cách để một phàm linh làm chủ phản ứng và hành động của họ. Do đó, họ có thể tách cá nhân họ khỏi hành động, như vậy họ không thấy là họ đang tra tấn hay giết một con người. Họ nghĩ, vì lý do nào đó, người bị giết hay bị xô đẩy vào buồng hơi ngạt là một loài thấp hơn con người, một loài không phải là người.

Các con thấy chăng, điều thày muốn nói là con cần không cá nhân hóa cuộc đời mình. Nhưng quan niệm không cá nhân hóa có thể đi quá đà và trở thành từ bỏ nhân tính của mình và của người khác. Con cần nhận ra là phản ứng cá nhân – khi con xem cá nhân mình bị tấn công – và phản ứng vô nhân – khi con nghĩ người khác không phải là con người – đều là phản ứng của phàm linh.

Khi con bắt đầu nhận ra điều này thì con bắt đầu thực sự giải thoát mình khỏi khuôn nếp hành động-phản ứng. Con thoát khỏi sự lừa dối của sa nhân, và phản ứng chống lại hai loại sa nhân: sa nhân tấn công bằng vũ lực trắng trợn, và sa nhân tấn công con bằng lừa dối. Với loại thứ hai, con không biết mình đang bị tấn công và bị ép vào một khuôn nếp.

Khi con tới cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, thì con đã ở tầng tâm thức nơi con có khả năng dùng lý luận để thấy cách quyền lực bị lạm dụng. Con nhận ra cách khiến con người lạm dụng quyền lực là cá nhân hóa mọi việc xảy ra cho mình đồng thời lại từ bỏ nhân tính trong cách mình đối xử với người khác. Thí dụ, người Đức trong Thế chiến thứ Hai coi những điều mà họ nghĩ người Do Thái làm cho họ và cho nước Đức là tấn công cá nhân họ. Đồng thời, họ coi người Do Thái không phải là người để nghĩ rằng họ không đang giết người khi họ giết người Do Thái.

17.10. Thái cực nhị nguyên

Con có thấy phản ứng này chăng? Trong tâm thức nhị nguyên, lúc nào cũng có hai đối cực. Và đó là lý do vì sao con có cả hai khi con bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Con bị hoàn toàn mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên khi con cá nhân hóa phản ứng của mình đối với những gì con nghĩ người khác đang làm, nhưng con không cá nhân hóa hành động của con đối với họ. Vì con nghĩ họ không có quyền coi hành động của con là tấn công cá nhân họ. Vì họ là người xấu.

Do đó, con không nhận ra rằng khi con bạo tàn với họ, con cũng sai y như họ. Khi con nhận ra điều này, con có thể dùng lý luận cao để thoát khỏi phản ứng, và con bất thần ngộ ra: “Tôi không thể buộc tội họ dùng bạo lực đối với tôi trong khi chính tôi cũng đang dùng bạo lực đối với họ. Đây là đạo đức giả.”

Đây là lúc khả năng lý luận có thể giúp con thoát khỏi khuôn nếp phản ứng này. Nhưng con không làm được điều này khi con còn nhìn tình huống xuyên qua phàm linh vì phàm linh không thể lý luận xa hơn khuôn đúc của nó. Phàm linh không có ý thức cá nhân và nhiều phàm linh được tạo ra từ một khuôn đúc coi một nhóm người không có nhân tính. Phàm linh không thể phá vỡ khuôn đúc. Chúng không thể nghĩ một cách sáng tạo.

Vì vậy, khi con còn hoàn toàn đồng hóa mình với phàm linh và nhìn tình huống qua chúng, con không thể nhận ra mình đang đạo đức giả. Ví dụ, con không nhận ra rằng con đang tự xưng là một tín đồ Cơ đốc tốt trong khi việc giết phụ nữ và trẻ em Hồi giáo hoàn toàn đi ngược lại các điều răn của Ki-tô.

Bây giờ con – khi con cảm nhận tâm linh của mình – có thể thấy điều này. Nhưng khi con từ bỏ nhân tính của mình khi cho phép các phàm linh làm chủ cuộc đời mình, thì con không thể thấy điều này. Vì thực sự lúc đó con không còn là một sinh thể tâm linh nữa. Con đã trở thành một người phàm phản ứng với nỗi sợ bị người phàm khác đe dọa.

Chỉ khi nào con chợt nhận ra nhân tính cao của mình – tâm linh của mình – con mới bắt thấy mình đang làm gì và lý luận rằng con không thể cho phép mình tự xưng là người tín đồ Cơ đốc tốt, nếu con vi phạm điều răn của Ki-tô. Cũng vậy, con không thể tự xưng mình đang phục vụ một lý tưởng cao, đồng thời giết, tra tấn, miệt thị, chế giễu hay kỳ thị người khác. Vì họ cũng là sinh thể tâm linh, và một sinh thể tâm linh không thể đối xử một cách vô nhân đạo với một sinh thể tâm linh khác. Chuyện này đơn giản không thể có được.

17.11. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của mặc cảm tội lỗi

Đây là điều mà thày Saint Germain và thày muốn con đạt được khi con ở cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày. Các thày không nhằm giúp con hoàn toàn thoát khỏi khuôn nếp hành động-phản ứng, nhưng các thày muốn giúp con nhận ra một cách ý thức phàm linh nào đã khiến con phản ứng một cách vô nhân với người khác và với chính mình. Sau đó, các thày giúp con ý thức kinh nghiệm của mình khi con thấy phàm linh đó, thấy nó không phải là mình, thấy nó không thật, và từ đó quyết định hoàn toàn buông bỏ nó mà không cảm thấy tội lỗi vì đã tạo ra nó.

Đây thường là một thách đố lớn đối với các thày, vì có nhiều học viên nhận ra họ đã đối xử bất nhân với người khác. Và họ khó nhìn nhận điều này mà không bị một phàm linh khác cướp quyền phản ứng của họ. Phàm linh này đã được họ tạo ra từ nhiều kiếp trước. Họ đã nhiều lần nhập vào phàm linh chỉ biết phản ứng với mặc cảm tội lỗi và tự trách vì phàm linh này được tạo ra dựa trên khuôn đúc đó.

Các sa nhân rất thiện nghệ trong việc tạo ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, khi con tạo ra một phàm linh phản ứng vô nhân đạo và một phàm linh khác tự trách mình đã phản ứng vô nhân đạo. Hậu quả là con rất khó nhận ra phàm linh đầu vì con biết rằng phàm sau sẽ chiếm lấy phản ứng của con và khiến con cảm thấy khó chịu đến độ không chịu nổi.

Khi con đến cấp thứ bảy của khóa nhập thất của thày, con đã đi qua sáu cấp kia và đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tình thương từ các thày và các Thượng sư khác nên con đã sẵn sàng nắm lấy tay các thày và nhìn cả hai phàm linh, và thấy rằng sự tự trách không đến từ Thượng đế vì Hiện diện TA LÀ của con không trách cứ con bất cứ điều gì con đã làm trên trái đất này. Nó thấy rằng tất cả đều không thật; vì hành tinh này chỉ là một phần của bãi chơi cát toàn vũ. Vì vậy, không có điều gì trên trái đất này thường hằng, có thật. Và nếu nó không thường hằng và có thật, thì tại sao con phải mang nó theo như một phần của dòng sống mình? Cái gì đang mang nó theo con? Chính là một phàm linh trong tâm con đang mang nó theo.

17.12. Xóa bỏ sử liệu akasha

Đây là lúc các thày đưa con trở lại khóa nhập thất của thày, và con có thể thấy trong kho sử liệu akasha toàn bộ tình huống gồm các quyết định tạo ra phàm linh tự trách và phàm linh giữ con trong khuôn nếp hành động-phản ứng. Lúc đó con có thể dùng động lượng đọc chú của bảy tia sáng – mà lúc đó con đã gầy dựng được, vì nếu không con đã không lên đến được tầng này của khóa nhập thất – để đi vào kho sử liệu akasha. Và bằng cách phóng một tia ánh sáng rất tập trung, chính xác giống như tia sáng la-de, con có thể xóa sử liệu nguyên thủy trong kho sử liệu akasha.

Lúc đó con thấy sự thực rằng khi một điều được xóa khỏi sử liệu akasha, con đã hoàn thành yêu cầu như Thượng đế nói: “Ta sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của họ nữa.” Và đó là lúc con có thể gạt bỏ và thực sự phá tan khuôn đúc tư tưởng đã tạo ra phàm linh, đã giữ tình huống trong thể ký ức của con, và liên tục sử dụng nó để trách móc con đã sai lầm trong quá khứ. Khi con đã thăng vượt tâm thức khiến con lựa chọn như thế trong quá khứ, không còn lý do để con phải ghi nhớ chuyện này trong các thể thấp của mình. Vì thành tựu tích cực của sự thăng vượt tầng mức tâm thức đó bây giờ là một phần của căn thể (causal body) của con.

Con có hiểu chuyện này chăng? Căn thể không lưu trữ ký ức tiêu cực. Nó chỉ lưu trữ thành tựu, bài học tích cực con đã học. Và đó là lúc không còn sử liệu nữa, và đây là kinh nghiệm cuối cùng các thày tìm cách cho con ở cấp thứ bảy của khóa nhập thất. Thày Saint Germain và thày muốn giúp con có cái biết bên trong – kinh nghiệm trực tiếp – biết rằng con có thể hoàn toàn tự do thoát khỏi một tình huống tiêu cực trong quá khứ. Con có thể hoàn toàn thăng vượt cái con nghĩ là một sai lầm và biến nó thành một kinh nghiệm tích cực, một kinh nghiệm hỗ trợ sự sống, hỗ trợ tăng trưởng.

Lúc này một số các con có thể nhận ra, tuy có thể không biết một cách ý thức, là khi con nhìn lại cuộc đời mình, con nhận ra hồi còn thơ ấu, con có một sự lạc quan, một khả năng nhìn đời nhẹ nhàng, một cảm nhận nội tâm rằng không có điều gì thật xấu, không có lỗi lầm nào nặng đến độ con không hàn gắn được. Cảm giác đó không nhất thiết là niềm tin mình đã không làm điều sai lầm, nhưng lỗi lầm nào cũng có thể làm tốt trở lại, thăng vượt, bỏ lại đằng sau.

Con cũng có thể nhận ra rằng con có khuynh hướng tự trách mình, vì nhiều đệ tử tâm linh có ý muốn làm điều tốt rất mạnh, đến độ họ cũng có khuynh hướng trách cứ mình khi họ phạm lỗi. Phản ứng này tất nhiên là của phàm linh, nhưng thày muốn nói tới một sự kiện sâu sắc hơn. Con là cái Ta Biết, và cái Ta Biết kết nối với Hiện diện TA LÀ. Và như vậy, con biết là ở tầng mức của Hiện diện TA LÀ, mọi chuyện trên trái đất đều có thể biến thành một kinh nghiệm tích cực.

17.13. Cuộc sống có thể là một vòng xoáy đi lên

Khi con ý thức hơn về cái biết nội tâm này – tất nhiên, thày đang tìm cách giúp con ý thức nó qua việc dạy con giáo lý vỏ ngoài này – thì lúc đó con có thể ý thức sự kiện cuộc sống trên trái đất – ngay cả trong tình trạng hiện nay của hành tinh này – cuộc sống trên trái đất có thể trở nên một trải nghiệm hoàn toàn tích cực. Con đi từ trải nghiệm học hỏi tích cực này sang trải nghiệm học hỏi tích cực khác và con liên tục thăng vượt chính mình trong một vòng xoáy đi lên. Và thật vậy, buổi lễ tốt nghiệp từ khóa nhập thất của thày, trước khi thày có thể gửi con đến khóa nhập thất của đức Lanto trên Tia thứ Hai, sẽ chỉ diễn ra khi con nắm bắt được điều này, khi con cảm nhận – kinh nghiệm – rằng cuộc sống có thể là một trải nghiệm tích cực.

Điều đó không có nghĩa là con đã xóa sạch tiềm thức của mình, bốn tầng của tâm, khỏi mọi phàm linh và mọi khuôn mẫu quá khứ đang ngăn trở bước tiến của con. Nhưng nó có nghĩa là ở một mức độ nào đó của con người con, con có cái biết nội tâm dựa trên kinh nghiệm rằng cuộc sống có thể tích cực. Và tất nhiên, đó là hy vọng của các thày, bảy Thượng sư và Đại thượng sư, rằng khi con đến tầng 96, con sẽ giữ chặt trong tâm cái biết cuộc sống là một vòng xoáy đi lên. Để sa nhân không thể cám dỗ con rời vòng xoáy đi lên này, để con tiếp tục vượt thăng chính mình. Vì con đã trải nghiệm những cạm bẫy của sa nhân trên bảy tia sáng không thể ngăn cản bước tiến của con, sự tự vượt thăng của con.

Thày cảm thấy một niềm hân hoan rất lớn khi đệ tử đạt trình độ này và tốt nghiệp khóa nhập thất của thày. Và thày có thể mời thày Lanto đến và cầm tay người đệ tử. Và thày đứng nhìn con đi với thày Lanto trên cây cầu ánh sáng từ khu nhập thất của thày đến khu nhập thất của thày Lanto, và thày chỉ giản dị nhìn con bước đi, giống như hình nhân vật chính cưỡi ngựa đi vào ánh chiều tà trong một số cuốn phim. Con cùng với thày Lanto đi vào dòng ánh sáng, và thày đứng lại, đôi khi cảm thấy một giọt nước mắt hạnh phúc khi biết thày đã hoàn thành công việc của mình là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Thày đã dẫn người đệ tử đi xa nhất mà người đệ tử có thể đi được trong khóa nhập thất của thày, và trong niềm thương yêu và hân hoan thày chứng kiến người đệ tử tiến lên tầng kế tiếp.

Vì thày là Thượng sư của khóa nhập thất thứ nhất. Thày biết thày không phải là người đưa đệ tử đi hết con đường dẫn tới thăng thiên. Thày là Thượng sư thứ nhất. Có thể nói thày là người làm công việc nhơ bẩn nhất, vì chắn chắn là khi con đã trải qua khóa nhập thất của thày, con đã được thanh lọc phần nào. Đó là lý do vì sao con sẵn sàng nhận những chỉ dẫn cao hơn đang chờ đợi con tại khóa nhập thất của thày Lanto.

Thày đã chọn là Thượng sư của Tia thứ Nhất. Thày hoàn toàn an bình với vị trí của mình và những thách thức và khó khăn của nó. Thày hoàn toàn yêu Tia thứ Nhất của uy lực và ý chí. Nhưng thật ra, thày yêu động lực sáng tạo, và không điều gì khiến thày vui bằng việc giúp các dòng sống mở khóa quyền năng sáng tạo của họ, để họ sẵn sàng lấy quyết định sáng tạo thay vì quyết định máy móc. Chúng không thực sự là chọn lựa, mà là không-chọn lựa, điều mà Giê-su gọi là chọn lựa Chết.

Đến đây là đủ cho kỳ truyền đọc này. Thày sẽ trở lại với một vài nhận xét nữa về Tia thứ Nhất, đúng hơn là nhiều hơn một vài nhận xét. Vì còn một số đặc tính của Tia thứ Nhất mà thày muốn đưa ra dưới một dạng mà các con có thể nghiên cứu ở tầng vật lý, ở mức nhận biết ý thức. Thày là chân sư MORE và thày mãi mãi HƠN NỮA.