Uy lực và an bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/2/2013.

TA LÀ Chân sư MORE. Hôm nay thày đến đây để cho các con bài giảng kế tiếp trong bộ này để giúp con lĩnh hội – không phải chỉ hiểu bằng lý trí – và trải nghiệm sự rung động và các đức tính của Tia thứ Nhất.

Dĩ nhiên một đức tính cơ bản của Tia thứ Nhất là uy lực. Nhưng khi thày nói tới uy lực, nhiều đệ tử tức khắc liên tưởng tới quyền lực trên trái đất. Vậy con hãy để thày góp ý thế nào là uy lực thực sự. Khi con nhìn vào trái đất, đặc biệt là lịch sử, con thấy có những người có quyền lực vật lý lớn trên người khác. Do đó, con có thể có một tiêu chuẩn là những người có quyền lực độc đoán như vậy là người có uy lực. Tuy nhiên, xét theo định nghĩa bất nhị, thì những người này không có uy lực chút nào.

Các con yêu dấu, nếu con muốn có một hình ảnh so sánh thì con có thể nhìn vào một tổ kiến. Chắc con cũng biết là tổ kiến có tổ chức rất thứ bậc. Có một con kiến chúa trên đỉnh của tháp quyền lực, có kiến khác là chiến sĩ, và đa số là kiến thợ không thực sự có ý chí riêng biệt và ý muốn riêng biệt. Con có thể cho là kiến chúa có nhiều quyền lực trong tổ kiến. Nhưng con là một con người, con có thể lấy một cái xẻng và chỉ vài phút sau đập nát tổ kiến khiến không thể xây dựng lại như trước.

15.1. Uy lực thực sự là gì?

Khi con tiến lên tầm nhìn của chân sư thăng thiên, thì con thấy những người được coi là quyền uy nhất trên trái đất không khác gì con kiến chúa trong tổ kiến, và quyền lực của họ không ra gì so với uy lực của các Elohim, hay khi so sánh với uy lực hiện diện trên các hành tinh không có những biểu hiện thấp như trên trái đất. Có những hành tinh trong vũ trụ vật chất nơi có những người đã phát triển uy lực của tâm đến mức, nếu họ xuất hiện trên trái đất, họ chỉ cần xua tay là có thể tiêu diệt đội quân hùng mạnh nhất từ xưa tới nay. Do đó, con thấy điều mà con người gọi là uy lực không phải là uy lực thực sự. Nó chỉ là uy lực trong một bối cảnh nào đó, vì như con cũng biết – qua thuyết tương đối nổi danh của Einstein – tất cả đều tương đối, ít nhất là trong vũ trụ vật chất.

Quyền uy trên người khác trong tổ kiến trái đất có phải là uy lực thực sự chăng? Không phải đâu con. Như thày hay nói, nếu vị thày tâm linh là một con kiến thì con hãy nghe nó. Vậy con hãy học từ thí dụ tổ kiến là quyền lực trên thế giới vật chất không ra gì khi so sánh với quyền năng sáng tạo của Thượng đế.

Dĩ nhiên, điều thày muốn giảng qua lời chỉ dẫn này là cho con thấy mục đích của con Đường Bảy bức Màn là giúp con mở khóa quyền năng thật của con, quyền năng sáng tạo đến từ Hiện diện TA LÀ của con. Hiện diện của con khao khát cho quyền năng này tuôn chảy xuyên qua con khi con trở thành cánh cửa mở.

Mục đích của con Đường Bảy bức Màn không phải là nâng mình lên để có quyền uy theo tiêu chuẩn đánh giá của người phàm, mà là để con trở thành cánh cửa mở cho quyền uy của Thượng đế. Nhưng con có thấy chăng, quyền uy của Thượng đế muốn biểu lộ trên trái đất, nhưng nó sẽ không biểu hiện theo kỳ vọng và tiêu chuẩn con người. Đó là lý do vì sao khi con còn ôm chặt những kỳ vọng và tiêu chuẩn, tâm của con sẽ là cánh cửa đóng. Trong tiềm thức, con đặt điều kiện bắt quyền năng sáng tạo của Thượng đế phải biểu hiện qua con như thế nào, và như thế các van trên luân xa của con sẽ khép lại và quyền năng Thượng đế sẽ không chảy qua được. Vì đương nhiên là uy lực Thượng đế, tuy toàn năng, sẽ không vi phạm quyền tự quyết.

15.2. Mơ ước có quyền năng đặc biệt

Các con hãy để thày nói về một vấn đề mà thày hay cần giải quyết ở khóa nhâp thất của thày, đó là có nhiều đệ tử mơ ước có quyền năng đặc biệt. Không nhất thiết là quyền năng vật lý, nhưng là quyền năng tâm linh hay tâm lý. Rất nhiều đệ tử mơ ước trổ tài làm phép lạ để thuyết phục mọi người về thực tại của cõi tâm linh và con đường tâm linh, hay giá trị của giáo lý, hay của vị thày tâm linh, và ngay cả sự hiện hữu của chân sư thăng thiên. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên mơ ước có ngày các chân sư thăng thiên xuất hiện như một biểu hiện vật lý không thể phủ nhận, để mọi người thấy là các thày có thật, và như vậy các đệ tử là người đã sớm nhận ra các thày đã đúng ngay từ đầu.

Con yêu dấu, hầu hết những mơ ước và mong chờ này đều xuất phát từ tự ngã, và các nhà tâm lý gọi chúng là “ảo tưởng vĩ đại”, mơ ước mình bất thần thay đổi giống như trong các truyện thần thoại “nhà nghèo thành phú ông”. Con bất thần thay đổi nhờ một phép lạ nào đó, và nay mọi người coi con là một người đặc biệt, cao cả. Con yêu dấu, các thày không hành xử như vậy với đệ tử. Các thày không mong muốn nâng đệ tử lên một địa vị cao cả, theo định nghĩa của tiêu chuẩn thế gian về uy lực và khả năng đặc biệt. Các thày mong muốn đệ tử là cánh cửa mở cho uy lực thật sự. Nhưng uy lực thật sự không giống điều con chờ đợi dựa trên tiêu chuẩn thế gian. Vậy bây giờ thày muốn dẫn con đi một cuộc hành trình tìm về nguồn gốc của ước mơ này, ảo tưởng vĩ đại này.

Thành thật mà nói thì đa số những người tâm linh hay ngoan đạo trên trái đất có những ảo tưởng vĩ đại như vậy, và những người không tâm linh và không ngoan đạo cũng vậy. Con hãy nhìn trường hợp Liên Xô và thấy có bao nhiêu người mơ ước giấc mơ thống trị và vượt trội toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản. Con hãy nhìn trường hợp Đức Quốc xã và thấy bao nhiêu người mơ ước giấc mơ chủng tộc Aryan vượt trội mọi sắc tộc và nước Đức cai trị toàn cầu. Và con hãy nhìn biết bao người tâm linh và Thời đại Mới mơ ước vị thày tâm linh của mình được nhìn nhận như người duy nhất sẽ cứu rỗi nhân loại. Hay con hãy nhìn biết bao nhiêu người ngoan đạo mơ ước tôn giáo, giáo hội hay giáo phái của mình được coi là cao cả nhất.  Biết bao nhiêu người Cơ đốc giáo tin rằng Giê-su sẽ trở lại và minh chứng giáo phái của họ là giáo phái thật duy nhất của đấng Ki-tô. Ôi, đều là ảo tưởng vĩ đại, các con yêu dấu.

Các con đã qua những tầng đầu ở khóa nhập thất của thày, bây giờ các con tới tầng thứ sáu là nơi Tia thứ Nhất phối hợp với Tia thứ Sáu. Các con cần xem xét các ảo tưởng vĩ đại và tự hỏi chúng từ đâu tới.

15.3. Cảm thấy bất lực

Thày có giảng là khi các con đầu thai lần đầu xuống trái đất, con bị các sa nhân cố ý ruồng bỏ một cách ác độc. Họ làm tất cả những gì họ có thể làm để miệt thị khả năng sáng tạo của con, để khiến con dập tắt các khả năng này. Và hậu quả của việc này là gì? Khi con dập tắt khả năng sáng tạo và quy phục tiêu chuẩn, hay quyền lực vật lý, của sa nhân, thì con cảm thấy thế nào? Con cảm thấy bất lực. Con cảm thấy mình chỉ là một cá nhân và không thể đương đầu nổi cơ cấu quyền lực của sa nhân.

Làm sao một cá nhân có thể đương đầu nổi cơ cấu quyền lực của Liên Xô, Đức Quốc xã, hay các đế quốc trong quá khứ? Con thấy chăng, cảm giác bất lực đã tới như song sinh của cảm giác bị ruồng bỏ. Sau đó, sau nhiều kiếp cảm thấy bất lực, con nảy sinh ước muốn có một quyền lực thần kỳ từ ngoài đến và cải sửa mọi chuyện cho hoàn mỹ. Và đây là nguyên nhân sâu xa của ảo tưởng vĩ đại.

Các sa nhân dĩ nhiên đã rất khôn khéo móc nối với cảm xúc này và tạo ra ảo tưởng một cứu tinh bên ngoài. Con thấy điều này rất rõ nơi Cơ đốc giáo. Giê-su đến để chứng minh, qua hành động của thày, quyền năng mà tất cả mọi người đều có khi họ để uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua họ. Đó là lý do vì sao thày nói những ai tin thày – hay đúng hơn là những ai dám chứng tỏ tầng tâm thức mà thày biểu lộ – sẽ làm được công việc mà thày làm. Nhưng đã có bao nhiêu người dám làm chuyện này? Không có ai, vì họ đã bị sa nhân lừa dối và ép buộc nhìn Giê-su như một ngoại lệ thay vì một tấm gương. Và nay họ chờ Giê-su trở lại và cải sửa mọi chuyện cho hoàn mỹ, nhưng họ không biết rằng Giê-su, vì tôn trọng Luật Tự quyết, đang ngồi trên thiên đàng chờ họ noi theo gương thày và để uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua họ.

Tái lâm của Ki-tô không phải là Giê-su trở lại thế gian trong một biểu hiện không thể phủ nhận, mà là hàng chục ngàn hàng triệu người bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô cá nhân của họ. Đó là ý nghĩa thật của tái lâm của Ki-tô. Đó là Ki-tô tái lâm trong con, như các thày đã giảng trong nhiều quyển sách.

Con có thể làm gì để vượt qua cảm giác bất lực này? Con có thể cảm thấy điều thày sắp nói mâu thuẫn, nhưng thực ra chỉ có một cách duy nhất để vượt qua cảm giác bất lực là kết hợp Tia thứ nhất và Tia thứ sáu để tâm hoàn toàn bình an với sự bất lực. Trong quá khứ tâm con không bình an với điều này. Con cảm thấy cảm giác bất lực khi mình chạm trán sa nhân và những lạm dụng quyền lực trắng trợn của họ, là một điều không phải, không công bằng. Và hậu quả là gì? Hậu quả là con tin một lời dối trá khác của sa nhân. Các thày đã phơi bày sự dối trá này một cách chi tiết trong một quyển sách (Chữa lành Mẹ địa cầu), nhưng thày muốn cho con một tóm lược trong bài giảng này.

15.4. Không có gì sai lầm cả

Bản chất của lời dối trá này là sa nhân đã phóng chiếu ảo tưởng là kế hoạch vận hành vũ trụ của Thượng đế có điều gì không ổn. Cách Thượng đế thiết kế vũ trụ có sai lầm. Thượng đế đã sai lầm khi cho con và các sinh thể tự nhận biết quyền tự quyết, vì quyền này cho con người cơ hội đi vào tâm thức nhị nguyên và bị lạc đường. Sa nhân phóng chiếu là Thượng đế đã sai lầm.

Nhưng, như các thày đã giảng, thực sự là cách duy nhất giúp con gia tăng tự nhận biết là có quyền tự quyết hoàn toàn. Cách duy nhất để con trở thành Thượng đế, là mục tiêu của cuộc sống, là con có quyền tự quyết, sử dụng nó, và nhận ra quyền tự quyết luôn luôn tự do vì lúc nào con cũng có thể xóa bỏ một quyết định cũ bằng một quyết định mới. Con không bao giờ có một lựa chọn có thể lấy đi quyền thay đổi lựa chọn đó. Nhưng sa nhân đã phóng chiếu là có điều gì không ổn, và giờ đây có một tà lực có khả năng lật đổ quyền uy của Thượng đế trong vũ trụ. Như các thày đã giảng trong quyển sách Chữa lành Mẹ Địa cầu, có hai loại sa nhân: một loại dùng lừa dối, và do đó ít khi bị lộ diện, và loại kia dùng bạo lực và lạm dụng quyền lực.

Con bây giờ vào thế trên đe dưới búa, bị tấn công bởi sa nhân lạm dụng quyền lực vật lý và sa nhân thày rắn, thày giả, lan truyền ảo tưởng rằng có cái gì không ổn – nhưng con sẽ là người chỉnh sửa. Con sẽ làm điều mà Thượng đế chính Ngài không làm được, và do đó con phải tham gia trận chiến cuồng đại giữa thiện và ác. Và do đó con phải tìm cách có tối đa quyền lực, hoặc hỗ trợ quyền lực cho các sa nhân đang tìm cách chỉnh sửa vấn đề.

Con yêu dấu, nhiều người dân Liên Xô không sùng đạo, nhưng họ thực sự đã tin vào một giáo điều cốt lõi của thuyết Mác-xít là chuyên chính vô sản, là giấc mơ không tưởng của khuynh hướng cộng sản-xã hội cho rằng con, đám đông bất lực, phải chỉnh sửa vấn đề bằng cách ủng hộ cách mạng cộng sản.

Dĩ nhiên là cách mạng cộng sản do một nhóm nhỏ thượng lưu quyền lực lãnh đạo, và họ không bao giờ có ý định trao quyền cho giai cấp vô sản. Họ luôn luôn muốn giữ đặc quyền của giới thượng lưu, như con đã thấy tại Liên Xô, khi họ dành quyền giết tất cả những người mà họ nghĩ đang đe dọa địa vị của họ. Thực sự là qua các vụ giết chóc này, họ đã dùng năng lượng – năng lượng sống chảy ra từ các vụ tra tấn và giết chóc – để củng cố quyền lực của họ, và của những quỷ dữ nấp sau lưng họ và cho họ quyền lực vỏ ngoài.

15.5. Đấu tranh cuồng đại 

Điều thày muốn nói giản dị là: có nhiều hình thức của trận chiến, cuộc đấu tranh cuồng đại này. Con thấy nó trong đa số tôn giáo. Con thấy nó trong nhiều giáo lý Thời đại Mới. Con thấy nó ngay cả trong một số giáo lý mà các thày đã trao truyền trong thế kỷ vừa qua, vì các thày bắt buộc phải dạy một số giáo lý nhằm giúp một số người lên tầng tâm thức cao hơn. Đó là lý do các thày trước đây đã không thể trực diện thách đố tư duy cuồng đại, vì con người không thể chấp nhận ở tầng tâm thức lúc đó.

Nhưng khi con đã học qua năm tầng đầu ở khóa nhập thất của thày thì con đã sẵn sàng dùng khả năng lý luận để xem xét trận chiến cuồng đại và tư duy cuồng đại đằng sau nó. Dĩ nhiên là thày sẽ giúp con làm việc này, nhưng con cũng sẽ được chân sư Nada chỉ dẫn. Thày Nada sẽ tới khóa nhập thất của thày hoặc con sẽ đi qua khóa nhập thất của thày Nada bên trên Ả Rập Xê-út. Các thày sẽ giúp các đệ tử đã sẵn sàng xem xét tư duy cuồng đại đó. Điều đầu tiên con cần là hiểu sự khác biệt giữa uy lực thực sự và uy lực tâm linh, như thày có đề cập ở đầu bài. Con có thể nhìn vào cuộc đời Giê-su, chẳng hạn, và thấy là thày có quyền năng siêu nhân – theo định nghĩa hiện nay của con người. Hiển nhiên là nếu thày có quyền năng này, thày có thể dễ dàng tránh bị bắt giữ. Thày có thể, bất cứ lúc nào, thoát khỏi nhà tù hay gọi các thiên thần tới giải cứu thày. Khi thày bị treo trên thập tự, chính thày cũng có nói là thày có thể ra lệnh Đức Cha phái thiên thần tới giải thoát thày.

Vậy tại sao Giê-su không dùng quyền năng này? Tại sao thày lại để bị hành hạ và đóng đinh trên thập tự? Đó là vì uy lực của Thượng đế không biểu hiện trong trống không. Như thày có nói, uy lực của Thượng đế không có mục đích biểu hiện một số điều kiện trên trái đất. Uy lực của Thượng đế tôn trọng một thực tế giản dị: trái đất là một lớp học.

Quy luật tối hậu trên trái đất là Luật Tự Quyết. Uy lực Thượng đế sẽ không xuống trái đất và thay đổi mọi thứ trong xã hội con người, cho dù là để thể hiện viễn quan của Thời đại Hoàng kim. Uy lực của Thượng đế sẽ không áp đặt Thời đại Hoàng kim lên nhân loại, vì nhân loại phải đồng-sáng tạo Thời đại Hoàng kim bằng cách sử dụng khả năng đồng-sáng tạo của mình. Mục đích không phải là biểu hiện Thời đại Hoàng kim theo một thiết kế vật lý vỏ ngoài. Mục đích là giúp con người nâng cao tâm thức. Đó mới là mục đích cao hơn.

Con thấy Giê-su và nhiều vị khác đã đạt được điều ngự tâm linh đã quy phục Luật Tự quyết và làm mọi chuyện cần thiết, mọi chuyện thích hợp hoàn cảnh, để nâng cao tâm thức con người, không phải qua một bước nhảy vĩ đại lên một tầng tối hậu, mà từ tầng hiện tại lên tầng kế tiếp.

Các thày có nói là 2,000 năm trước, Giê-su chỉ truyền giáo lý thích hợp cho tầng tâm thức con người lúc đó. Thày không tới để truyền giáo lý tối hậu, và thày đã không truyền giáo lý tối hậu. Đức Phật 2,500 năm trước đây cũng vậy.  Và ngày nay các thày cũng không truyền giáo lý tối hậu. Các thày chỉ truyền giáo lý đủ để giúp những người sẵn sàng lên tầng tâm thức kế tiếp, nhưng các thày cũng mong là giáo lý sẽ giúp họ có động lượng và hiểu biết, nếu họ tiếp tục trên con đường, để đi đến tận tầng thứ 144.

15.6. Để quyền tự quyết trải bày

Khi con tới điểm nhận chỉ dẫn ở tầng Tia Thứ Sáu của Tia thứ Nhất, bước đầu là con phải nhận ra viễn quan rộng lớn là quyền tự quyết phải được phép trải bày ra. Như một người tâm linh, con có thể thấy một số chuyện trên trái đất không đạt được tiềm năng cao nhất của chúng. Những điều này tạo ra nhiểu đau khổ, bất công. Có nhiều lạm dụng quyền lực. Nhưng con thấy chăng, điều này không có nghĩa là con nên tham gia một trận chiến cuồng đại chống lại những người mà con coi là nguyên nhân của bất công.

Nếu con muốn có một hình ảnh minh họa điều thày đang nói, thì con có thể xem thí dụ của những cuộc nổi dậy trong hai năm vừa qua trong những nước Ả Rập. Các cuộc nổi dậy này được gọi là Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng con cũng thấy là tại các nước Ai Cập, Tunisia, Libya và nay Syria, lật đổ một nhà độc tài không bảo đảm có dân chủ, tiến bộ, hòa bình. Và lý do rất giản dị. Dân chủ và hòa bình chỉ có được khi tâm thức đại chúng được nâng lên tới chỗ bắt đầu vượt thăng tư duy cuồng đại.

Thày không muốn nói là tư duy cuồng dại không thể có mặt trong một nước dân chủ, vì điều này được chứng minh quá rõ ràng bởi nước Hoa Kỳ. Điều thày muốn nói là một quốc gia phải bắt đầu từ bỏ tư duy cuồng đại thì mới có thể thể hiện dân chủ thật sự. Và điều này hiển nhiên chưa xảy ra ở các nước Ả Rập. Phương trình khá giản dị: khi dân một nước lật đổ một nhà độc tài, họ không chứng tỏ là họ đã từ bỏ tư duy cuồng đại. Đó là lý do cuộc bạo động chỉ tạo hoàn cảnh để có thêm xung đột giữa các nhóm người trong nước đó.

Con có thấy điều này ở Hoa Kỳ chăng? Hoa Kỳ có một Hiến chương phần nào được chân sư thăng thiên bảo trợ, dựa trên một số lý tưởng chân chính và bất nhị. Tuy thế, Hoa Kỳ được khai sinh qua một cuộc cách mạng đẫm máu, qua một cuộc chiến hung bạo chống lại Đế quốc Anh, và điều này đã tạo hoàn cảnh cho cuộc Nội Chiến đã gần xé nát dân tộc Mỹ. Chỉ nhờ có một số người lãnh đạo và nhiều người trong dân chúng đã chịu vượt lên trên tư duy cuồng đại mà Hiệp chủng quốc được duy trì và Hoa Kỳ sống sót như một dân tộc dưới Thượng đế.

15.7. Một phân tích sâu sắc về lịch sử

Thày Nada và thày dùng khả năng phóng chiếu sử liệu Akasha lên một màn ảnh để chỉ cho đệ tử một số giai đoạn lịch sử và phân tích sâu sắc những diễn tiến và nguyên do sâu xa. Các thày có thể cho thấy là các thiên thần sa ngã và thày giả đứng đằng sau nhiều diễn biến đó. Các thày cũng cho thấy cách hai nhóm sa nhân – nhóm dùng bạo lực vật lý và nhóm dùng lừa đảo – hoạt động để tạo tình trạng phe nào thắng cũng không quan trọng, vì kết quả vẫn là dân chúng bị đàn áp bởi giới thượng lưu sa nhân. Trong nhiều trường hợp, cuộc tranh chấp chỉ là một cuộc chiến nhị nguyên giữa hai nhóm sa nhân, và kết quả ra sao thì sa nhân vẫn nắm quyền, như con có thể thấy trong cuộc Cách mạng Pháp, Cách mạng Bôn sê víc, và nhiều thí dụ khác.

Khi người đệ tử thấy điều này, họ bắt đầu nhận ra là họ không mong có quyền lực vật lý cho họ khả năng bước vào một hoàn cảnh và thay đổi nó tức khắc. Họ nhận ra rằng nếu họ bước vào một hoàn cảnh và sử dụng quyền năng tâm linh, thì quyền năng tâm linh sẽ hỗ trợ – và do đó cho thêm sức mạnh – một phe sa nhân. Dĩ nhiên, đây là một lạm dụng và tha hóa trầm trọng quyền năng tâm linh. Dĩ nhiên các đệ tử đã tới tầng này của khóa nhập thất của thày không muốn dùng quyền năng tâm linh để hỗ trợ sa nhân đang chống lại mục tiêu của Thượng đế.

Lúc đó người đệ tử nhận ra việc có quyền năng tâm linh lớn trong khi vẫn còn viễn quan giới hạn là một điều rất nguy hiểm cho họ. Vì nếu họ có quyền năng đó, viễn quan giới hạn sẽ khiến họ lạm dụng quyền lực, và như thế cho sa nhân thêm rất nhiều năng lượng tâm linh, giúp chúng kiềm tỏa con người hơn nữa.

Khi người đệ tử thấy điều này, họ nhận ra họ thực sự cần xây dựng một viễn quan cao hơn. Thày Nada rất thiện nghệ trong việc giảng và chỉ cho người đệ tử thấy là chìa khóa để có viễn quan cao hơn, chìa khóa để tăng trưởng khả năng phụng sự với tâm thức Ki-tô, là trước tiên đạt được sự bình an nội tâm. Và điều này đạt được bằng cách xem xét Luật Tự Quyết và cách nó trải bày, và vì sao phải cho phép nó trải bày.

Con có thể nhìn lịch sử trái đất và thấy rằng dân chúng đã bị áp bức bởi một thiểu số thượng lưu, tình trạng này vẫn xảy ra ở một số nơi hiện nay. Dân chúng bị nghèo đói, không được công lý của tòa án, sống dưới chế độ độc tài quân phiệt có thể làm bất cứ điều gì mà không phải tội, hay các hình thức lạm dụng quyền lực khác. Con có thể có ước muốn giải thoát con người khỏi các tệ nạn này. Con có thể có ước muốn dẹp tan giới thượng lưu quyền lực đang áp bức dân chúng.

15.8. Bài học cốt yếu trên con đường tâm linh

Nhưng nếu con nhìn sâu hơn, con thấy là những tệ nạn kia xảy ra vì người dân chưa chịu nâng tâm thức mình lên. Họ chưa chịu nhìn vào sự bất lực và nhận ra một điều giản dị: bất lực theo nghĩa vật lý không dính dáng gì tới quyền năng tâm linh, vì quyền năng tâm linh đến từ bên trong. Con không cần xin phép một thẩm quyền thế gian để đi vào nội tâm, tìm thấy vương quốc mà Giê-su nói có ở trong con, và bắt đầu là cánh cửa mở cho sự biểu hiện uy lực đến từ vương quốc này.

Không một thẩm quyền nào trên trái đất có thể cản con làm chuyện này. Đây là bài học cốt yếu trên con đường tâm linh. Điều này áp dụng cho những người đang bị áp bức, cũng như là cho chính con. Con không cần xin phép bất cứ thẩm quyền nào trên trái đất để mở tâm và cho phép uy lực của Hiện diện TA LÀ tuôn chảy xuyên qua con. Thày Nada và thày sẽ giúp con lĩnh hội và thể nhập bài học này.

Lúc đó, con thấy lý do vì sao dân chúng bị áp bức bởi nhà độc tài tàn ác nhất, chỉ giản dị là: Luật Tự quyết bắt buộc rằng nếu con người không chịu học từ bên trong, thì họ sẽ phải học từ bên ngoài. Nếu họ không chịu học lời chỉ dẫn của chân sư thăng thiên, thì họ sẽ phải học từ Trường đời Cay đắng. Và trong Trường đời Cay đắng, con người sẽ chỉ đổi hướng nhìn khi vị cay đắng lên cao đến độ họ không chịu nổi nữa, và họ chịu nhìn về chính mình và nói: “Tôi có thể làm gì để thay đổi tình trạng này? Tôi có thể thay đổi gì trong chính tôi, thay vì cứ nghĩ rằng điều kiện bên ngoài phải thay đổi?”

15.9. Quyền tự quyết trải bày ra sao

Tại sao con là một đệ tử tâm linh? Tại sao con tham dự khóa nhập thất của thày? Tại sao con đang đọc hay nghe bài giảng này? Đó là vì từ rất lâu rồi con đã quyết định sẵn sàng nhìn vào bên trong mình. Thày Nada và thày có thể dựa trên ý muốn này để giúp con thấy là tất cả mọi chuyện đang xảy ra trên trái đất và trong suốt lịch sử, đều là sự trải bày của quyền tự quyết.

Không điều gì có thể xảy ra cho con người mà không phản ánh trạng thái tâm thức của họ. Và khi người dân một quốc gia nâng tâm thức mình lên quá một mức nào đó thì chính thể độc tài phải được thay thế bởi một hình thức chính quyền cao hơn.

Thay vì một nhóm thượng lưu quyền lực thay thế một nhóm khác – nhóm sau có thể còn tàn ác hơn nhóm trước – thì một sự chuyển vọt xảy ra, đưa đến một hình thức chính quyền cao hơn. Lúc đầu không nhất thiết là hình thức chính quyền lý tưởng, nhưng là một hình thức cao hơn. Sau đó, dân chúng lại nâng tâm thức lên hơn nữa, và một hình thức chính quyền cao hơn lại thể hiện, và vòng xoáy đi lên cứ tiếp tục về hướng Thời đại Hoàng kim. Lúc đó, con có thể nhìn trái đất và nói:  “Con thấy thiết kế của Thượng đế thật tài tình khi cho quyền tự quyết được trải bày.” Sau đó, con nhìn vào ảo tưởng của tư duy cuồng đại, ảo tưởng cho rằng thiết kế của Thượng đế có điều gì sai lầm căn bản, và nói: “Tôi không còn tin bạn nữa. Tôi thấy cái giả đằng sau bạn.” Lúc đó, con có thể bình yên với chuyện đang là.

Sau đó, con có thể đi sâu thêm nữa và nhìn vào cảm giác bị hất hủi khi sa nhân miệt thị nỗ lực sáng tạo của con lúc con đầu thai lần đầu. Con nhận ra tình huống này không tránh được, vì sa nhân có quá nhiều kiểm soát trên trái đất và vì con ở trong trạng thái tâm thức tương đối non nớt.

Ở đây, chúng ta sẽ không đào sâu lý do tại sao con xuống đây, và tại sao nhiều người trong chúng con đã xuống đây khi chưa sẵn sàng đối phó với các sa nhân, vì điều này đã được giảng tường tận trong quyển sách của thày Maitreya (Chìa khóa cốt yếu của tự do tâm linh). Điều thày muốn nói ở đây là: Khi con nhìn chuyện đã xảy ra, con nhận ra đây giản dị là một hậu quả không tránh được. Cảm giác bị hất hủi khi con con xuống trái đất lần đầu là cái giá phải trả của việc con xuống đây.

Con có thể đi sâu thêm chút nữa, và thấy là con đến đây với ước muốn thay đổi một số chuyện theo viễn quan của mình. Lúc đó, đặc biệt dưới sự hướng dẫn của thày Nada, con có thể chất vấn viễn quan này. Thày Nada có nhiều động lượng trên Tia thứ Sáu nên rất thiện nghệ trong việc giúp con nhận ra sự khác biệt giữa phụng sự thật và phụng sự giả, giữa phụng sự phát xuất từ bình an nội tâm hoàn toàn và phụng sự phát xuất từ bất an, nghĩa là từ ý niệm có cái gì sai lầm cần được chỉnh sửa.

15.10. Đừng hạn chế Hiện diện TA LÀ

Trong loạt bài này, thày có nói tới tiêu chuẩn của sa nhân, và lý do vì sao không thể áp dụng tiêu chuẩn vào sự sáng tạo. Con có thấy chăng, liên quan đến tư duy cuồng đại, là khi con muốn thay đổi một điều gì đó theo một viễn quan đã định sẵn, con không thể là cánh cửa mở cho quyền năng sáng tạo của Hiện diện TA LÀ của mình. Lý do là con muốn đặt một viễn quan lên trên điều mà Hiện diện TA LÀ có thể và phải biểu lộ xuyên qua con, và viễn quan này dựa trên một cái nhìn hạn hẹp vì con đang hiện thân trong cõi vật lý.

Đó là lúc con nhận ra, khi con hiện thân trong một hành tinh dày đặc như trái đất, con không thể tránh bắt đầu với một tầm nhìn hạn hẹp. Đó là lý do vì sao tiến trình học cách biểu hiện khả năng đồng-sáng tạo của con gồm hai phần. Con phải học về năng lượng sáng tạo của bảy tia sáng và học cách biểu hiện bảy tia. Nhưng mặt khác, để biểu lộ bảy tia một cách sáng tạo, con cũng cần khắc phục những khái niệm giả tha hóa bảy tia mà sa nhân đã tạo ra.

Như thày có nói, trên một hành tinh như trái đất con không phát triển theo kịch bản lý tưởng. Trong kịch bản thực sự mà con phải đối đầu, con bắt đầu với một viễn quan hạn chế, trong lọc viễn quan này qua nhiều bước và tầng lớp, cho tới khi con trở thành cánh cửa hoàn toàn mở ở tầng tâm thức 96. Trong tiến trình này, con đã buông bỏ một số khía cạnh của tâm thức sa ngã và tiêu chuẩn sáng tạo mà họ áp đặt qua tư duy cuồng đại và quan niệm thiết kế của Thượng đế có điều sai lầm. Do đó, con không thể phụng sự thực sự nếu tâm con chưa an bình trọn vẹn. Thày Nada và thày không chờ đợi con đạt được an bình trọn vẹn ở tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày. Nhưng các thày mong đặt được nền tảng giúp con hiểu tầm quan trọng của việc khắc phục tư duy cuồng đại, đạt được tâm bình an, và phụng sự trong trạng thái bình an thay vì trạng thái sợ hãi, giận dữ, hận thù hay kích động.

15.11. Một bước ngoặt trọng yếu trên đường tu 

Các con yêu dấu, các thày đã thấy đệ tử tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên và hăng say đọc bài chú với lòng hận thù sa nhân và biểu hiện nào đó của thiên thần sa ngã trên trái đất – như họ hình dung. Qua đó, việc đọc chú của họ đã có phần tha hóa ánh sáng. Các thày không muốn thấy điều này tiếp tục, vì nó tạo nghiệp cho người đệ tử, và cũng có phần tạo nghiệp cho các thày, tuy các thày có thể giảm nghiệp này bằng cách giới hạn uy lực chảy xuyên qua bài chú khi người đệ tử đọc với tâm không trong sáng.

Đây là một tầng quan trọng của khóa nhập thất của thày. Các đệ tử không có khả năng chất vấn tư duy cuồng đại không thể đi quá tầng này của khóa nhập thất. Có một số đệ tử tới chỗ này và phải trở lại Trường đời Cay đắng vì họ cần trải nghiệm thế nào là chiến đấu người khác vì tư duy cuồng đại. Họ chưa chán ngán kinh nghiệm này nên chưa thực sự nhận ra niềm mong ước vượt qua tư duy cuồng đại của họ.

Có lẽ con đã bắt đầu nhận ra một sự thực giản dị: con có thể rời con Đường Bảy bức Màn bất cứ lúc nào cho tới tầng 96, nhưng bảy tầng đầu trong khóa nhập thất của thày là những điểm quan trọng nhất. Đây là nơi con có thể quyết định bỏ đường tu và trở về Trường Đời Cay đắng.

Thày phải nói tầng thứ sáu là nơi nhiều đệ tử – không phải đa số, nhưng khá nhiều đệ tử – quyết định, qua việc không chịu chất vấn tư duy cuồng đại, trở về Trường đời Cay đắng và tranh đấu chống một bất công cuồng đại nào đó. Thày hy vọng rằng sau một hay nhiều kiếp sống, họ có thể trở lại khóa nhập thất của thày. Nhưng khi họ trở lại, nhiều khi họ có nhiều nghiệp quả cần giải quyết trước khi có thể mở tâm đón nhận lời chỉ dẫn của thày.

15.12. Đệ tử kẹt trong tranh chấp quyền lực 

Có đệ tử tới khóa nhập thất của thày với động lượng từ nhiều kiếp có địa vị quyền uy trên trái đất. Những đệ tử này không nhiều. Đa số đệ tử đi vào con đường tâm linh đã quyết định từ nhiều kiếp trước không tham gia vào tranh chấp quyền lực trên trái đất. Do đó họ thường chấp nhận một đia vị thấp kém trong xã hội. Hoặc họ đã sống trong tu viện hay rút ra khỏi cuộc đời. Nhưng cũng có người – như chính thày trong nhiều kiếp – đã tham gia vào các giới quyền lực trên trái đất. Những người này, như chính thày, không tránh bị lôi kéo vào các cuộc tranh giành quyền lực.

Trường hợp những đệ tử này là một thách đố khác cho thày, vì họ cần học cùng bài học, nhưng không tự lên án mình vì đã tham gia vào tranh giành hay lạm dụng quyền lực. Thày có nói là trong kiếp thày đầu thai như Thomas More, thày đã lạm dụng quyền lực và đã từng hành quyết một số người mà thày cho là phỉ báng Thượng đế. Thày có thể bảo đảm với con là một thách đố lớn cho thày sau kiếp sống đó là nhìn nhận mình đã lạm dụng quyền lực mà không cảm thấy tủi hổ đến độ bỏ cuộc.

Thày đã làm được điều này vì, như con thấy trong lịch sử, trong cùng kiếp đó thày đã từ chối không dùng quyền lực chống lại nhà vua, và ngược lại để nhà vua hành hạ và hành quyết mình. Qua đó, thày đã bắt đầu tiến trình chất vấn sự lạm dụng quyền lực. Tuy thế, chất vấn nó trong tâm thày vẫn là một thách đố lớn. Vì dĩ nhiên nhìn ra sự lạm dụng quyền lực nơi người khác luôn luôn dễ hơn là nhìn ra sự lạm dụng quyền lực từ chính mình.

Một lần nữa, thày Nada và thày có thiết kế một số dụng cụ nhằm giúp những đệ tử đã có những chức vụ quyền uy trong những kiếp cuối, để họ nhận ra bài học toàn vũ là con không đẩy mạnh mục tiêu của các chân sư thăng thiên và mang lại Thời đại Hoàng kim bằng cách sử dụng quyền lực trong đấu tranh cuồng đại.

Đây là một bài học khó, nhưng khi đệ tử tới chỗ này, thì các thày có dụng cụ và kinh nghiệm để giúp họ vượt qua trở ngại. Nhưng có một số tới khóa nhập thất, và không những họ có động lực lạm dụng quyền lực, có khi ngay cả trong kiếp này, nhưng họ lại ngạo mạn không chấp nhận là mình sai. Dĩ nhiên là con có thể thấy trên trái đất hai đặc tính này đi cùng với nhau. Những người có nhiều quyền lực nhất thường rơi vào một ảo tưởng khác do sa nhân phóng chiếu cho rằng muốn duy trì vị thế quyền lực thì mình lúc nào cũng phải đúng.

Khắc phục tư duy này là một thách đố đặc biệt, một khai ngộ đặc biệt, và đó là một lý do tại sao Giê-su lại để nhóm thượng lưu quyền lực hành hạ và sỉ nhục. Thày làm điều này không phải chỉ để mang họ ra xét xử; nhưng thực là để thày chứng minh cho chính mình và các thày tâm linh của thày là thày đã buông bỏ niềm tự hào đó. Do đó, thày bảo đảm với con là chấp nhận cho các thiên thần sa ngã, sa nhân đang đầu thai, miệt thị, chế giễu, sỉ nhục, nói đủ điều không thật về mình, với mục đích rạng danh Ki-tô, thực sự là một phần của tiến trình khai ngộ.

Nếu con thấy mình đã trải nghiệm bị chế giễu và hành hạ trong kiếp này, thì con hãy tươi lên. Vì khi con học cách nhìn vào điều này mà không dính mắc – chỉ đơn giản nhận ra đó là Luật Tự Quyết trải bày – thì con tiến một bước lớn trên con đường tu của con. Con sẵn sàng để Luật Tự quyết trải bày, nhờ đó những người đang chế giễu con có cơ hội thấy tại sao họ muốn chế nhạo người khác và từ đó bắt đầu chất vấn trạng thái tâm thức của mình. Nhưng con cũng được cơ hội chứng tỏ con sẵn sàng bị chế giễu, vì con sẵn sàng bước lên trạng thái tâm thức cao hơn trong đó con không quá coi trọng nó, con không để những lời chế giễu của người khác ngăn cản con thực hiện sứ vụ thiêng liêng và biểu hiện năng lượng sáng tạo của mình.

Đây là một khai ngộ cực kỳ quan trọng, dó đó thày Nada và thày sẽ giúp con thấy là con có thể nhận sự chế giễu của thế gian mà không dính mắc. Con thực sự có thể học cách buông bỏ ý thức cá nhân trong cuộc sống. Nhưng thày đang đi quá nhanh, vì đây là đề tài của bài chỉ dẫn tới của thày. Vì làm sao con có tự do khi con coi những gì xảy ra với con đều nhắm vào cá nhân mình? Chuyện này không thể làm được. Chính vì vậy, thày Saint Germain và thày đã thiết kế một số phương pháp để giúp đệ tử lên tầng cao hơn. Vậy thày sẽ trở lại để cho con tầng chỉ dẫn đó.