Vượt qua tấn tuồng cuộc đời bằng cách chuyển từ phản ứng sang hành động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 31/12/2009 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Gautama TA LÀ và TA LÀ tỉnh thức. Ta đến để nói với con rằng, con cũng vậy, tốt hơn là con nên tỉnh thức nếu con muốn vượt qua những cuộc điểm đạo của năm 2010 này, mà như ta đã trình bày năm ngoái vào ngày đầu năm, sẽ là Năm của Ngôi Con. Là năm mà nhân loại phải đối mặt với điểm đạo của Ngôi Con – tức Tâm thức Ki-tô – và do đó phải đối mặt với điểm đạo về sự cần thiết đạt được Tâm thức Ki-tô hầu phân biện giữa chân và bất chân.

Con để ý ta không nói “thật và giả”, bởi vì thật và giả là từ ngữ mà loài người đã sử dụng từ bao lâu nay để chỉ những thứ trong cõi nhị nguyên. Và tất nhiên, trong năm tới, điều cần thiết là mỗi người cần bước lên khỏi nhị nguyên và, trên hết, học cách phân biện là có một cõi vượt khỏi nhị nguyên, có một mức tâm thức có thực – và nó không ở trong cái cõi luôn luôn có hai đối cực chống đối lẫn nhau.

Và như thế, tâm thức bất nhị này không có đối cực, bởi vì Thượng đế không có đối cực, Phật không có đối cực. Không có cái gì có thể gọi là phản Thượng đế tuy rằng dĩ nhiên con có thể nghĩ ra từ này. Cũng vậy, không hề có phản Phật cho dù con cũng có thể nghĩ ra từ đó. Vì con thấy không, cái gì không phải là Phật chỉ đơn giản không là Phật. Cái gì không phải là Thượng đế thì không là Thượng đế, có nghĩa cái đó bị chia cách khỏi Thượng đế, chia cách khỏi Phật. Thế nhưng khi Thượng đế ở mọi nơi và khi tất cả đều là Phật tánh, làm sao có gì thực sự chia cách khỏi Phật? Làm sao có gì thực sự chia cách khỏi Thượng đế?

Điều này tất nhiên không thể xảy ra trên thực tế, nó chỉ có thể xảy ra trong cõi nhị nguyên, nơi con có thể định nghĩa hai đối cực rồi bảo rằng Thượng đế là một đối cực, và ác quỷ – hay phản Thượng đế hay bất kỳ con muốn gọi tên là gì, thậm chí là vật chất – là đối cực kia, và do đó là chống đối, là chia cách khỏi Thượng đế. Nhưng ảo tưởng này tất nhiên không hiện hữu tự nó. Nó chỉ hiện hữu trong tâm của những ai đã quyết định bước vào cõi của nhị nguyên. Và tại sao lại có những dòng sống muốn bước vào cõi này?

Con luôn luôn có thể thay đổi phản ứng của mình

Như Giê-su, như Đại chỉ đạo Thiêng liêng, như Astrea và như Serapis Bey gần đây có giải thích thật cặn kẽ, họ làm vậy vì họ không sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về bản thân họ. Thế nào là nhận lấy trách nhiệm về bản thân? Đơn giản có nghĩa là con sẵn sàng nhận diện và nhìn nhận một cách ý thức một sự thật duy nhất, là sự thật nền tảng cho sự tăng triển trên con đường tâm linh để bước vào vòng xoắn ốc thăng thiên. Đây là sự thật khiến cho các chân sư có thể làm việc với con trên một căn bản cá nhân thay vì con ở lại Trường đời Cay đắng, hay ở lại trường học của giáo lý công truyền, của những tổ chức và đạo sư công truyền nơi con có thể tìm thấy một đạo sư chân chính hay không chân chính, nhưng trong mọi trường hợp, nơi con sẽ bị hấp dẫn bởi loại đạo sư hay giáo lý vang dội trong tâm thức hiện thời của con.

Vì con thấy đó, khi con chưa nhận trách nhiệm về mình thì con chưa sẵn sàng tra vấn tâm thức hiện thời, nhận thức hiện thời của con. Và như vậy, làm sao con có thể thu hút một đạo sư vượt lên trên tầng tâm thức đó? Chuyện này không thể làm được. Đây là một trong những sự thật quá hiển nhiên, nó đáng lý phải hiển nhiên nhưng lại không hiển nhiên chút nào cho những ai chưa chịu nhận lãnh trách nhiệm và do đó còn nhìn tất cả mọi thứ với nhận thức ô nhiễm.

Vậy thì điều gì là điều con bắt buộc phải nhận ra trước khi con có thể là học trò cá nhân của các chân sư thâng thiên? Đó chính là: Mọi thứ trong thế giới hình tướng đều là sự biểu hiện của tâm thức, là một tạo vật của tâm thức. Không có gì – ta nhắc lại, không có gì – trong thế giới hình tướng, dù là trong cõi tâm linh hay vũ trụ vật chất, mà có sự hiện hữu độc lập hay khách quan. Không có gì đã đi vào hiện hữu mà không được sinh tạo bởi một vị đồng sáng tạo với khả năng tự nhận biết. Vị đó trước tiên hình dung ra một hình tư tưởng, rồi sử dụng khả năng đồng sáng tạo của mình để áp chồng hình tư tưởng này lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và ánh sáng này khoác lấy hình dạng của hình tư tưởng.

Không có cách nào khác để đồng sáng tạo. Ngay cả Đấng Sáng tạo cũng sáng tạo cách này, cũng như mọi vị đồng sáng tạo khác từ mọi thời – trong bầu cõi này hay trong những bầu cõi trước cho tới lần sáng tạo đầu tiên. Không có cách nào khác để sáng tạo. Và như vậy, con đường tâm linh khởi sự khi con đạt tới điểm sẵn sàng chất vấn nhận thức cho rằng những gì mình nhận biết trong vũ trụ vật chất là thực – là có sự hiện hữu độc lập, nghĩa là hiện hữu một cách độc lập khỏi tâm thức – và như vậy nó trường tồn hay bất biến, hay chỉ thay đổi rất chậm do một tiến trình vượt ngoài tầm kiểm soát của con, cho dù tiến trình này là Thượng đế hay thiên thần trên trời, hay định luật thiên nhiên, hay quy trình tiến hóa, hay bất kỳ huyền thoại nào khác mà con người đã nghĩ ra để giải thích mọi sự ở chung quanh mà qua đó con người thấy cả hình dáng của trường tồn lẫn hình dáng hiển nhiên của biến đổi.

Tuy nhiên, vì không chịu nhận trách nhiệm về bản thân, con người phải phóng chiếu ra là mọi thứ đều trường tồn và hiện hữu độc lập. Và cùng lúc, họ cũng phải phóng chiếu là những thay đổi mà họ không thể chối cãi phải đến từ một tiến trình nào đó ở bên ngoài họ mà họ không thể kiểm soát. Nhưng thực sự, liệu có cái gì trong thế giới của họ – trong thế giới cá nhân của họ – mà họ hoàn toàn không thể kiểm soát không? Có, có chứ – nhưng chỉ ở mức tâm thức hiện thời của họ mà thôi. Nhưng nếu con sẵn sàng thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con, thăng vượt nhận thức hiện thời của con, thăng vượt cái hộp tư duy hiện thời của con, thì hoàn toàn sẽ không có gì trong thế giới của con mà con không thể gia tốc lên một tầng cao hơn bằng cách sẵn lòng gia tốc chính tâm thức của con.

Con có thể nhìn vào thế giới chung quanh, nhìn vào hoàn cảnh cá nhân, và con cỏ thể thấy nhiều điều trong đời mình mà dường như con không có quyền năng ảnh hưởng hay thay đổi, do chúng tùy thuộc vào định luật thiên nhiên mà hình như con không thể thay đổi, hoặc chúng tùy thuộc vào người khác và những chọn lựa tự quyết của họ. Nhưng con thấy đó, con vẫn có quyền năng thay đổi một thứ. Con có quyền năng thay đổi cách con phản ứng trước tình huống ngoại cảnh, trước cách cư xử của người khác.

Khởi đầu của con đường tâm linh

Và con khởi đầu khi con tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể gia tốc phản ứng của mình để tôi không bị những hoàn cảnh, hành động, lời nói của người khác buộc tôi phải phản ứng tiêu cực? Làm thế nào gia tốc ra khỏi khuôn nếp phản ứng cũ? Làm thế nào ra khỏi cách vận hành cố hữu của tâm thức phản ứng?” Khi con bắt đầu đặt ra những câu hỏi này, đó là lúc con có thể khởi sự con đường tâm linh.

Ban đầu, có vẻ như con chỉ thay đổi được cách phản ứng đối với hoàn cảnh hay người khác, nhưng ta cam đoan với con là các thày – là các chân sư thăng thiên đã từng trải qua cùng tiến trình như con, đã khởi đầu ở một tâm thức vô cùng nhị nguyên rồi đã tự gia tốc vào Xoáy ốc Thăng thiên – các thày đã chứng minh, chứng minh nhiều lần và thêm nhiều lần rằng khi con gia tốc các phản ứng của con, con sẽ đạt tới điểm không còn gặp phải một số tình huống hay một số loại người nữa. Và con yêu dấu, có thật là khó hiểu lắm không khi con đã nhận được rất nhiều lời dạy của các thày về sự kiện vũ trụ này là một tấm gương phản chiếu lại cho con những gì con gửi ra ngoài?

Nếu con gửi ra ngoài ý tưởng là con luôn bị người ta đổ tội oan ức, thì dựa trên hình tư tưởng mà con có trong tâm, vũ trụ sẽ suy ra điều gì? Đúng vậy, vũ trụ sẽ suy ra là con muốn kinh nghiệm một tình huống có ai đó buộc tội con. Và như thế, vũ trụ sẽ chiều theo và gửi đến con loại người buộc tội đó. Và con có thể rơi vào vòng xoáy ốc muôn thuở là tìm cách tự minh oan trước lời buộc tội của họ, hay tìm cách bác bỏ họ, hay tự bào chữa, hay thậm chí tìm cách thay đổi quan điểm của họ – nhưng con vẫn đang phản ứng đó con.

Con có thấy chăng là những gì khiến con phản ứng không phải là tình huống bên ngoài độc lập với tâm thức con? Con đang phản ứng lại sự phản ứng của tấm gương vũ trụ đối với những hình ảnh mà con đã gửi ra. Hẳn con có biết về luật nhân quả, còn gọi là luật của hành động và phản ứng. Vậy thì con biết phản ứng luôn luôn đi theo sau hành động. Thế nhưng khi con không nhận trách nhiệm về mình, con không thấy được là cái chuỗi sự kiện đó đã khởi sự với một hành động của con, tức là những hình tư tưởng mà con cho phép hiện hữu nơi thể bản sắc của con, rồi con phóng nó ra vào tấm gương vũ trụ, và những gì trở ngược lại con chính là sự phản ứng do hành động của con.

Khi con không nhìn nhận điều này, con sẽ chỉ nhìn vào những gì xảy ra bên ngoài con, rồi con cho rằng cách người khác đối xử với mình là hành động của họ. Rồi con cho rằng hành động của họ bắt buộc con phải phản ứng một cách nào đó, thường thường nó bắt con phản ứng một cách nhất định bất kể động lực cá nhân của con là gì, chẳng hạn con phải tự biện minh hay buộc ngược lại người ta. Và con cho rằng vì con không thể thay đổi hành động của họ, con sẽ không có cách nào thăng vượt hoàn cảnh của con. Nhưng con có thấy là lý do con cảm thấy mình bất lực là vì con đã lẫn lộn hành động với phản ứng? Con nghĩ con phản ứng lại hành động của họ, nhưng sự thật ở đây – sự thật nói lên khác biệt giữa những học trò chân chính của chân sư thăng thiên với những ai không phải là học trò chân chính, cho dù họ có thể tự nhận hoặc tin chắc thế nào đi nữa – là nhận ra một điều mà thôi, đó là khi con nhận trọn vẹn trách nhiệm về bản thân thì con sẽ KHÔNG BAO GIỜ phản ứng lại bất cứ gì!

Khi con hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng tâm mình, con thấy rằng Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết. Và dù điều gì xảy ra cho con trên địa cầu, con có tự do chọn lựa những gì xảy ra trong tâm con – bất kể những gì xảy ra bên ngoài thân con và tâm con. Và như vậy khi con trách nhiệm bản thân con, con ngộ ra rằng con hoàn toàn không có nhu cầu phản ứng lại bất cứ gì. Không có một định luật tự nhiên nào bắt con phải phản ứng lại những tình huống mà con gặp trong vũ trụ vật chất, bởi vì con có tiềm năng gia tốc vào một tâm thức cao hơn, nơi con không phản ứng mà con hành động. Bởi vì dù chuyện gì xảy ra bên ngoài, con vẫn chọn lựa được tâm thức của mình. Và con chọn hành động dựa theo tâm thức mình, chứ KHÔNG dựa theo tâm thức người khác. Và đó là tại sao con sẽ không bao giờ bị giới hạn bởi tâm thức và quyền tự quyết của người khác, vì CHÍNH CON, trong mọi tình huống con phải đương đầu và bất kể chọn lựa của người khác, con tự do chọn lựa hành động của mình, tâm thức của mình.

Giành lại thế chủ động

Không ai cấm con nhìn vào chính con rồi tự hỏi: “Tại sao tôi cứ gặp hoài những loại người này? Có điều gì trong tôi mà tôi chưa nhìn thấy cứ khiến mình phải gặp lại họ hoài hoài? Có bài học nào mà mình chưa hấp thụ khiến mình cứ phải đi thi lại dài dài cho đến khi mình thuộc bài?” Lúc đó con có thể nhìn vào chính mình, làm sáng tỏ cái đó là gì – có thể là một vết thương từ quá khứ, một tin tưởng nào đó – và con có thể thăng vượt nó, con có thể tự gia tốc để vượt khỏi nó. Và khi con làm được vậy, con sẽ không còn nhu cầu phản ứng nữa, và con sẽ tự do chọn lựa hành động. Thậm chí khi con gặp lại người kia cư xử y hệt như trước, như họ buộc tội con hay làm bất cứ gì khác, con sẽ không phản ứng lại họ. Con chọn! Và vì vậy con HÀNH ĐỘNG. 

Và bây giờ họ không là người nắm chủ động nữa, vì con đã giành lại thế chủ động khỏi tay họ qua hành động của con – là những hành động không hề bị điều chỉnh cho phù hợp với tâm thức hay hành động của họ, mà là hành động xuất phát từ sự sáng tạo nội tại mà con vốn có, từ nguồn sáng tạo nằm trong Hiện diện TA LÀ của con – và bây giờ con có khả năng khởi lên những cách ứng đối sẽ khiến họ hoàn toàn bối rối, y như Giê-su đã khiến cho các thày thông giáo và người Pha-ri-si bị bối rối, hay nếu con có học đạo Phật kỹ lưỡng, tương tự như ta đã khiến người Bà-la-môn trong đạo Ấn bị bối rối vào thời của ta. Họ tưởng họ đã tìm ra tất cả, tưởng chỉ có họ mới hiểu đúng kinh cổ, mới tuân thủ nghi lễ và truyền thống, nhưng họ chỉ làm cho Lời Hằng Sống bị vô hiệu hóa, như Giê-su đã chỉ ra cho họ sau này.

Tâm thức cáo buộc người anh em đã có từ lâu trước khi bầu cõi này được tạo lập, trước cả khi vũ trụ vật chất được sáng tạo. Nó đã hiện diện trên địa cầu, không ngay từ đầu nhưng suốt một thời gian rất dài. Đó chỉ đơn giản là một sự khai ngộ thuộc về các bầu cõi tiếp theo sau bầu cõi có các sinh thể sa ngã đầu tiên quyết định dấn thân vào năng lượng cáo buộc hầu kéo mọi người rơi xuống với chúng. Có thể nói đó là phần nào những khai ngộ của trường đời cay đắng, và cũng vậy nhưng theo một cách khác, đó cũng là phần nào những khai ngộ của trường bí giáo của chân sư thăng thiên. Bởi vì tất nhiên các thày sẽ làm việc với con để giúp con nhìn thấu những điểm tinh tế của năng lượng cáo buộc, nhưng các thày chỉ có thể giúp con được nếu con đã tới mức sẵn sàng nhìn nhận tất cả đều là tạo vật của tâm thức.

Và khi đó, con sẽ nhìn ra một sự thật rất giản dị sẽ giúp con vươn lên trên năng lượng cáo buộc vì chính tâm con sẽ không bắt đầu suy nghĩ về chuyện cáo buộc. Con có thấy cách thức nó diễn ra thế nào không: có ai đó nóng giận tiến về phía con, họ buộc tội con đã làm điều gì đó. Con lập tức phản ứng lại năng lượng cáo buộc bằng cách đóng tâm con lại, đóng các luân xa lại và không muốn nhận vào năng lượng. Ngay sau đó, tâm con bắt đầu duyệt qua nội dung của lời buộc tội. “Có gì thực trong lời này? Có thật là tôi đã làm chuyện đó không? Hay tôi không làm? Không, tôi đã không làm, tôi sẽ bào chữa thế nào đây? Làm sao để người ta tin tôi? Chuyện này sẽ hại đến danh giá của tôi như thế nào?” Và tất cả những câu hỏi như thế mà con có thể nghĩ ra cứ lặp đi lặp lại trong tâm con.

Một khi tâm con vùi đầu vào chi tiết lời buộc tội, con đã dấn sâu vào vòng xoắn ốc hướng hạ – và kẻ buộc tội đã đặt con vào đúng cái thế mà họ muốn. Nhưng khi con ngộ ra rằng mọi sự đều do tâm thức tạo dựng – và do đó mọi sự có mặt trên địa cầu là sự biểu hiện thành hình tướng của một trạng thái tâm thức nào đó – thì con sẽ nhìn những lời đó từ một góc độ khác, có đúng thế không? Vì bây giờ con nhận ra là lời buộc tội của người kia rất có thể không liên quan gì tới con, tới hành vi của con hay tình trạng tâm thức của con. Nó có thể chỉ là sản phẩm của tâm thức người đó và vì vậy không có chút thực thể nào. Và tất nhiên ở đây, chúng ta cần xem đến một điều tinh tế đã cho phép kẻ cáo buộc cứ quay tiếp vòng xoáy cáo buộc rồi đánh bẫy mọi người kẹt vào đó hết lần này tới lần khác.

Vì con thấy không, một khi con đã rơi vào vòng nhị nguyên, con sẽ có một số tin tưởng, cảm xúc hay động lực, một số hành vi không mấy cao đẹp – và người kia sẽ dùng những điều này để buộc tội con. Và bây giờ con cảm thấy nếu những chuyện đó có thật – bởi vì con đã làm những chuyện đó, đã có những ý nghĩ, tình cảm hay động lực đó – thì con không thể đơn giản làm ngơ lời cáo buộc. Và tất nhiên là nó chính xác. Con không thể làm ngơ, nhưng có một điều con có thể làm được là tự nhủ: “Tôi sẽ không phản ứng lại lời buộc tội bằng sự biện minh. Tôi sẽ tự xét mình một cách trung thực. Nếu tôi thấy tôi đã có những hành vi, động lực, tình cảm, ý nghĩ hay quan điểm không trong sáng, không tối ưu, thì tôi sẽ tự tu sửa lấy mình. Nhưng tôi sẽ hoàn toàn làm ngơ người tố cáo. Tôi sẽ không bào chữa. Tôi sẽ không buộc ngược lại. Tôi sẽ nhìn vào chính mình, tôi sẽ tách ra khỏi người tố cáo vì lời buộc và năng lượng của họ sẽ không giúp tôi nhìn vào bên trong và tiếp xúc với các vị thày tâm linh của tôi hầu nhận được sự hướng dẫn nội tâm sẽ giúp tôi nhìn thấy cái xà trong mắt mình.”

“Như vậy tôi sẽ tách mình ra khỏi năng lượng và tâm thức của người buộc tội. Tôi sẽ làm việc với các thày tâm linh của tôi. Tôi sẽ tìm xem có điều gì trong tâm thức mình cần thay đổi. Và tôi sẽ thay đổi nó. Và tôi sẽ tự gia tốc để vượt lên trên nó. Và tôi sẽ nhìn lại người kia và xem họ còn buộc tôi nữa không, và nếu họ còn, tôi sẽ giải quyết chuyện này ở tầng tâm thức cao hơn mà tôi vừa vươn tới, là tầng tâm thức nơi người kia không còn lý do nào để buộc tôi nữa.”

Con yêu dấu, con có thấy cái cạm bẫy mà bao lần con đã rơi vào khi con bị buộc tội là con có một trạng thái tâm thức nào đó, con đã đáp lại ở cùng tầng tâm thức đó hay không? Và con bị vướng kẹt, con rơi vào cái bẫy của phản ứng nhị nguyên chỉ có thể tạo ra một vòng xoáy đi xuống. Điều ta muốn nói với con ở đây là con không chỉ làm ngơ trước những điều người ta nói, nhưng con phải trung thực và nhìn xem có điều gì đúng trong lời đó hay không. Và con đừng phản ứng ở tầng tâm thức đó, mà ngược lại hãy rút về, đứng sang một bên, làm việc trên chính mình, nhìn vào chính mình, làm việc với các thày tâm linh. Và khi con thấy lời buộc tội có điều gì đúng đắn thì con hãy bỏ công ra cho tới khi con tự gia tốc vượt lên trên. Và sau đó nếu cần thiết, con có thể trở lại giải quyết với người đã buộc con.

Nhưng cũng có thể con nhận ra là chuyện giải quyết với người kia sẽ chẳng đem lại được gì xây dựng bởi vì con đã thăng vượt tâm thức đó rồi. Có khi, vì con đã thăng vượt tâm thức, con có thể trở lại người cáo buộc để khiến họ nhận ra con đã vượt tâm thức cũ của con. Và có thể nó sẽ khiến người kia cũng muốn thăng vượt tâm thức của họ. Con và họ có thể bắt đầu một quan hệ mới ở một cấp độ mới. Nhưng nếu con tìm ra là họ vẫn không sẵn sàng thăng vượt tâm thức cáo buộc, thì trong rất nhiều trường hợp, chẳng có ích gì mà con cố bác bỏ lập luận của họ, hay tự biện bạch, hay cố thay đổi quan điểm của họ.

Quả vị Ki-tô và quả vị Phật

Bởi vì nếu người buộc tội không sẵn sàng làm điều con vừa làm, làm sao con sẽ đạt được điều gì xây dựng đây? Con thấy không, một người buộc tội con có thể đã chỉ ra điều gì đó không ổn trong con và như thế con có thể nắm lấy cơ hội mà học hỏi. Nhưng con cũng cần biết, dù người kia nhìn thấy điều dở trong con, có thể họ chưa có được tâm thức nhìn nhận mọi vật là biểu hiện của tâm thức. Và con thấy một sự thật giản dị ở đây. Người ta bảo rằng nếu con thấy thói xấu nơi người khác thì chính con cũng có thói xấu đó. Câu này không hoàn toàn đúng với mọi người, bởi vì một khi con có tâm thức Ki-tô, con có thể thấy thói xấu hay cái giằm trong mắt người anh em mà nhận xét của con vẫn đúng – nó sẽ đúng khi con có tâm Ki-tô.

Nhưng trong tâm thức Ki-tô, con không bao giờ cáo buộc một ai, bởi vì con đã thăng vượt năng lượng cáo buộc sinh ra từ nhị nguyên – và vì thế Ki-tô không cáo buộc. Có một sự khác biệt quan trọng nhưng vi tế giữa việc chỉ ra một điều cần chỉnh đốn và làm cùng như vậy với một năng lượng cáo buộc nhằm hạ thấp đối tượng. Ki-tô chỉ có một mục đích mà thôi là nâng người kia lên. Và như vậy khi con chỉ ra một điều gì cần sửa đổi, con hãy nói một cách xây dựng vì con muốn giúp người kia thăng vượt nó.

Kẻ buộc tội thì không muốn đối tượng của họ thăng vượt. Họ chỉ muốn kéo người kia xuống, và đó là động lực, là ý định của họ, đó là năng lượng mà họ phóng vào người khác. Cho nên con yêu dấu, khi con đã giải thoát khỏi những bợn nhơ trong tâm thức, con sẽ tới điểm nhìn thấy rõ hơn. Như Giê-su có nói, khi con đã gỡ được cái xà trong mắt mình thì con sẽ thấy rõ những gì diễn ra trong tâm thức người khác. Và nếu con thấy một người sẵn sàng để cho con làm việc với họ thì con hãy hết sức giúp họ. Nhưng nếu con thấy người đó chưa tới mức chấp nhận được tất cả đều là biểu hiện của tâm thức, thì có những trường hợp con có thể lấy biện pháp khác hơn – như khi Giê-su thách đố các thày thông giáo và người Pha-ri-si, hay lật đổ bàn ghế của bọn đổi tiền – hoặc con cũng có thể để mặc cho người ta yên thân. Không có cách đúng hay sai bởi vì trên đường tu có nhiều giai đoạn khác nhau.

Có giai đoạn gọi là giai đoạn của Ki-tô, con đường dẫn đến quả vị Ki-tô, khi bình thường con sẽ đi ra thế gian và hoặc con tìm cách giúp đỡ mọi người, hoặc con đặt vấn đề với những ai không chịu tiến tới cao hơn. Nhưng sau giai đoạn này là giai đoạn của quả vị Phật, như khi con thấy ta đã không tích cực đi ra ngoài, ta lánh xa xã hội và thiết lập một đạo tràng sống biệt lập. Khi ta để cho học trò tự nguyện đến với ta, ta được lợi điểm là có thể từ khước những ai chưa sẵn sàng, là những người chưa chứng ngộ một điều thiết yếu là cái chìa khóa để gia nhập đạo tràng của ta, đó là sẵn sàng nhận ra mọi thứ là sự biểu hiện của tâm thức. Và như vậy, con yêu dấu, con hãy lắng nghe – chìa khóa cho sự tiến bộ cá nhân của con có thể tìm thấy trong tâm thức con.

Con có thấy là ngày nay trên thế giới, ngay cả những người tâm linh cũng bị mắc kẹt trong cái tâm thức mà kẻ cáo buộc người anh em đã tạo ra, cái vòng xoắn ốc hướng hạ nơi họ chỉ chú tâm vào người khác, chú tâm vào việc cải sửa người khác? Họ tưởng là họ phải cải tổ thế giới và con người, thậm chí phải đưa ra lời phán xét hay lên án hay lật mặt người khác. Và như vậy, họ luôn luôn ở trong tâm trạng muốn thay đổi tâm thức người khác thay vì tâm thức của mình.

Điều này tất nhiên cũng tốt thôi. Con có quyền tự quyết, con có quyền ở trong tâm thức đó và nếm mùi những trải nghiệm mà con cần trong tâm thức đó. Nhưng ta với tư cách là Phật, có quyền định ra một tăng đoàn đứng biệt lập khỏi tâm thức cáo buộc, và do đó ta có quyền định ra một điều kiện gia nhập mà qua đó những ai không sẵn sàng thừa nhận họ cần thay đổi tâm thức của chính họ – thay vì cố thay đổi tâm thức người khác – sẽ không đủ tư cách, không đủ sẵn sàng để gia nhập tăng đoàn của Phật và nhận được giáo huấn trực tiếp của ta.

Như vậy họ có thể đứng ngoài và tiếp nhận những hình thức giáo huấn khác, chẳng hạn giáo huấn mà con có thể nhận được ngày nay từ tôn giáo công truyền đạo Phật hoặc các giáo lý tôn giáo hay tâm linh công truyền nào khác. Nhưng con sẽ thấy, ngay cả thời nay trong truyền thống đạo Phật cũng có những vị thày chân chính đã chứng đạt tâm thức cao hơn, và mỗi vị đó đều có những tiêu chuẩn cá nhân cho những ai được phép gia nhập vòng đệ tử riêng, vòng đệ tử điểm đạo.

Và tất nhiên giống như Phật, con không bắt buộc phải làm việc với bất cứ ai đến gõ cửa nhà con. Con yêu dấu, cái đó chính là sự điểm đạo của Ki-tô, khi với tư cách Ki-tô con làm giống như Giê-su đã làm, là tiếp nhận bất cứ ai bất kể tâm thức của họ. Con tiếp nhận người hủi lở, con tiếp nhận người có đủ loại tật nguyền, con tiếp nhận người bị quỷ ám – đủ mọi loại người bị kẹt trong đủ loại niềm tin. Ki-tô đi ra ngoài thế gian và bất cứ ai Ki-tô gặp, Ki-tô cũng sẽ ứng xử với người đó tùy theo khả năng sáng tạo bên trong, khả năng phân biện nội tâm và trình độ tâm Ki-tô của người đó. Điều này hoàn toàn chấp nhận được vì đó là lý do Ki-tô đi ra ngoài thế gian.

Nhưng ở mức của Phật thì Phật đã lập ra một tăng đoàn đứng biệt lập, và do đó học trò phải trải qua một số cuộc điểm đạo trước khi được phép gia nhập. Điều cốt yếu ở đây là để được cứu xét là học trò của Phật, người muốn đạt quả vị Phật phải trước tiên chấp nhận rằng mọi thứ trong thế giới hình tướng đều là biểu hiện của tâm thức. Và do đó mọi thứ mà CON gặp trong thế giới hình tướng là một biểu hiện của tâm thức con – nếu con phản ứng lại.

Hành động và phản ứng

Cho nên khi nào con thấy con còn phản ứng lại bất cứ điều gì trong thế gian này, con cần biết rằng trong tâm thức con vẫn còn một cái gì đó chưa được rũ bỏ, chưa chữa lành hay chưa thanh lọc – và đó là tại sao con mới phản ứng. Chỉ giản dị có vậy! Bởi vì nếu trong con không có gì tương ứng thì con sẽ không phản ứng. Con sẽ hành động, nhưng con sẽ không vướng mắc vào hành động. Và đây là sự khác biệt giữa hành động và phản ứng. Khi con phản ứng, con có sự vướng mắc vào một thành quả. Và nếu thành quả này không đạt được, con sẽ có một phản ứng vừa cảm xúc vừa lý trí, tiêu cực, bất an, không quân bình, không thương yêu.

Nhưng khi con hành động, con không vướng mắc vào thành quả. Và do đó hành động mang sẵn chiến thắng của nó, sự hoàn thành trọn vẹn của nó, thành công của nó, niềm vui của nó. Con thấy đó khi con phản ứng, con nghĩ sự thành công hay thất bại của phản ứng tùy thuộc vào những sự việc trong thế gian. Nhưng khi con thăng vượt tâm thức phản ứng và vươn lên tâm thức hành động từ bên trong, con ngộ ra là hành động để biểu thị những gì con biểu thị tự nó đã là chiến thắng. Không cần bất cứ gì khác, không cần thành quả nào trong tâm của người khác, trong hành động của người khác, trong hành động của xã hội hay trong thế giới rộng lớn, không gì là cần thiết nữa.

Con như là mặt trời cảm thấy vui mừng tỏa chiếu ánh sáng. Mặt trời không nhìn xuống trái đất để tìm xem có ai đang phải che chắn ánh nắng, ai đang trốn tránh tìm bóng rợp, ai đang đeo kính râm hay bôi kem chống nắng hay đang làm bất cứ gì. Mặt trời không quan tâm đến phản ứng, nó tiếp tục tỏa sáng vì niềm vui tỏa sáng. Và đó là tâm thức của hành động, ngược với tâm thức phản ứng là khi con không vui trong việc làm mà chỉ chờ thành quả, chờ phản ứng của người khác trước khi con định được là con nên vui hay buồn.

Cho nên đâu là chìa khóa để thăng vượt tâm thức phản ứng này? Đó là nhận ra rằng phản ứng của con phát xuất từ cách con nhận thức tình huống. Phản ứng là kết quả, là hậu quả, của nhận thức. Và như vậy khi con nhận diện tất cả là biểu hiện của tâm thức, con cũng nhận diện phản ứng của con đối với tình huống là sản phẩm của cách con nhận thức tình huống. Nhận thức ở đây, tất nhiên, đi xa hơn là nhận biết của giác quan, vì nó đi sâu vào phản ứng của cảm xúc, vào cách con suy nghĩ về tình huống, và vì thế nó đi xa hơn thế nữa, tuốt vào bên trong cách con nhìn cuộc đời rộng lớn, cái tư duy vi tế, cái thế giới quan được lưu trữ trong thể bản sắc của con.

Cho nên cách đây 2500 năm, ta đã nói thế này ngay đoạn mở đầu của Kinh Pháp cú: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, đau khổ sẽ theo sau.”

Nhận biết ô nhiễm với nhận biết thuần khiết khác nhau thế nào? Phải, ta vừa gợi ý cho con đó. Bất cứ khi nào con phản ứng trước một tình huống, con biết là con đang nhận thức tình huống đó với nhận biết ô nhiễm. Nhưng làm thế nào vượt qua được nhận biết ô nhiễm để có nhận biết thuần khiết? Bằng cách con nhận ra bất kỳ nhận biết nào phát xuất từ nhị nguyên thì nó vốn đã ô nhiễm trong bản chất. Điều này tất nhiên thật là khó. Bởi vì hầu hết mọi dòng sống trên địa cầu đã ngụ trong tâm thức nhị nguyên từ quá lâu đến độ mất hết mọi ý thức về nhận biết thuần khiết. Nhưng như ta đã giải thích nhiều lần, trong cốt lõi, cái Là của con chính là trạng thái tâm thức thuần khiết đó. Suốt bao nhiêu thời đại, tâm thuần khiết này đã được mọi truyền thống thần bí và tâm linh giảng dạy, xưa hơn cả kinh Veda, trở ngược về thời Atlantis và Lemuria, thậm chí cả những nền văn hóa xưa cổ hơn nữa.

Các nhà thần bí mọi thời đều biết khi con vượt ngoài nhận biết giác quan – sự nhận biết đến từ tâm vỏ ngoài do cảm xúc chi phối, sự nhận biết ở mức ý tưởng, ngay cả sự nhận biết đến từ ý thức bản sắc là mình sống trong thế gian này – khi con vượt qua tất cả những thứ đó thì con chứng nghiệm nhận biết thuần khiết. Con có thể gọi đó là cái ta ý thức, cái Ta Biết, hay bất cứ tên gọi nào mà con muốn. Nhưng thực tế là khi con vượt khỏi mọi ý niệm bản ngã thì đó là sự nhận biết thuần khiết.

Nhận biết thuần khiết này không thể bị bất cứ gì trong cõi nhị nguyên, bất cứ gì trong thế giới hình tướng làm ô nhiễm. Và như vậy con có thể hòa điệu với cốt lõi của chính con. Và khi con chiêm nghiệm sự nhận biết thuần khiết và biết con là nhiều hơn cái ngã vỏ ngoài chỉ nhận thức thế gian theo cách của nó, thì con sẽ bắt đầu trụ neo trong nhận biết thuần khiết. Và lúc đó con cũng bắt đầu nhận thức thế gian mà không rời nhận biết thuần khiết của con.

Duy trì sự nhận biết thuần khiết

Con không thấy hay sao, nhiều người chỉ kinh nghiệm được nhận biết thuần khiết thoáng hiện ra thật ngắn ngủi, xong ngay sau đó, có khi chỉ ít hơn một giây, họ lại trở về nhận thức thế giới qua nhân cách vỏ ngoài? Trong nhiều trường hợp, họ lấy những niềm tin tôn giáo của họ rồi đặt chồng lên trên nhận thức thuần khiết, cứ đinh ninh rằng kinh nghiệm ngắn ngủi kia xác nhận điều này hay điều nọ trong giáo lý hay giáo điều của tôn giáo họ. Con thấy có những nhà thần bí đạo Cơ đốc sau khi trải nghiệm nhận biết thuần khiết, lại cắt nghĩa kinh nghiệm này trong cái nhìn cố hữu của tín điều đạo Cơ đốc mà chính họ chưa thăng vượt được. Con cũng thấy những sự kiện tương tự trong đạo Phật, đạo Ấn, đạo Hồi và tất cả mọi nơi khác. Thậm chí con còn thấy những người tự nhận là vô thần trải qua một kinh nghiệm nhận biết thuần khiết xong cố cắt nghĩa từ một quan điểm khoa học nào đó rằng đấy chỉ là trò ảo thuật của bộ não, hay là một phản ứng hoá học hay điện từ hên xui may rủi.

Nhưng khi con sẵn sàng tra vấn nhận thức hiện thời của mình, sẵn sàng nhận ra là có nhiều cách nhìn một tình huống hay nhìn thế giới, sẵn sàng nhận ra là các chân sư thăng thiên có nhận biết thuần khiết, sẵn sàng kêu gọi các thày giúp đỡ, thì các thày chắc chắn sẽ giúp con phơi bày các điều ô uế nơi nhận thức. Và khi con sẵn sàng nhìn thẳng vào những ô uế này và thăng vượt chúng, sẵn sàng đi mút tiến trình mà chân sư đã mô tả là con đường tâm linh chân chính, thì con sẽ lần hồi đến được một điểm nơi con sẽ duy trì được sự tỉnh giác thuần khiết mà không bị lập tức rơi trở lại nhận thức vỏ ngoài.

Và điều này có nghĩa là bây giờ con có thể bắt đầu nhìn vào chính mình, cơ thể mình, tình cảnh riêng của mình và thậm chí cả thế giới, qua sự tỉnh giác thuần khiết. Con bắt đầu thấy có một cách khác để nhìn cuộc sống, khác hẳn cái nhìn của ngã vỏ ngoài, của nhân cách vỏ ngoài, của phin lọc nhận thức vỏ ngoài, của nhận thức ô nhiễm. Lúc đầu, đó sẽ là một tiến trình dường như phân liệt (schizophrenic) vì có lúc con có cái nhìn thăng vượt rồi chỉ lúc sau con lại trở về cái nhìn vỏ ngoài, khiến con nghi ngờ những gì con thấy. Cái này có thật không? Liệu thực tại của chân sư thăng thiên có khác hẳn những gì mình đã lớn lên và tin tưởng, những gì mình đã nhìn thấy từ bao năm, thậm chí cả những gì mình tin tưởng là chân lý của một tôn giáo hay lời dạy công truyền?

Con thấy đó, con yêu dấu, có nhiều người tự xem mình là học trò của chân sư thăng thiên nhưng trong suốt bao nhiêu thập niên đã chỉ học hỏi những giáo lý công truyền vỏ ngoài, họ không có khả năng hay mong muốn đi xa hơn để chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết. Họ đã dùng giáo lý công truyền đó để tạo ra một hộp tư duy mới, một thế quân bình mới như Giê-su đã giải thích tường tận. Và bây giờ khi họ chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết, họ phải đối diện với thực tế là cái nhìn của các chân sư thăng thiên khác xa với cái nhìn cố hữu của họ dựa trên một giáo lý công truyền của chính các chân sư.

Tuy nhiên họ chưa hề đi xa hơn giáo lý! Họ đã không vươn lên cao hơn tâm thức của họ, đã không chất vấn nhận thức của họ. Cho nên họ đã hình thành một nhận thức dựa trên giáo lý công truyền thay vì Tánh linh vượt trên mọi chữ nghĩa vỏ ngoài. Và do đó, bây giờ họ mới nhận ra là các chân sư không nhìn như họ đã học nhìn. Và họ phải đối mặt với thử thách – liệu họ sẽ chất vấn, không cứ là giáo lý công truyền, nhưng chất vấn nhận thức của họ về giáo lý công truyền? Liệu họ sẽ sẵn sàng từng bước đạt tới nhận biết thuần khiết hầu vượt xa hơn cái nhận thức về giáo lý công truyền mà họ đã học và xem là chân lý tuyệt đối không thể sai sót?

Đó là cách mà ngay cả giáo lý của chân sư cũng có thể trở thành một cái bẫy cho những học trò nào không sẵn lòng liên tục chất vấn nhận thức của mình. Vì con thấy đó, con có thể là thành viên của một tổ chức hay giáo lý công truyền mà không cần chất vấn nhận thức của mình – như con bắt buộc phải làm trước khi được gia nhập tăng đoàn của Phật, hay trước khi con được bước vào lớp nhập thất của Đại đoàn Chưởng giáo như các thày đã mô tả nhiều lần.

Làm thế nào người ta bị kẹt trong nhận thức

Nếu con không muốn tra vấn nhận thức thì hiển nhiên con tin rằng nhận thức của con hoàn toàn chính xác, hoàn toàn thực. Con đâu làm gì khác hơn được? Ta tin cậy hầu hết các con đều thấy được điều này. Nếu con không chất vấn nhận thức, con sẽ tin là nhận thức hiện thời của con về cuộc sống – hay về một tình huống cụ thể nào đó – là thực, trọn vẹn, chính xác. Ta tin cậy con phải thấy được là nếu con không chất vấn nhận thức thì con không thể vượt lên trên nhận thức đó. Mà nếu con không vượt lên trên nhận thức thì làm sao con nhận ra sự thật mà ta đã bày tỏ trong Kinh Pháp cú cách đây 2500 năm – rằng nhận thức xuất phát từ một thể của tâm sâu xa hơn, thể bản sắc, là cái nhìn của con nơi tầng bản sắc về chính con và cuộc sống?

Chính sự nhận biết sâu xa này nơi bản sắc đã nhào nặn cách con tiếp cận cuộc sống theo lý trí và cảm xúc. Tiếp cận theo lý trí và cảm xúc khiến con nhìn các tình huống một cách nào đó, và điều này khiến con có tâm trạng nào đó, chẳng hạn con cảm thấy mình bị kết án bất công, cảm thấy mình cần phải phê phán người khác, cần phải phản ứng giận dữ khi tình thế không đúng ý hay bất cứ tâm thái nào khác. Và khi con ở trong một tâm thái thấp như vậy, nếu con không chịu chất vấn nhận thức của mình thì trong tâm thái đó, nhận thức của con là cao nhất.

Và nếu nhận thức của con là cao nhất, con sẽ không thể vượt lên trên nó, con không thể vượt lên trên tâm thái thấp đó. Con không thể phơi bày cái trạng thái cao hơn kia để nhận ra chính nó đã làm ô nhiễm nhận thức con từ trong sâu, và nó đã khiến con nhìn cuộc đời với nhận thức ô nhiễm. Và nhận thức ô nhiễm này thì lại sản xuất tâm thái thấp kém nơi con bị kẹt. Thế là tâm thái thấp trở thành một cơ chế khép kín, một vòng phản ứng luẩn quẩn đóng chặt nơi con không ngừng phản ứng lại với cuộc đời.

Như ta đã nói ở phần đầu, con phản ứng lại những gì con phóng ra tấm gương vũ trụ. Con phản ứng lại những phản ứng của chính con do cái nhìn của con về cuộc đời tạo ra. Cho nên con bị kẹt trong một vòng xoắn ốc bất tận, phản ứng lại phản ứng của con lẫn phản ứng của người khác. Tất cả đều là phản ứng của nhau. Làm sao con bao giờ thoát ra khỏi cảnh này? Làm sao CON bao giờ thoát khỏi vòng xoáy phản ứng của CON?

Con sẽ chỉ được tự do khi nào con ngừng nhìn vào người khác hầu tìm cách thay đổi tâm thức họ, và nhìn nhận rằng chìa khóa cho tự do của CON là thay đổi tâm thức của CON. Và chìa khóa để thay đổi tâm thức của con là chất vấn nhận thức của con – là đi sâu vào tầng mức của nguyên nhân và nhìn xa hơn tầng mức của kết quả, đi vào tầng mức của hành động và nhìn vượt khỏi tầng mức của phản ứng. Bởi vì con sẽ không thể thay đổi phản ứng cho đến khi con thay đổi hành động. Có thể nói phản ứng là nhận thức ô nhiễm. Cái tâm trạng do nhận thức tạo ra ở các tầng cảm xúc và lý trí, đó là phản ứng.

Còn tầng mức của hành động nằm bên trên, ở thể bản sắc, là cách con nhìn cuộc đời và chính con, là quan hệ của con với cuộc sống, quan hệ của con với mọi người, quan hệ của con với Ánh sáng Mẫu-Vật, quan hệ của con với Thượng đế. Đây là nhận thức sâu sắc của con, là cái khiến con hành động bằng cách phóng ra một hình ảnh vào tấm gương vũ trụ nằm ở ngoài tầng cảm xúc, ở ngoài tầng tư tưởng – tức là ở ngoài tầm mức mà hầu hết mọi người có thể nhận biết. Và làm sao con có thể nhận biết những gì nằm ngoài cảm xúc và tư tưởng nếu con không bắt đầu chất vấn nhận thức của mình? Chuyện này giản dị không thể làm được, và đó là tại sao cái bẫy thật là trọn vẹn.

Những kẻ cáo buộc người anh em biết rõ là một khi chúng có thể ép buộc mọi người, ép buộc các dòng sống bước vào chu kỳ phản ứng bất tận, thì con người sẽ không bao giờ thoát ra được – trừ khi mình chịu chất vấn nhận thức của mình. Và bằng cách khiến cho mọi người luôn luôn bận rộn lo phản ứng lại cuộc đời, chúng sẽ tạo ra một vòng ốc xoắn hướng hạ vũ bão đến độ hầu hết mọi người không bao giờ có khả năng chất vấn nhận thức của mình, vì mình quá chắc chắn nhận thức này đúng đắn và không cần chất vấn. Vả lại ai ai cũng đều có cùng cái nhìn như thế.

Cho nên một khi phần lớn dân cư trên một hành tinh xem cuộc đời là sự phấn đấu không ngừng thì làm sao có ai đây sẽ bước lui lại để chất vấn cách nhận thức đó? Có ai sẽ đứng ra đặt câu hỏi: “Có thật cuộc đời là phấn đấu? Cuộc đời có bắt buộc phải phấn đấu không? Hay chỉ nhận thức của mình về phấn đấu đã tạo ra phấn đấu, bằng cách phóng hình ảnh cuộc đời phấn đấu ra tấm gương vũ trụ?”

Nhận biết thuần khiết là gì?

Hẳn con đã nghe truyện kể rằng xưa kia ta là con vua, lớn lên trong một khung cảnh bảo bọc nơi ta không có dịp nhận thức về bệnh và chết. Cho nên ta lớn lên với một nhận thức hạn hẹp, một chiều, có thể gọi là trong lành hơn nhận thức của hầu hết mọi người trên địa cầu. Con đã nghe là nhận thức của ta về một cụ già đã khiến cho ta ngộ ra là nhận thức cố hữu của mình thật là giới hạn. Và tuy rằng nhận thức đó thuần khiết hơn một người trung bình, cuối cùng thi nó không thuần khiết lắm vì giản dị ta đã bỏ qua không biết đến một số thực tế tạm thời của hành tinh. Đó không thật sự là nhận thức thuần khiết.

Nhận thức thật sự thuần khiết không đạt được bằng cách gạt bỏ những bất toàn, mà nhìn xuyên qua bất toàn, nhìn xa hơn bất toàn, và nhìn xem có gì vượt cả sự nhận thức – ngay cả nhận thức rằng cuộc đời là phấn đấu. Con cũng biết, sau khi nhận ra điều này, ta đã rút vào rừng, sống một cuộc đời khổ hạnh, hành hạ thân tâm mình, tìm cách kiềm chế tâm trí. Cho tới khi ta ngộ ra rằng ngay cả những thứ đó cũng sẽ không dẫn ta đến nhận thức thuần khiết.

Cái gì đã khiến ta vượt lên trên mức đó và chứng đạt quả vị Phật? Đó là vì ta đã tới điểm sẵn sàng chất vấn TỪNG khía cạnh của nhận thức – nhận thức mà ta đã có khi lớn lên, nhận thức về lối sống và triết lý khổ hạnh. Ta sẵn sàng đặt lại vấn đề tất cả, và khi ta bắt đầu đặt lại vấn đề, ta cũng bắt đầu nhận ra những mô thức vận hành khiến cho sự nhận biết ô nhiễm trở thành một chu kỳ bất tận không dẫn tới đâu. Đó là lúc ta bắt đầu chiêm nghiệm sự nhận biết thuần khiết mà trong đạo Phật gọi là Samadhi, hay Nirvana. Rồi nhờ thế ta lần hồi duy trì được nhận biết thuần khiết cho dù mình vẫn làm lụng công việc hàng ngày, và khi đó ta nhận thức thế gian từ tầng mức của nhận biết thuần khiết.

Như vậy ta nhìn thấy, ta bắt đầu nhìn thấy sự nhận biết ô nhiễm chính là nhận biết nhị nguyên khi có hai đối cực phải hiện diện. Trông ra thì tưởng chừng chúng hoàn toàn có thực, cái đối cực này không thể hiện hữu mà không có cái kia. Và do đó theo một nghĩa nào đó, cái này cũng thực như cái kia, tạo ra cảm tưởng là cái ác cũng thực như Thượng đế, rằng ác quỷ có quyền năng – có thường hằng, có thực thể. Và như vậy, ta bắt đầu nhìn vượt lên trên nhận thức nhị nguyên. Ta bắt đầu thấy được là có một cách tham gia vào cuộc sống – ngay cả cuộc sống năng động trong một thế gian tràn đầy bất toàn – mà vẫn không bị cuốn hút vào nhận thức nhị nguyên nơi người ta phải gắn nhãn cho mọi thứ theo một thang điểm nhị nguyên tương đối với hai đối cực – một cái là thiện, cái kia là ác; cái này là đúng, cái kia là sai; cái là thật, cái là không thật hoặc giả; cái là đẹp, cái là xấu; cái này dễ chịu, cái kia khó chịu.

Ta bắt đầu thấy được có gì vượt ngoài nhận thức nhị nguyên. Ta thấy nhận thức nhị nguyên là nhận thức ô nhiễm khi người ta nhận biết một cái gì nhưng không thật nhận biết vì sự nhận biết đã bị ô nhiễm. Và do đó, người ta không thể tách rời hành động nhận thức với hành động gắn nhãn, lượng định, phê phán. “Hãy đừng xét đoán để mình khỏi bị xét đoán, vì con xét đoán người ta thế nào thì con cũng bị xét đoán như thế”. Con có thấy chăng là con sẽ bị chính con xét đoán qua tâm thức của con? Và như vậy, cách con xét đoán người khác khi con đang đầu thai trên địa cầu cũng là cách con sẽ xét đoán chính mình khi con bước ra khỏi kiếp đầu thai và duyệt lại đời mình – là khi con nhìn vào chính mình qua cái tâm thức mà con đã nhìn người khác. 

Ta bắt đầu nhìn ra là vượt lên trên cách nhận thức này – cái nhận thức khiến mình như phải phê phán, gắn nhãn và lượng định tất cả – có sự nhận biết thuần khiết, một cách nhận thức mà qua đó ta không gạt bỏ những bất toàn trên địa cầu. Ta không gạt bỏ tính không thực của thế gian, nhưng ta không phán xét nó, không dán nhãn nó. Và như vậy, ta không phản ứng lại nó trong sự cảm xúc, như cảm thấy bị đe dọa, cảm thấy khó chịu hay ghê tởm, hay cảm thấy nó không được có mặt ở đó. Thực sự, ta nhìn vượt khỏi nó. Và vượt khỏi hình tướng bên ngoài, ta nhìn thấy Phật tánh, Ánh sáng Mẫu-Vật, sự THANH TỊNH, thực tại rằng tất cả được sinh tạo từ ánh sáng của Thượng đế. Và vì vậy nó có tiềm năng rũ bỏ hình ảnh ô uế, hình tướng ô uế, để được gia tốc vào sự thuần khiết – là thuần khiết của tâm thức Ki-tô, thuần khiết của tâm thức Phật, thuần khiết của tâm thức Thượng đế.

Và như vậy, ta đến được một điểm của tâm thức Phật nơi ta có thể duy trì Nirvana, duy trì Samadhi, cho dù ta đang tham gia vào mọi sinh hoạt đời sống. Con không cần phải ngồi đó thiền quán với mắt nhắm để trụ trong Samadhi hay Nirvana. Con luôn mang nó theo con, và con luôn nhìn tất cả xuyên qua tâm thức thuần khiết. Con vẫn thấy mọi bất toàn của thế gian, nhưng con không dán nhãn chúng, con không phê phán chúng, con không phản ứng lai chúng. Con chỉ nhìn thấy chúng, nhưng con thấy chúng là vô thường, con thấy chúng là không thực. Và con không phản ứng lại cái không thực, cái bất toàn. Thay vào đó, con HÀNH ĐỘNG, dựa trên sự chứng ngộ là mỗi bất toàn có thể được gia tốc vào thuần khiết, vào một trạng thái cao hơn. Khi đó, con có thể vào đời và hành động để nâng cao mọi sự sống, thay vì tìm cách kết án một sắc thái nào đó của sự sống rồi tìm cách triệt tiêu nó đi.

Sự lừa dối đằng sau mọi tấn tuồng

Con có thấy đây là sự lừa dối của kẻ cáo buộc người anh em hay không? Đây là sự lừa dối nền tảng đằng sau tất cả những tấn tuồng cuồng đại mà các thày cho tới nay đã phơi bày một cách rất cẩn trọng. Tấn tuồng cuồng đại khiến con tin rằng có cái gì đó xấu xa hay ác hại, và cái đó cần bị triệt tiêu. Nhưng khi con muốn triệt tiêu xấu ác thì con đã khởi đầu một phản ứng chống lại xấu ác – điều này sẽ không thể xóa bỏ khổ đau trên địa cầu mà sẽ chỉ gia tăng khổ đau. Và vì vậy, cách duy nhất để “xoá bỏ” “xấu ác” là thăng vượt tâm thức nhị nguyên hầu con có thể hành động trong tâm thức bất nhị, và do đó con tìm cách gia tốc các điều kiện mà người ta gọi là xấu ác, gia tốc nó vào thanh tịnh bằng cách nâng cao mọi sự sống thay vì lên án, chê trách, miệt thị, triệt tiêu.

Đây là sự khác biệt giữa những ai đã thăng thiên và những ai chưa thăng thiên. Là sự khác biệt giữa những ai đi theo con đường của tình thương và những ai còn bị mắc kẹt trong cái nhìn sợ hãi khi họ cảm thấy nhu cầu phải phê phán, bài bác, tiêu diệt.

Làm thế nào con thăng thiên? Bằng cách tự gia tốc và bước đến một điểm nơi con có thể nói với Giê-su: “Còn ta, khi ta thăng lên khỏi địa cầu, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” Thế Giê-su có nói, ta sẽ chỉ kéo những người tốt lên với ta và đuổi người xấu xuống địa ngục? Không, Giê-su không nói thế, mà thày nói: “Ta sẵn sàng gia tốc để nâng cao mọi sự sống”, và đó là tại sao thày đã có thể thăng thiên. Đó là vì thày đã tự gia tốc khỏi cái tâm thức cáo buộc đã chia cắt sự duy nhất bất khả phân chia của Thượng đế thành hai đối cực, rồi dán nhãn cho một đối cực là tốt – được vào Nước Trời – và đối cực kia là xấu – không được vào Nước Trời – và do đó phải bị tiêu diệt bởi những ai muốn vào Nước Trời. Bởi vì khi tiêu diệt xấu ác, con tưởng là con sẽ đủ tư cách để vào Nước Trời. Đó chính là sự lừa dối của các tấn tuồng cuồng đại. Có quá nhiều người đã từng tin vào, và vẫn tin vào, sự dối gạt đó. Họ vẫn tin là họ có thể tìm đường để được chấp nhận vào Nước Trời bằng cách khăng khăng giữ lấy tâm thức nhị nguyên – nghĩa là họ từ chối khoác vào cái áo cưới nơi họ sẽ hoàn toàn không bạo động, không nhị nguyên, không phê phán, không lên án, không bài bác, mà chỉ cố gia tốc mọi sự sống vào thanh tịnh.

Con có thấy chăng là ta không yêu cầu con trở nên đui mù? Ta không yêu cầu con gạt bỏ những bất toàn đầy rẫy trong thế gian, nhưng ta yêu cầu con đừng khiến chúng trở thành trường tồn trong tâm con. Bởi vì khi con phản ứng lại chúng thì con làm gì? Phải, nếu con biết cái gì đó là không thực và con là thực, tại sao con lại có nhu cầu phản ứng hay chống đối lại? Tại sao con có nhu cầu phản ứng lại một cái gì không thực? Cho nên con không phản ứng vì thấy mình bị đe dọa, hay mình tức giận, sợ hãi hay bất cứ một cảm xúc tiêu cực nào khác. Con chỉ đơn giản nhìn nó, và con hành động – bằng hành động không dựa trên hình dạng hay hình tướng bề ngoài, mà dựa trên nguồn sáng tạo nội tâm tự phát từ cái ta cao hơn của con, từ Hiện diện TA LÀ của con, từ tất cả mọi tầng của các sinh thể tâm linh ở ngay trên con nối dài cho tới Đấng Sáng tạo.

Thay vì phản ứng, con hành động trong một hành động được tưới bởi nguồn suối sáng tạo đó. Và vì con không phản ứng lại hình tướng, con không ban cho nó sự trường tồn, con không ban cho nó thực chất. Và như vậy, hành động của con không nhắm tới triệt hạ và hủy diệt, mà chỉ nhắm tới gia tốc vào sự thuần khiết mà con thấy vượt khỏi hình tướng. Đây là nhận thức thuần khiết khi con nhìn cái gì đó và thấy đó là một biểu hiện không thực, và con không bị lôi cuốn vào phản ứng muốn gắn nhãn cho nó là xấu, dở hay ác – như người đời thường làm. 

Con yêu dấu, các thày đã cho con nhiều lời dạy để giúp con vươn lên khỏi tâm thức của kẻ cáo buộc, tâm thức của những tấn tuồng cuồng đại. Đúng một năm trước đây, các thày đưa ra khái niệm những tấn tuồng đời sống và chỉ ra cho con sự cần thiết phải thăng vượt chúng nếu con muốn bước lên cao hơn, tức là nếu con quả thật mong muốn trở thành một sức mạnh nhằm gia tốc địa cầu vào xoắn ốc thăng thiên vào năm 2012 và xa hơn nữa. Nếu con thực sự muốn hình thành tăng đoàn của Phật, con cần phải thăng vượt các tấn tuồng của con, như ta và các chân sư khác đã chỉ ra rõ ràng, và cả Saint Germain nữa trong bài giảng quan trọng của thày. Đối với các con tha thiết muốn vượt qua tấn tuồng của mình, rất có thể con sẽ có lý do để học tập lại bài đó một lần nữa.

Bởi vì các thày nhận thấy trong số các con có những người không sẵn sàng khắc phục tấn tuồng của mình và thậm chí đã bác bỏ toàn bộ khái niệm đó, bác bỏ nhu cầu phải vượt qua tấn tuồng, hay từ chối nhìn nhận là mình có những tấn tuồng cần vượt qua. Tất nhiên theo Luật Tự quyết, điều này các thày hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng các thày chỉ muốn nói: Nếu thế thì các thày không thể nhận con vào tăng đoàn mà các thày đang thiết lập. Khi cách đây 2500 năm học trò xin gia nhập tăng đoàn của ta, họ phải khảo thí, tức là có một tiến trình lựa lọc, phân loại giữa những người sẵn sàng chất vấn nhận thức và tấn tuồng của mình, với những người không sẵn sàng. Những người không sẵn sàng phải đứng lại ở ngoài. Họ đã phản ứng bằng nhiều cách, một số cảm thấy mình bị hất hủi, một số khác thì công kích Phật cùng các đệ tử của Phật bằng đủ mọi cách mà kinh sách Phật giáo không ghi lại cho nên người đời sau không biết rõ.

Nhưng ta có thể cam đoan với con yêu dấu, tất cả mọi việc ta làm hay những lời ta nói vào thời đó đã không được các Bà la môn trong đạo Ấn chấp nhận hay chấp thuận. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi ta, hay bởi những người trong số đệ tử của họ không chịu chất vấn nhận thức của mình. Đã có rất nhiều cãi vã, công kích, buộc tội đối với ta, đối với sinh mạng và đệ tử của ta. Có rất nhiều chuyện xảy ra, như con thấy với Giê-su cũng từng bị công kích, lên án. Bởi vì như ta đã nói, cái tâm thức này đã có từ ngàn xưa. Con đừng nghĩ là ta đã tránh được nó, bởi vì nó có đó. Nhưng tất nhiên ta không bận tâm vì nó, ta không dính mắc vào nó, cho nên ta không phản ứng lại nó. Ta chỉ giản dị đi giảng dạy để cố giúp những ai chịu thăng vượt tầng mức tâm thức đó, và ta đặt trọng tâm giúp đỡ những ai ta có thể giúp đỡ bởi vì họ sẵn sàng tự giúp họ. Họ sẵn sàng nhìn vào chính họ, đặt vấn đề nhận thức của họ thay vì coi đó là tối thượng, vượt ngoài mọi chất vấn.

Hình tư tưởng tia chớp từ Đông sang Tây

Và bây giờ, như thông lệ, ta sẽ kết thúc bài giảng hôm nay bằng một hình tư tưởng có thể giúp con có một vai trò đắc lực hầu đưa nhân loại qua cuộc điểm đạo của Ngôi Con, Tâm thức Ki-tô – là tâm thức phân biện giữa chân và bất chân, và tất nhiên điều này đòi hỏi con có sự nhận biết thuần khiết không dán nhãn và không phê phán mà ta vừa trình bày ban nãy.

Ta mong muốn con hình dung Ki-tô đang bước vào thế gian này như lời của Giê-su – tựa như tia chớp từ Đông sang Tây. Và tia chớp phóng ra thế giới như một thanh gươm hai lưỡi chém xuyên qua những tấm màn ảo ảnh, tấm màn của Maya. Những tấm màn này có thể xem là những tấm rèm mà các thày giả và sa nhân đã treo lên để chúng ẩn nấp đằng sau. Có những tấm rèm dày đặc đến độ không thể nhìn xuyên qua, và cũng có những tấm khác đã trở nên phần nào trong suốt khiến con có thể nhìn thấy những cái bóng đang di chuyển đằng sau.

Con hãy hình dung Thanh gươm của Ki-tô, Lời Hằng sống, sẽ phóng ra và chặt đứt những sợi dây dùng để treo rèm, và những tấm rèm rơi xuống, để lộ những gì đằng sau. Phơi bày tầng lớp thượng tôn quyền lực, phơi bày những kẻ đang thao túng bằng đủ mọi cách, vì chúng đã có thể giấu mặt khỏi loài người thì nay chúng sẽ bị phơi trần. Tấm rèm sẽ rơi xuống và mọi người sẽ thức tỉnh và nói, “Nhìn kìa, hoàng đế không mặc áo. Bây giờ chúng ta thấy rõ y rồi – y không còn trùm trong tấm màn ảo ảnh của y được nữa, cái hỏa mù của Maya, của gian trá và lừa gạt.”

Con hãy giữ hình tư tưởng này, con yêu dấu! Con hãy nhớ đến nó mỗi khi con gặp một tình huống mà con biết có sự lừa dối. Và con hãy gọi lên một lời gọi ngắn gọn do con nghĩ ra, gửi về Ki-tô và Phật. Con hãy cầu thỉnh Thanh gươm của Ki-tô tách chân ra khỏi bất chân, cắt những tấm màn để chúng rơi xuống, và mọi người thấy phơi bày ra sự thực và sự không thực – và như vậy, cái không thực sẽ đứng đó trần truồng cho cả thế giới được thấy. Ta khuyên con hãy hình dung như vậy.

Và với lòng biết ơn đối với các con đã kiên trì giữ vững sự quân bình cho lời giảng này, ta nói: “Tốt lắm, những con người phụng sự tốt lành và trung thực, các con đã trung thực trong một số công việc, thì ta sẽ nỗ lực cho con cai quản nhiều điều trong những năm sắp tới.” Và như vậy, hãy được niêm phong trong nhận thức thuần khiết vô biên bất nhị của Phật. Hãy gọi ta để ta ban cho con nhận thức thuần khiết của Tâm Phật, là tâm biết tất cả đều là Phật tánh và do đó thấy được sự khác biệt giữa sự thực thuần khiết của Phật tánh và sự không thực của các ảo tưởng Maya luôn đến cám dỗ con – cám dỗ con làm điều gì? Cám dỗ con phản ứng lại cái không thực bằng đủ cách! Bởi vì bất kỳ phản ứng nào cũng khiến con bị kẹt trong vòng xoắn ốc của không thực. Cho nên con hãy là Phật – nhất định không phản ứng, nhất định bước vào con đường tâm linh hầu ta có thể dạy con cách HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG từ nhận thức thuần khiết.

Vậy hãy được niêm phong trong an bình của ta, trong sự an bình không hề thụ động, và không là cái an bình mà nhiều người cho là an bình, mà là an bình năng động, vô hạn, không để cho sự thể đứng yên một chỗ, không để cho con người bị kẹt cứng trong cái xoắn ốc nơi họ nghĩ cuộc đời là đau khổ. Và đó là lý do ta đã bước ra khỏi Nirvana – để giảng dạy cho loài người là có một chọn lựa khác hơn là sự khổ đau. Và ta khuyên CON hãy làm tương tự. Hãy dạy dỗ họ, hãy chứng tỏ cho họ là có một chọn lựa khác hơn là khổ đau. Các con đều có khả năng đạt được thanh thản trong tâm, khả năng nhìn cuộc sống với một niềm vui vô biên, bất tận! Hãy được niêm phong trong niềm vui của Phật. Vì khi con thấy được Phật tánh, làm sao con không vui được? Cho nên TA LÀ Niềm vui Bất tận.

Ghi chú: Các bài thỉnh sau đây đã được soạn thảo đặc biệt để được sử dụng cùng với bài truyền giảng trên:
Thỉnh cầu sự phân biện giữa phản ứng và hành động
Thỉnh cầu cách ứng xử đối với tâm thức cáo buộc
Thỉnh cầu bước theo chân Phật để nhận biết thuần khiết