25 | Sẵn sàng nhận giáo lý

Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 24 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.

TA LÀ Phật. Gautama là danh hiệu ta dùng khi làm việc với các dòng tiến hóa trên trái đất. Một số chân sư thăng thiên đã cho con tầm nhìn ngược trở về các đợt truyền pháp trước kia của các chân sư thăng thiên và nhìn kết quả của những lần ấy. Thày muốn mở rộng tầm nhìn thêm, trở về thời gian thày còn hiện thân và truyền pháp ở cõi vật lý cách đây 2,500 năm.

25.1. Tôn sùng Phật

Kinh điển nói là sau khi thày tu tập theo con đường khổ hạnh và nhận ra những hạn chế của nó, thày khám phá bát chánh đạo hay con đường đạo của Phật, và thày đạt niết bàn, thày giác ngộ. Nhiều, nhiều Phật tử, ngay cả bây giờ sau nhiều thế kỷ nhìn các điều này với tâm sùng bái. Hoặc họ cho rằng thày là sinh thể duy nhất đạt giác ngộ từ xưa tới nay, hoặc thày là sinh thể cao nhất hoặc thày đạt được một trạng thái giác ngộ tối hậu, tuyệt đối.

Nói cách khác, họ nghĩ trạng thái giác ngộ mà thày đạt được cách đây 2,500 năm là một trạng thái tuyệt đối, cao nhất có thể đạt được và không bao giờ vượt qua được. Tuy thế, nếu con xét đến hiện thực mà các thày truyền dạy cho các con về 144 tầng tâm tức, thì con có thể tự đặt câu hỏi: Khi thày đạt giác ngộ cách đây 2,500 năm, thì lúc đó thày đạt tới tầng tâm thức 144. Tầng tâm thức 144 cách đây 2,500 năm có giống y hệt tầng tâm thức 144 ngày nay chăng? Giờ đây, nếu câu trả lời là: “Đúng, giống y hệt nhau,” thì hệ quả là gì? À, hệ quả là hành tinh đã không tiến bộ gì cả trong 2,500 năm vừa qua. Hệ quả là giáo lý mà thày đã trao truyền 2,500 năm trước đây đã không nâng tâm thức của hành tinh lên và do đó đã không đạt được mục đích. Sự thực là tầng 144 ngày nay cao hơn rất nhiều tầng 144 vào 2,500 năm trước, hay 2,000 năm trước khi Giê-su đạt tầng đó, hay ngay cả khoảng 100 năm trước khi chân sư MORE và Kuthumi đạt được tầng này, và sẽ tiếp tục như thế.

25.2. Tâm thức được nâng lên như thế nào

Vậy thì điều gì nâng tầng tâm thức đó lên? À, trước tiên thì tâm thức tập thể được nâng lên và đây là khía cạnh omega. Chuyện này xảy ra khi đủ túc số tới hạn các cá nhân đã nâng cao tâm thức của họ và kéo theo 80% hay 90% thành phần thấp nhất và do đó tầng tâm thức thấp nhất được nâng lên. Cũng có thể có lúc tâm thức tập thể xoay chuyển và con người quyết định là họ không còn nhấp nhận một sự biểu hiện nào đó nữa. Hệ quả là tầng tâm thức thấp nhất được nâng lên và những người ở tầng tâm thức thấp nhất cũ không được phép hiện thân nữa.

Tuy nhiên điều gì nâng tầng tâm thức cao nhất lên? Ấy, một ai đó phải đạt được tầng 144 của thời của họ và sau đó tiến lên cao hơn trước khi thăng thiên. Đó là điều thày đã làm 2,500 năm trước đây, dù rằng thày nhập niết bàn ở tầng 144 của thời đó. Khi thày trở lại để làm sứ vụ giáo hóa, thày không trở lại với trạng thái tâm thức tuyệt đối. Trong những năm thày giáo hóa, thày vẫn tiếp tục tăng trưởng, tiến triển và thăng vượt chính mình. Thày nâng tầng 144 lên một mức cao hơn. Lẽ tất nhiên, Giê-su cũng làm như thế, các chân sư khác cũng làm như thế và đó là cách tầng 144 được nâng lên. Một số các con có tiềm năng góp phần vào tiến trình đạt tới tầng 144 trước khi con sẵn sàng rời thân vật lý, do đó vẫn tiếp tục tiến cao hơn khi còn hiện thân và nhờ vậy con giúp nâng tầng này lên.

Con thấy chăng là toàn bộ khái niệm cho rằng một giáo lý có thể tuyệt đối, một trạng thái tâm thức có thể tuyệt đối, hoàn toàn là một ảo tưởng, nó là màn huyễn của Maya, lẽ tất nhiên nó là phóng chiếu của sa nhân. Họ không thể thăng vượt chính họ và vì vậy họ không muốn ai khác thăng vượt chính mình. Họ đã chế ra đủ loại mánh khóe tinh xảo để khiến con người nghĩ rằng điều này bất khả thi. Họ muốn con nghĩ rằng thày đã đạt được một trạng thái tâm thức tối hậu, tuyệt đối, thày là một trường hợp ngoại lệ, không ai có thể tiến xa hơn thày. Họ cũng muốn con nghĩ rằng Giê-su đạt được một tầng tâm thức không ai làm theo được.

Trong 2,500 năm qua, quả thực đã có một số tương đối nhỏ cá nhân đã dùng giáo lý Phật giáo để cũng đạt tới tầng 144 và vượt quá tầng này. Một số người được biết tới trong truyền thống Phật giáo, một số người khác không được biết tới vì họ không có sứ vụ công cộng. Điều chắc chắn là khi thày nhìn trở về quá khứ, Phật giáo đã đóng góp vào sự tiến triển của tâm thức tập thể và nâng cao các tầng tâm thức.

25.3. Mỗi giáo lý đều nhắm tới một tầng tâm thức

Như vậy, khi con nhận ra là tâm thức ngày nay cao hơn tâm thức cách đây 2,500 năm (toàn bộ 144 tầng tâm thức đã dời lên cao hơn ngày trước) thì con cũng có thể thấy là giáo lý được trao truyền rất lâu trước đây thực sự đã được trao truyền cho một tầng tâm thức thấp hơn là tầng tâm thức trung bình ngày nay. Lẽ tất nhiên điều này phần nào cho thấy nhu cầu tiết lộ tuần tự. Điều này cũng cho thấy là bất cứ giáo lý được trao truyền ở một thời điểm nào cũng chỉ có thể được trao truyền cho một tầng tâm thức lúc đó. Điều này không có nghĩa là giáo lý được trao truyền cho tầng tâm thức trung bình hay tầng tâm thức thấp nhất, vì có một số giáo lý nhắm tới những người ở tầng 10% cao nhất.

Tuy nhiên, con luôn cần nhận ra rằng khi một giáo lý đặc trưng được trao truyền, chính yếu nó được trao truyền dựa trên tầng mức tâm thức của hành tinh vào thời điểm đó. Nếu giáo lý thành công, thì tâm thức sẽ xoay chuyển. Lý tưởng thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? À, trong hoàn cảnh lý tưởng thì có một số người hấp thu giáo lý đó, dùng giáo lý để đạt tầng tâm thức 144. Sau đó họ trở thành dụng cụ để đem lại một giáo lý mới, hay đem lại một khía cạnh mới của giáo lý cũ, một cách diễn giải mới về giáo lý cũ. Do đó, họ có thể đem lại một giáo lý thích ứng với tầng tâm thức mới đã được đạt tới nhờ giáo lý cũ. Lẽ tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là trong hoàn cảnh lý tưởng, tiến trình tiết lộ tuần tự không bao giờ ngưng. Điều này cũng có nghĩa là một điều đáng buồn (nếu chúng ta muốn dùng từ ngữ này) là khi các môn đồ của một giáo lý trở nên giáo điều, đóng tâm lại với bất cứ điều gì mới và do đó họ trở nên công cụ quả thực phá hủy hiệu lực của giáo lý. Họ không cho phép giáo lý thăng vượt.

Khi thày truyền pháp 2,500 năm trước đây, con thấy (nếu con đọc một số kinh điển) là thày kể một câu truyện hay một giai thoại. Sau đó cũng giai thoại này, dùng cùng lời lẽ, được nhắc lại ba lần. À, điều này cần thiết vì sự dày đặc của tâm thức vào thời điểm đó và cũng vì thời đó không có văn bản ghi lại. Lúc đó chỉ có truyền thống truyền khẩu và thay vì con người có một văn bản để đọc nhiều lần thì họ nghe ba lần và nhờ vậy nắm bắt rõ hơn. Điều này dẫn tới một đề tài mà thày muốn đề cập là đề tài lặp đi lặp lại.

25.4. Các chân sư có lặp đi lặp lại không?

Các thày có bao giờ lặp đi lặp lại khi trao truyền các bài truyền giảng chăng? Một số các con sẽ nói ngay tức khắc: “Có, các thày thường nói về cùng đề tài, các thày thường trao truyền một giáo lý gần như y hệt giáo lý đã được dạy trước đó.”

Ấy, con yêu dấu, vậy các thày lặp đi lặp lại không? Hay các thày luôn luôn trao truyền một giáo lý dựa trên tâm thức lúc đó và tâm thức người đón nhận – những người mà các thày nhắm tới. Khi con nhìn trái đất, thì con thấy sự chuyển động không ngừng của khuôn đúc rất rất phức tạp của tâm thức đại chúng, cũng như là của tâm thức cá nhân của tất cả những người ở trên một tầng tâm thức nào đó – tầng thứ 48. Những người ở dưới tầng này thường không chuyển động hay họ chuyển động theo tâm thức đại chúng vì họ bị tâm thức đại chúng chế ngự.

Khi con đi lên trên tầng 48, con bắt đầu giành lại được cá tính của con và điều này có nghĩa là con luôn luôn di động. Nếu con có thể nhìn một hình ảnh biểu trưng cho trái đất ở tầng tâm thức, thì con sẽ thấy một mô hình vô cùng phức tạp những dòng sóng năng lượng và hình ảnh. Để minh họa điều này (thày nhấn mạnh đây là một minh họa, không hoàn toàn sát sự thật và chính xác), ta có thể nói là tâm thức tập thể trên trái đất trông giống mô hình rất tinh vi của những sóng năng lượng đang rung động để tạo thành một số hình ảnh. Giống như con người có thể có hình ảnh trong tâm họ, tâm tập thể cũng có thể có hình ảnh. Nó giống như mấy tấm hình chụp mà từ xa trông như một tấm hình nhưng khi lại gần thì con thấy là hình lớn được tạo thành từ nhiều hình chụp nhỏ riêng rẽ. Ta cũng có thể so sánh nó với khái niệm ảnh ba chiều (hologram), duy có điều là tất cả những hình nhỏ tạo nên tổng thể không giống nhau vì những nhóm người khác nhau và những cá nhân khác nhau có những hình ảnh khác nhau, ít nhất là khác nhau một chút, ở trong tâm họ. Đây là một tấm hình vô cùng phức tạp. Giờ đây, nếu con thấy được nó, con sẽ thấy là nó không bao giờ đứng yên, nó luôn luôn di động. Nói cách khác, đây là một tiến trình. Có lúc đi lên, có lúc đi xuống, nhưng không bao giờ đứng yên.

Sẽ không bao giờ có trường hợp con có thể chụp một bức hình của tâm thức tập thể và hai giờ đồng hồ sau con chụp lại và có cùng một tấm hình. Con có thể chụp tấm hình với khoảng thời gian ngắn nhất và tốc độ màn trập ngắn nhất mà máy hình của con có thể làm được, giả dụ như một phần 5,000 của một giây. Ngay sau đó con chụp lại và hai tấm hình sẽ không giống nhau. Mọi chuyện di động nhanh đến độ đó. Khi các thày trao truyền một bài truyền đọc, nó dựa trên phương trình rất phức tạp đang hiện hữu trong tâm thức tập thể của toàn thể, nhưng đặc biệt hơn là trong tâm thức tập thể của nhóm người mà các thày đang hướng dẫn.

Giờ đây, những người nghe bài giảng hay đọc bài giảng, nếu họ thực hiện tiềm năng cao nhất của bài giảng thì họ dùng bài giảng để xoay chuyển tâm thức của họ. Điều này có nghĩa là một khi họ cho phép tâm xoay chuyển, thì phương trình của tâm thức đại chúng lẫn tâm thức nhóm và tâm thức cá nhân đều xoay chuyển. À, lẽ tất nhiên, ngày nay ta có công nghệ cho phép con thu âm bài truyền đọc và in nó ra. Con có thể đọc bài truyền đọc lần đầu tiên, con có thể hấp thu nó ở mức cao nhất mà con có thể có ở tầng tâm thức hiện hành của con. Con có thể trải nghiệm sự xoay chuyển và lúc đó phương trình tâm thức của con đã xoay chuyển. Sau đó, con có thể trở lại, đọc bài truyền đọc lần thứ nhì, và dù các từ ngữ vẫn y hệt như trước, nhưng trải nghiệm của con khi đọc lần thứ nhì không giống trước vì tâm con đã xoay chuyển khi đọc lần đầu. Có nghĩa là lần thứ nhì này con có thể hấp thu điều gì đó mà con không hấp thu lần đầu.

Thày không nói là lần đầu tiên con đọc một bài truyền đọc, thì con cần rút tỉa được hết mọi thứ theo khả năng của mình. Thày chỉ muốn nói là con cần cho phép bài truyền đọc xoay chuyển tâm thức của con, để con có một trải nghiệm xoay chuyển. Nếu con làm vậy, con có thể đọc trở lại cùng bài truyền đọc đó (năm phút sau đó hay năm tháng sau đó) và con sẽ không có cùng trải nghiệm. Có nghĩa là con có thể xoay chuyển tâm thức lần thứ nhì, nắm bắt nhiều hơn từ bài truyền đọc và có nghĩa là lần thứ ba con cũng có một trải nghiệm khác và tiếp tục như thế. Điều này có thể tiếp tục xảy ra trong một thời gian dài cho nhiều người trong các con. Điều này có nghĩa là khi con tới điểm con đọc một bài truyền đọc và con không cảm thấy xoay chuyển thì có thể có hai nguyên do. Một là con đã rút tỉa được hết những gì con có thể lấy được từ bài truyền đọc đó vào lúc này và do đó con cần học cái gì khác để tiếp tục xoay chuyển tâm thức. Nguyên do thứ hai là con đã đóng tâm lại vì con cảm thấy là con đã biết điều mà bài truyền đọc đang cố nói.

Giờ đây, ta lấy trường hợp con không nghe lại cùng một bài truyền đọc nhưng con nghe các thày trao truyền một bài truyền đọc khác nói về cùng một số khái niệm. Một lần nữa câu hỏi là: Con có xoay chuyển tâm thức khi nghe bài truyền đọc đầu tiên trong đó các thày đề cập đến chủ đề đó? Nếu con có xoay chuyển, thì con có thể nghe bài truyền đọc thứ nhì và sẽ rút tỉa được điều gì mà con không rút tỉa được khi nghe bài đầu. Do đó, con thực sự không cảm thấy là các thày đang lặp đi lặp lại.

25.5. Sự phức tạp của các bài truyền đọc

Con nhận ra rằng trong buổi hội nghị này, những người trong các con thực sự muốn mở tâm với các thông điệp mà các thày trao truyền, với năng lượng mà các thày tỏa xuống, thì các con đã xoay chuyển tâm thức nhiều vô cùng. Điều này có nghĩa là nếu con quay trở lại và nghe lại bài truyền đọc đầu tiên của thày Quan Âm, thì con sẽ rút tỉa được nhiều hơn từ bài này so với lần con nghe trực tiếp. Đó là vì bài truyền đọc kích động tiến trình xoay chuyển dẫn con tới tình trạng hiện hành.

Giờ đây một lần nữa, các thày thực sự không bao giờ lặp đi lặp lại cho dù các thày dùng từ ngữ rất tương tự và nói về cùng các khái niệm. Trong một số trường hợp, đó là vì các thày quả thực đang nói chuyện với một cử tọa khác một chút. Có thể nói là một số điều mà các thày đã nói trong hội nghị này đã được nói ra vì các thày ở một vị trí địa dư đặc thù và đang nói với những người sống trong khu vực này, là vùng Á châu nới rộng.

Giáo lý các thày không bị giới hạn bởi vị trí địa dư. Có một số yếu tố trong các bài truyền đọc được trao truyền trong hội nghị này thích nghi cho riêng vị trí địa dư này. Một số yếu tố khác thích ứng với sự kiện là ngay cả trong khoảng thời gian tương đối ngắn từ khi giáo lý về ngã gốc được trao truyền ở Estonia, đã có sự xoay chuyển, không những trong tâm thức tập thể mà cũng có trong tâm thức của nhóm đệ tử. Những đệ tử đã thu nhập những bài truyền đọc này và áp dụng chúng, đã góp phần lớn tạo nên sự xoay chuyển đó.

Điều mà các thày trao truyền bây giờ dựa trên phương trình rất phức tạp đang có mặt bây giờ và ở đây. Lẽ tất nhiên các con không trải nghiệm nó vì sẽ bị choáng ngợp. Các thày thực sự trải nghiệm nó khi các thày lên kế hoạch trao truyền một bài truyền đọc. Đó là lý do tại sao thày giản dị cho con biết để con biết các thày làm việc như thế nào, tại sao đôi khi các thày nói về cùng các khái niệm nhưng từ những góc độ khác. Con hầu như có thể nói là tuy các từ ngữ giống nhau, nhưng khuôn đúc, hình học trên các cõi cao hơn (cõi tình cảm, lý trí và bản sắc) có thể rất khác. Điều này có nghĩa là từ tầm nhìn của các thày, các thày thấy rõ ràng những khác biệt và các thày cũng thấy là đôi khi từ ngữ chủ yếu là chén thánh để các thày rót những khuôn đúc hình học vào ba thể cao hơn.

25.6. Lạm dụng một giáo lý tâm linh

Giờ đây, chúng ta lấy giáo lý này và nhìn trở về khoảng thời gian 2,500 năm từ khi thày giảng Kinh Pháp Cú và Bát Chánh Đạo. Điều đạt được, lẽ tất nhiên, là có sự xoay chuyển tâm thức nhưng sự xoay chuyển này không đạt được tiềm năng cao nhất – tại sao vậy?  À, lý do chính là lúc nào cũng có một nhóm đệ tử có khuynh hướng dùng giáo lý với tâm đường thẳng, phân tích. Họ muốn phân tích giáo lý, đặt giáo lý vào một bối cảnh đường thẳng hay dòng thời gian. Họ đã làm điều mà các chân sư khác đã nói tới trong hội nghị này: họ dùng giáo lý để xác chứng và củng cố các ngã tách biệt mà họ đã tạo ra do chấn thương nhập đời.

Các avatars luôn luôn muốn hiểu, và đây là một mong muốn lành mạnh và chính đáng. Điều con cần nhận ra là mong muốn này có thể bị pha màu và thậm chí bị phá hoại bởi các ngã tách biệt này. Một số ngã có nhu cầu kiểm soát để chúng có thể tin là bây giờ chúng đã tìm thấy một giáo lý tuyệt đối giải thích sự vận hành của vũ trụ, đây có thể là pháp Phật hay Cơ đốc giáo, Hồi giáo, thuyết Cộng sản, thuyết duy vật hay bất cứ gì khác.

Sau đó họ sẽ dùng giáo lý trước để xây dựng ý niệm giáo lý này tuyệt đối. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng và phân tích yêu thích điều này. Do đó, không những họ phá hoại sự tiến triển của chính họ, nhưng (ta có thể nói như vậy) khi những đệ tử này trở thành giáo sĩ đoàn của một tôn giáo, thì họ có thể phá hoại sự tiến triển của toàn bộ phong trào bằng cách cản trở sự thăng vượt của giáo lý. Đây là điều con đã thấy xảy ra với nhiều tôn giáo và đó là lý do vì sao con thấy thày thách thức các thày Bà la môn của Ấn giáo. Con cũng thấy Giê-su thách thức các thày Thông giáo và Pha-ri-si của Do thái giáo.

Mục đích của thày là chỉ cho các con, những đệ tử chân sư thăng thiên, là đây chỉ là khuynh hướng của một số ngã tách biệt, hoặc muốn đặt mọi chuyện trong một bối cảnh tuyệt đối, hoặc muốn an toàn, hoặc muốn có cảm giác là mình quan trọng hay đã đạt được thành quả nào đó. Bất cứ điều gì ngã vỏ ngoài cần, nó có thể dùng tâm đường thẳng. Kết quả là bắt đầu từ thời điểm 2,500 năm trước (lẽ tất nhiên từ cả trước đó từ thời Ấn độ giáo và suốt tận các tổ chức chân sư thăng thiên), các thày đã thấy một tỷ lệ đệ tử có tâm thức này: họ mở tâm với giáo lý nhưng họ tiếp cận giáo lý bằng tâm vỏ ngoài, phân tích, tâm rất đường thẳng tất nhiên bị pha màu bởi các ngã. Tâm đường thẳng rất nhạy cảm với sự lặp đi lặp lại vì tâm đường thẳng, tất nhiên, mang tính chất đường thẳng vì nó có một dòng thời gian. Nó luôn luôn so sánh hiện tại với quá khứ và trong một số trường hợp phóng chiếu tới tương lai.

Khi tâm đường thẳng gặp một giáo lý tâm linh, thì nó rút tỉa từ đó những gì nó rút tỉa được, chủ yếu là một hiểu biết vỏ ngoài, trí năng, thuận lý, lý luận. Nó dùng hiểu biết này để phân tích giáo lý, phân rẽ nó thành nhiều thành phần và nói: “Được rồi, phần này đi vào danh mục này trong kho dữ liệu của tôi, phần kia đi vào danh mục kia.” Lúc đó, khi người đệ tử nghe một giáo lý khác nói về những khái niệm tương tự, tâm đường thẳng sẽ nói: “Ồ, tôi không cần cất ý niệm này vào danh mục vì tôi đã có nó trong kho dữ liệu rồi, đây là một sự lặp lại.” Nó lờ khái niệm đó, nó không nhận ra điểm vi tế là khái niệm này được giảng một cách khác. Tâm đường thẳng không thể nhận ra bất cứ điểm gì mới mẻ khi nghe lại.

Đó là lý do vì sao con có những đệ tử trong mọi tổ chức chân sư thăng thiên, trong mọi tôn giáo và triết lý thần bí khác mà các thày đã trao truyền (lẽ tất nhiên trong cả những giáo lý mà các thày không trao truyền, nhưng do sa nhân và đoàn chưởng giáo giả chế ra). Các thày đã thấy các đệ tử đó đi vào trạng thái tâm cho phép họ tới điểm cảm thấy: “Giờ đây, tôi nắm được căn bản của giáo lý.” Kể từ đó, trên cơ bản họ ngưng tiến triển. Hoặc nếu có điều mới lạ hiện ra mà họ chưa có trong kho dữ liệu thì họ sắp xếp nó vào một danh mục. Người đệ tử sẽ tới điểm cảm thấy: “Tôi đã hiểu được khuôn đúc tổng thể của giáo lý.” Kể từ điểm đó, họ nghĩ là tất cả mọi điều khác được giảng sau đó chỉ là chi tiết phải phù hợp vào khuôn đúc tổng thể đó.

25.7. Sơ tâm

Tuy nhiên, con yêu dấu, khi con cho phép mình tạo ra khuôn đúc đó trong tâm (là bây giờ con đã nắm được căn bản của giáo lý), thì điều con nắm được dựa trên tầng tâm thức hiện hành của con. Nó không là – nó không là – hiểu biết và trải nghiệm cao nhất. Quả thật, sự khác biệt giữa các đệ tử đến với một giáo lý, sau đó ngưng tiến triển và dậm chân tại chỗ và các đệ tử vẫn tiếp tục tiến triển là các đệ tử loại thứ hai không dính mắc vào chuyện nắm bắt tổng thể giáo lý. Họ quả thực sẵn sàng tiếp cận giáo lý với cái tâm mà Giê-su gọi là tâm trẻ thơ hay người Phật tử gọi là Sơ tâm (tâm của người bắt đầu), cái tâm nhìn mọi sự như mới.

Thoảng hoặc, con cho phép mình bỏ qua bên cái mà con nghĩ là sự nắm bắt cơ bản hay nắm bắt tối hậu giáo lý. Con cho phép mình vào trạng thái tâm trung hòa và con đọc và nghe giáo lý như mới. Lúc ấy con sẽ nhận được một điều gì ngay cả từ một giáo lý mà con đã đọc trước kia nhưng chưa nhận được điều đó. Đó là lúc giáo lý, ngay cả khi con đã đọc nó nhiều lần, có thể tạo sự xoay chuyển tâm con. Nói cách khác, sự lặp lại (mà một số đệ tử nhận thấy) ở trong tâm chân sư thăng thiên hay trong tâm người đệ tử?

Thày góp ý với con là câu trả lời thật sự không quan trọng. Vì điều quan trọng là sự tiến triển hay không tiến triển của con không nằm trong tâm các chân sư thăng thiên – nó nằm trong tâm của con. Điều này nghĩa là gì? Nó có nghĩa là, như các chân sư khác đã gợi ý, khi con khắc phục được ngã gốc và các ngã tách biệt khác phát xuất từ nó, thì con thật sự có thể thăng vượt tâm đường thẳng, phân tích. Con không còn nhu cầu phải kiểm soát hết mọi thứ, phải có nắm bắt căn bản về vũ trụ. Lúc ấy con có thể tiếp cận giáo lý với một mức độ tự do cao hơn trước kia nhiều vì con không bị pha màu bởi các ngã tách biệt này.

25.8. Các ngã tách biệt sợ giáo lý mới

Trên cơ bản, tất cả các con có thể thấy là ở một số điểm trên con đường tu, con đã nhận được một giáo lý mới khuấy động điều gì đó trong con, kích động điều gì đó trong con. Thí dụ, khi Giê-su giảng về tự ngã, thì một số đệ tử bị kích động bởi các bài giảng này. Thậm chí có một số đệ tử sợ phải đọc bài giảng kế tiếp về tự ngã vì tự ngã của họ lo sợ bài giảng sẽ phơi bày khía cạnh đó của tự ngã.

Con sẽ luôn luôn có khuynh hướng là ngã tách biệt cảm thấy nó đang kiểm soát con và đường tu của con, và nó sợ một giáo lý mới có thể đe dọa cảm giác nó đang làm chủ tình hình. Nếu con nhận ra điều này trong con, thì con chỉ cần dùng các dụng cụ mà các thày đã trao truyền để bước lui lại và nhận ra đây chỉ là một ngã tách biệt đang cảm thấy như vậy. Đây không phải là con vì con không thể bị đe dọa bởi bất cứ điều gì có thể giúp con vượt thăng chính mình. Cái Ta Biết, khi nó ý thức bản thể thực của nó, không thể bị đe dọa bởi bất cứ giáo lý nào.

25.9. Từ kết quả tới tiến trình

Khi con đã khắc phục được ngã gốc và các ngã khác, thì con có thể tiến tới điểm con có tiềm năng xoay chuyển. Các chân sư khác đã đặt nền móng, đã nói về điều này và thày không có gì nhiều hơn để nói thêm ngoại trừ chỉ cho con thấy sự xoay chuyển là con chuyển từ chú tâm vào kết quả sang chú tâm vào tiến trình. Các thày đã trao cho các con giáo lý là con bắt đầu (đa số các con) như những avatars trên các hành tinh tự nhiên. Con bắt đầu với một ý niệm bản ngã giới hạn. Con đã mở rộng nó bằng cách thử nghiệm khả năng đồng-sáng tạo của con. Nhiều người trong các con đã xây dựng một động lượng mạnh mẽ hình dung một hoàn cảnh hay hình thể nào đó trong cõi vật lý và sau đó thị hiện hình thể đó.

Quả thực con đã xây dựng một động lượng mạnh mẽ khiến vật chất tuân theo những hình ảnh và khuôn đúc trong tâm con. Con đã tu tập để đạt được tâm làm chủ vật chất. Khi con nhìn xuống trái đất và thấy sự đau khổ, thì con nghĩ: “Tôi muốn xuống dưới đó và thị hiện một kết quả tích cực để giải thoát con người khỏi khổ đau.” Các chân sư khác đã nói là động cơ nguyên thủy đưa con xuống đây không phải là động cơ cao nhất. Để thực sự có tự do thăng thiên, con cần xét lại động cơ của con dựa trên tâm thức cao hơn mà con có bây giờ. Qua đó, con buông bỏ động cơ lúc trước và các niềm tin đằng sau nó. Như một avatar thì niềm tin chính mà con cần buông bỏ để thăng thiên là gì? À, đó là con cần xoay chuyển từ chú tâm vào thành quả sang chú tâm vào tiến trình.

Các thày có nói với con là trên cõi thăng thiên có sự phát triển không ngừng, và con có thể tiến triển đến tận tâm thức Đấng Sáng tạo. Các thày có nói là không ai trên trái đất sẽ đạt được trạng thái giác ngộ tối hậu mà sau đó không thể tiến triển nữa. Con hãy tự hỏi: “Đấng Sáng tạo đã tạo ra cái gì? Phải chăng là một kết quả, một kết quả cố định, hay một tiến trình kéo dài mãi mãi, mãi mãi?” Lẽ tất nhiên câu trả lời là Đấng Sáng tạo không chú tâm vào việc tạo một kết quả mà chú tâm vào tiến trình. Đấng Sáng tạo đã tạo ra vũ trụ để tạo thuận lợi cho tiến trình này. “Tiến trình nào?,” con có thể hỏi. Tiến trình tự thăng vượt, mà các thày đã gọi là Dòng sông sự Sống.

Tâm đường thẳng sẽ hỏi: “Ấy, nhưng sự thăng vượt hàm ý có sự chuyển động từ một giai đoạn lên giai đoạn kế tiếp. Nếu tôi cứ tiếp tục hết đoạn đường phía trước, thì sẽ phải tới một điểm tối hậu của sự thăng vượt nơi tôi đạt đến tầng tối hậu và không thể thăng vượt nữa. Nếu tôi phóng chiếu ngược về sau, phải có một điểm mà trước đó không có thăng vượt vì thăng vượt khởi sự ở đó lần đầu tiên.” Con yêu dấu, đây là giới hạn chính của tâm đường thẳng. Dòng sông sự Sống không có khởi đầu và không có kết thúc. Tâm đường thẳng sẽ không bao giờ nắm được điều này. Các ngã tách biệt mà con đã tạo ra trên trái đất sẽ không bao giờ nắm được điều này. Cái Ta Biết có thể nắm điều này. Nó không thể hiểu, con không thể hiểu là không có khởi đầu, không có kết thúc nhưng con có thể trải nghiệm, con có thể trải nghiệm dòng chảy và sự liên tục của dòng chảy.

25.10. Làm sao các avatars có thể ngăn chặn sự thăng thiên của mình

Con có tiềm năng dùng các giáo lý và dụng cụ để xoay chuyển, và sự xoay chuyển này là chuyển từ chú tâm vào kết quả sang chú tâm vào tiến trình. Tại sao điều này lại quan trọng nhiều như vậy? Bởi vì, con yêu dấu, các thày đã nói gì về sự thăng thiên? Con tới điểm con đứng trước cánh cổng dẫn vào cõi thăng thiên. Nếu con bước qua thì con thăng thiên, nhưng để có thể bước qua, con phải quay đầu nhìn lại trái đất để xem có điều gì thu hút con trở lại không.

Chuyện gì xảy ra nếu con xuống trái đất như một avatar với viễn quan muốn đạt một kết quả nào đó nhưng con vẫn chưa đạt được kết quả đó? À, như vậy làm sao con thăng thiên được? Câu trả lời đơn giản là: Con không thể! Điều này có nghĩa là con có thể tới điểm là trong mọi diện khác con đã hội đủ điều kiện thăng thiên. Nhưng trong lãnh vực đặc biệt này con chưa hội đủ điều kiện vì con chưa chịu thua, con chưa buông bỏ, con chưa bỏ đi sự dính mắc muốn đạt kết quả đó trên trái đất.

Điều này cũng có nghĩa là con đang cho phép sự thăng thiên của con tùy thuộc vào chọn lựa của người khác trên trái đất, khi họ ở trong trạng thái tâm thức thấp hơn con rất nhiều. Hiển nhiên, lý do tại sao con không tạo được kết quả mong muốn trên trái đất là vì những người khác không muốn thay đổi. Điều này có nghĩa là trong vị thế một avatar, con nay có thể rơi vào tâm thức sa ngã và bước ra tìm cách ép uổng người khác phải thay đổi, nhưng lẽ tất nhiên, làm điều này sẽ không cho phép con thăng thiên.

Con cũng có thể đi vào trạng thái không biết phải làm gì. Con như đang lơ lửng trong trống không, con đang di động thì bị khựng lại, như người ta nói. Con quả thật có thể ngồi yên một thời gian (thậm chí trong nhiều kiếp sống) không biết làm sao giải quyết bài toán bí ẩn là có điều gì trên trái đất mà con không thể để dở dang được.

Con thấy chăng ở đây câu hỏi trọng yếu cho người avatar? Con nghĩ rằng (hay ít nhất con có khuynh hướng nghĩ như vậy cho tới khi con khắc phục được các ngã gốc) điều duy nhất đưa con tới trái đất là để làm dịu nỗi đau khổ ở đây và đem lại một thay đổi tích cực. Con cảm thấy nếu con không tạo được sự thay đổi đó, thì có thể là con đã lầm lẫn khi tới đây, có thể là con đã lãng phí thời giờ, có thể là con không thể rời nơi đây, hay bất cứ điều gì khác. Con bất an, con không toại nguyện. Cách duy nhất để con thăng thiên như một avatar, không phải là con thành tựu viễn kiến ban đầu khi xuống đây, nhưng là con thăng vượt nó, con tiêu tán nó, con vứt nó đi, con buông bỏ nó, con không dính mắc với nó, con cho cái ngã chết đi và con nói: “Nó có đáng gì đâu đối với con? Con sẽ đi theo thày – Giê-su, Phật, Saint Germain, thày MORE,” hay bất cứ ai mà con xem là vị thày riêng của con. 

Bằng cách dùng các giáo lý về ngã gốc, con có thể tới điểm giải quyết vấn đề. Người sứ giả này đã trải nghiệm điều này sau nhiều tháng làm việc với các giáo lý này. Trong ông có sự xoay chuyển và bỗng nhiên ông nhận ra, ông trải nghiệm, ông hoàn toàn chấp nhận: “Tôi không phải làm gì hết trên trái đất.”

Điều này không có nghĩa là con thăng thiên ngay tức khắc. Con có thể tiếp tục hiện thân, con có thể sống một cuộc đời năng động. Thậm chí, con có thể, từ một nhãn quan vỏ ngoài, làm nhiều chuyện nhưng con không hành động qua sự pha màu của ngã gốc và các ngã khác nữa. Các ngã này cảm thấy con phải làm điều gì đó, con phải thành tựu điều gì đó, việc con tới trái đất phải đáng công sức mình. Việc con tới trái đất đã đáng công sức con vì con đã xoay chuyển tâm thức và như các thày khác đã nói, đây chính là mục đích cao hơn. Khi con làm hòa với điều này, đấy là lúc con đã đạt được một phần của quả vị Phật, nếu ta có thể nói quả vị Phật có nhiều mức độ.

25.11. Là Phật hành động

Lúc đó, con có thể là Phật hành động trên trái đất nhưng điều này không thể xảy ra cho tới khi con khắc phục điều mà ta có thể gọi là sự dính mắc gốc đó. Thày mong muốn có thể trao truyền giáo lý này 2,500 năm trước đây nhưng không làm được lúc ấy vì phương trình của khuôn đúc trong tâm thức tập thể chưa sẵn sàng. Bây giờ thì nó đã sẵn sàng. Lẽ tất nhiên, dù các thày nhấn mạnh nhiều đến các giáo lý này tại hội nghị này và hội nghị trước, không có nghĩa là tất cả mọi người đã sẵn sàng nhận các giáo lý này.

Con có thể nhìn đoàn đệ tử theo học giáo lý được trao truyền qua người sứ giả này và các giáo lý chân sư thăng thiên khác, và không phải tất cả đệ tử đều sẵn sàng nhận giáo lý về ngã gốc. Họ chưa áp dụng hết các giáo lý trước bởi vì, như các chân sư khác đã nói, các thày đã cẩn thận xây dựng để tới mức có thể trao truyền các giáo lý này. Con cần có giáo lý về tự ngã. Con cần có giáo lý về nhị nguyên và tư duy cuồng đại. Con cần có giáo lý về 144 tầng tâm thức. Con cần có khái niệm về xoay chuyển lên cao hơn, khắc phục các phàm linh nội tại và tự ngã tách biệt và do đó xoay chuyển từ một tầng tâm thức lên tầng trên.       

25.12. Mơ mộng một giáo lý cao hơn

Một lần nữa, sẽ có những đệ tử sẽ dùng tâm vỏ ngoài để quyết định: “Chúng tôi cần những giáo lý này và cần chúng ngay bây giờ.” Nhưng họ có thể chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý vì họ chưa dùng đủ các giáo lý mà họ đã có rồi, họ chưa xoay chuyển tâm thức đủ. Nói chung, con có thể nói là điều mà các thày thấy (khi nhìn lại khoảng thời gian 2,500 năm qua và xa hơn nữa) là lúc nào cũng có một số đệ tử không nắm bắt được cơ chế căn bản mà thày mô tả ở đây: Là con cần lấy một giáo lý và cho phép nó xoay chuyển tâm thức của con.

Chỉ khi nào con làm xong điều đó thì con mới sẵn sàng nhận giáo lý cao hơn. Sẽ luôn luôn có một nhóm đệ tử rơi vào trạng thái tâm cảm thấy chút ít bực bội vì họ biết trong nội tâm là họ đã không tiến triển tới mức có thể đạt được với giáo lý mà họ đã có. Thay vì chịu nhìn vào chính mình và nhận ra lý do vì sao họ không tiến triển, thì họ đổ lỗi rằng lý do họ không tiến triển là vì có một giáo lý cao hơn mà họ chưa được nhận. Phải chi họ có được giáo lý cao hơn đó, thì sau đó họ sẽ sáng ngộ, họ sẽ tiến bộ. Đây là một vòng xoáy bất tận.

Các thày đã thấy một số người đến với một giáo lý chân chính, đón nhận giáo lý này, đạt tiến bộ nhưng sau đó dậm chân tại chỗ, không muốn tiến xa hơn vì họ không muốn xoay chuyển để đi vào con đường tu nội tâm và nhìn chính mình. Họ ngưng trệ và họ đứng tại chỗ. Đôi khi họ trở nên bực bội, cảm thấy mình là nạn nhân, hay trách cứ người khác về chuyện họ không có giáo lý. Thậm chí họ trách cứ vị đạo sư đã không thăng tiến đủ vì đây là lý do vì sao họ không thăng tiến được. Hoặc họ chỉ trích giáo lý, chỉ trích những người khác. Hoặc, như các chân sư khác đã nói, họ cảm thấy vì họ đã học giáo lý từ lâu, nên chắc chắn họ đã đạt tới một tầng cao. Do đó, họ cảm thấy có quyền phê phán và dùng tia màu xanh để tấn công những người mới tới học.

Tất cả những tình huống này có thể xảy ra nhưng con yêu dấu, con thấy chăng, sự thật là như sau. Nếu con đổ lỗi cho người thày, giáo lý, người khác, điều kiện vật lý, chiêm tinh, sa nhân, thời tiết hay cái này cái nọ – khi con còn chỉ tay đổ lỗi cho cái gì ở bên ngoài, nghĩ rằng sự tiến bộ của con tùy thuộc vào điều kiện bên ngoài, thì con chưa hoàn toàn đi theo con đường tu nội tâm. Nếu con chưa hết lòng theo con đường tu nội tâm, thì con chưa sẵn sàng đón nhận giáo lý về ngã gốc – con chưa sẵn sàng nhận các giáo lý này. Con hãy đoan chắc là con đã nắm bắt ý nghĩa của con đường tu nội tâm, hết lòng đi theo nó, sẵn sàng nhận trách nhiệm về đời mình và nhìn vào tâm mình trước khi con nhận các giáo lý này.

Lẽ tất nhiên, các thày trao truyền các giáo lý này vì quả thực có một số đông đệ tử đã theo học các giáo lý và áp dụng chúng một thời gian, và họ sẵn sàng. Cho nên, các thày rất hân hoan, các thày rất, rất biết ơn là các con đã nâng mình lên tới điểm có thể nhận các giáo lý này và đồng thời là dụng cụ để lan tỏa các xung lực này vào tâm thức đại chúng.

Khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện – nghĩa là khi đệ tử chưa sẵn sàng thì vị thày không thể xuất hiện. Niềm vui lớn nhất của chân sư thăng thiên là gì? Là có thể xuất hiện và trao truyền giáo lý. Niềm biết ơn lớn nhất mà các thày có là gì?  Đó là khi các đệ tử đã làm cho họ sẵn sàng, cho phép các thày xuất hiện với một giáo lý mới. Các con yêu dấu, thày có lòng biết ơn sâu xa với các con vì các con đã làm như vậy. Các thày biết ơn các con vì có hội nghị này. Tất cả các con, những người tổ chức hội nghị cho đến những người tham dự, các thày biết ơn tất cả các con. Trong ngọn lửa Biết ơn này, lòng biết ơn của tâm Phật, thày niêm các con và thày niêm hội nghị này trong tình yêu của tim thày.