Bốn tầng của tâm

Một bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su

Ta muốn gửi các con một bài dạy căn bản về ý nghĩa thật của câu ta từng nói về “nhiều gian trong căn nhà Cha ta”. Câu này đã khiến nhiều người bối rối, và ta hoàn toàn thông cảm. Câu này là ví dụ điển hình về những giới hạn trong hiểu biết và từ vựng được sử dụng cách đây 2000 năm. Ta đã có ít cơ hội giảng giải cho người thời đó về một sự thật vô cùng thâm sâu mà mọi người tầm đạo tâm linh cần lãnh hội. Vậy bây giờ ta sẽ dùng hiểu bíết và từ vựng thời nay để làm điều đó.     

Trong thế giới ngày nay, hầu hết mọi người đều biết là có năng lượng. Hầu hết cũng biết năng lượng là một hình thức rung động. Hầu hết đã nghe nói tới thuyết tương đối của Albert Einstein, qua đó mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo bằng năng lượng. Tiếc thay, hầu hết cũng chưa thật sự hấp thụ được những hệ quả to lớn của khám phá này. Và vì vậy, họ đã không có nỗ lực nào để thay đổi thế giới quan của mình hầu đáp ứng với thực tế nơi tất cả đều là năng lượng.  

Sự thật đơn giản là toàn bộ vũ trụ được tạo ra từ một chất căn bản duy nhất. Trong quá khứ, người ta gọi đó là ether. Ý niệm ether đã được đạo Phật cùng một số triết lý biết đến từ nhiều thế kỷ. Vào thời trung cổ tại Âu châu, các nhà giả kim (alchemist) cũng đã có biết đến – và có thể nói trong một số trường hợp, họ đã thực sự là những nhà khoa học thực nghiệm đầu tiên. Có cả những nhà vật lý chấp nhận khái niệm ether, cho tới khi một thí nghiệm đáng tiếc đã không tìm được tác động vật chất nào của ether – nhưng lý do họ không tìm được là vì ether không có đặc tính vật chất nào cả.

Từ đó, đa số nhà vật lý đã bỏ rơi khái niệm ether, một quyết định thật đáng tiếc cho khoa học. Vì quyết định này mà họ không thể hiểu được năng lượng một cách trọn vẹn, Họ thừa biết năng lượng là rung động, nhưng rung động chỉ hiện hữu nếu có một môi thể rung động. Như sóng biển không thể hiện hữu nếu không có biển. Cho nên sẽ không có sóng năng lượng, và cũng không có vũ trụ vật chất, trừ khi có một cái gì đó để rung động.      

Cái gì đó rung động chính là chất căn bản mà Thượng đế đã sử dụng để sinh tạo toàn thể thể giới hình tướng. Chất này được mô tả trong Thánh kinh qua câu “Và Đức Chúa Trời phán, hãy có ánh sáng.” Ánh sáng cũng có thể mô tả là diện nữ của Thượng đế Cha-Mẹ. Ánh sáng là Mẹ Thiêng liêng, thân thể của Mẹ Thiêng liêng, là Đấng sinh ra mọi hình tướng được chiếu hình lên Mẹ bởi ý muốn của Cha qua tâm của Con. Hình tướng được biểu hiện và nuôi dưỡng bởi quyền năng của Thánh linh, như Mẹ Mary yêu dấu có giảng dạy. Ánh sáng Mẹ còn có tên gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật.

Như con biết, ánh sáng mà con nhìn thấy là những sóng ánh sáng, rung động trong một dải tần số nhất định. Ánh sáng màu đỏ rung động ở tần số thấp hơn ánh sáng màu xanh hay màu tím. Và con cũng biết, có những tần số thấp hơn hay cao hơn ánh sáng nhìn thấy. Mắt con người không thấy được những tần số này cho dù chúng có thực không kém gì ánh sáng đỏ hay xanh.  

Đặc biệt cho bài này, chúng ta hãy dùng khái niệm căn bản: tất cả đều là rung động. Như vậy thì trong thế giới hình tướng, không hề có hàng rào bất khả xâm phạm nào. Mọi thứ đều là cùng một chất, chỉ khác chúng rung động ở những tần số, hay mức độ, khác nhau mà thôi. Tất cả đều được tạo bằng sóng năng lượng, và khác biệt duy nhất giữa Trời và Đất là độ rung của sóng năng lượng.

Câu “Nhà Cha ta có nhiều gian” thật sự có nghĩa như thế: nhà Cha ta là một tấm thảm năng lượng liên tục, một tấm thảm những rung động liên tục. Tấm thảm liên tục ấy có từng phân đoạn, và mỗi phân đoạn là một nhóm tần số. Mỗi phân đoạn là một gian trong căn Nhà của Thượng đế. Trong số đó, có một phân đoạn được con người gọi là vũ trụ vật chất. Ở ngoài cõi này là cái mà con người gọi là cõi tâm linh, hay Trời. Nhưng ngay trong cõi tâm linh cũng có nhiều phân đoạn nữa.

Bốn thể phàm của con

Qua bài này, ta muốn giúp các con hiểu rằng trong vũ trụ vật chất có mấy phân đoạn như thế. Nói chính xác, có cả thảy bốn phân đoạn, hay cõi, trong vũ trụ vật chất. Cõi mà mọi người đều quen thuộc là vũ trụ làm bằng vật chất. Đây là thế giới mà con có thể nhận biết qua giác quan vật lý của mình. Nó được tạo bằng những rung động trong một dải tần số mà giác quan vật lý có khả năng phát hiện. Lý do phát hiện được là vì cơ thể con được tạo bằng những năng lượng tương tự trong cùng dải tần số. Nói cách khác, cái gì làm bằng vật chất thì phát hiện được rung động của vật chất và chỉ những rung động đó thôi. Điều này giải thích tại sao các nhà vật lý kia đã không thể tìm thấy ether qua dụng cụ vật chất.

Bên trên cõi vật chất có ba phân đoạn nữa vẫn thuộc về cái gọi chung là vũ trụ vật chất. Khi từ cõi vật chất con đi lên phân đoạn trên, con bước vào một cõi có thể gọi là cõi cảm xúc. Ở trên nữa là cõi tư tưởng, và trên nữa là cõi bản sắc.  

Trong nhiều tôn giáo cùng triết lý lâu đời, như Phật giáo, Hy lạp cổ hay giáo lý huyền bí của các nhà giả kim, bốn cõi này được mô tả là bốn góc của Địa cầu, với tên gọi là đất, nước, không khí, lửa. Khái niệm này liên hệ với ý tưởng cổ xưa về hình vuông xuất phát từ hình tròn. Hình tròn biểu tượng cho Trời, vô tận và không có phân chia – nếu chúng ta dùng ý niệm không gian và thời gian. Nó tương ứng với ether.

Còn hình vuông biểu tượng cho Địa cầu, đúng hơn, cho vũ trụ vật chất. Vũ trụ vật chất là cõi của thời gian và không gian, được tạo ra bằng cách lấy cõi vô tận của hình tròn mà chia thành bốn hướng, bốn chiều kích, tức là bốn tọa độ của không gian và thời gian.  

Để con dễ hình dung, ta sẽ nói đến mối tương quan với tâm con người. Ta đã giảng trong trang mạng này là tất cả mọi thứ đều được nuôi giữ duy bằng một dòng năng lượng của Thượng đế tuôn chảy từ cõi tâm linh xuống vũ trụ vật chất. Trong mỗi con người, năng lượng tuôn xuống từ cái ta tâm linh xuyên qua những lớp tiềm thức cho tới khi nó chạm tâm ý thức. Năng lượng chảy xuống từ cõi tâm linh và đầu tiên nó vào cõi lửa. Một số giáo lý huyền bí gọi cõi này là bát cung ether, hay thể nhớ. Ta muốn gọi đó là cõi bản sắc. Đây là phần của tâm con cất giữ ký ức mọi trải nghiệm trong thế giới vật chất. Nó cũng cất giữ ý niệm bản sắc mà con đã xây dựng qua nhiều kiếp sống suốt hành trình của dòng sống con trong thế gian này. Khi năng lượng sự sống lần đầu tiên nhập vào tâm con, tức bản thân con, nó chảy qua bản sắc của con, và do đó nó bị bản sắc tô màu. Bản sắc con cũng bao gồm cách con nhìn thế giới, nhìn Thượng đế, quan hệ của con với thế giới và quan hệ của con với Thượng đế. Cho nên nó là cái nền tảng cho con phản ứng với cuộc đời trong cõi này.

Sau khi chảy qua bản sắc thể của con, nó nhập cõi không khí. Một số giáo lý gọi là cõi trí. Ta muốn gọi đó là cõi tư tưởng. Ở cõi này, năng lượng bị các tư tưởng của con về chính con và về thế giới tô màu. Tư tưởng con phần lớn được định đoạt bởi bản sắc con, nhưng vì chúng nằm ở một tầng thấp hơn trong tâm con, chúng mềm lỏng hơn, dễ thay đổi hơn những hình ảnh vùi sâu nơi bản sắc. Nói cách khác, tư tưởng có thể thích ứng hay bị ảnh hưởng bởi những tình huống cụ thể mà con gặp trong đời. Có thể nói, bản sắc định đoạt cách con nhìn đời rộng lớn, còn tư tưởng là cách con hiểu từng chi tiết trong tấm ảnh lớn đó. Bản sắc quyết định cách con nhìn thế giới, còn tư tưởng quyết định cách con nghĩ tưởng thế giới vận hành làm sao.

Sau khi năng lượng chảy qua thể tư tưởng, nó nhập vào cõi cảm xúc. Đây là cảm thể, chứa đựng cảm xúc của con về chính con và về thế giới. Cảm xúc chỉ đơn giản là năng lượng trong chuyển động, và chúng là tiền thân của hành động thể xác. Cho nên cảm xúc định đoạt cách con biến tư tưởng thành hành động. Có thể nói, một mình tư tưởng không có khả năng dẫn tới hành động. Tư tưởng chỉ đơn thuần là ý nghĩ, và để chuyển ý nghĩ thành hành động vật lý, tư tưởng cần đến hai đặc tính của cảm xúc, là phương hướng và cường độ. Cảm xúc con sẽ hướng tư tưởng con vào một hành động cụ thể, và cường độ cảm xúc sẽ định đoạt sức mạnh của hành động.  

Bước chót là khi năng lượng nhập vào bộ não cùng hệ thần kinh của cơ thể vật lý. Ở tầng này, cảm xúc của con được chuyển thành hành động, và hành động được định đoạt bởi phương hướng và cường độ của cảm xúc đứng đằng sau. Tất nhiên, phương hướng và cường độ của cảm xúc bị định đoạt bởi tư tưởng, và tư tưởng thì bị định đoạt bởi ý niệm bản sắc cùng thế giới quan của con.

Vậy con đã thấy, dòng chảy tự nhiên của năng lượng là tuôn xuống từ cái ta tâm linh qua thể bản sắc nơi nó bị thế giới quan của con tô màu. Năng lượng chảy tiếp vào thể tư tưởng nơi nó bị tư tưởng tô màu. Năng lượng lại chảy nữa vào thể cảm xúc nơi nó khoác lấy phương hướng cùng cường độ do cảm xúc định đoạt. Và cuối cùng, năng lượng chuyển thành hành động vật lý mà bộ não, hệ thần kinh cùng cơ thể đem ra thi hành.  

Người ta có thể ví nguyên tiến trình này như máy chiếu phim. Ánh sáng tuôn ra từ cái ta tâm linh giống như ánh sáng trắng tinh của bóng đèn trong máy chiếu. Các thể bản sắc, tư tưởng và cảm xúc giống như ba cuộn phim, và ánh sáng bị hình ảnh trên ba cuộn phim liên tiếp tô màu. Sau khi đi qua cả ba cuộn, ánh sáng được chiếu lên màn ảnh. Màn ảnh này chính là cái phần của tâm con ngụ trong vũ trụ vật chất. Đây là tâm ý thức của con và một số thành phần của tìềm thức con. Nó neo cứng vào trong não và hệ thần kinh của con.

Bốn tầng của vũ trụ vật chất

Hiểu được năng lượng vận chảy như thế qua tâm con, con cần đem hiểu biết này vào toàn thể vũ trụ vật chất. Vũ trụ vật chất cũng có bốn bát cung, hay tầng mức, khác nhau – bốn thể khác nhau.  Chúng tương đương với bốn tầng của tâm con, bởi vì thật sự vũ trụ chỉ đơn giản là một gian trong căn nhà, trong tâm của Thượng để. Như tâm con, vũ trụ vật chất được tạo bằng năng lượng cơ bản của Thượng đế tuôn chảy qua các cõi bản sắc, tư tưởng và cảm xúc trước khi nó thị hiện trong cõi vật chất.

Khi con hiểu rằng dòng năng lượng cơ bản này chảy xuyên qua bốn tầng của vũ trụ vật chất, thì con sẽ hiểu tầng thấp nhất, tầng của vật chất, là kết quả của những nguyên nhân tiềm ẩn hiện diện nơi ba tầng cao, là các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc. Có thể nói vũ trụ vật chất chỉ đơn giản là sự phóng chiếu của hình ảnh nằm sẵn nơi ba tầng cao. Thực sự, vũ trụ vật chất không là gì hơn những hình ảnh được chiếu lên màn ảnh của một rạp chiếu bóng.

Khi con suy ngẫm điều này, con sẽ hiểu ngay rằng con có thể – và con bắt buộc phải – thay đổi vũ trụ vật chất bằng cách thay đổi ba tầng cao của nó. Đối với cá nhân con, nếu con muốn thay đổi hoàn cảnh đời mình, con phải bắt đầu bằng cách thay đổi cảm xúc, tư tưởng và bản sắc của con. Chỉ khi nào con thay đổi những hình ảnh nằm trong ba thể cao thì con mới có thể thay đổi hình ảnh hiện ra trong thế giới vật chất. Cũng vậy, trên bình diện hành tinh, chìa khóa để loại bỏ khổ đau loài người là thanh lọc thể cảm xúc, tư tưởng cùng bản sắc của toàn thể hành tinh, bởi vì hành tinh vật chất chỉ là hình chiếu của những hình ảnh lưu trữ nơi những cõi cao.

Địa cầu đã được tạo ra bởi bảy đấng tâm linh gọi là Elohim. Các Elohim luôn duy trì hình ảnh một địa cầu toàn hảo, và hình ảnh này vẫn còn đó. Tuy nhiên, hình ảnh toàn hảo đó đã bị tạm thời che phủ bởi một hình ảnh bất toàn được phóng chiếu qua các thể bản sắc, tư tưởng lẫn cảm xúc của nhân loại. Đây là cái mà tâm lý học gọi là vô thức tập thể.

Nguyên nhân thực sự của khổ đau

Bây giờ ta muốn chỉ cho con thấy tại sao địa cầu có quá nhiều biểu hiện bất toàn và tại sao con người phải chịu quá nhiều đau khổ đến thế. Lý do là ba thể cao của loài người đã bị ô nhiễm bởi một bản sắc bất toàn, những tư tưởng bất toàn và những cảm xúc không trong sạch.   

Như mẹ yêu dấu của ta giải thích trong bài kế tiếp, mọi điều nơi cõi Trời đều được định ra theo quy luật Thượng đế. Cho nên nếu một sinh thể tâm linh đi ngược lại quy luật Thượng đế thì y sẽ không thể ở lại cõi Trời. Mẹ ta cũng giảng dạy rằng trong vũ trụ vật chất, người ta có khả năng đi ngược lại quy luật Thượng đế. Lý do là vì vũ trụ vật chất được thiết lập như một lớp học cho các dòng sống đang học tập để vươn lên trở thành giống như Thượng đế. Thượng đế đã phú cho các dòng sống này quyền tự quyết và cái khung sườn để họ thử nghiệm năng lượng của ngài.

Vì vậy, các định luật của vũ trụ vật chất cho phép con người đi ngược lại quy luật Thượng đế mà không phải rời cõi này. Nói cách khác, họ có thể dùng quyền tự quyết của họ để chú tâm vào những hình ảnh không phù hợp với các nguyên tắc mà Thượng đế đã sử dụng để thiết lập thế giới hình tướng. Con người có quyền tạo dựng bản sắc riêng, xem mình là một thể sống tách biệt với Thượng đế, là sinh thể vật chất thay vì tâm linh. Họ có quyền tạo ra những hình tư tưởng lệch lạc so với sự thật và thực tại Thượng đế. Họ có quyền nếm trải những cảm xúc là sự tha hóa của cảm thức chân thật của Thượng đế. Và khi họ lao vào những bất toàn như vậy, họ có khả năng biến đổi vũ trụ vật chất và tạo dựng một thế giới biểu hiện bất toàn.

Tuy nhiên khi Thượng đế ban cho con người quyền tự quyết, ngài cũng đặt ra một khuôn khổ có chức năng một chiếc van an toàn, hầu không một ai có thể phá hủy được vũ trụ vật chất. Nói cách khác, tuy con người có toàn quyền làm bất cứ gì mình muốn với năng lượng Thượng đế, họ sẽ bắt buộc phải trải nghiệm chính những hoàn cảnh sống mà họ đã tạo ra với năng lượng đó. Nếu họ tham gia vào tư tưởng hay cảm xúc bất toàn, họ sẽ sinh sản những điều kiện cũng bất toàn như thế trong thế giới vật chất, và khả năng sáng tạo của họ sẽ bị giới hạn bởi những gì họ tạo ra. Làm gì thì chịu nấy.  

Có thể nói, Thượng đế đã thiết kế vũ trụ vật chất như một tấm gương. Nó giống như một màn ảnh chiếu phim, phản ánh những gì được chiếu lên nó xuyên qua tâm con người. Cho nên bất cứ hình ảnh nào con giữ nơi những tầng cao của tâm con, nó sẽ định đoạt các điều kiện đời sống mà con trải nghiệm trong thế giới vật chất. Nếu con có một hình ảnh bất toàn, con sẽ tạo ra một biểu hiện bất toàn mà tự nó nhất định sẽ hủy hoại. Tựa như con xây cất một Tháp Babel vậy, nó nhất định phải sụp đổ do chính sức nặng của nó.

Ở khởi thủy của địa cầu, các sinh thể tự nhận biết mang tâm thức cao hơn con người bây giờ. Trong tâm thức đó, các dòng sống này tiếp xúc một cách ý thức với cái ta tâm linh cùng những vị thày tâm linh của mình. Con người sử dụng quyền tự quyết của mình để thử nghiệm với năng lượng của Thượng đế, và khi làm vậy, họ thường lầm lỗi, tạo ra những biểu hiện bất toàn. Tuy nhiên vì họ biết rõ quy luật sáng thế, họ có khả năng nhận ra bất toàn, thừa nhận sai lầm, và lập tức thay thế kết quả bất hảo bằng kết quả tốt đẹp hơn.  

Nhưng sau khi Con Người Sa ngã, loài người đánh mất liên lạc với cái ta tâm linh cùng các vị thày tâm linh của mình, và vì vậy họ cũng không còn biết gì về quy luật sáng thế nữa. Họ quên mất quy luật rằng bất cứ gì mình tạo ra trong cõi vật chất chỉ đơn giản là sự phóng chiếu những hình ảnh được cầm giữ nơi ba thể cao hơn. Và như thế, họ cũng mất luôn hiểu biết rằng họ có khả năng thay đổi điều kiện vũ trụ vật chất bằng cách thay đổi nội dung các thể cao.   

Thế là con người bắt đầu tin rằng các điều kiện trong thế giới vật chất là vĩnh viễn, vượt ngoài tầm kiểm soát ý thức của mình. Họ bắt đầu xem mình là nạn nhân của những tình huống mà họ không hề gây ra. Họ bắt đầu coi mình là nô lệ của những thế lực ngoài vòng kiểm soát. Nếu nhìn dưới một khía cạnh nào đó thì quả thật là họ không sai. Đúng vậy, vì khi không chịu thay đổi cảm xúc, tư tưởng cùng bản sắc của mình, thì tất nhiên họ không thể thay đổi thế giới vật chất, và họ trở thành nạn nhân của điều kiện đời sống. Kẹt một nỗi là một khi mình đã tạo ra các điều kiện đó thì bây giờ mình phải tháo gỡ nó đi.

Chính vì đã quên, đã từ chối trách nhiệm về hoàn cảnh của mình như vậy mà họ đã tạo cơ hội cho một số sinh thể từ các bầu cõi cao hơn – những sinh thể đã đối nghịch lại quy luật Thượng đế – đầu thai trên địa cầu. Trong bài giảng, đức Mẹ Mary cũng mô tả sự kiện này.  

Con thấy đó, có sự khác biệt căn bản giữa thử nghiệm quyền tự quyết của mình (và lầm lỗi khi mình làm vậy) với cố tình đối nghịch lại quy luật cùng ý chỉ sáng tạo của Thượng đế. Như Mẹ Mary có mô tả, một số sinh thể trong cõi tâm linh đã chủ tâm nghịch lại quy luật cùng ý chỉ sáng tạo của Thượng đế. Xong chúng bị sa xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn, và cuối cùng một số đã đầu thai ở địa cầu.  

Những sinh thể đó đã khuynh loát nhiều người tin vào lời gian dối rằng tự do tối hậu chỉ có thể đạt được khi mình đi ngược lại quy luật Thượng đế. Chúng đã lừa dối tinh vi để gạt gẫm con người vi phạm quy luật Thượng đế, đồng thời tin rằng những hậu quả xấu mà mình gặt hái là không thể tránh được, thậm chí còn do Thượng đế làm ra.

Khi loài người rơi vào tâm thức thấp hơn, đó là khởi đầu cho một tiến trình ô nhiễm nơi bốn thể phàm của mọi người trên trái đất cũng như của tâm thức tập thể. Và điều này dẫn đến những điều kiện bất hảo dưới hình thức khổ đau, thiên tai cùng tai ương đủ loại.

Tất cả những gì con có thể thấy trong thế giới vật chất chỉ đơn giản là sự phản chiếu các thể cao hơn. Cả ba thể cao đó đã bị ô nhiễm và chứa đựng hình ảnh bất toàn. Nhưng có một thể đã hoàn toàn bị tà lực chiếm đoạt là cảm thể. Thể này là thể cốt yếu cho những ai muốn kiểm soát thế giới vật chất, bởi vì đó là cơ quan hoán chuyển tư tưởng thành hành động xác thân.

Bản chất của cảm xúc là lấy hình dạng của bất cứ hình ảnh nào được trí thể chiếu vào nó. Cảm xúc là năng lượng chuyển động, mà năng lượng thì không có ý niệm gì về đúng hay sai. Khi nó được hướng tới một hành động, nó sẽ tuôn vào đó mà không xét tới hậu quả. Cho nên nếu tà lực đã chiếm đoạt cảm thể một người, chúng có thể thao túng cho người đó làm bất cứ gì mà không xét đến hậu quả, không cân nhắc phải trái. Đây là nguồn gốc của hội chứng “Nếu thích thú thì cứ việc làm”, là hội chứng dựa trên lời dối gạt tinh vi rằng nếu mình cảm thấy ưa thích điều gì thì điều đó không thể sai trái.    

Vậy bây giờ con đã thấy, có những thế lực không ngừng ra sức thao túng con người qua cảm thể. Một cách để chúng thực hiện điều này là khiến cho cảm thể con người luôn luôn dao động, rồi dần dần chúng bồi thêm cường độ cho tới khi người đó không thể cưỡng lại năng lực cảm xúc được nữa. Cảm xúc trào ra thành hành động, và đây là hiện tượng khi những cá nhân, những nhóm người, thậm chí cả quốc gia, cảm thấy bó buộc phải làm những hành động mà họ bình thường không bao giờ làm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của chiến tranh. Trong suốt thời gian dẫn đến chiến tranh, con sẽ thấy cảm thể của cả một nước bị kích động tới mức người ta cảm thấy phải làm một cái gì đó, và cái đó là phải chiến đấu chống lại kẻ thù được coi là đã gây ra kích động.

Các sinh thể trí năng trong cả bốn cõi

Có điều quan trọng nữa ta muốn giảng cho con trong bài này là nơi cả bốn cõi của vũ trụ vật chất, có những sinh thể trí năng tự nhận biết. Con người là những sinh thể trí năng sống trong cõi vật chất. Nơi ba cõi cao hơn cũng có những sinh thể trí năng. Một số những sinh thể đó chưa từng hiện thân trong một thể xác vật lý. Còn một số khác thì đã từng đầu thai nhưng hiện đang cư ngụ ở những cõi khác của vũ trụ vật chất.

Tiến trình tự nhiên của các dòng sống là đi xuống một xác thân vật lý để thử nghiệm cõi vật chất, và giúp Thượng đế đồng sáng tạo tầng cấp này của thế giới hình tướng. Một khi đã hoàn thành mục đích hiện thân trong vũ trụ vật chất, dòng sống sẽ thăng lên cõi tâm linh. Nói cách khác, nếu một dòng sống còn ngụ, hoặc bị kẹt lại, nơi bốn cõi vật chất, cảm xúc, tư tưởng hay bản sắc, thì đây không phải là chuyện tự nhiên. Như trường hợp một dòng sống bị mất quân bình khiến cho một hay nhiều thể của mình bị tha hóa, thì dòng sống đó có thể bị kẹt lại trong vũ trụ vật chất, không có khả năng thăng lên cõi tâm linh..   

Bốn thể phàm tương ứng với bốn nguồn lực của Cha, Con, Mẹ và Thánh linh. Cha tương ứng với bản sắc thể, Con với trí thể, Mẹ với cảm thể, và Thánh linh với xác thể. Nếu một dòng sống bị mất quân bình trong cả bốn thể phàm, nó sẽ bị kẹt lại trong cõi vật chất, và nó sẽ mãi tái đầu thai trong một loạt thân xác khác nhau. Nếu một dòng sống đạt được quân bình xác thể nhưng không trong ba thể kia, nó có thể bị kẹt lại nơi cảm thể. Nếu nó đạt được quân bình xác thể và cảm thể, nó có thể bị kẹt lại nơi trí thể, và nếu nó quân bình được cả ba thể thấp thì nó có thể bị ket lại nơi bản sắc thể.

Nếu con muốn thật sự hiểu tại sao ta giảng dạy bài này, con cần nhận rõ rằng cả bốn cõi của vũ trụ vật chất chỉ khác nhau về rung động. Cho nên khi học bài này, con đừng rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ đường thẳng. Chẳng hạn, vì cõi vật chất có độ rung thấp nhất và các cõi kia có độ rung cao hơn, con dễ nghĩ lầm rằng ba cõi kia nằm cao hơn, vượt ngoài cõi vật chất. Nhưng nghĩ vậy không chính xác đâu.      

Ngay trong căn phòng con đang ngồi, có rất nhiều làn sóng vô tuyến đang hiện hữu trong cùng một khoảng không gian. Các sóng vô tuyến này tồn tại trong cùng một không gian với cơ thể con, với tường, bàn ghế và không khí trong phòng. Cũng vậy, những tần số rung động khác nhau có thể tồn tại trong cùng một không gian. Điều ta muốn nói là cõi vật chất tồn tại ở ngay cùng một chỗ với các cõi khác – cảm xúc, tư tưởng và bản sắc.

Điều quan trọng cần nhận rõ ở đây là giữa bốn cõi không hề có hàng rào bất khả xâm nào. Nói cho đúng, các cõi đó còn có thể trùng lấp nhau nữa. Chẳng hạn, rất có thể ở một khu vực nào đó của cõi vật chất, các rung động được biến đổi để chúng cộng hưởng với rung động ở một cõi khác.

Tâm con người có khả năng hoạt động như chiếc máy radio. Như ta vừa nói, có rất nhiều làn sóng vô tuyến xâm nhập vào căn phòng mà con đang ngồi. Nếu con bật máy lên, con có thể bắt được từng làn sóng bằng cách quay cái nút. Máy radio biến sóng năng lượng thành âm thanh nghe thấy, mà con nhận biết là những đài phát thanh khác nhau. Tâm con có khả năng tựa như chiếc máy radio vậy, nó có thể bắt sóng của mọi tầng cấp vũ trụ vật chất. Nó cũng có thể bắt được các tầng cấp trong cõi tâm linh. Nói cách khác, tâm con người có khả năng vượt ra ngoài cõi vật chất để đồng điệu với những sinh thể trí năng ở các cõi cảm xúc, tư tưởng, bản sắc, hoặc cả cõi tâm linh nữa.

Một hệ quả của lời dạy này là nếu con cố bắt liên lạc với sinh thể trí năng ở những cõi khác, con cần biết rằng không phải ai ai ở đó cũng thiện lành. Rất có thể một số đã từng cố tình đối nghịch lại các quy luật của Thượng đế, và họ sẽ cố lôi kéo con làm điều tương tự. Những lý do khiến họ làm vậy được giải thích trong bài giảng của đức Mẹ Mary.

Đã từng có một thời cả bốn cõi đều có những sinh thể thiện lành trú ngụ ở đó. Thế nhưng cõi cảm xúc bây giờ bị ô nhiễm, tha hóa đến độ không còn ai tốt nữa. Tất cả mọi sinh thể nơi cõi cảm xúc đều đã mất quân bình, họ tin rằng mục tiêu có thể biện minh cho mọi phương tiện, và phương châm của họ là “nếu thích thú thì cứ việc làm tới”. Trên địa cầu có nhiều người hiện thân tâm thức này bởi vì cảm thể họ bị mất quân bình do đồng cảm với cõi cảm xúc. Và họ trở thành nô lệ cho bọn thao túng đang hoành hành ở đó.

Cõi tư tưởng cũng bị ô nhiễm nặng nề, nhưng vẫn còn một số sinh thể không ác ý. Tuy vậy, rất nhiều trong số đó còn bị kẹt trong cách suy nghĩ rằng họ có thể hiểu được mọi chuyện bằng lý trí. Thậm chí, một số còn đinh ninh họ thông hiểu thế gian hơn cả Thượng đế và do đó họ hiểu rõ hơn Thượng đế phải vận hành vũ trụ làm sao. Đây là sự kiêu căng của trí thức, và con sẽ thấy trên địa cầu cũng có nhiều người hiện thân lòng tự kiêu này. Lý do là vì trí thể của họ đã đồng tình với những sinh thể tự kiêu nơi cõi tư tưởng. 

Cõi bản sắc là cõi tương đối trong sạch nhất, cho dù cũng bị ô nhiễm bởi một ý niệm bản sắc sai lầm. Ở đây có những sinh thể tự xem mình tách biệt với Thượng đế, và họ phóng chiếu cái nhìn này vào tâm thức loài người. Nhưng song song cũng có những sinh thể trong cõi ether giữ vững được bản sắc đúng đắn rằng mình là sinh thể tâm linh.

Các thày trong Đại đoàn Thăng thiên giáo hóa để phục vụ loài người. Các thày sẵn sàng giao tiếp với bất cứ ai để giúp họ tiến bước trên đường tu tâm linh. Khi địa cầu còn trong sáng, các thày đã có thể hiện ra trước con người trong cõi vật chất, và ai nấy đều có thể gặp gỡ, đàm đạo với các thày. Điều này xảy ra không phải vì các thày đã hiện ra trong một thể xác vật lý, mà vì tâm thức con người thời đó còn trong trắng đến độ có thể nhận biết các thày trong “thân thể” tâm linh của các thày. Với giác quan vật lý, họ nhìn thấy được thân tâm linh của các thày.

Nhưng ngày nay, những sự mất quân bình mà loài người tạo ra đã kéo thấp độ rung của toàn cõi vật chất, và việc nhận biết các thày đã trở nên khó khăn hơn. Con người không thể nhận biết các thày qua giác quan của cơ thể, trừ những trường hợp hiếm hoi khi các thày mượn tạm một thân thể vật chất.

Cho nên muốn giao tiếp với Đại đoàn Thăng thiên trong thế giới hiện đại, con phải nâng cao tâm thức, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của mình. Con chỉ tạo được quân bình bằng cách đạt đến trung đạo của tâm thức Ki-tô. Nếu con không quân bình trong tâm Ki-tô thì con sẽ không liên lạc được với Đại đoàn Thăng thiên. Nhưng tiếc thay, con vẫn có khả năng liên hệ với các sinh thể trú ngụ nơi các cõi phàm. Con đừng quên rằng chúng bị kẹt lại ở đó chính vì chúng đã mất quân bình trong một hay nhiều thể. Cho nên nếu con muốn giao tiếp một cách an toàn với cõi trên, con cần phải vươn lên tâm thức Ki-tô, và điều này có nghĩa con phải quân bình cả bốn thể phàm của con.

Thiên đàng hay Địa ngục trên địa cầu

Qua bài giảng này ta còn có một mục đích nữa, là chỉ cho con thấy cả bốn tầng của vũ trụ vật chất đều tồn tại chung trong cùng không gian. Khác biệt duy nhất là độ rung. Vì tâm con người có khả năng điều khiển ánh sáng Thượng đế, nó có thể hạ thấp hoặc nâng cao độ rung của ánh sáng. Điều ta muốn nói là con người có khả năng thay đổi những rung động của thế giới vật chất để cộng hưởng với rung động của một trong mấy cõi kia.

Ví dụ, có nhiều khu vực trên hành tinh này, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi một số đông dân cư đã gia tăng sự mất quân bình nơi cảm thể mình đến nỗi toàn khu vực phải rung động ở tần số của cõi cảm xúc. Cõi cảm xúc hiện có những biểu hiện thấp kém nhất trong số các cõi. Một số khu vực của cõi cảm xúc đã thực sự trở thành cái mà người ta xem là Địa ngục. Cho nên trên địa cầu cũng có nhiều nơi với độ rung như cõi cảm xúc. Thực sự đó là những nơi Địa ngục Trần gian.  

Tương tự như vậy, có một số khu vực rung ở cùng tần số với cõi tư tưởng, chẳng hạn các học viện nơi người ta tôn vinh trí thức con người nhưng lại phủ nhận trí tuệ vượt trội của tâm Ki-tô. Và cuối cùng, có những khu vực được cống hiến cho sinh hoạt tâm linh, đồng điệu với cõi ether và cả với cõi tâm linh. Những nơi này chính là Thiên đàng Hạ thế.

Cho nên một lần nữa con thấy đó, con người có khả năng tạo dựng thực tại của mình. Con tạo ra thực tại qua quyền năng của tâm, nhưng để hiểu làm thế nào, con cần phải nhận ra rằng tâm con có đến mấy tầng. Tâm phàm của con rất giống một chiếc radio chỉ biết khuếch đại những tần số vô tuyến để giác quan có thể bắt được. Những gì con sáng tạo trong tâm phàm được định đoạt bởi những gì con tiếp nhận vào trong tâm từ các cõi cao hơn của tâm.   

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chiếc radio của tâm con sẽ bắt tần số của đài phát thanh nào? Nó sẽ đồng tần số với cái ta Ki-tô, hay nó đồng tần số với những sinh thể ở các cõi thấp? Ngay hôm nay con phải chọn con phục vụ cho ai. Con phải chọn gian phòng trong căn nhà của Cha ta nơi con muốn sống, và cách con chọn là đặt chú tâm vào một tầng cõi đặc thù nào đó. Nếu con còn mất quân bình nơi một thể thấp, con sẽ chú tâm vào cõi vật chất, cảm xúc hay tư tưởng. Nếu bản sắc thể của con còn mất quân bình, con sẽ chú tâm vào cõi bản sắc mà không lên được cao hơn. Nhưng nếu cả bốn thể phàm của con được quân bình thì con sẽ vươn lên cao hơn cõi bản sắc để hòa điệu với Đại đoàn Thượng thăng. Khi đó con sẽ trở thành cánh cửa mở cho rung động và chân lý nơi Thiên đàng xối xuống địa cầu. Con có khả năng trở thành cánh cửa mở đó để Lời Hằng sống chảy vào thế gian.