Sợ biểu lộ chính mình

Hỏi: Khi con nói chuyện với người khác, con cảm thấy khó mở lòng ra và nói về bản thân mình. Con không chắc chắn vấn đề này là do lòng sợ hãi và xấu hổ, sự thiếu tự tin do thiếu tình thương vào tuổi thơ ấu, những chấn thương trong khi lớn lên và trong tiền kiếp, hay là một sự đồng hóa sâu xa với ngã gốc của mình. Khi đụng tới chuyện phải bộc lộ và tự bày tỏ, con cảm thấy như thể giác quan của con bị tê liệt. Con xin hỏi Mẹ Mary làm thế nào con có thể giải quyết vấn đề này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 10/7/2023.

Một triệu chứng nghiêm trọng như thế bắt nguồn từ chấn thương nhập đời vũ trụ, chủ yếu là ngã gốc của con vì con đã bị tổn thương khi con biểu lộ bản thân mình. Ngã gốc suy luận là nếu con không bao giờ tự biểu lộ một cách tự do nữa thì con sẽ không bị tổn thương như vậy nữa.

Điều con cần làm là dùng giáo lý các thày đã trao truyền trong quyển sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh cùng những quyển tiếp theo sau. Con dùng các giáo lý này để phơi bày các ngã đó mà con đang mang trong tiềm thức, và con làm việc ngược trở lại cho đến chấn thương nhập đời là điểm con có thể nhận ra, như các thày đã trình bày, là con sẽ không bao giờ bị tổn thương như con đã từng bị tổn thương trong chấn thương nhập đời. Kể từ thuở đó con đã có nâng cao tâm thức, cho nên con có khả năng đương đầu với các năng lượng đó, vượt qua chấn thương và tự đặt mình trên một con đường hướng thượng tích cực.

Về ngã tách biệt

Hỏi: Câu hỏi của con liên quan đến việc xử lý các ngã tách biệt khi con nhận diện chúng và làm cho chúng tan biến. Điều gì xảy ra cho năng lượng của ngã tách biệt khi con để cho nó chết đi hay con biến hóa nó đi? Năng lượng đó đi đâu? Khi con đến với ngã tách biệt với ý định để cho nó chết, có phải là con đã đến với nó với một cảm nhận là nó sai trái và cần phải thay đổi? Liệu nó sẽ tìm cách lẩn trốn nếu nó biết là con muốn nó chết? Và nếu vậy, làm thế nào con đến với nó trong tình thương trong khi con không ưa thích nó và muốn nó thay đổi? Con có phải làm bất cứ gì không, hay là con chỉ nhìn ngã tách biệt và nói: “Tôi không cần cái này nữa”? Con cũng biết thày đã giảng rất nhiều về đề tài này nhưng con vẫn chưa nắm được. Cảm ơn thày.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền dân chủ. Đăng ngày 14/11/2022.

Trước hết, con cho ta bình luận về khía cạnh năng lượng của vấn đề này. Ngã cũng giống như một tạo dựng trong tâm vậy. Đó là một khuôn đúc trong tâm. Và khi năng lượng từ Hiện diện TA LÀ của con, hay ngay cả từ cõi vật chất, chảy xuyên qua ngã, thì năng lượng được ngã pha màu, phú cho một số đặc tính – hay chúng ta có thể nói, năng lượng bị ngã tha hóa, làm cho ô nhiễm.

Sau đó ngã này được lưu trữ trong cảm thể, trí thể, bản sắc thể của con. Và năng lượng này cũng được lưu trữ trong cảm thể, trí thể, bản sắc thể của con, và ở một mức độ nào đó, ngay cả trong cơ thể vật lý. Đó là tại sao chúng tôi đề nghị các con đọc các bài chú, bài thỉnh. Tác dụng của việc này là chuyển hóa năng lượng, khiến cho nó được nâng lên một rung động cao hơn, và nhờ vậy nó được đưa lên cõi tâm linh trong một chu kỳ nơi nó biến thành các ta-lăng, rồi ta-lăng được nhân thêm để con nhận được nó quay trở xuống dưới dạng năng lượng mới. Năng lượng từng bị tha hóa biến mất khi nó được chuyển hóa như vậy – nó được tái chế để trở về với dạng nguyên thủy, cao hơn của nó.

Bây giờ, về thái độ của con khi con đến với những cái ngã. Điều này tùy thuộc vào sự kiện con đã làm việc này được bao lâu. Ở khởi đầu, điều bình thường là con sẽ cảm nhận rằng ngã tách biệt đang hạn chế con, rằng con không muốn có chúng và con muốn chúng biến đi. Nhưng một khi con đã thực hành nhiều hơn và trở nên chín chắn hơn trong tiến trình, con sẽ chỉ bước vào một tâm thái trung hòa. Con không kháng cự lại việc xem xét chúng, con không mang bất kỳ cảm giác tiêu cực nào đối với việc xem xét. Con chỉ thỉnh cầu sự giúp đỡ của các chân sư, con làm các bài thực tập để nhận diện ngã, và khi con nhìn ra nó thì con để cho nó chết.  

Chúng tôi đã cho con công thức để con nhìn thấy: “Mi là một cái ngã. Mi không phải là ta, và ta không phải là mi. Ta không muốn có mi trong đời ta nữa, cho nên ta để cho mi chết đi.” Chắc chắn ngã sẽ chống cự lại để không bị phơi bày. Nhưng mặt khác, rất nhiều những cái ngã tách biệt đặc thù như vậy không thật sự có một tiến trình lý luận tinh xảo lắm đâu. Chúng tựa như những chương trình trong máy tính vậy. Bất cứ khi nào có một tình huống kích hoạt ngã thì nó thật sự không thể nào lẩn trốn.

Tự ngã thì tinh vi hơn một chút. Tự ngã có thể tìm cách lẩn trốn, hóa trang, vân vân.

Avatar và những cái ngã được tạo ra trên một hành tinh tự nhiên

Hỏi: Trong một webinar trước, thày Saint Germain có đề cập đến những cái ngã tách biệt mà các avatar tạo ra trên hành tinh tự nhiên rồi đem xuống địa cầu. Xin các chân sư có thể triển khai hơn về điểm này? Những ngã tách biệt đó xuất xứ từ đâu so với những ngã tách biệt do chấn thương nhập đời tạo ra trên địa cầu? Và làm thế nào con có thể để cho chúng chết đi trên một hành tinh phi tự nhiên khi biết rằng chúng đã được tạo ra trên một hành tinh tự nhiên? Vì hai môi trường khác hẳn nhau như vậy, liệu công việc này có khả thi hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là Cánh cửa Mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 28/10/2021.

Những cái ngã mà con tạo ra trên địa cầu do chấn thương nhập đời, đã được tạo ra như một phản ứng đối với các điều kiện mà con gặp trên địa cầu bởi các sa nhân, bởi tâm thức sa ngã và tâm thức tập thể của địa cầu, và hiển nhiên tâm thức này thấp hơn rất nhiều so với một hành tinh tự nhiên.

Những cái ngã mà con tạo ra trên một hành tinh tự nhiên không phải là để đáp ứng hay phản ứng lại bất cứ điều gì, và chắc chắn không phải để phản ứng lại những điều kiện nhị nguyên hay thấp kém. Nhưng con cần nhìn nhận là ngay cả trên một hành tinh tự nhiên, làm thế nào con tăng triển được chứ? Làm thế nào con có thể khởi sự với một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm rồi mở rộng sự nhận biết của con ra? Con làm được vậy bằng cách trước tiên tạo ra một cái ngã dựa trên cái ta – hay cái ý niệm bản sắc – nhỏ như chấm đó, rồi con đồng sáng tạo qua ngã đó cho tới khi con sẵn sàng khuếch trương ngã đó. Đây là tiến trình mà con vẫn tiếp tục làm. Con không ngừng tạo ra những cái ngã, và đó là cách con tự nhìn mình trong quan hệ với môi trường chung quanh. Và cho dù con trưởng thành hơn trong trải nghiệm trên một hành tinh tự nhiên, con vẫn mang những ngã đó.    

Vấn đề đặt ra lúc đó là như sau: Liệu con ở lại trên hành tinh tự nhiên và cố khắc phục ngã ở đó, hay là con quyết định đi đến một hành tinh phi tự nhiên bởi nhiều lý do khác nhau? Trong nhiều trường hợp, điều đã đem con tới một hành tinh phi tự nhiên là vì con đã tạo ra một số ngã nào đó mà con không sẵn sàng hay chưa sẵn lòng buông bỏ. Đó có thể là một cái ngã khiến con cảm thấy mình phải giúp đỡ người khác – khi con chứng kiến người khác bị khổ đau, con muốn giúp họ. Đó cũng có thể là một cái ngã khiến con nghĩ mình có khả năng quyết định những gì sẽ thị hiện hay không được thị hiện trên một hành tinh, và khi con nhìn địa cầu thì con thấy rất nhiều điều mà theo ý con không nên có mặt, cho nên con mới quyết định đến đây để thay đổi chúng đi.

Những ngã này không được tạo ra do con phản ứng lại cái gì cả. Chúng được tạo ra trong khuôn khổ chính tiến trình tăng triển của bản thân con. Có thể nói chúng là một phần của tiến trình tăng triển đó, chúng xuất phát từ cách con tự nhìn mình như thế nào trên một hành tinh tự nhiên khi con trở nên trưởng thành hơn, nhận biết nhiều hơn, có nhiều khả năng đồng sáng tạo những thứ con muốn nhiều hơn. Cho dù những thứ đó được tạo ra trong một môi trường rất khác, nhưng chúng vẫn do con tạo ra trong tâm lý của con, và con đã đem theo tâm lý đó với con đến một hành tinh phi tự nhiên.

Con hoàn toàn có thể khắc phục được chúng tại đây, trên một hành tinh phi tự nhiên. Hơn vậy nữa, có thể nói là con có thể khắc phục chúng dễ dàng hơn ở đây trên một hành tinh phi tự nhiên, vì sự tương phản giữa môi trường ở đây với môi trường trên hành tinh tự nhiên to lớn đến độ nó bó buộc những ngã đó phải biểu lộ ra và nó bó buộc con phải phản ứng lại. Nó bó buộc con phải nhìn thấy chúng, và do đó nó khiến cho việc khắc phục dễ dàng hơn – nếu con sẵn lòng nhìn thay vì gạt bỏ chúng.

Nhưng để đương đầu với những cái ngã được tạo ra trên một hành tinh tự nhiên như thế, trước tiên con cần khắc phục cái ngã gốc [tức ngã nảy sinh từ chấn thương nhập đời trên địa cầu], bởi vì chừng nào con còn bị kẹt trong các khuôn nếp phản động đó, hay bị kẹt trong các vật trên điạ cầu, thì con sẽ không thể nhìn thấy những cái ngã mà con đã đem theo mình đến đây.  

Trò chơi “Bị chỉ trích và tự bào chữa”

Hỏi: Con thường hay gặp những người chuyên môn đi chỉ trích người khác thay vì chỉ dẫn người khác. Hồi này, con không còn phản ứng như thế nữa và con cố giơ má kia ra, vì con biết lối tranh cãi đó thật là vô nghĩa, và ở một mức độ nào đó, con biết người khác cũng chính là ánh phản chiếu của con. Nhưng trong những tình huống như thế, con vẫn nhận thấy là con còn chút tức giận và căng thẳng ở bên trong. Mặc dù con đã đương đầu với những hoàn cảnh này khá hơn xưa, con vẫn còn giận dữ và căng thẳng. Làm thế nào con có thể thanh lọc cơn giận và sự căng thẳng đã dồn nén? Và làm thế nào con có thể thoát ra khỏi tình trạng bị chỉ trích?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 – Là Cánh cửa Mở cho Địa cầu. Đăng ngày 26/10/2021.

Trên một hành tinh như trái đất, con không thể tránh được tình trạng bị người khác chỉ trích. Có thể con chưa gặp ai chỉ trích con trong kiếp này, nhưng chắc chắn con đã gặp trong tiền kiếp. Con cần suy ngẫm sự kiện là tất cả mọi người đều gặp phải vấn đề mình bị chỉ trích. Trong quá khứ, con đã tạo ra một số ngã tách biệt để đương đầu với nó, cho nên cách thực tiễn duy nhất là con phải phơi bày những cái ngã này ra bằng cách sử dụng những dụng cụ của các chân sư, rồi để cho ngã chết đi.

Ở đây con cần nhận ra rằng sự chỉ trích là một trạng thái của tâm. Các chân sư đã nhắc đi nhắc lại điều gì? Rằng cái trí phân tích luôn luôn có thể tìm được một lập luận để hỗ trợ cho bất kỳ quan điểm nào mà nó muốn chứng minh. Nếu ai đó mang thái độ muốn chỉ trích con, họ sẽ luôn luôn tìm được một điều gì đó để chỉ trích cho dù con có làm gì hay nói gì. Cho dù sự chỉ trích của họ có căn bản hay không, họ cũng sẽ tìm ra một lý do chỉ trích hữu lý dưới mắt của họ.

Con cần nhìn rõ trong tâm con rằng nếu người ta chỉ trích, đó là vì họ đang ở trong thái độ, cái tâm trạng chỉ trích đó. Không ích gì mà con tranh luận với họ, bởi vì con không thể thuyết phục họ là họ sai và con đúng. Và đây không phải là vấn đề đúng hay sai. Bất kỳ tâm thức nào cũng có một đối cực. Và đối cực của tâm thức chỉ trích là tâm thức tự biện hộ, thường là bằng cách chứng minh là người kia sai.  

Rất nhiều người tâm linh không phải là loại người hay xông ra ngoài và hung hãn, và con không nhất thiết sẽ muốn đi chỉ trích người khác. Nhưng khi có ai đó chỉ trích con, con sẽ chui ngay vào trong cái thái độ muốn chứng minh là người đó sai. Khi làm như vậy, con đã cho phép con bị lôi kéo vào trò chơi nhị nguyên. Con cần lấy một quyết định ý thức rằng con sẽ không cho phép con làm điều đó nữa, rằng con sẽ phơi bày những cái ngã tách biệt đằng sau cách phản ứng như vậy, và con nhất quyết rằng: “Tôi sẽ không tìm cách thuyết phục người kia là họ sai hoặc tôi không phải là con người xấu xa mà họ bảo. Tôi sẽ chỉ giản dị để cho ngã tách biệt chết đi, hầu người kia không có ảnh hưởng gì trên tôi, và họ không thể cưỡng ép tôi phản ứng lại.”  

Chỉ khi nào con không còn có phản ứng nào khi mình bị chỉ trích thì con mới thực sự tự do khỏi tâm thức đó. Con hãy xem đó là một cơ hội để tự giải thoát và đạt được một cột mốc vô cùng quan trọng trên đường tu tâm linh. Thật là con không thể biểu thị hay dám thể hiện được quả vị Ki-tô của con trừ khi con đã vượt qua toàn bộ cái vũng lầy của sự chỉ trích và sự tự bào chữa, hoặc nhu cầu muốn chứng minh là người khác sai. Nguyên thái độ này phải ra đi. Con cần phải thăng vượt nó, buông nó ra để nó không thể chạm được vào con. Khi đó, con mới bắt đầu thể hiện được quả vị Ki-tô của con một cách tự do, không còn sợ hãi và cũng không còn giận dữ khi bị chỉ trích.    

Chấn thương nhập đời và cách tiếp cận trái đất

Hỏi: Con đã đi trên đường tu tâm linh một thời gian dài, và con hoàn toàn hiểu và chấp nhận khái niệm tự quyết cũng như những ngã tách biệt phản ứng. Nhưng con vẫn cảm thấy hoàn toàn yếu đuối trước những năng lượng và sự hung hãn của người khác. Cho dù con không chấp nhận những lời họ nói và những điều họ làm với con, con vẫn không thể thoát khỏi sự tấn công của họ. Nó giống như thể con đứng trước mặt họ hoàn toàn trần trụi và con không thể chống cự lại sự tấn công, con không thể tự vệ. Mặc dù con có một tâm thức khá phát triển, điều này không giúp ích cho con. Con vẫn cảm thấy nhiều đau đớn trong hầu hết mọi tương tác với thế gian. Con tương tác một cách rất tích cực và cố gắng biểu hiện tâm Ki-tô của mình, con cố tự biểu đạt trong tình thương, ánh sáng và tinh thần cống hiến. Con vẫn không thể thích nghi được với cách người ta hành xử và phản ứng hung hãn, cách người ta chối bỏ con, từ chối tình thương của con. Mặc dù con thông cảm, đó vẫn luôn luôn là một chấn động và một nỗi đau nhói. Xin thày chỉ cho con thấy những gì có thể con chưa thấy, những cái ngã nào có thể đang có mặt, và con có thể làm gì để tự giải thoát khỏi tính nhảy cảm và dễ tổn thương thái quá này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 18/6/2021.

Con yêu dấu, những gì con mô tả là trải nghiệm mà hầu hết mọi avatar đến địa cầu đều trải nghiệm. Con đến đây với ý định giúp đỡ người khác. Con làm vậy do lòng yêu thương và ý muốn giải thoát họ. Thế rồi khi con cố bày tỏ hay giải thích cho họ thấy làm cách nào họ có thể tự do, thì hoặc họ làm ngơ, hoặc trong nhiều trường hợp họ chối bỏ con một cách hung hãn, họ muốn mạt sát con, bịt miệng con, chứng minh là con sai, hay thậm chí họ tấn công thể xác của con.

Đây là một trải nghiệm mà tất cả chúng ta đã đến đây như một avatar đều kinh qua, tức là ở một thời điểm, chúng ta phải chạm trán với cú sốc là mặc dù chúng ta ở đây để giúp mọi người nhưng người ta lại không muốn chúng ta trợ giúp, họ chối bỏ và tìm cách bịt miệng chúng ta rất hung hãn. Đối với hầu hết mọi người, đây là kinh nghiệm đã tạo ra cái mà các chân sư gọi là chấn thương nhập đời – chấn thương lớn đầu tiên mà con hứng chịu sau khi đến trái đất. Nó có thể mang những hình thức khác nhau đối với mỗi người, nhưng luôn luôn có sự chấn động khi con đến trong tinh thần thân thiện nhưng lại gặp một phản ứng hung dữ.

Điều con thật sự cần làm là sử dụng các giáo lý và dụng cụ các chân sư đã ban ra để con phát hiện chấn thương nhập đời, không phải theo nghĩa là con chỉ hiểu nó một cách trí thức mà con thực sự trải nghiệm nó. Và con đi thấu suốt tiến trình nhìn ra cái ngã được tạo ra do hệ quả của chấn thương nhập đời, và để cho ngã này chết đi. Và hơn thế, con còn nhìn ra những cái ngã khác cũng được tạo ra để con tự bảo vệ hay tránh né trải nghiệm đó tái diễn.

Đó là những dụng cụ quan trọng. Nhưng con cũng cần làm điều mà sứ giả này đã làm từ khi ông chạm mặt với chấn thương nhập đời nguyên thủy và buông bỏ nó. Ông đã nhận ra lý do khiến ông trải nghiệm chấn thương đó là vì ông đã đến địa cầu với một thái độ nào đó, một số kỳ vọng và một tư duy nào đó. Và đây chính là điều ông cần xem xét và thoát khỏi hầu được giải thoát khỏi địa cầu.

Ta khuyên con nên dùng các dụng cụ, đặc biệt là bài tập hình dung của ta để con đi xuyên qua các lớp vỏ và quay trở lại rạp hát đó nơi con đứng trên sân khấu và nhìn vào những cái ngã tách biệt đó. Nhưng con cũng yêu cầu ta trợ giúp và con quán chiếu trong tâm xem thái độ cơ bản của mình trên địa cầu là gì? “Tôi nghĩ tôi đang ở đây để làm gì, tôi muốn thực hiện những gì, tôi nghĩ những gì cần phải xảy ra trên địa cầu? Đâu là thái độ cơ bản của tôi đối với người khác? Tôi nghĩ họ phải làm gì hay không được làm gì? Tôi nghĩ họ phải hồi đáp tôi như thế nào?”

Sau đó con cần nhìn nhận là một avatar không cứ đang ở đây để đem lại một thay đổi tích cực trên địa cầu, mà một avatar cũng ở đây để học một điều gì đó từ địa cầu. Và điều con cần học từ địa cầu là những gì con chưa học hỏi trên một hành tinh tự nhiên, những gì con chưa nhìn thấy nơi chính mình trên một hành tinh tự nhiên, đặc biệt là liên quan đến quyền tự quyết. Nhiều avatar mang thái độ là mình thật sự tôn trọng quyền tự quyết vì mình không cưỡng ép ai hay không cư xử hung hãn với ai, và do đó con cho rằng mọi người khác cũng không được cư xử hung hãn với con.

Nhưng trên hết, con cần nhìn nhận là trên một hành tinh như địa cầu, điều này không có gì bảo đảm. Thật là chí lý khi Giê-su dạy rằng: “Hãy làm cho người khác những gì con muốn người khác làm cho con.” Nhưng thày không hề nói là nếu con không làm một số chuyện cho người ta thì người ta cũng không làm những chuyện đó cho con. Thày không bao giờ nói như vậy. Và lý do chính là quyền tự quyết – và với mức tâm thức thấp hơn trên địa cầu, không có gì bảo đảm là nếu con không đối xử hung hãn với người khác thì họ cũng sẽ không hung hãn với con. Con cần nhìn nhận điều này.

Và con cần hiểu ra và chấp nhận đây không chỉ là một vấn đề tự quyết, mà là vấn đề tình trạng tâm thức tập thể trên hành tinh này. Nếu con mang kỳ vọng trong con là con không được bị đối xử tệ mạt khi con không hung hãn, thì đây là một kỳ vọng không thực tế. Nó rất thực tế trên một hành tinh tự nhiên nhưng nó không thực tế trên một hành tinh phi tự nhiên.

Con cần xem xét: “Tại sao tôi có niềm tin đó? Nó đến từ đâu? Nó biểu lộ điều gì về thái độ thật sự của tôi liên quan đến tự quyết, tức là tôi không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết?” Bởi vì nếu con đã hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết thì con đã không mang kỳ vọng là người khác phải đối xử với con như thế nào. Con không thể chờ đợi như vậy nếu con hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết.

Sứ giả này đã kinh qua một tiến trình, một tiến trình lần hồi nhận ra là ông đã không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết khi ông đến đây. Ông không hung hăng và ông sẽ không cưỡng ép ai cả. Nhưng ông không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết. Và do đó ông đã có một số kỳ vọng. Và những kỳ vọng này đã khiến ông phản ứng lại một cách nhất định khi ông gặp sự chối bỏ và hung dữ trên địa cầu. Và để thoát khỏi khuôn nếp phản ứng đó, ông đã phải xem xét kỳ vọng cùng thái độ của mình đối với hành tinh, đối với con người, đối với những người sống trong nhị nguyên, đối với sa nhân, và ông phải khảo sát toàn bộ cái tư duy đã đưa ông đến địa cầu, đã khiến ông quyết định bước xuống một hành tinh như thế này.

Và đó là điều tất cả các con – các avatar – cần làm để được tự do khỏi hành tinh này, để vươn lên cao hơn tư duy đã đưa con đến đây. Bởi vì cái tư duy đã đưa con đến đây sẽ không thể đưa con rời khỏi nơi này, mà nó chỉ có thể giữ con lại ở đây cho tới khi con thăng vượt nó, vì đây chính là điều mà con thực sự mong muốn thực hiện khi con đến đây.

Phải, con đã mong muốn có tác động tích cực lên hành tinh này. Nhưng làm thế nào con tác động tích cực lên hành tinh chứ? Không phải bằng cách thay đổi người khác mà thay đổi chính con. Con tác động tích cực lên hành tinh bằng cách khắc phục mọi khuôn nếp trong tâm lý của mình, và khi làm vậy, con kéo cả tập thể đi lên và mở ra cơ hội cho người khác cũng thăng vượt tâm thực của họ.

Sẽ có những người không muốn thăng vượt tâm lý của họ và đó là những người sẽ hung hãn với con. Nhưng con không thể cho phép họ chi phối trải nghiệm của con trên địa cầu. Và do đó con cần tự giải thoát khỏi các khuôn nếp đó hầu con có thể đứng giáp mặt với sự hung hãn của họ, con có thể đứng trần trụi trước mặt họ mà họ vẫn không thể khiến con tê liệt hay làm con đau đớn.

Vị sứ giả này, từ tuổi thơ ấu trong kiếp này và chắc chắn trong những kiếp khác nữa, đã có cùng trải nghiệm đó, tức là ông đã cảm nhận một sự thôi thúc từ bên trong muốn thân thiện với mọi người, muốn sống năng động, bước vào xã hội và đóng góp tích cực. Nhưng gần như tất cả mọi tương tác của ông với người khác đều tạo ra một nỗi đau trong tim ông. Ông đã không vượt qua được tâm trạng này cho đến khi ông bắt đầu nhìn vào những vấn đề vô cùng thâm sâu đã đưa ông tới đây – là thái độ của ông đối với những gì ông nghĩ mình phải hoàn thành, những gì phải xảy ra hay không được xảy ra cho ông trên địa cầu.

Tất cả chúng ta cũng từng có cùng vấn đề đó. Chúng ta phải xem xét nó – cái gì đã đưa chúng ta đến đây và cái gì sẽ cho phép chúng ta thăng vượt nó, sẽ cho phép những cái ngã này chết đi, những niềm tin này chết đi, và giản dị chúng ta sẽ cảm thấy tự do, tự do để rời bỏ địa cầu mặc dù mình đã không thực hiện được gì trên địa cầu, mặc dù mình không hoàn thành được bất kỳ phần nào trong viễn kiến đã khiến mình muốn đến đây, bất kỳ những gì mình nghĩ có khả năng làm được ở đây. Nhưng con vẫn có thể bỏ lại địa cầu đằng sau trong an bình và nói: “Tôi đã quá đủ những trải nghiệm mà tôi có thể có trên hành tinh này rồi.” Đây là một điều khả thi.    

Nhiều người trong các con không xa điểm đó lắm như con nghĩ. Cho dù con có thể cảm thấy nỗi đau, và vẫn cảm thấy niềm tuyệt vọng tại sao nỗi đau không biến đi sau tất cả những gì mình đã làm để tu sửa bản thân, sau tất cả những cố gắng về tâm lý lẫn tâm linh, tại sao mình vẫn cảm thấy nỗi đau. Tại sao nó không ra đi?

Dẫu sao, nhiều người trong các con đã đến gần với điểm xoay chuyển hơn là mình tưởng, thường thường là một sự xoay chuyển tinh tế qua đó con thay đổi cách con nhìn cuộc sống trên địa cầu. Và con ngộ ra là trên một hành tinh phi tự nhiên, không có gì là quan trọng một cách tối hậu. Và nếu không có gì quan trọng tối hậu thì cũng không có gì quy định được con. Và nếu không gì quy định được con thì tại sao lại có bất cứ gì trên địa cầu quy định được cách con trải nghiệm sự hiện diện của mình trên địa cầu?

Và chỉ khi nào con có thể hiện diện trên địa cầu, có thể chạm trán với sự hung hãn của người khác, chạm trán với chính những điều đã cho con chấn thương nhập đời đó mà không phản ứng lại, thì con mới thực sự tự do.

Tất cả các con đều có khả năng làm được điều này. Con hãy tin ta, tất cả các con đều có thể làm được bằng cách sử dụng các dụng cụ, không phải một cách máy móc mà một cách sáng tạo, bằng cách kêu gọi sự trợ giúp của các chân sư, bằng cách sẵn lòng tiếp tục nhìn ngày càng sâu hơn cho tới khi con đạt đến cốt lõi trong cách con nhìn sự có mặt của mình trên một hành tinh như địa cầu. Chỉ khi nào con tự giải thoát khỏi cách con tiếp cận địa cầu thì con mới có thể giã từ địa cầu.

Cái ngã cho con cảm nhận liên tục

Hỏi: Con nhận ra là con có một cái ngã mà con gọi là “cái ngã tôi”. Nó không có đặc điểm nào cụ thể, nhưng nó cho con ý niệm rằng con là chính con chứ không phải là một ai khác hay một cái gì khác. Nó cho con một cảm nhận liên tục, tức là sau khi con đã thay đổi hình ảnh bản thân bao nhiêu lần, nó vẫn là con. Đã rất lâu con tin rằng đó là cái Ta Biết. Nhưng bỗng nhiên con nhận ra rằng ý niệm “mình là mình” chỉ là một cái ngã và nó cần chết đi. Và khám phá này khiến con kinh hãi suốt hai tuần lễ.

Thậm chí, con – hay đúng hơn, cái ngã đó – đã rất giận các chân sư thăng thiên. Con bị sốc bởi phản ứng của mình, bởi nỗi sợ và nỗi tức giận đó. Sau khi suy ngẫm về sự tình suốt mấy tuần, con nhận ra là điều con thấy rất có thể là tự ngã. Thưa nói vậy có đúng không? Phải chăng cảm nhận liên tục mà chúng ta có trên địa cầu phát xuất từ tự ngã? Con có cảm giác vấn đề này có gì nhiều hơn vậy, nhưng con không thấy rõ được. Xin thày vui lòng cho con một tầm nhìn cao hơn?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga. Đăng ngày 28/5/2021.

Tự ngã có nhiều khía cạnh, và con sẽ nhận thấy là những giáo lý đầu tiên mà chúng tôi ban ra đã giảng dạy đặc biệt về tự ngã. Rồi sau đó chúng tôi đã chuyển sang việc giảng dạy về các ngã tách biệt. Lẽ tự nhiên, con có thể hỏi: Tự ngã là gì? À, đó là một tập hợp những cái ngã tách biệt. Nhưng đằng sau tất cả những cái ngã đó có cái ngã mà con tạo ra khi con bước vào nhị nguyên.

Điều con cần cẩn thận – khi con cảm thấy vấn đề này có gì nhiều hơn như vậy – là con phải nhận ra sự khác biệt giữa cái ngã đầu tiên mà con tạo ra sau khi con hiện thân vật lý trên một hành tinh như địa cầu, và cái ngã đầu tiên mà con tạo ra khi con bước vào nhị nguyên.

Ngã đầu tiên mà con tạo ra chỉ đơn giản là một cái ngã cho phép con tự biểu đạt qua bốn thể phàm của con. Đây là cái ngã cho con cảm nhận mình liên tục, để khi con tăng triển trên đường tâm linh, con vẫn có ý niệm con là cùng một con người đang tăng triển, và đó là tại sao con không đánh mất ý niệm bản sắc của mình. Một số người bị mất ý niệm bản sắc khi họ tìm cách cưỡng ép sự tăng triển, và họ có thể trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc.

Vấn đề tinh tế ở đây là cái ngã mà con tạo ra sau khi bước vào nhị nguyên cũng cho con một cảm giác liên tục như là một sinh thể tách biệt. Khi con trải nghiệm cái ngã tức giận, cái ngã sợ chết, cái ngã oán giận các chân sư thăng thiên, đó chính là cái ngã đầu tiên mà con tạo ra khi con bước vào nhị nguyên. Theo thuật ngữ được sử dụng trong phong trào Summit Lighthouse, con có thể nói đó là cốt lõi của “Kẻ ngụ trên Ngưỡng cửa” (Dweller on the Threshold). Nó muốn ngăn cản con tăng triển và cầm giữ con lại. Thật đúng là ngã này phải chết đi.

Bây giờ trở về với ngã kia, cái ngã chỉ đơn giản cho phép con đầu thai trên một hành tinh như địa cầu và mang một ý niệm liên tục, đúng là ngã đó không phải là cái Ta Biết, mà là ngã đầu tiên được cái Ta Biết tạo ra, cho nên nó cũng là cái ngã chót mà cái Ta Biết sẽ từ bỏ. Đây là cái ngã chỉ đơn giản cho con một cảm nhận liên tục. Cũng đúng là nó cần chết đi, nhưng nó là ngã cuối cùng cần chết đi. Nó là cái Hồn ma (the Ghost) mà ta đã từ bỏ trên thập tự giá, và chính con cũng sẽ từ bỏ ở tầng tâm thức 144 trước khi con thăng thiên.

Con có thể nói rằng tự ngã, cái ngã sinh ra từ nhị nguyên, chống đối sự tăng triển của con. Nhưng cái ngã kia mà con đề cập và đem lại cho con cảm nhận liên tục, kỳ thực nó là một phần của sự phát triển của con, thậm chí là yếu tố giúp cho con phát triển. Con cần nó để hội nhập với bốn thể phàm của con, con cần nó để có cảm giác sống liên tục trên địa cầu. Và nó cũng là loại ngã cho con cái góc nhìn độc nhất vô nhị của con.

Đây là điểm chúng tôi đã cố giải thích trong buổi hội nghị về quả vị Ki-tô khi chúng tôi nói rằng hai người đạt đến cùng một trình độ quả vị Ki-tô mà vẫn có thể có những quan điểm khác nhau trên một số vấn đề. Bởi vì người này nhìn vấn đề từ góc nhìn này, trong khi người kia nhìn từ góc nhìn kia. Không phải là một người đúng, người kia sai. Không phải một người tốt giỏi hơn người kia, mà chỉ là những cách nhìn khác nhau.

Ta không đang bàn đến những loại quan điểm nhị nguyên mà ta nói rằng ngay cả khi con đã đạt đến một trình độ quả vị Ki-tô nào đó, thì con vẫn mang một nhãn quan mà chúng tôi gọi là nhãn quan cục bộ, địa phương (localized). Cũng giống như tất cả các con đang thấy gì khi các con nhìn qua mắt vật lý của mình – người kia đang nhìn con và thấy con, nhưng con thì không thấy con mà lại thấy người kia. Chỉ là hai góc nhìn khác nhau chứ không có cái đúng cái sai – thật là vô nghĩa nếu áp dụng cách lượng định như vậy. Không có góc nhìn này tốt hơn góc nhìn kia, nhưng có một góc nhìn chỉ của riêng con.

Chừng nào con còn đầu thai trên một hành tinh phi tự nhiên, thậm chí cả trên một hành tinh tự nhiên, con bắt buộc phải nhìn cuộc sống từ một nhãn quan giới hạn, cục bộ. Và đó chính là cái ngã mà con đã tạo ra để cho con cái nhìn cục bộ đó khi con hiện thân. Đó là cái ngã chót mà con sẽ bỏ lại.

Làm thế nào thoát khỏi bị choáng ngợp bởi đau khổ của người khác

Hỏi: Con có một độ nhạy cảm rất cao và con cảm nhận được nỗi khổ và nỗi đau của người khác như thể chính con đang trải nghiệm vậy. Nhiều khi con cảm thấy mình là cánh cửa mở cho tình thương vô điều kiện, nhưng thật ra con cũng là cánh cửa mở cho sự đau khổ mà con luôn luôn cảm thấu. Con có cảm giác giống như mình luôn luôn bị ướt đẫm trong nỗi khổ đó và con không thể sung sướng khi biết người ta đang đau khổ đến chừng nào. Con có cảm tưởng chuyện này đã xảy ra từ những kiếp hiện thân đầu tiên, nhưng con vẫn không hiểu được nó. Con tự hỏi làm thế nào người ta có thể nhạy cảm mà không đau khổ khi đầu thai ở đây?

Hơn nữa, con rất chú trọng đến việc tự biểu đạt ra ngoài – cuộc sống, ánh sáng, sức khỏe, phụng sự. Con ưa thích chuyện đó, nhưng gần như toàn bộ sự chú ý của con tập trung vào vấn đề là con có thể làm gì và đem lại những gì cho người chung quanh, và tất nhiên cho tâm lý của con nữa. Không có nó thì đời con trở nên trống trải, vô nghĩa. Có vẻ như hai trạng thái đó gắn liền với nhau, và con không thể phân biệt được cái nào đến từ Hiện diện TA LÀ và cái nào đến từ ngã tách biệt.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Tăng triển Phân biện Ki-tô. Đăng ngày 9/1/2021.

Con yêu dấu, có những avatar đã đến địa cầu, thường khi là đã mang sẵn lòng trắc ẩn đối với nỗi đau khổ của con người trên trái đất, cũng như ý muốn đóng góp để giảm bớt nỗi đau khổ đó. Rồi khi con bước vào hiện thân, một trong những kiếp đầu thai đầu tiên của con, khi con phải chạm trán với một chấn thương vô cùng sâu sắc đã sinh tạo ra cái ngã gốc của con (primal self), thì lúc đó cảm thể con đã mở toang ra trước nỗi đau khổ của người khác. Con bị nỗi đau khổ này choáng ngợp đến độ nó trở thành khía cạnh áp đảo ngã gốc của con.

Gần như có thể nói là con đã rút lui khỏi việc hiện thân, và con quyết định là mình không muốn ở đây, mình đã không tới đây để thể hiện con người của mình hay để trải nghiệm bất cứ gì trên trái đất, mà mình đến đây chỉ để giúp đỡ nỗi đau khổ của tha nhân, và do đó nó trở thành điều hệ trọng duy nhất đối với con. Trong khi đó, chính con và tất cả những mục tiêu mà con đến đây để thực hiện, hay Hiện diện TA LÀ của con muốn con thực hiện ở đây, đều không quan trọng nữa. Và con phải kềm hãm khả năng sáng tạo của con cũng như ánh sáng được biểu đạt qua con.

Bây giờ, điều rất, rất quan trọng là nhìn nhận rằng tình trạng đó có mặt là vì con có những lỗ hổng trong cảm thể của con buộc chặt con vào những xoáy lốc tập thể của đau khổ. Thật sự con đang không giúp giảm bớt đau khổ trên hành tinh này bằng cách cho phép mình bị chúng choáng ngợp. Cho nên con có thể khởi sự đọc bài chú, bài thỉnh, để cầu thỉnh sự bảo vệ cho cảm thể của con, kêu gọi Astrea cắt đứt để con được giải thoát khỏi những sợi dây ràng buộc con vào tâm thức tập thể, vào cõi trung giới.

Nhưng dài hạn hơn, con cần phát hiện những cái ngã, con cần khám phá quyết định đã khiến con mở lớn cảm thể của mình và nghĩ mình phải làm chuyện đó. Con cũng sẽ cần đối phó với một số phóng chiếu, ngay cả một số ngã tách biệt, bảo con sẽ là người ích kỷ nếu con đóng cửa lòng nhạy cảm của mình lại đối với người khác. Nhưng như Giê-su vừa giải thích, con không hề ích kỷ khi con không cho phép mình bị cảm xúc của người khác kéo mình xuống. Và nếu con tới mức không còn vui hưởng cuộc đời được nữa, và nếu con không thể biểu hiện bản thân mình một cách tích cực, thì con không đang đem lại lợi ích cho hành tinh. Con không đang giúp cho tâm thức tập thể.

Cho nên con cần sử dụng những dụng cụ mà chúng tôi đã trao cho con để giải quyết những cái ngã này, giải quyết chấn thương nhập đời cùng cái ngã gốc, và đạt đến chỗ tìm lại thái độ tích cực khi sống trên trái đất. Con cũng cần nhận ra – như Giê-su cũng nói, nhưng trong một nghĩa hơi khác – là con phải cho phép quyền tự quyết trải bày ra. Loài người đã sử dụng quyền tự quyết của mình để tạo ra đau khổ hiện tại của mình. Con không thể kiểm soát được quyền tự quyết của người khác, do đó không có lý do gì con phải tạm dừng quyền tự do chọn lựa của con hầu cảm thấy nỗi đau khổ của người khác. Con có quyền vươn lên cao hơn nỗi đau khổ đó và đạt tới điểm chính cá nhân con có thể sông trên hành tinh này mà không bị đau khổ. Hơn thế, con có thể sống trên hành tinh này và thể hiện ánh sáng, thể hiện cá thể và sự sáng tạo tuôn chảy từ Hiên diện TA LÀ của con. Nói cho cùng, chính việc thể hiện khả năng sáng tạo này mới nâng tâm thức tập thể lên cao hơn và cải thiện các điều kiện trên hành tinh.

Con không giảm bớt nỗi khổ của con người bằng cách cho phép mình cảm thấy và bị choáng ngợp bởi nỗi bất hạnh của người khác. Ta biết, sự bất hạnh luôn tìm kiếm kẻ đồng hành, nhưng điều đó không giảm bớt sự bất hạnh. Cho nên một lần nữa, nếu con cho phép mình tiếp tục cảm thấy như hiện nay và tắt đi khả năng sáng tạo của mình, thì con là một phần của vấn đề chứ không là một phần của giải pháp. Con đã đến địa cầu vì con muốn là một phần của giải pháp, do đó con cần nối kết lại với động lực nguyên thủy của mình. Con cần nối kết lại với đấng đã tạo ra động lực đó tức là Hiện diện TA LÀ của con, hầu con biểu lộ được điều gì đó sáng tạo và tích cực cho hành tinh.

Tại sao một số phụ nữ cứ thu hút những đàn ông lạm dụng mình?

Hỏi: Từ khi còn nhỏ, con đã trải nghiệm rất nhiều sự hung hãn tình cảm từ cha con, rồi khi trưởng thành, con lại bị như vậy từ phái nam. Suốt đời con đã thu hút những người đàn ông khép kín về mặt tình cảm và chỉ chú trọng đến tình dục và dâm ô. Con đã kinh qua hai quan hệ lạm dụng vô cùng tồi tệ. Sau đó con tìm được con đường tâm linh và con đã nỗ lực rất nhiều để cải sửa bản thân cũng như tâm lý của con. Mặc dù con đã giải quyết được rất nhiều về mặt tâm lý nhưng con nghiệm ra là có một phần trong con vẫn muốn một điều gì đó từ loại đàn ông đó. Con ý thức được là loại đàn ông đó không tốt gì cho mình, nhưng con nghiệm thấy – mặc dù có những người đàn ông trìu mến cũng mong muốn con để ý tới họ – là có một phần trong con vẫn muốn nhận được sự chú ý và tiếp xúc từ những đàn ông mà con chỉ có thể có mối quan hệ độc hại.

Xin thày có thể giải thích cho con cơ chế đó vận hành như thế nào? Tại sao cái ngã đó, cái phần đó của con, lại muốn được những đàn ông đó chú ý và tiếp xúc đến như vậy, trong khi họ chỉ cốt ý lấy tất cả những gì họ có thể lấy mà không chia sẻ tình cảm? Cái gì ở trong con khiến con từ chối tình yêu từ những người đàn ông tốt bụng đang ở trong đời con và quan tâm đến con? Tại sao trong số tất cả những người đàn ông đó, con lại chỉ muốn đúng cái anh chàng không thích hợp với con? 

Con hiện không có quan hệ nào và con không dính dáng tới đàn ông nào, nhưng con nghiệm được điều gì xảy ra bên trong. Con nhìn thấy những thành phần trong con, và con muốn được thêm sáng ngộ về nguyên nhân tại sao nó lại xảy ra khi con còn tỉnh táo. Hiện tại, con đang làm thông sạch cả bốn thể phàm bằng cách bước trên con đường bảy tia sáng và con đọc bài thỉnh trong cuốn sách của Mẹ Mary “Course In Abundance” (Khóa tu về sự dồi dào). Xin thày cho con một chút sáng ngộ để con nhìn thấy rõ hơn.  


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Trước hết, con sẽ được ích lợi biết rằng con hoàn toàn không phải là người phụ nữ đầu tiên hay người phụ nữ duy nhất có cơ chế này. Rất, rất nhiều phụ nữ cũng từng có và đang có như vậy – thật ra người ta đã có viết sách về hiện tượng này mà con sẽ được lợi ích nếu con tìm đọc. Những cuốn sách đó có thể bổ sung cho những lời dạy mà chúng tôi đã ban ra về tâm lý, và cũng sẽ giúp con nhận được nhiều nguồn sáng ngộ khác nhau. Bây giờ, hiện tượng mà con nói đến có thể có một số nguyên nhân riêng rẽ, nhưng ta sẽ tập trung vào ít nhất ba nguyên nhân.

Trước hết, một số phụ nữ có một mặc cảm thua kém, họ không cảm thấy là mình xứng đáng. Thường là vì họ không cảm thấy mình xứng đáng được người khác chú ý. Cho nên con thu hút những người đàn ông ngược đãi con, vì mặc dù họ ngược đãi con thật, nhưng ít ra họ chú ý đến con. Và sự chú ý này, cho dù là ngược đãi đi nữa, vẫn còn hơn là sự làm ngơ. Đây là một nguyên do – ta không bảo là nó áp dụng cho mọi phụ nữ, nhưng đó là một nguyên do.

Một lý do khác là trong một tiền kiếp, con đã bị tổn thương trầm trọng bởi phái nam, thường khi bởi một người đàn ông đã gần gũi với con suốt nhiều kiếp đầu thai. Cho nên con mang trong con một cảm nhận sâu xa là con không thể tin tưởng phái nam. Và hiện tượng lạ lùng xảy ra ở đây là sự cảm nhận mình không thể tin đàn ông thường bắt nguồn từ mối quan hệ với một người mà con tin tưởng đến độ con đã mở lòng ra với người đó. Rồi người đó đã lợi dụng sự cởi mở của con để làm hại và khiến con đau đớn. Do đó, con có một cái ngã đã quyết định là mình sẽ không bao giờ mở lòng ra với bất cứ đàn ông nào nữa. Đó là tại sao con đã từ chối những người đàn ông kia mà đáng lý con đã có thể nối kết sâu sắc hơn. Và con lại quan hệ với những người đàn ông này, cho dù là họ hiếp đáp con, nhưng đối với con, đó không phải là yếu tố quyết định. Vì yếu tố quyết định là con không bao giờ có thể có một mối liên hệ sâu xa gì với những người này cho nên không có nguy cơ con mở lòng ra với họ.

Bây giờ có một yếu tố thứ ba có thể xen vào. Đối với một số các con, chuyện này trở ngược về thời chấn thương nhập đời của con, trở ngược về lần đầu tiên con đầu thai trên địa cầu. Khi đó, con đã bị hiếp đáp nghiêm trọng bởi những khuôn mặt thẩm quyền thuộc phái nam. Và lý do con cứ thu hút những đàn ông loại đó có thể, phần nào, do hai nguyên nhân ta vừa đề cập ở trên – nó đã tác động đến tâm lý của con. Nhưng nguyên nhân thật sự là con muốn giải quyết chấn thương nhập đời của con. Do đó, con cứ không ngừng thu hút những đàn ông hiếp đáp con đến độ con khó lòng nào bỏ qua được vấn đề. Nói cách khác, nếu con có một mối quan hệ bình thường, thương yêu, với một người đàn ông, thì có thể con sẽ đẩy vấn đề đó sang một bên, tức là hoặc con sẽ dời chuyện giải quyết chấn thương nhập đời lại một thời gian sau, hoặc con sẽ không giải quyết cho đến hết kiếp này. Cho nên nếu có thể nói như vậy, trong tiềm thức con đã tự ép buộc mình phải đối đầu với vấn đề. 

Tất nhiên chúng tôi đã có giảng dạy về ngã tách biệt, và rõ ràng cơ chế nói trên dựa trên một cái ngã tách biệt, hoặc trong nhiều trường hợp, trên mấy cái ngã tách biệt mang sẵn một số niềm tin về bản thân con và về quan hệ của con với đàn ông. Có thể con tin là mình không thể tin tưởng đàn ông, có thể con tin là mình không thật sự xứng đáng sống với một người đàn ông cho nên mình phải chịu đựng sự lạm dụng của họ, có thể con tin là mình không xứng đáng được người khác chú ý. Và cũng có thể có những niềm tin khác nữa, vì mỗi cá nhân đều có những niềm tin khác nhau. 

Nhưng nếu con sử dụng những giáo lý mà chúng tôi đã ban ra trong sách “Healing Your Spiritual Traumas” (Chữa lành chấn thương tâm linh) cũng như một số sách khác*, con sẽ có khả năng tiến bước. Một lần nữa, con có thể được ích lợi nếu con đọc thêm sách về đề tài này, vì nó có thể giúp con tìm cách trị liệu, hoặc có lẽ nó sẽ giúp con tìm ra một nhóm gặp gỡ của phụ nữ nơi con có thể tâm tình. Thật ra đang có một nhu cầu lập ra những nhóm hỗ trợ cho những phụ nữ đã có mối quan hệ lạm dụng với phái nam trong kiếp này. Con thử nhìn xem con có thể tìm được một nhóm như vậy hay không, hoặc con đứng ra thành lập một nhóm nếu con không thể tìm thấy.   

* [Những cuốn sách này gồm có 4 quyển: Healing Your Spiritual Traumas, Fulfilling Your Divine Plan, Fulfilling Your Highest Spiritual Potential, và Making Peace with Being on Earth]

Khi câu hỏi không còn thích đáng, đó là lúc con đã thoát khỏi nó

Hỏi: Trước khi trở thành một học trò của chân sư thăng thiên, con đã nỗ lực nhớ lại phần nào những kiếp trước của con và giải tỏa những cảm xúc gắn liền với chúng. Bây giờ con đã đọc quyển “Những kiếp của tôi” và “Chữa lành Chấn thương Tâm linh” thì con tự hỏi liệu con có cần nhớ lại vết thương nguyên thủy của mình để chữa lành hay không? Con có cảm nhận mang máng rằng con là một avatar, nhưng vì không có ký ức đặc trưng nào cho nên cảm nhận đó còn trừu tượng. Liệu một ngày kia con sẽ nhớ lại một cách tự nhiên hay sẽ hoàn toàn không nhớ? Con không lo lắng về chuyện này, đúng hơn là con mong muốn một sự hướng dẫn về cách con có thể tiếp tục làm việc trên nó. Làm thế nào con biết được khi nào con sẽ thoát khỏi nó?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Như ta có viết trong sách, con không tuyệt đối nhất thiết phải nhớ lại những chi tiết cụ thể của chấn thương nhập đời của con, hoàn cảnh mà nó đã xảy ra. Đối với một số người, việc nhớ lại có thể là một lợi điểm, và nếu vậy thì nó sẽ tự phát. Con không cần phải tìm cách ép buộc cho nó xảy ra, và con nghĩ rất đúng khi con không quan tâm đến chuyện đó. Cũng vậy, sẽ có một số người nhớ được cuộc sống của họ trên hành tinh tự nhiên trước khi họ đến địa cầu, nhưng điều này cũng không cần thiết cho mọi người. Một lần nữa, không có lý do gì để con phải bận tâm hay bị dính mắc.

Làm thế nào con biết được con đã thoát ra khỏi chấn thương? Con sẽ biết được phần nào là do con nhận ra chấn thương đã khiến con khoác vào một niềm tin nào đó, một tư duy nào đó. Như vị sứ giả này cho ví dụ, ông nhận ra là ông đã luôn luôn bị thúc đẩy bởi cảm nhận mình phải làm gì đó trên địa cầu. Và khi ông đạt tới điểm ông giải quyết được chấn thương, giải quyết được niềm tin đó, ông đã cảm thấy một sự giải toả tự phát vô cùng mạnh mẽ, qua đó ông nhận ra rằng: “Tôi không cần làm gì hết trên địa cầu.” Nhiều người trong số các con đã tạo dựng những niềm tin khác dựa trên chấn thương nhập đời của mình. 

Một khi con đạt tới điểm nhận ra điều đó, rằng niềm tin cơ bản đó đã tô màu, đã làm nền tảng cho mối quan hệ của con với địa cầu, đã làm nền tảng cho cách con tự nhìn mình trên địa cầu và những gì con nghĩ con đã đến đây để thực hiện hay không thực hiện, một khi con tới điểm nhìn thấy niềm tin đó, thì con sẽ cảm thấy một sự giải tỏa tự phát trong nội tâm, và trong sự giải tỏa đó con buông nó ra, thế rồi con biết là con đã giải thoát khỏi nó.

Con cũng có thể nói như chúng tôi đã từng nói: Khi câu hỏi không còn thích đáng nữa thì đó là lúc con đã thoát khỏi nó.

Đừng suy nghĩ quá đáng mà hãy giải quyết từng cái ngã một

Hỏi: Dường như ngã gốc là một trong những điều cuối cùng con cần giải quyết. Nhưng trong bài tập hình dung của Mẹ Mary để đối phó với ngã gốc, thày nói thật ra đó là điều đầu tiên con cần giải quyết, và tất cả những cái ngã đến sau sẽ dễ tháo gỡ hơn sau khi con đã giải quyết ngã gốc.

Sau khi con nhận diện trong con rất nhiều ngã tách biệt chưa giải quyết, con bị khó khăn phân biệt một ngã chấm dứt ở chỗ nào và cái ngã sau bắt đầu ở chỗ nào. Con nhận ra chấn thương từ thời thơ ấu lẫn những chấn thương từ những chuyện con chưa thấy rõ. Con có cảm tưởng một số ngã không thể nào tháo gỡ được nếu con chưa giải quyết ngã gốc, vì ngay lúc con cố nhìn nó thì ngã gốc sẽ ngăn cản con thấy nó một cách khách quan.  

Thứ tự mà con nên giải quyết các ngã tách biết là gì? Con có lý hay chăng khi nghĩ rằng việc xem xét một số ngã tách biệt – chẳng hạn như các chấn thương thời thơ ấu – sẽ chỉ uổng phí thời gian nếu con chưa giải quyết ngã tách biệt? Hay liệu con phải làm ngược lại, tức là con sẽ không thể giải quyết ngã gốc nếu con chưa nhìn vào từng lớp một, bắt đầu từ cái ngã gần đây nhất?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 15/10/2020.

Con cần nhìn nhận ở đây là câu hỏi của con được đặt ra từ tâm phân tích đường thẳng. Con đang cố xếp loại và phân tích những ngã đó rồi con hỏi con phải giải quyết cái nào trước nhất. Nhưng đây là một vấn đề cá nhân. Một số người sẽ có thể đi tới ngã gốc tương đối nhanh chóng và giải quyết nó, và nếu con có thể làm điều này thì việc giải quyết các ngã được tạo ra sau ngã gốc sẽ dễ dàng hơn, vì những ngã này đặt nền tảng trên ngã gốc. Một khi con đã nhìn thấy ảo tưởng của ngã gốc, việc nhìn ra ảo tưởng của các ngã kia sẽ dễ dàng hơn.

Nếu con làm chuyện ngược lại và bắt đầu với những cái ngã mới nhất, con sẽ không thể nhìn thấu cái ảo tưởng làm cơ sở cho ngã gốc, có nghĩa là đối với từng ngã tách biệt, con sẽ phải phát hiện ảo tưởng riêng của nó. Việc làm này khó hơn, nhưng không phải là không thể.

Dù sao thì câu hỏi về thứ tự con phải bắt đầu với ngã nào, như ta vừa trình bày, là một vấn đề cá nhân. Và điểm mấu chốt là thế này: Dù ngã nào xuất hiện thì con cũng sẽ bắt đầu làm việc với ngã đó. Bất kỳ ngã nào con nhận biết được khi con học sách, bất cứ gì nổi bật trong tâm con, đó là cái con sẽ làm việc cho tới khi con giải quyết được nó, xong con lấy cái ngã tiếp theo rồi cái tiếp theo nữa. Con vẫn có thể dùng bài tập mà ta đã trao truyền để chữa lành chấn thương tâm linh của con, con đi qua các tầng lớp khác nhau trên đường vào rạp hát, và con làm việc với bất kỳ ngã nào xuất hiện trong tiến trình này.

Thậm chí con không cần nghĩ đó có phải là ngã gốc hay không, mà con chỉ nắm lấy từng cái ngã một, nỗ lực giải quyết nó, rồi xử lý cái tiếp theo và tiếp theo nữa như chúng xuất hiện. Đừng suy nghĩ quá đáng, đừng phân tích quá đáng, mà hãy đơn giản bắt đầu với cái ngã hiển nhiên nhất đang ló dạng và cứ làm tiếp như vậy.

“Có cảm xúc” so với “trải nghiệm cảm xúc”

Hỏi: Phải chăng các cảm xúc của chúng ta như vui sướng, giận dữ, lo lắng hay buồn rầu là kết quả của một cái ta tách biệt? Nói cách khác, phải chăng sự kiện chúng ta có cảm xúc là do một cái ngã tách biệt?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 6/9/2020.

Con không cảm xúc do một cái ngã tách biệt. Ngã tách biệt có cảm xúc, và nếu con tự đồng hóa với ngã tách biệt – hay con tự đồng hóa là ngã tách biệt – thì con trải nghiệm cảm xúc đó. Ta cũng biết cách nói thường tình là bảo rằng: “Tôi đang có một cảm xúc”, nhưng con không cảm xúc đó. Con, trong tư cách là cái Ta Biết, không có một cảm xúc. Con đang trải nghiệm một cảm xúc.

Không phải là trong tư cách cái Ta Biết con không thể trải nghiệm một số cảm xúc, nhưng đó là những cảm xúc không nhị nguyên. Nói cách khác, chúng không có đối nghịch. Đức Phật có nói đến cực lạc, mà một số người diễn giải là sự hỉ lạc cùng cực, nhưng không phải vậy. Đó là một cảm xúc vượt ra khỏi các đối cực nhị nguyên như vui và buồn, tức giận, oán hận, tất cả những cảm xúc dựa trên sợ hãi đó, và tất cả các loại cảm xúc mà người ta có thể gán cho một đối nghịch. Tất cả các cảm xúc có đối nghịch đó, các cảm xúc nhị nguyên đó, các cảm xúc mà đức Phật gọi “các cặp”, đó là những cảm xúc mà một cái ngã tách biệt đang có. Khi con chưa nhận biết ngã tách biệt và chưa trải nghiệm mình là sự nhận biết thuần khiết, khi con chưa tự tách mình ra khỏi ngã tách biệt, thì con cho rằng con đang có cảm xúc đó. Con cảm thấy con đang có cảm xúc đó, nhưng kỳ thực con không đang có nó. Và chìa khóa ở đây là cái Ta Biết cần nhận biết điều này.

Điều này không có nghĩa là con sẽ nhất thiết khắc phục mọi cái ngã tách biệt, hay con phải khắc phục mọi cái ngã tách biệt, nhưng con có thể đạt tới sự nhận biết rằng mình là nhiều hơn ngã tách biệt. Do đó khi con đang “có” một cảm xúc nào đó, con nhận ra: “À, đây là một cái ngã tách biệt đang có cảm xúc này, nhưng tôi là nhiều hơn ngã tách biệt này.” Không có nghĩa là con có thể tức khắc vứt bỏ ngã tách biệt đi. Có thể ngã tách biệt vẫn có một cảm xúc.

Giả dụ con trải nghiệm một tình huống thật động cảm như khi có điều gì khó chịu xảy ra cho ngã tách biệt, một điều mà ngã tách biệt không muốn xảy ra. Do sự kiện này, ngã tách biệt có một cảm xúc nào đó, nhưng con nhận ra là con không phải là ngã tách biệt, cho nên mặc dù cảm xúc có mặt trong cảm thể của con, con không bị lôi cuốn vào đó. Con không bị đồng hóa với nó. Con trải nghiệm cảm xúc từ bên ngoài. Con không ở trong – nếu có thể nói như vậy – cái bình thủy tinh chứa đầy nước bị cảm xúc tô màu. Con không bị chết chìm trong cảm xúc. Con đứng bên ngoài. Con đang thấy có cái bình thủy tinh đó có nước đang xoáy xoáy đó, và nước thì đang bị một cảm xúc tô màu. Nhưng con để yên cho nó là một cảm xúc. Con không cần phản ứng lại.   

Điều này có nghĩa là con có khả năng phá vỡ vòng xoắn ốc cảm xúc mà trong nhiều trường hợp – khi một tình huống đau buồn xảy ra – có một cái ngã sẽ phản ứng lại tình huống qua cảm xúc: “Ồ, chuyện này đáng lý không được xảy ra.” Rồi một cái ngã khác bước vào và cảm thấy tức giận hay nuối tiếc, hay sẽ đổ lỗi cho con đã hành xử như vậy hay con không hành xử như đáng lý con phải hành xử. Thế là bỗng dưng có vòng xoắn ốc đó nổi lên, nó quay và nó quay như thể tất cả những cái ngã tách biệt kia đang khích động lẫn nhau, và toàn bộ sự nhận biết của con bị cuốn hút vào đó và con không thể gỡ mình ra khỏi nó. 

Một khi con đạt đến điểm nhìn nhận rằng con không phải là ngã tách biệt, con có thể cho phép các cảm xúc đó đơn giản có mặt, nhưng chúng không chiếm đoạt được tâm con. Thật ra con có thể bước ra ngoài cảm thể, có lẽ bước lên trí thể, thậm chí bước lên bản sắc thể, và con chỉ đơn giản trải nghiệm các cảm xúc đó từ bên ngoài thay vì từ bên trong, và điều này sẽ giúp con chịu được chúng dễ dàng hơn rất, rất nhiều.   

Làm thế nào ngừng phản ứng qua một ngã tách biệt

Hỏi: Khi con có phản ứng động cảm qua một ngã tách biệt, khi có một lỗ hổng mở ra một phàm linh tập thể và năng lượng của nó rất mãnh liệt, tràn ngập sợ hãi, giận dữ và hoảng hốt, thì đâu là cách hay nhất để đối phó với tình huống ngay lúc đó? Phản ứng đó đến từ tầng tâm thức nào? Có thể nào là con ở một mức tâm thức cao hơn các phản ứng đến từ ngã tách biệt cùng phàm linh tập thể đang củng cố cho phản ứng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 18/12/2019.

Điều con có thể làm là dùng các lời dạy mà chúng tôi các chân sư thăng thiên đã ban ra về ngã tách biệt, và con có thể quyết định là mình sẽ sẵn sàng, một cách ý thức, nhìn ra các ngã tách biệt của mình, và con tách rời khỏi chúng. Và nếu con lấy thái độ tổng quát đó, con cũng sẽ rút được kết luận là bất cứ khi nào con có phản ứng khiến mình bị bối rối và mất an bình, thì cái đó đến từ một ngã tách biệt. Tùy theo cường độ của cảm xúc khởi lên, con có hai cách đối phó mà ta đề nghị như sau.

Nếu cảm xúc vô cùng mãnh liệt, con có thể quyết định: “Tôi sẽ không cho phép cảm xúc này kéo dài thêm nữa, tôi sẽ không cho phép nó tạo ra một vòng xoắn ốc đi xuống. Cho nên tôi sẽ ngừng ngay việc tôi đang làm. Tôi sẽ ngừng không phản ứng lại tình huống này. Tôi sẽ bước ra khỏi tình huống. Và tôi sẽ vào phòng riêng của mình để gửi lời thỉnh lên các chân sư thăng thiên, như Shiva, như Astrea, để các thày giúp tôi cắt đứt sợi dây đang kéo buộc tôi vào năng lượng đó.” Nếu năng lượng rất mạnh, con biết là con đang bị nối chặt với một phàm linh tập thể nào đó. Cho nên con có thể kêu gọi để mình được cắt đứt ra khỏi nó, và con khiến cho vòng xoắn ốc ngừng lại. Đây chính là nguyên tắc cơ bản của ngành cấp cứu là ngăn không cho tai nạn tiếp tục gia tốc và kéo thêm nhiều người vào trong cuộc hay trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, nếu năng lượng không đến nỗi mạnh mẽ, con có thể lần hồi lấy trớn, lần hồi xây dựng một động lượng là con nhận diện mình đang phản ứng lại trong một trạng thái bất an. Và một lần nữa, con tự ngừng lại trong tâm, và cũng trong tâm, con chỉ giản dị bước ra khỏi ngã đó. Con nhận ra đó là một cái ngã tách biệt. Và một khi con có trớn và xây dựng được động lượng, con có khả năng tự ngừng lại – trong ngay tình huống đó chứ không cần phải bước ra khỏi tình huống – con ngừng lại mà không phản ứng qua ngã tách biệt. Có thể không có nghĩa là con sẽ tức khắc giải quyết được tình huống, nhưng con có thể tách mình ra khỏi ngã đó, vừa đủ để con khỏi tiếp tục khuôn nếp phản ứng. Con có thể tiếp cận trung hòa hơn. Con có thể ngưng nói chuyện với người kia, hay con có thể tạm ngưng một lúc để cố gắng hồi đáp trong một nhãn quan trung hòa hơn.

Về lâu về dài, tất nhiên con sẽ muốn tự hỏi: “Đâu là cái ngã tách biệt đã khiến tôi phản ứng trong tình huống đó?” Rồi một khi con có thì giờ thiền quán về vấn đề này, con có thể học tập một cuốn sách hay một bài truyền đọc giảng dạy về đề tài này, con có thể đọc một bài thỉnh để sáng nghĩa hơn về ngã đó cũng như về niềm tin đứng đằng sau ngã đó, cho tới khi con có thể buông nó ra và để cho nó chết đi.

Quan hệ giữa phàm linh tập thể và phàm linh nội tại cá nhân

Hỏi: Đôi khi con cảm thấy sự chống đối từ một phàm linh nội tại. Nhưng có thể nào con có một lỗ hổng mà qua đó một phàm linh tập thể đang ảnh hưởng con? Làm thế nào con phân biện được điều này? Đó là phàm linh nội tại của con hay là phàm linh tập thể?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Trên cơ bản, con có thể nói là một phàm linh tập thể không có khả năng xâm nhập bốn thể phàm của con, hay ảnh hưởng bốn thể phàm của con, trừ khi có một lỗ hổng để nó đi vào. Và lỗ hổng này được tạo ra bởi một phàm linh nội tại. Đó là cách duy nhất mà các phàm linh tập thể đó có đường xâm nhập vào tâm thức của con. Con đã tạo ra phàm linh tập thể đó hay ngã tách biệt đó bằng cách lấy một quyết định. Đó là vì sao chúng tôi, các chân sư thăng thiên, nhấn mạnh lại nhiều lần là con cần phát hiện ra cái ngã tách biệt, nhìn thấy quyết định đằng sau nó, xong con thay đổi nó một cách ý thức.

Có thể là trong một tiền kiếp chẳng hạn, như chúng tôi đã có đề cập qua chấn thương nhập đời, con đã phải chạm trán với một cảnh huống gây chấn thương đến độ con đã không lấy quyết định hoàn toàn ý thức hay tỉnh thức để tạo ra một phàm linh nội tại hay một ngã tách biệt. Cho nên có thể một cách vô thức, con quyết định tạo ra một ngã tách biệt, nhưng con không thể nào khắc phục được ngã đó bằng những quyết định vô thức. Con phải quyết định ý thức là con sẽ để cho ngã đó chết đi, hay giải thể ngã đó đi. Một lần nữa, cách hay nhất là con hãy nhìn vào chính mình, sử dụng các dụng cụ để phơi bày ngã tách biệt, cho tới khi con nhìn ra loại quyết định nào mà con đã có.

Điều này không có nghĩa là con không cần đọc những lời thỉnh gọi để bảo vệ tâm linh chẳng hạn, thỉnh gọi Astrea cắt đứt cho con giải thoát khỏi phàm linh tập thể, vì một khi con bị một phàm linh tập thể chi phối thì việc nhìn ra và giải quyết phàm linh cá nhân sẽ trở nên khó khăn hơn.

Con hãy hiểu ở đây là có nhiều loại phàm linh nội tại hay ngã tách biệt khác nhau. Chúng có mức độ trầm trọng khác nhau, qua đó ta muốn nói là có những phàm linh sẽ khiến con bị hở rất ít hay chỉ thỉnh thoảng hở ra với phàm linh tập thể. Trong khi đó thì một số ngã hay phàm linh nội tại khác có khả năng tạo ra lỗ hổng lớn hơn, khiến con chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ phàm linh tập thể. Một khi con mang một phàm linh nội tại đã tạo ra một lỗ hổng to lớn cho phàm linh tập thể đi vào, thì con có thể bị phàm linh tập thể áp đảo đến độ con thực sự không có cách nào đối phó với phàm linh nội tại cá nhân đó nữa. Điều con cần làm trong những trường hợp như vậy là nỗ lực một cách vô cùng chân thành để thỉnh gọi và sử dụng các bài thỉnh cho Đại thiên thần Michael và Astrea, hầu con được cắt đứt khỏi phàm linh tập thể.

Mục đích các bài thỉnh đó là để niêm phong bốn thể phàm của con khỏi ảnh hưởng của các phàm linh hầu con có một cơ hội – không phải là cơ hội sống một cuộc đời thoải mái như một số người lầm tưởng, nghĩa là họ cầu nguyện hay họ dùng một số kỹ thuật tâm linh để được nhẹ gánh khỏi phàm linh tập thể và giờ đây họ nói: “À, thế là bây giờ tôi có thể thảnh thơi vui hưởng cuộc đời và tiệc tùng thỏa thích.” Nhưng đúng thực, cơ hội ở đây là con có dịp làm việc trên phàm linh nội tại đó. Và một khi con loại trừ được nó, con tự ý niêm phong năng trường của con lại, thì phàm linh bên ngoài sẽ không thể ảnh hưởng được con nữa.

Việc biết rõ một phàm linh là nội tại từ bên trong hay đến từ bên ngoài, không nhất thiết là quan trọng. Chúng ta có thể nói là nếu con có một vấn đề thật nghiêm trọng qua đó con cảm thấy rất nhiều năng lượng, rất nhiều gánh nặng năng lượng phóng về phía con, thì con biết nó đến từ một phàm linh bên ngoài. Khi đó, con cần nỗ lực đóng kín con lại cho nó không xâm nhập, xong con làm việc trên cái phàm linh nội tại.

Nhưng nếu con không cảm thấy luồng năng lượng mạnh đến như vậy – và đối với nhiều các con bắt đầu lên tới những tầng cao hơn và đã khắc phục được một số phàm linh dữ dằn nhất – thì con chỉ phải đối phó với những thứ vi tế hơn không bị phàm linh tập thể ảnh hưởng nhiều. Đó là lúc con bắt đầu nhìn vào các phàm linh nội tại đó, các ngã tách biệt đó, và thấy chúng là gì.

Trên cơ bản, con có thể nói là nếu con cảm thấy một năng lượng rất mãnh liệt thì năng lượng này đến từ một phàm linh tập thể. Đối với một phàm linh nội tại, con sẽ không cảm thấy cường độ năng lượng lớn đến vậy, giản dị là vì nó đến từ bên trong và con đã quen với nó rồi. Khi con cảm nhận một cái gì thực sự đè nặng lên con, một cái gì thực sự mạnh mẽ, thì con biết nó đến từ ngoài, vì nếu không, có thể con đã quen nó rồi.

Và đó tất nhiên chính là nguy cơ của những phàm linh nội tại, con có thể trở nên quá quen thuộc với năng lượng mà chúng phóng chiếu tới con. Một số người, nhiều người thậm chí, bị năng lượng đó khống chế và họ nghĩ sống như vậy là chuyện bình thường: “Ôi cuộc đời là như thế đấy” hoặc “Tôi là con người như vậy đó.” Và điều này hiển nhiên không phải là điều con muốn làm trong tư cách một người tâm linh. Hầu hết các con khi thành thực gắng sức bước chân trên đường tu, không rơi vào mô thức đó. Khi con đã khắc phục được một phàm linh thì chỉ một thời gian ngắn sau, con lại sẵn sàng tìm kiếm cái phàm linh kế tiếp, và đó chính là điều con cần làm.

Nếu con chưa chán trải nghiệm mà ngã cho con, con sẽ chưa bỏ được ngã

Hỏi: Có người bảo là con có thể gạt bỏ ngã tách biệt khi con thấy nó, nhưng nó vẫn có thể ở lại trong tâm tiềm thức của con, và các chân sư sẽ không thể loại nó ra khỏi con nếu con còn bám lấy nó trong tiềm thức. Làm thế nào con có thể khiến cho tâm tiềm thức nhả ngã tách biệt ra, để nó được lấy đi? Làm thế nào con có thể ngăn tâm tiêm thức phóng chiếu ra những hình ảnh bất toàn?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 17/10/2019.

Ta ưa cách nói thế này hơn: Con hãy từ bỏ ý tưởng cho rằng tâm tiềm thức của con đang có một sự sống riêng biệt nào đó. Cái có sự sống riêng biệt là những cái ngã tách biệt. Chúng có thể ngụ trong tiềm thức của con. Không phải tâm tiềm thức con phóng chiếu những hình ảnh đó vào tâm ý thức của con, mà là ngã tách biệt.

Điều xảy ra là con có thể đạt tới mức khi con có thể nhìn thấy một ngã tách biệt nào đó, và con thấy một số hậu quả mà nó gây ra, nhưng rất có thể con không sẵn sàng nhìn vào nó và loại bỏ nó đi. Lý do phần nào có thể là cái ngã đó đã cho con một loại trải nghiệm nào đó và con chưa cảm thấy chán chê trải nghiệm đó.

Cho nên con làm ngơ không nhìn ngã, hay con đẩy nó vào tiềm thức hầu con không phải nhìn nó hoài hoài. Điều này có thể xảy ra cho một số người, và trong trường hợp này, giản dị con chỉ cần nói: “À, mình chưa chán ngấy những trải nghiệm mà cái ngã cho mình, vậy tại sao phải lo lắng về ngã? Tại sao lại cố vứt bỏ nó đi? Hãy trải nghiệm nó cho tới khi mình chán ngấy.”

Để loại trừ một ngã tách biệt, không những con phải nhìn thấy nó, nhìn thấy nó đang làm gì, mà con cũng phải nhìn ra được niềm tin hay quyết định đã tạo ra ngã tách biệt. Con phải nhìn thấy những hạn chế của nó, thấy nó đang giới hạn con ra sao, thấy nó xa rời thực tại như thế nào, và nó xuất phát từ một cái nhìn giới hạn và ảo tưởng tới đâu. Và một khi con thấy được ảo tưởng đó, cái niềm tin đứng đằng sau ngã tách biệt, đó là lúc con sẽ tự nhiên buông nó ra. Con không cần phải quyết định buông bỏ với tâm vỏ ngoài của con. Con chỉ cần cảm nhận được nhãn quan của con đã thay đổi, và con thả cho ngã ra đi.

Tất nhiên, con có thể nói là có những cái ngã tách biệt trong tiềm thức đang phóng chiếu hình ảnh vào tâm ý thức của con. Trong nhiều trường hợp, điều đó cũng có thể là những lỗ hổng trong các thể tình cảm và lý trí của con mà qua đó các tà lực đang phóng hình ảnh vào tâm ý thức của con. Nếu thế, cách hay nhất để giải quyết vấn đề này là kêu gọi sự bảo vệ của Đại thiên thần Michael, và kêu gọi Astrea cắt đứt mọi dây buộc con vào tà lực. Làm như vậy có thể sẽ đem lại cho con sự nhẹ nhõm tạm thời, nhưng hiển nhiên, cái đã tạo ra lỗ hổng ngay từ đầu là ngã tách biệt, và do đó cho tới khi con loại bỏ được ngã tách biệt thì con sẽ không thể hoàn toàn thoát ra được.

Một lần nữa, có rất, rất nhiều người trên thế giới, không nhất thiết là người tâm linh nhưng trong số đó có cả người tâm linh, đang có một ngã tách biệt nào đó đem lại cho họ một trải nghiệm mà họ chưa sẵn sàng buông bỏ. Điều này tạo ra một lỗ hổng mà qua đó các tà lực có thể phóng chiếu hình ảnh vào tâm họ, nhưng họ không thể làm gì được trừ khi họ sẵn lòng buông bỏ ngã.

Nếu trong con có căng thẳng thì con biết có ngã tách biệt hoành hành

Hỏi: Trong tâm con có một ý nghĩ đang lớn dậy, và con hơi lo ngại không hiểu đó có phải là một ảo ảnh. Nội dung của ý nghĩ đó là làm cách nào cải thiện môi trường trên địa cầu và cải thiện hệ thống giáo dục. Sự thôi thúc muốn thực hiện ý nghĩ đó cứ xảy ra đều đặn, nhưng đồng thời con lại không chắc chắn con có khả năng làm được. Con rất muốn biết đó có phải là viễn quan mà tâm thức con đang có, hay đó chỉ là một ảo ảnh tình cờ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 16/10/2019.

Nhiều người ngày nay cũng như suốt các thời đại đã từng có một khuôn nếp tương tự. Và một lần nữa, hình như ta cứ lặp lại điều này, vì câu trả lời là mỗi khi con có một sự căng thẳng, thì căng thẳng đó đến từ một trong số những ngã tách biệt, hay trong đa số trường hợp, từ hai cái ngã tách biệt đang chống đối nhau. Cho nên như ta vừa trả lời trong câu hỏi trước, có một ngã tách biệt khiến con bị thôi thúc phải đạt được điều gì đó, rồi có một ngã tách biệt khác khiến con ngờ vực, hoặc con tự phê bình là liệu mình có khả năng thực hiện được hay không. Cho nên điều cần làm là con làm việc trên những ngã tách biệt đó. Và một lần nữa, nếu có sự căng thẳng thì con biết là có những cái ngã tách biệt đang hoành hành. Và như vậy con cần dọn sách chúng đi, hầu con có được một viễn quan sáng rõ hơn về nội dung của sứ vụ thiêng liêng của con.

Chúng tôi đã thấy suốt các thời đại, hay ít ra trong những thập niên qua, rất, rất nhiều học trò của chân sư thăng thiên đã nắm lấy các giáo lý của chúng tôi rồi trở nên vô cùng nóng lòng – nếu có thể nói như vậy – muốn xông ra ngoài và thay đổi thế giới, có thể là thay đổi hệ thống giáo dục hay môi trường hay cái này cái nọ. Và như thế họ gần như bị ám ảnh bởi động lực muốn cải sửa thế giới. Nhưng động lực này thường do một cái ngã tách biệt muốn đánh lạc hướng họ khỏi con đường đích thực, là con đường nhìn vào chính bản thân mình. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên đã quá tập trung vào chuyện cứu nguy thế giới để giúp thày Saint Germain đến độ họ nghĩ rằng: “Ồ, tôi không cần phải xem xét tâm lý của mình bởi vì nếu tôi cầu thỉnh đủ Lửa Tím, nó sẽ làm tiêu sạch nghiệp quả của tôi, và khi đó tâm lý tôi sẽ được giải quyết.” Và đó là tại sao giờ đây các chân sư đang kêu gọi các con hãy nhận ra là điều này hoàn toàn không đúng.

Con sẽ không thăng thiên nếu con không nhìn vào tâm lý của con. Cho nên một lần nữa, con hãy tự xét xem, mỗi khi có sự căng thẳng, mỗi khi có áp lực, mỗi khi con không thoải mái, mỗi khi con có sự thôi thúc ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive) muốn làm một điều gì đó, thì con phải tìm xem những ngã tách biệt nào đang gây ra tình trạng đó. Và khi nào chúng chết đi, thì khi đó con có thể theo đuổi những gì thực sự nằm trong sứ vụ thiêng liêng của con. Con sẽ có được viễn quan về nội dung của sứ vụ thiêng liêng, xong con có thể thực hiện từ một trạng thái nội tâm an bình. 

Hối tiếc quá khứ và ngã gốc

Hỏi: Làm thế nào con có thể vượt qua một vấn đề choáng ngợp do tâm cảm xúc của con tạo ra, khi ngay cả tâm lý luận cũng biết một cách trí thức là nó thật không khôn ngoan khi nó khắc khoải về vấn đề đó? Chẳng hạn, con biết là chẳng ích gì mà nuối tiếc một mối quan hệ đã qua và tình yêu là một nguồn năng lượng không ngừng chảy, nhưng con không khỏi cảm thấy tức giận vì mối tình của con đã chấm dứt. 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque, Hoa kỳ. năm 2018. Đăng ngày 2/10/2019.

Con yêu dấu, ta không muốn có vẻ lặp đi lặp lại, nhưng câu trả lời hiển nhiên là: Hãy dùng các dụng cụ. Trong mọi trường hợp khi con cảm thấy mình phải đương đầu với một cảm xúc choáng ngợp, vấn đề ngay trước mắt là có một số tà lực đang phóng đại hay đang kiểm soát cảm xúc của con, và chúng đang sử dụng các tình cảm này để kéo con ra khỏi trạng thái bình an. Con có thể giảm bớt sự thể này bằng cách thỉnh gọi sự bảo vệ của Đại thiên thần Michael, thỉnh Astrea giải vây con và ngọn lửa tím để chuyển hóa mọi năng lượng tha hóa mà con có trong cảm thể.

Nhưng trên dài hạn, vấn đề là con cần giải quyết một điều gì đó trong tâm lý của con. Thật sự điều này trở ngược về tận chấn thương nhập đời vũ trụ, vì tất cả các con khi hứng chịu chấn thương nhập đời đó và tạo ra ngã gốc, đã mang vào một cảm nhận hối tiếc, không những về những gì đã xảy ra trong chấn thương nhập đời mà cả về sự việc trước đó khi con đến hành tinh này. Bất cứ khi nào con thấy mình khó lòng buông bỏ và bị khắc khoải tại sao mình đã làm một chuyện gì đó, tại sao chuyện đó đã xảy ra và con căm giận về một sự việc đã xảy ra trong quá khứ, thì cái đó thật sự đi trở ngược về cảm nhận hối tiếc nói trên khi con hối tiếc đã đến hành tinh này, hay con hối tiếc cách phản ứng của mình đối với sa nhân.

Trong trường hợp các cư dân nguyên thủy của trái đất cũng vậy, các con cũng có thể cảm thấy hối tiếc, không phải tại sao mình đã đến hành tinh này mà tại sao mình đã phản ứng cách như vậy với sa nhân khi lần đầu tiên con phải chạm trán với chúng. Vấn đề sẽ không được giải quyết hoàn toàn cho đến khi con trở về chấn thương đó, giải quyết ngã gốc cùng những cái ngã khác, và thấy được tại sao con đã đến hành tinh này. Con giải quyết nó và học hỏi những gì con cần học, con thoát ra khỏi cái khuôn đúc đã đưa con đến đây rồi con làm hòa với sự kiện con đang ở đây, làm hòa với việc con đang sống, làm hòa với việc mình là một người đồng sáng tạo không cần phải luôn luôn toàn hảo.

Con đang thử nghiệm cuộc sống và con chỉ đang quan sát kết quả ra sao, rồi con hỏi: “Liệu tôi có muốn tiếp tục thế này hay tôi muốn làm gì khác?” Xong con chuyển đổi tâm thức để gửi ra một thông điệp khác vào tấm gương vũ trụ, và con cứ tiếp tục như vậy.

Các dụng cụ đã sẵn đó để con dùng. Ta cũng nói thêm là quyển sách Các Kiếp của Tôi thật ra được thiết kế để giúp con người vượt qua cơ chế hối tiếc quá khứ, vì khi con nhìn nhận là mình đã ở trong hiện thân trong rất nhiều kiếp sống, đã phải chạm trán với rất nhiều sự việc, đã có nhiều kiếp mình làm những chuyện tồi tệ hơn cả kiếp này, hay mình đã trải nghiệm những chuyện đau đớn hơn kiếp này, thì sự nhìn nhận đó sẽ giúp con bước lui ra một chút và thấy rằng những gì con đã trải nghiệm kiếp này thật chẳng quan trọng gì một cách quyết định. Nó chẳng quan trọng gì một cách vĩ đại.     

Con có khả năng bước sang một bên và nói: “À, so với tất cả những chuyện tôi đã từng trải suốt biết bao kiếp sống, liệu điều này có thật quan trọng lắm không? Nó có thật khủng khiếp đến vậy không? Liệu tôi có cần khắc khoải vì nó, hay là tôi có thể tách mình ra khỏi nó, bớt xem nó là chuyện cá nhân và nói, Aaa! Chuyện này có to lớn gì đâu? Tôi chỉ việc bước đi tiếp.”

Thẳng thắn mà nói, một khi con giải quyết ngã gốc đó, con sẽ cảm thấy những hối tiếc này sẽ chỉ tan biến mất. Một số hối tiếc có thể đòi hỏi con nỗ lực đôi chút vì có thể con đã tạo ra một cái ngã khác để phản ứng lại tình huống đó, cho nên có thể con sẽ cần xem xét khuôn nếp phản ứng này và dần dần nhận diện ra ngã đó, xong một cách ý thức, con quyết định để cho nó chết đi.

Khi con cảm được sự buông bỏ này thì con sẽ giải thoát khỏi nó. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn hẳn một khi con đã giải quyết được ngã gốc.  

Nhiều người tâm linh chối bỏ hoặc trốn tránh cuộc sống

Hỏi: Nếu chúng con có một trình độ tâm thức cao hơn trung bình, tại sao nhiều người tâm linh lại gặp nhiều khó khăn để xoay xở trong thế giới bên ngoài và lo liệu cuộc sống như người ta thường sống bên ngoài? Cuộc đời làm việc của nhiều người tâm linh vô cùng hỗn độn và họ rất khó khăn kiếm tiền và giữ tiền? Và người tâm linh nói chung hình như cũng kém khả năng nhất để đối phó với những thử thách của thế giới vật chất – tại sao vậy? Tại sao lại có sự chênh lệch này? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2017. Đăng ngày 9/9/2019.

Con yêu dấu, câu trả lời nằm trong quyển sách đó. Trong sách, chúng tôi có mô tả nhiều avatar đến địa cầu đã bị cú sốc và chấn thương rất nặng bởi các điều kiện trên địa cầu. Hệ quả là các con đã dựng lên một nỗi căm giận nào đó, một nỗi phẫn uất nào đó, một sự miễn cưỡng không muốn tham gia vào cuộc sống trong cõi vật lý. Điều này phần nào có thể là do cú sốc và chấn thương mà con đã trải nghiệm ở đây. Đó cũng có thể là do con cảm nhận rằng mọi chuyện đã có thể khác hơn, rằng con đã từng kinh nghiệm một thế giới nơi mọi chuyện đều khác. Và do đó trong tiềm thức, nhiều người trong các con có khuynh hướng chối bỏ địa cầu nói chung. Trên căn bản, con nghĩ: “Tôi sẽ không tham gia hoàn toàn vào cuộc sống ở đây. Tôi sẽ chỉ làm tối thiểu tuyệt đối để bảo đảm sinh nhai mà thôi.”  

Và do đó nhiều lần con đã để mặc cho hoàn cảnh quyết định việc làm cho con cũng như thời gian con làm việc. Nhiều người trong số các con cũng có một cách trốn tránh nỗi đau bắt nguồn từ thuở chấn thương nguyên thủy khi con mới đến đây. Để trốn tránh nỗi đau nguyên thủy này, con đã lập ra một cơ năng bù đắp, là khi có một tình huống nào đó có vẻ khơi lại vết thương cũ, con liền tìm cách rút lui khỏi tình huống. Cho nên mỗi khi con có việc làm nào khả dĩ sẽ khơi lại vết thương, con sẽ lánh xa ra và tìm công việc khác. Cho nên cả đời con trở thành một cuộc rượt đuổi để tìm ra một nơi nào không có ai sẽ nhấn vào chỗ đau và khuấy lên vết thương của con. 

Con làm một chuyện mà chúng tôi gọi là những quyết định trốn tránh. Thay vì con lấy quyết định về những điều gì mà con muốn trong cuộc sống, con lại bị thúc đẩy bởi những gì con không muốn, và con lấy những quyết định mà con nghĩ sẽ khiến con tránh được những điều con không muốn.  

Cho nên lối thoát duy nhất khỏi tình trạng này là con thực sự xem xét những gì được viết trong sách, nhìn vào toàn bộ tiến trình và quyết định xem con có đang ở điểm con sẵn sàng rời bỏ địa cầu hay chưa, và sau đó con tập trung vào việc hội đủ các điều kiện để thăng thiên. Nhưng hầu hết các con chưa hẳn tới được điểm đó bởi vì con còn cần đi qua một giai đọan đặc thù trước khi con sẵn sàng rời khỏi trái đất. Và giai đoạn này là con thực sự chấp nhận cuộc sống trên trái đất và con tham gia vào đó một cách tích cực. Điều này không có nghĩa là con phải làm giống như những người không tâm linh, mà chỉ có nghĩa là con chấp nhận con ở đây. Con chấp nhận hành tinh này là như vậy. Và sau đó con tự nhủ: “Đằng nào tôi cũng ở đây rồi – tại sao tôi lại không có cuộc sống tốt đẹp nhất? Tại sao không thực sự thưởng thức đời sống ở đây? Tại sao không cảm thấy hài lòng về chính mình như một người trên địa cầu? Tại sao không hài lòng về đời mình? Tại sao không hài lòng về hành tinh, về người khác, về thế giới vật lý?” Hãy ôm lấy cuộc sống thay vì cố trốn chạy nó.

Và nếu con nhảy được bước nhảy vọt này, thì trước hết phần đời còn lại của con sẽ thú vị hơn, nhưng ngoài ra đó cũng sẽ là một chuẩn bị cần thiết cho việc thăng thiên thực thụ, bởi vì có một số người kể cả những học trò của chân sư tưởng rằng thăng thiên có nghĩa là rút lui khỏi mọi khía cạnh của đời sống. Nhưng rất hiếm khi là như vậy.

Một số người có thể có nhu cầu rút lui trong một chu kỳ nào đó, nhưng trong hầu hết trường hợp con không thể thực sự thăng khỏi địa cầu, con không thể trở nên không dính mắc với địa cầu cho tới khi con ôm lấy cuộc sống ở đây. Cho nên có một sự cân bằng tế nhị mà con phải bước. Một đằng, con không muốn bị lôi cuốn vào những ham muốn không thể thoả mãn là luôn kiếm nhiều tiền hơn, nhiều danh vọng hơn hay bất cứ gì khác. Nhưng đằng khác, con không muốn từ chối những mong muốn của con và quyết định rằng không có gì thú vị trên trái đất này, và với tư cách là một người tâm linh, con sẽ bước trên con đường khổ ải, luôn luôn cảm thấy bất mãn về địa cầu bởi vì sự bất mãn là một cách để khắc phục vướng mắc. Nhưng con yêu dấu, cảm thấy bất mãn không phải là cách để vượt qua vướng mắc. Cảm thấy hài lòng về chính mình mới là cách nhanh hơn và thú vị hơn để vượt qua vướng mắc.   

Trong nhiều trường hợp, con càng bất mãn thì con sẽ càng khó vượt qua vướng mắc vì con dựng lên một vướng mắc mới đối với sự bất mãn. Như nhiều tín hữu đạo Cơ đốc đã từng bước trên con Đường Thương khó, tuy họ có bỏ được một số vướng mắc đối với một vài khiá cạnh của cái gọi là “đời sống trần tục” hay “đời sống xác thịt”, nhưng họ lại vừa dựng lên một phàm linh nội tại mới, một vướng mắc to lớn mới với điều mà họ xem là đau khổ.    

Vì vậy, một lần nữa, con hãy quyết định xem con muốn làm gì trong phần đời còn lại của mình. Con có muốn tiếp tục khuôn nếp cũ là con sống trên hành tinh này, con không thể tránh khỏi phải ở đây, nhưng trong tiềm thức con lại chối bỏ cuộc sống ở đây, khiến cho đời con khó khăn hơn? Hay con muốn làm sự chuyển vọt mà quyển sách đó – cùng nhiều giáo lý khác của các chân sư – sẽ giúp con làm, tức là con ôm lấy ít nhất một số khía cạnh của cuộc sống trên địa cầu và hài lòng về bản thân, hài lòng về tất cả những sinh hoạt đó, hài lòng về sự có mặt của con trên địa cầu?   

Sẽ dễ dàng hơn nếu con có một kinh nghiệm tích cực và sau đó vượt qua các dính mắc một cách tự nhiên, hơn là cố ép mình khắc phục các dính mắc. Con có thể ép mình khắc phục một dính mắc đặc thù nào đó nhưng cái giá con phải trả là con dựng lên một dính mắc mới, và điều này sẽ không giúp con thăng thiên.

Giải quyết chấn thương nhập đời vũ trụ

Hỏi: Con tò mò muốn khám phá chấn thương nhập đời đầu tiên của con là gì, và như một trong các chân sư có đề cập hồi nãy, đôi khi có điều gì đó xảy ra trên thế giới làm mình xao động. Riêng con, hình như tình hình tại Do thái – cách đối xử đối với người Palestine – khiến con chú ý nhiều hơn hầu hết mọi vấn đề khác. Khi các chân sư trình bày về việc trở ngược lại chấn thương nhập đời và nhìn lại nó, nhưng giữa việc ở đây và trở lại với chấn thương nhập đời, con cần tìm lòng can đảm để đối diện với nó. Lý tưởng nhất con nên đi theo quy trình nào vì con muốn giải quyết chấn thương nhập đời đó?  


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2016. Đăng ngày 11/2/2017.

Đây là một tiến trình tế nhị vì đối với đa số các con, chấn thương nhập đời đã xảy ra rất lâu trước đây. Nó cũng bị chôn vùi tận đáy tiềm thức của con vì nỗi đau quá dữ dội đến nỗi con phải che phủ nó dưới hết lớp này tới lớp khác.

Có một loại cơ chế kỳ lạ xảy ra khi con phải đối diện với nỗi đau toàn diện của chấn thương nhập đời. Nó giống như con tự nhủ: “Tôi không bao giờ muốn trải qua nỗi đau toàn diện như thế này nữa.” Bỗng nhiên điều này có nghĩa là bất kỳ nỗi đau nào nhẹ hơn một nỗi đau toàn diện đều có thể chịu được so với nỗi đau toàn diện. Và con nghĩ: “Tôi thà kinh qua nỗi đau này còn hơn là nỗi đau nguyên thủy.”

Điều này có nghĩa là có thể có nhiều lớp chấn thương khác nhẹ hơn đang che phủ chấn thương nhập đời. Tất nhiên, tiến trình thật sự để làm điều này là bước theo đường tu tâm linh và sử dụng những dụng cụ và những giáo lý mà chúng tôi đã ban ra. Con có một số bài cầu thỉnh được thảo ra đặc thù để làm việc này. Khuôn Hàn gắn của Bài ca Sự sống (The Song of Life Healing Matrix) cũng rất hiệu nghiệm.

Như ta có nói, các sa nhân rất tài giỏi bắt sóng bản thân con để thấy đâu là trường hợp xấu nhất mà con có thể hình dung trên trái đất. Chẳng hạn, điều gì sẽ mang lại cho con cảm giác bất công lớn nhất, điều gì không được quyền xảy ra và không một ai phải chịu đựng.

Nếu trên thế giới có một tình trạng nào khiến con phản ứng thật mạnh mẽ, thì con cần nhận ra là chấn thương nhập đời nguyên thủy của con, tất nhiên, không do tình trạng này tạo ra, chẳng hạn giữa người Do thái và người Palestine, là một tình trạng của thế giới hiện đại. Chấn thương đó có thể là do một tình trạng tương tự trong quá khứ xa xôi, chẳng hạn như khi con chứng kiến một nhóm người bị đàn áp thô bạo.

Sau đó con cần khám phá ra chính xác điều gì là thành tố tâm lý đã làm con xao động. Rồi con tìm xem khía cạnh tổng quát nhất trong đó. Con cần lánh xa những chi tiết quá cụ thể, vì nếu con tập trung vào chi tiết cụ thể (và nghĩ rằng con phải đi giải quyết tình huống vỏ ngoài đang xảy ra ngày hôm nay) thì con sẽ không phát hiện được chấn thương nhập đời.

Chấn thương nhập đời đã xảy ra quá lâu trước đây trong một hoàn cảnh khác. Con cần nhìn xa hơn sự kiện cụ thể và khám phá cơ chế phổ quát trong tâm lý của con đã khiến con phản ứng lại. Đó đã là chấn thương tồi tệ nhất mà con có thể trải nghiệm, là chứng kiến một tình thế như vậy mà cảm thấy mình bất lực không làm được gì.

Rất nhiều khi, chấn thương hiện ra là vì con đã đến địa cầu với ý định cao thượng nhất muốn tạo thay đổi tích cực cho địa cầu. Khi con trải nghiệm tất cả những chuyện trên hành tinh này, con rất dễ bị kéo hút và tập trung vào những điểm tiêu cực, và con tưởng con có thể tạo thay đổi tích cực bằng cách loại bỏ tiêu cực, rất có thể là giao chiến với những kẻ đang tạo ra tiêu cực.

Trong nhiều trường hợp, điều xảy ra ở ban đầu là con không tính giao tranh với ai hết. Con chỉ tính bảo vệ những người mà con thấy đang phải chịu sự bất công. Nhưng rồi các sa nhân rất tài tình đặt con vào một tình thế nơi chúng tạo ra sự bất công tối đa dưới mắt con. Rồi con cảm thấy mình hoàn toàn bó tay bất lực. Con gần như cảm thấy chuyện xảy ra là lỗi của con, rằng con đã có thể ngăn cản được hay đáng lý con đã phải ra tay ngăn cản.

Đây là điều đem lại nỗi đau lớn nhất cho con: Một sự thể đã xảy ra và con bó tay không làm gì được. Đó là lúc con cần thực sự làm việc để nhận ra quyền tự quyết, nhận ra loại hành tinh nơi con đang sinh sống. Con cũng cần nhận ra là điều đã gây ra chấn thương nhập đời chính là phản ứng của con, nhưng con đã phản ứng lại một tình thế do sa nhân cố tình tạo ra để phá hỏng mục đích đến địa cầu của con.

Cho nên con cần cương quyết không để chúng làm chuyện đó, không để chúng thành công. Con sẵn sàng xem xét chấn thương nhập đời và tìm xem con đã có thể phản ứng cách nào khác hay không. Ta không nói là con đã có thể phản ứng cách khác vào lúc đó – con đã không thể, và vì vậy con đã phản ứng như vậy. Nhưng ngày hôm nay, với kinh nghiệm mà con đã thu thập trên hành tinh này, với sự tinh tấn trong tâm thức mà con đã gặt hái, con có thể phản ứng một cách khác.

Đó là tại sao con có thể cho phép con trải nghiệm lại tình huống đó. Giờ đây, con chọn lựa trong ý thức một cách phản ứng khác sẽ không gây chấn thương cho con, vì con thấy được đây chỉ là một khía cạnh trong vô vàn khía cạnh khác của quyền tự quyết đang trải bày. Điều này đang diễn ra ở mọi nơi và mọi lúc trên hành tinh này. Con không thể giải quyết mọi vấn đề trên hành tinh, bởi vì nếu con cố giải quyết, con sẽ phát điên. Đây là điều con phải nhìn nhận.

Tất cả chúng tôi, các chân sư, đều đã thăng thiên vì tới một điểm, chúng tôi đã nhận ra mình không thể giải quyết mọi vấn đề trên hành tinh này. Thật ra chúng tôi không phải giải quyết bất kỳ vấn đề nào xuất phát từ tiến trình trải bày quyền tự quyết. Vì vậy, chúng tôi nhìn nhận là tất cả những gì mình có thể làm được là nâng cao tâm thức của mình và làm gương. Sau đó, chúng tôi tới điểm nhận ra là đã đến lúc chúng tôi có thể bước lên một mức phụng sự cao hơn nữa, là phụng sự từ cõi thăng thiên (ta không bảo là con không thể phụng sự khi còn đầu thai).

Con thăng thiên khi con đạt tới điểm nhận ra là con không còn muốn phụng sự bằng cách là người hiện thân. Con muốn phụng sự hết sức mình từ cõi thăng thiên. Và đó là khi con thăng thiên, nhưng tất nhiên, con không thể thăng thiên trước khi con giải quyết chấn thương nhập đời. Điều này thực sự có nghĩa là con phải có khả năng nhìn vào tình trạng đó, hay một tình trạng tương tự đang diễn ra ngày nay trên thế giới, và con hoàn toàn không có phản ứng nào.

Con tự nhủ: “Tôi đã không tạo ra nó, tôi đã không thể ngăn cản nó, tôi không ở đây để giải quyết nó.” Con thấy rõ đó là quyền tự quyết đang trải bày ra, và ngay cả những người có vẻ là nạn nhân cũng vẫn trải bày quyền tự quyết của mình, bởi vì nếu không, chuyện đó đã không thể xảy đến cho họ. Khi con thấy được điều này, con có thể quyết định là con không còn muốn bị ràng buộc bởi chuyện đó nữa. Con chỉ được tự do khỏi nó khi con không còn mong muốn giải quyết vấn đề đó nữa.

Rồi khi con thăng thiên, con có nguyên một loạt những chọn lựa khác nhau để gửi năng lượng của ánh sáng xuống hành tinh và làm việc với loài người đang đầu thai. Lúc đó con có thể làm một cái gì, không phải giải quyết vấn đề đặc thù đó, mà làm một cái gì với tâm thức nằm ở đằng sau, hầu con nâng cao tâm thức tập thể để những loại thị hiện đó không thể tiếp tục xảy ra.

Ta có thể nói với con là rất nhiều người trong số các con – đa số các con – đã hiện thân trên trái đất rất, rất lâu. Con có thể nhìn vào thế giới ngày nay và thấy một số điều kiện vô cùng khủng khiếp. Đối với các con đã hiện thân từ một hai triệu năm trên hành tinh này, ta có thể cam đoan là trong những thời đại trước (mà lịch sử chính thức đã lãng quên từ lâu), con đã chứng kiến những điều kiện còn tồi tệ hơn gấp bội hiện nay.

Điều này có nghĩa là những gì đã gây ra chấn thương nhập đời nguyên thủy của con còn tồi tệ gấp bội những gì con đang chứng kiến hôm nay. Hành tinh đã có tiến bộ, có nghĩa là con có thể tới mức nhận ra là con không phải giải quýêt chính cái vấn đề đã gây chấn thương nhập đời cho con. Vì vậy, con không phải giải quyết mọi vấn đề tương tự đã khiến con có phản ứng. Con không phải giải quyết mọi vấn đề khiến con phản ứng. Kỳ thực, con không bao giở giải quyết được vấn đề gì bằng cách phản ứng lại. Con chỉ có thể làm một cái gì đó khi con không còn phản ứng.

Thật là một điều tự nhiên, gần như không thể tránh được, khi con xuống đầu thai và trải nghiệm các điều kiện trên trái đất, và con phản ứng lại lúc ban đầu. Mọi người trong chúng ta đều đã từng làm y như vậy khi xuống đầu thai, kể cả Giê-su. Không một ai từng hiện thân ở đây mà đã không phản ứng lại các điều kiện đó vì chúng thật là khủng khiếp. Tiến trình thăng thiên là khi con đạt tới điểm nơi con không còn cho phép bất cứ gì trên địa cầu quy định con là gì hay phải phản ứng lại điều gì.

Con cần buông những cái ngã đã đem lại thành tựu cho con

Hỏi: Câu hỏi này của con là về những nỗi khắc khoải nội tâm. Con tự hỏi tại sao con không thể nhìn thấy chính mình như mình là. Con cảm thấy có những chướng ngại tinh thần đang ngăn chặn con lượng định bản thân mình một cách khách quan. Chẳng hạn, mặc dù con đã đạt được một số thành tựu trong đời, con luôn bị áp lực bởi những ý tưởng bảo rằng con thật kém cỏi so với tiềm năng thực sự của con. Làm thế nào con có thể vượt qua những day dứt nội tâm này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 16/10/2019.

Con yêu dấu, ta biết lời giải đáp của các thày đôi khi có vẻ lặp lại, nhưng câu trả lời thật sự ở đây là con có hai cái ngã tách biệt. Một cái luôn thúc đẩy con thành tựu, và cái kia không ngừng chỉ trích và hạ thấp con, thậm chí còn dùng cái ngã muốn thành tựu để kéo con vào vòng xoắn ốc bất tận nơi con không bao giờ cảm thấy nhiều đủ cũng như tốt đủ. Khắp thế giới con thấy rất, rất nhiều người, ví dụ như trong kinh doanh, trong thể thao và nhiều nghề nghiệp khác, luôn luôn bị thúc đẩy để thực hiện nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Cho dù họ có hoàn thành được việc gì hay kiếm được bao nhiêu, họ vẫn không bao giờ thấy đủ.

Giải pháp thực sự duy nhất cho sự thể này dĩ nhiên là con phải cố giải quyết tâm lý của mình cho đến khi con thấy được những ngã đó và để cho chúng chết đi. Trong ngắn hạn, con sẽ được khuây khỏa phần nào bằng cách đọc các bài thỉnh, bài chú, để kêu gọi sự bảo vệ và được cắt khỏi tất cả những sợi dây ràng buộc con vào cõi trung giới, nơi có những loài quỷ chuyên môn bơm phồng những nỗi khắc khoải như vậy. Một điều quan trọng nữa là con có thể sử dụng giáo lý mà các chân sư đã ban ra, cả trong sách “Những kiếp sống của tôi” và những quyển thực tập tiếp theo đó, hầu con hiểu ra là các sa nhân đã tạo ra tiêu chuẩn toàn hảo này để con cảm thấy bắt buộc phải tuân thủ.

Nhưng thực tế thì tiêu chuẩn đó hoàn toàn không thực. Điều duy nhất mà con cần làm là trở về trạng thái nhận biết thuần khiết mà các chân sư gọi là cái Ta Biết. Bất kỳ thành tựu nào trong nhân thế, cho dù nó to lớn biết mấy, cũng không thể mở cửa cõi thăng thiên cho con bước vào. Thật ra, có khi hoặc thường khi, nó còn tạo cản trở cho con nếu con cảm thấy con đã hoàn thành những chuyện to lớn trong thế gian. Nó khiến cho con càng khó lòng hơn buông bỏ cái ngã đã đem lại thành tựu đó để quay trở về với trạng thái nhận biết thuần khiết nguyên thủy.

Cho dù con đã xây dựng ngã đó công phu và tinh xảo đến đâu để đạt thành tựu trong thế gian, nó vẫn là một sinh thể sinh diệt, và nó sẽ không được cứu rỗi. Khi nào con còn dính mắc với một cái ngã như thế, con sẽ không thể thăng thiên – cái Ta Biết của con sẽ không thể thăng thiên.

Cho nên ngược lại với sự tin tưởng của nhiều người tâm linh, kể cả học trò của các chân sư thăng thiên, đây không phải là chuyện hoàn thiện cái ngã vỏ ngoài và khi con đạt một mức hoàn thiện nào đó thì con sẽ đủ tư cách thăng thiên. Tiến trình thăng thiên đích thực là gỡ bỏ cái ngã vỏ ngoài, từng bước gỡ bỏ từng cái ngã riêng biệt và để cho chúng chết đi, để rốt cuộc cái Ta Biết có thể trở về trong trạng thái tâm hoàn toàn trung hòa. Chỉ có những thành tựu mà con tích tụ nơi căn thể của con mới được con đem theo sau khi thăng thiên.