Giáo lý trên trang mạng này có là giáo lý huyền bí?

Hỏi: Kính thưa thày Giê-su, con đã nói chuyện với nhiều người và cho họ thông tin về những cuốn sách cùng trang mạng này. Con đã rất cởi mở và trung thực với họ nhưng hầu hết đều nói với con là con đang đọc bài vở liên quan đến huyền bí. Trong hầu hết các giáo phái đạo Cơ đốc, huyền bí bị xem là thuộc về Sa-tăng và nên tránh xa.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Cảm ơn con đã nêu ra câu hỏi rất quan trọng này. Ta xin khởi đầu bằng một số định nghĩa thông dụng của từ “huyền bí” (occult) trong từ điển:

Huyền bí:

  • Liên quan đến, hoặc giao tiếp với, các ảnh hưởng hay hiện tượng siêu nhiên.
  • Vượt ra ngoài lãnh vực nhận thức hay lãnh hội của con người.
  • Chỉ những người đã nhập môn mới có thể truy cập.
  • Che khuất khỏi tầm nhìn bình thường, ẩn giấu, bí mật.

Nếu con đọc Tân Ước với định nghĩa trên, con sẽ thấy mọi khía cạnh của giáo lý ta như được ghi lại trong Kinh thánh, đều liên quan đến siêu nhiên. Phần lớn những lời của ta vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết của con người và không thể được lãnh hội bằng lý trí nhị nguyên tương đối, là trạng thái tâm thức bình thường của hầu hết mọi người. Con cũng thấy được là ta đã trao cho các môn đệ của ta một số giáo lý cao cấp mà ta không tiết lộ cho đại chúng [Mark 4:34].  

Cho nên, người ta rất có thể nói rằng tất cả mọi điều đã được ghi lại về ta trong kinh điển chính thức đều có thể được sử dụng để gọi ta là một vị thày huyền bí. Đây chính là nhãn hiệu mà những người đạo Do Thái chính thống đã gán cho ta khi họ đưa ta ra xét xử và đóng đinh ta trên thập tự giá. Tất nhiên là họ dùng những từ khác, nhưng cốt lõi của lập luận của họ là ta đã vượt ra ngoài các giáo lý chính thống và do đó ta không thuộc về sự thật, không thuộc về ánh sáng, không thuộc về Thiên Chúa. Kết quả là họ buộc tội ta là thuộc về quỷ.

Ta có thể cam đoan với con là nếu thuật ngữ này đã có vào thời đó, thì những người đạo Do Thái chính thống đã gọi ta, Giê-su Ki-tô, là tên cầm đầu một môn phái Thời Mới (New Age) vô cùng nguy hiểm. Họ sẽ tìm thấy rất nhiều “chứng cớ” trong những lời ta đã nói để kết tội ta. Như khi ta bảo tín hữu phải rời bỏ công việc và gia đình để đặt ta trên hết và trước hết. Như khi ta bảo tín hữu phải sẵn sàng bỏ đời sống vì ta. Con có thấy không, hẳn các phong trào chống đối các môn phái sùng tín (anti-cult movements) thời nay sẽ quá đỗi vui mừng mà chụp lấy những lời tuyên bố đó của ta? Và con có thấy họ sẽ tố cáo ta và gán ghép cho ta tội làm bạn với ma quỷ như thế nào không?

Con cũng thấy đó, ngay cả những chức sắc của đạo Cơ đốc chính thống hay chính mạch, là những người tự nhận là đại diện của ta trên trái đất, đã sử dụng tư duy sợ hãi để dựng lên ý tưởng rằng bất cứ gì đi ra ngoài giáo lý đạo Cơ đốc chính thống đều là huyền bí, và tất cả mọi điều huyền bí đều thuộc về quỷ. Thật là sai lầm khi bảo rằng mọi điều huyền bí thuộc về quỷ. Huyền bí chỉ đơn giản là điều gì đó vượt khỏi khả năng hiểu biết bình thường của con người, và điều này cũng áp dụng cho Thượng đế. Con có cho rằng Thượng đế thuộc về quỷ hay không?

Kỳ thực, đạo Cơ đốc đã bị biến thành cùng một loại tôn giáo phát xuất từ sợ hãi y như đạo Do Thái chính trống khi trước đã đóng đinh ta trên cây thập tự. Cái nhìn sợ hãi này được đẩy xa đến độ nếu ngày hôm nay ta hiện ra trong một xác thân vật lý và giảng dạy giáo lý tâm truyền chân thực của ta, thì nhất định ta sẽ bị những người đạo Cơ đốc chính thống trù dập. Họ sẽ gán tội cho ta là của quỷ hay bôi nhọ ta là một tên cầm đầu môn phái sùng tín. Và thật vậy, đây là cách mà một số người trong số họ đã gọi những lời dạy của ta đưa lên trang mạng này.

Như ta có trình bày trong quyển sách “Cái đến thầm kín của Ki-tô” (The Secret Coming of Christ), những ai có cái nhìn sợ hãi về tôn giáo sẽ bác bỏ bất cứ điều gì vượt ra ngoài giáo lý chính thống. Họ làm vậy bằng cách tạo ra một nhãn hiệu giả tạo, rồi tuyên bố bất cứ gì đi ra ngoài giáo lý đều mang nhãn hiệu đó, và do đó ta thuộc về quỷ.   

Đây là một cách nhìn thật thiếu chín chắn về tôn giáo, và nó bắt nguồn từ sợ hãi. Nó cũng bắt nguồn từ sự từ chối trách nhiệm để trở thành một người với tâm Ki-tô, hòa điệu với cái ta Ki-tô của mình, hầu phân biện được thế nào là của Thượng đế và thế nào không của Thượng đế. Thật đáng buồn khi nhiều vị lãnh đạo Cơ đốc chính thống cho rằng họ đại diện ta trên trái đất, rằng họ đang bước chân theo ta, nhưng họ lại từ chối khoác vào tâm Ki-tô và phân biện giáo lý tâm truyền chân thực cùa Giê-su Ki-tô với những tín điều công truyền trông chằng khác gì những nấm mồ được tô trắng nhưng chứa đầy xương người chết.   

Khi con khoác vào tâm Ki-tô, con sẽ dễ dàng phân biện được cái gì là của ánh sáng và cái gì là của bóng tối. Điều này sẽ cho phép con nhìn xuyên thấu các giáo điều nhân tạo nông cạn. Người tìm kiếm tâm linh chân thành cần phải nhận ra là ác quỷ có một mục tiêu rõ ràng. Nó tìm cách đánh lừa những kẻ phụng sự tốt nhất của ta trên trái đất. Nó không quan tâm gì đến những người hoàn toàn bị bao trùm trong tâm nhị nguyên bởi vì những người này đã nằm trọn trong tay nó rồi. Quan tâm chủ yếu của ác quỷ là đánh lừa những ai đã hé thấy được chân lý nhưng chưa thể hiện được tính phân biện Ki-tô sẽ giúp họ nhìn thấu qua những dối gian vi tế của ác quỷ.    

Đây chính là loại người mà con gặp trong đạo Cơ đốc chính thống. Họ đã thấy được sự thực trong giáo lý của ta và họ có tiềm năng vươn lên một tầm mức cao hơn. Nhưng vì họ không sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, họ vẫn bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi đó. Điều này tất nhiên là cái mà ác quỷ mong muốn. Cách duy nhất để con người tìm được tự do là sẵn sàng trải qua một giai đoạn khó khăn tìm cách thiết lập sự hòa điệu nội tâm trực tiếp với ta và cái ta Ki-tô của họ. Và hiển nhiên, toàn bộ mục đích của trang mạng này là giúp họ thực hiện được điều này.

Thực tế đáng buồn là nhiều người đạo Cơ đốc từ chối sử dụng khả năng phân biện của mình, từ chối đoái nhìn tới bất cứ gì đi ra ngoài giáo lý chính thống. Điều này có thể là khôn ngoan đối với một số người, vì nếu họ chưa sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về đường tâm linh của họ và dồn hết sức đào sâu sự hoà điệu với cái ta Ki-tô, thì họ chưa có khả năng nhìn thấu dối gạt của ác quỷ, và vì vậy họ có thể sẽ an toàn hơn nếu họ tạm thời ở lại với tôn giáo truyền thống. Nếu con xem bài giàng của ta về các cấp độ tinh tấn, con sẽ hiểu rằng một số dòng sống bị bối rối và tổn thương đến mức họ cần đến sự ổn định bên ngoài của một hệ thống tín ngưỡng truyền thống hầu được chữa lành.

Tuy nhiên, thời nay cũng có nhiều dòng sống nếu muốn tiến bước xa hơn sẽ cần phải nâng tâm thức mình lên cao hơn. Những người này cần bước vào giai đọan làm người tầm đạo tâm linh, mở tâm mình ra những ý tưởng vượt ngoài học thuyết chính thống. Nếu họ không thực hiện bước này, họ sẽ ngừng lại và sẽ trở thành tù nhân của ác quỷ mà chính họ đã tìm cách trốn tránh bằng cách trú ẩn trong một giáo hội Cơ đốc. Nói cách khác, sẽ tới một điểm khi dòng sống không thể tiến lên khi họ ở lại với một tôn giáo bị bao phủ bởi sợ hãi. Nếu muốn tiến bước, họ sẽ phải nhận lấy rủi ro và mở tâm ra những tư tưởng mới. Tất nhiên là có nguy cơ mở tâm ra với những ý tưởng sai lầm, thế nhưng thực tế cốt yếu của cuộc sống là nếu con sợ té ngã thì con sẽ không bao giờ biết đi. Trong một bài giảng vô cùng quan trọng, ta có giải thích là mọi tôn giáo có thể trở thành một cái bẫy ngăn chận con tìm được cứu rỗi.  

Dĩ nhiên ta hiểu rõ nhiều dòng sống đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan mà con thấy nơi những người bạn đạo của con. Họ cần phải tiến về phía trước và mở tâm mình ra để hiểu biết cao hơn về khía cạnh tâm linh của cuộc sống, nhưng họ không thể hoàn toàn ngừng bám vào cái nhìn đầy sợ hãi của tôn giáo. Đó là tại sao họ phải níu lấy đạo Cơ đốc chính thống dường như đang cho họ một nơi trú ẩn an toàn. Đó là tại sao ta đã phát hành trang web này cùng các cuốn sách. Mục đích của ta là cung cấp cho những tín đồ Cơ đốc đó một lối thoát hầu họ có thể mở tâm ra đón nhận ý tưởng mới mà không phải tiếp xúc với những ý tưởng giả trá. Dĩ nhiên là các chân sư thăng thiên cũng đang dùng một số phương pháp khác để đem vào thế giới nhiều loại giáo lý tâm linh chân thực cho thời đại này.  

Tiếc thay, trong vũ trụ vật chất này không thể có gì bảo đảm được kết quả. Tình thế khó xử của ta rất dễ hiểu. Để giúp cho mọi người nâng cao tâm thức, ta phải cho họ những giáo lý đi xa hơn giáo điều chính thống. Nhưng chính vì trang mạng này và các cuốn sách của ta chứa đựng những ý tưởng đi xa hơn giáo điều chính thống mà ta có thể đoán trước được một số tín đồ Cơ đốc sẽ gọi giáo lý này là huyền bí, thậm chí còn thuộc về quỷ. Ngay cả ta cũng không có giải đáp cho bài toán này. Ta chỉ có thể cúi mình tôn trọng quyền tự quyết của mỗi người và chờ cho đến khi họ có được một quyết định sáng suốt hơn.   

Nếu con cảm thấy có sự thúc giục nội tâm muốn tìm cách giúp những người bạn của con mở tâm ra với sự hiểu biết cao hơn, kể cả đưa cho họ xem lời dạy mà ta vừa cho con, thì chắc chắn ta sẽ biết ơn sự giúp đỡ của con trong vấn đề này. Chỉ có một điều là con phải chắc chắn là con không bị vướng mắc vào kết quả của việc làm của con, như ta đã giải thích trong phần chót của quyền “Ki-tô sinh ra trong con” (The Christ is born in you). Con hãy trình bày sự thật trong khả năng của con, xong hãy để họ tự do chọn lựa hướng đi của họ. Là một người đại diện cho Ki-tô, con không bao giờ được tìm cách ảnh hưởng sự chọn lựa của người khác. Đó là cách làm của ác quỷ và nó đã làm vậy từ khi nó nổi loạn chống lại Thượng đế, nhưng đó chưa bao giờ là cách của Ki-tô.

Con có thấy chăng là ác quỷ có thể chiến thắng bằng hai cách? Một là đánh lừa con đi theo con đường tay trái tà đạo. Và cách kia là khiến con sợ ác quỷ đến nỗi con không dám mở tâm ra cho bất cứ gì mới. Nếu con sợ huyền bí đến độ không dám nhìn ra ngoài giáo điều chính thống thì con đã cho phép ác quỷ kiểm soát con qua sự sợ hãi. Nếu các đệ tử của ta thời đó cũng có cái nhìn sợ hãi như nhiều tín đồ Cơ đốc thời nay thì làm thế nào đạo Cơ đốc đã ra đời? Những người đạo Do Thái chính thống đã có thể giết nó ngay khi họ giết ta!  

Nhận xét của Giê-su về phim của Mel Gibson “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su”

Hỏi: Thưa thày Giê-su, thày có thể cho con sáng ngộ gì về bộ phim mới của Mel Gibson được phát hành năm 2004 “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su”? Liệu thày có xem phim này là một cản trở cho thông điệp của thày vì thày sẽ trở thành thần tượng cho hàng triệu người? Hay liệu phim này cần thiết để tăng cường cho thông điệp của thày? Đây có phải là một mô tả chính xác về sự Đóng đinh của thày hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Nếu ta được yêu cầu làm cố vấn cho một bộ phim về đời ta, điều đầu tiên ta sẽ làm là đổi tiêu đề từ “Khổ nạn” thành “Phục sinh”. Chắc chắn ta không hài lòng là đạo Cơ đốc chính thống đã đặt chú ý và trọng tâm quá đáng như vậy vào sự kiện ta bị đóng đinh, và do đó đã bỏ qua sự kiện quan trọng hơn rất nhiều là ta đã phục sinh.

Phải, ta đã bị đóng đinh và hành quyết. Tuy nhiên, hàng ngàn người khác cũng đã bị hành quyết tương tự như vậy mà hầu như chẳng có ai chú ý. Lý do là vì, tất nhiên, việc một người bị đóng đinh chẳng quan trọng gì trong lịch sử thế giới. Vậy tại sao lại xem trọng sự kiện ta bị đóng đinh? Nó thật chẳng quan trọng gì hơn việc đóng đinh một người nào khác bị hành quyết theo lối ác độc này. “Hễ các người đã làm chuyện này cho một kẻ hèn mọn này là anh em của ta, thì các người cũng đã làm cho chính ta” (Matthew 25:40). Cho nên khi con bỏ qua sự hành quyết ác độc đối với từng nấy người, thì con cũng bỏ qua nỗi khổ của họ, là chính nỗi khổ của ta.

Điều ta cố giúp mọi người nhìn ra ở đây là việc ta bị đóng đinh không quan trọng hơn, hay kém quan trọng hơn, hàng ngàn người khác bị đóng đinh. Trải nghiệm của ta chỉ khác hơn ở chỗ là ta đã được phục sinh sau khi bị đóng đinh và ta đã hiện ra trước mặt các tông đồ trong một cơ thể phục sinh. Điều này quan trọng vì khi được hiểu chính xác, nó chứng minh là mọi người đều có thể bước trên một con đường sẽ dẫn họ đến tâm thức Ki-tô. Và khi họ đạt đến tâm thức Ki-tô đó, họ có thể chiến thắng mọi thế lực của vũ trụ vật chất, kể cả chính cái chết.

Thông điệp chủ yếu của đời ta không phải là lời tuyên bố được nhắc đi nhắc lại là ta đã chết trên thập tự giá để trả thay cho tội lỗi loài người, mà thông điệp chủ yếu là mặc dù người ta đã giết chết thân thể vật lý của ta, họ đã không thể giết được ta vì ta là nhiều hơn cơ thể và ta có thể sống còn sau khi cơ thể qua đời. Đây quả thực là thông điệp đáng lý phải được “hô lớn từ mọi mái nhà” cũng như trên màn hình chiếu phim.

Mọi con người đều có tiềm năng bước theo chân ta và làm những công việc ta đã làm. Và chìa khóa để bước theo chân ta là áp dụng cùng một cách tiếp cận đối với tôn giáo mà ta đã chứng tỏ trong suốt đời mình, là đi muốt tiến trình biến hóa tâm thức mà ta đã trải nghiệm. Đó mới đúng là thông điệp chủ yếu của đạo Cơ đốc, và như ta đã từng nói, ta mong muốn mọi hình ảnh của Ki-tô bị đóng đinh được gỡ bỏ khỏi các nhà thờ Cơ đốc và được thay thế bằng hình ảnh của Ki-tô phục sinh.

Cho nên đúng vậy, bộ phim này có tiềm năng là một cản trở cho thông điệp mà ta muốn gửi ra trong thời đại này. Nếu phim này trở nên thịnh hành trong quần chúng, quả là nó có thể tăng cường cho sự trọng tâm quá mức dành cho việc ta bị đóng đinh và đau đớn trên thập tự giá, một trọng tâm đã được củng cố suốt 2000 năm qua. Ta đã có bình luận về chủ đề “Chúa hiến thân cho loài người” ở một nơi khác cho nên như vậy cũng đủ rồi.

Khi con xem một bộ phim, con rất nên chú ý đến mức độ năng lượng của mình trước và sau khi xem phim. Nếu con nhận thấy mức năng lượng giảm xuống, con có thể chắc chắn là phim đã hút cạn năng lượng tích cực của con. Đại đa số các nhà làm phim không nhận thức rõ về sản phẩm của mình, nhưng những loại phim như vậy luôn luôn bị tà lực ảnh hưởng vì tà lực dùng bộ phim để đánh cắp năng lượng tích cực của người xem. Điều này đặc biệt đúng với các loại phim gây sốc cho khán giả qua các hình ảnh khủng khiếp, tình dục hay bạo lực.

Ta nghĩ người xem phim “Cuộc Khổ nạn” nếu họ chú ý đến mức năng lượng của mình, sẽ nhận thấy họ bị rút cạn hết năng lượng sau khi xem phim. Lý do thật đơn giản. Phim này chú tâm quá đáng vào nỗi đau đớn của ta trước và trong khi bị đóng đinh. Nói thật, ta thà không có tín hữu Cơ đốc nào nhìn thấy những hình ảnh của một người bị đóng đinh với thân thể đầy máu được trình bày là Giê-su Ki-tô.

Đó thật không phải là một cách mô tả chính xác về cách hành quyết này. Hiển nhiên là có chút máu nhưng không nhiều lắm. Những hình ảnh như vậy chỉ nhằm tạo chấn động cho người xem khiến họ làm tha hóa năng lượng của Thượng đế, rồi năng lượng này bị bọn quỷ dữ, tà thể cùng các linh hồn không xác hút lấy, vì chúng sống còn nhờ năng lượng tha hóa. Thẳng thắn mà nói, các rạp chiếu phim thường là vùng sinh sôi cho những loại sinh thể thấp kém đó, đặc biệt những rạp chiếu các bộ phim kinh hoàng, phim khiêu dâm và phim bạo lực giết chóc. Ta lượng định phim này là một loại phim nửa chừng giữa phim bạo lực và phim kinh hoàng.

Cho nên, không, bộ phim này không phải là một mô tả xác thực về sự đóng đinh. Đương nhiên, việc ta bị xét xử công khai và bị đóng đinh không là một trải nghiệm thú vị gì. Chính vì vậy mà vào buổi tối trước đó, ta đã băn khoăn đến độ xin Thượng đế lấy chén khỏi tay ta. Dẫu sao thì khi ta quy phục Thượng đế qua những lời: “Dẫu vậy, xin ý Cha được thành, chứ không phải ý con,” (Luke 22:42) thì ta đạt được một trạng thái an bình nội tâm sẽ theo ta trong suốt trải nghiệm.

Con sẽ nhận thấy là những ai trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt tột cùng thường có một cảm giác bình an nội tâm với rất ít đau đớn, khó chịu. Các nhà khoa học giải thích sự kiện này là do các hóa chất trong bộ não tạo ra. Đúng là hóa chất có một vai trò nào đó, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là trạng thái an bình nội tâm của dòng sống. Chính sự an bình nội tâm giúp cho hóa chất được phóng thích, chứ không phải hoá chất chế tạo được sự an bình nội tâm. Cho nên ta ở trong một trạng thái an bình như vậy trong toàn bộ cuộc trải nghiệm, và vì vậy ta đã không đến nỗi bị đau đớn như nhiều tín hữu Cơ đốc tưởng tượng. Chắc chắn ta đã không đau đớn như được mô tả trong phim.

Trong thời gọi là Thời kỳ Tăm tối [khoảng từ năm 500 đến 1000 SCN], việc người ta đồng cảm với nỗi khổ của Ki-tô là một chuyện tự nhiên, vì đời sống của họ thật cùng khốn, đau khổ. Như ta có giải thích suốt trang mạng này, các chân sư thăng thiên luôn luôn cố gắng tiếp cận con người qua một thông điệp tâm linh có khả năng giúp họ vươn lên cao hơn, và để chạm được họ, các thày phải đến gần họ với một thông điệp phù hợp với trạng thái tâm thức của họ lúc đó. Nếu họ đang trải qua nhiều đau khổ và nếu họ thấy được một vị sáng lập tôn giáo cũng phải nếm đau khổ, thì điều này quả thực có thể giúp họ mở tim ra nhận lấy thông điệp tâm linh.

Đó là một cách phải chăng để con người mở tim ra với Ki-tô trong những thời kỳ họ phải chịu rất nhiều khổ đau. Tất nhiên trong thế giới ngày nay vẫn còn những người bị khổ suốt đời, và họ có thể được giúp qua việc nếm trải khổ nạn của ta trên thập tự giá. Nhưng dẫu sao, thông điệp chính yếu vẫn nên là: qua việc nỗ lực đạt tâm thức Ki-tô, con sẽ vượt qua đau khổ, sẽ thay đổi hoàn cảnh bên ngoài của con và đem lại vương quốc Thượng đế trên trái đất. Không bao giờ thông điệp của các chân sư là con người phải tiếp tục đau khổ cả đời mình rồi sau đó mới được hưởng vương quốc Thượng đế sau khi chết. Mục đích của các thày là chấm dứt đau khổ ngay trên trái đất và đem Nước Trời vào thế gian này.

Ta hoàn toàn thông cảm là trong thế giới hôm nay có nhiều người đã trải qua rất nhiều đau khổ, kể cả chính Mel Gibson. Rồi điều này khiến họ nhận diện chính họ trong ta, vì ta cũng đã đau khổ. Tuy nhiên, điều xảy ra cho nhiều người là đau khổ tạo ra những vết thương cảm xúc trong cỗ xe linh hồn. Cho nên nếu họ tập trung vào khổ nạn của ta trên thập tự giá mà không hiểu thông điệp rằng họ có khả năng vươn lên khỏi đau khổ, thì việc tham gia đạo Cơ đốc sẽ không giúp họ tăng triển tâm linh.

Trái lại, việc tham gia vào đạo Cơ đốc có thể làm thui chột sự tăng triển tâm linh của họ, khiến họ cảm thấy mình phải chịu khổ đau vì chính ta đã khổ đau. Thật là một cách suy luận méo mó xuyên tạc đến độ nó thách thức khả năng hiểu của ta. Vậy mà vẫn có những dòng sống bị thương tích quá nặng đến mức họ không chịu buông những vết thương đó ra. Họ bám lấy vết thương vì vết thương đã trở thành một phần trong ý niệm bản sắc của họ, và họ không thể tưởng tượng là họ có thể được chữa lành khỏi vết thương. Cho nên một cách nào đó, họ biến khổ nạn của ta trên thập tự giá cùng cái chết của ta do khổ nạn đó thành một lời biện minh là họ không được chữa lành vết thương và bước lên một tầng cao hơn. Thậm chí họ còn cố dùng tấm gương của ta để xúi giục người khác thương xót họ, thương xót nỗi đau của họ.

Như ta vừa nói, thông điệp ở trung tâm cuộc đời của ta là: Con không phải khổ đau. Khi con bước theo chân ta và để cho cái tâm ở trong Giê-su Ki-tô bước vào trong con, con có thể khắc phục đau khổ con người và đạt được an bình nội tâm. Thậm chí con có thể thay đổi cả những hoàn cảnh vỏ ngoài đã tạo vết thương trong con. Con nghĩ tại sao ta đã chữa lành người bệnh tật và vực người chết sống lại nếu không phải là để minh chứng tâm thức Ki-tô có quyền năng trên mọi điều kiện vật lý? Con nghĩ tại sao ta đã chứng tỏ là một người với tâm thức Ki-tô có thể chinh phục chính cái chết nếu không để minh chứng là mọi người đều có tiềm năng chinh phục cái chết?

Cho những ai đang đọc dòng chữ này, hãy để ta đưa ra một lời khuyên nhủ. Xin con đừng cảm thấy mình có nghĩa vụ đi xem phim này chỉ vì dường như đây là một bộ phim về Giê-su Ki-tô và con cảm thấy mình phải biết rõ ta đã phải khổ đến chừng nào vì con. Con tuyệt đối không có bổn phận đi xem một bộ phim trưng bày nỗi khổ mà ta không hề trải nghiệm, một bộ phim mô tả việc ta bị đóng đinh thật thiếu chính xác. Và như vậy ta cho phép con được tự do không có bất kỳ cảm giác nghĩa vụ nào mà con có thể có.

Ta làm vậy vì ta biết rõ nhiều tín hữu Cơ đốc sẽ cảm thấy mình có bổn phận phải xem phim này chỉ vì bộ phim nói về ta. Nhưng như ta đang cố giải thích, phim này thực sự không phải về ta. Phim này là về một hình ảnh sai lạc đã được đạo Cơ đốc truyền thống củng cố từ 2000 năm qua. Và những hình ảnh được trình chiếu suốt bộ phim không phát xuất từ một viễn quan chân chính mà từ sự hư cấu của những người mang một quan niệm mất cân bằng về đau khổ.

Ta cũng biết là nhiều vị lãnh đạo Cơ đốc, kể cả Tòa thánh Vatican, sẽ tuyên bố là phim này trình bày sự kiện đóng đinh đúng y như thực. Một số sẽ nói như vậy vì họ tin thật như thế. Một số sẽ nói như vậy vì họ nhìn thấy một cơ hội chính trị để quay sự chú ý của mọi người về cái họ tin là quan điểm đúng đắn duy nhất về Ki-tô, tức chính quan điểm của họ.

Ta buồn là Vatican đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với bộ phim, nhưng ta không ngạc nhiên. Rõ ràng, như đã được giải thích nơi khác, là Giáo hội Công giáo đã che khuất thông điệp đích thực của ta cho nên ta không ngạc nhiên khi chính đức Giáo hoàng cầm giữ một hình ảnh không thật về việc ta bị đóng đinh. Dù sao thì ta cũng không thấy được lý do tại sao người Công giáo phải có bổn phận đi xem phim này.

Ta không đang nói là con không nên xem phim, mà ta nói là con nên thoát ra khỏi mọi bó buộc phải xem phim. Con cần lắng nghe các sáng ngộ từ cái ta Ki-tô của con. Nếu con cảm thấy một sự thôi thúc nội tâm muốn xem phim, bằng mọi cách con hãy làm theo.

Tuy nhiên, ta rất khuyên con nên sử dụng các bài tập về sự bảo vệ tâm linh trước khi xem phim. Ta cũng rất khuyên con nên hình dung một quả cầu ánh sáng trắng tinh bao bọc con trong suốt thời gian xem phim, và con rất cẩn thận để không rơi vào những loại cảm xúc tiêu cực do xem phim.

Con hãy quan sát thật kỹ bộ phim làm thế nào để gia tăng tác động gây hết cơn sốc này đến cơn sốc khác cho đến khi người xem không còn khả năng giữ được tâm an bình nữa. Họ bị rơi vào một trạng thái chấn động lẫn chấn thương khiến họ mở toang ra với các thế lực muốn đánh cắp năng lượng của họ.

Con hãy dùng sự nhận biết của mình để tránh trở thành một nạn nhân cho sự thao túng tinh vi của phim này. Hãy tránh bị làm mồi cho mong muốn thương xót ta – vì nói cho cùng, dường như ta đang làm tất cả những chuyện này vì con – đến độ con bị đánh lừa và cảm thấy con phải mở tâm ra cho các hình ảnh hung bạo trong phim. Đây rõ ràng là một mưu toan lợi dụng tình yêu chân thực mà một số người có đối với ta, cùng ý thức bổn phận sai lạc mà nhiều người hơn nữa có đối với ta. Nó đánh lừa con để con mở tâm tiềm thức ra đón nhận thông điệp ẩn giấu bên dưới của bộ phim, và ta khuyên con chú ý đến thông điệp này. Con sẽ ngạc nhiên trước những tiết lộ mà cái ta Ki-tô của con có thể cho con nếu con lắng nghe nó với tâm cởi mở.

Ta không bảo là Mel Gibson đã làm việc này một cách ý thức. Ông chỉ đơn giản chạm vào mạch, và bị mắc bẫy, cái động lượng từ ngàn năm nhằm đưa ra một hình ảnh sai lạc về Ki-tô hầu ngăn cản mọi người bước theo gương của ta. Kết quả là bộ phim mang một thông điệp rất phá hoại. Đó là một thông điệp giả dối, và ta khuyên con nên coi chừng nó và tránh bị nó đánh bẫy.

Cho nên nếu con muốn coi phim này, con hãy xem đó như một trải nghiệm giáo dục. Con lắng nghe cái ta Ki-tô của con để học được bài học cụ thể mà cái ta Ki-tô muốn con học từ việc xem phim. Bài học này sẽ hơi khác đối với mỗi người.

Nhịn ăn có là cách gia tốc sự tăng triển tâm linh?

Hỏi: Giê-su yêu dấu, thày có ý kiến gì về việc nhịn ăn – theo nghĩa là kiêng hẳn mọi loại thức ăn – như một cách để gia tốc sự tăng triển tâm linh của một người? Ý nghĩ rằng con có thể sống 40 ngày nhịn ăn hoàn toàn như thày đã từng làm khi thày đi vào vùng hoang dã – cũng tương tự như nhiều người tầm đạo khác, những người tu khổ hạnh cùng những vị ẩn sĩ – đã gây rất nhiều cảm hứng cho con. Cho nên câu hỏi của con là như sau: Làm vậy có thể đem lại ích lợi hay tổn hại gì không? Làm thế nào một người có thể nhịn ăn mà không gây tổn hại cho bản thân?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 26/5/2011. Đăng ngày 15/11/2012.

Ta thực sự không khuyến khích bất cứ ai tính chuyện nhịn ăn hoàn toàn trong 40 ngày liền. Đơn giản là không có cách nào làm vậy mà không gây hại cho cơ thể của con, và làm vậy cũng không đem lại lợi ích tâm linh nào.

Đây là một hiểu lầm về câu chuyện ta đã sống 40 ngày trong sa mạc mà không ăn uống gì. Đối với bất kỳ khía cạnh nào của đời ta, con có thể có hai cách tiếp cận cơ bản. Một là cách tiếp cận hoàn toàn theo nghĩa đen, tức là con cho rằng Kinh thánh là lời của Thượng đế đúng từng chữ một, cho nên bất cứ gì ghi chép trong kinh sách đều đã xảy ra y như mô tả. Với cách tiếp cận này, con sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa chân thực của các lời dạy cùng tấm gương của ta. Còn cách thứ hai là con nhận ra là ngay cả những sự việc gọi là cụ thể trong kinh sách cũng có ý nghĩa sâu xa hơn, và vì vậy con phải luôn luôn nhìn xa hơn cách diễn giải theo nghĩa đen. Vậy đâu là ý nghĩa sâu xa của việc ta sống 40 ngày ở vùng hoang dã?

Con có thể coi chuyện này minh họa cho sự tương phản giữa hai loại môi trường. Một đằng con có xã hội loài người, một môi trường nơi hầu như mọi thứ đều nằm dưới sự kiểm soát của luật lệ và tư duy con người. Đằng khác, con có “vùng hoang dã”, một môi trường không do con người điều khiển và gần gũi hơn với trạng thái tự nhiên. Cho nên đây là biểu tượng cho sự kiện ta đã rút lui trong một thời gian ra khỏi thế giới của các quy luật, các tín điều, các niềm tin cùng tư tưởng do con người tạo ra. Tuy nhiên, làm vậy không nhất thiết có nghĩa là ta đi vào thiên nhiên, vì con có thể làm vậy gần như ở mọi nơi miễn là con ở một nơi yên tĩnh và con tắt bớt các loại phiền nhiễu bên ngoài. Thậm chí con có thể ở ngay giữa thành phố, mặc dù điều này sẽ khó hơn một chút do tâm thức tập thể náo nhiệt hơn.

“Nhịn ăn” không nhất thiết liên quan gì đến thức ăn. Ta đã “nhịn ăn” bằng cách làm rỗng tâm mình cho không còn những ý tưởng nhân tạo, và như vậy ta đã tạo ra một khoảng trống giúp tâm mở ra đón nhận những ấn tượng trực giác từ một nguồn cao hơn, tức là từ Hiện diện Ta Sẽ Là và các vị thày tâm linh của ta.

Con có thấy điều ta muốn nói? Đâu là mục đích của con khi con muốn nhịn ăn? Nếu đó là để đạt đến một trạng thái tâm thức tâm linh hơn thì con đâu cần gì phải kiêng ăn. Con sẽ cần kiêng một vài loại thực phẩm nặng nề như thịt chẳng hạn, và con cần không ăn quá nhiều. Nhưng không nhất thiết con phải nhịn tất cả mọi thức ăn – và quả thực, làm vậy còn có thể phản tác dụng.

Con sẽ cần gì để có trải nghiệm tâm linh hơn? Tất cả mọi thứ trong đời con đều xoay quanh sự chú ý. Nếu chú ý của con tập trung vào việc thế gian thì con sẽ khó lòng hơn có được trải nghiệm tâm linh. Cho nên để có những trải nghiệm cao hơn, con cần hướng chú ý ra khỏi những chuyện nhân thế, kể cả cơ thể vật lý.

Thế nhưng thực tế đơn giản là việc nhịn ăn không phải là cách hay nhất để hướng chú ý ra khỏi cơ thể. Hầu hết những ai đã nhịn ăn toàn diện đều nghiệm được là việc nhịn ăn thật khó thực hành đến độ họ sẽ càng chú ý nhiều hơn đến cơ thể nếu họ nhịn ăn càng lâu. Cho nên ý nghĩa thực sự của “nhịn ăn” là con quay chú ý ra khỏi các vấn đề thế gian để tập trung vào những việc tâm linh. Nhưng ngay cả điều này cũng cần được hiểu một cách sâu sắc hơn. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng tập trung vào chuyện tâm linh có nghĩa là họ phải dùng trí năng để tìm hiểu một giáo lý tâm linh hay tu tập một kỹ thuật tâm linh nào đó.

Điều này, ở một mức nào đó trên đường tu, không cứ là vô giá trị, nhưng một khi con đạt đến những tầng cao hơn thì “nhịn ăn” thực sự có nghĩa là làm rỗng tâm mình và hòa điệu tâm với Hiện diện của con. Nhịn ăn có nghĩa là tập trung vào việc trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết để con thực sự trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện, có nghĩa là không có định kiến nào sẽ pha màu các ấn tượng từ Hiện diện gửi xuống. Con không thể làm được điều này ở các tầng thấp hơn trên đường tu, nhưng ở các tầng cao hơn, đây chính là mục tiêu chủ yếu của con.

Có hai điều đã xảy ra trong nhiều thế kỷ đã qua. Trước hết, đạo Cơ đốc đã bị cưỡng đoạt bởi những kẻ chỉ biết hiểu theo nghiã đen, họ cho rằng mọi thứ phải được diễn giải theo nghĩa đen, theo định nghĩa của họ về nghĩa đen. Và thứ nhì, vào thời Trung cổ, đạo Cơ đốc đã bị cưỡng chiếm bởi những kẻ chỉ biết coi cuộc sống là sự khổ đau.

Nếu con nhìn hầu hết các tác phẩm nghệ thuật vào thời đó, con sẽ thấy người ta vẽ hình ta bị treo thân trên thập tự giá, đang đau đớn vô cùng tận. Cho nên thay vì chú tâm vào lời dạy tích cực của ta – tức là ta đến đây để ban sự sống cho con người cùng sự sống dồi dào hơn nữa – thì đạo Cơ đốc đã chú tâm vào mấy tiếng đồng hồ ta bị khổ nạn trên thập tự giá. Thế rồi khởi lên niềm tin cho rằng chính khổ nạn của ta trên thập tự giá đã “mua chuộc” được sự cứu rỗi cho loài người qua việc, một cách nào đó, ta đã đền bù cho tội lỗi của mọi người.

Con dễ dàng thấy được là điều này đã bị ảnh hưởng bởi niềm tin lâu đời cho rằng khi người ta hiến tế một con vật – bằng cách để nó chảy máu cho đến chết – thì người ta có thể trả tội cho chính mình. Niềm tin này ngược hẳn với lời dạy chân chính của ta, thế nhưng nó đã dần dần chi phối cái nhìn của con người về sứ mạng của ta. Kết quả là người ta dần dần tin rằng Thượng đế – mà ai nấy đều xem là thiện lành – đòi hỏi con phải đau khổ trước khi con có thể rửa sạch tội lỗi của con. Con có thể thấy được sự điên rồ của niềm tin này khi con xem xét điều sau đây. Con đã làm một việc gì khiến ai đó bị đau khổ. Con nhìn nhận sự kiện này, thế là bây giờ con tự nguyện đặt mình vào một tiến trình tạo đau khổ cho chính mình, vì con nghĩ cái khổ thứ nhì này sẽ một cách nào đó đền bù cho cái khổ đầu tiên kia.

Thế nhưng trong thế giới ngày nay, con biết rõ là mọi thứ đều là năng lượng. Con gây cho ai điều gì thì nó sẽ tạo ra một khối năng lượng tha hóa. Và khi con khiến con cũng phải đau khổ thì con lại tạo thêm năng lượng tha hóa nữa. Hai cái sai không tạo thành một cái đúng, vì năng lượng tha hóa không thể loại trừ năng lượng tha hóa. Cách duy nhất để bù lại tội lỗi của mình là tạo năng lượng tích cực, và quả vậy năng lượng tích cực có khả năng biến hóa năng lượng tha hóa. Nhưng nó chỉ làm được chuyện này nếu cả hai bên đều thực sự tha thứ cho nhau. Đây chính là tại sao ta nhấn mạnh đến việc tha thứ cho tất cả những ai đã làm hại con.

Cho nên ý ta muốn nói là suốt nhiều thế kỷ, chính sự tập trung vào khổ đau đã khiến con người nghĩ rằng, bởi vì việc nhịn ăn tạo ra đau đớn, cho nên đó là một cách để con trả tội. Xong lại có thêm niềm tin bảo rằng con đau đớn càng nhiều thì con càng trả được nhiều tội. Rồi giờ đây người ta nối liền niềm tin này với quan niệm là ta đã nhịn đói suốt 40 ngày, thế là một số người tưởng rằng đó là phương cách tối hậu để đạt được đau đớn qua nhịn ăn. Thậm chí một số còn nghĩ là nếu họ bỏ mạng sau khi nhịn đói 40 ngày, nhất định họ sẽ được tưởng thưởng trên cõi thiên đàng. Họ nghĩ: “Chắc chắn tôi sẽ không chết.”

Con có thấy chăng đây là một sự hiểu lầm toàn diện? Trước hết, việc cố nhịn ăn hoàn toàn trong 40 ngày sẽ khiến cho nhiều người bỏ mạng, và hiển nhiên việc tự vận không phải là cách đạt đến một trạng thái tâm thức cao hơn. Thứ nhì, những ai sống sót sau khi nhịn đói từng nấy ngày sẽ rốt cuộc tập trung gần như toàn bộ chú ý của mình vào nỗi đau của cơ thể, và điều này sẽ tước mất khả năng chú ý của họ ra khỏi việc làm cánh cửa mở cho Hiện diện. Vậy con được lợi gì khi làm vậy chứ? Thứ ba, việc cố tình gây ra đau khổ cho chính mình sẽ sản xuất năng lượng tha hóa sẽ không giúp con tăng triển tâm linh.

Về con số 40 ngày, con cần suy xét sự kiện là cách đây 2000 năm, con người không có cùng khái niệm về con số như ngày nay. Trong thế giới hôm nay, hầu hết mọi học sinh đều hiểu được là người ta có thể đếm tới những con số rất cao. Chính các con đây khi còn nhỏ, có bao nhiêu người đã thử đếm đến một ngàn? Thế nhưng cách đây 2000 năm, đa số người lớn còn không biết đếm đến một ngàn chứ đừng nói tới chuyện hình dung ra con số này. Cho nên vào thời đó, người ta đơn giản không thể hiểu được những loại số mà ngày nay con thường dùng để tính toán món nợ quốc gia. Và ngay cả ngày nay, con sẽ thấy nhiều người khó lòng nào hình dung được số nợ khổng lồ của một quốc gia như nước Mỹ – vì đơn giản, con số quá lớn để có thể so sánh với bất cứ gì trong cuộc sống hàng ngày.

Có lẽ con có nghe nói là một số loài động vật không thể đếm nhiều hơn hai. Cũng giống như một số người thổ dân có thể phân biệt một với hai, nhưng bất cứ gì nhiều hơn hai thì họ sẽ gọi là “nhiều”. Cách đây 2000 năm có một cơ chế gần giống như vậy. Người ta có thể đếm đến một chục, nhưng bất cứ gì nhiều hơn đều được xem là “nhiều”. Từ được dùng vào thời đó nay được phương Tây dịch là “vô khối”, nhưng ngay cả từ “vô khối” cũng được dùng ban đầu để chỉ một số lượng không xác định, và chỉ ngày nay người ta mới gắn liền với một con số chính xác.

Cho nên khi Kinh thánh bảo rằng ta đã nhịn ăn 40 ngày thì con số thật sự không phải là 40. Đơn giản đó chỉ là một con số “nhiều” – ta đã trải qua nhiều ngày trong sa mạc.

Và sau đây là một điểm nữa. Ta đã đi vào vùng hoang dã – ta đã thật sự đi xa khỏi những nơi có người sinh sống – để có một trải nghiệm tâm linh, và ta đã chỉ ở đó vừa đủ lâu để có được trải nghiệm này. Và trong thời gian đó, ta đã ăn bất cứ thức ăn nào ta có thể tìm thấy để giữ cho cơ thể vừa đủ thoải mái mà không phải chú tâm đến cơ thể. Trái lại, ta giữ trọn sự chú ý xa khỏi mọi xao lãng bên ngoài để tập trung vào bên trong.

Cho nên nếu con cố bắt chước ta bằng cách cưỡng ép mình nhịn ăn 40 ngày liền, điều con thực sự làm là tự đặt mình vào một tâm trạng sẽ cản trở con đạt đến một trải nghiệm tâm linh đích thực. Bởi vì đơn giản, con sẽ không mở tâm ra và để yên cho trải nghiệm đó xảy ra theo nhịp riêng của nó, mà con sẽ tìm cách cưỡng ép nó. Và cái gì con cưỡng ép thì con cũng sẽ đẩy nó về phía trước mặt, giống như con lừa đẩy củ cà-rốt treo trên cái gậy trước mũi nó.

Bất cứ khi nào – ta nói rõ, BẤT CỨ khi nào – con tìm cách cưỡng ép một trải nghiệm tâm linh, thì con sẽ không có một trải nghiệm đích thực. Thay vào đó, con sẽ mở tâm ra cho các thế lực thấp kém, và quả thực chúng có khả năng cho con một trải nghiệm vượt trội trạng thái tâm thức bình thường của con, nhưng đó không phải là một trải nghiệm tâm linh đích thực vì nó không biến con thành cánh cửa mở cho Hiện diện của con hay cho các sinh thể thăng thiên. Suốt nhiều thế kỷ, nhiều người đã toan tính cưỡng đoạt thiên đàng bằng vũ lực và họ đã mở ra với các thế lực thấp kém mà cứ tưởng là mình vừa có một trải nghiệm tâm linh chân chính. Đó là tại sao những ai chưa quân bình, chưa có sự bảo vệ cá nhân cùng khả năng phân biện tâm linh (chưa phân biện được các linh thể), không nên toan tính chuyện nhịn ăn.

Con có thấy chăng là nhịn ăn có thể rất dễ dàng trở thành một trò chơi của tự ngã? Tự ngã muốn làm một chuyện gì đó cực đoan, vì hoặc nó muốn cao trội hơn người khác, hoặc thậm chí nó nghĩ nó có thể ghi điểm trước mắt Thượng đế.

Vì vậy để kết luận, cách nhịn ăn đúng đắn là con quay sự chú ý của con khỏi những gì đang kéo chú ý ra bên ngoài. Con cần làm rỗng tâm mình để con có thể là cánh cửa mở cho Hiện diện.

Cách duy nhất để thực hiện điều này là tiếp cận vịêc nhịn ăn y như con tiếp cận mọi chuyện khác trên đường tu: luôn luôn cố đạt được sự cân bằng. Đơn giản, đây là cách duy nhất để con vượt qua khai ngộ chạm trán với kẻ cám dỗ, như con sẽ làm mỗi khi con vươn lên một tầng tâm thức cao hơn, hay như con cũng thấy khi ta từng bị ác quỷ cám dỗ sau “nhiều” ngày ở vùng hoang dã.

Con cũng cần nhìn ra là sẽ không xây dựng cho con nếu con chụp lấy những điều ta vừa nói ở đây để rút lui khỏi xã hội và tự cô lập mình. Việc rút lui trong một thời gian để thiết lập sự kết nối nội tâm với Hiện diện của con là một chuyện chính đáng, nhưng một khi con đã bắt đầu kết nối thì con có thể tham gia vào xã hội mà không đánh mất sự kết nối. Trong Thời Hoàng kim, các thày sẽ cần đến những người có khả năng tham gia vào xã hội mà đồng thời làm cánh cửa mở cho các tư tưởng từ cõi thăng thiên.

Thời nay, ta sẽ nói là cách quan trọng nhất để nhịn ăn KHÔNG PHẢI là từ chối ăn uống. Cách nhịn ăn tốt nhất là ăn đủ để cơ thể không là một vấn đề, và sau đó giữ cho tâm lánh xa khỏi toàn bộ hiện tượng “ô nhiễm thông tin” đang tấn công tới tấp con người hiện đại. Đối với con người hiện đại, trở ngại lớn nhất không phải là cơ thể vật lý, mà là tâm con bị kích thích quá đáng bởi đủ loại nguồn thông tin phóng tới con từ mọi phía.

Cho nên cách tốt nhất để nhịn ăn là tắt luồng thông tin đến từ ngoài. Sau đó con tắt sự oanh tạc nội tâm bởi chính tâm con, nó tạo ra đủ loại vấn đề để nó cố thuyết phục con phải giải quyết các vấn đề. Tất cả chỉ là chuyện theo dõi xem chú ý của con đang hướng về đâu. Vương quốc Thượng đế nằm ngay trong con, cho nên con sẽ không thể bước vào đó chừng nào con còn tập trung chú ý ra ngoài điểm tĩnh lặng bên trong con.

Vậy con hãy cố nhịn “thức ăn thông tin” trong một thời gian. Tin mừng là khi con nhịn không theo dõi những gì nhóm bạn của con đang làm trên Facebook, thì con sẽ không chết đâu con – cho dù là sau 40 ngày.

Sự thật về Chén Thánh – Giê-su bình luận về sách The Da Vinci Code

Câu hỏi của Kim Michaels: Thưa Giê-su, con vừa đọc xong quyển sách The Da Vinci Code (Mt mã Da Vinci) của Dan Brown, và con muốn hỏi thày về Chén Thánh (Holy Grail). Trong sách đưa ra luận thuyết rằng thật ra, Chén Thánh chính là Mary Magdalene, lúc đó đang mang thai đứa con của thày khi thày bị đóng đinh trên thập tự giá. Mary Magdalene sau đó thoát được sang Pháp, nơi bà khởi đầu một dòng dõi hậu bối sau này có nối kết với một số hoàng tộc tại Âu châu. Liệu luận thuyết này có phần thực nào trong đó hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Trước hết, ta rất vui được thấy sách The Da Vinci Code đã được nhiều người chú ý và tìm đọc đến như vậy. Điều này cho thấy rất nhiều người sẵn lòng nhìn xa hơn những học thuyết của đạo Cơ đốc chính thống, và khao khát một hiểu biết cao hơn. Điều này cũng chứng tỏ là phần lớn sự hiểu biết tâm linh, mà trong các thời đại trước chỉ được truyền bí mật cho một số vị điểm đạo ở một cấp nào đó, bây giờ có thể được phổ biến rộng rãi hơn, và thật sự nó có thể trở thành sự hiểu biết chính mạch. Đó là một tin vui, và sự ưa chuộng quyển sách này là một trong số nhiều dấu hiệu cho thấy tâm thức loài người đang có sự chuyển đổi.

Bây giờ đến lượt tin buồn. Không có sự thật nào trong giả thuyết mà quyển sách đã đưa ra. Mary Magdalene không mang thai đứa con của ta khi ta bị đóng đinh. Cô ấy đã không đến Pháp, và do đó đã không khởi sự một dòng dõi được tiếp nối cho tới ngày nay.

Kim Michaels: Vậy có phải thày nói là truyền thuyết Mary Magdalene là Chén Thánh là một tin vịt? Thuyền thuyết đó ra đời như thế nào và tại sao?

Giê-su: Phải, truyền thuyết đó là hư cấu, nhưng nó không chủ ý là chuyện hư cấu. Những người đặt ra và lan truyền giả thuyết đó thật sự tin rằng có một số sự thật trong đó. Con phải hiểu là trong những thế kỷ sau khi ta bị đóng đinh, đã có rất nhiều huyền thoại và truyện kể được lưu truyền về ta. Một số truyện kể này bắt nguồn từ những truyền thống cổ xưa về Ki-tô hay về một Thượng đế hiện thân làm người, và các truyền thống đó thì bắt nguồn từ những tôn giáo ngày nay bị xem là tôn giáo đa thần, tôn giáo ngoại đạo, trong khi kỳ thực đó là những lời dạy tâm linh phổ quát đã hiện hữu trong thế giới cổ đại song song với các tôn giáo chính mạch được biết đến nhiều hơn.

Giáo lý của môn phái Ngộ giáo (Gnostics) cũng chứa đựng một số truyền thuyết, và con sẽ thấy là phái này cũng có một số sách Phúc âm hay học thuyết mà họ bảo là đã nhận được từ nguồn gốc khải huyền thiêng liêng. Ta có thể nói với con là một số sách Phúc âm và giáo lý Ngộ giáo đã được tiếp nhận như là sự tiết lộ tuần tự đích thực đến từ uy lực của Thánh linh. Tuy nhiên, cũng có một số tín đồ Ngộ giáo đã nhận được những lời tiết lộ giả hiệu, y như ngày nay cũng có nhiều kẻ đồng bóng tiếp xúc với các linh thể thấp kém, hay thậm chí những tà thể độc hại, cố tình đánh lừa quần chúng bằng cách lan truyền những ý tưởng sai lầm.

Kim Michaels: Quyển sách cũng nói rằng Chén Thánh biểu tượng cho khiá cạnh nữ thiêng liêng, và thày đã hiện thân để nâng cao giới phụ nữ cũng như nữ tính thiêng liêng lên vị thế xứng đáng trong xã hội. Liệu có chút sự thật nào trong thuyết đó?

Giê-su: Có, quả là có phần nào sự thật trong đó, theo nghĩa là ta đã đến với niềm hy vọng đem lại sự bình đẳng tâm linh giữa hai phái, bằng cách nâng cao phụ nữ lên vai trò xứng đáng của mình. Ta đã có giải thích điều này một cách khá chi tiết trong câu trả lời về Mary Magdalene.

Tuy nhiên, ta đã không hiện thân chỉ để đem lại những thay đổi vỏ ngoài cho xã hội. Ta cũng đã đến để giúp con người hiểu ra cách duy nhất để trở thành một con người trọn vẹn và cân bằng là đạt được quan hệ đúng đắn giữa nam tính và nữ tính của dòng sống. Ta đã giải thích điều này tường tận trong bài giảng về nguyên nhân tâm linh của đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, một lần nữa, ta phải nói với con, Chén Thánh không phải là một người phụ nữ, không phải là Mary Magdalene và cũng không phải là nữ tính thiêng liêng.

Kim Michaels: Còn về Tu viện Scion (Priory of Scion) thì sao? Có thật là có một hội bí mật lưu giữ các tài liệu về đạo Cơ đốc ban sơ và nữ tính thiêng liêng?

Giê-su: Đã có một số hội kín, hay tổ chức bí mật, mọc lên trong thời kỳ Tòa án Dị giáo (Inquisition). Bất cứ khi nào có tình trạng một nhà cầm quyền độc tài trấn áp quyền tự do ngôn luận, thì con sẽ thấy xuất hiện một số hội kín nhằm bảo vệ những ai không chịu tuân theo đường lối cầm quyền.

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, thuở đó đã bảo trợ một vài hội kín dưới thời Tòa án Dị giáo, kể cả hội Chữ thập Hồng (Rosicrucians), hội Tam Điểm (Freemasons) cùng một số phường hội đã xây cất các nhà thờ lớn tại châu Âu.

Ta không nói ở đây là các hội này vẫn được bảo trợ ngày nay. Con cần hiểu là nếu một hội kín đã được thành lập vào thời Tòa án Dị giáo, thì có ích gì mà tiếp tục hoạt động này ngày hôm nay khi quyền tự do ngôn luận đã có mặt? Vào thời đó, một điều tương đối chính đáng đối với một hội kín là không rải truyền toàn bộ giáo lý tâm linh của mình cho quần chúng, mà chỉ trao một số giáo lý cao cấp cho một số đệ tử quyết tâm hơn trên đường tu tâm linh. Tuy nhiên chúng ta đã bước vào một thời đại khi giáo lý tâm linh có thể, và nên, được truyền đạt rộng rãi cho tất cả những ai sẵn lòng học hỏi.

Một hội kín dành một phần giáo lý cho đệ tử cấp cao là một chuyện, còn một hội kín cứ nhất định giữ kín mãi mãi là một chuyện khác hẳn. Chúng tôi các chân sư thăng thiên có thể đã bảo trợ một số hội kín do tình thế đòi hỏi, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi ưa gì hội kín. Kỳ thực, chúng tôi thà là không có hội kín bởi vì trong những hội như vậy, sự kín đáo luôn luôn mời mọc sự lạm dụng quyền hành. Thật là quá dễ cho một nhóm ưu tú nhỏ hẹp, là nhóm chóp bu đứng đầu tổ chức bí mật đó, lạm dụng quyền lực của mình. Thật sự, các thành viên của một tổ chức như vậy không có cách chi phản đối giới lãnh đạo lạm dụng, bởi vì mọi chuyện có thể được giấu giếm, viện cớ là tổ chức hay giáo lý phải tiếp tục được giữ bí mật.

Xét về Tu viện Scion như được mô tả trong sách The Da Vinci Code, đâu là ích lợi của một hội kín cứ giữ bí mật giáo lý hay tài liệu môt cách vĩnh viễn? Con có thể hiểu được sự ích lợi của việc giữ bí mật để thoát khỏi sự đàn áp của Giáo hội Công giáo và nhờ vậy lưu giữ được thông tin cho hậu thế. Nhưng nếu thông tin đó cứ giữ hoài hoài vĩnh viễn thì mục đích của hội là để làm gì? Tại sao không chỉ tiêu hủy các tài liệu đó đi thì có phải bí mật đó sẽ không bao giờ lọt được vào tay kẻ xấu? Một trong những vấn đề của một hội kín là nó dễ dàng đánh mất mục đích nguyên thủy của nó và chỉ cốt tồn tại hầu tồn tại. Nói cách khác, mục đích duy trì hội kín trở thành quan trọng hơn là việc bảo tồn những giáo lý tâm linh mà nó tưởng là nó nắm giữ.

Ta đồng ý với lập luận đưa ra trong sách rằng nếu một hội kín đang nắm giữ một giáo lý bí mật về Ki-tô, thì bí mật đó cần được tiết lộ trong thời đại hôm nay, vì giờ đây đã có tự do ngôn luận cũng như những phương tiện truyền thông tốt hơn bao giờ hết. Còn cách nào hay hơn để bảo tồn một giáo lý là đưa nó lên internet nơi mọi người có thể đọc được? Nếu để một giáo lý quý giá trong tay một nhóm nhỏ bé thì luôn luôn có hiểm họa nó sẽ bị đánh mất, y như những gì cốt truyện trong sách mô tả.

Kim Michaels: Thế còn các giáo phái tôn thờ sinh sản cùng những nghi lễ tình dục được mô tả trong sách thì sao? Những loại nghi lễ đó hay những giáo lý đằng sau nghi lễ có giá trị gì hay không?

Giê-su: Có sự mâu thuẫn cốt lõi khi một tổ chức tuyên bố là mình bảo tồn bí mật về Ki-tô mà lại đồng thời cử hành những nghi lễ tình dục không bao giờ xuất phát từ bản thân ta, và cũng chẳng bao giờ liên quan gì đến đạo Cơ đốc. Đây là cùng một loại mâu thuẫn như khi bảo rằng Leonardo da Vinci là người cầm đầu bí mật của một tổ chức thờ phượng nữ tính thiêng liêng, trong khi ông là một người đồng tính.

Đã từng có một số tôn giáo cổ xưa có truyền thống thờ phượng nữ tính thiêng liêng, và trong khuôn khổ sự thờ phượng đó, một số giáo phái đã có những nghi lễ tình dục. Nhưng những loại nghi lễ này không bao giờ nằm trong đạo Cơ đốc, cũng như không bao giờ được ta khoan thứ. Trước khi đạo Cơ đốc ra đời, có những lời dạy phổ quát đã có mặt rồi, trong đó một số có giá trị. Một số lời dạy thờ phượng nữ tính thiêng liêng có giá trị. Tuy nhiên, chuyện cử hành nghi thức tình dục như được mô tả trong sách The Da Vinci Code (hoặc một số biến thể của các nghi thức đó), thì không có giá trị tâm linh nào cả. Tác dụng thật sự của những nghi thức đó là lấy ánh sáng của các tham dự viên, đưa nó qua trung gian những người làm chủ lễ để nuôi béo những con quỷ hay tà thể đứng đằng sau.

Lực tình dục, hay ánh sáng Kundalini theo tên gọi tại phương Đông, là một dạng năng lượng vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy các tà lực đã nghĩ ra nhiều phương cách để khiến cho con người dùng sai năng lượng này rồi trao ánh sáng cho tà lực. Một trong những cách thức trắng trợn nhất là kỹ nghệ quảng cáo và giải trí thời nay. Có nhiều hình thức tự xưng là giải trí nhưng chỉ là những loại nghi thức tình dục trá hình không hơn không kém, nhằm đánh cắp lực sống của những ai ham mê chuyện này mà hoàn toàn không biết mình đang bị cưỡng hiếp tâm linh.

Kim Michaels: Một truyền thuyết nữa về Chén Thánh đã sống sót suốt bao nhiêu thế kỷ nói rằng Chén Thánh chính là cái ly mà thày đã dùng trong bữa tối cuối cùng. Người ta cho là cái ly này có quyền năng kỳ diệu đem lại sự sống vĩnh hằng cho bất cứ ai uống vào. Truyền thuyết có gì là thật hay không?

Giê-su: Huyền thọai này cũng khởi đầu trong mấy thế kỷ tiếp theo sau việc ta bị hành quyết, và những người loan truyền nó cũng tin là nó có phần sự thật trong đó. Một lần nữa, đây là kết quả của một trí tưởng tượng quá năng động, không hoàn toàn hiểu được những bí ẩn của Ki-tô, cho nên đã cố tạo ra một hình dạng cụ thể cho những bí ẩn này qua cái Chén của Ki-tô.

Quả thật là ta có dùng một cái ly vào buổi ăn tối cuối cùng. Cái lý đó, mẹ yêu dấu của ta đã mang đến Glastonbury tại Anh quốc và cất giấu ở đó. Bây giờ xin con đừng hỏi là nó được cất giấu ở đâu và làm thế nào mà tìm lại được, bởi vì sự thật là nó không tồn tại nữa.

Tuy nhiên, cái ly đó không có quyền năng phép lạ như người ta gán cho nó. Con chi cần dùng chút lôgíc thì đã có thể phát hiện ra sự thật. Tất cả các môn đệ của ta đã uống từ ly đó trong bữa tối cuối cùng. Vậy tại sao người ta lại nghĩ rằng, nếu “Chén Thánh” đó đã không đem lại sự sống vĩnh hằng cho môn đệ của ta – là những người đã uống từ ly đó tận tay ta – thì làm sao nó có thể đạt được quyền năng kỳ diệu bao nhiêu lâu sau?

Kim Michaels: Vậy nếu Chén Thánh không phải là Mary Magdalene, không phải là nữ tính thiêng liêng, cũng không phải là cái chén cụ thể nào cả, thì đó là cái gì? Có sự thật nào đằng sau truyền thuyết Chén Thánh hay không? Bởi vì nói thật, những truyền thuyết này đã sống rất dai dẳng khiến nhiều người bị ám ảnh phải đi tìm Chén Thánh. Liệu tất cả những người đó chỉ chạy theo bóng ảo ảnh, hay là có một thực tại ẩn giấu mà người ta chưa hiểu ra?

Giê-su: Trong ý tưởng Chén Thánh có một thực tại, một thực tại đã được giữ kín khỏi mắt quần chúng từ nhiều thế kỷ, vì chúng tôi các chân sư thăng thiên thấy rằng con người chưa sẵn sàng nắm bắt được chân lý đó – như được chứng tỏ qua sự kiện biết bao người đã đi theo giáo điều vỏ ngoài của đạo Cơ đốc chính thống thay vì nhìn vào ý nghĩa tâm linh nội tâm của Cơ đốc giáo. Vì vậy chúng tôi đã vui lòng để cho người ta tìm kiếm Chén Thánh như một đồ vật bằng vật chất, một cái Chén của Ki-tô.

Như ta đã giải thích trên trang mạng của ta, và đặc biệt trong bài giảng về các chu kỳ tâm linh, nhân loại ngày nay đã vươn lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Cho nên đã đến lúc tiết lộ bí mật thực sự của Chén Thánh, và ta vui lòng làm điều đó ở ngay đây. Con có nhớ chăng là trong sách The Da Vinci Code có nói đến sự kiện là con không tìm thấy Chén Thánh mà Chén Thánh tìm thấy con?

Kim Michaels: Con nghĩ đó là một câu nói vô cùng thâm sâu. Con cũng giật mình là câu đó nghe khá giống một câu rất quen thuộc là, khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện.

Giê-su: À ngay đó con có bí mật của Chén Thánh. Kỳ thực, Chén Thánh là cánh cửa mở giữa thiên đàng và địa cầu, giữa cõi tâm linh và cõi vật chất. Cho nên Chén Thánh là yếu tố cho phép một người, một đứa con của loài người, nâng cao tâm thức mình lên đến mức tâm thức của Ki-tô và trở thành một đứa con của Thượng đế.

Về mặt cá nhân, Chén Thánh chính là cái ta Ki-tô của con. Chỉ qua cái ta Ki-tô con mới có thể thị hiện tâm thức Ki-tô, và chỉ qua tâm thức Ki-tô con mới có thể đạt được sự sống vĩnh hằng bằng cách trở thành một sinh thể thăng thiên.

Chén Thánh cũng có thể là một vị thày tâm linh. Một vị thày như thế có thể là một sinh thể thăng thiên, hay một người đang đầu thai tạm thời phụng sự như một vị thày thế chân cho cái ta Ki-tô cho đến khi đệ tử sẵn sàng bắt liên lạc với cái ta Ki-tô của mình. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là nhận ra vị thày vỏ ngoài đó không bao giờ được trở thành một thần tượng thay thế vị thày nội tâm là cái ta Ki-tô.

Nếu con cho phép một vị thày vỏ ngoài hay, như nhiều người đã làm, một đồ vật, một hoc thuyết hay một giáo hội vỏ ngoài thay thế vị thày nội tâm, thì con đã đi theo “con đường có vẻ đúng cho con người nhưng thực sự là con đường của sự chết.” Và cái đó trở thành con đường vỏ ngoài mà ta đã mô tả rất tường tận trong các bài giảng của ta.

Con có thể nhận thấy là ta đã giảng day cho số đông quần chúng qua những chuyện ngụ ngôn, và lý do là vì họ chưa sẵn sàng nhận giáo lý nội tâm của ta. Đó chính là những người đã bị cuốn hút vào ý tưởng Chén Thánh là một cái chén, một đồ vật vật lý. Và họ nghĩ, ước gì mình tìm được chén đó thì chỉ cần uống vào là sẽ tự động có sự sống vĩnh hằng và không phải mất công tu tập công phu trên con đường khai ngộ tâm linh. Đó thực sự là giấc mơ được cứu rỗi một cách tự động, bảo đảm – giấc mơ viển vông vĩ đại nhất trên hành tinh này.

Cho dù một số người tìm cách đoạt thiên đường bằng vũ lực, thật là không có con đường tắt. Con sẽ không bao giờ nhập được thiên đàng mà không đi theo con đường nội tâm dẫn đến tâm thức Ki-tô. Nếu con không mặc vào bộ áo cưới, con sẽ không thể ngồi vào bữa tiệc cưới, và con sẽ thấy mình trong bóng tối bên ngoài, chân tay bị trói chặt lại bởi những vết thương tâm lý và tin tưởng sai lầm của con.

Ngay cả quan niệm cho rằng Chén Thánh là một người nữ, và một người nam có thể đạt được kết hợp với Thượng đế qua sự kết hợp tình dục với một người nữ, cũng là giấc mơ cứu rỗi tự động. Tuy nhiên, có một chút sự thật ở đây, theo nghĩa là khi một người đạt được sự cân bằng giữa hai khía cạnh nam và nữ của dòng sống, người đó – dù là nam hay nữ – cũng sẽ bắt đầu thoáng nhìn thấy tâm thức Ki-tô, và điều này sẽ dẫn đến hợp nhất với Thượng đế. Giấc mộng rằng sự hợp nhất với Thượng đế có thể được sản xuất một cách tự động và đảm bảo qua kết hợp tình dục, là lời gian dối đằng sau cách thực hành tình dục Tantra đã đặc biệt phổ biến tại phương Đông. Con hãy lưu ý là ta không hề nói triết lý đánh thức Kundalini là sai trái, hoặc điều này không thể thực hiện qua tình dục, mà ta nói rằng đó không phải là một kết quả tự động của kết hợp tình dục.

Trên hành tinh này luôn luôn đã có những kẻ muốn chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực, muốn sản xuất sự giác ngộ tâm linh mà không chịu làm công việc chữa lành tâm lý của mình cũng như thanh lọc tâm trí lẫn con tim. Đây là những người không sẵn sàng nhận sự thật về Chén Thánh. Đây là những người đã đeo đuổi từ hàng bao thế kỷ một đồ vật vỏ ngoài hay một bí mật huyền bí nào đó sẽ tự động cho họ sự sống vĩnh hằng. Bí mật của sự sống vĩnh hằng là kết hợp với cái ta Ki-tô của con, nhưng sự kết hợp này sẽ không bao giờ là kết quả tự động của những hành vi vỏ ngoài. Kết hợp đó là sự kết hợp thần bí nội tâm mà biết bao triết lý tâm linh chân thực khắp thế giới đã nói tới.

Khi ta ở một mình với các môn đệ, ta thường giảng dạy nhiều điều, kể cả sự kiện mỗi con người đều có một cái ta Ki-tô và đều có khả năng hợp nhất với cái ta Ki-tô đó. Thế nhưng ngay cả các môn đệ của ta cũng không thể nắm được hoàn toàn chân lý đằng sau lời dạy này. Đó là tại sao ta đã ban cho họ một nghi lễ vỏ ngoài gọi là nghi lễ Bẻ bánh của sự Sống để họ tưởng nhớ đến ta. Ý nghĩa nội tâm chân chính của nghi lễ này là Bánh của sự Sống chính là tâm thức Ki-tô toàn vũ đã được bẻ ra cho mỗi người dưới dạng cái ta Ki-tô cá nhân nơi mỗi người.

Khi đó, cái ta Ki-tô cá nhân trở thành cái chén chứa đựng huyết – huyết là biều tượng cho dòng tâm thức của tâm Ki-tô toàn vũ. Khi dòng sống của con hợp nhất với cái ta Ki-tô, con nâng chén lên – là cái chén của toàn bộ tâm trí và toàn bộ dòng sống – và như vậy, dòng tâm thức Ki-tô toàn vũ sẽ bắt đầu tuôn chảy xuyên qua con. Mọi ý tưởng, cảm xúc và hành động của con giờ đây được xây dựng trên tảng đá của Ki-tô, tức tâm thức Ki-tô, thay vì trên bãi sa lầy của tâm thức phàm phu.

Do đó chúng ta có thể nói là khi con thật sự tìm ra Chén Thánh trong kết hợp thần bí với cái ta Ki-tô, con cũng đã trở thành chính Chén Thánh vậy. Con trở thành cái chén của Ki-tô mà qua đó tâm thức Ki-tô toàn vũ có thể giảng dạy và trao ánh sáng cho người khác. Và chúng ta cũng có thể nói, con không thể tìm thấy Chén Thánh, mà con có thể trở thành Chén Thánh. Con trở thành cánh cửa mở giữa thiên đàng và địa cầu như ta đã từng là như vậy khi ta còn hiện thân.

Đó là bí mật đích thực của Chén Thánh mà người ta đã đi tìm suốt 2000 năm qua. Nếu họ để ý đến một trong những lời dạy quan trọng nhất của ta, thì họ đã không đi tìm bên ngoài chính họ. Lời dạy đó là, Nước Trời ở ngay trong con. Nó chứng tỏ cho con thấy Chén Thánh phải tìm kiếm bên trong con, bên trong tâm con, bên trong tâm thức của con.

Ta cũng xin nói là truyền thuyết Chén Thánh cũng đã thật có ích lợi ở chỗ nó đã giúp cho nhiều dòng sống giữ được tập trung vỏ ngoài vào một niềm khao khát bên trong đích thực hầu đạt tâm thức Ki-tô. Cho nên ta không bảo là có gì sai trái khi người ta ao ước Chén Thánh. Vấn đề xảy ra là nhiều người đã chú mục vào một đồ vật bên ngoài thay vì tìm kiếm một cách hiểu thâm sâu hơn.   

Ta cũng biết nhiều người sẽ thấy lời giải thích của ta không được lãng mạn và màu mè bằng truyền thuyết. Nhưng nếu họ chuyển dời tâm thức khỏi trọng tâm vào thế giới vật chất để tập trung vào thế giới nội tâm, thì họ sẽ khám phá ra cuộc hành trình nội tâm cùng với Ki-tô sẽ lãng mạn, hứng thú và thỏa nguyện hơn gấp bội việc đeo đuổi một cái chén.

Ta chính là Chén Thánh.
Hãy bước vào trong tim và tìm ta.
Nếu con tìm ta với tim tinh khiết và tâm cởi mở, con sẽ tìm thấy ta.
Khi đó, chắc chắn ta sẽ cho con sự sống vĩnh hằng.