Họa sĩ Van Gogh có nhận cảm hứng từ các chân sư?

Hỏi: Phải chăng họa sĩ Van Gogh đã nhận được cảm hứng trực tiếp từ các chân sư thăng thiên để cho chúng ta thấy là toàn bộ thế giới hình tướng là sự tương tác quay cuồng giữa các sóng ánh sáng? Phải chăng cách vẽ này là cách các thày muốn nói lên là chúng con cần rèn luyện giác quan của mình nhận thức ánh sáng vật chất như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa Kỳ – Phục hồi nền dân chủ. Đăng ngày 13/11/2022.

Phải, chúng ta có thể nói là Van Gogh đã nhận được cảm hứng từ các chân sư thăng thiên. Câu hỏi đặt ra là cảm hứng này trực tiếp đến chừng nào vì tâm ông phần nào thiếu cân bằng. Nhưng rất đúng là các bức họa của ông có khả năng tạo cảm hứng cho con luyện tập cách nhìn ánh sáng vật chất để thấy nó được cấu tạo bởi năng lượng không ngừng chuyển động. Không nhất thiết là năng lượng chuyển động theo như con thấy trên các bức họa của ông, nhưng đó là những gì Van Gogh đã có thể nắm bắt. Chắc chắn ông cảm nhận được là thế giới được tạo bằng năng lượng. Và mặc dù ông không thể thực sự diễn tả bằng lời nói, thay vào đó ông đã minh họa qua hình vẽ.

Con cần nhìn nhận là rất nhiều người khắp thế giới có tầm nhìn, có viễn quan cao hơn bình thường, họ phần nào bị mất cân bằng về mặt tâm lý. Đây là một khuôn mẫu quen thuộc con có thể nhận thấy suốt chiều dài lịch sử, là những người mở ra một cách nhìn khác biệt về thực tại thường quá rộng mở. Và do đó họ bị choáng ngợp bởi các ấn tượng mà họ nhận được. Trong một số trường hợp, các ấn tượng này có thể đến từ cõi trung giới, như con thấy một số bức tranh vô cùng đen tối vào thời Trung cổ hay những truyện kể vô cùng đen tối được viết ra. Nhưng ấn tượng cũng có thể đến từ cõi cảm xúc cao, từ cõi lý trí, ngay cả từ cõi bản sắc, và trong một vài trường hợp từ cõi tâm linh. Nhiều người như vậy thấy được một khải tượng đích thực, họ có cảm nhận nối kết với một cái gì vượt khỏi cõi vật chất, chắc chắn là vượt khỏi tâm thức tập thể vào thời của họ. Nhưng họ lại không có khả năng sống một cuộc đời cân bằng.

Đây là một điều con cần suy ngẫm khi con là một đệ tử của chân sư thăng thiên, nghĩa là mặc dù việc nỗ lực đạt được một viễn quan nào đó là một điều tốt, nhưng con vẫn cần phải có một sự quân bình trong cuộc sống. Lý do duy nhất vị sứ giả này đã sống sót sau gần 20 năm trong cương vị của ông là vì hầu như từ tuổi niên thiếu, ông đã nhận biết là ông cần giữ một sự quân bình nào đó. Và mặc dù một số người sẽ nói đời ông đã không quân bình theo một tiêu chuẩn bình thường, ít ra ông đã đủ quân bình trong tâm lý để có thể tiếp tục công việc ông đang làm. Và đây là điều tất cả các con cần cố gắng làm.

Con cần tránh rơi vào hai đối cực. Con cần tránh có những nhu cầu ám ảnh cưỡng chế, như: “Có một chuyện cần phải xảy ra, một sự cố quan trọng cần phải xảy ra trong đời tôi, và nó phải xảy ra ngay tức khắc.” Và vì thế con trở nên mất cân bằng – con tìm cách chiếm đoạt thiên đàng bằng vũ lực như nhiều người đã từng làm.

Cân bằng thực sự là bí quyết để bền vững – sự bền vững trong nỗ lực của con. Và điều này có nghĩa là con có thể tiếp tục làm cánh cửa mở, tiếp tục có được tầm viễn quan rộng lớn trong một thời gian dài hơn, thay vì rơi vào hội chứng sụp đổ toàn diện mà chúng ta hay thấy xảy ra với nhiều người cấp tiến đi tiên phong. Các thày không muốn nhìn thấy điều này nơi đệ tử của mình. Đó là vì sao các thày đã trao cho con một con đường cân bằng hơn nhiều, với những dụng cụ và kỹ thuật cân bằng mà con có thể dùng để giải quyết cái tâm lý khiến con mất cần bằng.

Vì tất nhiên, tại sao Van Gogh lại mất cân bằng? Là vì ông mang tất cả những cái ngã tách biệt được tạo ra trong tiền kiếp đi ngược trở về thuở lần đầu tiên ông đến địa cầu như một avatar và phải hứng chịu chấn thương nhập đời. Và như vậy, sự mất cân bằng của ông cứ ngày càng tồi tệ hơn trong mấy kiếp đầu thai, cho đến khi nó lên đến cực điểm như con thấy trong kiếp vừa rồi của ông.

Câu hỏi về các nhạc sĩ rock

Hỏi: Rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã chết trẻ – rất nhiều ngôi sao nhạc rock trong thập kỷ trước và cả các ca sĩ nhạc rap trong thời hiện đại. Con không thể nào không nghĩ rằng một số nhạc sĩ này đã có mặt ở đây để tạo sự thay đổi tích cực, ít ra là ở mức tâm thức của họ. Không hiểu con có đang hoang tưởng không? Hay có thể một số là sa nhân?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Chấm dứt thời đại ý thức hệ. Đăng ngày 15/6/2021.

Đây là một trong những câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng. Thày Giê-su đã trao cho con một số lời dạy rất quan trọng về sự kiện là đôi khi có những tình thế đi vào bế tắc – nghĩa là loài người bị giam chặt trong một tư duy nhất định nào đó – đến độ phải cần có những người đi tiên phong thách thức tư duy đó cùng các năng lượng đằng sau tư duy.

Cho nên rất có thể là trong một khoảng thời gian, cần có một người đứng ra làm một việc gì đó không thực sự xuất phát từ nhãn quan cao của tâm Ki-tô nhưng là một điều cần thiết để phá vỡ một tình trạng bế tắc. Các thày đã từng đề cập đến sự kiện là đôi khi người ta cần làm một cuộc cách mạng, và trong một thời gian ngắn, điều này có thể phù hợp với tâm Ki-tô theo nghĩa là nó phá vỡ một tình trạng bế tắc và đem lại sự thay đổi.

Một điều tương tự có thể xảy ra với âm nhạc. Có một số nhạc sĩ đã đem lại một loại nhạc mới vô cùng khiêu khích đối với nhiều người, nhưng sự khiêu khích này lại cần thiết để đập vỡ một lối tư duy cổ hủ, một khuôn đúc cố hữu trong xã hội. Ta không bảo là tất cả mọi nhạc sĩ rock hay ca sĩ rap đều không khế hợp với nhu cầu thay đổi này, vì một số trong giới đó, ít nhất là trong một thời gian, đã đồng thuận với nhu cầu đó. Nhưng điều này không có nghĩa là nhạc rock hay nhạc rap là loại nhạc hài hòa theo nghĩa là nó tạo ra những rung động hài hòa đem lại lợi ích cho hành tinh. Trái lại, nó có tác dụng gây rối loạn, hỗn tạp. Nhưng như ta vừa nói, nó có thể cần thiết trong một thời gian để đập đổ một số khuôn nếp cứng nhắc đã lâm vào bế tắc.

Nhưng này con, đa số các nhạc sĩ rock và rap kỳ thực là sa nhân – không phải là tất cả nhưng đa số. Và nói thật, xin con đừng bắt đầu hỏi thày ai là sa nhân hay không là sa nhân, vì đây không phải là một điều các thày muốn bỏ thời gian lẫn không gian để bàn đến.

Thực tế ở đây là rất nhiều nhạc sĩ rock và rap là sa nhân. Họ đã sống lâu hơn cái mà chúng ta có thể gọi là tuổi thọ tự nhiên của họ. Và họ chỉ được giữ cho sống còn do được người ta tiếp tế năng lượng khi người ta nghe nhạc của họ hay đi xem họ trình diễn. Khi làm vậy, quần chúng bị cưỡng ép vào một tâm thái đặc biệt phải nhả ra những khối năng lượng khổng lồ.

Con có thể thấy người ta đi xem trình diễn nhạc rock la hét cuồng loạn như thế nào, họ phóng ra những khối năng lượng to lớn mà các nhạc sĩ rock có thể hấp thụ – và ma quỷ núp sau họ cũng có thể hấp thụ – và đây là một trong những mục đích đằng sau các buổi chơi nhạc rock. Một khi hiện tượng này tan biến dần và sự nổi tiếng của họ cũng phai nhạt dần, thì một số trong giới đó không thể ở lại trong hiện thân được nữa, và họ phải rời xác thân vật lý.

Một khía cạnh khác, tất nhiên, là yếu tố thời gian. Đã có một thời vào các thập kỷ 1960 và 1970 khi rất nhiều ban nhạc rock mới xuất hiện. Thời đó họ thường trẻ trung nhưng giờ đây họ đã có tuổi. Một phần có thể là vì họ không nhận được đủ ánh sáng. Và phần khác, nhiều nhạc sĩ rock bị mất cân bằng đến độ họ có một lối sống vô cùng thiếu lành mạnh, và đơn giản lối sống này đã bắt kịp thân xác vật lý của họ.

Điều này đi đôi với toàn bộ văn hóa nhạc rock, đa phần là một loại văn hóa nổi loạn, nổi loạn chống lại các chuẩn mực của xã hội. Cho nên chuyện thường tình là họ lạm dụng rượu và ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi và ăn chơi trác táng. Tất nhiên sẽ đến một điểm khi cơ thể vật lý không thể chịu đựng được nữa.

Một lần nữa, con có thể chỉ ra một vài trường hợp ngoại lệ là những người đã có thể kéo dài đời sống lâu hơn. Nhưng con hãy nhìn họ đi, con sẽ thấy những cái vỏ trống rỗng chỉ bám vào sự sống bằng một sợi chỉ. Kỳ thực trên phương diện tâm linh, họ không còn sống nữa.

Sa nhân và nghệ thuật

Hỏi: Xin các chân sư cho ý kiến về vai trò của sa nhân trong nghệ thuật. Phải chăng họ chỉ biểu đạt tình trạng tâm thức của họ, hay là họ có một ý đồ nào đó? Khi con nghe nhạc rap, con nhận thấy mặc dù có thể có sự vô cảm đối với sự sống, con vẫn tìm thấy một chút tính nhân bản trong cách đặt lời. Ngay cả những nghệ sĩ có vẻ như không có chút tình người trong âm nhạc của họ, nhưng họ dường như vẫn hiền lành, hầu như vô hại nếu so với những sa nhân như Hitler. Phải chăng con chưa được nghe loại nhạc có rung động đủ thấp để mà nhận thấy điều gì? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho nước Mỹ. Đăng ngày 15/10/2020.

Có những nhà ngoại cảm có khả năng nhìn vào một bức họa chẳng hạn. hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó, và thấy được nó có tác dụng cài đặt một cái móc hay một ống hút vào hào quang của người đang ngắm nhìn, hầu bòn rút năng lượng của người đó. Cũng có một số tác phẩm nghệ thuật có khả năng tải xuống một số hình ảnh hoặc ma trận năng lượng vào các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của những ai đặt chú ý vào tác phẩm. Nghệ thuật không hoàn toàn trong trắng, vô hại như nhiều người tưởng. Nhưng điều này không có nghĩa là bây giờ con phải sợ ngắm nhìn mọi tác phẩm nghệ thuật, bởi vì tất cả tuỳ thuộc phần lớn vào cách con nhìn tác phẩm hay cách con nghe bản nhạc – liệu con có mở toang ra để cho nó nhập vào mình hay không. 

Tất nhiên, điều này có thể khó biết được đối với nhiều người vì họ không ý thức được những lỗ hổng mà họ đang có trong hào quang của mình, cho nên họ sẽ dễ bị tổn thương hơn như khi họ thâu nhập, hay để cho người khác bòn rút năng lượng từ cảm thể của họ chẳng hạn. Đối với những ai nhậy bén hơn, họ có khả năng học rất nhanh cách cảm nhận độ rung trong tim họ, tức là liệu bức tranh mà họ đang ngắm có nâng cao hay kéo thấp độ rung, có nâng cao hay kéo thấp cảm giác trong tim họ. Chẳng hạn có người học được cách nhận thấy năng lượng bị hút ra khỏi họ khi họ đang lắng nghe một loại nhạc nào đó. Ai ai cũng có thể học được khả năng này nếu mình sẵn sàng học hết tiến trình, nhưng để thực sự học được thì mình phải trung dung.

Con không thể thiếu trung dung như rất nhiều người khi họ không sẵn lòng cảm nhận xem năng lượng của họ có bị đánh cắp hay không, bởi vì họ quá ham nghe một loại nhạc nào đó do một quyết định của ngoại tâm, hoạc vì họ quá muốn xem một tác phẩm nào đó, hoặc nữa, vì họ tin – như một số người tâm linh hay muốn tin như thế – rằng mọi loại nghệ thuật “đều tốt thôi”.     

Sự phân biện đòi hỏi một sự sẵn sàng muốn biết – và trên căn bản, điều này đòi hỏi là con ở trong một trạng thái trung dung hầu con tự do cảm nhận: “Tác phẩm này đang tác động tôi như thế nào? Nó có kéo thấp năng lượng của tôi? Nó có lấy mất năng lượng hay nó nâng cao năng lượng của tôi? Liệu tôi có nhận được năng lượng tích cực từ nó hay không?”

Ca khúc “Let it be” của The Beatles

Hỏi: Có phải ca khúc “Let it be” của The Beatles lấy cảm hứng từ Mẹ Mary không? Lời ca có vẻ cho thấy điều đó: “Khi tôi gặp khó khăn, Mẹ Mary đến với tôi để nói những lời trí tuệ, Hãy buông và để yên cho họ…vân vân và vân vân”.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 8/9/2020.

Vâng, Mẹ Mary vừa nói: “Không. Ban nhạc The Beatles không có khả năng hòa điệu với tâm thức của ta hay tâm thức của bất kỳ chân sư thăng thiên nào khác.”

Âm nhạc để phát huy tâm linh

Hỏi: Con đang có chút mâu thuẫn về nhạc rock. Con chơi đàn guitar và thấy đó là một phương tiện biểu đạt rất sáng tạo. Con vẫn vô cùng thích thú khi chơi những bản nhạc nổi tiếng như của The Who, Led Zeppelin, The Rolling Stones, The Doors và Kiss. Con thấy khi chơi, con cảm thấy vui sướng và hạnh phúc. Con chỉ thắc mắc làm thế nào việc liên tục lắng nghe những ban nhạc này sẽ giúp con phát triển tâm linh (qua Ki-tô). Thày có cảm nghĩ gì về nhóm nào hay loại nhạc nào có thể làm trì trệ sự tăng trưởng tâm linh của con?


Trả lời từ chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Con nói là con có mâu thuẫn về nhạc rock. Lý do là vì khả năng trực giác của con đang nói với con rằng có điều gì đó mà con chưa hiểu hay chưa nhìn thấy về loại nhạc này cũng như về tác động của âm nhạc nói chung. Ta thực sự khuyên con nên lắng nghe sự nhắn nhủ nội tâm này. Con hãy nỗ lực mở rộng trực giác của con và tham gia học hỏi về âm nhạc và sự tác động của âm nhạc.

Nhiều nền văn hóa cổ xưa có lời dạy về tác động của âm nhạc, cả tốt lẫn xấu. Một số văn hóa cổ xưa tin rằng cách nhanh chóng nhất để phá nát một xã hội là chơi loại nhạc sai lầm. Ngay cả khoa học hiện đại cũng bắt đầu hiểu ra là âm nhạc có tác động sâu xa trên con người. Nghiên cứu khoa học cho thấy trong khi nhạc cổ điển có thể giúp cây cối phát triển tốt hơn thì nhạc rock lại có tác đụng ngược lại. Con cũng có thể tìm thấy những nghiên cứu về tác dụng của âm nhạc trên việc học vấn.

Bằng cách tìm hiểu về các loại tác động của âm nhạc, con sẽ cho trực giác của con cơ hội hoạt động và đó sẽ là nền tảng để con nhận được thêm trực nhận từ bên trong.  

Tuy nhiên ta sẽ cho con mốt số gợi ý để con suy ngẫm. Như được trình bày khắp trang mạng này, ngay cả khoa học hiện đại cũng công nhận rằng mọi thứ đều là năng lượng. Như chúng tôi mô tả, chung quanh cơ thể con người có một trường năng lượng. Trường năng lượng này được kết nối với tâm. Thật không khó khăn gì để thấy được là sóng âm thanh do âm nhạc phát ra là những sóng năng lượng và chúng có thể ảnh hưởng lên trường năng lượng của con người.

Trong trường năng lượng của con người có một số trung tâm năng lượng, thường gọi là luân xa. Có cả thảy bảy trung tăm năng lượng chính, nằm dọc theo cột sống. Trung tâm năng lượng thấp nhất là luân xa gốc, cao nhất là luân xa đỉnh đầu, và ở giữa là luân xa tim.

Dòng sống của con, và ngay cả cơ thể vật lý, được nuôi dưỡng bởi một dòng năng lượng chảy xuống từ cái ta tâm linh vào trường năng lượng. Năng lượng này đi vào trường qua luân xa tim và một phần năng lượng chảy xuống luân xa gốc. Điều gì xảy ra cho năng lượng sau đó được định đoạt do sự chú ý của con. Chính sự chú ý hướng dẫn dòng chảy của năng lượng qua năng trường của con.

Cái gì kiểm soát sự chú ý của con? Chú ý bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những sở thích cá nhân của con. Nói cách khác, con yêu thích gì nhất thì con sẽ tập trung chú ý vào đó nhiều nhất, và vì thế nó sẽ nhận được nhiều năng lượng nhất của con. Hiển nhiên luân xa tim là trung tâm tình yêu trong con người con. Do đó, luân xa tim của con là chìa khóa kiểm soát năng lượng sẽ đi về đâu. Con cần phải bảo đảm con yêu thích những thứ sẽ giúp con tăng triển. 

Nếu con yêu thích những đồ vật của thế gian, năng lượng của con sẽ biểu đạt chủ yếu qua ba luân xa thấp, qua đó con sẽ trao cho năng lượng một rung động gần với độ rung của vũ trụ vật chất. Điều này cuối cùng sẽ tạo ra một vòng xoáy năng lượng mà từ lực sẽ lôi kéo các ý nghĩ và cảm xúc của con về đó. Nói cách khác, con càng đổ nhiều năng lượng vào những ham muốn đồ vật thế gian thì năng lượng đó sẽ càng kéo mạnh ý nghĩ và cảm xúc, buộc chặt con hơn với đồ vật thế gian.  

Ta không nói rằng điều này nhất thiết là sai trái. Một dòng sống có thể có ham muốn chính đáng trải nghiệm những sinh hoạt của vũ trụ vật chất. Tuy nhiên chúng ta đều biết nhiều người bị mê mải trong đủ loại ham muốn vật chất đến độ cả đời họ bị tiêu hao trong nghiện ngập.

Một dòng sống thường trải qua nhiều kiếp sống đeo đuổi các ham muốn đồ vật thế gian. Tuy nhiên hầu hết mọi dòng sống cuối cùng đều sẽ đạt tới một điểm khi họ cảm thấy cuộc đời không chỉ là chuyện hưởng thụ thế giới vật chất mà phài là gì nhiều hơn. Đây là điểm khi nhiều dòng sống khởi sự tiến trình thức tỉnh tâm linh. Và ở điểm đó, con có thể đẩy mạnh sự tăng trưởng tâm linh của con bằng cách nhận thức rõ hơn con sử dụng năng lượng như thế nào. Nói cách khác, nếu con tiếp tục đổ năng lượng vào vòng xoáy đang buộc chặt con vào thế giới vật chất, con sẽ làm trì trệ bước tiến tâm linh của con. 

Nếu con muốn đẩy mạnh phát triển tâm linh, con cần khởi sự yêu thích những thứ của Tánh linh. Khi yêu thích những “đồ” tâm linh, con sẽ hình thành một cục nam châm trong luân xa tim, và nó sẽ lôi kéo năng lượng lên qua luân xa tim và biểu đạt những năng lượng này qua ba luân xa cao. Điều này cuối cùng có thể sẽ mở luân xa đỉnh đầu, là chìa khóa cho sự giác ngộ tâm linh.

Khi con bắt đầu hiểu hơn về dòng năng lượng, con thấy rõ là nếu con thực sự muốn tăng trưởng tâm linh, con cần nghe và chơi những loại nhạc sẽ khiến năng lượng con chảy qua các luân xa cao thay vì các luân xa thấp. Ta nghĩ hầu hết mọi người, bằng cách nỗ lực gia tăng trực giác và nhậy cảm, sẽ có khả năng cảm nhận được năng lượng của mình đang chảy về đâu khi họ nghe hay chơi nhạc. Ta nghĩ đại đa số sẽ nhanh chóng nhận ra là nhạc rock, nhạc jazz, nhạc rap và những hình thức nhạc nghịch tai khác sẽ ép buộc năng lượng chảy xuống các luân xa thấp, đặc biệt là luân xa gốc.    

Xin con hiểu một điểm quan trọng. Biểu đạt năng lượng qua các luân xa thấp sẽ dễ dàng mang lại cho con một cảm giác thích thú. Tuy nhiên, việc mang lại cảm giác vui sướng và sảng khoái không nhất thiết có nghĩa là sinh hoạt đó đang gia tăng sự phát triển tâm linh. Điều làm con cảm thấy dễ chịu chỉ là năng lượng tuôn qua luân xa. Cho nên cảm giác dễ chịu không nhất thiết có nghĩa là con đang thăng tiến tâm linh. Nói cách khác, con cần mở mang một khả năng phân biện nào đó hầu con có thể xác định xem năng lượng đang chảy lên luân ca cao hay chảy xuống luân xa thấp. 

Về mặt này, ta phải nói là tại hầu hết các quốc gia Tây phương, có một thành kiến cho rằng nếu có điều gì cảm thấy dễ chịu thì điều đó không thể sai trái. Ta hy vọng là con thấy điều này không cứ là đúng đối với một người quan tâm đến phát triển tâm linh. Nói cách khác, sự kiện một số loại nhạc khiến con vui vẻ hạnh phúc không nhất thiết có nghĩa là nhạc đó sẽ giúp con tiến triển tâm linh. Cho nên nếu sự phát triển tâm linh là quan tâm chủ yếu của con, con cần phải tìm những loại nhạc đưa năng lượng con đi lên thay vì đi xuống.

Ví dụ loại âm nhạc đó là rất nhiều các soạn giả cổ điển, như Mozărt, Beethoven và Handel. Cũng có một số loại nhạc Thời mới nâng năng lượng lên cao. Ấn độ có một truyền thống âm nhạc cổ xưa nhằm giúp hành giả có trải nghiệm tâm linh.

Ta có thể nói với con là chúng tôi, các chân sư thăng thiên, vô cùng mong muốn mang đến những thể nhạc mới sẽ hấp dẫn giới trẻ như nhạc rock ngày nay nhưng lại khiến cho năng lượng của con người chảy lên thay vì tập trung xuống các luân xa thấp.

Ta khuyên con nên gia nhập một chương trình tìm hiểu âm nhạc và tăng trưởng khả năng nhậy cảm của con. Nếu con có thắc mắc gì thêm, con hãy cứ tự nhiên hỏi ta vì đây là một chủ đề rất quan trọng, không những cho cá nhân con mà cho nhân loại nói chung. Con nên cần nhắc xem con có thể hướng dòng sáng tạo của con về loại âm nhạc giúp nâng năng lượng vào các luân xa ở trên.

Nhận xét của Giê-su về phim của Mel Gibson “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su”

Hỏi: Thưa thày Giê-su, thày có thể cho con sáng ngộ gì về bộ phim mới của Mel Gibson được phát hành năm 2004 “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su”? Liệu thày có xem phim này là một cản trở cho thông điệp của thày vì thày sẽ trở thành thần tượng cho hàng triệu người? Hay liệu phim này cần thiết để tăng cường cho thông điệp của thày? Đây có phải là một mô tả chính xác về sự Đóng đinh của thày hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Nếu ta được yêu cầu làm cố vấn cho một bộ phim về đời ta, điều đầu tiên ta sẽ làm là đổi tiêu đề từ “Khổ nạn” thành “Phục sinh”. Chắc chắn ta không hài lòng là đạo Cơ đốc chính thống đã đặt chú ý và trọng tâm quá đáng như vậy vào sự kiện ta bị đóng đinh, và do đó đã bỏ qua sự kiện quan trọng hơn rất nhiều là ta đã phục sinh.

Phải, ta đã bị đóng đinh và hành quyết. Tuy nhiên, hàng ngàn người khác cũng đã bị hành quyết tương tự như vậy mà hầu như chẳng có ai chú ý. Lý do là vì, tất nhiên, việc một người bị đóng đinh chẳng quan trọng gì trong lịch sử thế giới. Vậy tại sao lại xem trọng sự kiện ta bị đóng đinh? Nó thật chẳng quan trọng gì hơn việc đóng đinh một người nào khác bị hành quyết theo lối ác độc này. “Hễ các người đã làm chuyện này cho một kẻ hèn mọn này là anh em của ta, thì các người cũng đã làm cho chính ta” (Matthew 25:40). Cho nên khi con bỏ qua sự hành quyết ác độc đối với từng nấy người, thì con cũng bỏ qua nỗi khổ của họ, là chính nỗi khổ của ta.

Điều ta cố giúp mọi người nhìn ra ở đây là việc ta bị đóng đinh không quan trọng hơn, hay kém quan trọng hơn, hàng ngàn người khác bị đóng đinh. Trải nghiệm của ta chỉ khác hơn ở chỗ là ta đã được phục sinh sau khi bị đóng đinh và ta đã hiện ra trước mặt các tông đồ trong một cơ thể phục sinh. Điều này quan trọng vì khi được hiểu chính xác, nó chứng minh là mọi người đều có thể bước trên một con đường sẽ dẫn họ đến tâm thức Ki-tô. Và khi họ đạt đến tâm thức Ki-tô đó, họ có thể chiến thắng mọi thế lực của vũ trụ vật chất, kể cả chính cái chết.

Thông điệp chủ yếu của đời ta không phải là lời tuyên bố được nhắc đi nhắc lại là ta đã chết trên thập tự giá để trả thay cho tội lỗi loài người, mà thông điệp chủ yếu là mặc dù người ta đã giết chết thân thể vật lý của ta, họ đã không thể giết được ta vì ta là nhiều hơn cơ thể và ta có thể sống còn sau khi cơ thể qua đời. Đây quả thực là thông điệp đáng lý phải được “hô lớn từ mọi mái nhà” cũng như trên màn hình chiếu phim.

Mọi con người đều có tiềm năng bước theo chân ta và làm những công việc ta đã làm. Và chìa khóa để bước theo chân ta là áp dụng cùng một cách tiếp cận đối với tôn giáo mà ta đã chứng tỏ trong suốt đời mình, là đi muốt tiến trình biến hóa tâm thức mà ta đã trải nghiệm. Đó mới đúng là thông điệp chủ yếu của đạo Cơ đốc, và như ta đã từng nói, ta mong muốn mọi hình ảnh của Ki-tô bị đóng đinh được gỡ bỏ khỏi các nhà thờ Cơ đốc và được thay thế bằng hình ảnh của Ki-tô phục sinh.

Cho nên đúng vậy, bộ phim này có tiềm năng là một cản trở cho thông điệp mà ta muốn gửi ra trong thời đại này. Nếu phim này trở nên thịnh hành trong quần chúng, quả là nó có thể tăng cường cho sự trọng tâm quá mức dành cho việc ta bị đóng đinh và đau đớn trên thập tự giá, một trọng tâm đã được củng cố suốt 2000 năm qua. Ta đã có bình luận về chủ đề “Chúa hiến thân cho loài người” ở một nơi khác cho nên như vậy cũng đủ rồi.

Khi con xem một bộ phim, con rất nên chú ý đến mức độ năng lượng của mình trước và sau khi xem phim. Nếu con nhận thấy mức năng lượng giảm xuống, con có thể chắc chắn là phim đã hút cạn năng lượng tích cực của con. Đại đa số các nhà làm phim không nhận thức rõ về sản phẩm của mình, nhưng những loại phim như vậy luôn luôn bị tà lực ảnh hưởng vì tà lực dùng bộ phim để đánh cắp năng lượng tích cực của người xem. Điều này đặc biệt đúng với các loại phim gây sốc cho khán giả qua các hình ảnh khủng khiếp, tình dục hay bạo lực.

Ta nghĩ người xem phim “Cuộc Khổ nạn” nếu họ chú ý đến mức năng lượng của mình, sẽ nhận thấy họ bị rút cạn hết năng lượng sau khi xem phim. Lý do thật đơn giản. Phim này chú tâm quá đáng vào nỗi đau đớn của ta trước và trong khi bị đóng đinh. Nói thật, ta thà không có tín hữu Cơ đốc nào nhìn thấy những hình ảnh của một người bị đóng đinh với thân thể đầy máu được trình bày là Giê-su Ki-tô.

Đó thật không phải là một cách mô tả chính xác về cách hành quyết này. Hiển nhiên là có chút máu nhưng không nhiều lắm. Những hình ảnh như vậy chỉ nhằm tạo chấn động cho người xem khiến họ làm tha hóa năng lượng của Thượng đế, rồi năng lượng này bị bọn quỷ dữ, tà thể cùng các linh hồn không xác hút lấy, vì chúng sống còn nhờ năng lượng tha hóa. Thẳng thắn mà nói, các rạp chiếu phim thường là vùng sinh sôi cho những loại sinh thể thấp kém đó, đặc biệt những rạp chiếu các bộ phim kinh hoàng, phim khiêu dâm và phim bạo lực giết chóc. Ta lượng định phim này là một loại phim nửa chừng giữa phim bạo lực và phim kinh hoàng.

Cho nên, không, bộ phim này không phải là một mô tả xác thực về sự đóng đinh. Đương nhiên, việc ta bị xét xử công khai và bị đóng đinh không là một trải nghiệm thú vị gì. Chính vì vậy mà vào buổi tối trước đó, ta đã băn khoăn đến độ xin Thượng đế lấy chén khỏi tay ta. Dẫu sao thì khi ta quy phục Thượng đế qua những lời: “Dẫu vậy, xin ý Cha được thành, chứ không phải ý con,” (Luke 22:42) thì ta đạt được một trạng thái an bình nội tâm sẽ theo ta trong suốt trải nghiệm.

Con sẽ nhận thấy là những ai trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt tột cùng thường có một cảm giác bình an nội tâm với rất ít đau đớn, khó chịu. Các nhà khoa học giải thích sự kiện này là do các hóa chất trong bộ não tạo ra. Đúng là hóa chất có một vai trò nào đó, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là trạng thái an bình nội tâm của dòng sống. Chính sự an bình nội tâm giúp cho hóa chất được phóng thích, chứ không phải hoá chất chế tạo được sự an bình nội tâm. Cho nên ta ở trong một trạng thái an bình như vậy trong toàn bộ cuộc trải nghiệm, và vì vậy ta đã không đến nỗi bị đau đớn như nhiều tín hữu Cơ đốc tưởng tượng. Chắc chắn ta đã không đau đớn như được mô tả trong phim.

Trong thời gọi là Thời kỳ Tăm tối [khoảng từ năm 500 đến 1000 SCN], việc người ta đồng cảm với nỗi khổ của Ki-tô là một chuyện tự nhiên, vì đời sống của họ thật cùng khốn, đau khổ. Như ta có giải thích suốt trang mạng này, các chân sư thăng thiên luôn luôn cố gắng tiếp cận con người qua một thông điệp tâm linh có khả năng giúp họ vươn lên cao hơn, và để chạm được họ, các thày phải đến gần họ với một thông điệp phù hợp với trạng thái tâm thức của họ lúc đó. Nếu họ đang trải qua nhiều đau khổ và nếu họ thấy được một vị sáng lập tôn giáo cũng phải nếm đau khổ, thì điều này quả thực có thể giúp họ mở tim ra nhận lấy thông điệp tâm linh.

Đó là một cách phải chăng để con người mở tim ra với Ki-tô trong những thời kỳ họ phải chịu rất nhiều khổ đau. Tất nhiên trong thế giới ngày nay vẫn còn những người bị khổ suốt đời, và họ có thể được giúp qua việc nếm trải khổ nạn của ta trên thập tự giá. Nhưng dẫu sao, thông điệp chính yếu vẫn nên là: qua việc nỗ lực đạt tâm thức Ki-tô, con sẽ vượt qua đau khổ, sẽ thay đổi hoàn cảnh bên ngoài của con và đem lại vương quốc Thượng đế trên trái đất. Không bao giờ thông điệp của các chân sư là con người phải tiếp tục đau khổ cả đời mình rồi sau đó mới được hưởng vương quốc Thượng đế sau khi chết. Mục đích của các thày là chấm dứt đau khổ ngay trên trái đất và đem Nước Trời vào thế gian này.

Ta hoàn toàn thông cảm là trong thế giới hôm nay có nhiều người đã trải qua rất nhiều đau khổ, kể cả chính Mel Gibson. Rồi điều này khiến họ nhận diện chính họ trong ta, vì ta cũng đã đau khổ. Tuy nhiên, điều xảy ra cho nhiều người là đau khổ tạo ra những vết thương cảm xúc trong cỗ xe linh hồn. Cho nên nếu họ tập trung vào khổ nạn của ta trên thập tự giá mà không hiểu thông điệp rằng họ có khả năng vươn lên khỏi đau khổ, thì việc tham gia đạo Cơ đốc sẽ không giúp họ tăng triển tâm linh.

Trái lại, việc tham gia vào đạo Cơ đốc có thể làm thui chột sự tăng triển tâm linh của họ, khiến họ cảm thấy mình phải chịu khổ đau vì chính ta đã khổ đau. Thật là một cách suy luận méo mó xuyên tạc đến độ nó thách thức khả năng hiểu của ta. Vậy mà vẫn có những dòng sống bị thương tích quá nặng đến mức họ không chịu buông những vết thương đó ra. Họ bám lấy vết thương vì vết thương đã trở thành một phần trong ý niệm bản sắc của họ, và họ không thể tưởng tượng là họ có thể được chữa lành khỏi vết thương. Cho nên một cách nào đó, họ biến khổ nạn của ta trên thập tự giá cùng cái chết của ta do khổ nạn đó thành một lời biện minh là họ không được chữa lành vết thương và bước lên một tầng cao hơn. Thậm chí họ còn cố dùng tấm gương của ta để xúi giục người khác thương xót họ, thương xót nỗi đau của họ.

Như ta vừa nói, thông điệp ở trung tâm cuộc đời của ta là: Con không phải khổ đau. Khi con bước theo chân ta và để cho cái tâm ở trong Giê-su Ki-tô bước vào trong con, con có thể khắc phục đau khổ con người và đạt được an bình nội tâm. Thậm chí con có thể thay đổi cả những hoàn cảnh vỏ ngoài đã tạo vết thương trong con. Con nghĩ tại sao ta đã chữa lành người bệnh tật và vực người chết sống lại nếu không phải là để minh chứng tâm thức Ki-tô có quyền năng trên mọi điều kiện vật lý? Con nghĩ tại sao ta đã chứng tỏ là một người với tâm thức Ki-tô có thể chinh phục chính cái chết nếu không để minh chứng là mọi người đều có tiềm năng chinh phục cái chết?

Cho những ai đang đọc dòng chữ này, hãy để ta đưa ra một lời khuyên nhủ. Xin con đừng cảm thấy mình có nghĩa vụ đi xem phim này chỉ vì dường như đây là một bộ phim về Giê-su Ki-tô và con cảm thấy mình phải biết rõ ta đã phải khổ đến chừng nào vì con. Con tuyệt đối không có bổn phận đi xem một bộ phim trưng bày nỗi khổ mà ta không hề trải nghiệm, một bộ phim mô tả việc ta bị đóng đinh thật thiếu chính xác. Và như vậy ta cho phép con được tự do không có bất kỳ cảm giác nghĩa vụ nào mà con có thể có.

Ta làm vậy vì ta biết rõ nhiều tín hữu Cơ đốc sẽ cảm thấy mình có bổn phận phải xem phim này chỉ vì bộ phim nói về ta. Nhưng như ta đang cố giải thích, phim này thực sự không phải về ta. Phim này là về một hình ảnh sai lạc đã được đạo Cơ đốc truyền thống củng cố từ 2000 năm qua. Và những hình ảnh được trình chiếu suốt bộ phim không phát xuất từ một viễn quan chân chính mà từ sự hư cấu của những người mang một quan niệm mất cân bằng về đau khổ.

Ta cũng biết là nhiều vị lãnh đạo Cơ đốc, kể cả Tòa thánh Vatican, sẽ tuyên bố là phim này trình bày sự kiện đóng đinh đúng y như thực. Một số sẽ nói như vậy vì họ tin thật như thế. Một số sẽ nói như vậy vì họ nhìn thấy một cơ hội chính trị để quay sự chú ý của mọi người về cái họ tin là quan điểm đúng đắn duy nhất về Ki-tô, tức chính quan điểm của họ.

Ta buồn là Vatican đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với bộ phim, nhưng ta không ngạc nhiên. Rõ ràng, như đã được giải thích nơi khác, là Giáo hội Công giáo đã che khuất thông điệp đích thực của ta cho nên ta không ngạc nhiên khi chính đức Giáo hoàng cầm giữ một hình ảnh không thật về việc ta bị đóng đinh. Dù sao thì ta cũng không thấy được lý do tại sao người Công giáo phải có bổn phận đi xem phim này.

Ta không đang nói là con không nên xem phim, mà ta nói là con nên thoát ra khỏi mọi bó buộc phải xem phim. Con cần lắng nghe các sáng ngộ từ cái ta Ki-tô của con. Nếu con cảm thấy một sự thôi thúc nội tâm muốn xem phim, bằng mọi cách con hãy làm theo.

Tuy nhiên, ta rất khuyên con nên sử dụng các bài tập về sự bảo vệ tâm linh trước khi xem phim. Ta cũng rất khuyên con nên hình dung một quả cầu ánh sáng trắng tinh bao bọc con trong suốt thời gian xem phim, và con rất cẩn thận để không rơi vào những loại cảm xúc tiêu cực do xem phim.

Con hãy quan sát thật kỹ bộ phim làm thế nào để gia tăng tác động gây hết cơn sốc này đến cơn sốc khác cho đến khi người xem không còn khả năng giữ được tâm an bình nữa. Họ bị rơi vào một trạng thái chấn động lẫn chấn thương khiến họ mở toang ra với các thế lực muốn đánh cắp năng lượng của họ.

Con hãy dùng sự nhận biết của mình để tránh trở thành một nạn nhân cho sự thao túng tinh vi của phim này. Hãy tránh bị làm mồi cho mong muốn thương xót ta – vì nói cho cùng, dường như ta đang làm tất cả những chuyện này vì con – đến độ con bị đánh lừa và cảm thấy con phải mở tâm ra cho các hình ảnh hung bạo trong phim. Đây rõ ràng là một mưu toan lợi dụng tình yêu chân thực mà một số người có đối với ta, cùng ý thức bổn phận sai lạc mà nhiều người hơn nữa có đối với ta. Nó đánh lừa con để con mở tâm tiềm thức ra đón nhận thông điệp ẩn giấu bên dưới của bộ phim, và ta khuyên con chú ý đến thông điệp này. Con sẽ ngạc nhiên trước những tiết lộ mà cái ta Ki-tô của con có thể cho con nếu con lắng nghe nó với tâm cởi mở.

Ta không bảo là Mel Gibson đã làm việc này một cách ý thức. Ông chỉ đơn giản chạm vào mạch, và bị mắc bẫy, cái động lượng từ ngàn năm nhằm đưa ra một hình ảnh sai lạc về Ki-tô hầu ngăn cản mọi người bước theo gương của ta. Kết quả là bộ phim mang một thông điệp rất phá hoại. Đó là một thông điệp giả dối, và ta khuyên con nên coi chừng nó và tránh bị nó đánh bẫy.

Cho nên nếu con muốn coi phim này, con hãy xem đó như một trải nghiệm giáo dục. Con lắng nghe cái ta Ki-tô của con để học được bài học cụ thể mà cái ta Ki-tô muốn con học từ việc xem phim. Bài học này sẽ hơi khác đối với mỗi người.