Đức Phật bất động và đức Phật hằng động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 4/7/2016 nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama và thật là một đặc ân cho ta – và đã từng là đặc ân nhiều lần rồi – được niêm đại hội này của chân sư thăng thiên tại Hàn quốc. Ta muốn các con biết là từ cõi thăng thiên, các chân sư xem hội nghị này là một thành công mỹ mãn. Các con đã thể hiện một quyết tâm đáng kinh ngạc để chung sức với nhau, hòa điệu bản thể với nhau cũng như với các thày. Vì vậy, các thày đã có thể nhân lên các bài chú cùng bài thỉnh, và các con cũng đã có thể nhân lên các bài truyền đọc qua luân xa của mình, khiến cho các bài giảng thâm nhập vào tâm thức tập thể với uy lực thật dõng mãnh. Điều này, các thày vô cùng biết ơn và khen ngợi các con.

Các thày đã ban cho các con rất, rất nhiều lời dạy mà ta tin tưởng các con sẽ tiếp nhận, suy ngẫm, thảo luận, và ngay cả các con cũng có thể viết lách và trao đổi với nhau. Bằng cách đó, các con có thể dùng những lời dạy vỏ ngoài này để đạt một hiểu biết nội tâm sâu sắc hơn về một số điểm tuy không được nói ra thành lời nhưng vẫn được diễn tả ở những tầng mức cao hơn. Điều con cần hiểu là khi các thày đưa ra một bài truyền đọc, những gì được nói lên trong cõi vật lý chỉ là một phần của toàn bộ công việc trao truyền. Hiển nhiên không chỉ có ánh sáng được chuyên chở qua lời nói, mà bài truyền đọc còn mang theo một bộ phận ở tầng mức xúc cảm, lý trí cũng như bản sắc. Nếu con sẵn lòng sử dụng lời nói trong cõi vật lý làm nền tảng, con có thể học cách hòa điệu với các thành phần cảm xúc, lý trí và bản sắc rất khó chuyển đạt qua ngôn từ. Con vẫn có thể có được một cảm nhận trực giác, một trải nghiệm trực quan về toàn bộ những điều mà các thày mong muốn trao truyền qua bài truyền đọc.

Tất nhiên, các thày còn rất nhiều điều muốn nói về – và nói cho – đất nước Hàn quốc cũng như các nước khác tại châu Á. Cho nên các thày mong mỏi sẽ còn những cơ hội khác để trình bày thêm trong tương lai. Nhưng ngay bây giờ, ta muốn các con cảm thấy là hội nghị này tự thân nó đã đầy đủ. Như các thày có nói trước đó, mỗi hội nghị đều mang một tiềm năng thấp và một tiềm năng cao, và với hội nghị này thì các con đã vượt cao hơn cả tiềm năng cao. Điều ta muốn làm ở đây là một điều có lẽ đã chưa xảy ra trong hội nghị này vì rất nhiều người trong số các con chưa quen thuộc với giáo lý và đây cũng là lần đầu tiên các con tham dự một hội nghị của chân sư thăng thiên.

Bị kẹt trong quá khứ hay trong tương lai

Ta mong muốn đem đến cho con một sự thưởng thức về giây phút hiện tại, thưởng thức hiện tại bất tận. Như các thày đã có đề cập, nhiều người trên địa cầu đã lớn lên và được dạy dỗ để không sống trong giây phút hiện tại, mà ngược lại họ bị vướng mắc trong quá khứ hay bị kéo hút về phía tương lai. Một số người từng bị mắc kẹt ở một điểm quá khứ nào đó, có thể là vì họ đã sống qua một sự kiện đau buồn đến độ vết thương tình cảm khiến họ không làm sao thoát ra khỏi cơn đau, thoát ra khỏi vết thương, và họ cứ mãi sống đi sống lại giây phút đó. Hoặc cũng có thể vì họ được sống qua một sự kiện vui sướng trong đời đến độ họ cảm thấy không còn gì có thể vượt trội được trong tương lai.

Nếu con đến thăm Công viên Olympic ở đây và đọc tên các lực sĩ đã giành được huy chương tại Thế vận hội 1988, con sẽ thấy rất nhiều lực sĩ đã cảm nhận việc giành được huy chương, lập kỷ lục mới, đứng trên bục chiến thắng và nhận huy chương của mình là đỉnh cao trong đời mình. Nhiều người đã cảm thấy thật sự chẳng có gì có thể so sánh được với niềm vui đó, và vì vậy phần còn lại cùa đời họ đã thua kém giây phút vinh quang đó. Và họ không ngừng luyến tiếc giây phút đó.

Tất nhiên cũng có nhiều người khác không gắn bó với quá khứ nhưng lại hướng về tương lai. Một số nhìn về tương lai với nỗi sợ một điều gì đó có thể xảy ra, cho dù đó là một tai họa trong đời sống cá nhân (như một căn bệnh hay một vấn đề nào khác) hoặc một thảm họa rộng khắp địa cầu, như đại chiến hay thiên tai. Và tất nhiên còn có những người chờ đợi ngày tận thế, như các thày đã có đề cập trước đây.

Ngoài ra cũng có nhiều người bất mãn với thời điểm hiện tại, với cuộc sống và hoàn cảnh hiện thời của họ, và họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng một ngày kia cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Nhiều người hy vọng là nếu họ cứ tiếp tục làm những gì người ta bảo họ làm, nếu họ cứ làm y như xã hội và cha mẹ họ đã sắp đặt cho họ, thì sẽ tới ngày họ nhận được phần thưởng mà họ mong mỏi sẽ nhận được.

Như các thày đã nói, các con là những vị đồng sáng tạo, cho nên nếu con cứ thụ động ngồi chờ như vậy thì đó sẽ không phải là cách tiếp cận xây dựng nhất. Nếu con ngồi chờ người khác, chờ xã hội hay chờ một công ty nào đó một ngày kia sẽ tới thay đổi đời con, thì rất có thể con sẽ thất vọng. Nếu con ngồi chờ một sinh thể Linh thiêng nào đó xuất hiện trong đời con và ban cho con mọi thứ con muốn, thì bào đảm con sẽ bị thất vọng.

Thưởng thức giây phút hiện tại

Hiển nhiên ta mong muốn con hiểu được một trong những lời dạy cốt yếu của Phật, những lời dạy tâm truyền đích thực của Phật, chính là khả năng sống trong giây phút hiện tại. Thật ra tất cả các con đều có khả năng đó, khả năng sống trong khoảnh khắc, nhưng một số sẽ gặp khó khăn khi đem vào thực hành. Nếu con đã trải qua một biến cố gây chấn thương sâu đậm trong đời mình và con cần trị liệu tâm lý, thì việc con khó lòng sống được trong khoảnh khắc hiện tại là một điều dễ thông cảm. Trong trường hợp này, các thày khuyến khích con nên tìm sự giúp đỡ qua một số hình thức trị liệu khác nhau. Tất nhiên các thày cũng khuyến khích con sử dụng các giáo lý và dụng cụ tâm linh của các thày để chữa lành tâm lý. Nếu con đã sống qua một đỉnh cao cuộc đời trong quá khứ và con luyến tiếc thời điểm đó, cách trị liệu thật sự duy nhất là con cần lấy quyết định ý thức là mình sẽ không còn ngoảnh lại nhìn về quá khứ, mà thay vào đó con sẽ mở tâm ra để nhận món quà mà con có thể nhận được ngay trong giây phút hiện tại.

Nếu con nhìn về tương lai với lòng sợ hãi một tai hoạ nào đó, thì một lần nữa ta khuyến khích con sử dụng những dụng cụ thích hợp để giải quyết chấn thương này, vì rõ ràng một chấn thương đã khiến con nhìn tương lai với lòng sợ hãi. Nếu con nhin về tương lai với hy vọng đoạt được một loại phần thưởng nào đó, ta khuyến khích con nhận ra mình là một vị đồng sáng tạo. Nếu con muốn một tương lai tốt đẹp hơn, con sẽ cần tự mình đồng sáng tạo ra tương lai đó thay vì thụ động ngồi chờ một cái gì bên ngoài thị hiện nó giùm con.

Con cần hiểu là để đồng sáng tạo một tương lai tốt đẹp hơn, con cần khởi sự bằng cách biết thưởng thức giây phút hiện tại, thưởng thức hoàn cảnh con đang gặp, như thày Saint Germain vừa trình bày với rất nhiều minh triết. Đây là một lời dạy then chốt của Phật – hãy có mặt trong hiện tại. Lời dạy này rõ ràng nhất trong Phật giáo Thiền tông có trọng điểm là trải nghiệm hiện tại. Ta không đang bảo con phải trở thành một thiền gia Phật giáo, nhưng ta muốn nói là việc sống trong hiện tại, ít ra trải nghiệm được hiện tại ở một số thời điểm nào đó, là một việc chính đáng.

Một khung tham chiếu

Bây giờ ta muốn dẫn con làm một bài thực tập nho nhỏ. Mục đích của ta là giúp con có được một kinh nghiệm về hiện tại. Con yêu dấu, con vừa tham gia hội nghị chân sư thăng thiên này. Suốt bốn ngày liền, một số các con đã ở đây. Con đã tham dự những bài đọc chú, bài thỉnh, bài nguyện. Con đã lắng nghe những bài truyền đọc. Con đã tương tác với nhau. Đối với nhiều người trong số các con, đây đã là một tiến trình hướng đến một mục tiêu. Luôn luôn có thêm bài thỉnh để đọc, bài giảng để nghe. Nhưng bây giờ con đã tới bài truyền đọc chót và con đã đọc bài thỉnh chót. Không còn gì khác để con hướng tới trước mặt, và do đó ta khuyến khích con nhìn ra là món quà quý giá nhất mà con có thể đem về từ hội nghị này là một trải nghiệm: Con trải nghiệm mình hoàn toàn hiện diện trong hiện tại, mình thưởng thức giây phút hiện tại.

Con yêu dấu, ta khuyến khích con tự nhủ trong tâm con: “NGỪNG LẠI! Tôi sẽ ngừng các khuôn nếp suy nghĩ quen thuộc của tôi.” Ta khuyến khích con hãy lui lại và nhìn vào chính mình, và nhận thấy trong tâm con luôn luôn có một khuôn nếp đang phóng chiếu ý tưởng hay cảm xúc lên màn hình sự nhận biết ý thức của con. Những ý tưởng và cảm xúc đó đang lôi kéo nhận biết của con vào một phản ứng nào đó, một chuỗi những ý nghĩ và tình cảm, có khi giống như một cuộn phim đang trình chiếu tự động. Chú ý của con bị cuốn theo đó mà con không thực sự hay biết chuyện gì đang xảy ra.

Bây giờ ta kêu gọi con nhận diện những gì đang xảy ra trong tâm con và nhận biết một cách ý thức rằng đơn giản, nó giống như một cuộn phim đang trình chiếu trên một màn hình trong rạp xi-nê hay trên máy truyền hình của con. Ta khuyến khích con nhận ra là con không cần bắt cuộn phim đó ngừng lại.

Có rất nhiều Phật tử cho rằng trong khi thiền định, con phải cố ngừng mọi ý tưởng, nhưng điều này rất khó thực hiện ngay cả đối với một thiền gia vô cùng thành thạo. Điều ta nói con làm là tự nhủ: “NGỪNG LẠI! Tôi sẽ không còn đồng hóa với cuốn phim những ý tưởng và cảm xúc của tôi nữa. Tôi sẽ để yên cho nó chạy, nhưng tôi sẽ đứng lui lại và tôi sẽ bước vào một nhận biết mới nơi tôi không phải là ý tưởng lẫn cảm xúc. Tôi không phải là tâm. Tôi không phải là cuốn phim đang quay trong tâm. Tôi là một sinh thể vô hình tướng. Tôi không cần bất cứ gì từ quá khứ để là con người trọn vẹn mà tôi là. Tôi không chờ đợi bất cứ gì ở tương lai để là con người trọn vẹn mà tôi là. Tôi trọn vẹn ngay bây giờ! Tôi trọn vẹn trong giây phút này đây! Tôi viên mãn!”

Khi đó, con có thể cảm nhận sâu thẳm bên trong có sự im lặng, là im lặng của Phật, là cái ta Phật của con. Hơn vậy, con cũng có thể cảm thấy như các vị Phật đang thiền tọa trong an tịnh tuyệt đối. Con không cần hình dung mình là bất cứ hình tướng nào. Thực sự con có thể, nếu điều này thích hợp hơn với con, xem mình là một sinh thể vô hình tướng, cảm thấy mình là một sinh thể vô hình tướng, và trải nghiệm mình là một sinh thể vô hình tướng.

Bây giờ ta khuyến khích con nhận ra là mình đang ngồi đây trong căn phòng này ngay lúc này. Con không một mình. Ở đây có nhiều người khác. Trong số đó có nhiều người con không quen biết. Có lẽ con đã không nói chuyện với họ trong suốt bốn ngày qua. Có lẽ con đã chưa nhìn vào mắt họ. Có lẽ con chưa thực sự tán thưởng những người đó, nhưng ta khuyến khích con hãy mở mắt ra bây giờ và nhìn chung quanh. Hãy cả gan nhìn vào mặt nhau, nhìn vào mắt nhau và chào đón nhau. Hãy cả gan nhìn vào mắt sứ giả này, đó chính thực là mắt của ta đang nhìn con xuyên qua mắt ông.

Con yêu dấu, chúng ta hãy nhận mặt nhau vì chúng ta đã đến với nhau trong một sự hợp nhất thật đặc biệt, hiếm thấy trên địa cầu này, là sự hợp nhất theo chiều ngang của các con ở dưới với các chân sư ở Trên. Đây là một giây phút đặc biệt. Đây là một giây phút hiếm có. Không mấy người đã được sống qua giây phút thế này trong cả đời mình, con yêu dấu. Ấy thế mà các con đang ở đây. Các con đang trải nghiệm giây phút này ngay bây giờ. Khi các con nhận ra là mình đang ở đây trong hợp nhất với nhau, các con đã thực hiện một công việc phụng sự tâm linh thật quý báu, vô giá. Các con đang ở đây hợp nhất với một chân sư thăng thiên, một sinh thể tâm linh. Khi con nhận ra điều này, làm sao con có thể muốn gì hơn từ giây phút hiện tại? Khi con nhận ra điều này, làm sao con có thể không có mặt trọn vẹn trong khoảnh khắc bây giờ?

Các con hãy trọn vẹn và cảm nhận là không có gì của quá khứ mà mình cần đến, không có gì của hiện tại mà mình cần đến, không có gì của thế gian mà mình cần đến, bởi vì các con viên mãn trong sự duy nhất của mình ngay bây giờ. Khi con kinh nghiệm sự viên mãn này, giờ đây con đã có một khung tham chiếu mới mà con có thể mang theo mình để mà sử dụng. Khi con có một chút thì giờ trong đời sống bận rộn của con – hay khi con quyết định dành ra thì giờ trong cuộc sống bận rộn – con có thể sử dụng bất kỳ phương thức nào mà con thích, kể cả nghe lại hay đọc lại bài truyền đọc này, đọc bài thỉnh, nghe nhạc, hay làm bất cứ điều gì hiệu quả nhất đối với con. Nhưng con hãy dành nỗ lực ra để hòa điệu với Hiện diện của ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Xong dựa trên kinh nghiệm giây phút này đây, con có thể lại chiêm nghiệm cùng cảm nhận viên mãn đó. Khi con làm vậy, con có thể đạt tới điểm con bắt đầu cảm thấy là mình có khả năng duy trì liên tục nhận biết hiện tại.

Không có phán xét trong tâm trẻ thơ

Ta cũng hiểu là lúc đầu sẽ có tương phản giữa trạng thái nhận thức bình thường của con và những khi con hoàn toàn hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại. Có những lúc con hoàn toàn hiện diện, nhưng cũng sẽ có nhiều lúc trong đời sống bình thường đòi hỏi sự chú ý của con, lôi kéo chú ý của con vào các khuôn nếp kia. Khi con ngày càng chiêm nghiệm nhiều hơn những giây phút hiện diện trọn vẹn, sinh động trọn vẹn, thưởng thức trọn vẹn đó, có thể con sẽ bắt đầu cảm thấy sự tương phản ngày càng bớt đi.

Điều này không có nghĩa là con cứ ngồi đó suốt ngày, hoàn toàn tỉnh thức trong thế toạ thiền, bởi vì chắc chắn trong cuộc sống sẽ có rất nhiều lúc đòi hỏi con phải chú ý hoàn toàn. Nhưng con có thể đạt tới điểm, mỗi khi con nghĩ về chuyện này, con có thể hòa điệu vào bên trong, và con có thể hiện diện trọn vẹn trong giây phút hiện tại ngay cả khi con đang làm một số hoạt động không đòi hỏi sự chú ý toàn bộ.

Ta không đang bảo con, như một số Phật tử Thiền tông muốn con tin như vậy, là con luôn luôn có thể sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại ngay giữa công việc bận rộn. Cuộc sống có rất nhiều đòi hỏi và thật chẳng có gì sai trái nếu có những lúc mình phải tập trung vào công việc mình đang làm và do đó mình không còn chú ý nào sót lại để mà tự hình dung, hay để cảm thấy rằng mình là đức Phật viên mãn, hoàn toàn không dính mắc với tình huống đang diễn ra trước mắt và đang thưởng thức tình huống đó từ ngoài.

Điều ta muốn nói là con có thể có một tâm thái nơi đời con là một tiến trình thưởng thức liên tục. Con thưởng thức cuộc đời nói chung, và bất cứ lúc nào con muốn, con cũng có thể hòa điệu vào bên trong và thưởng thức trọn vẹn giây phút hiện tại khi con dư ra một chút khả năng nhận biết. Tất nhiên, đây là một phần của tâm trẻ thơ, tâm ban sơ đó con.

Điều ta có thể góp thêm với những gì thày Saint Germain vừa trình bày là tâm trẻ thơ không phán xét. Nó không đánh giá. Nó không phân tích. Nó không so sánh. Trong cốt yếu, khi con bị kẹt trong quá khứ hay trong tương lai, con không ngừng phân tích, không ngừng so sánh hiện tại với quá khứ hay tương lai. Quá khứ tốt hơn hay tệ hơn hiện tại? Tương lai sẽ tốt hơn hay tệ hơn hiện tại? Luôn luôn có một câu chuyện diễn ra trong tâm, nó phân tích và nó so sánh. Khi cái ở đây lại nằm ở đó thì con không đang hiện diện trong giây phút này được, mà sự chú ý của con bị cuốn hút và tập trung vào việc phân tích. Con có khả năng – và con cần làm chuyện này một cách ý thức – trau dồi một trạng thái tâm không phán xét, không phân tích. Đây là một tiến trình tinh tế sẽ cần thời gian, nhưng bằng cách sử dụng các bài thỉnh và giáo lý của các chân sư, đó là một mục tiêu có thể đạt được.

Con có thể đạt tới điểm là con không còn nhu cầu xét đoán những gì xảy ra trong cuộc sống. Con không có nhu cầu phải luôn luôn bày tỏ quan điểm về chuyện này hay chuyện nọ, về người này làm gì hay người nọ nói gì, về các chính trị gia đang làm gì hay không làm gì, về đội thể thao địa phương làm gì hay không làm gì. Tất cả những thứ đó khiến cho hầu hết mọi người bận tâm, bây giờ nó có thể mất hẳn tầm quan trọng đến độ con không còn nhu cầu nuôi thêm cái phần trong tâm cứ muốn phán xét, hạ thấp cái này hay nâng cao cái kia. Nó luôn luôn dùng bậc thang nhị nguyên để so sánh phải với trái, tốt với xấu, trên với dưới, cái này với cái nọ. Giờ đây một cách cố tình và ý thức, con quyết định là con sẽ bắt đầu một tiến trình gạt bỏ tất cả những thứ đó sang một bên.

Con có thể đặc biệt thỉnh cầu sự tiêu hủy các năng lượng trong cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc đang kéo tâm con lặp đi lặp lại cùng những khuôn nếp đã khiến cho biết bao người bị rối bời trong cảm thể của mình đến độ họ luôn luôn cần phải bất bình về một ai đó. Họ cần có một con dê tế thần để trút hết nỗi tức giận vào đó, bởi vì họ không chịu nhìn nhận là thật ra họ đang tức giận chính họ. Bằng cách làm việc trên bản thân mình, con có thể đạt tới điểm không cần phán đoán mọi thứ nữa. Con không còn nhu cầu đánh giá mọi chuyện và con không cần có quan điểm về mọi chuyện.

Quan sát thay vì phán đoán

Vậy thì con sẽ làm gì đây, con sẽ hỏi? Cuộc đời như vậy có đáng sống hay chăng? Có nghĩa chăng là con biến thành một người không còn suy nghĩ? Không đâu con yêu dấu, không có nghĩa là con không tham gia vào cuộc sống. Có một trạng thái của tâm vượt khỏi sự phán xét dựa trên một bậc thang nhị nguyên, và đó là tâm thái khi con chỉ đơn giản quan sát. Không là đánh giá, phán xét nhị nguyên tương đối, mà là quan sát. Con có thể bắt đầu với sự quan sát bản thân dựa trên một chuẩn mực vô cùng đơn giản – nếu con muốn dùng từ “chuẩn mực”.

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã hòa điệu vào Hiện diện của ta và nhận được ý tưởng rằng mục đích cuộc sống là quả vị Phật. Ông đã nhận ra là để đạt được quả vị Phật, ông sẽ cần khắc phục các dính mắc của mình. Ông có một khải tượng – mà ông nhận được từ ta – và ông nhìn thấy thời điểm ta kinh qua cuộc khai ngộ chót trước khi nhập Niết bàn. Ngồi dưới cây Bồ đề, ta phải giáp mặt với bọn quỷ của Mara. Ông ngộ ra là bọn quỷ Mara đã tìm cách xâm nhập vào tâm ta để cố tìm một khuôn nếp nào đó, một dính mắc nào đó mà chúng có thể sử dụng để lôi kéo chú ý của ta và khiến ta rơi vào một khuôn nếp phản ứng lại những gì chúng đang làm trước mắt ta.

Ông nhận ra là chúng đang cố nhìn vào dòng sống của ta, nhìn vào mọi kiếp hiện thân của ta, nhìn vào các dính mắc mà ta đã từng có, rồi chúng dùng các dính mắc này để giao tiếp với ta. Chỉ vì ta không còn dính mắc nào nữa cho nên ta mới có thể giữ tâm mình hoàn toàn tự do, không bị lôi kéo vào bất cứ gì mà quỷ Mara đưa ra. Điều này, tất nhiên, đi song song với lời dạy của thày Giê-su khi thày nói: “Ông hoàng của thế gian đến nhưng không nắm được gì nơi ta.”

Mặc dù chắc chắn sẽ có một khai ngộ chót mà con phải bước qua trước khi con nhập được Niết bàn hoặc trạng thái thăng thiên, con có thể xem cuộc sống như là phiên bản liên tục của khai ngộ nói trên. Con luôn luôn đối mặt với ông hoàng của thế gian, với bọn quỷ của Mara, và chúng chỉ có một muc tiêu mà thôi, là xâm nhập vào bản thân con, phát hiện ra một dính mắc nào đó rồi dùng nó để lôi kéo con vào một khuôn nếp phản ứng sẽ tiêu hao hết lượng chú ý có ý thức của con trong một thời gian. Đối với một số người, chuyện này không xảy ra “trong một thời gian” mà trọn một kiếp sống hay suốt nhiều kiếp sống, nghĩa là sự chú ý của họ hoàn toàn bị hao kiệt bởi một khuôn nếp nào đó, chẳng hạn như đánh bại những kẻ họ xem là thù địch, hay ham muốn một trải nghiệm nào đó, hay thực hiện một mục tiêu nào đó. Cho dù khuôn nếp đó có là gì thì rất, rất nhiều người bị cái đó làm hao kiệt chú ý trong nhiều kiếp sống. Con không nằm trong số người đó bởi vì nếu không, con đã không ở đây. Chú ý của con không hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc đời vật chất bởi vì nếu không, con đã không mở tâm ra con đường tâm linh.

Vì vậy con hãy nhìn nhận điều này, và con có thể nhìn ra là mục đích của đường tu tâm linh là lần hồi phát hiện và khắc phục các dính mắc của mình, hầu càng ngày con càng có ít vật liệu cho quỷ Mara nắm lấy, cho ông hoàng của thế gian nắm lấy để lôi kéo con vào khuôn nếp phản ứng với thế gian. Thước đo cho bước tiến của con trên đường tu là có bao nhiêu lần tâm con bị lôi kéo vào các khuôn nếp đó, chúng mãnh liệt đến chừng nào, và chúng động cảm đến chừng nào. Con càng cảm thấy chúng phai nhạt đi thì con sẽ càng trải nghiệm được an bình. Như thày Saint Germain có nói, con càng an bình bao nhiêu thì con càng có thể vui đùa với cuộc đời bấy nhiêu. Khi con đạt một lượng an bình nào đó, con sẽ bắt đầu hết gắn bó, con bắt đầu nhìn cuộc đời một cách khác hơn là đánh giá, phán xét, phân tích. Khi đó con cũng sẽ bắt đầu nhìn người khác, và nếu có ai đó kể cho con nghe chuyện đời họ, con không còn nhu cầu có bất kỳ quan điểm nào về cách họ phải sống ra sao.

Không có quan điểm về người khác

Gần như mọi lúc khi con có quan điểm về cách sống của người khác, đó là vì con cảm thấy mình bị đe doạ bởi một việc gì đó mà họ làm. Con có quan điểm là họ phải ngừng làm những chuyện khiến con cảm thấy bị đe dọa, hay những chuyện khiến con đi vào một khuôn nếp phản ứng. Rất, rất nhiều người có thái độ là khi họ phản ứng lại người khác, đó là do lỗi của người kia. Người kia là nguyên nhân khiến họ phản ứng lại. Nhưng họ đã không sẵn lòng nhìn vào thực tế là không ai có thể khiến họ phản ứng trừ khi họ đã mang sẵn dính mắc đó trong họ. Khi con bước trên đường tu tâm linh, đường tu quả vị Phật, hiển nhiên là con nhìn nhận chính con phải khắc phục các dính mắc của con. Và khi con làm vậy, không ai sẽ có thể lôi kéo con vào vòng khuôn nếp phản ứng đó.

Đó là khi con có thể bắt đầu nhìn vào người khác, và thay vì có một quan điểm được quy định bởi các vết thương và dính mắc của mình, giờ đây con chỉ giản dị quan sát. Con có thể quan sát: “Liệu người bạn của tôi có an bình hay chăng?” Nếu bạn con không an bình, con có thể dùng trực giác hòa nhập xem điều gì đã lấy mất an bình của bạn. Xong con có thể nhận được linh hứng để nói ra một điều gì đó thật đơn giản mà không cố bảo bạn phải làm gì. Con chỉ giản dị nói ra những gì con nhận xét đang lấy mất sự an bình của bạn. Có thể bạn con sẽ tìm được một cách nhìn khác về cuộc đời mà không bị cuốn hút mãi vào các khuôn nếp đó. Nếu bạn con mở tâm ra đón nhận, con có thể kể cho bạn nghe về kinh nghiệm bản thân khi con khắc phục được dính mắc của mình. Trong một số trường hợp, bạn con sẽ không sẵn sàng tiếp nhận và thậm chí còn có thể đáp trả lại một cách tiêu cực hay gạt bỏ nhận xét của con, nhưng con vẫn có thể giữ mình không bị dính mắc vào đó. Con không cần cảm thấy là mình bị chối bỏ. Làm sao con có thể cảm thấy bị chối bỏ khi con không hề có ý định thay đổi người bạn của con?

Đa số tương tác giữa con người đi theo cùng một khuôn nếp

Con yêu dấu, hầu hết mọi tương tác mà con chứng kiến ở mức cá nhân giữa con người với nhau đều có thể được xếp vào cùng một khuôn nếp. Con hãy quan sát một người mang một dính mắc nội tâm khiến họ không ngừng ở trong một khuôn nếp phản ứng nào đó. Khuôn nếp phản ứng này được kích hoạt, được khơi dậy hay được tăng cường bởi người khác. Khi họ không nhận ra nhu cầu tự cải sửa qua việc khắc phục khuôn nếp phản ứng, họ sẽ tìm cách thay đổi người khác hầu tránh không cho người khác khơi dậy khuôn nếp bên trong họ. Con thấy 98% sự tương tác giữa con người trên thế giới với nhau đều thuộc loại này, tức là người ta tìm cách thay đổi người khác hầu không phải thay đổi chính mình. Khi con bắt đầu nhìn ra sự thể này và khi con bắt đầu giải thoát khỏi nó, con sẽ cảm thấy sao mình tự do đến như vậy, an bình đến như vậy – một niềm vui không thể nào nén được!

Con yêu dấu, nếu lúc nãy khi ta dẫn con làm bài tập ở trên, con đã thực sự trải nghiệm được sự viên mãn của giây phút hiện tại, thì con cũng đã trải nghiệm được sự an bình mà con sẽ bắt đầu cảm nhận một cách liên tục khi con khắc phục các dính mắc đó. Rồi con sẽ nhìn nhận một cách ý thức: “Tôi không cần phải liên tục phán xét người khác hay phán xét cuộc đời, và thật ra tôi cũng không cần liên tục tự phán xét chính tôi. À, tôi có thể ngừng phán xét chính mình. Tôi không cần tự phán xét.” Xong con có thể giải thoát khỏi mưu đồ tinh vi của ác quỷ hay bọn quỷ Mara, là khiến con không ngừng tự phán xét mình dựa trên ý tưởng là mình thiếu sót, mình bất toàn, hay mình đã phạm lỗi trong quá khứ và giờ đây mình cần bỏ ra một thời gian dài đằng đẵng để mà bù lại. Thay vào đó, con có thể đơn giản bước vào một tâm thái – như sứ giả đã mô tả hôm trước – nơi con an bình là con người mà con là ngay bây giờ.

Con dư biết là con chưa đi muốt con đường tâm linh vì nếu không, con đã thăng thiên rồi. Con hiện đang đầu thai nhưng con không cần tự trách mình là con vẫn còn một chặng đường khá dài trước khi thăng thiên và con vẫn còn một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Con có thể chỉ đơn giản quan sát chính mình. Con quan sát các phản ứng của con. Khi con thấy con phản ứng, con không cần tự phán xét nghiêm khắc hay cảm thấy buồn bực, hay cảm thấy là mình đã phạm lỗi, hay mình là một người xấu, hay mình không là một đệ tử tốt. Con chỉ đơn giản quan sát khuôn nếp đó xong con nói: “Tại sao tôi lại phản ứng cách như vậy, đâu là cái khuôn nếp, đâu là cái tin tưởng?” Một khi con thấy rõ hơn, có lẽ bằng cách đọc các bài thỉnh và thỉnh vị chân sư mà con ưa thích nhất trợ giúp con nhìn ra, thì khi đó con có thể nhìn ra khuôn nếp đó. Rồi con có thể nói: “Liệu tôi có muốn sống phần đời còn lại của mình mà cứ lặp lại khuôn nếp này mãi hay chăng?” Nếu con cảm thấy: “Không, tôi không muốn vậy nữa” thì con hãy nhìn vào quyết định và con thay đổi quyết định đó đi một cách ý thức. Như vậy con đã tiến lên một bước về hướng tự do, nhưng con vẫn luôn ở trong trạng thái không tự phán xét.

Con không cần phán xét: “Liệu tôi có là một để tử tốt, liệu tôi đã đạt tới một trình độ cao trên đường tu hay chưa?” Con chỉ cần đợi lần sau con nhìn thấy một khuôn nếp thì con quan sát mà không xét đoán: “Đâu là tác dụng của khuôn nếp này, nó đang ảnh hưởng cách hành xử của tôi cùng cách tôi cảm nhận chính mình và đời mình như thế nào? Tôi có muốn cảm nhận như vậy hay không? Tôi có muốn hành xử như vậy hay không?” Sau đó, con hãy đi theo cùng tiến trình và một lần nữa con lại tự giải thoát khỏi nó. Cứ thế con bước lên cao hơn và con tự do hơn. Rồi khi con lần lần gia tốc tiến trình này, con có thể đạt tới điểm con cảm thấy sự an bình liên tục khi con xuôi chảy từ một tình huống sang tình huống kế tiếp. Như các thày đã có nói về các Phật tử Tây tạng, con trụ vững nơi thực tại cuộc sống là một dòng chảy không ngừng.

Con là một sinh thể vượt thời gian

Con không cần lượng định tình huống xem nó tôt hay xấu, liệu nó có thành công hay con đã mắc phải sai lầm. Con nhìn nhận là bất cứ gì xảy ra trong cõi vật chất chỉ là một biểu hiện tạm thời. Con nhận ra là mặc dù có một số hậu quả vật lý mà con không thể tháo gỡ – vì con không thể thay đổi chúng, con không thể tự gỡ mình ra khỏi chúng vì chúng đã xảy ra trong quá khứ – thì hậu quả vật lý thật sự không ảnh hưởng gì đến sự trải nghiệm cuộc sống của con, vì trải nghiệm cuộc sống diễn ra bên trong con. Nó diễn ra trong tâm con. Vì thế con có khả năng nhận ra là cho dù hoàn cảnh vật lý trải nghiệm có là gì, đó vẫn là một cơ hội để con nhìn ra khuôn nếp phản ứng trong con, để con giải thoát khỏi khuôn nếp đó rồi bước tới gần hơn với quả vị Phật.

Những gì xảy ra trong kiếp này thật sự không mang tác động nào vĩnh viễn, liên tục và vô tận trên đời con. Và khi con lần lần thoát khỏi tính phán xét, lần lần thoát khỏi sự đồng hóa với cơ thể cũng như với hoàn cảnh vật lý của con, con nhận ra con là một sinh thể vượt thời gian, một sinh thể vĩnh hằng, một sinh thể không ngừng hiện diện. Trước kiếp đầu thai này, con đã từng sống qua rất nhiều kiếp khác, và con sẽ còn hiện hữu rất dài lâu sau kiếp này. Vậy thì những gì xảy ra trong cõi vật lý có gì quan trọng đâu khi chúng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con sau kiếp này?

Con yêu dấu, nếu con có thể nhìn lại những gì đã xảy ra cho con một ngàn kiếp trước đây, con sẽ thấy là rất có thể con đã trải qua một biến cố vật lý khủng khiếp, chẳng hạn như bỏ mạng trong một cuộc chiến. Nhưng chuyện đó xảy ra một ngàn kiếp trước rồi. Ngày hôm nay liệu nó còn thực sự quan trọng hay không? Nó không quan trọng hơn khi con còn bé, con đánh mất một đồ chơi yêu quý rồi không làm sao tìm lại được. Ngày hôm nay, chuyện mất đồ chơi vào tuổi thơ ấu có thực sự quan trọng gì không?

Con nhận ra là biến cố vật lý tự thân nó không có ý nghĩa gì hết. Chúng chỉ có thể tác động con qua cách con phản ứng lại trong tâm con. Con yêu dấu, mặc dù con không thể thay đổi hậu quả vật lý, nhưng bất cứ lúc nào con cũng có khả năng thay đổi khuôn nếp phản ứng trong tâm con. Đây là chìa khóa cốt yếu để con bước tới quả vị Phật, cụ thể là con nhận ra là con luôn luôn có khả năng thay đổi những gì xảy ra trong tâm mình. Mà chính những gì xảy ra trong tâm con mới định đoạt trải nghiệm của con trong giây phút hiện tại, tức là trải nghiệm của con về cuộc sống. Chính cái đó cũng định đoạt tương lai của con, hướng đi của con trong tương lai.

Khuôn nếp phản ứng sẽ định đoạt tương lai con

Con thử nhìn xem những người vừa trải qua một biến cố không như ý. Họ đều phản ứng lại cùng một cách: Thất vọng, buồn bực, giận dữ, tiêu cực. Họ rơi vào một khuôn nếp phản ứng. Con yêu dấu, bây giờ con thử suy ngẫm điều này: Bất kỳ một biến cố nào xảy ra cho con trong cõi vật lý là một điểm độc nhất. Con đang ngồi đây ngay bây giờ, và hoàn cảnh của con ngay bây giờ là một điểm độc nhất. Trước mặt con là một mặt phẳng rộng mênh mông, một bề mặt rộng lớn như quảng trường vĩ đại kia trong Công viên Olympic vậy. Con ngồi ở một điểm và trước mặt con là toàn bộ quảng trường mở rộng. Trên lý thuyết, con có thể bước đi về bất cứ hướng nào con muốn trong quảng trường đó.

Cho dù con đã trải qua biến cố nào trong đời, con vẫn có rất nhiều con đường mở ra trước mặt về phía tương lai. Nhưng khi con có một khuôn nếp phản ứng trong tâm, khuôn nếp này sẽ ngăn cản không cho con thấy rất nhiều những con đường mở ra như vậy. Nó sẽ tập trung chú ý của con vào đúng một con đường, thường là con đường tiêu cực nhất. Con sẽ nghĩ đó là cách duy nhất con có thể phản ứng, là con đường duy nhất đưa con vào tương lai.

Ta nói với con, khi con bước đi trên con đường quả vị Phật và khắc phục dính mắc của mình, con sẽ tới một điểm khi con có thể trải nghiệm một sự cố, và từ một góc độ nào đó, đây không phải là một sự cố lý tưởng. Có thể đây không là điều con mong muốn, nhưng cho dù sự cố đó là gì, con vẫn thấy được nhiều con đường mở ra trước mặt mà con có thể đi theo vào tương lai. Vì con đã vượt qua được khuôn nếp phản ứng, cho nên con có tự do chọn lựa trong số các con đường đó, và đó chính là lúc con có thể xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Con ngộ ra đời con là một dòng chảy không ngừng, và đó không phải là một tiến trình nơi con có thể dừng lại và kẹt lại ở một điểm nào đó cho dù biến cố trải nghiệm có khủng khiếp, đau thương biết mấy. Dòng chảy không ngừng lại. Có thể con quyết định đi theo một hướng nào đó khiến con tưởng dòng chảy đã ngừng lại hay con đang bơi ngược chiều Dòng sông sự Sống và đang gặp phải sự chống đối kịch liệt, nhưng dòng chảy không hề ngừng lại.

Một khi con khắc phục khuôn nếp phản ứng, con sẽ thấy là chỉ cần một chút thay đổi trong cách nhìn cuộc sống, cách tiếp cận cuộc sống, thái độ đối với cuộc sống, thì con có thể thay đổi hướng đi đời con. Và như vậy trong tương lai, con sẽ tới một điểm đến hoàn toàn khác xa so với con đường con đã đi khi con còn mang khuôn nếp tiêu cực. Con yêu dấu, có quan trọng gi hay chăng những gì đã xảy ra trong đời sống vật lý của con? Có thực sự quan trọng hay chăng con đường mà con đã lấy miễn là con đến được điểm thăng thiên ở cuối kiếp này? Hoặc ít ra con đến được điểm cao nhất mà con có khả năng với tới hầu con mở ra một kiếp hiện thân tốt đẹp hơn khi con tái đầu thai?

Có thật quan trọng hay chăng những gì xảy ra cho con khi bất cứ gì xảy ra cũng đều có thể được dùng để thiết lập một hướng đi tốt đẹp hơn cho tương lai? Một khi con nhìn nhận điều này, con có thể tránh bị các khuôn nếp phản ứng đó lôi kéo. Con sẽ bắt đầu quan sát các khuôn nếp. Con sẽ bắt đầu giải thể các dính mắc, và với mỗi dính mắc mà con giải thể, con sẽ tiến một bước gần hơn với quả vị Phật. Hiển nhiên đây là điều mà ta mong muốn nhìn thấy nơi con. Đó cũng là điều mà ta đã cố giảng dạy và chứng tỏ cho các đệ tử của ta 2500 năm trước đây. Thuở đó quá ít người đã có thể nắm bắt được, nhưng dù sao thì một số người đã sử dụng được giáo lý của Phật để nắm bắt lấy, và ta hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ dùng được giáo lý của các chân sư thăng thiên trong thời đại hôm nay để trụ vững nơi tinh túy của con đường quả vị Phật.

Đức Phật bất động và đức Phật hằng động

Con yêu dấu, ta mong muốn trao cho con một số suy nghĩ dựa trên những gì ta đã nói hôm trước, cụ thể là ta, đức Phật, là một sinh thể hằng thay đổi. Từ khi đầu thai lần chót cách đây 2500 năm, ta đã tự thăng vượt rất nhiều lần. Tất nhiên, ta thừa biết là câu nói này có vẻ khiêu khích đối với những ai có cái nhìn truyền thống về Phật. Nhưng lời nói này cố tình khiêu khích, vì ta không muốn tâm con bị đông đặc trong một hình ảnh bất động về Phật.

Đương nhiên từ một góc nhìn phàm phu, đúng là Phật có một yếu tố dường như không thay đổi. Điều con cần hiều – hầu giải quyết một điểm có vẻ nghịch lý – là một tâm thái của con người mà ta từng gọi là “Biển Luân hồi” nơi biến động và rối loạn xảy ra không ngừng. Tất nhiên, chính các dính mắc của con đã cuốn hút con vào các khuôn nếp phản ứng trước những chuyển biến trong cuộc sống vật lý của con, và cái đó tạo ra sự rối loạn khiến đời con trở thành một tiến trình hoàn toàn hỗn độn.   

Để bắt đầu vạch ra một hướng đi mới cho đời con, một lộ trình có hệ thống để tiến về quả vị Phật, con cần khắc phục phần nào tình trạng hỗn loạn đó để tìm thấy một chút an bình, một chút im lặng, một vài giây phút nơi con có thể bước lui lại và quan sát cuộc sống. Đó là khi con được ích lợi khi con tập trung vào Phật như là Phật bất động, Phật an bình, Phật im lặng, là Phật đem lại cho con một nơi trú ẩn khỏi những náo động của Biển Luân hồi. Đây là một hình ảnh chính đáng nếu con sử dụng trong mục đích đó.

Một khi con bước lên cao hơn trên đường tu và con đã bắt đầu thiết lập một sự an bình nội tâm nào đó, thì con cần nhìn nhận là mặc dù không một thế lực nào của thế gian có thể khiến cho Phật lay động, nhưng điều này không có nghĩa là Phật đứng yên một chỗ. Nó không có nghĩa là Phật không bao giờ thay đổi. Im lặng, an bình, bất động không có nghĩa là không hằng sống, không thăng vượt. Đó là tại sao các chân sư thăng thiên ngày nay đã ban ra lời dạy về Dòng sông sự Sống, một lời dạy – mà theo một cách nào đó, hay ít ra được diễn tả với ngôn từ hiện đại hơn – vượt khỏi các giáo lý mà ta đã giảng dạy 2500 năm về trước.

Con cần nhìn nhận là ở những mức cao hơn của đường tu, ngay cả quả vị Phật cũng không đứng yên một chỗ. Con sẽ thấy là một số người ở phương Đông, cả trong truyền thống Phật giáo lẫn Ấn giáo, mô tả cuộc sống như một chiếc bánh xe. Một cách nào đó, linh hồn con hiện ra từ Niết bàn và con bước vào hiện thân, con tạo nghiệp và nghiệp này khiến con cứ phải trở lại đầu thai. Rồi con tìm ra một con đường giải thoát khỏi nghiệp để con không còn phải trở lại đầu thai. Một số người và một số vị thày dạy rằng một khi con giải thoát khỏi bánh xe luân hồi, con biến mất để trở về trong Niết bàn. Con biến mất trong tư cách là một sinh thế cá biệt. Con yêu dấu, nếu thật là như vậy thì đâu là mục đích để con hiện ra từ một trạng thái hư vô, kinh qua tất cả những biến động đó trên trái đất để rồi lại trở về trạng thái hư vô? Ích lợi ở đâu? Chẳng có ich lợi gì hết, và đó là lý do tại sao quá nhiều người cảm thấy vô vọng, như thể sự sống không có ý nghĩa gì, vì sau tất cả những phấn đấu đó thì họ chỉ đơn giản biến mất.

Không có trạng thái vô ngã

Tất nhiên, các chân sư giảng dạy sự thật rằng con là một sinh thể không ngừng hiện diện. Sau khi con thoát khỏi bánh xe luân hồi, con có thể thăng thiên và tiếp tục con đường tiến hóa có ý thức dẫn đến những tầng tâm thức cao hơn nữa. Sau khi con đã làm yên những rối loạn trong tâm, điều quan trọng, điều cốt yếu là con bắt đầu trụ vững nơi bản chất không ngừng hiện diện của con, và như vậy con cũng trụ vững nơi Bản thể của Phật. Làm thế nào con có thể cảm thấy mình đang nỗ lực tiến về quả vị Phật nếu con nghĩ đó là một trạng thái cố định, không thay đổi? Hay một trạng thái vô ngã, một trạng thái không có cái ta, như một số vị thày dạy như vậy? Nhưng con yêu dấu, không có trạng thái nào mà không có cái ta. Đúng là có một trạng thái không có ngã phàm phu, không có ngã tách biệt, nhưng không có trạng thái vô ngã, theo nghĩa là luôn luôn có cái Ta mà Thượng đế đã sinh tạo, là cá thể thiêng liêng của con luôn luôn hiện diện và tự thăng vượt.

Vấn đề không phải là chuyện khắc phục ngã phàm phu rồi biến mất vào hư vô, mà là khắc phục ngã phàm phu rồi nối kết lại với cái Ta chân thực của con. Bí quyết ở đây, con yêu dấu, là hiểu rằng đối với ngã phàm phu, việc khắc phục ngã phàm phu sẽ mang cảm giác như một trạng thái vô ngã, một trạng thái hư vô. Ngã phàm phu không thể nào hình dung nổi một trạng thái ý thức mà không có hai đối cực nhị nguyên của ngã phàm phu. Đối với nó, đối với sa nhân, cái đó có vẻ như là hư vô, nhưng nó không phải là hư vô. Nó không phải là vô ngã, mà nó là cái Ta Một. Nó là cái Ta của Phật.

Hình ảnh mà ta muốn để lại cho các con, một lần nữa, là hình ảnh một dòng sông. Khi con nhìn một dòng sông khởi nguồn cao trên núi, con thấy trong giai đọan đầu, sông chảy xuống sườn dốc rất cao, nước chảy rất nhanh và cuồng loạn. Điều này tượng trưng cho giai đọan mà hầu hết mọi người đều kinh qua khi họ bị kẹt cứng trong các khuôn nếp phản ứng, kẹt cứng trong các dính mắc của họ, đến độ họ vướng vào Biển Luân hồi với những xoáy nước, với sóng dữ và bão táp ngổn ngang hỗn loạn. Tất cả mọi thứ trong đời họ đều rối lên như thể họ bị ném tới tấp ra tứ phía bởi một định mệnh tàn nhẫn. Họ hoàn toàn không kiểm soát được đời họ và họ không thể ngừng chiếc tàu lượn cứ phóng tới.

Thế rồi khi con bước vào đường tu và khám phá sự an bình nội tâm đích thực của Phật, con giống như những đoạn cuối của dòng sông khi sông dịu dàng uốn mình giữa phong cảnh yên ắng. Con bắt đầu trải nghiệm là mặc dù dòng sông vẫn chuyển động, nó có một cái gì không bao giờ ngừng hiện diện. Nhưng con vẫn cảm thấy sự an bình vì náo động không còn nữa.

Khi con đạt đến điểm này, con sẽ có một cái nhìn khác về Phật. Khi con cảm thấy bình an bên trong chính con, cho dù con vẫn biết là con còn đang đầu thai, con xuôi chảy với Dòng sông sự Sống, và con ngộ ra là sự an bình có thể đạt được trong chuyển động. Khi đó, con sẽ nhận ra là cái có vẻ là bất động, là sự an bình tĩnh tại của Phật, thật ra không đứng yên chút nào.

Con yêu dấu, con hãy hình dung dòng sông. Con đang đứng ở một điểm nào đó trên dòng sông cho nên con có xu hướng nhìn sông từ điểm đó. Bây giờ con hãy bước ra khỏi sông, ngắm nhìn nó từ xa, từ lúc nó khởi nguồn trên núi cao vùng Đông Hàn quốc rồi chảy xuyên qua thành phố Seoul này. Xong con hãy nhận ra là dòng sông này có thể được ngắm trong sự trọn vẹn của nó. Nó được cấu tạo bằng từng phân tử nước cá biệt, nhưng con có thể xoay nhãn quan và nhìn ra toàn bộ dòng sông là một khối nước nối kết liên tục. Cái đó, con yêu dấu, chính là Phật, là toàn bộ dòng sông, là tánh duy nhất của sông đang tuôn chảy. Một số thành phần của nó náo động, một số thành phần của nó yên lặng, nhưng cả dòng sông thì chỉ là một. Cái đó, con yêu dấu, chính là Phật. Đó là im lặng trong chuyển động. Đó là Dòng sông sự Sống, và TA LÀ dòng sông đó, và con cũng là dòng sông đó.  

Con sẽ có thể nói: “Nhưng con đang ở trong dòng sông.” Phài, con đang ở trong đó, nhưng điều này không ngăn cản con nối kết với tổng thể và nhận ra rằng toàn bộ dòng sông là Phật tánh. Do đó, con có thể hòa nhập vào cái toàn thể đó, và mặc dù con đang đứng ở một điểm trên sông, con vẫn có thể thoáng trải nghiệm được toàn thể của nó. Điều này cho con một cái nhìn hoàn toàn đổi khác về cuộc sống. Đó là chìa khóa tối hậu để con khắc phục những dính mắc cuối cùng mà con còn mang trong con ngay cả ở những giai đoạn cao hơn của đường tu. Những dính mắc này cần được vượt qua trước khi dòng sông đời con có thể chảy vào đại dương tối thượng, là đại dương an bình vượt khỏi Biển Luân hồi, hoặc như ta đã từng gọi, là Bờ Bên kia.

Như vậy, con yêu dấu, ta chúc con sự an bình trong chuyển động và ta niêm con trong hòa bình mà TA LÀ. Ta niêm phong đại hội này, một đột phá thực sự để bước lên trạng thái tâm thức cao hơn cho mỗi cá nhân các con cũng như cho trạng thái tâm thức tập thể tại Nam Hàn, Bắc Hàn cũng như vùng châu Á rộng lớn. Con được niêm trong sự an bình không ngừng tuôn chảy, không ngừng hiện diện của Phật.