Những thay đổi cần thiết trong tư duy người châu Á

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama, ngày 2/7/2016, qua trung gian Kim Michaels nhân dịp một hội nghị tại Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama, và ta đến đây để gửi đến các con một số tuệ quán về một trong những thay đổi có khả năng đưa không chỉ Hàn quốc mà cả châu Á nói chung vào Thời Hoàng kim. Các con yêu dấu, ta thật vui mừng khi thấy sứ giả này đã có thể trình bày bài nói chuyện vừa rồi và cử tọa đã thực sự hiểu được những gì ông nói. Tất nhiên các chân sư chấp nhận tất cả các con như các con đang là, ngay trong lúc này, và các chân sư không mong muốn gì hơn là được thấy các con cũng chấp nhận chính mình như là những học trò trên đường tu tâm linh.    

Vì thế các con hãy an lạc bước trên đường tu, an lạc được sống, và an lạc được hiện thân trong khi các con đang hiện thân, thay vì các con đi đến cuối đường đời, hay ngay cả thăng thiên, rồi mới nhận ra là mình đã không tận dụng cơ hội đầu thai và không hoàn toàn thưởng thức cuộc đời. Và con đã không thưởng thức được cuộc đời vì con không thể chấp nhận được chính con như con là.

Bù đắp cho sự không chấp nhận bản thân

Như sứ giả này vừa nói hoàn toàn chính xác, các sa nhân đã cố tạo ra một tình trạng nơi không một ai có thể chấp nhận chính mình bởi vì luôn nghĩ rằng mình phải là một người nào khác. Con thấy trong nhiều xã hội, người ta đã tìm ra một cách bù đắp cho tình trạng này. Nếu trong một xã hội không ai chấp nhận được mình như là mình, và do đó mọi người đều có một cảm giác bất mãn, khổ sở nào đó thì làm thế nào họ sống được đây? Nhiều người sống bằng cách chấp nhận số phần của mình trong đời. Họ chấp nhận làm người nông dân, người công nhân, hay một người bình thường không bao giờ có thể thực sự vươn lên cao hơn. Một khi con chấp nhận như vậy thì con có thể, một cách kỳ lạ, sống với nó, bởi vì suy cho cùng, không ai khác trong tập thể của con có thể làm hơn con. Nếu mọi người đều khổ sở như nhau thì hầu hết mọi người sẽ thấy khổ sở cũng không đến nỗi tệ.

Nhưng con cũng thấy trong hầu hết các xã hội, có một thành phần khác đối phó với sự thiếu chấp nhận bản thân đó một cách hoàn toàn khác. Họ đứng riêng ra và tự coi mình là đặc biệt so với người khác. Họ cảm thấy họ thuộc về một thành phần xã hội đặc biệt, phần nào được nâng lên cao hơn mọi người khác là những nông dân, công nhân, những người dân bình thường. Khi con nhìn vào lịch sử hành tinh này, con thấy đây là một trong những đặc tính chủ yếu của hầu hết các xã hội.   

Các chân sư đã nói là các sa nhân, ngay từ lúc họ bị sa ngã (và thậm chí trước đó nữa trong nhiều trường hợp), đã muốn tạo ra cho mình một tư thế cao hơn, vượt trên người khác. Xu hướng muốn tạo ra một giai cấp xã hội vượt trên đa số quần chúng khởi đầu với sa nhân. Điều này không có nghĩa là bất cứ ai thuộc về một thành phần đặc bịêt của xã hội nhất thiết phải là một sa nhân. Nhiều người chỉ lỡ mắc kẹt vào tâm thức sa ngã nên họ cũng cố nâng mình lên cho thành đặc biệt. Họ tìm cách thuộc về một giai cấp đặc biệt và cảm thấy mình cao hơn, vượt trên người khác.

Phương cách mà họ thường sử dụng là bảo rằng giai cấp này có một số khả năng hay tính cách đặc biệt. Suốt các thời đại, người ta đã dùng nhiều hệ thống triết lý để biện minh cho cách phân chia đó, cách chia cắt xã hội thành giai cấp trên và dưới. Đó có thể là tôn giáo, và trong nhiều trường hợp đã là tôn giáo. Đó có thể là một triết lý cai trị. Thậm chí đó có thể là chủ nghĩa duy vật khoa học, như con thấy ngày nay có những người cho mình là có thể lực hơn mọi người mặc dù họ hiếm khi đến phòng tập thể dục.  

Con yêu dấu, người ta có đủ cách bào chữa cho sự thể này, và nếu con nhìn vào các lý do vỏ ngoài tại sao họ lại đặc biệt, nếu con tin những gì họ nói, thì con có thể nghĩ chắc hẳn họ cảm thấy rất hài lòng về bản thân và địa vị xã hội của họ. Chắc hẳn họ cảm thấy tốt đẹp hơn người khác thật, và ta phải đồng ý là có nhiều người trong giai cấp thượng lưu tin chắc là họ có những đặc tính khiến họ tốt đẹp hơn mọi người. Nhưng điều này chỉ nằm trên bề mặt của tâm thức họ, vì thực sự họ đang ở trong ảo mộng, đang tự dối gạt, đang không chịu nhìn sâu vào tâm lý họ để nhận ra là kỳ thực họ đang hoàn toàn đau khổ do không chấp nhận được chính mình.  

Có thể nói, cảm giác vỏ ngoài tự cho mình là hơn người chỉ đơn giản là một cách che đậy nỗi khổ đau bên trong, hầu giúp họ có thể sống với đau khổ mà không nhìn thấy đau khổ. Cũng y hệt như những người kia trong giai cấp hạ lưu đã tìm ra cách che đậy nỗi đau khổ nội tâm hầu họ không nhìn thấy điều đó trong sự tỉnh táo. Con nhận ra là tại châu Á nói chung, xã hội đã có một truyền thống lâu đời chia thành một giai cấp thượng lưu mang đặc quyền, và phần còn lại là những người dân cư xử một cách vô cùng khúm núm, phục tùng – nếu có thể nói như vậy – đối với giới thượng lưu.    

Sự phân rẽ trong xã hội châu Á

Vậy con có thể thấy những tàn dư của tình trạng này tại nhiều quốc gia châu Á trong cách người dân cư xử trước quyền lực, và ngay cả trong cách đối xử với nhau. Họ thường cúi đầu và cảm thấy họ phải khuất phục, đặc biệt là đối với những kẻ ở địa vị lãnh đạo hay uy quyền. Hiển nhiên là các chân sư mong muốn các con, là học trò tâm linh, vượt lên trên tâm thức này, và chấp nhận mình như mình là, và chấp nhận rằng bất kể người ta có địa vị gì trong xã hội thì con vẫn cảm thấy hài lòng trong nội tâm về chính mình, như hồi nãy có đứa con gái của con vừa bày tỏ. Bên ngoài thì con có thể tuân thủ luật lệ xã hội và làm những điều cần làm để sống còn trong hệ thống, nhưng bên trong con hãy nhận ra mình là ai và nhận ra giá trị của mình.  

Tuy nhiên người dân tại các nước Á châu cũng cần nhận ra là sự phân chia xã hội thành cao với thấp không thể nào đứng vững trong Thời đại Bảo bình. Con không thể xây dựng một xã hội hoàng kim nếu con có một giai cấp trên và một giai cấp dưới. Giai cấp thượng lưu sẽ không thể xây dựng được xã hội hoàng kim bởi vì họ không thể hòa điệu với tâm thức của Saint Germain. Làm thế nào họ có thể hòa điệu với Thánh thần của Tự do khi họ không có cả tự do trong bản thân họ, và họ không sẵn lòng ban bố tự do đó cho những thành phần thấp hơn trong xã hội?   

Các con cần chuyển đổi nhận thức của mình, cần kêu gọi mọi người nhận thức được cái cơ chế phân chia xã hội thành cao với thấp. Mọi người cần tỉnh thức về những lý do đã dẫn đến sự thể này, tỉnh thức rằng nó đã lỗi thời. Mọi người cần nhìn thẳng vào nó, công khai thảo luận về nó và sáng tạo một nền văn hóa khác hẳn.   

Một điều con nhận thấy trong nhiều nước Á châu kể cả Hàn quốc, là chỉ những ai thuộc các gia đình “chọn lọc” mới có thể đi học trường tốt và được ưu đãi trên thị trường việc làm. Nhiều hãng sở sẽ cứu xét thế lực gia đình của nhân viên trước khi bổ nhiệm vào những chức vị cao cấp. Con yêu dấu, có nghĩa lý gì từ một góc độ kinh doanh khi người ta thuê mướn nhân viên mà lại nhìn vào gốc gác gia đình thay vì xét xem người đó có đủ kiến thức, khả năng hay cá tính để đảm nhiệm trách vụ? Con yêu dấu, con có hiểu là tại sao nhiều công ty châu Á đã không thể tung ra những phát minh hay công nghệ mới như các công ty ở một số nước phương Tây hay chăng?

Nếu con tự hỏi, con yêu dấu, tại sao tập đoàn khổng lồ mang tên Samsung lại phải bắt chước sản phẩm của Apple thì con sẽ thấy lý do khá giản dị. Mặc dầu to lớn, có nhiều tiền và nhiều nguồn lực nhưng Samsung vẫn không có khả năng thuê mướn những người đủ sáng tạo hầu tung ra những sản phẩm mới lạ. Họ vẫn phải bắt chước, và tại sao như vậy, con yêu dấu? Phần lớn là vì cái văn hóa mà ta vừa nói tới, tức là dùng người dựa trên gốc gác gia đình thay vì khả năng sáng tạo hay những khả năng khác.

Khi con bắt đầu nhận ra điều này thì con thấy nó ảnh hưởng trên nhiều phương diện, không chỉ xã hội Hàn quốc mà nhiều xã hội châu Á khác nữa. Ở một số nước, vấn đề này thật là hiển nhiên, trong khi ở một số nước khác thì nó vi tế hơn. Ta có thể cam đoan với con là nếu Á châu muốn vươn lên tâm thức của Thời Hoàng kim thì nền văn hóa này phải được vượt thăng, tức là người ta phải sẵn lòng nhìn vào linh hồn, nhìn vào con người cùng những khả năng và đặc điểm sẵn có của mỗi người thay vì các hình thức bề ngoài. 

Thái độ đối với phụ nữ tại châu Á

Một trong những vấn đề cũng cần được giải quyết, tất nhiên, là thái độ đối với phụ nữ trong các xã hội châu Á. Con thấy là để có được một chân đứng cao cấp trong một hãng lớn tại Á châu, con không những phải thuộc một gia đình cao cấp mà thêm vào đó con phải là đàn ông. Một lần nữa, đây là một trong những lý do nhiều công ty châu Á bị tụt hậu, bởi vì không có gì bảo đảm nam giới có nhiều khả năng sáng tạo hơn, và trong nhiều trường hợp các sáng kiến mới lạ chỉ có thể đến từ nữ giới. Đây cũng là một vấn đề tại Tây phương nhưng là một chủ đề cho một bài khác.

Con thấy được là trong vùng này của thế giới đã có một truyền thống lâu đời áp chế những ai bị coi là thuộc giai cấp thấp kém, những ai bị coi là không quan trọng. Ngay cả trong giới thượng lưu cũng có truyền thống áp chế phụ nữ, không để cho phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo, tài năng tổ chức, tầm nhìn cũng như sự đóng góp của mình cho xã hội.

Có thể nói là khi nhìn vào xã hội, con thấy được là có phân chia giai cấp, trên và dưới, dựa theo gốc gác gia đình, và đồng thời cũng có một giai cấp ở trên gồm nam giới thuộc một số gia đình chọn lọc, và có một giai cấp ở dưới gồm nữ giới bất kể mọi gốc gác gia đình. Con cần nhìn nhận, như ta vừa nói, là một linh hồn, một dòng sống, không độc quyền là nam hay nữ, mà sẽ đầu thai trong mỗi kiếp trong một xác thân vật lý khác nhau. Con không luôn luôn là người nam trong một cơ thể nam giới. Con cũng không luôn luôn là người nữ. Cho nên nếu con muốn tìm nhân viên thích hợp nhất cho một trách vụ ở hãng sở hay trong xã hội, con cần nhìn vào các đặc điểm của linh hồn, các đặc điểm nội tại của linh hồn.

Không trân quý cá nhân

Con yêu dấu, nhìn từ góc cạnh kinh doanh thuần túy, điều này phải khá hiển nhiên. Các lãnh đạo kinh doanh, như tại Hàn quốc, phải có khả năng nhìn thấy tại sao họ lại thua kém các công ty Tây phương về sáng tạo và họ phải làm gì để thu hẹp khoảng cách. Họ phải kết luận được là họ cần tìm kiếm những người mang khả năng đặc biệt trong bản thân thay vì chỉ nhìn một số nét bề ngoài rồi giả thiết rằng người xuất thân từ gia đình tốt sẽ sáng tạo hơn, lãnh đạo giỏi hơn. Con có thể tự hỏi tại sao họ không đi đến được kết luận đó? Có phải là họ không đủ khôn ngoan, không đủ thông minh? Hay là vì những lý do nào khác?  

Lý do, như các chân sư khác có đề cập, là châu Á có một truyền thống lâu đời coi trọng nhà nước hay tập đoàn hơn là cá nhân. Người ta không xem mỗi con người cá nhân là có giá trị cố hữu, là nguồn lực đặc trưng với khả năng độc đáo. Xu hướng chung là cho rằng nếu một trách vụ cần người đảm nhiệm thì gần như bất cứ ai, hay ít ra rất nhiều người, cũng có thể đảm nhiệm được. Do vậy mà nhà nước lẫn công ty đã cho phép mình coi thường cá nhân, tất nhiên là ngoại trừ người lãnh đạo tối cao. Và ngay cả điểm này cũng không hẳn đúng, vì con có thể thấy ở nhiều nước như Bắc Hàn ngày nay chẳng hạn, con trai của lãnh tụ cũ tự động trở thành lãnh tụ mới bất kể anh ta có thích hợp cho trách vụ đó hay không và bất kể anh ta có muốn giữ trách vụ đó hay không.

Khi con không trân quý cá nhân, không trân quý con người, làm sao con có thể chuyển hướng khỏi cái văn hóa chỉ chuộng gia đình và hình thức bề ngoài? Cho nên sự chuyển đổi cần xảy ra, mà sứ giả này đã có nhắc đến, là các con phải bắt đầu trân quý lẫn nhau, nhìn nhau như là bình đẳng, và quý trọng nhau như những cá nhân, những con người mà các con là. Các con quý trọng và hiểu rõ giá trị của sự khác biệt. Tại sao sứ giả này đã có thể nói chuyện với các con? Bởi vì ông có một cử tọa nơi hầu hết mọi người đều nhận thức được là mình muốn liên hệ với nhau một cách khác. Các con muốn liên hệ với nhau bình đẳng thay vì chia ra thành kẻ trên người dưới. Đây là tiềm năng của các con để tác động lên xã hội khi các con chấp nhận tâm thức này nơi chính mình, khi các con phát biểu và, tất nhiên, khi các con đọc lên những bài chú. Nhất định là sẽ rất, rất khó thay đổi được một tâm thức vô cùng lâu đời đã ăn sâu vào xã hội như thế.

Khi ta nói là điều đó rất khó khăn thì, tất nhiên, đó cũng chỉ là tương đối. Vì như chúng tôi các chân sư đã nói nhiều lần, đối với con người thì nó không thể, nhưng đối với Thượng đế thì tất cả đều có thể. Nhưng chúng tôi cũng lại nói, tâm thức con người cần chuyển đổi trước khi chúng tôi có thể sử dụng quyền năng của chúng tôi. Phải cần có một nhận thức ngày càng sâu rộng, một sự chuyển hướng trong nhận thức, rằng các con sẽ chấp nhận lẫn nhau như con người mà các con là, và các con bắt đầu liên hệ với nhau một cách khác.

Chuyển đổi thái độ của xã hội đối với cá nhân

Con yêu dấu, chúng tôi không có ý tạo ra ở đây một phong trào tâm linh sẽ lặp lại những khuôn nếp được thấy quá thường xuyên trong Thời đại Song ngư vừa qua, khi mà ngay cả các phong trào tâm linh cũng bị phân rẽ thành giai cấp trên và giai cấp dưới. Có những người xem mình tốt đẹp hơn người khác, và những người còn lại thì chấp nhận mình là hàng thứ dưới của kẻ lãnh đạo. Đây không phải là điều chúng tôi muốn xảy ra. Khi các con vượt qua được tâm thức này trong con thì những lời chú của con sẽ có nhiều quyền năng hơn và các con sẽ làm theo những gì sứ giả đã nói. Các con sẽ làm gương cho mọi người là các con có thể liên hệ với nhau cách khác.

Sự chuyển đổi nào cần thiết cho xã hội? Là các con nhận ra mục đích của sự sống hay của một xã hội là phục vụ con người, phục vụ sự tăng trưởng tâm thức, trao cho mọi người cơ hội biểu hiện các đức tính vốn có của mình, sự sáng tạo, kinh nghiệm và khả năng của mình. Nếu một xã hội trao cơ hội cho những ai từng phát triển những khả năng cao nhất trong tiền kiếp có thể biểu thị được khả năng này, thì xã hội sẽ thăng hoa. Nếu một tập đoàn thu hút được nhân sự có khả năng, biết trân quý khả năng và trao cho họ cơ hội thể hiện khả năng, thì tập đoàn đó sẽ thịnh vượng.    

Muốn vậy, mọi người cần thấy mục đích của xã hội là phục vụ con người. Mục đích của tập đoàn là phục vụ những người làm việc trong tập đoàn, chứ không phải là tạo thêm lợi nhuận ngày càng lớn hơn cho một số ít cổ đông không thực sự đóng góp cho tập đoàn vì họ chỉ sở hữu cổ phiếu và nhận cổ tức.   

Con yêu dấu có thấy không, vào thời Hoàng kim sẽ có một cấu trúc công ty hoàn toàn mới mà qua đó những ai trực tiếp đóng góp vào hoạt động của công ty sẽ được xem là mục đích chủ yếu của hoạt động công ty. Thậm chí mục đích của một công ty thời hoàng kim sẽ không là kiếm tiền. Mục đích sẽ là phục vụ những người làm việc cho công ty, và tất nhiên muốn vậy thì phải phục vụ những ai sử dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty. Đây là một chuyển đổi lớn lao mà ngay cả bên Tây phương vẫn chưa chứng kiến, ngoại trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi. Chúng tôi vẫn biết điều này sẽ không xảy ra tại châu Á trước tiên, nhưng vẫn hữu ích nhắc đến vì nó nằm trong khuôn mẫu hoàng kim. Và các con có thể đọc lên những lời kêu gọi để các xã hội châu Á khởi sự trân quý cá nhân, trân quý con người, và thấy được mục đích xã hội là phục vụ người dân của mình.

Mục đích của Hàn quốc

Đâu là mục đích của dân tộc Hàn quốc? Có phải là để cho một thiểu số thượng lưu ngày càng giàu có hơn? Các con không thấy sao, những quốc gia từng để cho sự thể này xảy ra đã dựng lên một giai cấp thượng lưu không còn cảm thấy trung thành với quốc gia đã ban cho họ địa vị đặc quyền của họ. Con hãy nhìn bao nhiêu tập đoàn khắp thế giới đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, vì một khi họ thu hút loại người đeo đuổi quyền lực và của cải vô hạn thì không có gì – như bài thỉnh các con vừa đọc có nói – không có gì là đủ cho họ.

Không có quyền lực nào đủ lớn cho họ. Không có lợi nhuận nào đủ lớn cho họ. Không có một quốc gia nào trên thế giới có khả năng thỏa mãn sự tham lam vô đáy của họ. Ngay cả một đất nước rộng lớn như Hoa Kỳ cũng không thể thỏa mãn lòng tham của cải và quyền lực của các tập đoàn, và các tập đoàn này đã bành trường thành đa quốc gia. Họ càng đa quốc gia thì sự trung thành của họ càng ít đi đối với quốc gia và dân tộc của họ.

Con không thấy điều này đang xảy ra với một số tập đoàn lớn tại Hàn quốc hay sao? Có thực sự mục đích của một dân tộc là trao địa vị đặc quyền như vậy cho một thiểu số thượng lưu không giữ trung thành đối với quốc gia và dân tộc mình? Con nhìn xem đã bao nhiêu lần các tập đoàn đã chuyển hoạt động sản xuất sang một nước có giá nhân công rẻ mạt để khiến cho hàng vạn nhân viên của mình lâm vào cảnh thất nghiệp? Hơn thế, nhà nước lại để yên cho tập đoàn cứ thế bành trướng, để rồi phải hứng lấy một nan đề phải giải quyết, trong khi tập đoàn thì phủi tay. Có thực đó là khuôn mẫu mà con muốn lặp đi lặp lại nơi đây tại Hàn quốc cũng như tại các nước Á châu và nhiều nơi khác?       

Sa nhân không có lòng trung thành

Con cần kêu gọi để tạo ra sự chuyển đổi, và con cần kêu gọi sự phán xét đối với tâm thức của nhóm thượng lưu đặc quyền không có chút trung thành nào đối với quốc gia hay với những nhân viên đã làm việc cật lưng để giúp cho tập đoàn bành trướng to lớn đến thế. Con yêu dấu, con cần nhìn ra là các sa nhân hoàn toàn không trung thành với bất cứ ai. Con cũng cần nhìn ra là sa nhân luôn luôn đòi hỏi sự trung thành từ mọi người. Chúng luôn luôn đòi hỏi từ người khác những gì chúng không sẵn sàng cống hiến, và đây là một tâm thức cần được phán xét, cần được phơi bày, và mọi người cần quyết định là mình sẽ không tiếp tục khuất phục trước cái ma trận này nữa.  

“Chúng tôi sẽ không tiếp tục khuất phục trước giai cấp thượng lưu luôn đòi hỏi chúng tôi phải trung thành nhưng không cho lại được gì. Do đó, chúng tôi đòi hỏi một xã hội không dung thứ giai cấp thượng lưu này và không ban đặc quyền và trung thành cho họ, mà thay vào đó phải trung thành với người dân, với quần chúng, và cho phép mọi người dân được chia sẻ sự thịnh vượng của dân tộc.”

Đó không phải là khuôn mẫu của Thời đại Bảo bình. Đó không phải là một khuôn mẫu có thể bền vững trong Thời đại Bảo bình. Con sẽ thấy là những nước nào không thể thăng vượt khuôn mẫu này sẽ bị tụt hậu. Những tập đoàn nào không thăng vượt khuôn mẫu này cũng sẽ tụt hậu. Tại sao như thế, con yêu dấu? Tại vì Saint Germain sẽ truyền rải những loại công nghệ hoàn toàn mới mà thày đã có nhắc đến và sẽ đề cập thêm trong tương lai. Đây là những công nghệ dựa trên một tư duy hoàn toàn khác lạ và không là công nghệ dựa trên lực đẩy.

Giáo dục Thời Hoàng kim

Con có nghĩ là một công ty do giai cấp thượng lưu quyền lực của sa nhân lãnh đạo, hay do những người bị rơi kẹt trong tâm thức sa ngã lãnh đạo, sẽ có khả năng hòa điệu với Saint Germain và nhận được công nghệ này chăng? Không đâu con yêu dấu, bởi vì họ chỉ tìm kiếm những loại công nghệ mà họ có thể chiếm độc quyền và sử dụng để củng cố địa vị. Họ sẽ không đoái nhìn đến những công nghệ mới nhằm phục vụ và giải thoát người dân. Làm sao họ có thể hòa địêu với Thánh thần Tự do và nhận được những sản phẩm và công nghệ sáng tạo mà thày đang chờ dịp tung ra?

Những công nghệ này chỉ có thể được truyền đạt đến những người sáng tạo cao độ với một tâm thức mở rộng không thể được nuôi dưỡng trong cấu trúc truyền thống của các tập đoàn, hay ngay cả trong cách tổ chức giáo dục của hầu hết mọi nước. Và như con thấy tại nhiều nước Á châu, có tình trạng phân biệt trong hệ thống giáo dục với những trường đặc quyền dành cho gia đình khá giả và trường học phổ thông cho mọi người khác.   

Nhưng ngay cả trong mọi cơ sở giáo dục cũng đều có trọng tâm vào việc đạt điểm cao qua những tiêu chuẩn học vấn dựa trên khả năng học thuộc lòng, ghi chép và lặp lại những gì được chỉ dạy. Còn những khả năng khác thì bị xem là thứ yếu, như liệu học sinh có lãnh hội được kiến thức, có hội nhập, có sử dụng kiến thức một cách sáng tạo trong công việc hay không. Con có thấy được bản chất máy móc của việc mù quáng đặt trọng tâm vào những thành quả vỏ ngoài, vào kiến thức vỏ ngoài và sự ghi nhớ? Nó như là con rô-bót. Nó sản xuất ra những con người không biết suy nghĩ sáng tạo cho dù là mang kiến thức về một số đề tài cụ thể.

Làm sao những người như vậy có thể tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo vượt xa các công nghệ hiện có? Làm sao họ có thể nghĩ ở ngoài cái hộp khi cả đời họ đã được dạy dỗ để chui vào trong hộp, một cái hộp được định ra bởi người khác, bởi xã hội, bởi giới thượng lưu đặc quyền, bởi tâm thức sa ngã? Làm thế nào những người bị kẹt trong cái hộp tư duy do tâm thức sa ngã dựng lên có thể hòa điệu với Saint Germain để nhận được ý tưởng mới và công nghệ mới? Không thể nào được, con yêu dấu.  

Liệu điều này có nghĩa là không một quốc gia châu Á nào có thể là nước tiên tiến về công nghệ và sáng tạo? Không, không có nghĩa là như vậy, bởi vì có những linh hồn đã tình nguyện đầu thai trong phần này của thế giới, và chắc chắn trong số đó có nhiều người ở Hàn quốc vì họ là những linh hồn sáng tạo và họ mong muốn góp phần đưa khu vực này tiến lên phía trước. Nhưng đâu là lối mở cho họ trong hệ thống giáo dục hiện tại, trong cơ cấu xã hội, trong các tập đoàn? Con yêu dấu, đâu là những nơi mà họ được trân quý? Nơi đâu họ sẽ được phép biểu đạt ý tưởng sáng tạo của họ? Con thấy không, tình trạng này phải thay đổi. Sự nhận thức phải thay đổi, và sự nhận thức phải ngày càng cao hơn về giá trị của những cá nhân có khả năng khởi lên những sáng kiến mà không ai khác có thể có trong hoàn cảnh cụ thể đó, xã hội đó.     

Tiềm năng sáng tạo tại Hàn quốc

Hiện có những người ở Hàn quốc hoàn toàn có khả năng đưa ra những ý tưởng có thể đưa Hàn quốc vào Thời Hoàng kim. Họ có khả năng lắng nghe các chân sư thăng thiên và lãnh ý, nhưng đâu là lối mở cho họ nơi xã hội sẽ sẵn lòng lắng nghe họ? Làm cách nào đưa ý tưởng đó ra? Dĩ nhiên là ở những nơi khác trên địa cầu, cùng ý tưởng đó cũng sẽ được đưa ra, và nếu có những xã hội sẵn sàng lắng nghe thì họ sẽ đem ra thực hiên và nhảy vọt đi trước.    

Ở Á châu thường có xu hướng đặt trọng tâm vào việc sản xuất sản phẩm, hoặc là số lượng lớn, hoặc là với phẩm lượng cao rồi tinh chỉnh thêm dựa theo một khuôn mẫu nhất định. Con yêu dấu, con có thể tinh chỉnh một chiếc xe tới đâu, tinh chỉnh một động cơ xăng hay diesel tới đâu? Chỉ giới hạn thôi, vì con chỉ có thể nâng hiệu năng trong một giới hạn nào đó. Sẽ tới một điểm khi xã hội phải nhảy một bước nhảy vọt, bỏ lại công nghệ cũ và tạo ra một loại công nghệ chuyên chở hoàn toàn mới lạ.    

Nếu một quốc gia, một cơ cấu doanh nghiệp, chỉ tập trung vào việc cải tiến những gì đã sẵn phát minh, thì họ sẽ đụng một lằn ranh về mức độ cải tiến. Và như thế sự phát triển của xã hội và các tập đoàn cũng bị giới hạn bởi lằn ranh đó. Con chưa thấy rõ điều này tại Nhật Bản hay sao? Đã có một thời Nhật Bản chiếm vị trí dẫn đầu các nền kinh tế thế giới nhờ khả năng biến con người thành những con rô-bót có thể sản xuất thật nhiều sản phẩm đồng dạng. Tại sao nước Nhật và kinh tế Nhật bắt đầu suy thoái? Là bởi họ đã đạt tới lằn ranh và không thể phát triển hơn nữa qua sự tiếp tục áp dụng đường lối máy móc, rô-bót cho con người, cho sản xuất và cho cơ cấu doanh nghiệp.   

Con thấy một hiện tượng tương tự cũng đang bắt đầu diễn ra tại các nước khác, kể cả Hàn quốc. Có một giới hạn nào đó cho mức độ cải tiến và tăng giá trị cho một chiếc điện thoại di động hay một máy tính. Dĩ nhiên là con có thể vượt ra ngoài cái hộp và sáng chế một sản phẩm với khả năng hoàn toàn mới lạ mà các sản phẩm cũ không thể có được, nhưng làm sao thực hiện được đây nếu không có lối mở nào để tiếp nhận và áp dụng ý tưởng của con? 

Hình ảnh đức Phật cần thay đổi

Con yêu dấu thấy đó, người ta thường xem ta là đức Phật và nhiều người trong thế gian hình dung đức Phật là một đấng tĩnh lặng đem lại sự ổn định. Cho nên con có thể ngạc nhiên khi nghe ta phát biểu về tăng trưởng và thay đổi, nhưng đó là vì đã có một truyền thống lâu đời sử dụng một hình ảnh không trọn vẹn về Phật mà đặt chồng lên Phật.

Đâu là tinh túy của giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm? Đó là mọi thứ đều là Phật tánh. Thế nào là Phật tánh? Phật tánh có tĩnh lặng không? Không, Phật tánh là Dòng sông của Sự sống, luôn luôn tự thăng vượt. Nếu con tạo ra một hình ảnh rằng Phật là một đấng tĩnh lặng đem lại sự ổn định và mong muốn ổn định bất biến cho xã hội, thì con đã hiểu lầm chính bản chất của Phật, là Phật tánh. Con đã phủ nhận Phật tánh của con, bởi vì khi con nhìn thấy Phật tánh trong con, đó cũng là lúc con hòa điệu với Dòng sông Sự sống. Đó thực sự là lúc con hoàn toàn chấp nhận chính con như con là, con yêu dấu. Sứ giả này cũng vừa giải thích như thế.

Con có thể lấy điều sứ giả vừa nói và tiến thêm một bước. Con hãy nhận ra là khi con bắt đầu nhìn thấy Phật tánh trong con, và con thấy là Phật tánh không tĩnh lặng, thì đó là lúc con có thể trọn vẹn chấp nhận chính con như con là. Con chấp nhận rằng ngay lúc này con là sự thể hiện của Phật tánh. nhưng tất nhiên Phật tánh sẽ tiếp tục tự thăng vượt. Đó là tại sao con trở thành hơn-nữa. Đó là tại sao con sẽ không giống như bây giờ trong một năm nữa, hay mười năm nữa, hay ngay cả chỉ một tuần hay một ngày hay một giây. 

Con yêu dấu, thấy được Phật tánh trong con và thấy được Phật tánh không phải là một trạng thái toàn hảo mà là một trạng thái luôn luôn tuôn chảy, luôn luôn biến đổi (như ta có nhắc là các Phật tử Tây Tạng, hay ít ra một số, đã thấy được điều này), đó là chìa khoá để con tự chấp nhận chính con. Chỉ khi nào con chấp nhận con là một phần của sự thay đổi không ngừng tức là Dòng sông Sự sống, thì con mới có thể chấp nhận con một cách trọn vẹn, và con cho phép con là cái mà con là, con cho phép con là cái mà con sẽ là, cho phép con trở thành cái mà con sẽ trở thành trong sát na kế tiếp. Con cho phép con xuôi chảy cùng với Dòng sông Sự sống mà không bị kẹt vào truyền thống, không bị kẹt vào lòng trung hiếu đối với tổ tiên, đối với lãnh đạo của con, đối với hệ thống chính trị và tôn giáo của con, không trung thành với những gì đã qua nhưng luôn luôn sẵn sàng trở thành hơn-nữa trong tiến trình liên tục mà thực sự là Phật tánh.       

Phật tánh là sự thăng vượt liên tục qua sự quán niệm liên tục và nhận ra rằng: “Đây là cái mà tôi là ngay bây giờ, nhưng tôi có thể là hơn-nữa, và tôi muốn cái hơn-nữa đó. Cho nên tôi chuyển cảm nhận tôi-là vào trong cái hơn-nữa, và đó là cách tôi hòa điệu với Phật, và tôi chảy xuôi theo Phật vì thực sự Phật đang liên tục trở thành hơn-nữa.”

TA LÀ đấng hằng chảy, hằng thăng vượt. Ta chưa bao giờ là một sinh thể tĩnh lặng. Thờ phượng một bức tượng bằng vàng bất biến, và cho rằng đức Phật mà nó tượng trưng cũng là bất biến, là một sự hiểu lầm căn bản những lời dạy của ta cách đây 2500 năm. Tưởng rằng Phật hôm nay cùng giống như ta cách đây 2500 năm, là một sự hiểu lầm căn bản và sự bất lực không hòa điệu được với ta hôm nay. Ta đã tự thăng vượt vô số lần trong 2500 năm qua. Ta sẽ tiếp tục tự thăng vượt vô số lần nữa trong mỗi giây, trong mỗi phân đoạn của một giây, trong mỗi phân tử của một giây mà con có thể nghĩ ra. Ta sẽ tự thăng vượt vô số lần, có nghĩa là không có một phân chia nào mà con có thể tạo ra trong thế gian hữu hạn này có thể cầm giữ được Phật, bởi vì luôn luôn TA LÀ HƠN NỮA, và đó cũng là tinh túy của Phật tánh.