Lấy trách nhiệm làm chủ tâm mình

Bài giảng của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 31/12/2008. Bài này được xếp thành Chương 2 của quyển Làm sao giáo tiếp từ trái tim (How to Communicate from the Heart, Kim Michaels, 2014).

Thầy chào đón con trong ngọn lửa HƠN NỮA mà TA LÀ. Nhưng này hỡi con yêu dấu, tại sao Thầy lại là một với ngọn lửa đó? Bởi vì Thầy đã chọn trở thành một với ngọn lửa đó, Thầy đã chọn nhìn nhận TA LÀ ai. Con cũng vậy, con cũng đang lấy những lựa chọn, vì cuộc đời là một chuỗi lựa chọn.

Có người trên trái đất này phủ nhận họ có quyền tự quyết. Nhưng đây không phải là Chân Tâm của họ đã phủ nhận điều này đâu, mà chỉ là tự ngã của họ thôi. Tự ngã không muốn cái Ta Ý Thức của con – là Chân Tâm của con – lấy các quyết định. Tự ngã muốn tiếp tục điều khiển con, và do đó nó không muốn để cái ta ý thức của con quyết định là nó có quyền lựa chọn. Tự ngã không cho con lựa chọn là con có thể vượt quá các giới hạn của cơ thể, hoặc vượt lên trên niềm tin sai lệch là mình là cơ thể. Quá nhiều người vướng mắc tin rằng mình đồng hóa với cơ thể, tức là họ tin rằng họ chỉ là phần vật chất của con người họ.

Đây là sự khác biệt giữa những ai còn đang say ngủ và những ai đã bắt đầu thức tỉnh. Làm thế nào để thức tỉnh? Con thức tỉnh khi con nhận ra rằng mình có quyền lựa chọn – thay vì rơi vào cái khuôn nếp giống như nhiều người cứ lặp đi lặp lại: “Tôi không có quyền lựa chọn” hoặc “Tôi không có lựa chọn nào khác” ngoài hành động mà họ đã làm.

Lúc nào cũng có quyền lựa chọn

Khi con nghe người nào nói câu đó thì con biết ngay rằng họ không sẵn sàng nhận trách nhiệm làm chủ cuộc đời hay hoàn cảnh của mình. Vì một khi con nhận trách nhiệm đó thì con sẽ nhận ra rằng bất kể hoàn cảnh bên ngoài như thế nào, con luôn luôn có quyền lựa chọn trạng thái tâm của mình và chọn có một phản ứng khác hơn phản ứng thông thường của 99 phần trăm người trên hành tinh này. Phản ứng thông thường này cũng có thể đã được lập trình vào tâm con từ khi con còn nhỏ.

Con yêu dấu, có những người đã hiểu sai giáo lý của Đấng Ki-Tô đến độ không nhận ra rằng cốt lõi giáo lý của Giê-Su là con người có quyền lựa chọn. Phải chăng là Ki-Tô đã từng nói: “Đừng chống cự lại cái ác. Hãy chìa má bên kia”.

Có đúng chăng là hầu hết mọi người trên thế gian này đã bị lập trình để chống cự cái ác và ăn miếng trả miếng? Con có thấy chăng là cốt lõi giáo lý của Đấng Ki-Tô là con có tiềm năng và khả năng để chọn chìa má bên kia – ngay khi con vừa bị đánh vào má này?

Giao tiếp từ trái tim

Điều Thầy đang nói liên quan trực tiếp đến chủ đề quyển sách này. Tại sao Thầy lại nói bài mở cho quyển sách này? Đó là vì Thầy là thượng sư của Tia sáng Thứ nhất của Ý chí của Thượng đế. Làm thế nào để khởi sự giao tiếp từ trái tim? Trước hết, con phải quyết định rằng con muốn giao tiếp từ trái tim. Con phải lựa chọn, con phải lấy quyết định, là con muốn giao tiếp từ trái tim.

Nhiều người trong các con sẽ nói ngay là họ muốn giao tiếp từ trái tim. Nhưng chưa chắc con nhận ra rằng con đã bị lập trình từ nhiều kiếp để không giao tiếp từ trái tim. Con chưa nhận ra rằng rất là khó để rũ bỏ cái chương trình này và như thế giao tiếp được với người khác một cách sâu sắc hơn bằng trái tim.

Đây là thực tế mà chúng ta phải chịu khi chúng ta có xác thân vật chất này. Chúng ta chọn giao tiếp ở mức độ nào? Chúng ta có chọn phản ứng theo lập trình có sẵn chăng? Tức là chúng ta sẽ ăn miếng trả miếng hoặc tiếp tục và củng cố những lựa chọn mà ta đã lấy trước kia – trong thời thơ ấu hay trong các kiếp trước. Nếu như vậy thì chúng ta không thực sự lựa chọn có ý thức. Chúng ta chỉ để cho những lựa chọn cũ của mình lặp lại mà không thực sự đứng lên khẳng định mình là ai.

Con phải chọn giao tiếp bằng con người bên ngoài hay bằng con người bên trong. Con chỉ có thể giao tiếp bằng con người bên trong nếu con giao tiếp từ trái tim. Con không thể nào giao tiếp bằng con người bên trong mà chỉ dùng lý trí. Con có thể dùng lý trí để phát biểu những gì con cảm được trong tim nhưng con không thể giao tiếp bằng con người bên trong mà chỉ dùng lý trí.

Cái duy nhất có thực

Con không thể phân tích sự giao tiếp từ trái tim, chia nó ra thành phần nhỏ và bắt chiếc làm theo với cái trí vỏ ngoài luôn luôn phân tích và lý luận theo đường thẳng. Con yêu dấu, điều đó không thể làm được vì một lý do giản dị: đó là muốn giao tiếp từ trái tim thì phải nhận ra rằng cái duy nhất có thật. Muốn giao tiếp từ trái tim thì chỉ có cách là sống trong cái duy nhất, quy thuận cái duy nhất, phụng sự cái duy nhất trong Tất cả — qua đó con nhằm nâng cao Tất cả. Con không thể giao tiếp từ trái tim nếu con chưa quyết định rằng cái duy nhất quan trọng hơn sự tách biệt.

Khi con nhìn vào cuộc đời – khi con nhìn cách mọi người giao tiếp – thì con thấy ngay là khi họ giao tiếp họ không coi cái duy nhất là có thật. Ngược lại, khi giao tiếp họ tìm cách nâng mình lên trên người khác, hay tìm cách kiểm soát người khác, hay tìm cách tránh bị người khác làm tổn thương, hay tìm cách dìm người khác xuống bằng cách chỉ trích, phán xét, hay áp đặt một tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn này dựa trên quan niệm sai lầm rằng nếu ta sống theo một tiêu chuẩn vỏ ngoài của thế gian, thì chắc chắn ta sẽ được vào nước Trời. Nước Trời vượt lên trên thế gian, và dĩ nhiên chuyện này không thể xảy ra. Làm sao ta có thể vào nước Trời bằng cái gì tách biệt khỏi nước Trời? Các con yêu dấu, điều này đương nhiên là không thể xảy ra được.

Nền tảng của sự giao tiếp từ trái tim là nhận ra rằng mọi sự sống là một. Tức là mỗi khi con giao tiếp với một người khác, thì mục đích, mục tiêu, và ước mong của con là nâng người đó lên.

Tự nhận biết

Làm sao con tránh phán xét, làm sao con tránh chỉ trích, làm sao con tránh đổ thừa, làm sao con tránh so sánh người khác với một tiêu chuẩn mà con cho là tốt nhất cho họ? Con hãy suy ngẫm là Tia sáng Thứ nhất là tia sáng của Ý chí và Uy Lực của Thượng đế. Khi con quán sát ý chí của Thượng đế, thì con sẽ nhận ra rằng ý muốn tối hậu của Thượng đế là tạo ra những phần nối dài của Ngài có khả năng tự nhận biết. Nhưng tự nhận biết là gì? Con không thể có tự nhận biết mà không có quyền tự quyết.

Nếu một tự thể không có khả năng lựa chọn, thì nó không phải là một tự thể – nó không có đặc tính riêng biệt, nó không thể chọn nó sẽ là gì. Con chú ý rằng khi Moses gặp Thượng đế trên đỉnh núi và hỏi ngài cho biết tên, thì Thượng đế trả lời rằng: “Yod He Wav He – Ta Sẽ Là Cái Ta Sẽ Là.” Chứ không phải là “Ta Là Cái Ta Là”, như thường được dịch ra. Sự thực là Thượng đế đã không cho Moses tên mình vì Thượng đế là một đấng tự vượt thăng không ngừng. Tức là Thượng đế nói: “Ở mọi lúc, ta tự cho ta quyền trở thành cái gì ta muốn.”

Đó chính là bản chất của quyền tự quyết – tức là mình được chọn mình là ai ở bất cứ lúc nào. Con phải chọn điểm khởi đầu này khi con muốn giao tiếp từ trái tim – tức là con phải chọn lựa con là ai đối với người hoặc nhóm người mà con đang giao tiếp. Con có chọn để mình bị kẹt vào ảo tưởng mình là một cái ta riêng biệt – tức là con tách biệt với họ, con có thể phải đối chọi với họ, họ có thể làm hại con, họ có thể đe dọa con? Hay là con nghĩ là con cần kiểm soát họ để làm chuyện tốt cho chính họ – vì con biết rõ hơn họ cái gì tốt nhất cho họ?

Con thấy không, khi con chọn mình là cái ta tách biệt thì con không thể tôn trọng quyền tự quyết của người khác được. Ở đây khi Thầy dùng chữ “tôn trọng”, Thầy muốn nói chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện quyền tự quyết của người khác. Nếu con không tôn trọng quyền tự quyết thì con không thể thực sự trải nghiệm mình là một với người khác được. Cái duy nhất không thể bị gò ép.

Ta không thể là một với người khác bằng vũ lực hay kiểm soát. Muốn là một thì phải chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện là đấng Sáng tạo đã quyết định tạo ra các phần nối dài của chính mình và cho các phần này cá tính riêng biệt và quyền tự quyết. Do đó, các phần nối dài có khả năng lựa chọn – họ có thể chọn là hơn nữa, là kém hơn, là cái này, hay cái khác.

Tiềm năng cao nhất của con người

Đó là quyết định tuyệt vời – và tối thượng – của đấng đã sáng tạo ra con. Khi con hiểu và chấp nhận điều này một cách trọn vẹn và đầy đủ, thì con có thể hợp một với đấng Sáng tạo – hợp một với ý định và mục đích của đấng Sáng tạo là không ép buộc hay lập trình con người phải đạt một tiêu chuẩn nào đó. Thay vào đó, ngài cho phép con người quyền tự quyết và cơ hội để chọn mình là hơn nữa, chọn là một với người khác, là một với cội nguồn của mình.

Đó chính là kế hoạch cứu rỗi của Thượng đế trong con, của đấng Sáng tạo trong con. Nhưng cái gì đã xảy ra là đã có một số sinh thể đến từ một bầu cõi lúc đó chưa thăng nhưng nay đã thăng đã quyết định nổi loạn chống lại kế hoạch và quyết định của Thượng đế. Họ đã chọn sử dụng quyền tự quyết của họ để nổi loạn. Việc họ chọn tâm thức tách biệt là một chuyện có thể làm được vì họ có quyền tự quyết. Sau đó, họ đã chế ngự được tâm thức tập thể của những sinh thể đầu thai vào hành tinh này và một số hành tinh khác trong vũ trụ (nhưng con chỉ cần quan tâm đến hành tinh này mà thôi, vì con còn kẹt ở đây cho đến khi con học xong bài học và quyết định lấy lại quyền tự quyết của mình).

Nếu con muốn lấy lại quyền tự quyết của mình và thực thi tự do lựa chọn, thì con phải tôn trọng quyết định của đấng Sáng tạo, tức là sự lựa chọn của ngài cho quyền tự quyết cho con và mọi sinh thể có tự nhận biết. Chỉ khi nào con tôn trọng quyền tự quyết của người khác, thì con mới có thể thực sự chấp nhận là mình có quyền tự quyết và mình có quyền chọn là hơn nữa, cho dù hôm qua con có thể đã chọn mình là kém hơn.

Lời nói dối tối hậu của các thầy giả là một khi con đã chọn mình là một cái gì thấp hơn, thì con sẽ không thể từ bỏ cái bản sắc đó nữa, con không thể vứt bỏ nó, con không thể vượt lên trên nó. Khi con hiểu quyền tự quyết, thì con sẽ hiểu – con sẽ chấp nhận và kinh nghiệm – rằng con có quyền nói với Thượng đế nơi con: “Ta sẽ Là cái Ta sẽ Là.” Vì vậy, con có thể chọn từ bỏ cái bản sắc cũ, cho nó chết đi, cho nó biến đi, cho nó đi vào ngọn lửa mà con là.

Con yêu dấu, đó là tiềm năng cao nhất của con, là khả năng chọn mình hơn cái gì mình là một giây trước đây. Đây là cách duy nhất để vượt qua những chướng ngại trong việc giao tiếp, cách này coi mọi sự sống là một và tìm cách nâng mọi sự sống lên thay vì dìm xuống.

Tôn trọng quyền tự quyết của người khác và của chính mình

Khi con thực sự chấp nhận quyền tự quyết và nhận ra là đấng Sáng tạo đã lựa chọn thật sáng suốt, thì con sẽ nhận ra rằng Thượng đế đã ban cho mỗi người quyền được chọn mình là ai. Khi con gặp một người đã có xung đột với con trong quá khứ, nếu con chấp nhận quyền tự quyết của họ thì con chấp nhận họ được Thượng đế ban cho quyền tự do tuyệt đối có trạng thái tâm thức mà họ hiện đang có. Hỡi con yếu dấu, đó là quyền của họ. Thượng đế đã cho họ cái quyền đó.

Trừ phi con bị rơi vào ảo tưởng của các sa nhân – tức là tự cho mình khôn ngoan hơn Thượng đế – thì con nên chấp nhận rằng Thượng đế đã ban cho họ cái quyền đó. Con nên chấp nhận rằng khi họ ở bất kể trạng thái tâm thức nào, họ đang thực thi quyền tự quyết mà Thượng đế đã ban cho họ, tức là họ được quyền chọn là bất cứ cái gì họ muốn. Tuy nhiên, Thượng đế cũng đã sắp đặt vũ trụ vật chất này để khiến mỗi người phải thực sự trải nghiệm trạng thái tâm thức mà mình đã chọn, kể cả những thể hiện vật chất của trạng thái tâm thức đó, vì mọi vật thực sự đều là thể hiện của tâm thức.

Khi con đã hiểu và chấp nhận điều này, thì con sẽ không còn phán xét họ nữa. Con sẽ không cần có trong đầu một mẫu mực mà con nghĩ họ phải tuân theo. Con sẽ để cho họ tự do trở thành bất cứ ai họ muốn ngay lúc đó.

Con làm thế nào để cho họ quyền tự do đó? Con chỉ cần chấp nhận quyền tự quyết của họ y như con chấp nhận quyền tự quyết của con. Khi con chấp nhận rằng họ có quyền ở trong bất cứ trạng thái tâm thức nào, thì con cũng chấp nhận rằng con có quyền ở trong bất cứ trạng thái tâm thức nào mà con chọn. Trạng thái tâm thức mà con chọn hoàn toàn độc lập với lựa chọn của người khác, độc lập ngay cả với lựa chọn tập thể của tất cả mọi người trên trái đất này.

Đó chính là điều mà Giê-su đã chứng minh. Mặc dù tất cả những người ngài gặp trong kiếp sống đó đều chọn không ở trong tâm thức Ki-tô, nhưng ngài vẫn có thể chọn ở trong tâm thức Ki-tô, ngài chọn là Đấng Ki-tô và phô diễn điều đó.

Khi con hiểu rằng con không cần để lựa chọn của người khác ảnh hưởng đến lựa chọn của mình, thì con sẽ kết hợp được hai thái cực Alpha và Omega, tức là con sẽ cho người khác và cho chính mình đều được tự do. Có nghĩa là khi con tiếp xúc với người khác, thì con nên nhớ rằng lúc nào con cũng có thể lựa chọn trạng thái tâm thức của chính mình, cho dù trạng thái tâm thức của họ như thế nào. Con có thể giao tiếp với họ trên căn bản con có quyền tự do lựa chọn trạng thái tâm thức của chính mình – mà không phải cảm thấy rằng trạng thái tâm thức của họ, hay lời nói của họ, buộc con phải phản ứng một cách nào đó.

Nguyên do thông thường của xung đột

Đa số con người xung đột với nhau chính vì đa số tin rằng khi người khác không cư xử hay nói chuyện đúng như những gì mình chờ đợi, thì mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là có tình cảm hay tư tưởng tiêu cực, tỷ dụ như sợ hãi, tức giận hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào khác. Phần thiêng liêng của tâm sẽ tức khắc cảm thấy bị mắc kẹt khi có phản ứng tiêu cực. Nhưng nếu con đổ lỗi là họ đã buộc con vào một trạng thái tiêu cực thì con đã không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết của mình tức là nhận trách nhiệm làm chủ mình. Vì con phải nhìn nhận rằng chính con đã lựa chọn có trạng thái tiêu cực đó. Con phải nhìn nhận rằng con có thể dễ dàng chọn một phản ứng khác, một phản ứng cao hơn, một phản ứng dựa trên tình thương thay vì sợ hãi hoặc một trong những sắc thái của sợ hãi. Mọi phản ứng và cảm xúc tiêu cực chính thực đều bắt nguồn từ nỗi sợ đến từ sự tách biệt.

Chìa khóa để vượt qua tất cả những cảm xúc tiêu cực, để tránh bị mắc bẫy và rơi vào những cảm xúc này, là phải đứng lui ra và nói với chính mình: “Ta vẫn có thể chọn cái duy nhất dù họ chọn tách biệt! Nếu họ chọn tự coi họ tách biệt với ta, xem ta là kẻ thù, đối thủ, hay một mối đe dọa, thì ta không bắt buộc phải lấy một lựa chọn tương tự. Lúc nào ta cũng có thể chọn cái duy nhất! Trước hết, ta có thể chọn là một với nội tâm của mình, bằng cách đi trở vào bên trong, vào thánh địa bên trong của mình.”

Thánh địa bên trong của con người

Con yêu đấu, con nên biết về thánh địa bên trong này. Hạt ngọc trai quý giá này có thể xem như là căn phòng bí mật trong tim con, là cốt lõi của tim con. Khi thầy nói “trái tim”, thì con hiểu là thầy không nói tới bộ phận vật lý làm phận sự bơm máu, mà là luân xa tim và cái cốt lõi phía sau nó – là một điểm nhỏ đến mức ai muốn tìm xem nó ở đâu, dùng kính hiển vi tốt nhất mà khoa học chế tạo ra cũng sẽ không thể tìm ra nó được.

Con cần nhận ra điểm đó trong con, đó chính là nơi cõi vật chất và cõi tâm linh gặp gỡ nhau trong con người con. Nơi đó là cốt lõi con người, là nơi con lúc nào cũng có thể trở về để tái lập sự hợp nhất với bản thể cao của mình. Con không nên chỉ xem nó như một điểm nhỏ, mà nên tập để biến nó thành một quả cầu và sau đó tiếp tục nới rộng ra mãi, cho đến khi nó vượt quá phạm vi cơ thể và từ trường khiến con lúc nào cũng được bao bọc trong quả cầu đó và không có gì có thể nhập vào và ảnh hưởng ngoại tâm và ngay cả trí phân biện của con.

Một khi con đã rút vào thánh địa bên trong đó và dùng bản thể cao của con để kết nối với cái duy nhất và nhận ra con là ai, thì con sẽ có thể chọn một phản ứng khác phản ứng bình thường

Con không phải là một người máy

Hỡi con yêu dấu, con có nhớ lại những gì thầy nói ở đầu bài về những người đã chối bỏ họ có quyền tự quyết chăng? Hệ quả là gì? Một người không có quyền tự quyết chỉ là một người máy, một cỗ máy. Đặc tính của cỗ máy là gì? Là nếu con nhấn một nút, thì chắc chắn con nhận được từ cỗ máy một phản ứng nhất định nào đó. Nếu con không nhận được phản ứng đó thì cỗ máy không hoạt động hoàn chỉnh, tức là có điều gì không ổn, cần phải được sửa chữa.

Con là một sinh thể có sáng tạo. Nếu có ai nhấn nút thì con không bắt buộc phải phản ứng một cách tiêu cực, vì con có quyền chọn mình không là một máy điện toán. Con có thể chọn mình là một vị đồng sáng tạo với Thượng đế và con có thể đồng sáng tạo một phản ứng tốt đẹp hơn bằng cách kết nối với bản thể cao của con và nhận ra một cách rõ ràng là cái Hiện diện TA LÀ của con – là cái gì ở bên trên thế giới vật chất này – không thể bị ảnh hưởng bởi một người đang nổi cáu. Nó không bao giờ phản ứng tiêu cực với người khác, bất kể họ làm gì tới con.

Khi con hợp vào cái duy nhất đó, thì đó là nền tảng để con con đồng sáng tạo với bản thể cao của con một phản ứng tích cực, một phản ứng hứng khởi, một phản ứng nhằm nâng người khác lên thay vì chống đỡ, phản công và tìm cách dìm họ xuống, khóa miệng họ hoặc bất cứ phản ứng nào cứ được lặp đi lặp lại mãi.

Hơn nữa, hay không hơn nữa

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể người khác làm hay nói gì, con nên hỏi mình: con muốn mình hơn nữa trong hoàn cảnh đó chăng? Hay là con muốn mình kém đi – có nghĩa là con để cho người kia, hay tự ngã của con hay tâm thức đại chúng điều khiển con và buộc con phải kém hơn con người thực của con, là một vị đồng sáng tạo đã được Thượng đế ban cho khả năng sáng tạo vô biên khi được ngài tạo ra. Đó chính là sự lựa chọn: ngay hôm nay con hãy chọn mình sẽ phục vụ cái gì. Con sẽ phục vụ cái kém hơn, hay con sẽ phục vụ cái hơn nữa?

Nếu con chọn phục vụ cái hơn nữa, thì con hãy tôn trọng quyền tự quyết mà Thượng đế đã cho con để chọn mình là hơn nữa trong mọi hoàn cảnh. Thực tế là khi đa số nhân loại chọn cái kém hơn, thì họ tạo nên một vòng xoáy đi xuống càng ngày càng mạnh khiến cả nhân loại đi vào một cuộc đại suy thoái, giống như chữ được dùng để chỉ nền kinh tế toàn cầu vào những năm 1930.

Con hãy nhận ra là về các mặt tâm lý, xúc cảm và tinh thần, nhân lọai đã ở trong một tình trạng đại suy thoái tâm linh. Nhân loại đã bị kẹt trong đó một thời gian rất dài rồi, khiến con người cảm thấy bất lực và không có khả năng vượt qua các giới hạn. Họ không nhận ra rằng thực sự mọi việc đều là sự thể hiện của tâm thức và chính con người lựa chọn tâm thức của mình. Mỗi người đều có quyền chọn đón nhận điều này điều kia vào tâm thức của mình, tức là để cho các thứ này trở thành một phần con người của mình. Tức là mình đã chọn để chúng quyết định mình là ai, và như vậy chấp nhận là mình không hơn cái bản sắc đang cảm thấy bị kẹt trong vũ trụ vật chất này.

Tiềm năng cao và thấp

Thầy muốn nói gì qua mấy lời bàn lan man này? Thầy đang tìm cách dẫn con tới chỗ nhận ra rằng quyển sách sách này, và cách con sử dụng nó, có một tiềm năng cao và một tiềm năng thấp. Nó có thể chỉ là một quyển sách về tâm linh như nhiều quyển khác mà sau khi đọc xong con cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và nói: “Ồ, sách này hay quá” và sau đó ngay lập tức trở về với các thói quen và khuôn nếp cũ. Hoặc con có thể chọn biến quyển sách này thành một kinh nghiệm đổi đời, qua đó con tiến lên một mức cao hơn và sẽ không bao giờ trở về chỗ cũ nữa. Con đã đặt chân lên tảng đá của tánh Ki-tô trong nội tâm mình một cách vững chắc đến độ con không thể quay về những khuôn nếp và thói quen cũ nữa. Con có lựa chọn này mỗi khi con đọc một quyển sách tâm linh. Nhưng thầy muốn nói với con rằng ngay lúc này, hơn các lần khác trong quá khứ, con cần cân nhắc lựa chọn và tiềm năng đó.

Tất nhiên, thầy là một vị đã thăng hoa. Do đó thầy không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi những lựa chọn của con, và thầy cũng không hề mong muốn điều khiển con. Thầy và các chân sư đã thăng hoa khác không cần điều gì nơi con cả, khác với các sinh thể trên cõi vô hình giao tiếp qua các đồng bóng. Các thầy không cần tiền bạc của các con, không cần sự chú ý, không cần năng lực, không cần sự phục tùng của các con, không cần các con tôn thờ.

Hỡi con yếu dấu, thầy có tự do như Thượng đế, và vì vậy, thầy có thể cho con quyền tự do trở thành bất cứ cái gì con chọn. Thầy không muốn ảnh hưởng sự lựa chọn của con, nhưng thầy cũng có quyền – một quyền do Thượng đế ban cho – giúp con nhận thức rõ ràng hơn là con có tiềm năng lấy một lựa chọn khác. Con cũng có quyền làm như vậy khi con tiếp xúc với bất cứ ai.

Phá vỡ khuôn nếp cũ

Thầy không có ý nói là ta nên khoan dung và chấp nhận để con người có một trạng thái tâm thức thấp hơn. Khi con nhận ra rằng con không cần phải xuống cùng mức tâm thức của người khác, thì con đã mặc nhiên cho họ thấy là có một lựa chọn cao hơn. Họ chờ đợi con có một phản ứng tiêu cực, và như vậy điều họ tin sẽ được củng cố, tỷ dụ như họ tin rằng họ có thể điều khiển con bằng cách làm cho con sợ hãi, hay tức giận khi họ khiêu khích con.

Khi con lựa chọn giống như các lần trước, bất kể lựa chọn này là gì, và đi theo khuôn nếp cũ, thì con đã củng cố nơi họ và nơi chính con hình ảnh con là một người kém hơn. Nhưng khi con chọn một phản ứng khác – một phản ứng cao hơn – thì con làm họ bị chấn động và nhận ra rằng có điều gì đang xảy ra mà chưa từng xảy ra trước đó, một điều gì mới lạ, khác thường.

Đây là mục đích chính của các thầy khi các thầy truyền đạt giáo lý qua sứ giả. Các thầy chỉ có mục đích đơn giản là giúp con người nhận thấy rằng có một trạng thái tâm thức cao hơn, rằng ai cũng có thể vượt lên trên tâm thức nhị nguyên, vượt lên trên tự ngã và tất cả các khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại mãi.

Con lúc nào cũng có thể lấy một lựa chọn khác. Con có thể chọn là mình hơn một người phàm, hơn một người máy sinh học được lập trình sẵn – một máy điện toán sinh học chỉ có thể phản ứng một cách nhất định khi một số nút được nhấn. Con thực sự có thể chọn tuần tự loại bỏ những nút đó – tức là những chỗ nghẽn, những vết thương, dính mắc – đến độ con không còn nút nào để ông hoàng thế gian này có thể nhấn vào. Hắn không nắm được gì nơi con để hắn điều khiển được con.

Hỡi các con yêu dấu, đó chính là tự do – đó là cách duy nhất để có tự do trên quả địa cầu này. Đó là cách duy nhất để thoát khỏi quả địa cầu này và thăng hoa lên một cõi cao hơn.

Đệ tử giả

Có những người tự coi mình là đệ tử của các chân sư đã thăng hoa, họ đã theo học nhiều đợt truyền pháp của các thầy, họ đã học các bài giảng của các thầy, các bài giảng về hơn nữa, về lựa chọn tốt hơn, nhưng họ là đệ tử giả. Họ đã biến các lời giảng của các thầy thành một hệ thống tín điều tinh tế qua đó ta chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu vỏ ngoài – tỷ dụ như đọc cầu chú, dự các buổi lễ, dự hội nghị, nghiên cứu sách, hoặc nói chuyện hay ăn mặc một cách nào đó, và không lái xe màu đỏ, và tất cả những thứ vỏ ngoài khác – thì họ sẽ chắc chắn được thăng hoa một ngày nào đó. Họ nghĩ rằng một ngày nào đó, không biết do đâu, như một phép lạ, thì bỗng nhiên họ sẽ thăng hoa, mà không cần phải đối mặt với tự ngã của mình và lựa chọn trở nên hơn nữa bằng cách chọn nhìn vào những ảo tưởng của tự ngã và tháo gỡ chúng bằng cách chọn thực tại Ki-tô thay vì ảo tưởng nhị nguyên.

Không có cách nào để tự động thăng hoa cả, vì thăng hoa là một sự lựa chọn! Có một sự lựa chọn cuối cùng, nhưng trước khi con tới mức có thể lấy lựa chọn thăng hoa, thì con sẽ phải lấy nhiều nhiều lựa chọn khác. Vị huynh đệ yêu dấu của thầy là ngài Saint Germain đã chẳng nói rằng sự thăng hoa của ngài là kết quả của hơn một triệu lựa chọn đúng, mỗi lựa chọn là một lựa chọn hơn nữa thay vì kém hơn? Câu này không có nghĩa là Saint Germain đã tham gia một cuộc thi đố, một cuộc khảo hạch nào đó, trên trái đất này. Không có bài kiểm tra trắc nghiệm nào có thể bảo đảm sự thăng hoa của con. Các lựa chọn mà thầy nói ở đây là các lựa chọn sáng tạo, mà sáng tạo là gì vậy? Đó chính là cái hơn nữa. Đây là định nghĩa đơn giản nhất của sự sáng tạo mà con có thể tìm thấy. Cái gì hơn nữađó chính là sự sáng tạo.

Sáng tạo thật sự

Con lấy một lựa chọn sáng tạo khi con chọn là hơn nữa – khi con chọn con hơn cái gì mà người khác muốn con là vì họ muốn con trở về các khuôn nếp cũ của cái kém hơn. Con chọn không chấp nhận điều đó và thay vào đó, con chọn là hơn nữa và thể hiện điều này bằng cách thực sự vượt lên trên và chứng minh rằng cuộc sống có cái gì hơn là cứ lặp đi lặp lại những thói quen cũ như thị phi, đấu khẩu và tranh cãi.

Mình phải tự hỏi tại sao một người có thể mãn nguyện hay hài lòng khi suốt đời họ lặp lại một cách máy móc những khuôn nếp cũ như một cái đĩa nhạc bị rè.

Con yêu dấu, hãy suy gẫm điều này! Con hãy nhớ lại cái đĩa nhạc rè mà con được biết khi còn nhỏ – tuy rằng trong số các con có lẽ có nhiều người đã lớn lên vào thời đại mà các đĩa nhạc đã bị xếp lên đầu tủ để gom bụi. Con hãy nhớ lại lúc mình đang chờ đợi bài hát tiếp tục thì nó lại lặp lại, con mất bao lâu để nhận ra rằng có cái gì không ổn? Con mất bao lâu để bắt đầu cảm thấy hơi căng thẳng và muốn bài hát tiếp tục?

Con có thấy chăng là tâm của con được tạo tác với khả năng sáng tạo, và do đó có một phần tâm con không hài lòng với một cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như một cái đĩa nhạc rè – trừ phi con đã bị rơi vào một trong những vòng lẩn quẩn do các thầy giả dựng lên để làm điên đảo con người. Những người bị rơi vào các vòng lẩn quẩn này không còn ý muốn tiến hơn nữa và do đó không thoát ra được các khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại mãi. Nhưng con thì có thể thoát ra được, vì nếu không con đã không có mặt nơi đây – thậm chí là không có khả năng nghe được các câu nói này của thầy. Và, con yêu dấu, trong tâm con con biết rõ điều đó.

Bước ngoặt và lựa chọn con là

Đó là lý do tại sao thầy nói lại một lần nữa: là con đã đến chỗ con có thể thực sự vươn lên một mức hoàn toàn khác và biến việc đọc quyển sách này thành một bước ngoặt quyết định trong đời con. Mọi chuyện đều đã được an bày. Mọi nhân duyên đều đã có mặt. Con chỉ cần lựa chọn đúng và tiếp tục củng cố lựa chọn này trong tương lai để bất kể chuyện gì xảy ra con cũng sẽ không chịu đi xuống ngay khi cả nhân loại bị vòng xoáy của sợ hãi cuốn xuống, do tình hình kinh tế hay chiến tranh hay bất cứ biến cố gì khác gây nên. Con đã tự đưa mình đến chỗ có thể vĩnh viễn thoát khỏi lực kéo xuống của tâm thức quần chúng. Bất kể điều gì xảy ra bên ngoài sẽ không khiến con bị cám dỗ đi theo vòng xoáy đi xuống, ngược lại con sẽ tiếp tục cứ lên cao và lên cao nữa, luôn luôn chọn mình là hơn nữa, bất kể tình cảnh lúc đó như thế nào – tình cảnh này ở phạm vi riêng con hay phạm vi toàn cầu.

Con đã tới thời điểm đó. Con đang ở thời điểm giống như khi Giê-su bước đến đám người và nói với họ: “Hãy bỏ lưới xuống và theo ta, ta sẽ biến các ngươi thành những tay đánh lưới người.” Con đã sẵn sàng bỏ lưới của con, và các thầy sẽ biến con thành một tay đánh lưới người có khả năng cho mọi người thấy rằng quả thực có hơn nữa.

Con hãy lựa chọn trong tự do. Con đừng lựa chọn vội vã với cái tâm vỏ ngoài. Con hãy dùng việc đọc quyển sách này để đi vào nội tâm, để tiếp xúc phần cốt lõi trong con. Nếu con dùng ngoại tâm để lựa chọn thì con sẽ phải đấu tranh với các thế lực thế gian chống lại lựa chọn của con.

Con hãy cho mình đủ thời gian để lựa chọn. Con hãy dành đủ thời gian để đi vào bên trong mình cho tới khi con tìm lại lúc chính con chọn đầu thai vào thế giới này để mang tới ánh sáng và tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Đó là sự lựa chọn, một lựa chọn tự phát tự nguyện, hoàn toàn hợp nhất, vô điều kiện mà không gì trên thế gian này có thể cưỡng lại. Chỉ khi nào con chọn từ mức độ đó của tâm con, thì sự lựa chọn mới bền vững và vĩnh viễn. Chỉ khi đó con mới , con mới vượt lên trên cái phản-là.

Khi các thầy, là các chân sư đã thăng hoa, đỡ đầu một pháp giảng hay phong trào nào, thì sự đỡ đầu này không máy móc tự động, như một số đệ tử đã lầm tưởng, mà là một sự đỡ đầu sáng tạo. Các thầy sẽ không đỡ đầu hoặc củng cố những lựa chọn được làm với ngoại tâm. Các thầy sẽ không củng cố nỗ lực của con khi con chỉ muốn cho mình dáng vẻ người tâm linh bằng cách áp dụng các quy tắc vỏ ngoài một cách máy móc. Các thầy sẽ củng cố những lựa chọn sáng tạo của con, những lựa chọn được làm từ quan điểm nhất nguyên.

Đó là lời nguyện của thầy, đó là tặng vật của thầy cho con ngày hôm nay. Thầy cống hiến cho con sự tự do trọn vẹn của tình thương vô điều kiện của thầy để con chọn. Bất kể con chọn thế nào, con sẽ vẫn có tình thương vô điều kiện của thầy. Vì nếu không như thế, thì tình thương của thầy đâu có vô điều kiện, và như vậy thì thầy đâu phải là một chân sư đã thăng hoa. Một người thăng hoa là người hoàn toàn tự do, và con cũng được tự do khi con cho mọi sự sống được quyền tự do lựa chọn, vì đó là quyền mà Thượng đế đã ban cho họ.

Thầy cảm ơn con đã chú tâm đọc bài này, thầy cảm ơn con đã sẵn lòng làm cánh cửa rộng mở đón nhận đợt trao truyền này giúp nó đi sâu vào tâm thức đại chúng toàn cầu. Nó thực sự đã tạo nên những làn sóng kinh động các quan niệm chối bỏ quyền lựa chọn, không muốn lựa chọn, không muốn lấy một lựa chọn thực sự thay vì một phản ứng được lập trình. Đó chính là tâm thức mà thầy muốn phá vỡ. Một lần nữa, thầy cảm ơn con, và thầy niêm con yêu dấu của thầy trong ngọn lửa của Ý chí Thượng đế – cũng là ý chí của Thượng đế bên trong con, của Thượng đế mà con .