15 | Phân biện vi tế giữa Ki-tô và phản-Ki-tô

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 11 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày tới đây để trao truyền một giáo lý ít khi được trao truyền trên hành tinh này, ít khi được đệ tử các phong trào tâm linh hay tôn giáo hiểu thấu. Thày trao truyền bài giảng này vì các con là đệ tử khắp nơi trên thế giới đã đạt được một trình độ tâm thức giúp các con bắt đầu nghiền ngẫm chủ đề này trong tâm, và có thể thảo luận với nhau dựa trên kinh nghiệm của mình khi học một số giáo lý và tham gia một số phong trào tâm linh.

15.1. Biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô

Các con yêu dấu, thày bây giờ bắt đầu bằng cách hỏi các con nghĩ tới hình thức dày đặc nhất, khắc nghiệt nhất, cực đoan nhất của phản-Ki-tô mà con có thể tưởng tượng. Lẽ đương nhiên, nhiều người trong các con sẽ nêu lên những thể hiện của tà ác, như giết chóc quy mô hay một số hành động tàn bạo, mà con người đã kết đọng xuống trái đất. Lẽ dĩ nhiên, đây là một sự trải bày, một biểu hiện của tâm phản-Ki-tô, nhưng thực ra thì chúng không phải là biểu hiện khắc nghiệt nhất của tâm phản-Ki-tô.

Con yêu dấu, con thấy là khi nhiều người nghe nói về các khái niệm Ki-tô, quả vị Ki-tô hay tâm thức Ki-tô, thì họ làm một điều mà các thày đã nói tới nhiều lần: họ phóng chiếu hiểu biết hiện tại, tâm thức hiện tại của họ lên các khái niệm đó. Họ nhìn quả vị Ki-tô qua phin lọc của hiểu biết hiện tại của họ. Lẽ dĩ nhiên, đây là điều tự nhiên; con không thể làm gì khác. Những người trong các con đã sẵn sàng thì có thể bắt đầu nhận ra là Ki-tô là một nguyên lý chỉ có một mục đích duy nhất, đó là bảo đảm con không thể nào tách biệt khỏi cội nguồn của mình, khỏi đấng Sáng tạo, một cách thường trực hay tuyệt đối.

Ki-tô cần thiết vì con được ban quyền tự quyết. Như thày Lanello đã nói quá hay: “Quả là một sáng kiến thần tình của đấng Sáng tạo!” Bởi vì con được ban quyền tự quyết, nên con được cho cơ hội bước ra khỏi cái Một. Do đó, thực sự không có gì giới hạn con rời cái Một xa chừng nào. Một khi con đi vào tách biệt và tạo ra thế giới quan của mình (mà con tin là tuyệt đối) thì con sẽ cứ tiếp tục trôi theo vòng xoáy đi xuống, càng ngày càng ăn sâu vào thế giới quan của mình. Ki-tô là nguyên lý bảo đảm là khi con đã chán ngán kinh nghiệm đó, khi con mong muốn và sẵn sàng đi ngược trở lại (bắt đầu đi trở lại về hướng cái Một) thì Ki-tô sẽ có mặt dưới bất cứ hình thức nào mà con có thể thấu hiểu ở trình độ tâm thức mà con có khi con quay đầu và muốn trở về cái Một.

Điều này có nghĩa là Ki-tô là nguyên lý tăng triển, tăng triển liên tục. Như các thày đã nói nhiều lần, không có gì tối hậu trên trái đất, không có trạng thái tâm thức tối hậu trên trái đất. Ki-tô và tâm thức Ki-tô là một tiến trình liên tục mà chung cuộc là dẫn con tới thăng thiên, nhưng lẽ dĩ nhiên, con có thể tiếp tục tăng triển khi con ở trên cõi thăng thiên. Đây là điểm quan trọng nhất mà con nên hiểu về tâm thức Ki-tô: đó là sự liên tục của nó. Nó luôn luôn, đều đặn và dần dần kéo con thăng vượt tầng tâm thức hiện tại của mình cho tới khi con tới tầng tâm thức mà bước thăng vượt kế tiếp là thăng thiên.

Đây là một nguyên lý mà rất ít người đã hiểu. Đại đa số đệ tử tâm linh, kể cả đệ tử chân sư thăng thiên, chưa sẵn sàng hiểu thấu nguyên lý này. Nhiều người trong các con đã sẵn sàng, và đó là lý do vì sao thày trao truyền bài giảng này. Lý do khác là vì các con có khả năng giữ quân bình, có thể nói là các con có thể là điện cực giúp gửi nguyên lý này tới tâm thức tập thể. Có lẽ con nhớ câu chuyện đám đông đầy giận dữ sắp sửa ném đá chết một phụ nữ, và lúc đó thày lấy một cây gậy và vạch một đường trên cát. Ấy, có thể nói là qua bài giảng này thày cũng vạch một đường trên cát và nói: “Bây giờ là lúc bước qua đường này và tiến tới một hiểu biết cao hơn về quả vị Ki-tô.”

Để minh họa diều thày muốn nói, thì chúng ta hãy trở về ý niệm đâu là biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô trên trái đất. Khi thày nói “biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô” thì nay con có thể hiểu câu này thực sự nghĩa là: “Điều gì ngăn cản con người tăng triển, tiếp tục tăng triển?”

Con hẳn nhớ là trong Thánh kinh, có một câu nói được gán cho thày, như sau: “Ta mong con hoặc nóng hoặc lạnh, nhưng vì con âm ấm nên ta sẽ nhổ con ra khỏi miệng ta.” Có một số người đang đi về một hướng và họ đang tách rời khỏi cái Một. Có một số người khác đi ngược lại và họ đang đi về hướng cái Một, nhưng đa số con người trên trái đất không đi về hai hướng đó. Họ giản dị không di động và đây là biểu hiện khắc nghiệt nhất của phản-Ki-tô trên trái đất, khi con xem xét điều gì ngăn chặn sự tăng triển của con người.

15.2. Những người không di động

Bây giờ, thày Gura Ma có nói là con có thể có một số điểm cố định trong tâm khiến tâm con có thể chuyển động và con đang thu thập dữ kiện mới, nhưng con không chuyển đổi lên một tầng cao hơn, vì tâm con giống như một cỗ máy chạy bộ đang chuyển động (có lẽ rất nhanh) nhưng không đưa về đâu cả. Nó không di động khỏi chỗ nó đang đứng và đây là cách rất nhiều người trên trái đất bị mắc kẹt ở một điểm và không thực sự di chuyển. Bây giờ thì ta có thể nhìn sự kiện trên bình diện thế giới. Lẽ dĩ nhiên, ở nhiều khu vực trên thế giới, đa số dân chúng đang di động một cách nào đó. Không có nghĩa là họ đang đi trên đường quả vị Ki-tô một cách có ý thức, nhưng họ đang di động.

Lý do vì sao thày nói là việc con đang tách rời khỏi cái Một vẫn tốt hơn là nếu con đứng yên, là vì khi con di động thì lúc nào con cũng có thể đổi hướng. Nếu con đang tách rời khỏi cái Một nhưng đổi hướng đủ thì con sẽ bắt đầu đi ngược trở lại. Nếu con đứng yên thì con không thể đổi hướng vì con không đang đi về hướng nào cả – không có hướng đi nào cả.

Con yêu dấu, khi con nhìn vào hiện trạng trái đất thì con thấy là ở nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều nhóm đông người đang ở trong trạng thái tâm thức không di động. Một cách để nhận ra điều này là nhìn vào những người sinh ra và lớn lên trong một nếp sống nào đó, một nền văn hóa nào đó, một quốc gia nào đó, sau đó họ tìm một việc làm (thường là một việc làm khá máy móc) và giản dị muốn tiếp tục làm việc đó cho đến hết đời. Họ thường sống trong cùng căn nhà, cùng chung cư, và họ làm rất ít để cải thiện môi trường bên ngoài của họ. Cuộc đời của họ giản dị ở thế bế tắc. Họ muốn một sự ổn định nào đó, họ muốn ở nơi họ cảm thấy thoải mái, và tiếp tục làm cùng một việc năm này qua tháng nọ.

Bây giờ, con yêu dấu, cuộc đời là một cơ hội quý báu. Nó là một cơ hội để con bảo đảm con rời bát cung vật lý với một tầng tâm thức cao hơn khi con đi vào. Có câu nói bình dân là con không thể đem gì theo mình, ý nói là con vào đời trần trụi và con lìa đời cũng trần trụi, và con không thể đem theo bất kỳ sở hữu vật chất nào. Điều này không đúng, con yêu dấu, vì con có thể mang theo sự tăng triển tâm thức. Con mang nó theo con khi đầu thai lần tới. Do đó, con có thể sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn, và có cơ hội tăng triển tốt hơn. Nếu con lại tận dụng cơ hội thì con sẽ tiếp tục đi theo vòng xoáy hướng thượng.

Bài giảng này không đặc biệt chú tâm vào nước Nga, nhưng vì chúng ta đang ở trên nước Nga nên thày sẽ lấy nó làm thí dụ. Nếu con đi ngược trở về thời kỳ trước cuộc cách mạng cộng sản, cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc, thì con thấy, như các thày có nêu lên, là vua Peter Đại Đế đã cố gắng nâng nước Nga lên một tầng cao hơn. Thời đó, có nhiều người trong giới quyền quý chống đối, nhưng cũng có nhiều người dân không tích cực chống đối – họ chỉ không động đậy. Họ không muốn động đậy. Con sẽ thấy đây là một trở ngại lớn cho sự tăng triển. Thày Lanello có bài giảng hùng hồn về vị Nga hoàng cuối và ông đã bỏ lỡ cơ hội ra sao, nhưng ta cũng phải nói là ông phải đương đầu với một tình hình rất khó khăn vì nhiều người trong dân chúng không chịu động đậy. Giống như là họ lớn lên để ở một đia vị nào đó trong xã hội, họ nghĩ họ phải giống cha mẹ họ, phải cố gắng làm một loại công việc nào đó và sống trong một căn nhà thuộc loại nào đó. Một khi họ đạt được điều này, thì họ sẽ tiếp tục ở đó cho đến cuối đời.

15.3. Ngay cả phản-Ki-tô cũng có thể đưa tới tăng triển

Con thấy là trên khắp thế giới có những thành phần đông đúc dân chúng không di động và không muốn di động. Bây giờ thì các con phải cẩn thận tìm một hiểu biết cao về điều thày đang giảng. Khi con có một dân tộc bị đóng băng (đóng băng vào một thời điểm), thì điều gì có thể kéo họ ra khỏi trạng thái cô-ma, trạng thái ngủ sâu mùa đông đó? Con yêu dấu, điều gì có thể kéo họ ra? Ấy, các chân sư thăng thiên và những người đại diện của các thày không thể làm chuyện này vì chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết. Các thày sẽ không áp đặt người khác, các thày sẽ không xâm phạm họ. Lẽ tự nhiên, các thày có cho con hiểu là các thày không coi cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc là một phát triển tích cực, và chắc chắn là những gì xảy ra sau đó lại càng không tích cực. Nhưng con hãy lắng nghe kỹ. Khi con có một dân tộc đã bị đóng băng vào một thời điểm, thì ngay cả một thay đổi tàn bạo do sa nhân đề xướng cũng có thể trong một thời gian ngắn đem dân tộc đó tới gần quả vị Ki-tô hơn, hay ít ra là cho họ một cơ hội.

Con hiểu là khi một nhóm dân không di động, thì không ai có thể làm gì được. Họ không tiến tới gần cái gì cả. Bất cứ thay đổi nào bắt buộc họ phải đối diện một tình hình mới, lay động họ ra khỏi lối suy nghĩ cũ, và ngay cả bắt buộc họ thay đổi lối sống, thì quả thực là một cơ hội cho những người đó.

Bây giờ, thày không nói là Lê-nin và nhóm Bôn-sê-víc đại diện Ki-tô. Thày chỉ đang nói là họ đóng vai trò lay động người dân Nga nhiều hơn là Nga hoàng đã làm được, vì Nga hoàng không sẵn sàng giết nhiều đồng bào của mình bằng nhóm Bôn-sê-víc. Thày không thừa nhận sự giết chóc, thày không bào chữa cho nó. Thày chỉ muốn nói là trong một hệ thống khép kín, con người sẽ thu hút điều gì làm xập hệ thống – và điều này cho họ cơ hội để chuyển bước đi tiếp vì họ đã không sẵn sàng tự họ làm điều này.

Con cần nhận ra ở đây một nguyên lý rất quan trọng: đứng yên là kẻ địch tệ hại nhất của Ki-tô vì nó trái ngược với tăng triển. Điều này có nghĩa là có một số người đã phần nào hòa điệu được với nhu cầu thay đổi, và họ làm việc để đem lại thay đổi dựa trên tâm thức của họ và tâm thức tập thể của quốc gia đó. Trong sự hòa điệu dó – con hãy cẩn thận nghe kỹ – họ không đại diện Ki-tô, nhưng họ quả thực cùng hướng với tâm Ki-tô vì tâm Ki-tô cũng muốn mang lại thay đổi. Tâm Ki-tô dĩ nhiên không muốn đem lại thay đổi bằng vũ lực và bạo hành, nhưng khi con người không chịu đáp ứng, thì tâm Ki-tô sẽ đứng lui lại và để cho những người bị kẹt trong tâm phản-Ki-tô làm những chuyện mà họ lúc nào cũng muốn làm: đó là kiểm soát, gây xáo trộn hay tàn phá.

Đó không phải là vì tâm Ki-tô muốn thấy chuyện này xảy ra, nhưng là vì tâm Ki-tô luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết của con người. Khi con người không chịu tự mình chuyển động bằng cách lấy chọn lựa của mình, thì tâm Ki-tô phải bước lui lại và để cho Quy luật thứ Nhì của Nhiệt động học hay Quy luật Nhân quả trải bày. Lúc đó, những người đó phải đối mặt một hoàn cảnh ép buộc họ ra khỏi hộp tư tưởng, ra khỏi sự ù lì, không muốn thay đổi của họ.

15.4. Cách mạng Bôn-sê-víc và Stalin

Có một khoảng thời gian trong đó những người đem lại cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc đã phần nào đứng cùng hướng với tâm Ki-tô. Thày biết điều này sẽ khiến nhiều người, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, ngạc nhiên. Một lần nữa, con hãy cẩn thận: thày không nói là họ đại diện Ki-tô, nhưng họ cùng hướng với mục tiêu của Ki-tô, là đặt con người vào một hoàn cảnh khiến họ bị ép buộc phải tăng triển vì họ không chịu tự mình tăng triển. Điều con cần nhận ra là giai đoạn đó (khi họ cùng hướng với tâm Ki-tô) không kéo dài. Nếu con nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc thì con thấy là họ rất mau chóng tha hóa và càng ngày càng sẵn sàng dùng bạo lực, càng ngày càng sẵn sàng đàn áp con người, đàn áp chống đối, đàn áp mọi hình thức tự do ngôn luận. Họ đã làm những gì sa nhân luôn luôn làm: họ trở nên vô cảm với con người. Lẽ dĩ nhiên, điều này đưa tới tình trạng Lê-nin rơi vào một vòng xoáy hướng hạ khiến ông đau ốm và chết, và Stalin lên thay thế.

Đây là chỗ con cần phân biện: Stalin không bao giờ thẳng hàng với tâm Ki-tô. Stalin không bao giờ ép buộc dân chúng phải đối mặt một hoàn cảnh khiến họ phải suy nghĩ lại cách họ sống và nhìn cuộc đời. Stalin chỉ giản dị củng cố vòng xoáy hướng hạ mà người khác đã kéo dân tộc Nga vào, và ông đã thiết lập mình thành nhà độc tài tối hậu, và từ điểm đó thì không còn tăng triển nữa. Tiềm năng tăng triển không còn nữa vì ông tạo ra một triều đại khủng bố đã bóp nghẹt mọi ý muốn của người dân muốn xem xét lại, mọi óc phê bình chỉ trích, mọi ý muốn cải thiện nơi người dân. Đó là lý do vì sao con thấy là rất rất nhanh sau khi Stalin lên nắm quyền thì người dân lại rơi vào trạng thái ù lì. Ta có thể nói là trạng thái ù lì này sâu đậm hơn trước vì mọi người đều nghĩ rằng phản đối chế độ hoàn toàn không lợi ích gì vì mình sẽ chỉ bị giết. Sau đó, họ cũng lấy quyết định (dĩ nhiên là trong tiềm thức): cố gắng cải thiện bất cứ gì đều vô ích, vì cuộc sống sẽ giản dị không thay đổi. Họ nay sống trong Liên bang Sô viết và người dân bình thường không thể làm gì khác ngoài việc tìm cách để cuộc sống tạm chịu được.

Con thấy là Stalin đã ép người dân Nga vào một tình trạng cô-ma, ù lì sâu đậm hơn, khiến họ không muốn thay đổi, không muốn cải thiện bất cứ gì. Con thấy là hiện nay vẫn còn nhiều người Nga có thái độ đó. Con chỉ cần bước ra và nhìn các khu vực ở Nga có những chung cư hay nhà cửa không được bảo trì, là chỉ dấu rõ rệt là những cư dân ở đó đã bỏ cuộc. Họ còn không màng giữ sạch môi trường, họ không muốn làm đẹp hay cải thiện bất cứ gì. Họ đã chấp nhận là họ sống một cuộc đời bất di dịch, họ có một lợi tức bất di dịch và họ không thể làm gì để thay đổi sự kiện này – đó là điều họ nghĩ. Đây là một thí dụ của sự ù lì rất rất dày đặc, rất rất nặng nề đã khiến mọi nỗ lực thay đổi nước Nga bị kéo lại, bị kéo xuống.

15.5. Sự giải thể của Liên bang Sô viết

Bây giờ thì thày muốn tới giai đoạn Liên bang Sô viết giải thể. Đây lại là một diễn biến chấn động khác. May thay, lần này không có bạo động và đổ máu quy mô. Đối với nhiều người, đây là một diễn biến khiến họ bị sốc hơn là cuộc Cách mạng Bôn-sê-víc vì quả thật có người nghĩ rằng Liên bang Sô viết sẽ tồn tại mãi mãi, ít ra là trong suốt cuộc đời họ. Do đó, họ nghĩ không có gì có thể giúp họ cải thiện điều kiện sống của họ và tìm cách cải thiện là chuyện vô ích – nên họ chỉ muốn sống một cuộc đời thoải mái trong khuôn khổ chế độ.

Bây giờ, lẽ dĩ nhiên là một số đợt truyền giáo chân sư thăng thiên trước đã nói Gorbachev là một sa nhân. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian trong đó ông cùng hướng với tâm Ki-tô vì ông nhận ra nhu cầu thay đổi và tìm cách đem lại thay đổi. Thày không nói là ông đại diện Ki-tô, nhưng ông cùng hướng với tâm Ki-tô. Boris Yeltsin cũng cùng hướng với tâm Ki-tô khi ông giải thể Liên bang Sô viết. Một lần nữa, thày không nói là ông đạt được một tầng tâm thức Ki-tô nào đó hay đại diện Ki-tô. Thày chỉ nói là ông cùng hướng với tâm Ki-tô khi ông thấy nhu cầu thay đổi sẽ ép dân Nga ra khỏi trạng thái cô-ma.

Đúng thực là Yeltsin nhận ra một điều mà Gorbachev không bao giờ nhận ra, đó là dân Nga đang ở trong trạng thái cô-ma và chủ thuyết cộng sản đã quả thực có tác dụng đưa con người vào trạng thái cô-ma, khi ông nhận ra rằng người dân Nga không đang làm những điều mà người dân trung bình ở đa số các nước Tây phương đang làm. Họ đang tìm cách cải thiện đời sống vật chất của họ bằng cách làm việc nhiều hơn, cải thiện điều kiện sinh sống, nhà cửa, nhà chung cư, mua xe lớn hơn và điều này điều nọ. Ý tưởng này chắc chắn cùng hướng với tâm Ki-tô vì những người đó thấy nhu cầu thay đổi.

15.6. Nhóm tài phiệt

Bây giờ thì con hãy xem xét tình hình trong những năm ngay sau Liên bang Sô viết giải thể. Lúc đó một phần lớn dân chúng, đại đa số dân chúng, vẫn còn trong trạng thái cô-ma, và đã ở trong trạng thái cô-ma trong suốt thời kỳ Sô viết. Họ đã ở trong trạng thái này suốt đời họ. Lúc đó họ ở trong trạng thái bị sốc mạnh. Họ bị ép buộc phải suy nghĩ lại một số chuyện, nhưng họ ở trong trạng thái bị sốc mạnh đến độ họ vẫn chưa chuyển động và không biết phải hành xử ra sao trước tình thế mới. Con thấy gì lúc đó? Con thấy là có một số người nhận ra cơ hội tốt và họ bước ra thành lập một số thương vụ. Họ bắt đầu tiếp thu kỹ nghệ dầu khí, tạo ra những cơ sở thương mại càng ngày càng lớn, và trở nên nhóm được gọi là “nhóm tài phiệt”.

Con có thể xem xét tình hình và thấy là những người đó đã thu thập được tài sản đồ sộ, họ đã không đếm xỉa đến tình trạng khó khăn của người dân, họ tránh đóng thuế, họ dùng hối lộ khi họ muốn, và đặt mình vào thế thượng tôn như tiểu Nga hoàng không bao giờ bị trừng phạt. Nếu con trở lại những năm ban đầu đó, thì con thấy đa số người Nga không sẵn sàng có tinh thần sáng kiến chủ động có thể giúp nền kinh tế tiến lên. Những người trong guồng máy chính quyền cũng không làm được chuyện này vì (như sự việc nền kinh tế Liên bang Sô viết bị suy thoái đã chứng minh) nhà nước và những người trong guồng máy nhà nước không có khả năng cải tổ nền kinh tế và đẩy nó đi lên. Họ có đầy đủ quyền lực để làm chuyện này nhưng họ đã không làm được. Gorbachev nhận ra điều này, tìm cách thay đổi, mong có thể tạo nền móng ổn định cho nền kinh tế Liên bang Sô viết và tránh giải thể Liên bang Sô viết, nhưng điều này không thể làm được. Tuy nhiên, đây là một sự di động về một hướng nào đó, đó là một cố gắng khiến bánh xe chuyển động, nhưng ông không thành công, không khắc phục được sự chống đối trong guồng máy nhà nước, và không làm cho họ có sáng kiến chủ động được.

Tình hình lúc đó như thế nào? Người dân không có tinh thần sáng kiến chủ động. Nhà nước không có tinh thần sáng kiến chủ động. Cần có ai đó có tinh thần sáng kiến chủ động để làm nền kinh tế chuyển động, và một số người đã có khả năng làm việc này. Ngay cả nhóm tài phiệt cũng đã, trong một khoảng thời gian, cùng hướng với tâm Ki-tô vì họ đã mang lại thay đổi. Khi một dân tộc ở trong trạng thái cô-ma như vậy thì gần như bất cứ thay đổi nào cũng hơn là không thay đổi. Con lúc nào cũng có thể trở ngược lại và phân tích tình hình và nói: “Cách mạng Bôn-sê-víc có phải là một thay đổi tốt hay chăng?” Ấy, nó đúng là một thay đổi tốt trong một khoảng thời gian ngắn vì nó đem lại một sự hồi phục và ép mọi người phải suy nghĩ trở lại. Lẽ dĩ nhiên, sau đó nó đi vào vòng xoáy đi xuống và không còn là một thay đổi tốt nữa. Đây cũng là chuyện đã xảy ra với nhóm tài phiệt.

Có một khoảng thời gian trong đó họ đã giúp nền kinh tế tiến tới. Sau đó, họ sang giai đoạn cảm thấy họ kiểm soát được nền kinh tế. Đây là điều luôn luôn xảy ra với sa nhân hay những người bị mắc bẫy sa nhân: họ tìm cách củng cố tầm kiểm soát của họ. Thay vì chia sẻ tài sản với dân chúng, thì họ tìm cách củng cố sự kiềm tỏa nền kinh tế của họ. Lúc đó thì họ không còn cùng hướng với tâm Ki-tô nữa, và họ không còn phụng sự sự tăng trưởng của đất nước.

Điều may mắn là trong khoảng thời gian đó, có nhiều người trong dân chúng đã tiến lên tới điểm họ sẵn sàng và có khả năng lấy sáng kiến chủ động. Con thấy được sự chuyển động trong nền kinh tế nước Nga với một số thương vụ mới mọc lên, một số thương vụ tầm cỡ nhỏ mọc lên, vân vân. Nhưng sự chuyển động này vẫn chậm hơn tiềm năng, vì hai yếu tố. Một là sự ù lì của nhiều thành phần dân chúng, và hai là ảnh hưởng của nhóm tài phiệt. Nhóm này, sau thời gian đầu tạo tăng trưởng, đã quay về khuynh hướng muốn kiểm soát nền kinh tế và lúc đó đã thực sự ngăn trở sự tăng trưởng kinh tế.

15.7. Nhóm tư bản sơ khai

Con yêu dấu, con thấy là cùng chuyện đã xảy ra tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19 khi cuộc cách mạng kỹ nghệ, những cải thiện kỹ thuật và phát minh mới, đã đem lại cơ hội mới để nâng nền kinh tế lên một mức cao hơn. Đa số những người lớn lên trong nông trại không có khả năng có sáng kiến chủ động. Nhà nước cũng không làm được vì trong thể chế chính trị Hoa Kỳ nhà nước không có quyền hạn đó. Một nhóm nào đó cần có sáng kiến chủ động, và nhóm này về sau được gọi là nhóm tư bản sơ khai.

Các con đều biết tên họ. Có lẽ các con cũng đều biết họ là sa nhân. Trong một khoảng thời gian, họ cùng hướng với tâm Ki-tô nhưng không đại diện tâm Ki-tô. Họ đem lại thay đổi bằng cách duy nhất có thể xảy ra lúc đó. Lẽ dĩ nhiên, sau đó tới giai đoạn nhóm tư bản này (giống y như nhóm tài phiệt ở Nga) muốn kiểm soát nền kinh tế. Họ muốn tạo ra thế độc quyền, mà từ lúc đó cho đến ngày nay, họ đã là một lực ngăn trở và kiềm giữ sự tăng triển kinh tế. Nhưng Hoa Kỳ cũng mau chóng tới điểm có nhiều người dân sẵn sàng có sáng kiến chủ động và đứng ra thành lập thương vụ của họ, và đây chính là yếu tố duy nhất giúp nền kinh tế không sụp đổ. Đây là điều đã duy trì sự tăng trưởng kinh tế mà các con đã thấy.

15.8. Nguyên lý Ki-tô là thay đổi

Điều thày muốn chỉ cho các con thấy ở đây là nguyên lý tâm thức Ki-tô không phải như đa số thường nghĩ, kể cả các đệ tử chân sư thăng thiên. Tâm thức Ki-tô là cái đem lại thay đổi ở một tầng nào đó. Đó là tâm thức Ki-tô. Nó đem lại thay đổi vì thay đổi cho con người cơ hội chọn lựa: họ muốn đi theo vòng xoáy đi lên, hay họ muốn lui về trạng thái cô-ma, và do đó phải củng cố nó và đi vào vòng xoáy đi xuống? Tâm thức Ki-tô phơi bày chọn lựa đó. Khi một nhóm người ở trong tình trạng bế tắc, thì tâm thức Ki-tô không thể làm điều này với những người đại diện tâm Ki-tô vì những người này không thể vi phạm quyền tự quyết. Do đó tâm thức Ki-tô chỉ có thể làm xuyên qua những người trong tâm phản-Ki-tô vì họ sẵn sàng vi phạm quyền tự quyết.

Con có thể nói: “Ấy, sao có thể nói là tâm Ki-tô đem lại thay đổi đó?” Như thày có nói, thực sự không phải là tâm Ki-tô làm điều này, nhưng tâm Ki-tô đứng lui ra và cho phép cơ chế mà các thày gọi là Quy luật Nhân quả hay Quy luật thứ Nhì của Nhiệt động học làm công việc của nó. Đây là cơ chế an toàn được thiết kế trong vũ trụ vật chất, chính là để con người không thể rơi vào tình trạng thoải mái và ở đó mãi mãi và không tăng triển. 

15.9. Đệ tử chân sư thăng thiên và quả vị Ki-tô

Bây giờ các con cần nhận ra một cơ chế áp dụng vào trường hợp các đệ tử chân sư thăng thiên. Từ lúc các thày bắt đầu giảng về chân sư thăng thiên, và đặc biệt về con đường quả vị Ki-tô, thì các thày đã giảng bài cho các đệ tử có một trình độ tâm thức cao hơn con người trung bình. Đệ tử của các thày không ở trong tình trạng cô-ma, họ không ở trong tình trạng ù lì khiến họ không muốn tăng trưởng. Nhưng điều này không có nghĩa, con yêu dấu, là con cần có một tâm thức cao để có thể nhận ra một giáo lý chân sư thăng thiên vỏ ngoài. Con cần có một trình độ tâm thức cao hơn trung bình, nhưng điều này không có nghĩa là con đã tới gần quả vị Ki-tô toàn vẹn. Các đệ tử sẽ nhìn khái niệm quả vị Ki-tô qua phin lọc của tầng tâm thức hiện tại của họ, và họ sẽ hiểu những gì họ có thể hiểu. Sau đó, họ sẽ tạo ra hình ảnh và phóng chiếu hình ảnh này lên nó.

Một trong những hình ảnh mà rất rất nhiều đệ tử đã tạo ra trong nhiều thập niên là quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo. Lẽ dĩ nhiên, điều này xảy ra một phần vì giáo hội Công giáo đã, như thày đã giảng nhiều lần, nâng thày lên địa vị người con duy nhất của Thượng đế, đã toàn hảo ngay từ lúc ban đầu, và do đó được đặt trên bệ cao ngoài tầm với của con người. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã tiếp thu khái niệm này, rõ ràng do sa nhân tạo ra, và phóng chiếu nó lên quả vị Ki-tô. Họ nghĩ rằng quả vị Ki-tô có tính chất có-không. Hoặc con không có quả vị Ki-tô, hoặc con có nó – và nếu con có nó thì con là người toàn hảo.

Ý kiến này thực sự không xây dựng vì hình ảnh của sự toàn hảo thông thường nhất trên trái đất là một cái gì không cần thay đổi. Tại sao một cái gì đã toàn hảo lại cần thay đổi? Điều này có nghĩa sự toàn hảo là một trạng thái bất động, và đó là lý do thày nói với các con: quan niệm toàn hảo này hoàn toàn không dính dáng gì đến quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô là sự tự thăng vượt liên tục, sự tự thăng vượt luôn luôn di động. Nó không bao giờ đứng yên. Tâm Ki-tô không bao giờ đứng yên và đó là lý do vì sao nó không tương hợp với khái niệm toàn hảo hiện tại. Bây giờ thì con có thể có một khái niệm khác của sự toàn hảo là khái niệm toàn hảo năng động, nghĩa là con luôn luôn sẵn sàng xem xét chính mình và thăng vượt trạng thái tâm thức của mình. Đó là cách con có thể, như tông đồ Paul có nói, “trở nên toàn hảo trong Ki-tô.” Điều quan trọng ở đây là quả vị Ki-tô không bao giờ, và sẽ không bao giờ đứng yên. Không có trạng thái quả vị Ki-tô tối hậu.

15.10. Đệ tử tâm linh không cùng hướng với Ki-tô

Tại sao hiểu chuyện này lại rất quan trọng? Ấy, đó là vì thày vừa khiến con nhận ra một sự kiện chấn động – ít ra là cho một số các con – là những người mà con cho là sa nhân có thể trong một số trường hợp cùng hướng với tâm Ki-tô. Bây giờ thì chúng ta cần đi sang đầu kia của quang phổ và xem xét sự kiện nhiều người đã đạt được một trình độ nhận biết tâm linh, và ngay cả đạt được một tầng nào đó của quả vị Ki-tô, nhưng trong một số trường hợp, lại có thể hoàn toàn không cùng hướng với tâm Ki-tô.

Nếu con sẵn sàng nhìn một cách trung thực thì con thấy là nhiều tổ chức tâm linh đã kết đọng (precipitated) nhiều sự tàn bạo đáng kể. Một lần nữa, chúng ta có thể trở lại trường hợp giáo hội Công giáo vì nó là một thí dụ hàng đầu. Sự việc quá hiển nhiên nên ta khó không đề cập tới nó. Phong trào Cơ đốc giáo đã có thời nào cùng hướng với tâm Ki-tô chăng? Có. Giáo hội Công giáo có thời nào đã cùng hướng với tâm Ki-tô chăng? Ấy, đây là một câu hỏi vi tế hơn. Điều ta có thể nói là giáo hội Công giáo đã từng kết đọng sự tàn sát người Cathars, tòa án dị giáo (inquisition), các cuộc thánh chiến, vân vân. Rõ ràng là những hành động này không cùng hướng với tâm Ki-tô. Vì sao một phòng trào do chính thày khởi xướng và lúc ban đầu cùng hướng với tâm Ki-tô, lại có thể tha hóa đến độ kết đọng những sự tàn bạo đó, hiển nhiên là biểu hiện của tâm phản-Ki-tô? 

Lấy thí dụ khác, làm sao có thể xảy ra chuyện có những đạo sư bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều người theo, rồi bỗng nhiên phong trào của họ bắt đầu suy thoái, và nhiều hình thức bạo hành bị phơi bày? Nguyên một phong trào, chỉ vài năm trước đang lành mạnh và cường thịnh, có thể suy thoái và ngay cả hoàn toàn tan biến. Tại sao một tổ chức chân sư thăng thiên (sau khi đã được các chân sư thăng thiên bảo trợ, đã có đệ tử hăng say đi trên con đường quả vị Ki-tô) lại có thể tới điểm mà các chân sư thăng thiên phải ngưng bảo trợ, đứng lui ra và nhìn nó đi vào suy thoái? Nó trở nên càng ngày càng bảo thủ, càng ngày càng cứng ngắc, càng ngày càng chú trọng con đường vỏ ngoài, càng ngày càng chú trọng nghi lễ, quy tắc, luật lệ. Tình trạng tới chỗ đa số thành viên của tổ chức không còn tăng trưởng tánh Ki-tô của họ. Họ thoải mái, nhưng không tăng trưởng. Họ có thể tự coi mình thánh thiện hơn người khác và cảm thấy hơn những người không phải là đệ tử chân sư thăng thiên, nhưng họ không còn tăng trưởng tánh Ki-tô. Họ đã đình trệ, họ đã đứng yên.

Làm sao một người đã phần nào cùng hướng với tâm Ki-tô và, tỷ dụ, nhận ra nhu cầu thay đổi, lại một thời gian sau đó sẵn sàng dùng bạo lực để đem lại sự thay đổi đó? Con đã thấy trong lịch sử có nhiều nhà lãnh đạo đã thấy nhu cầu thay đổi, đã làm việc để đem lại thay đổi, nhưng sau đó lại xoay chuyển. Như thể là lúc đó họ sẵn sàng dùng vũ lực và uy quyền để củng cố địa vị khiến mọi chuyện bị hư hỏng và rơi vào một chu kỳ bạo lực ngày càng đi xuống.

Câu hỏi thực sự ở đây là: “Có thể nào một người đã đạt được một phần quả vị Ki-tô nhưng vẫn chọn lựa đi ngược lại, bắt đầu rơi vào vòng xoáy hướng hạ dẫn họ xuống thấp hơn rất nhiều tầng tâm thức mà họ đã đạt được? Câu trả lời là: “Có.” Cho tới lúc con thăng thiên, con vẫn có thể bắt đầu đi ngược lại.

15.11. Sinh thể Ki-tô bị phản-Ki-tô lừa

Thày có đề cập tới giai đoạn con tới tầng 96 và phải đối mặt một quyết định rất quan trọng, đó là con có thực sự tới điểm nhận ra: “Tôi không phải là trụ điểm.” Hoặc con bắt đầu phụng sự tổng thể với tinh thần vị tha; hoặc con chú tâm hơn vào chính mình, cố gắng tăng trưởng thêm bất cứ ước muốn nào mà con có, có thể là muốn cảm thấy mình đang làm việc gì quan trọng, hay cảm thấy mình lịch duyệt hơn người khác, hay bất cứ ước muốn gì khác. Chắc chắn là khi con đã lấy quyết định và hiểu rằng quả vị Ki-tô là khắc phục cái ngã vỏ ngoài, thì con khó đi giật lùi. Như thày có nói trong nhiều bài giảng (ở cả Hàn Quốc lẫn Hòa Lan), là từ tầng 48 đến tầng 96, con có thể đã đạt được một phần quả vị Ki-tô nhưng bỗng nhiên, vì một lý do cá nhân nào đó, con không muốn tăng triển nữa, con không muốn đi xa hơn nữa. Có một điểm cố định trong tâm thức mà con không chịu nhìn vào và tra vấn, và do đó con đình trệ. Con cũng có thể đi giật lùi.

Điều này cũng giải thích hiện tượng các lãnh tụ được xem là có sức lôi cuốn mà con thấy trong lịch sử. Nhiều người nhìn vào các nhà lãnh tụ đó và nghĩ: “Người này có cái gì đó. Người này có đôi chút Ánh sáng! Tôi nghĩ hào quang người này có cái gì chân chính.” Họ bị thu hút vì họ nhận ra người đó có cái gì chân chính. Sau đó, ta có thể thấy rõ là có một điểm người lãnh tụ đó bắt đầu đi xuống và dẫn thần dân xuống vực thẳm. Một số người đã hỏi, và nhiều người hơn phải hỏi: “Làm sao chuyện này có thể xảy ra?”

Ấy, con yêu dấu, chuyện này có thể xảy ra vì quả vị Ki-tô là sự liên tục, nhưng con có thể tới một tầng nào đó của quả vị Ki-tô và dùng những gì con đạt được để đem lại một hoàn cảnh bên ngoài dựa trên một viễn quan mà con có, tỷ dụ là nâng mình lên thành lãnh tụ một quốc gia hay một phong trào tâm linh. Lúc đó, vì con đã thiết lập mình vào địa vị đó nên con không còn sẵn sàng tăng triển nữa, con không sẵn sàng tiến bước. Có một điểm cố định trong tâm thức mà con không chịu nhìn vào. Lúc đó, điều đương nhiên xảy ra là trái đất được liên tục kéo lên bởi sự gia tốc của toàn thể vũ trụ và tâm thức tập thể được nâng lên.

Khi con đứng yên thì con phải đối mặt lực đang kéo con phải thay đổi đó, và nếu con không chịu thay đổi thì con phải chống kháng lực thay đổi đó. Điều này có nghĩa là thay vì đạt và biểu lộ một tầng quả vị Ki-tô, thì con lúc đó trở nên một hệ thống khép kín.

Lúc đó, con mất quả vị Ki-tô vì quả vị Ki-tô là sự kết nối với tổng thể, và tổng thể luôn luôn gia tốc. Khi con từ chối gia tốc, thì con phải bắt buộc mất sự kết nối với tâm Ki-tô. Con lúc đó đi vào vòng xoáy muốn bảo tồn quyền lực, bằng cách càng ngày càng cực đoan và cuồng loạn. Tình trạng này nhất thiết dẫn tới suy thoái. Sẽ có người cảm thấy được điều này và họ sẽ ra đi. Sẽ có người khác chống đối và một số chuyện có thể xảy ra. Con thấy hiện tượng này xảy ra nhiều lần nơi các phong trào tâm linh. Con cũng thấy hiện tượng này trong thế kỷ vừa qua nơi một số phong trào, kể cả một số phong trào chân sư thăng thiên. Con thấy một giai đoạn tăng triển ban đầu, sau đó mức độ tăng triển chậm lại một cách vi tế, và không lâu sau đó thì sự ù lì xảy ra. Ấy, ù lì là một từ khác để chỉ cái chết.

15.12. Xem xét các tổ chức chân sư thăng thiên

Đây là một bài giảng quan trọng cho những ai đang đi trên con đường tâm linh. Bài này đặc biệt quan trọng cho những ai đã và đang tham gia một tổ chức chân sư thăng thiên. Con có thể dùng bài giảng này để nhìn vào các tổ chức đó và suy ngẫm chuyện gì đã xảy ra, suy ngẫm kinh nghiệm riêng của mình và đạt được một tầm nhìn cao hơn. Con có thể dùng bài giảng này để giúp con tăng triển bằng cách quay lại, nhìn vào chính mình và nói: “Tôi có điểm cố định nào trong tâm thức của mình? Tôi đã có dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố các điểm cố định đó chăng?”

Như thày có giảng tại Hòa Lan, con tự hỏi: “Tôi có đang dùng giáo lý chân sư thăng thiên để củng cố quan niệm của tôi về các chân sư thăng thiên, lối hành xử tâm linh của tôi, và tôi đã bị mắc kẹt trong đó?” Sau đó, con có thể nhìn gương các tổ chức đó, các nhà lãnh đạo đó, và con nói: “Tôi bây giờ đã thấy chuyện gì xảy ra, và tôi không muốn rơi vào cạm bẫy đó. Tôi muốn tiếp tục tăng triển, và điều này đòi hỏi gì? Ấy, nó đòi hỏi tôi phải luôn luôn sẵn sàng  nhìn vào chính mình, nhìn vào các điểm cố định đó, nhìn vào những nơi tôi bị mắc kẹt, và tôi phải ngưng phóng chiếu là lỗi tại người khác. Tôi nhận lãnh trách nhiệm, và tôi nhận ra là tăng triển tâm linh của tôi, quả vị Ki-tô của tôi, là trách nhiệm của riêng tôi.”

“Tôi có thể có một vị đạo sư, tôi có thể có một vị thày nhưng vị thày không thể thay tôi chuyển đổi tâm thức của tôi – chỉ có tôi mới làm được chuyện này, do đó tôi không bị giới hạn bởi bất cứ vị đạo sư nào, bất cứ vị thày nào, bất cứ giáo lý nào, bất cứ tổ chức vỏ ngoài nào. Nếu tôi cảm thấy tôi đang không tăng triển, thì thay vì phóng chiếu là người khác chịu trách nhiệm về sự không tăng triển này, thì tôi có thể xoay chuyển, nhận trách nhiệm và nói: “Nhưng tôi không bị giới hạn bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì trên trái đất cả! Không có điều gì bên ngoài tôi có thể ngăn tôi xoay chuyển tâm thức của mình, chỉ cần tôi sẵn sàng nhìn vào chính mình.”

15.13. Quả vị Ki-tô và ảo tưởng toàn hảo

Điều này có nghĩa là con có thể bắt đầu chuyển đổi quan niệm về quả vị Ki-tô và không cố gắng đạt được trạng thái toàn hảo nào đó. Con yêu dấu, con hãy nghe thày tuyên bố một cách rất rất rõ ràng. Có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã trở nên rất chân thành, rất nghiêm túc trong việc tu tập, đọc bài chú, đọc bài thỉnh, đi những bước khác, rất chú tâm, rất nghiêm túc. Có một giai đoạn làm như vậy hoàn toàn cùng hướng với tâm Ki-tô vì con cần giải thoát mình khỏi tâm thức tập thể và sức hút của nó. Nhưng sẽ có lúc con tới giai đoạn khác khi sự chú tâm vào những công việc vỏ ngoài đó có thể ngăn trở con đi vào nội tâm, nhìn vào tâm lý của mình và nói: “Điều gì trong tôi cần thay đổi?”

Con có thể, tỷ dụ, quá chú tâm vào việc thay đổi thế giới, đến độ con không nhìn vào chính mình. Con hãy cẩn trọng và nhận ra là có nhiều đệ tử có viễn quan là có một trạng thái tâm thức cao hơn và họ chân thành cố gắng đạt được trạng thái đó, nhưng họ vẫn chưa buông bỏ ý niệm quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo.

15.14. Tinh thần sùng bái và cấp bậc trong các tổ chức tâm linh

Nhiều người trong số các người đó – như đã xảy ra trong nhiều tổ chức chân sư thăng thiên – đã tôn sùng người sứ giả, vì họ nghĩ là để trở thành sứ giả thì người đó phải đạt được một phần quả vị Ki-tô và do đó đã “hầu như toàn hảo trên mọi phương diện”. Ấy, con yêu dấu, chỉ có Mary Poppins mới hầu như toàn hảo trên mọi phương diện. Không có một người nào đã từng như vậy và sẽ không có ai như vậy. Con cần nhận ra vấn đề thực khi con tôn sùng vị sứ giả hay vị đạo sư, và ngay cả tôn sùng Giê-su, thì sự sùng bái đó duy trì hình ảnh quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo.

Các thày đã thấy rất rất nhiều đệ tử thành tâm cố gắng đạt quả vị Ki-tô, nhưng tự ngã của họ đã đánh lừa họ và khiến họ nghĩ là một khi họ đã đạt được một tầng nào đó của quả vị Ki-tô thì họ không còn cần nhìn vào chính họ và tâm lý của họ. Họ không cần thay đổi nữa, họ không cần nghe bất cứ ai thấp hơn họ. Họ nghĩ rằng khi họ đạt được một phần nào đó của quả vị Ki-tô thì họ được một cấp bậc, họ nghĩ rằng những ai đạt được một phần của quả vị Ki-tô bỗng nhiên hơn những người dưới họ và do đó không cần nghe những người này. Họ không cần chú ý tới những người này khi những người này cho họ biết những điều họ cần nhìn nơi chính họ.

Đây là lý do vì sao sự tăng triển của con ngưng lại, và bỗng nhiên sự ù lì đóng rễ vì lúc đó con đã tới một địa vị nào đó trong tổ chức tâm linh, hay ngay cả trạng thái trong tâm mình, khi con cảm thấy thoải mái và không nghĩ mình cần tăng triển nữa. Nhiều người đệ tử đó nhận ra là họ chưa đạt được trạng thái tối hậu của quả vị Ki-tô vì chỉ có vị sứ giả là đã đạt được trạng thái này. Họ đã tạo ra một niềm tin vi tế cho rằng: “Ồ, người sứ giả thuộc vào một thành phần khác, giống như Giê-su vậy.” Họ nghĩ họ sẽ không bao giờ đạt được mức đó, nhưng họ cũng đã đạt được một tầng nào đó và do đó họ chắc chắn cao hơn những đệ tử khác trong tổ chức.

Khi con có một cấp bậc nhân gian như vậy, thì một tổ chức có thể bị đứng dừng lại. Chỉ yếu tố này thôi cũng có thể khiến một tổ chức tâm linh đứng dừng lại, nếu nó không được nhận ra và giải quyết. Nó có thể khiến những người bên dưới cảm thấy không có chỗ để họ biểu lộ quả vị Ki-tô của họ. Họ có hai chọn lựa: hoặc họ ngưng tăng triển về hướng quả vị Ki-tô để không quấy rầy những người ở trên và gây khó khăn cho họ, hoặc họ rời tổ chức và biểu lộ quả vị Ki-tô của họ nơi khác. Nếu những người sẵn sàng biểu lộ quả vị Ki-tô rời tổ chức, thì tổ chức không thể tiếp tục tăng trưởng. Điều này rất đơn giản, và đã xảy ra với nhiều tổ chức được chân sư thăng thiên bảo trợ. Thày không cần nêu danh những tổ chức này vì những người trong các con đã từng tham gia một tổ chức chân sư thăng thiên có thể rõ ràng nhận ra mô thức nếu con muốn.

15.15. Định nghĩa quả vị Ki-tô bằng phản-Ki-tô

Vấn đề thực ở đây là ý niệm quả vị Ki-tô là một trạng thái toàn hảo đã đến từ tâm phản-Ki-tô. Ở mức độ cá nhân thì nó tới từ tự ngã của con, và lý do là vì các lực phản-Ki-tô luôn luôn tìm cách ngăn cản không cho con thăng thiên. Họ biết là họ có tiềm năng ngưng con lại mỗi tầng trước tầng 144. Họ luôn luôn tìm cách dẫn con tới điểm con nghĩ con không cần tăng triển nữa, con không cần thăng vượt nữa, con không cần tiến lên tiếp. Do đó, có điểm cố định đó trong tâm thức con, ảo tưởng cuối cùng, như Hilarion có nói, mà con không chịu nhìn vào. Nếu con không chịu nhìn vào nó, thì con không thể buông bỏ nó, và do đó con vĩnh viễn bị mắc kẹt trong ảo tưởng đó.

Con yếu dấu, con không được danh dự gì khi con đạt tầng tâm thức 143 và ngừng ở đó. Tình trạng này rất rất bi thương. Các thày chưa bao giờ thấy chuyện này, nhưng nếu nó xảy ra, thì tình trạng này rất bi thương. Thật ra nó cũng gần bi thương như tới tầng tâm thức 77 và ngừng ở đó. Điều các thày luôn luôn muốn là các con thăng thiên, mà con không thể thăng thiên từ tầng 77 hay tầng 143! Con chỉ có thể thăng thiên từ tầng 144, và ngay lúc đó con vẫn cần thăng vượt ảo tưởng cuối cùng đó.

Con yêu dấu, bài giảng này đã dài. Bài giảng này có thể đã khiến con bị sốc. Thày đã nói điều thày cần nói, và thày cảm ơn các con đã sẵn sàng là cánh cửa mở để tỏa sáng bài giảng này tới tâm thức tập thể. Con có thể nghĩ là thày đã không nói nhiều đến nước Nga, nhưng thày bảo đảm là thày đã tỏa sáng năng lượng và xung lực vào tâm thức tập thể của nước Nga, đủ để xoay chuyển nước Nga vào một vòng xoáy hướng thượng – nếu có đủ người sẵn sàng đứng cùng hướng với những xung lực đến từ tâm Ki-tô. Do đó, thày đã đóng góp vào vòng xoáy hướng thượng và việc thể hiện thời đại hoàng kim trong đất nước tươi đẹp và yêu dấu này.