Thuyết luân hồi có thể giúp các tín hữu đạo Cơ đốc như thế nào

Hỏi: Tại sao việc suy nghiệm thuyết luân hồi quan trọng đối với người đạo Thiên Chúa?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Ta sẽ đề cập đến quan niệm luân hồi vì ta muốn tất cả các tín hữu của ta suy nghiệm về đề tài này. Hãy cho phép ta đưa ra những lý do tại sao ta xem đề tài này là quan trọng.

Thuyết luân hồi có khả năng giải thích rất nhiều những câu hỏi mà người tín đồ  Cơ đốc cho đến nay đã không tìm được câu trả lời. Nếu con suy ngẫm về khái niệm này và nghiệm xem nó áp dụng thế nào cho những vấn đề mà con đang đặt ra về cuộc sống và về Thượng đế, con sẽ tìm ra rất nhiều trả lời trong tim con.

Khi ta nhìn đạo Cơ Đốc ngày nay, ta nhìn thấy bao nhiêu người mộ đạo đã  thành tâm nỗ lực thực hành những lời dạy của ta qua trung gian các kinh sách và những giáo hội công truyền, vỏ ngoài. Tuy nhiên, vì kinh sách công truyền không chứa đựng chìa khóa cho giáo lý tâm truyền của ta, họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi không mang lời giải đáp. Vì những câu hỏi không có giải đáp này mà nhiều người cảm thấy một nỗi oán giận, phẫn uất rất sâu xa, mà nhiều khi chính họ cũng không nhận ra, đối với ta và đối với Thượng đế.  

Nhiều tín đồ Cơ đốc cảm thấy sứ mạng của Giê-su Ki-tô thuở xưa giống như một cái tát vào mặt nhân loại. Lý do là vì đạo Cơ đốc chính thống đưa ra một mục tiêu cho mọi người nhưng lại không có con đường rõ ràng nào để đạt được mục tiêu đó. Đạo Cơ đốc chính thống đưa ra mục tiêu là sự sống vĩnh cửu, nhưng lại không đưa ra con đường hợp lý nào để thực hiện sự sống vĩnh cửu. Ta hy vọng là nay con có thể nhận ra lý do chủ yếu khiến đạo Cơ đốc chính thống không đưa ra được một con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu là vì các lời dạy về quả vị Ki-tô cá nhân đã bị cắt bỏ. Chìa khóa duy nhất cho sự sống vĩnh hằng là quả vị Ki-tô nơi mỗi cá nhân.  

Để trở về với ý tưởng luân hồi, ta muốn nói là ý tưởng này có thể giúp con trả lời nhiều câu hỏi mà con chưa có giải đáp. Chẳng hạn, nhiều người đều biết là có những đứa trẻ sinh ra đã mang sẵn tật nguyền trầm trọng, dù là một khuyết tật vật lý, tình cảm hay tâm thần.

Nếu con không tin vào luân hồi, con chỉ có một chọn lựa là suy luận rằng Thượng đế đã muốn cho dòng sống đó sinh ra như vậy. Và con không khỏi phân vân tại sao Thượng đế lại muốn cho một dòng sống bước vào đời – mà dường như là cuộc đời duy nhất mà đứa bé đó sẽ trải nghiệm – với tật nguyền khắc nghiệt như thế. Khi con thêm vào đó ý niệm trừng phạt mà giáo hội chính thống chủ trương thì con chỉ còn cách suy diễn là có lẽ Thượng đế đã muốn trừng phạt dòng sống đó hay chăng. Thế nhưng làm thế nào một Thượng đế công bình bác ái lại có thể trừng phạt một dòng sống chưa có cơ hội nào để phạm tội?   

Khi con chấp nhận quan niệm luân hồi, con thấy được một lời giải thích. Mỗi con người đều đã từng có những kiếp sống trước đây. Cho nên những điều kiện mà con phải trải nghiệm trong đời này là kết quả của những nguyên nhân mà chính cá nhân con đã khởi động trong những kiếp trước. Hiểu đúng nghĩa của nó, trong luân hồi không hề có quan niệm trừng phạt. Hãy để ta giải thích chi tiết hơn cho con.

Khi Thượng đế tạo ra thế gian, ngài phán: “Hãy có ánh sáng”. Ánh sáng chỉ đơn giản là năng lượng. Mọi thứ trong toàn thể vũ trụ hình tướng được tạo bằng năng lượng của Thượng đế. Cho nên mọi việc con làm, con đều làm với năng lượng của ngài.

Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết, và con có thể quyết định mình muốn làm gì với năng lượng của ngài. Tuy nhiên, thật không công bình chút nào nếu ngài tạo ra một vũ trụ trong đó mọi người đều có quyền tự quyết, tự do làm bất cứ gì mình muốn bất chấp hậu quả cho người khác. Vì vậy Thượng đế cũng đã tạo ra luật nhân quả. Luật này này quy định rằng năng lượng mà con gửi ra vũ trụ sẽ bắt buộc gửi trở lại cho con.

Luật nhân quả là một định luật hoàn toàn khách quan. Nó cũng khách quan y như luật hấp dẫn, hay trọng lực. Nếu con nhảy ra khỏi chiếc máy bay mà không đeo dù, trọng lực sẽ khiến con rơi xuống mặt đất và toi mạng. Cái chết của con không phải là sự trừng phạt của một Thượng đế nóng giận đâu. Cái chết của con là hậu quả khách quan của một định luật thiên nhiên khiến cho mọi vật đều rơi xuống mặt đất. Luật nhân quả – hay luật nghiệp quả như nó mang tên ở phương Đông – không được Thượng đế đặt ra để mong trừng phạt con người. Nó được tạo ra như một cơ chế an toàn để ngăn chặn việc lạm dụng quyền tự quyết.

Kỳ thực, luật nhân quả là một vị thày thế chân, tạm thay thế cho vị thày chính. Vườn Địa đàng (vườn Eden) xưa kia là một lớp học được thiết lập để chuẩn bị cho dòng sống của con trước khi con bước vào đời sống trong vũ trụ vật chất. “Thượng đế” được nói đến trong Vườn Địa đàng không phải là Thượng đế trong ý nghĩa tối hậu, mà là một vị đại diện của Thượng đế, chính xác là một sinh thể tâm linh đã tình nguyện nhận lãnh vai trò làm thày giáo cho lớp học. Nhưng một số dòng sống, sau khi ăn trái cấm, đã rủ nhau lẩn trốn vị thày của mình.

Khi Thượng đế sinh tạo vũ trụ, ngài mong muốn tất cả mọi dòng sống luôn luôn là một phần của hệ thống thứ bậc trải dài từ cao đến thấp trong quan hệ thày-trò, sư phụ-đệ tử. Nói cách khác, không một dòng sống nào có thể bị bỏ rơi phải tồn tại một mình, mà ngược lại mọi dòng sống đều nhận được sự hướng dẫn thương yêu của một vị thày tâm linh. Tuy nhiên Thượng đế cũng ban cho mọi dòng sống quyền tự quyết, và ngài thừa biết một số dòng sống có thể sẽ sử dùng quyền tự do này để quay lưng lại thày mình, vì vậy mà phải có một cơ chế nào đó giống như một người thày thế chân để có thể tiếp tục giáo huấn.

Nếu một dòng sống chối bỏ vị thày tâm linh thì làm thế nào nó có thể học hỏi? Thật vậy, nó có thể học hỏi qua luật nhân quả. Luật này quy định rằng vũ trụ vật chất chỉ đơn giản là một tấm gương, phản chiếu lại cho con tất cả những gì con gửi ra vũ trụ.

Nếu con gửi hận thù ra vũ trụ, năng lượng hận thù sẽ được gửi trả về ngay cửa nhà của con. Nếu con gửi tình thương ra vũ trụ, vũ trụ sẽ gửi lại tình thương cho con. Nếu Vườn Địa đàng là mái trường của giáo huấn yêu thương và tâm linh, thì luật nhân quả là mái trường giáo huấn của trường đời cay đắng. Đó là tại sao kinh Cựu ước đòi hỏi phải trả một con mắt bằng một con mắt, một cái răng bằng một cái răng. Quy luật này được ban ra cho những ai có tâm thức thấp kém đến độ họ không thể hiểu được một quy luật nào cao hơn.

Luật nhân quả được thiết lập hầu dạy con cách cư xử trong thế gian bằng cách khiến con phải trải nghiệm hậu quả của chính hành vi của con. Khi con có hành vi nào đó, hành vi của con sẽ kích hoạt một phản ứng dây truyền. Hành vi của con gửi một xung lực năng lượng ra vũ trụ, và năng lượng này sẽ nhất định gửi trả lại cho con. Tuy nhiên, vì cách vận hành của vũ trụ vật chất – mà một ngày nào đó khoa học sẽ giải thích được – năng lượng phải mất thời gian để gửi trả về cho con. Giả tỷ con giết người nhưng không ai tìm ra con là thủ phạm thì con sẽ không bị trừng phạt ngay trong cõi thế gian này. Rồi con sẽ qua đời do tuổi già mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào của việc con làm. Nếu con chỉ sống đúng một kiếp thôi thì, quả nhiên, con đã thoát được tội giết người.  

Nói cách khác, nếu mọi người chỉ có một kiếp sống trên địa cầu thì Thượng đế đã cung cấp một lợi thế bất công cho những ai sẵn lòng nói dối và lừa đảo. Nếu con là kẻ gian dối, con có thể thoát khỏi hình phạt của tội lỗi ghê hồn nhất nếu không có ai phát hiện con là thủ phạm. Qua luật nhân quả, Thượng đế đã chỉnh sửa lại tiềm năng bất công này. Ngài đã đảm bảo không một ai có thể thoát được hậu quả việc làm của mình. Chỉ có điều là trong hầu hết các trường hợp, con sẽ không phải nếm mùi những hậu quả đó cho đến khi con tái đầu thai trong những kiếp sau.

Nhưng người ta có thể lập luận là việc trì hoãn hậu quả như vậy sẽ khiến cho con người khó học được bài học nhân quả hơn. Nếu vũ trụ có thể, chẳng hạn, giáng xuống một tia sét nẩy lửa mỗi lần có ai phạm tội thì có phải tốt hơn không? Nhưng cách lập luận này chỉ có thể áp dụng nếu con không hiểu biết gì về luật nhân quả. Và sự thiếu hiểu biết này không bao giờ là ý định của Thượng đế.

Thượng đế mong muốn con người hiểu rằng con người không bao giờ thoát khỏi hậu quả hành vi của mình. Hơn nữa, nếu con chỉ có một kiếp sống trên địa cầu và nếu mỗi lần con làm một điều gì khiến vũ trụ phải giết con chết, thì có phải là vũ trụ đã tước mất cơ hội học hỏi của con không? Và đó là lý do Thượng đế đã tạo ra một phản ứng chậm trễ, và kỳ thực, ngài làm vậy do lòng từ bi. Con thấy không, sự kiện nghiệp quả của con phải mất thời gian để bay ngược về con là một phương cách để Thượng đế, trong lòng từ bi và hồng ân của ngài, mở ra cho con cơ hội để con không phải hứng chịu hậu quả hành vi của mình.

Để hiểu trọn điểm này, con cần bỏ lại cái ý tưởng phàm phu muôn thuở cho rằng Thượng đế là một Thượng đế nóng giận có ý muốn trừng phạt con mỗi lần con vi phạm quy luật của ngài. Trên thực tế, ngài là một Thượng đế yêu thương muốn thấy con phát triển tâm Ki-tô của con. Ngài chỉ có một mong muốn mà thôi, là nhìn thấy con học được bài học của đời sống. Khi ngài trì hoãn hậu quả việc làm của con, ngài mở ra cho con khả năng là con sẽ thực sự học được bài học, từ bỏ cái trạng thái tâm thức đã khiến con làm điều sai trái, rồi nhờ đó con không phải gánh chịu hậu quả hành vi đó.

Ngay khoảnh khắc con làm việc gì sai trái, con gửi một xung lực năng lượng ra vũ trụ. Tuy nhiên, nếu con hoàn toàn hiểu ra là hành vi của mình là sai trái, và vì thế con vươn lên một mức tâm thức cao hơn khiến con không thể tái phạm, thì tuyệt đối không có ích lợi gì mà con phải hứng chịu hậu quả của hành vi. Thượng đế không muốn con bị trừng phạt mà chỉ muốn con học hỏi.

Nếu con đã học được bài học rồi thì chẳng còn lý do gì giữ con lại, ngăn cản sự phát triển của con bằng cách bắt con phải gánh chịu một hậu quả đau khổ. Nói cách khác, nếu con học được bài học của con trước khi vũ trụ phản hồi xung lực năng lượng về con, thì Thượng đế qua hồng ân và lòng từ bi, có thể tiêu hủy xung lực đó trước khi nó đập vào con trong một kiếp sau. Trong nhiều trường hợp, ngài có thể cho phép một trong những người anh, người chị tâm linh của con gánh vác nghiệp quả đó giùm con.  

Tuy nhiên nếu con chưa học được bài học thì Thượng đế sẽ để yên cho vũ trụ đáp trả lại xung lực năng lượng của con, và như vậy con lại nhận được thêm một cơ hội nữa để học hỏi qua trường đời cay đắng.

Ta biết nhiều người sẽ bảo: “Nhưng làm sao người ta có thể học được từ một tai họa nếu hoàn toàn không biết đó là hậu quả của việc mình làm?” Đây là một quan tâm chính đáng, nhưng thật không liên quan gì đến Thượng đế cũng như cách ngài thiết kế vũ trụ. Ngài thiết lập luật nhân quả nhưng đồng thời ngài cũng ban ra rất nhiều tôn giáo để dạy dỗ con người về luật nhân quả. Nếu có những người không chịu nghe lời dạy của ngài về luật nhân quả thì đây không phải là trách nhiệm của ngài. Đó chỉ là hậu quả không thể tránh khỏi khi họ cứ tiếp tục lạm dụng quyền tự quyết của họ như vậy.

Điều Thượng đế mong muốn là mọi người được hưởng sự hướng dẫn trìu mến của một vị thày tâm linh. Khi có những người quay lưng lại vị thày tâm linh và đi xuống vũ trụ vật chất, ngài đã không bỏ rơi họ một mình. Ngài đã ban cho họ những lời dạy tâm linh để giảng giải những điều kiện mà họ phải đương đầu trong thế gian. Nếu họ quyết định bỏ qua các lời dạy này thì ngài không còn cách nào khác hơn là để yên cho luật nhân quả giữ vai thày giáo.

Ngài chỉ có thể hy vọng là con người sẽ một ngày tự hỏi tại sao bao nhiêu sự việc như thế lại xảy ra cho mình. Có thể một ngày nào đó, họ sẽ suy xét và nhận ra là chính hành vi của mình đã dẫn đến các điều kiện mình đang nếm trải. Có thể một ngày, con người sẽ hiểu ra là khi họ tự hủy hoại như vậy thì chính họ cũng nắm vận mạng của họ trong tay, rằng chính họ có khả năng chuyển đổi vòng xoắn ốc đang kéo họ đi xuống. Thượng đế không thể làm gì để thay đổi tình thế mà không vi phạm quyền tự quyết của mỗi người, và quyền tự quyết thì ngài sẽ luôn luôn tôn trọng.

Một lý do khác nữa khiến cho luật nhân quả là một vị thày hữu hiệu là một khi con người đánh mất liên lạc với vị thày tâm linh, họ chỉ có thể học hỏi qua kinh nghiệm bản thân mà thôi. Chẳng hạn, con hãy tưởng tượng một người sinh ra làm vua của một quốc gia ở Âu châu thời trung cổ. Nhà vua lạm dụng quyền thế và đối xử thật tệ bạc với thần dân. Ông sống trong xa hoa lộng lẫy trong khi người dân phải chịu cảnh nghèo đói khốn cùng. Ông sống trong cung điện hoành tráng và hoàn toàn không biết tới những nỗi đau khổ của dân chúng. Trong trường hợp này, dòng sống ông vua đó sẽ chẳng học hỏi được gì về hậu quả việc làm của mình.

Tuy nhiên, như luật nhân quả quy định, dòng sống ông vua kia sẽ phải trải nghiệm hoàn cảnh này từ thế đối diện trong một kiếp tương lai. Nói cách khác, ông ta sẽ phải sinh ra làm thần dân của một ông vua bạo ngược khác. Do phải sống và trải nghiệm trực tiếp hậu quả việc làm trước đây của mình, dòng sống nay có cơ hội học hỏi, và có thể nó sẽ quyết định từ bỏ trạng thái tâm thức kia đã khiến nó hành động ích kỷ.

Tất nhiên, một số dòng sống sẽ cực kỳ khó khăn học được bài học giản dị này. Vì vậy, họ sẽ tiếp tục đầu thai trong cùng những điều kiện bên ngoài, hết kiếp này rồi tới kiếp khác, cho tới khi họ rút tỉa được bài học và chuyển sang những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu dòng sống sẵn sàng quay về một giáo lý hay một vị thày tâm linh, họ sẽ nhanh chóng học được là sự ích kỷ không bao giờ giúp mình phát triển. Thậm chí, dòng sông có thể học cả bài học cuối cùng là phải buông bỏ toàn bộ tâm thức nhị nguyên mà đón nhận tâm thức Ki-tô.

Ta là Giê-su Ki-tô, và ta đã hiến mạng sống của ta để đem lại các giáo lý về tâm thức Ki-tô. Các vị thày tâm linh là những người anh, người chị của ta cũng đã nỗ lực đem lại cùng những giáo lý đó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Trên thực tế, không một người nào đã từng sống trên hành tinh này mà không tiếp cận được giáo lý tâm linh dưới một hình thức nào đó.

Ta phải nhìn nhận là do sự hiện diện của một tầng lớp thượng tôn quyền lực và tính cách tương đối của tâm nhị nguyên, nhiều người đã không tiếp cận được một giáo lý tâm linh thuần khiết. Tuy nhiên, mỗi dòng sống luôn luôn có một điều gì đó mà mình có thể sử dụng để làm bàn đạp hầu đạt đến một hiểu biết cao hơn về cuộc sống. Nếu người đó sẵn sàng sử dụng những gì đã được ban ra, rồi nhìn vượt ra ngoài những giáo lý công truyền, thì quả thật đã có thể nhận được giáo lý cao hơn từ nội tâm.

Thông điệp chủ yếu mà ta muốn gửi cho con là Thượng đế đã làm tất cả để con dễ dàng học được bài học độc nhất mà con cần học trong đời này. Tuy nhiên, sự tương đối của tâm nhị nguyên thật là bất tận. Nó có thể nghĩ ra vô số lý do để bào chữa tại sao nó đã không chấp nhận hay không đi theo giáo lý tâm linh chân truyền.

Thượng đế đã cho con quyền tự quyết. Quyết định hoàn toàn nằm với con là con sẽ bước theo con đường chân chính phát xuất từ Đại đoàn chưởng giáo của Ánh sáng, hay là con sẽ bước theo con đường giả trá, con đường có vẻ đúng đắn đối với tâm nhị nguyên.

Trước khi ta rời chủ đề luân hồi, hãy để ta nói thêm về một lý do nữa tại sao ta muốn các tín hữu của ta mở tâm ra với quan niệm luân hồi. Ta muốn các con mở tâm ra với luân hồi vì luân hồi là thực tế. Khi ta hiện thân trên địa cầu, ta đã biết luật của Cha ta, và ta đã giảng dạy luật này cho những ai theo ta. Ta không bao giờ muốn các giáo hội Cơ đốc tước mất chìa khoá của hiểu biết.

Cho nên ta nói với giới chức sắc trong các giáo hội chính thống đã tước mất quan niệm về luân hồi: “Khốn cho các người là các thày thông giáo, vì các người đã tước đi chìa khóa của hiểu biết. Chính các người đã không bước vào mà lại còn ngăn cản những ai muốn bước vào. Cho nên ta không biết các người.”