Tia thứ Nhất: Một quan niệm không đường thẳng về nghiệp quả

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên More qua trung gian Kim Michaels, ngày 17/4/2009.

TA LÀ HƠN NỮA. Các con phải biết là thày tới mau chóng và ra đi cũng mau chóng. Khi thày đã nói những gì cần nói, thày không quan tâm các phép lịch sự thông thường đòi hỏi phải chấm dứt một cách nào đó. Khi chuyện đã quá đủ, thì thày chuyển sang chuyện khác.

Đây là một lời gợi ý cho tất cả các con. Khi đã quá đủ thì con hãy chuyển sang chuyện khác. Con hãy vứt bỏ cùm xích của bất cứ tâm thức nào mà con đã chấp nhận. Con có quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con muốn, nhưng con phải biết là khi con đã trải nghiệm đủ một kinh nghiệm nào đó, thì con thực sự có thể chuyển sang chuyện khác.

Đó là chìa khóa chủ yếu cho sự chữa lành. Đó là chìa khóa để phục hồi sự chữa lành thực sự. Con hãy nhìn xem con người tìm sự chữa lành như thế nào trên trái đất này. Các con hãy xem xét ngành y khoa mà các con có ngày hôm nay. Họ ngầm hứa hẹn điều gì? Họ hứa hẹn là khi cơ thể con có bệnh, họ có thể cho con một phương pháp máy móc để chữa lành. Con không cần giải quyết tâm thức đã kết đọng thành căn bệnh trong cơ thể. Con không cần xem xét cây đà trong chính mắt mình.

Đó là điều họ hứa hẹn. Có phải chăng đây cũng là điều mà nhiều tôn giáo đã hứa hẹn qua các thời đại? “Nếu quý vị theo tôn giáo của chúng tôi, nếu quý vị tuân theo các luật lệ và quy tắc mà chúng tôi đề ra, thì một ngày nào đó quý vị sẽ được vào nước Trời mà không cần xem xét cây đà trong chính mắt mình.”

Ấy, đó chính là lời hứa hẹn. Đã có bao nhiêu người tin lời hứa hẹn đó để rồi khám phá – sau kiếp sống này – là đây là một lời hứa giả và họ phải trở lại đầu thai trên trái đất? Họ càng ngày càng nghi ngờ các tôn giáo, vì họ thấy tính chất đạo đức giả của tôn giáo khi chính các giáo sĩ cũng tin rằng chỉ cần tuân theo các nghi thức bên ngoài. Họ nghĩ họ có thể làm bất cứ điều gì nếu họ không bị lộ tảy vì có thể trốn sau bình phong của giáo hội, tỷ dụ như trường hợp giáo hội Công giáo và nạn xâm phạm trẻ em tràn lan khắp giáo hội, quả đã xúc phạm những gì Giê-su chủ trương. Phải chăng là Giê-su có nói rằng tội tổn thương trẻ em nặng hơn tội bị đeo gông vào cổ và vứt xuống biển?

Con cũng thấy điều này nơi nhiều giáo hội khác, tỷ dụ như khi một mục sư trong một giáo hội cực chính thống đã bị lật tảy khi nói rằng: “Con có thể là một người của Thượng đế và vẫn có thể có các thú vui bên lề.” Quả là một sự đạo đức giả khi họ tuyên bố có thể đại điện Thượng đế đồng thời nghĩ rằng Thượng đế sẽ không thấy những gì họ che giấu khỏi con mắt người đời. Thượng đế không ở trên trời nhìn xuống con, nhưng Thượng đế bên trong con, đợi khi con tìm cầu Người Tình Thiêng liêng thương yêu con như là người con trai hay con gái yêu dấu.

5.1. Lòng chân thật là căn bản của sự chữa lành

Để phục hồi sự chữa lành thực sự, chúng ta cần bắt đầu với một nền móng vững chắc. Chúng ta cần bắt đầu với Tia thứ Nhất của ý chí của Thượng đế. Vậy, đặc tính của Tia thứ Nhất là gì? Con có thể nghĩ đó là ý chí của Thượng đế, con có thể nghĩ đó là uy lực của Thượng đế, nhưng ta có nên nghĩ tới đặc tính khác là sự chân thật chăng?

Con yêu dấu, phải chăng chân thật là một đặc tính của Tia thứ Nhất? Nó phải chăng là một biểu hiện của ý chí và uy lực cửa Thượng đế? Cốt lõi của lòng chân thật là gì? Phải chăng là sự nhập một với ý chí của Thượng đế? Thượng đế đúng thực là sinh thể chân thật tối hậu – vì Thượng đế không thể che giấu điều gì với chính mình.

Con có lẽ đã nghe người ta dùng lý trí đường thẳng hỏi câu này “Nếu Thượng đế toàn năng, thì Thượng đế có thể tạo chăng một tảng đá lớn đến độ chính ngài không thể nâng lên được?” Thượng đế là cái Một, do đó Thượng đế không thể tạo ra cái gì có thể che giấu khỏi mắt ngài – do đó ngài là tính chân thật. Con hãy xem xét cốt lõi của sự gian dối. Đó là niềm tin có thể che giấu một điều gì đó, có thể nói và làm một đàng và nghĩ một nẻo. Quả thực là khi con rắn nói chuyện với E-và, nó đã giả dạng là một người tới giải phóng, tới để giải thoát nàng khỏi cùm xích của vị thày tâm linh trong vườn địa đàng. Ngay nơi đó nó đã tạo nền móng của bệnh tật – với sự gian dối, với ảo tưởng là có thể che giấu một điều gì đó.

Con hãy xem xét lòng chân thật và luật tự quyết cho con quyền có bất cứ trải nghiệm nào mà con mong muốn, cho con quyền bước lên sân khấu cuộc đời và khoác vào bất cứ bộ áo tuồng nào mà con muốn trải nghiệm. Không có gì sai trái, không có gì tội lỗi – hay bất cứ danh từ nào khác mà người ta muốn dùng – khi con thử khoác vào nhiều bộ áo tuồng trên sân khấu cuộc đời. Thượng đế đã cho con quyền làm điều này.

Khi con bắt đầu tin rằng con bị kẹt trong một bộ áo tuồng nào đó và có một lực bên ngoài ngăn chặn không cho con chuyển sang chuyện khác, thì sự gian dối xuất hiện. Vì sao thày nói đây là sự gian dối? Bởi vì khi con nhìn sự việc một cách thiết thực, thì con nhận ra là Thượng đế đã cho con quyền tự do tuyệt đối thử bất cứ bộ áo tuồng nào mà con mong muốn. Thượng đế không ép con phải thử bất cứ bộ áo tuồng nào, và điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là chính con đã chọn lựa bộ áo tuồng mà con đã mặc vào.

Khi con xây dựng niềm tin là con đã không chọn lựa hoàn cảnh hiện tại của mình – nghĩa là hoàn cảnh hiện tại của con không phải là hậu quả của những chọn lựa trong hiện tại và quá khứ của con – thì con tự đặt mình vào thế kẹt mà các thày đã gọi là thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu con nghĩ là có một lực bên ngoài đã đặt con vào hoàn cảnh hiện tại của mình, thì ai sẽ có thể giải thoát con ra khỏi hoàn cảnh đó? Theo đúng lý luận hợp lý thì phải nói đó là một lực bên ngoài, phải không con? Điều này có nghĩa là con đã trao đi quyền thay đổi hoàn cảnh của con. Con đã tự đặt mình vào thái độ tiêu cực chờ đợi một lực bên ngoài nào đó thay con hành sự. Con đã làm một điều mà con cũng có quyền làm – đó là trao cho một lực bên ngoài quyền tự quyết của mình.

Thày nhắc lại là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết. Con có quyền làm điều trên. Như thày Maitreya đã giảng trong quyển sách của thày, con có quyền quyết định là con không muốn quyết định. Con có thể lấy quyết định là con không muốn quyết định nữa. Lúc đó, con tạo ra hình ảnh khô chết về một quyền lực bên ngoài điều khiển đời con.

5.2. Hãy thận trọng các điểm vi tế của luật tự quyết

Rắn sẽ rỉ vào tai con là con có quyền tạo ra vai tuồng đó, khoác vào bộ y phụ cáo tuồng đó để thử xem thế nào là cảm giác bất lực. Nếu con nhìn với lý trí đường thẳng, thì rắn có vẻ có lý. Nhưng điểm vi tế là một khi con trao đi uy lực của mình, thì làm sao con có thể rũ bỏ bộ áo tuồng? Làm sao con có thể giản dị bỏ nó lại phía sau và cất bước ra đi? Con có thấy điểm vi tế này chăng?

Nếu ta dùng lý luận đường thẳng, phân tích thì ta khó nói là rắn không có lý. Thượng đế đã cho con quyền tự do tuyệt đối và không giới hạn chọn lựa của con. Con có thể thử khoác vào bất cứ bộ áo tuồng nào, và bất kể bộ áo tuồng đó là gì, Thượng đế vẫn chấp nhận con như là sinh thể mà Thượng đế đã tạo ra như một sự nối dài của chính ngài. Bất cứ lúc nào con muốn bỏ đi con người cũ và khoác vào con người mới trong Ki-tô, con người mới trong cái Một, thì Thượng đế sẽ mở tay chào đón con. Thượng đế không giới hạn quyền tự do khoác vào một bộ áo tuồng và sau đó cởi nó ra.

Sự thực là lối lý luận của rắn giới hạn quyền tự do của con. Khi con chấp nhận lời gian dối, ảo tưởng cho rằng có một lực bên ngoài – tỷ dụ như vị Thượng đế giận dữ ở trên trời đã khiến con sinh ra trong tội lỗi – đã kết đọng hoàn cảnh hiện tại của con, thì con không thể giản dị tin rằng con có thể cởi bộ áo tuồng ra, từ bỏ con người cũ, và được tái sinh và trở nên một con người mới trong Ki-tô. Thượng đế đã cho con uy lực và quyền tự do để thực thi uy lực đó, nhưng rắn và tâm thức rắn tìm cách tước đi uy lực đó của con.

Thày, như là người đại diện của Ý chí của Thượng đế, tuyên bố rằng ý chí tối cao của Thượng đế là cho con quyền thực thi quyền tự quyết và tạo ra bất cứ trải nghiệm nào mà con mong muốn, vì như vậy con có cơ hội học hỏi. Đó là lý do vì sao con có thể tách mình ra khỏi cái một và tin vào sự dối trá của rắn và đi theo con đường giả, con đường hướng hạ, càng lúc càng tách mình ra khỏi cái một.

Con có quyền làm chuyện đó. Thày ủng hộ việc con có quyền đó. Nhưng điều thày muốn nói ở đây là ý chí của Thượng đế hoàn toàn không muốn con bị đau khổ vì bị giam cầm trong một ý niệm bản sắc hạn hẹp. Ý chí của Thượng đế không muốn con trở nên ít hơn, theo nghĩa con tự thấy mình ít hơn Sinh thể trong sáng mà Thượng đế đã tạo ra.

5.3. Khía cạnh Alpha và Omega của sự chữa lành

Khía cạnh Alpha của ý chí của Thượng đế cho con quyền tự do chọn lựa tuyệt đối. Khía cạnh Omega của ý chí của Thượng đế muốn con dùng quyền tự do chọn lựa để trở nên hơn nữa, chứ không ít hơn.

Bài học của sự chữa lành thực sự là gì? Sự chữa lành thực sự là gì? Đó là tự chữa lành!

Mục đích sự sống là gì? Đó là sự tăng trưởng cái ta, sự tăng trưởng sự tự nhận biết. Đó chính là toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng là nơi con bắt đầu với một ý niệm bản sắc rất địa phương, con tự đồng hóa mình với một hình tướng vật chất, tỷ dụ như thân thể của mình. Ý niệm bản sắc đó có hạn hẹp đến đâu, con vẫn có tiềm năng tăng trưởng sự tự nhận biết cho đến khi con đạt được tâm thức của Đấng mà con là một phần của Đấng đó. Sự tăng trưởng đó là tự tăng trưởng. Thượng đế không áp đặt nó lên con, vì sự tự tăng trưởng không thể bị áp đặt.

Bước khởi đầu của sự tự chữa lành chính thực là con nhận ra con đã chọn lựa tách mình ra khỏi cái Một. Lý do vì sao thân thể hay tâm của con cần chữa lành là vì con đã lấy một số chọn lựa đã giới hạn mình, thay vì mở rộng ý niệm bản ngã của mình. Con bị giam trong một ảo tưởng qua đó con không còn thấy mình là một sinh thể tâm linh đang tạm thời khoác vào một vai tuồng và bộ áo tuồng trong màn kịch của vũ trụ vật chất. Thay vào đó, con nghĩ là con bị giam trong vũ trụ này, bị giam trong vai tuồng nào đó. Khi con làm vậy thì con trao đi quyền năng tự chữa lành của mình.

Làm sao con thực thi được quyền năng đó? Con yêu dấu, khi con đã thực sự hiểu luật tự quyết, thì con nhận ra con có quyền tự do, hoàn toàn tự do. Thượng đế đã cho con một ý chí hoàn toàn tự do. Điều này có nghĩa là, giống như con có quyền chọn khoác vào một bộ áo tuồng nào đó – bất kể bộ áo tuồng này là gì – thì bất cứ lúc nào, con có tự do tuyệt đối tách mình ra khỏi bộ áo tuồng – con chỉ giản dị cởi nó ra, bỏ nó xuống, để cho con người cũ chết đi và được tái sinh với một ý niệm bản ngã mới. Làm như thế là nhìn nhận quyền năng mà Thượng đế đã ban cho con. Chính tự ngã của con và các thày giả, những người có tâm thức rắn, đang tìm cách tước đoạt quyền năng của con bằng cách khiến con tin rằng hoặc con chính bộ áo tuồng hoặc con không thể giản dị cởi nó ra.

5.4. Mở tâm đón nhận một quan niệm mới về nghiệp quả

Khi con nhìn vào tập thể nhân loại, thì con có thể quan sát một lằn ranh phân chia. Nhiều người vẫn hoàn toàn tự đồng hóa với xác thân vật lý và với hoàn cảnh gia đình, văn hóa, quốc tịch, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc hay bất cứ sự phân chia nào khác của môi trường nơi họ lớn lên. Những người có tâm linh cao hơn đã bắt đầu tỉnh giấc khỏi ảo tưởng đó và nhận ra họ hơn những bản sắc vỏ ngoài, nhãn hiệu và phân chia. Tuy nhiên, khi con bắt đầu tỉnh giấc và nhận ra mình hơn nữa, con phải đối mặt với luận điệu gian dối là con không thể giản dị rũ bỏ cái bản sắc cũ. Luận điệu này cho rằng nếu con đã phạm lỗi lầm thì con đã có tội. Con phải đền tội, con phải cân bằng nghiệp quả.

Thày muốn mời con tham dự một cuộc thí nghiệm tư tưởng. Chúng ta hãy lấy một giáo lý được trao truyền ở phương Đông – đây cũng là một giáo lý mà các thày cảm thấy cần giảng dạy trong các đợt truyền giáo trước của giáo lý chân sư thăng thiên – là quan niệm coi nghiệp là một lực bên ngoài. Con đã phạm lỗi trong một kiếp trước và mang một món nợ với sự sống, và do đó cán cân phải được cân bằng lại. Năng lượng mà con đã tha hóa cần phải được cân bằng trở lại.

Quan niệm này không nhất thiết sai. Con có quyền tự quyết làm bất cứ điều gì con muốn. Nhưng cái gì cho con khả năng làm bất cứ điều gì trong thế giới vật chất này? Đó chính là vì con nhận một phần năng lượng tâm linh từ Hiện diện TA LÀ của con, và con biểu hiện nó qua bốn thể phàm của con. Lẽ đương nhiên con chịu trách nhiệm về cách con sử dụng năng lượng đó. Con không thể vĩnh viễn rời bỏ trái đất nếu con chưa nâng lên tất cả năng lượng mà con đã pha màu với rung động của phản tình thương đang giới hạn mọi sự sống.

Con phải tới điểm mà sự hiện diện của con trên trái đất ít nhất phải là một sự quân bằng – con không kéo sự sống xuống. Lẽ dĩ nhiên con không xuống đây để kéo sự sống xuống, và con cũng không xuống đây để vật lộn trong mấy trăm kiếp để rồi trở lại điểm thăng bằng và rời trái đất. Con tới đây để đem lại một món quà tích cực, để đem ánh sáng của mình chiếu vào sự tăm tối của vũ trụ vật chất với mục đích tối hậu là nâng cao toàn bầu cõi, như thày Maitreya có giảng, lên tới điểm nó có thể thăng thiên và thể hiện nước Trời. Chúng ta hãy xem xét sự việc con là một người đồng sáng tạo đã thử nghiệm với quyền tự quyết trong nhiều kiếp sống. Con đã khoác lên một số vai tuồng, con đã đồng hóa mình như một sinh thể tách biệt, và con đã dùng năng lượng mà Hiện diện TA LÀ đã ban cho con để sở hữu và chiếm hữu một số vật cho cái ta tách biệt đó. Có thể là con đã tìm cách nâng nó lên trên người khác, và qua đó đã đạt được chức vị nổi bật trong xã hội cho con cơ hội hạ thấp người khác và coi mình quan trọng hơn người khác.

Lẽ dĩ nhiên có nhiều cách để tạo nghiệp. Con hãy nhìn sự việc một cách thực tiễn và nhận ra rằng không có gì nói ra bằng lời mà không thể bị tâm thức rắn và lý luận rắn bẻ quẹo. Đó chính là bản chất của lý luận rắn, nghĩa là khi con đã ăn trái cấm, thì con sẽ “khôn ngoan như Thượng đế”, con trở thành như Thượng đế, “biết thiện và ác”. Có nghĩa là lúc đó con đi vào tâm thức nhị nguyên và nghĩ rằng – tự ngã con nghĩ rằng – nó có quyền định nghĩa thiện và ác một cách tối hậu.

Đó là lý do vì sao có những tôn giáo trên trái đất tự coi mình là tôn giáo thực duy nhất, và qua đó ấn định niềm tin tuyệt đối là những ai không theo tôn giáo đó sẽ phải bị thiêu đốt vĩnh viễn trong đia ngục. Có những người đã theo một triết lý chính trị và coi nó cao hơn tất cả mọi triết lý khác, và do đó tin rằng diệt trừ tất cả các triết lý khác và áp đặt thể chế của họ lên toàn thế giới là một điều chính đáng.

Tâm thức rắn giam con trong niềm tin là hình tướng mà con thấy trong thế giới vật chất có một thực tại tối hậu. Con không thể giản dị rời bỏ chúng. Con bị đóng đinh bởi hình tướng, bởi hình ảnh, bởi tâm thức. Như cuộc đời của Giê-su đã trải bày, con bước vào vở bi kịch của cuộc đời, và quả thực là chúng có thể “đóng đinh” con. Có vẻ, ngay cả với Giê-su, không thể làm gì khác ngoài thủ vai tuồng đó.

Con hãy nhìn hình ảnh những chặng đường thập tự của Giê-su như truyền thống Công giáo mô tả. Giê-su bị kết án tử hình. Giê-su nhận cây thập tự. Nhưng đây cũng là một hành động thụ động chấp nhận một vật mà người khác giao cho thày. Giê-su té ngã, ai đó giúp Giê-su khiêng cây thập tự, ai đó lau nước mắt của thày, ai đó tìm cách khuyên thày nên bỏ cuộc. Thày bị đóng đinh trên cây thập tự, thày chết, thân xác thày bị đem xuống, thân thày bị chôn xuống mồ. Con yêu dấu, tất cả đều có tính chất thụ động.

Điều gì thiếu sót trong hình ảnh các chặng đường thập tự? Nhiều điều lắm, nhưng đầu tiên là sự kiện Giê-su biết rất rõ chuyện gì có thể xảy ra khi thày chọn bước vào thành Jerusalem. Quan trọng hơn cả là khi thày bị treo trên cây thập tự, thày chọn dứt bỏ hồn ma, qua đó ngay tức khắc rũ bỏ ý niệm cái ta tách biệt và chứng minh rằng mọi người đều có tiềm năng để sinh thể cũ, cái ta cũ chết đi tức khắc. Khi làm vậy con không ngưng hiện hữu, như các thày giả và tự ngã muốn con nghĩ, nhưng con thật sự được tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn, cái ta mà con vẫn là trong mắt của Thượng đế.

5.5. Một quan niệm cách mạng về nghiệp quả

Có một thực tại sâu sắc hơn. Con hãy quay trở về quan niệm nghiệp quả, con có thấy ảo tưởng mà tâm thức rắn dán lên quan niệm này? Khi con hiểu là tâm rắn dựa trên sự tách biệt, và khi con tách rời khỏi nguồn cội của mình, thì con phải tin gì về uy lực của Thượng đế? Con phải tin rằng nó chỉ có thể phát xuất từ bên ngoài con.

Khi con xem mình là một sinh thể tách biệt, con không thể chấp nhận là uy lực của Thượng đế có thể đến từ bên trong con. Con dễ rơi vào niềm tin gồm hai cực điểm, một bên là con cần một đấng cứu rỗi bên ngoài, và bên kia là con cần làm điều gì đó trên thế gian này, với tư cách một cái ta tách biệt, để chuộc tội hay cân bằng nghiệp quả.

Con hãy chú ý nghe điều thày đang nói. Con hãy cảnh giác ngay bên giờ, có thể con nên bước lui lại và nhận ra là cái tâm vỏ ngoài, tâm phân tích của con đang đánh lừa con để hoặc con không nghe lời thày nói, hoặc con không nghe ý nghĩa thực của nó. Thày đã nói gì trước đây? Con đã chấp nhận là có điều gì sai trái với con, có vấn đề cá biệt nào đó đang ngăn chặn con bước vào nước Trời. Điều thật sự sai trái với con là khái niệm có điều gì đó sai trái.

Khái niệm này từ đâu tới? Nó tới từ ảo tưởng tách biệt, từ sự thành lập cái ta tách biệt! Ta có thể nói là quả thực có cái gì sai trái với cái ta tách biệt, nếu ta suy nghĩ theo lối nhị nguyên. Nhưng không có gì sai trái với con, sinh thể mà con thực sự là.

Nhìn một cách rộng rãi hơn, ta có thể nói là cũng không có gì sai trái với cái ta tách biệt, vì Thượng đế không có quan niệm đúng và sai. Thượng đế chỉ quan niệm cái gì thật và không thật. Chỉ những gì được tạo ra trong cái một, là biểu lộ của cái một, chỉ có những cái này là có thật. Tất cả những gì được tạo ra trong tâm thức tách biệt không có thật và do đó không thể ảnh hưởng đến phần thật của con người con. Chúng không thể giới hạn nó, không thể nhốt nó vào cái lồng do một vai tuồng, bộ áo tuồng, hình tướng hay ý niệm bản ngã nào đó tạo ra.

Con có bắt đầu thấy nghiệp quả thực sự là gì chăng? Con đã quá quen thuộc, quá bị điều kiện hóa bởi tâm nhị nguyên nên con đã tin rằng thực sự có hai đối cực – và một cực là Thượng đế và cực kia là phản-Thượng đế. Đây chính là sự cao ngạo và lòng kiêu hãnh tâm linh của sa nhân khi họ nghĩ rằng khi họ chống lại Thượng đế thì họ có thể ảnh hưởng Thượng đế hay các sinh thể tâm linh không tách biệt khỏi cái một. Thượng đế không phải là đối cực của sự tách biệt. Thượng đế là cái Một, không phân chia, không thể phân chia, không điều kiện. Làm sao một điều kiện lại có thể chống lại cái vô điều kiện?

Con có thấy chăng là trong cái một không thể có điều kiện? Làm sao con tách ra khỏi cái một? Bằng cách tạo ra điều kiện! Và làm sao con tạo ra điều kiện? Con phải tạo ra hai điều kiện, ít nhất là hai, chống đối lẫn nhau.

Nếu không có sự chống đối, thì con vẫn còn cái một và do đó không có tách biệt.

Thày là chân sư của Ý chí của Thượng đế. Thày có các người bạn yêu dấu ở sáu tia kia. Vậy có nghĩa chăng là thày chống đối thày Saint Germain, vì thày ở tia thứ nhất và thày Saint Germain ở tia thứ bảy, tức là hai cực điểm trên một nấc thang đường thẳng? Điều này làm sao xảy ra được? Có thể nào là Ý chí của Thượng đế chống lại Tự do của Thượng đế, khi ý muốn của Thượng đế là mọi sinh thể đều tự do – và con có tự do khi con nhập một với ý chí của Thượng đế muốn nâng mọi sự sống lên?

Con có thể nghĩ là trong một kiếp trước con đã tạo nghiệp xấu và nếu con muốn thăng thiên, con cần cân bằng nghiệp đó bằng cách tạo ra nghiệp tốt. Nhưng xấu và tốt là hai điều kiện nhị nguyên. Con không thể hóa giải, cân bằng hay phủ định một điều kiện nhị nguyên bằng cách thêm vào điều kiện đối nghịch. Con không thể khắc phục một vấn đề với cùng tâm thức đã tạo ra vấn đề.

Nghiệp quả là gì? Nó được tạo ra khi con dùng khả năng sáng tạo của mình qua phin lọc của cái ta tách biệt, nhị nguyên. Bất cứ điều gì con làm qua phin lọc đó tạo ra nghiệp khiến con tách biệt khỏi cái một. Chính vì con xem mình là một sinh thể tách biệt nên con chú tâm vào cái ta của mình, và do đó có thể đã có hành động vị kỷ hay ích kỷ theo định nghĩa thông thường – và do đó con tạo ra điều mà đa số gọi là nghiệp xấu. Chính ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt đã tạo ra nó.

Nếu vậy thì làm sao con có thể giải trừ bằng cách làm điều gì khác qua cái ta tách biệt? Con có thấy chăng là quan niệm con đã tạo nghiệp xấu với cái ta tách biệt, và nay con cân bằng nghiệp đó bằng cái ta tách biệt, là một điều phi lý, mâu thuẫn? Con càng nỗ lực cân bằng nghiệp do cái ta tách biệt tạo ra, thì con càng củng cố ảo tưởng con là một cái ta tách biệt.

5.6. Khi cân bằng nghiệp quả là một trở ngại cho sự thăng thiên

Con có thể nghĩ là thày nói đi nói lại cùng một chuyện – và thày quả đang làm vậy. Nhưng thày nói điều đó dưới những góc độ hơi khác nhau, vì thày đang cho con một hình tư tưởng kỷ hà. Nếu con không thấy nó từ một góc nhìn này, có thể con sẽ thấy nó từ một góc nhìn hơi khác. Ý chính là: con hãy nhận ra là quan niệm con cần cân bằng nghiệp quả đang củng cố ý niệm con là một sinh thể tách biệt. Phải chăng ngụ ý là con không thể thăng thiên – có nghĩa là, trên căn bản, trở về với cái một – nếu con chưa cân bằng nghiệp quả?

Trong tâm, con nói: “Tôi là một sinh thể tách biệt, và tôi phải tiếp tục là một sinh thể tách biệt, cho tới khi, trong tương lai nào đó, tôi cân bằng hết nghiệp quả như một sinh thể tách biệt và – “bụp” một cái – một ngày nào đó tôi sẽ thăng thiên mà không hiểu rõ vì sao.” Một số trong các con, đã quả thực nhận được từ những lần truyền giáo trước của chân sư thăng thiên một hình ảnh – hay cũng có thể nói là con đã chấp nhận một hình ảnh – là ngay tiến trình thăng thiên cũng có tính chất thụ động trong đó con cân bằng nghiệp quả và mọi chuyện còn lại sẽ tự động xảy ra.

Không phải vậy đâu! Làm sao con thăng thiên? Bằng cách lấy lại quyền năng của ý chí của con! Con có nghĩ chăng là thày, Chân sư MORE, đang đứng trên thiên đàng và tìm cách ép buộc người khác thăng thiên? Thày làm như vậy thì đạt được gì? Những người đó sẽ vào thiên đàng với cùng trạng thái tâm thức mà họ đang hiện có. Các thày không muốn thấy những khuôn mặt buồn bã hay những khuôn mặt kịch cỡm mà ta thấy trên trái đất. Các thày muốn con như con là – trong cái một.

Thày không nói là con trở về thiên đàng giống y như khi con từ thiên đàng xuống thế. Con học hỏi khi con sống trong các cõi dày đặc hơn, con mở rộng ý niệm bản ngã của mình vượt quá khi con được tạo ra. Nhưng vì con trở về trong cái một, con nhận ra là con và các thày không khác nhau. Con là một nối dài của chính Bản thể của các thày.

Điều thày đề nghị với con rất giản dị. Con hãy suy ngẫm là con, như một sinh thể tách biệt, đi tới kết luận là con là một sinh thể tâm linh từ thiên đàng xuống và muốn trở về thiên đàng. Để có thể trở về con phải cân bằng nghiệp quả, do đó con tiến hành công việc với cùng tâm thức tách biệt.

Con có thể tiến triển đôi chút nếu con làm như vậy. Con có thể cân bằng năng lượng. Con có khía cạnh Alpha của trạng thái tâm thức của con mà con dán lên năng lượng, Ánh sáng Mẫu-Vật. Khía cạnh Omega của Ánh sáng Mẫu-Vật mang vào độ rung thấp hơn vì nhận các hình ảnh dán lên nó. Con có thể phần nào làm công việc cân bằng, vì chắc chắn là một hành động vị tha sẽ cân bằng nghiệp quả, theo cách nói của con. Nhưng thày phải nói với con là con không thể hoàn thành tiến trình này nếu con vẫn còn nhìn mình như một cái ta tách biệt. Điều này không thể xảy ra.

Vì sao lại không thể xảy ra? Lý do là điều thày đã giảng – con chỉ có thể vào thiên đàng khi con trở thành một với uy lực của Thượng đế trong con. Con chỉ có thể trở thành một với cái đó khi con chiến thắng cái ta tách biệt.

Con phải chọn lựa thăng thiên. Thăng thiên không phải là chuyện thực thi một số yêu cầu vỏ ngoài rồi – “bụp” một cái – con ở trên cõi thăng thiên. Thăng thiên phải là một quyết định, một chọn lựa.

5.7. Một cách nhanh chóng hơn để vượt lên trên nghiệp quả

Tuy con có thể tiến triển đôi chút với tâm thức của cái ta tách biệt, con hãy xem xét một con đường khác. Con hãy suy ngẫm là thay vì chú tâm vào việc cân bằng nghiệp quả, hay một lực bên ngoài nào khác, con lắng nghe lời dạy của Ki-tô. Có phải chăng là thày đã nói: “Trước tiên hãy tìm cầu Nước Trời và sự công chính của Thượng đế, thì tất cả những thứ kia sẽ được ban thêm cho con.”

Nước Trời là gì? Nó thực là tâm thức Ki-tô dựa trên cái một nơi con có sự công chính – cách sử dụng đúng – của uy lực sáng tạo của mình. Con dùng nó để nâng cái Tất cả lên thay vì cái ta tách biệt. Con hãy suy ngẫm là thay vì chú tâm vào hành động cân bằng nghiệp quả là một hành động vỏ ngoài và có phần máy móc, con chú tâm vào việc chuyển đổi ý niệm bản sắc, hình ảnh về chính mình, cách nhìn cuộc đời. Con trải qua một chuyển đổi kinh thiên động địa vể bản sắc khi con không còn thấy tách biệt nhưng thấy cái một.

Chuyện gì sẽ xảy ra trong tiến trình này? Chuyện sẽ xảy ra là con lấy lại uy lực của mình, con kết nối trở lại với sinh thể cao mà con là và khi đó con có thể nói với Giê-su: “Ta và cha ta là một. Cha ta làm việc cho đến bây giờ, nay ta cũng làm việc như vậy.”

Khi con đi vào trạng thái một đó – ít nhất là một phần của trạng thái một tuy chưa hoàn toàn là quả vị Ki-tô – và con thấy con vẫn còn một ít nghiệp quả, thì con nghĩ công việc cân bằng nghiệp quả đó có khó chăng khi con có uy lực của Thượng đế chảy xuyên qua con và giúp con hoàn thành công việc? Đi con đường tâm linh dễ hơn nhiều khi ta khởi đầu bằng tìm cầu cái một, thay vì tìm cách thực thi một yêu cầu vỏ ngoài như cân bằng nghiệp quả và nghĩ rằng cái một sẽ tự động đến sau. Qua cách đó con giới hạn mình – có thể là trong suốt phần còn lại của kiếp sống này – vào việc sử dụng uy lực chảy xuyên qua cái ta tách biệt, thay vì uy lực của sinh thể cao mà con là.

Ảo tưởng, con yêu dấu – ảo tưởng! Lý luận của tâm rắn vi tế biết bao? Nó rất vi tế khi con nhìn nó từ bên trong cái ta tách biệt. Nó rất lộ liễu khi con vươn lên tâm Ki-tô và đạt được tầm nhìn vô điều kiện giúp con thấy chân lý không diễn tả bằng lời nói hay giáo lý. Con đã theo lời gọi của Ki-tô: “Thượng đế là Tánh linh, và những ai thờ kính ngài phải thờ kính trong Tánh linh và chân lý.”

Khi con biết Tánh linh của Chân lý, con nhận ra sự rung động của chân lý, và con có thước cùng-đo tối hậu, cây gậy chỉ đường tối hậu, cây gậy của Moses, có khả năng rẽ nước Biển Chết – là biểu tượng của tâm thức nhị nguyên. Lúc đó con có thể an toàn vượt qua biển nhưng, khi đoàn quân của cái chết tới sau con, thì nước của tâm thức nhị nguyên của chúng sẽ tràn lên chúng. Chúng bị cuốn đi trong sự náo loạn, trong khi con bước sang bờ bên kia, tới vùng đất của Do Thái, biểu tượng cho cái thật.

5.8. Một quan niệm không đường thẳng về luân hồi

Chắc con có nghe là El Morya, Chân sư MORE, có tiền kiếp là Thomas More, là Thomas Beckett, là vị Chân sư nào đó, hay một nhân vật lịch sử nào đó. Nếu con đi trở ngược dòng thời gian, thì thày có từng đầu thai như Abraham. Nhưng con thấy chăng, Thomas More đã chết, Abraham đã chết. Tuy rằng con có thể nghĩ thày đã từng đầu thai như Abraham, nhưng thày nói là không phải vậy. Vì trước khi có Abraham, TA LÀ.

Vậy phải chăng thày chối bỏ đã có một tiền thân là Abraham? Phải chăng thày chối bỏ giáo lý được trao truyền? Không, thày không chối bỏ. Thày muốn con tiến lên cao hơn và nhận ra là như một sinh thể thăng thiên, thày đã nhập một với Sinh thể cao, mà từ sinh thể đó đã đầu thai như Abraham. Ý niệm bản ngã đã đầu thai như Abraham và những nhân vật kia không còn nữa. Thày HƠN NỮA. Thày đã vươn lên trên mọi ý niệm bản ngã thế gian. Thày đã trút bỏ các bộ áo tuồng. Thay đã đứng trần truồng trước hồ nước chữa lành và đã bước đi qua bờ bên kia. TA LÀ một sinh thể tái sinh, như con cũng có thể tái sinh, con yêu dấu.

Con hãy đi theo niềm hân hoan của mình! Con hãy xem điều gì mang lại cho con niềm vui lớn nhất, vì con sẽ thấy là điều cho con niềm vui lớn nhất là ý niệm là một với cai Ta bên trong của con, với ngọn Lửa Thượng đế của con, với Bản thể tâm linh cao hơn mà từ đó con sinh ra. Con hãy dùng niềm vui đó như thước đo để quyết định làm điều này hay điều kia ở giai đoạn này của cuộc đời của con.

Điều cho con niềm vui lớn nhất là điều mang con đến gần hơn sự hợp nhất với Bản thể cao hơn của con. Nếu có điều gì hạ năng lượng của con xuống, lấy mất sự chú tâm của con, khiến con cảm thấy mình phải làm sao để xứng đáng với một hình ảnh nào đó, mình phải đóng một vai tuồng nào đó, thì con hãy bước lui lại và nói: “Việc này không phải là việc của tôi!”

Những người phái nữ hiện nay đang hòa điệu hơn với con người tâm linh và sứ vụ thiêng liêng của họ hơn là người phái nam. Con cảm nhận là khi một người nam tới gần con và có thể có nhiều thiện ý – nhưng trong tâm người đó có một hình ảnh là con phải như thế nào nếu con chấp nhận đề nghị của y – con cảm thấy là người đó đang tước đi niềm hân hoan của con.

Con hãy bước lui lại và tìm xem đâu là niềm hân hoan của con, và con hãy theo nó – như nhiều người trong các con đã làm. Thày chỉ đơn giản giúp con chú tâm có ý thức là con có thể nhận biết rõ hơn về điều đó, con có thể cảm nhận có ý thức trong tim đâu là niềm hân hoan, cái gì mở rộng bản thể mình, ý niệm bản thể của mình, niềm vui của mình.

Có nhiều cách để thực hiện điều này. Con có thể đạt được qua sự sùng kính, như nhiều người đã làm qua nhiều thời đại, sùng kính Thượng đế, Giê-su, Mẹ Mary, đức Phật, Khrisna hay những vị đại diện tâm linh chân chính khác. Như Ấn giáo mô tả, có nhiều đường dẫn tới Thượng đế, nhiều hình thức yoga. Con hãy theo phương pháp đem lại cho con niềm vui lớn nhất, và đừng xem những người đang theo niềm hân hoan của họ là sai.

Con yêu dấu, thày nói với con là thày là đại diện của Ý chí của Thượng đế vì thày sùng kính vô điều kiện Ý chí của Thượng đế. Thày thương yêu Ý chí của Thượng đế. Thày thương yêu Uy lực của Thượng đế, biểu lộ cùng với tình thương vô điều kiện muốn nâng mọi sự sống lên.

Làm sao con có thể nhập một cách tối hậu với ý chí và uy lực của Thượng đế? Con có thể nào chiếm uy lực của Thượng đế bằng vũ lực của cái ta tách biệt chăng? Không đâu, con chỉ có thể thương yêu ý chí và uy lực – ý chí muốn nâng mọi sự sống lên. Khi con không còn động cơ nào khác, thì uy lực của Thượng đế sẽ tuôn chảy xuyên qua con để nâng mọi sự sống lên.

Con yêu dấu, con hãy được niêm trong tình thương của thày – yêu Ý chí của Thượng đế và yêu con. Ý muốn của Thượng đế là con có quyền tự quyết, và con có thể nghĩ là nếu con lấy chọn lựa “sai” thì thày sẽ không thương yêu con. Nhưng Thượng đế đã cho con quyền tự quyết và do đó – bất kể chọn lựa nào con đã lấy – thày vẫn thương yêu con vô điều kiện.

Lẽ dĩ nhiên, tình thương của thày không ngăn thày là một vị thày nghiêm nghị, không tìm cách khiển trách con, nhưng muốn cho con một thước cùng-đo – mà tâm rắn không thể tranh cãi, bóp méo và bẻ quẹo. Tình thương của thày bất di dịch, như Tảng đá của Ki-tô. Khi con chân thật, con sẽ tìm sự bất di dịch của Tảng đá của Ki-tô để có thể phân biện đâu là thật đâu là giả.

Con yêu dấu, TA LÀ thật. Con có chịu nhìn nhận chăng là con cũng thật? Nếu vậy, con hãy được niêm trong Ngọn lửa của Thực tại.