20 | Vượt qua nỗi giận chính mình, 16 phần.

Chân sư Thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, ngày 1 tháng 12 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền tại một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên MORE, và thày là phương cách tối hậu để vượt qua tâm thức thiếu thốn. Khi con hòa điệu với ngọn lửa của thày, thì con sẽ biết là trong Bản thể của thày không có thiếu thốn. Do đó, nếu con cho phép mình nhận cái mà thày rất mong muốn trao cho con, thì con sẽ không thấy thiếu thốn trong con.

Con không phải là một sinh thể bất toàn! Tất cả các hệ thống tư tưởng đã lập trình điều gì vào tâm tập thể từ bao thiên kỷ nay? Đó là ý niệm con người tự bản chất hư xấu và bất toàn. Nếu con nhìn một cách trung thực, thì con sẽ thấy đó là thông điệp của tư tưởng Mác xít và Cộng sản, cũng như là của Giáo hội Công giáo và của tất cả các giáo đoàn Cơ đốc giáo khác cũng dựa trên cùng nền tảng. Con là tội đồ từ trong bản tánh, con vốn dĩ giới hạn, và tâm thức này từ đâu tới?

20.1. Nỗi giận của sa nhân

Ấy, lẽ dĩ nhiên là nó tới từ sa nhân. Ta có thể nói họ có nhu cầu khẩn thiết muốn cảm thấy hơn những người họ rất khó chịu phải chung sống ở đây. Họ tin rằng trái đất là một hành tinh rất thấp và họ đáng lẽ không sống ở đây. Họ đáng lẽ phải sống trên một hành tinh cao hơn nhiều, một hành tinh to lớn hơn nhiều, nơi họ có thể cảm thấy có nhiều uy quyền hơn.

Họ cảm thấy họ đã bị mất giá trị khi họ phải tới hành tinh này. Do đó, nhiều sa nhân có một nỗi giận ăn sâu trong tâm thức họ đối với những người sống trên hành tinh này, gồm cả các cư dân nguyên thủy và các avatar (sinh thể từ hành tinh tự nhiên xuống đầu thai trên trái đất) đã dám tới đầu thai ở đây để thách thức quyền trị vì của họ. Con không thể giải thích nỗi giận này (mà con có thể thấy rõ trong lịch sử, nếu con chịu nhìn) qua những hệ thống tư tưởng truyền thống. Vì sao vậy, con yêu dấu? Đó là vì những hệ thống tư tưởng do sa nhân tạo ra có nhu cầu, kế hoạch và thâm ý tối thượng là che giấu sự hiện hữu của sa nhân. Do đó, lẽ dĩ nhiên là các hệ thống đó không thể giải thích nỗi giận này. Chúng hoặc không đưa ra một lời giải thích, hoặc nêu lên vài ý tưởng mơ hồ là người này người nọ đặc biệt tà ác, hay những chuyện tương tự.

20.2. Sự giận dữ bắt nguồn từ thể bản sắc

Sư thực là sa nhân, lẽ dĩ nhiên, có một nỗi giận ăn sâu trong tâm thức họ, ta có thể nói là một nỗi giận hiện sinh đối với con người. Họ sẵn sàng có những hành động phi lý, nghịch lý để đả thương, phá hoại và tiêu diệt con người, giống như mọi nỗi giận lúc nào cũng có tính chất phi lý và nghịch lý. Sự giận dữ là một xúc động nhưng nó không phải chỉ là một cảm giác, nó hơn một cái gì trong thể tình cảm của con người. Rất, rất ít người tìm hiểu tâm lý học đã hiểu điều này.

Sự thực là sự giận dữ bắt nguồn trong thể bản sắc. Sa nhân có trong thể bản sắc của họ nỗi giận đối với Thượng đế. Nếu con suy nghĩ thêm thì con thấy họ thực sự có phần giận Thượng đế vỏ ngoài mà họ đã tạo ra, nhưng chính thực thì còn hơn thế nữa vì họ giận chính họ. Vì cho dù họ đã sa ngã, nhưng họ đã bắt đầu như một phần nối dài của đấng Sáng tạo, giống như tất cả chúng ta. Trong họ có một nỗi giận ở tầng bản sắc, có một mô thức tư tưởng phức tạp giải thích cơn giận đó và định hướng nó. Lẽ dĩ nhiên, cũng có một mô thức xúc cảm, thường thúc đẩy con người làm những chuyện khi giận dữ mà họ không bao giờ làm nếu họ suy nghĩ sáng suốt dựa trên lý trí. 

Con có thể nói là với đa số con người và avatar trên hành tinh này thì sự giận dữ chủ yếu là một hiện tượng xúc cảm, nhưng với sa nhân thì nó hơn thế. Đó là lý do vì sao, khi con phân tích tâm lý của những người như Hitler, Lê-nin, Stalin, Mao và các nhà độc tài khác trong lịch sử, thì con thấy là sự giận dữ của họ không đơn thuần là xúc cảm. Họ có một nỗi giận rất sâu trong thể lý trí và bản sắc của họ. Nó là một cái gì mà họ thường không làm chủ được – nó làm chủ họ. Con có thể thấy là có những lúc họ hành động không phải vì thịnh nộ mê cuồng mà với một nỗi giận có tính toán, dài hạn và có kế hoạch.  

20.3. Sự giận dữ có tính toán của sa nhân

Vì sao thày lại đề cập đến chuyện này? Áy, thày có một số lý do. Một lý do, lẽ dĩ nhiên, là con cần hiểu là điều đã xảy ra trong Khối Sô viết đưới chế độ Cộng sản, không thể được giải thích bằng sự giận dữ mà thôi. Con cần hiểu nỗi giận rất sâu của sa nhân đối với nhân loại, và ước muốn của sa nhân muốn hoặc kiểm soát nhân loại, hoặc tiêu diệt những ai họ không thể kiểm soát. Con yêu dấu, không phải là Stalin hay những người trong guồng máy Sô viết ở trong cơn thịnh nộ không thể kiềm chế khi họ gõ cửa nhà người dân lúc 4 giờ sáng và đày họ đi Siberia. Không có một cơn giận xúc cảm đằng sau các hành động này, tuy rằng trong một số trường hợp, các tên đồ tể thi hành những lệnh này phải đặt mình vào trong một trạng thái xúc cảm để có thể làm những chuyện này với người đồng hương của họ.

Khi con xem xét nhóm lãnh đạo và đặc biệt là người lãnh đạo tối cao, thì con thấy là trong họ không có nỗi giận xúc cảm. Con có thể thấy là khi Hitler nói một số bài diễn văn thì y có vẻ bị rơi vào trạng thái giận dữ xúc cảm. Nhưng khi y đối xử với các tướng lãnh và những người khác, thì y không xúc động, y rất tính toán – ta còn có thể nói là y hành xử hợp lý. Con chỉ có thể hiểu hiện tượng này khi xem xét tầng sâu hơn mà thày đã đề cập. Thày đang nói với các avatar trong hội trường này, và các con cần hiểu là tuy các cư dân nguyên thủy của trái đất ít khi có cơn giận đi quá tầng xúc cảm, thì một avatar quả thực có thể có một sự giận dữ như vậy.

Điều này không có nghĩa là các con có cùng nỗi giận như sa nhân. Con yêu dấu, khi con nhìn vào tâm lý của một số sa nhân (không phải tất cả, nhưng một số) và tâm lý của một số avatar (không phải tất cả, nhưng một số) thì con thấy là cả hai nhóm có sự giận dữ trong thể lý trí và bản sắc của họ. Nếu con xem xét kỹ hơn, thì con thấy một khác biệt cơ bản. Nỗi giận của sa nhân lúc nào cũng hướng ra ngoài. Trong nhiều trường hợp, nó cũng hướng lên trên, tức là về hướng Thượng đế. Sa nhân không bao giờ cảm thấy giận (một cách ý thức) chính mình. Nhưng, con thấy nơi nhiều avatar một nỗi giận ở tầng lý trí và bản sắc hướng về chính họ. Có nhiều lý do ở tầng lý trí. Ở tầng bản sắc cũng có một số lý do khác nhau, nhưng chúng đều xoay quanh một chủ đề, đó là con giận mình đã tình nguyện xuống hành tinh này. Con giận mình đã chọn lựa tới hành tinh này.

Cũng có một số avatar sau khi đến đây, sau khi đã đi vào nhị nguyên, đã tiếp nhận một số niềm tin vi tế mà sa nhân đã phổ biến. Họ có thể cảm thấy giận Thượng đế đã tạo ra một vũ trụ trong đó những đau khổ mà con thấy trên trái đất có thể xảy ra. Một số avatar có thể có cảm giác như vậy, nhưng nó không giống nỗi giận của sa nhân đối với Thượng đế. Một avatar không có cảm giác giống như sa nhân. Thày sẽ không mô tả ở đây cảm giác của sa nhân, nỗi giận của họ đối với Thượng đế, vì trong cương vị một avatar, con không cần để tâm đến việc này. Thày chỉ nói với các con là, dù con có cảm thấy giận Thượng đế, thì điều này không có nghĩa con là sa nhân.

Con không cần phải chê trách mình vì chuyện này. Con nhận ra rằng nó không phải là một nỗi giận mà con đã mang theo khi con xuống hành tinh này. Sa nhân mang nỗi giận Thượng đế theo họ khi họ tới hành tinh này, và ngay cả khi họ đi vào bầu cõi này. Con thì đã tiếp nhận nó trên trái đất, và như tất cả mọi thứ mà con đã tiếp nhận trên trái đất thì con có thể nhận ra nó, thấy nó không phải là con và buông bỏ nó. Con có thể nâng mình lên khỏi nó.

20.4. Nỗi giận đối với cõi Mẹ

Con cũng có thể cảm thấy giận cõi Mẹ (cõi vật chất) vì cõi Mẹ, Ánh sáng Mẫu-Vật, đã biểu hiện những điều kiện vật lý tạo ra sự đau khổ cùng cực đó. Nhiều avatar cảm thấy điều này, không phải vì những chuyện đã xảy ra cho chính họ, như Mẹ Mary đã nói, nhưng vì những chuyện mà họ đã thấy xảy tới người khác. Con khởi lên lòng từ bi và do đó có một sự giận dữ: “Vì sao vật chất lại để các chuyện này xảy ra, vì sao đá không kêu lên như Giê-su đã nói?” Vì sao các tảng đá không từ chối rơi xuống và đè bẹp con người, con đôi khi có cảm giác như vậy. Lý do là, lẽ dĩ nhiên, chúng ta đang nói những chuyện hơi khác nhau. Giê-su nói là đá kêu lên vì chúng nhận ra Ki-tô, dù con người không nhận ra. Chuyện này khác việc vật chất tạo ra những hậu quả vật lý khe khắt. Như các thày đã giảng, vật chất chỉ là một tấm gương và bắt buộc phải biểu hiện những gì được phóng chiếu lên nó. Con hiểu điều này bằng lý trí, thày hiểu như vậy. Thày chỉ đang nhắc nhở là con có thể cần học hay nghe bài truyền đọc này nhiều lần và suy ngẫm nó cho tới khi con thực sự thấy trong bản thân mình là con có nỗi giận này, và nó không phải là con nhưng chỉ là cái gì con đã tiếp nhận.

Có nhiều người trong các con, có nhiều người tâm linh, nhiều avatar đã đi vào tư duy (mà vị sứ giả này cũng đã nhận ra nơi chính ông) cho rằng một người tâm linh không được cảm thấy giận dữ. Do đó, con không chịu nhìn nhận cơn giận của mình, và như Phật Gautama đã giảng vào đầu năm nay, có khi con cần nhận ra những cảm xúc của mình để có thể tách mình ra khỏi chúng. Phật Gautama có trao cho các con một bài tập trong đó con đi tới một nơi cách biệt không ai có thể nghe thấy con, và con dùng lời để phát biểu cảm xúc của con đối với sa nhân, nhưng ngay cả với Thượng đế và cõi vật chất. Con có thể nói ra nỗi giận của mình, dùng ngôn từ để phát biểu nó. Khi con dùng ngôn từ để phát biểu nó, thì con dễ tách mình ra khỏi nó hơn, và thày sẽ cho con có một gợi ý đơn giản lý do vì sao lại như vậy, con yêu dấu.

20.5. Nói ra lời mình là ai

Con hãy tưởng tượng con đi tới một nơi cách biệt và con nói ra lời nỗi giận của mình. Tôi giận Thượng đế vì lý do này hay lý do khác. Một khi con đã làm xong chuyện này, khi con đã trút hết những gì trong con và không còn lời nào thốt ra nữa, thì thày muốn con làm một chuyện giản dị. Bây giờ thì con hãy nói ra lời con gì. Con thực sự là gì? Đúng, con có thể nói “Tôi là một con người, tôi là một sinh thể tâm linh,” hay là cái gì khác, nhưng con hãy mô tả nó. Con thực sự là gì? Con sẽ thấy là rất khó thêm vào những chữ sâu sắc hay nhiều ý nghĩa. Con có thể thêm vào một số chữ hời hợt dựa trên bất cứ giáo lý tâm linh hay nhân sinh quan nào mà con có, nhưng con sẽ rất khó nói rõ con thực sự gì.

Lý do vì sao rất giản dị. Cái con thực sự là là sự cá biệt neo trong Hiện diện TA LÀ của con, và sự cá biệt này hoàn toàn vượt lên trên ngôn từ. Ta không thể giảm thiểu nó bằng lời nói. Khi con nhận ra là nỗi giận của con có thể được diễn tả bằng lời nói nhưng Bản thể thực của con không thể được diễn tả bằng lời, thì con có thể dễ dàng xoay chuyển tầm nhìn và nhận ra rằng nỗi giận của con không phải là nỗi giận của Bản thể thực của con – nó không phải là nỗi giận của con. Nó chỉ là một điều mà con đã lấy vào ở đây trong bát cung vật lý của trái đất. Con yêu dấu, thày đã đầu thai trong một thời gian rất dài trên hành tinh này. Nếu con tưởng tượng ra bất cứ sự ngu xuẩn, thấp hèn, hư xấu, ngu si nào mà con người có thể làm, thì rất có thể là thày đã trải nghiệm nó.

Bất kể hình ảnh nào về thày đã được tạo ra bởi các giáo lý vỏ ngoài hay trong tâm của các đệ tử và tổ chức chân sư thăng thiên trước đây, thì thày có thể nói một cách rất thành thực, con yêu dấu, là thày đã trải nghiệm hầu như tất cả mọi chuyện có thể trải nghiêm được trên hành tinh này qua nhiều lần đầu thai của thày. Thày không phải lúc nào cũng đã là một vị đạo sư tâm linh có tiến hóa cao hay một vị vua hay một vị vua minh triết. Trong nhiều kiếp con có thể nói là thày rất là con người. Thày không nói điều này để tự hạ mình xuống. Thày nói vậy để giản dị giúp con nhận ra là con không thể tránh cảm thấy giận dữ vì những trải nghiệm của con trên hành tinh này.

20.6. Cảm giác và đồng-sáng tạo

Cách duy nhất để con có thể tới hành tinh này mà không cảm thấy giận dữ, là con không có khả năng cảm thấy bất cứ gì. Con không thể là một sinh thể có tự nhận biết và sáng tạo nếu con không cảm thấy gì, bởi vì làm sao con có thể là một đồng-sáng tạo nếu con không có khả năng cảm giác? Chính qua cảm thể mà con đem các tạo vật của con xuống cõi vật lý, không có cách nào khác.

Con có thể có một họa đồ cực kỳ tinh vi của một ngôi nhà trong thể lý trí của con, nhưng con không thể đem nó thẳng từ cõi lý trí xuống cõi vật lý. Con phải đi qua cõi cảm xúc, và đây là cách con sáng tạo bất cứ gì. Sự kiện con tới đây như một avatar chứng tỏ là con có khả năng cảm giác. Vì sao con lại tới đây nếu con không có lòng từ bi đối với những người sống trên trái đất? Khi con tới đây và trải nghiệm sự đau khổ cùng cực của những người ở đây, thì làm sao con không phản ứng một cách giận dữ?

Thày đã có nhiều kiếp sống trong đó thày đã phản ứng một cách giận dữ, và tất cả những sinh thể đã thăng thiên từ trái đất đã có những kiếp đầu thai như vậy. Một số đệ tử tâm linh có khuynh hướng duy trì hình ảnh tôn sùng El Morya, Saint Germain hay Giê-su, và cho rằng tuy các thày đã từng đầu thai trên trái đất, nhưng các thày lúc nào cũng điềm đạm, bình tĩnh và tự chủ. Các thày không làm gì có thể bị chê trách, không bao giờ làm gì sai trái, không bao giờ mất bình tĩnh, không bao giờ nổi giận. Con yêu dấu, có phải chăng là các thày đã giải thích là vai trò của chúng ta khi đầu thai xuống trái đất (tất cả chúng ta, các con hiện đang ở đây, và các thày đã ở đây trước kia nhưng nay đã thăng thiên) là để trải qua tiến trình trầm mình và thức tỉnh?

20.7. Con coi điều gì quan trọng?

Thày bảo đảm với con là tất cả chúng ta đã trải qua giai đoạn trầm mình đã đi vào đủ loại hành động, cảm xúc và tin tưởng mà con người thường có, và đó là chuyện không thể tránh được. Con tới một điểm nhận ra con là một sinh thể tâm linh, và con giản dị nhìn vào nỗi giận của con và nói: “Đúng rồi, tôi đã làm chuyện này, tôi đã cảm thấy thế này, tôi đã nghĩ những điều này, nhưng đây chỉ là những điều tôi đã lấy vào khi tôi phản ứng lại hành tinh rất khó khăn này.” Sau đó, con bước lui lại và nói: “Có điều gì trên hành tinh này mà tôi coi là quan trọng, có điều gì mà tôi cảm thấy có quyền lực trên tôi như một sinh thể tâm linh?” Con có thể được lợi lạc nếu con thử nhìn những sinh hoạt nhân gian trong thế giới, những sinh hoạt mà con người đang tham gia. Sau đó, con nhận ra trong chính mình: “Tôi có coi những chuyện này quan trọng không? Chúng có níu kéo tôi chăng? Chúng có quyền lực trên tôi chăng?”

Tỷ dụ, con có thể xem xét việc con người đang giao chiến với nhau tại một số vùng trên trái đất và đã giao chiến với nhau suốt nhiều thế hệ. Không ai biết vì sao họ đánh nhau, nhưng họ vẫn tiếp tục đánh nhau. Con có thể nói: “Tôi có coi chuyện này quan trọng chăng, chuyện này có níu kéo tôi chăng?” Con có thể nhìn một số sinh hoạt mà con người tham dự (trong nền văn hóa của con) và nói: “Tôi có coi việc tìm cách tích lũy vài tỷ đô-la là quan trọng chăng, nó có níu kéo tôi chăng?” Con sẽ khám phá là có rất nhiều chuyện trên thế gian con không coi là quan trọng. Con đã thăng vượt chúng, chúng không còn níu kéo con, chúng không còn níu kéo con ở thể tình cảm, lý trí hay bản sắc. Con chỉ cần giản dị nhìn chúng và nói: “Rồi sao, chuyện này không có nghĩa lý gì đối với tôi.” Sau đó, con có thể xem xét vì sao con lại coi chúng quan trọng, vì sao chúng níu kéo con, vì sao con cảm thấy giận điều gì. Nếu con phản ứng với tình cảm tiêu cực, thì tại sao, con yêu dấu, con lại thấy chúng quan trọng? Lẽ dĩ nhiên, con có thể coi chúng quan trọng vì lý do chính đáng, nhưng cũng có thể vì lý do không chính đáng.  

20.8. Khe khắt với chính mình

Lý do chính đáng là trên cương vị một người tâm linh đang đi trên con đường tu, trên cương vị một avatar, con luôn luôn xem xét chính mình. Con luôn luôn lượng định mình và con lúc nào cũng tìm cách làm tốt hơn. Điều này chính đáng, chúng ta ai ai cũng đều phải làm vậy. Các thày đã tìm cách giải thích bằng nhiều cách, có khi vi tế, nhưng nay thày nói thẳng thắn: Vì sao các con là những người tâm linh nhất, ít hung hãn nhất, không phải là người xấu tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào, vì sao con lại quá khe khắt với mình như vậy?

Vì sao khuynh hướng tự nhiên và chính đáng xem xét chính mình và lượng định xem mình có thể làm tốt hơn không lại thường khi đi đôi với cảm giác hổ thẹn khi con làm một lỗi lầm, khi con làm một điều mà con nghĩ một người tâm linh không được làm? Vì sao lại thường có một cảm xúc rất mạnh, và ngay cả (nếu con nhìn kỹ) một phản ứng ở thể lý trí, và trong một số trường hợp ở phần thấp của thể bản sắc của con? Con có ý niệm là con không được làm chuyện đó, con không được nổi giận, con không được làm điều mà người thường vẫn làm. Con đáng lẽ phải đứng bên trên phản ứng đó. Tại sao con lại có ý niệm đó, vì sao lại có phán xét giá trị đặt lên trên việc lượng định tự nhiên và xây dựng?

Vì sao một số trong các con đã khắc phục được khuynh hướng đó, nhưng nhiều người thì chưa? Nhiều người, khi mới tìm ra con đường tâm linh, đã trải qua một giai đoạn đối phó với khuynh hướng này. Bỗng nhiên, giáo lý tâm linh trở nên một cách khác để họ lên án mình và cảm thấy là họ không làm tròn bổn phận. Đầu năm nay các thày đã nói là các thày là chân sư thăng thiên chỉ mong muốn một điều là các con cảm thấy thoải mái với chính mình, nhưng rất nhiều khi giáo lý mà các thày trao truyền lại khiến các con cảm thấy không thoải mái bằng trước khi nhận giáo lý.

Vì sao lại có cơ chế đó? Con yêu dấu, nó một phần do sa nhân gài vào. Họ đã đề ra những lý thuyết cầu kỳ cho rằng trong con có điều hư xấu, và con là thế này hay thế khác. Con yêu dấu, con hãy nhìn nhận là sa nhân không chỉ tạo ra, tỷ dụ, quan niệm tội tổ tông (original sin) cho rằng mọi con người đều hư xấu. Họ cũng đã tạo ra một số khái niệm rất, rất vi tế mà con không thể tìm ra trong các bản văn, nhưng vẫn hiện hành trong tâm thức tập thể. Họ nói là nếu con là một người tâm linh thì con không được nổi giận, vì đây là một điều rất, rất xấu. Nếu con nổi giận và mất bình tĩnh thì con phải cảm thấy rất hổ thẹn.

Ý tưởng này do sa nhân tạo ra, không phải – không phải – do chân sư thăng thiên tạo ra. Các thày không muốn các con phán xét mình kiểu đó. Vậy thì vì sao nhiều người trong các con là đệ tử chân sư thăng thiên lại làm theo sa nhân và những gì họ gài vào con, thay vì làm theo các thày, dù con đã biết các thày? Vì sao con vẫn còn cơ chế đó trong bốn thể phàm của mình (mà con không thể khắc phục hoàn toàn) khiến con cảm thấy hổ thẹn? Thày sẽ nói con vì sao! Đó là vì con giận chính mình. Trong rất, rất nhiều kiếp con đã hướng nỗi giận tới chính mình vì con vẫn giữ, hay con đã lấy lại khi con bắt đầu tiến lên trên con đường tu, cảm nhận là cách mọi chuyện đang trải bày trên trái đất không phải là cách duy nhất mà chúng có thể là.

20.9. Chấm dứt vòng xoáy đi xuống

Nhiều người trong các con đã tới từ hành tinh tự nhiên là nơi không có những biểu hiện mà con thấy trên trái đất. Do đó, không bao giờ có một điều kiện bên ngoài nào dữ dội đến độ khiến con cảm thấy giận dữ. Vì vậy, con đã giữ trong bản thể của con cảm nhận (hay con đã nối kết trở lại với cảm nhận đó trong bản thể của con) là con không được nổi giận. Như thày đã nói, mọi chuyện trên trái đất tệ hơn trên các hành tinh tự nhiên rất nhiều, do đó con không thể tránh cảm thấy giận dữ.

Vì con có khuynh hướng lượng định chính mình (là điều cần thiết, vì nếu không thì con không thể tăng trưởng), vì con có cảm nhận là con không được làm như vậy, nên con đã giận mình là đã nổi giận trước những điều kiện trên trái đất. Điều này tạo nên một vòng xoáy và cơn giận chính mình đã tích lũy trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc thấp của con. Điều này có nghĩa là trong kiếp đầu thai tới, khi con gặp một điều kiện dữ dội trên trái đất, con sẽ có khuynh hướng cảm thấy giận điều kiện đó. Sau đó, lẽ dĩ nhiên là con cảm thấy giận mình vì đã nổi giận, và vòng xoáy cứ mạnh thêm và mạnh thêm. 

Con yêu dấu, thày không có ý định – không có ý định – khiến con cảm thấy xốn xang hơn vì có vòng xoáy đó. Thày muốn con nhận ra là con có vòng xoáy đó và đã đến lúc vượt thăng nó. Vậy, con làm sao vượt thăng nó? Ấy, con yêu dấu, mỗi người trong các con có thể cần một tiến trình riêng. Nó bao gồm điều mà thày đã giảng: nhận ra rằng nó không phải là nỗi giận của con. Con không có nó khi con đến đây, con không giận chính mình khi con đến đây. Đây là một cái gì con đã lấy vào khi gặp những điều kiện trên trái đất. Con có thể cần làm bài tập mà thày đã trao cho các con liên quan đến việc nhìn các điều kiện trên trái đất và nói: “Chúng có còn níu kéo tôi nữa chăng? Vì sao tôi lại giận mình vì đã nổi giận trước những điều kiện này?” Con có thể nhờ vậy đi vào tiến trình dần dần buông bỏ một phần nỗi giận.

20.10. Nỗi giận không thể tự nó hiện hữu

Thày không muốn nói là có một chuyện con có thể làm và tức khắc loại bỏ nỗi giận. Con có thể tới điểm nhận ra là nỗi giận không phải là một cảm xúc hay một mô thức tư tưởng có thể tự nó hiện hữu. Các thày có nói tới các ước muốn thật và các ước muốn giả. Ta cũng có thể nói là có cảm xúc thật, cảm xúc giả, cảm xúc cao và cảm xúc thấp. Các thày có nói tới cảm xúc dựa trên tình thương và cảm xúc dựa trên sợ hãi. Ấy, con yêu dấu, sự khác biệt rất giản dị hay ít ra nó có thể được diễn tả một cách rất giản dị.

Một cảm xúc dựa trên tình thương có thể tự nó hiện hữu. Một cảm xúc dựa trên tình thương là một dạng năng lượng tâm linh xuất phát từ cõi cao và tuôn chảy xuyên qua con. Nó có thể hoàn toàn tự nó hiện hữu. Một cảm xúc dựa trên sợ hãi, và giận dữ là một cảm xúc dựa trên sợ hãi, không thể tự nó hiện hữu. Nó có thể tự nó phát triển và trở nên một tà thể (entity) hay ác quỷ (demon), nhưng nó không thể tự nó hiện hữu.

Nó bắt buộc phải có một đối tượng. Con không sợ một cái gì không xác định, con không sợ cái không là vật thể. Khi con sợ thì con phải sợ một cái gì đó. Đúng là giận dữ hay sợ hãi có thể trở nên một cảm xúc chung chung lấp đầy thể cảm xúc của con đến độ con không nhận ra là mình sợ cái gì, nhưng nỗi sợ bắt đầu bằng một nỗi sợ cái gì đó. Tương tự, giận dữ bắt đầu bằng nỗi giận một đối tượng. Có một lý do khiến con giận dữ, và đó là lý do vì sao thày nói con có thể khắc phục cảm xúc đó bằng cách sẵn sàng làm theo lời Giê-su: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận.” Đây là một châm ngôn của các chân sư thăng thiên: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận.”

20.11. Suy luận về sự giận dữ

Nếu con sẵn sàng thì con hãy chọn một vị chân sư thăng thiên. Thày tình nguyện làm việc này, nhưng con hãy chọn vị chân sư nào gần với con. Sau đó, con nói: “Chúng ta hãy cùng nhau suy luận về nỗi giận của con.” Nếu con sẵn sàng đi hết tiến trình này thì con có thể tới điểm dần dần thấy đối tượng nguyên thủy đã khiến con giận hành tinh này. Sau đó, con dần dần thấy là điều đó không còn quan trọng đối với con như lúc ban đầu. Như được giảng trong quyển sách mới, chấn thương nhập đời nguyên thủy, chấn thương đầu tiên của con, không thể được lặp lại vì con không thể cảm thấy lại sự tương phản giữa sự việc gây nên chấn thương và trạng thái ngây thơ của con lúc đó. Khi con nối kết lại với sự việc nguyên thủy đã khiến con giận trái đất, thì nó không còn quan trọng đối với con như lúc đầu nữa. Điều này có nghĩa là con tới điểm nói: “Đúng rồi, tôi có thể buông bỏ nó. Tôi không còn thấy giận chuyện này nữa.” Sau đó, khi con đã phần nào làm được việc này với những đối tượng đã khiến con giận trái đất, thì con có thể xin sự hướng dẫn của vị chân sư để nhận ra: “Tại sao con lại cảm thấy giận chính mình?”

Lúc đó, con sẽ nhận ra là, một lần nữa, có chuyện gì phi lý. Như thày có nói, con không dễ dùng ngôn từ để diễn tả con là gì, và con nhận ra rằng nếu con giận chính mình, thì con đã biến mình thành một vật thể. Con chỉ có thể giận một vật thể, tỷ dụ như con giận một số điều kiện trên trái đất hay con giận sa nhân. Nếu con giận chính mình, thì có nghĩa là có một vật thể mà con giận.

Vật thể đó là gì? Ấy, nó là cái mà các thày đã gọi (trong một số giáo lý mà các thày đã trao truyền) là một sắc thái của tự ngã, một phàm linh nội tại hay một cái ngã tách biệt. Con có thể tới điểm nhận ra con có một cái ngã cảm thấy là, trong cương vị một người tâm linh, con không bao giờ được giận dữ. Do đó, khi con cảm thấy giận dữ, cái ngã đó bắn một mũi tên vào thể cảm xúc của con và khiến con cảm thấy không thoải mái. Con cảm thấy không thoải mái một cách mơ hồ với chính mình. Con cảm thấy con kém cỏi, con thấp kém, con đã phạm một lỗi lầm, con không thể nào chuộc tội. Bởi vì cái ngã đó khiến con cảm thấy không thoải mái, nên con cảm thấy giận cái ngã đó. Sau đó, con nhận ra là đối tượng của nỗi giận chính mình thực ra không phải là con, mà là một cái ngã không phải là con.

Nó chỉ là một cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra để phản ứng lại các điều kiện trên trái đất. Lúc đó, con tách mình ra khỏi cái ngã đó, con nhận ra là nỗi giận với chính mình thực sự không khác nỗi giận mà con cảm thấy khi con thấy có người bị giết trong chiến tranh hay bất cứ điều gì khác mà con đã trải nghiệm trong quá khứ. Con có thể tách mình ra khỏi nỗi giận và nói: “Nhưng nếu có một số điều kiện trên trái đất mà tôi không còn cảm thấy giận nữa, thì tại sao tôi lại cảm thấy giận cái ngã đó? Tôi thấy cái ngã đó không thực, nó không thực sự là tôi, vậy tại sao tôi lại giận cái ngã đó?”

20.12. Một bài tập để giải trừ nỗi giận

Khi con nhận ra là cái ngã mà con giận tách biệt với con, thì con có thể làm một bài tập nhỏ khác. Dựa trên những gì con biết về khía cạnh tâm linh của đời sống và về chính con, thày muốn con hình dung là bây giờ con nhìn vào nỗi giận chính mình (cái ngã tách biệt) và con nói: “Đúng rồi, nhưng bây giờ tôi không muốn hướng nỗi giận về phía cái ngã tách biệt nữa, bây giờ tôi muốn hướng nó về phía cái ta thật của tôi. Vậy cái ta thật của tôi là gì, cái ta thật của tôi ở đâu, tôi muốn xác định nó là gì một cách chính xác.” Con sẽ thấy là nếu con làm việc này, thì tâm của con sẽ trống trơn. Con không thể tạo một hình tư tưởng hay một hình ảnh ngôn từ về cái ta thật của con, vì cái ta thật của con – mặc dù các thày đã gọi nó là Hiện diện TA LÀ và cho con một số khái niệm – vượt ra ngoài những gì con có thể hình dung hay tưởng tượng với tâm vỏ ngoài của con.

Tâm vỏ ngoài không thể hiểu Hiện diện TA LÀ. Cái Ta Biết có thể trong thoáng chốc trải nghiệm Hiện diện TA LÀ, nhưng tâm vỏ ngoài thì không thể. Cái Ta Biết không chĩa nỗi giận, mà là tâm vỏ ngoài, cái ngã vỏ ngoài. Khi con nhận ra là con không thể tìm ra cái ta thật để hướng nỗi giận tới, thì con cũng nhận ra là không phải cái ta thật đang giận dữ. Cái ta thật còn không giận cái ta tách biệt đã khiến con cảm thấy không thoải mái. Cái gì giận cái ta tách biệt? Ấy, đó lại là một cái ngã tách biệt khác.

Bây giờ thì con có một cái ngã tách biệt khiến con cảm thấy không thoải mái và một cái ngã tách biệt khác khiến con giận cái ngã tách biệt đầu. Khi con thấy điều này thì con thấy đây là một trò hề. Không phải là các ngã tách biệt này không có mặt. Con thực sự có thể thấy một nhân vật giống như một anh lùn giữ cửa (gnome) đang có vẻ bị gánh nặng quá tải và bất lực, đang phóng chiếu không ngừng là con phải hổ thẹn vì không toàn hảo. Và có một cái ngã nhăn nhó khác đang phóng chiếu là con phải giận cái ngã đầu. Con có thể thấy là hai cái ngã này có mặt. Lúc đó, con có thể thấy: “Chúng không phải là tôi. Chúng ở trong bốn thể phàm của tôi.” Quả thật là con đã tạo ra chúng, nhưng chúng không phải là con, và con có thể nói: “Tại sao tôi lại muốn kéo lê các ngã này theo tôi? Tại sao?”

Con yêu dấu, nếu con tìm ra được một lý do vì sao con muốn tiếp tục kéo lê các ngã này theo con, thì thày không có vấn đề gì. Thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu con muốn mang chúng theo con, thì con hãy làm chuyện này. Thày chỉ muốn cống hiến sự trợ giúp của thày nếu con muốn giải thoát mình khỏi chúng. Lúc đó, con chỉ cần giản dị lấy một quyết định. Con cần lấy quyết định gì? Đó là: “Tôi sẵn sàng để cho các ngã này chết đi.”

20.13. Hội chứng truyền giáo

Giờ đây điều thày nói sau đây có thể cần con suy ngẫm. Một lần nữa, thày tìm cách dùng cái trí của con, cái trí lý luận, lô-gíc, suy luận, để vượt qua khả năng suy luận của nó bằng cách giúp con thấy là đôi khi óc suy luận trở nên quá đáng vì nó tạo ra mâu thuẫn. Điều con cần nhận ra là điều Mẹ Mary đã nói trong bài truyền đọc của thày: “Trong cương vị một avatar con không có mặt trên trái đất để đem lại thay đổi vật lý đặc trưng.” Vì sao lại như vậy? Vì chuyện xảy ra trên trái đất không phải là trách nhiệm của con, mà là trách nhiệm của các cư dân nguyên thủy.

Nếu cần có thay đổi vật lý đặc trưng, tỷ dụ như loại bỏ chiến tranh và không còn chiến tranh trên hành tinh này nữa, thì con, như là một avatar, không thể lấy quyết định đem tình trạng này xuống cõi vật lý. Cần có đủ túc số cư dân nguyên thủy lấy quyết định này, và lúc đó nó sẽ hiện thực trong cõi vật lý. Điều con có thể làm là giúp họ lấy quyết định này. Con làm việc này như thế nào? Không bằng cách ép buộc họ, vì như vậy thì con chỉ làm đúng những gì sa nhân đã làm – con còn không thể ép buộc họ ở các tầng xúc cảm, lý trí và bản sắc.

Con cần nhận ra một điều mà rất rất nhiều người tâm linh hay sùng đạo (nhưng nhiều người tin vào một ý thức hệ chính trị cũng vậy) đã bị mắc bãy, đó là điều mà ta có thể gọi là “hội chứng truyền giáo”. Đây là khi con nghĩ con cần đi ra bên ngoài và cải đạo mọi người theo hệ thống tư tưởng của con bằng cách dùng cảm xúc, thể lý trí và ý niệm bản sắc của họ, để họ đổi ý và tin vào hệ thống tư tưởng của con. Họ lúc đó khoác hệ thống tư tưởng này như một áo choàng và nói: “Tôi bây giờ theo tôn giáo này và do đó tôi sẽ cư xử theo tôn giáo đó.” Đây không phải là lý do vì sao con đã tới đây như một avatar. Như các thày đã giảng, con tới đây để chứng minh tiến trình thức tỉnh khỏi sự tự đồng hóa mình với cõi vật chất. Con ở đây để cho mọi người thấy là bất cứ ai đều có thể nâng mình lên khỏi ý niệm bản sắc mình là một người phàm, và nhận ra là tất cả chúng ta đều là sinh thể tâm linh.

Con ở đây để chứng tỏ sự thức tỉnh, và dù con có thể, con yêu dấu, cải đạo người khác để họ theo một hệ thống tư tưởng – nhưng đó không phải là thức tỉnh. Nhiều người không dễ nhìn ra điều này, nhưng con thì có thể thấy. Nếu con có thể cải đạo tất cả mọi người trên hành tinh để họ trở nên tín đồ Công giáo thuận thành, thì điều này có nghĩa chăng là họ đã tới gần quả vị Ki-tô hơn? Ấy, lẽ dĩ nhiên con biết là không, vì giáo hội Công giáo đã tha hóa khái niệm quả vị Ki-tô.

Con có thể nói: “Nếu con có thể cải đạo mọi người để họ tin giáo lý chân sư thăng thiên, thì điều này có dẫn họ tới gần quả vị Ki-tô hơn chăng?” Ở đây thì ta có một câu hỏi lắt léo hơn vì chính thực là họ sẽ tới gần quả vị Ki-tô hơn, vì giáo lý chân sư thăng thiên có một giáo lý có giá trị hơn nếu con muốn nâng tâm thức mình lên. Con không thể thực sự hết lòng theo giáo lý chân sư thăng thiên mà không nâng tâm thức mình lên. Như các thày đã nói nhiều lần, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã chứng minh là con có thể theo giáo lý chân sư thăng thiên trong nhiều thập kỷ mà vẫn không thực sự hiểu thế nào là con đường tu nội tâm. Con có nhận ra điều thày nói chăng? Vấn đề không phải là khiến con người tin vào một giáo lý. Cách duy nhất để dẫn con người đến gần quả vị Ki-tô hơn, là con chứng tỏ bằng bản thân mình tiến trình thức tỉnh. Sau đó, lẽ dĩ nhiên con có thể giúp họ khóa chặt họ vào tiến trình đó, nhưng thức tỉnh không phải là chấp nhận một giáo lý vỏ ngoài với tâm vỏ ngoài. Nó là, như chúng ta đều biết, một tiến trình nội tâm. Con yêu dấu, khi con nhận ra điều này thì con nhận ra là con không tới đây để đem lại một thay đổi đặc trưng trên trái đất, và do đó hoàn toàn không có lý do gì để con tiếc nuối những gì con đã làm hay đặc biệt là đã không làm trong kiếp này hay các kiếp trước.

20.14. Không tiếc nuối

Giờ đây chúng ta đang ở Đông Âu, môt vùng đất trước đây ở dưới gông cùm Cộng sản. Mẹ Mary có nói là nhiều người dân Đông Âu cảm thấy không được nuôi dưỡng nhưng họ cũng cảm thấy đời họ là một cơ hội bị mất. Khi con nhìn vào các nước dưới gông cùm Cộng sản thì nhiều người có cảm tưởng là vì họ không có cơ hội biểu lộ sự sáng tạo của họ nên cuộc đời của họ đã là một cơ hội bị mất. Một số người trong các con cũng có thể cảm thấy như vậy, nhưng các con nên biết là nhiều người thuộc thế hệ cha mẹ các con đã cảm thấy như vậy. Cũng có những quốc gia (và chắc chắn nước Estonia này là một trong những nước đó) mà tâm thức quốc gia cảm thấy cơ hội bị mất vì họ nghĩ mức độ phát triển quốc gia của họ sẽ hơn nhiều nếu họ không bị Liên bang Sô viết áp chế.

Rất, rất nhiều avatar có thể có cùng cảm nhận mình đã đánh mất cơ hội. Trong khi nhiều người cảm thấy là có người khác, có một lực bên ngoài đã phá vỡ cơ hội của họ, thì nhiều avatar lại cảm thấy: “Chính tôi đã phá vỡ cơ hội vì tôi đã phản ứng như thế. Tôi đã giận dữ, tôi đã đi vào một vòng xoáy tiêu cực, tôi đã đánh nhau với sa nhân, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều nọ, và do đó tôi đã lãng phí quá nhiều kiếp sống.” Khi vị sứ giả này nhận truyền đọc quyển sách cuối, ông đã phải trải qua một giai đoạn trong đó ông suy ngẫm: “Nhưng nếu tôi cũng đã làm điều mà nhân vật trong quyển sách đã trải qua, là đánh nhau với sa nhân trong vòng một triệu năm, tôi đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian trong cuộc đấu tranh nhị nguyên đó.” Con yêu dấu, khi con nhận ra điều thày đã nói: là con không tới đây để đem lại thay đổi vật lý đặc trưng, con ở đây để chứng tỏ tiến trình thức tỉnh, thì con thấy là nhìn từ một tầm nhìn cao, con không bao giờ đánh mất cơ hội. Con không thể nào đánh mất cơ hội, con yêu dấu. Con có thể nói: “Nhưng tôi đã không là người tâm linh trong kiếp sống này, tôi đã không làm việc tâm linh nào cả. Tôi chỉ làm việc tâm linh từ lúc tôi tìm ra giáo lý, nhưng suốt mấy chục năm trước tôi không làm gì tâm linh cả.” Thày sẽ nói: “Vậy vì sao sự việc này lại khiến con đánh mất cơ hội?”

20.15. Không bao giờ đánh mất cơ hội

Con tới đây để làm gì? Con tới đây để chứng tỏ là một người trong quá khứ không tâm linh nay đã thức tỉnh. Nếu trong quá khứ con đã là người tâm linh, thì làm sao con chứng tỏ cách thức tỉnh? Nếu con đầu thai với cùng trình độ tự điều ngự mà nhiều người trong các con nghĩ là Giê-su có khi thày đầu thai, thì họ sẽ làm với con điều họ đã làm với Giê-su: biến con thành một thần tượng. Các thày đã nói điều này và thày lại nói một lần nữa. Nếu một người chứng tỏ Tâm thức Ki-tô, thì sa nhân sẽ lập tức biến vị đó thành một ngoại lệ và nói: “Các người còn lại sẽ không đạt được điều này.” Nếu mười ngàn hay nhiều triệu người chứng tỏ tâm thức Ki-tô, thì sa nhân sẽ không làm được như vậy nữa, và đó chính là kế hoạch mà các thày đã đề ra cho thời đại này. Đây là kế hoạch mà Giê-su đã có 2,000 năm trước khi thày nói: “Những ai tin ta sẽ làm những chuyện ta đã làm và hơn thế nữa.”

Con yêu dấu, quả đúng là sự việc có thể xảy ra sớm hơn. Nhưng nó đã không xảy ra sớm hơn và giờ đây không quan trọng là nó đã không xảy ra sớm hơn, vì nó có thể xảy ra bây giờ nếu con sẵn sàng xoay chuyển tầm nhìn, và giản dị nhìn vào cái ngã giận dữ và nói: “Đây không phải là tôi, tôi sẵn sàng để cho nó chết đi.” Con có thể nhìn vào bất cứ ngã nào đang ngăn trở con, bất cứ ngã nào đang trì hoãn con và con có thể nói: “Tôi thấy đây không phải là tôi, tôi sẵn sàng cho ngã này chết đi.” Sau đó, con để cho nó chết đi, con yêu dấu. Làm cách nào con để cho nó chết đi? Ấy, thày sẽ nhường cho một đồng nghiệp tôn quý của thày diễn giải điều này, vì thày đã nói những gì thày muốn nói lúc này và thày đã trao cho các con những gì con có thể tiếp nhận, và nhiều hơn chút nữa, như thày luôn luôn làm.  

20.16. Chân sư MORE không tự coi mình quá quan trọng

Vì thày là Chân sư MORE, thì làm sao thày lại có thể không cho con nhiều hơn là những gì con có thể tiếp nhận? Bằng cách cho con nhiều hơn những gì con có thể tiếp nhận bây giờ, thì lần tới con có thể tiếp nhận nhiều hơn, và lúc đó thày lại có thể cho con nhiều hơn những gì con có thể tiếp nhận lúc đó. Thày chơi trò chơi này vì đây là ngọn lửa của thày. Con yêu dấu, trong một đợt truyền giáo lý chân sư thăng thiên trước, các đệ tử coi El Morya, như họ gọi thày lúc đó, rất quan trọng. Thày không bao giờ coi mình quan trọng bằng đệ tử coi thày. Vì sao vậy? Ấy, đó là vì các đệ tử chưa thăng thiên nhưng thày thì đã thăng thiên. Họ chưa thăng thiên vì họ coi thày và chính họ quá quan trọng. Thày đã thăng thiên vì thày đã ngưng coi thày và mọi chuyện trên trái đất quá quan trọng. Đó là cách duy nhất để thăng thiên, con yêu dấu.   

Khi nào còn điều gì trên trái đất mà con coi là quan trọng và nghĩ nó có quyền lực trên con (nó có quyền lực giữ con lại trái đất) thì con không thể thăng thiên. Thăng thiên có nghĩa là bỏ lại tất cả mọi chuyện trên trái đất đằng sau mình. Con chỉ có thể bỏ lại một chuyện đằng sau mình khi con tới điểm con có thể nhìn vào nó và con không coi nó quan trọng, nó không níu kéo được con. Con chỉ giản dị nói: “Ấy, rồi sao, chuyện này không có nghĩa lý gì với tôi, tôi đã thăng vượt nó. Trong quá khứ nó có nghĩa lý với tôi.” Việc có những chuyện có nghĩa lý với con là điều bình thường vì nó thuộc vào tiến trình trầm mình và thức tỉnh. Con trầm mình bằng cách coi một số chuyện quan trọng, và như vậy chúng có nghĩa lý với con. Con yêu dấu, con thức tỉnh bằng cách khắc phục khuynh hướng coi các chuyện trên trái đất quan trọng.

Con có thể nói là để thăng thiên, thì con cần coi con đường tu, Hiện diện TA LÀ của con và việc thăng thiên, là quan trọng. Làm sao con có thể coi Hiện diện TA LÀ quan trọng khi con không thể định rõ chính xác nó là gì? Một lần nữa, con coi một chuyện quan trọng vì đối với con nó đã trở thành một vật thể, nhưng con không bao giờ có thể hoàn toàn biến Hiện diện TA LÀ của con thành một vật thể. Con có thể, như một số đệ tử chân sư thăng thiên đã làm, tạo ra một khái niệm Hiện diện TA LÀ là gì và nó gần như đóng vai trò vật thể đối với con. Nếu con bắt đầu nhìn vào việc này, suy luận về nó, thì con sẽ thấy là con không thể biến Hiện diện TA LÀ thành một vật thể. Vì sao vậy? Bởi vì nó không ở bên ngoài con. Con có thể nói con có khái niệm về Hiện diện TA LÀ của con nhưng nó không phải là Hiện diện TA LÀ của con. Con có thể coi khái niệm đó quan trọng, nhưng đó không phải là Hiện diện TA LÀ của con. Con không thể biến cái gì không tách biệt khỏi con thành một vật thể, và con không thể thực sự nắm bắt Hiện diện TA LÀ của con khi con còn ý niệm tách biệt khỏi nó.

Thày đã không cưỡng được cám dỗ cho con nhiều hơn những gì thày đã nói thày muốn cho con. Bây giờ, thì thày sẽ cáo biệt và chúc lành các con vì thày  thực sự vui mừng khi tương tác với bản thể các con. Thày sẽ vui mừng tương tác với từng người trong các con ở mức độ cá nhân, khi con tinh tấn làm việc với thày.

Thày bày tỏ lòng tri ân, tình thương và ngọn lửa HƠN NỮA của thày.