Những vấn đề chưa giải quyết trong thuyết tiến hóa

Hỏi: Xin thày có thể dùng dịp này để nhìn vào tâm thức tập thể và nhận xét về thuyết tiến hóa và cho chúng con một số điều mà thày chưa chỉ ra trong các bài truyền đọc, để con có thể chia sẻ với người khác hầu giúp họ suy ngẫm, chất vấn thuyết tiến hóa, hay họ có thể truy cứu thêm và đặt thêm nhiều câu hỏi? Con cũng xin thày dùng cơ hội này để chuyển đạt vào tâm thức tập thể.


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 10/7/2023.

Điều đầu tiên ta có thể chỉ ra là thuyết tiến hóa là một lý thuyết. Đối với nhiều người, nó đã dần dần được xem là một sự thật khoa học, và như vậy con cũng có thể chỉ ra là mới cách đây không lâu – nếu con xem một thế kỷ không là một thời gian dài lắm – thế giới quan dựa trên thuyết, hay luật, chuyển động của Newton đã được coi là một sự thật không thể nào chối cãi. Nhưng kể từ đó, thuyết này đã được thay thế bởi những thuyết khoa học tinh vi hơn như các thuyết của Einstein và vật lý lượng tử.

Trong khoa học không ngừng có sự chuyển đổi. Tất nhiên con cũng có thể tìm đọc những quyển sách đã được xuất bản về đề tài này như quyển The Science Delusion [Khi Khoa học Hoang tưởng] của Rupert Sheldrake, trong đó ông đề cập đến sự kiện là nhiều nhà sinh vật học đang bắt đầu nhìn vượt khỏi thuyết tiến hóa vì trong thuyết này có quá nhiều sự kiện không có lời giải đáp.

Một trong câu hỏi mà thuyết tiến hóa không thể trả lời, hiển nhiên, là làm thế nào sự sống đã khởi sự? Làm thế nào những chất vô cơ (inorganic), vô thức (unconscious) lại đột nhiên nẩy sinh ra các dạng sống?

Và con cũng có thể thấy nhiều lỗ hổng to lớn trong quá trình tiến hóa, ngay cả trong các di tích hóa thạch, chẳng hạn sự bùng nổ của sự sống vào thời kỳ Cambrian nơi một số lớn giống loài đã xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, và điều này rất khó giải thích dựa theo thuyết tiến hóa hiện thời.

Con cũng có thể chỉ ra là mặc dù sự sống hữu cơ đã nẩy sinh dưới dạng các sinh vật đơn bào (single-celled), nhưng làm thế nào các sinh vật này đã bắt đầu tự tổ chức thành sinh vật đa bào? Làm thế nào chúng đã nhảy vọt từ một sinh vật với tế bào vô cùng đơn giản thành một dạng sống phức tạp hơn có khả năng di chuyển đây đó? Làm thế nào chúng đã nhảy vọt từ các sinh vật đơn giản đó để biến thành cá, côn trùng, chim, động vật có vú và nhiều hơn nữa? Làm thế nào sự sống đã di dời từ đại dương lên đất liền? Có quá nhiều câu hỏi mà thuyết tiến hóa không thể trả lời đến độ, nếu các nhà duy vật không vướng mắc với nó đến như vậy, thì thuyết này đã không được xem là một thuyết khoa học – chắc chắn không phải là một thuyết hoàn chỉnh, vì làm sao một thuyết có thể hoàn chỉnh đượv nếu nó không thể giải đáp quá nhiều vấn đề như vậy?

Vấn đề to lớn kia, hiển nhiên, là thuyết tiến hóa không thể giải thích sự nẩy sinh của tâm thức tinh xảo mà con thấy nơi con người. Thuyết tiến hóa dựa trên một số quan sát có giá trị, và như các thày đã có giảng, trên thế giới có một quá trình tuần tự. Hình ảnh mà Kinh thánh đưa ra về một sự sáng tạo chớp nhoáng tức thời thật không đúng lắm nếu chúng ta nhìn đến các giống loài cùng nhiều khiá cạnh khác của sáng thế. Nhưng mặt khác, quả là có một sự sáng tạo tức thời nào đó đã xảy ra, và nếu con không xem Big Bang là sáng tạo tức thời thì cái gì mới là tức thời?

Con rất có thể thay đổi thuyết tiến hóa và nói rằng đã có một số trường hợp sáng tạo tức thời khởi sinh ra một trạng thái mới trên địa cầu, rồi tiếp theo sau là một giai đọan tiến hóa lần hồi, rồi lại có thêm một bước nhảy vọt được tiếp nối bởi thêm một giai đoạn tiến hóa lần hồi. Nói như vậy sẽ hoàn toàn phù hợp với vũ trụ học lẫn các di tích hóa thạch, và như vậy nó sẽ dẫn đến câu hỏi: Vậy chứ cái gì đã đem lại những bước nhảy vọt như thế?

Xong con có thể truy cứu sự kiện là hiện đã có một số nhà khoa học, chẳng hạn như Donald Hoffman, bắt đầu xem xét đến vai trò của tâm thức, rằng phải có một tâm thức nào đó nhúng tay vào quá trình tiến hóa. Ông có đưa ra một định lý đặt nền tảng trên sự hiện hữu của những “tác nhân” có ý thức (conscious agent). Và điều này có thể dẫn đến việc công nhận – một sự công nhận mà một số nhà vật lý học cũng đã ngộ được – rằng một thuyết hoàn chỉnh không thể bỏ qua tâm thức, không thể xem tâm thức như một hiện tượng phụ thuộc (epiphenomenon) của bộ não vật lý, mà trái lại phải bao gồm tâm thức như một yếu tố cốt yếu trong việc sáng thế.

Và điều này có thể dẫn tới sáng ngộ là đã có những tác nhân ý thức không ngụ trong cơ thể con người, không ở trong cõi vật lý, là những sinh thể đã làm thị hiện các bước nhảy vọt thình lình kia trong nguyên tiến trình. Nói cách khác, có những tác nhân có ý thức với một khả năng đồng sáng tạo rộng lớn hơn, một tâm thức rộng lớn hơn con người, đã kích hoạt một trong những bước nhảy vọt đó rồi sau đó đã để yên cho một số định luật tự nhiên đảm trách phần tiến hóa tiệm tiến trong một thời gian, cho đến khi các tác nhân này kích hoạt bước nhảy vọt kế tiếp. Cách nhìn này có thể dẫn đến một thuyết phong phú và lợi lạc hơn rất nhiều, có khả năng thực sự giải đáp nhiều câu hỏi hơn, nhiều câu hỏi mà thuyết tiến hóa hiện thời không có lời giải thích.

Tất nhiên, điều này sẽ khiến cho nhiều nhà duy vật lồng lộn lên trong mộ – hay bất kỳ nơi nào họ đang ở – và nó cũng sẽ đòi hỏi con người phải sẵn lòng nhìn vượt quá thế giới quan duy vật hiện tại. Nhưng càng ngày càng có nhiều nhà vật lý đang nhận thức được rằng không-thời-gian như Einstein quan niệm không thể đứng vững được nữa. Đơn giản đó không phải là một mô hình cho phép chúng ta tiến xa hơn. Và nếu thuyết không-thời-gian không thể sống còn thì việc duy trì một lý thuyết thuần duy vật về nguồn gốc sự sống cũng không sao hợp lý được. Bởi vì phải có gì đó vượt khỏi không-thời-gian, và để hiểu được cái đó, chúng ta phải bao gồm cả tâm thức.

Trên đây chỉ là một vài ý tưởng sơ sài, nhưng ta có thể cam đoan với con là hiện nay đang có nhiều nhà khoa học trong đủ mọi lãnh vực đã cởi mở với những ý tưởng ta truyền rải. Trong thập niên sắp tới hay xa hơn một chút, con sẽ thấy một thay đổi lớn lao trong lãnh vực này, đơn giản là vì có nhiều nhà khoa học thấy được các giới hạn của ý thức hệ duy vật trong đó có thuyết tiến hóa, nhưng cũng vì có nhiều nhà khoa học trẻ tuổi nhận ra là không có khám phá mới nào được phát hiện trong khuôn khổ ý thức hệ hiện thời. Và họ nhận ra là có rất nhiều câu hỏi không thể tìm được câu trả lời, cho nên nếu con không thể trả lời với ý thức hệ hiện tại thì bước lô-gíc là con phải tìm ở bên ngoài ý thức hệ hiện tại.

Làm thế nào khiến thời gian đi nhanh hơn hay chậm hơn 

Hỏi: Xin thày vui lòng giải thích làm thế nào khiến cho thời gian gia tốc hay đi chậm lại? Điều này có khả thi không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 15/5/2023.

À, thời gian là gì? Tùy theo con định nghĩa thời gian.

Đây là một đề tài rộng lớn hơn những gì ta muốn đào sâu ở đây, nhưng thực tế là thời gian là một cấu trúc của tâm. Phần nào nó dựa trên ảo tưởng tách biệt, phần nào trên tâm đường thẳng.

Con có thể nói giống như nhiều người vẫn nghĩ – nhiều người tâm linh vẫn nghĩ – là khi con sinh ra đời, con có một tuổi thọ nhất định mà các thày đã gọi là tuổi thọ tự nhiên của con. Có nghĩa là con có thể sống đến 70 tuổi chẳng hạn xong con qua đời. Nhưng các thày cũng có giải thích là nếu con lạm dụng quyền tự quyết của người khác, làm một số hành vi nào đó, thì con có thể gia tốc thời gian theo nghĩa là con sẽ qua đời sớm hơn. Nhưng nếu con chân thành nỗ lực tự thăng vượt và khắc phục các khuôn nếp của mình, con có thể khiến thời gian chậm lại cho nên con sẽ sống lâu hơn.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là như một đệ tử tâm linh, con có phần nào khả năng làm cho thời gian chậm lại, theo nghĩa là con có thể ở lại kiếp hiện thân lâu hơn so với tuổi thọ tự nhiên của cơ thể con. Nhưng đồng thời con cũng gia tốc thời gian, theo nghĩa là con sẽ đạt đến các tầng tâm thức cao nhanh chóng hơn là con có thể nếu con không bước trên đường tu tâm linh.

Về đề tài làm chậm thời gian, con có thể nghĩ là ta đã không trả lời câu hỏi của con, nhưng đó là vì tâm thức tách biệt lẫn tâm đường thẳng phóng chiếu ra rằng thời gian là một thực tại khách quan – thời gian có một sự tồn tại khách quan nào đó. Nhưng không phải vậy đâu, đó là một trải nghiệm chủ quan do tâm chế tạo. Điều xảy ra trên hành tinh địa cầu là tuyệt đại đa số mọi người đang hiện thân ở đây đã chấp nhận cùng một cái nhìn về thời gian: Họ nghĩ đó là một sự vật bên ngoài, họ nghĩ nó đường thẳng – nó chỉ có thể đi về một hướng mà thôi và nó phải không ngừng đi tới.

Nhưng nếu con ở trong một trạng thái thiền định sâu, nếu cái Ta Biết của con bước ra ngoài tâm vỏ ngoài và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết, thì kỳ thực đối với con, thời gian ngừng lại.

Con cũng biết là đôi khi con có cảm tưởng thời gian như trôi chậm lại: “Đến khi nào mới hết ngày làm việc đây?” Lần khác, con nhìn ngược lại một ngày trôi qua và con nghĩ: “Chà, làm sao xảy ra quá nhiều chuyện chỉ trong một ngày?” Trên đường tu tâm linh, thông thường con nhìn lại 10, 20, 30 năm trước – là thời điểm con bắt đầu cất bước trên đường tu – và con cảm thấy mình đã kinh qua biết bao thay đổi, biết bao tiến bộ, đến độ con tưởng như thể mấy kiếp sống đã trôi qua. Bước chân trên đường tu là cách hay nhất để con khiến cho thời gian chậm lại hay nhanh lên.

Nhưng dĩ nhiên nếu con thấy vấn đề này quan trọng, con có thể suy nghiệm về bí ẩn của thời gian. Con có thể xem các lời dạy mà các thày đã trao truyền về điều này, và con có thể tự giải thoát, ít ra bắt đầu tự giải thoát khỏi tâm đường thẳng. Nếu con nhìn xem khoa học nói gì, thì khoa học bảo là không gian hiện hữu. Khoa học bảo là trái đất quay quanh chính nó và nó cũng quay quanh mặt trời. Đó là điều hầu hết mọi người đều nghĩ đến. Con biết là khi con đứng trên mặt trái đất thì con đang di chuyển nhanh kinh hồn trong không gian, vì khi trái đất quay thì cơ thể con quay theo trong không gian, và vì trái đất cũng quay quanh mặt trời cho nên con cũng quay theo một cách khác nữa. Thật sự nếu con nhìn cơ thể con trong không gian tuyệt đối, con đang di chuyển theo một hình xoắn ốc.

Nhưng điều mà ít người nghĩ đến là chính Thái dương hệ cũng di chuyển trong không gian. Và vì Thái dương hệ di chuyển một cách tương đối so với các hệ mặt trời khác, và các mặt trời di chuyển tương đối so với toàn bộ dải thiên hà, và thiên hà thì di chuyển tương đối so với các thiên hà khác trong vũ điệu toàn vũ vĩ đại này, cho nên nếu con bảo: “À đây là không gian tuyệt đối, tôi đang theo dõi quỹ đạo của cơ thể tôi bay ngang qua khoảng không gian này,” thì con sẽ thấy đây là một hình dạng vòng xoắn ốc vô cùng phức tạp. Quỹ đạo này có thể được mô tả bằng toán học, vì các nhà toán học đã khám phá ra phương trình cơ bản cần thiết, chỉ có điều là họ chưa đem ra áp dụng.

Ý ta muốn nói ở đây là thời gian là một hàm số của không gian và sự chuyển động. Sự chuyển động trong không gian là điều tạo ra ảo tưởng thời gian. Và con có thể suy nghiệm điều này. Con có thể suy ngẫm làm thế nào giải thoát tâm con khỏi nhu cầu ám ảnh cưỡng chế của tâm đường thẳng muốn nhìn tất cả mọi thứ trong sự chuyển động đường thẳng: Thời gian chỉ có thể đi theo một hướng, thời gian phải không ngừng đi tới, rồi có vấn đề nhân và quả, vân vân. Và từ đó con có thể nhận ra là trái đất hay chính con đang chuyển động qua không gian, nhưng sự chuyển động này vô cùng phức tạp, nó không đường thẳng, nó không thẳng tắp theo một đường.

Con đang chuyển động trong vũ điệu vũ trụ vô cùng phức tạp này mà ta đã gọi là lý duyên khởi, và các thày thì gọi là Dòng sông sự Sống. Và khi con suy nghiệm sự thể này, con có thể đạt tới điểm con bắt đầu trải nghiệm nó. Khi đó, con sẽ trải nghiệm là thời gian hết quan trọng. Không có thời gian.

Thông minh nhân tạo và công nghệ ChatGPT

Hỏi: Xin các chân sư vui lòng trình bày về những phát triển gần đây trong ngành thông minh nhân tạo phát sinh (generative artificial intelligence) hay AI, chẳng hạn như ChatGPT, và nói đến tiềm năng cao nhất của công nghệ này. Có những mối lo ngại hay mối nguy tiềm ẩn nào mà chúng con cần biết đến không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 11/5/2023.

Chúng ta hãy bước lui lại một chút và nhìn vào công nghệ nói chung. Đâu là mục đích cao hơn của công nghệ? Như ta đã có nói, ngay cả trong hai kiếp đầu thai chót của ta, ta đã thấy rõ là chừng nào con người còn dành ra từng nấy thời gian, từng nấy chú ý và từng nấy năng lực chỉ để kiếm sống và giữ cho cơ thể vật lý tồn tại, thì họ sẽ không còn gì sót lại để bước chân trên đường tâm linh và nâng cao tâm thức. Ta đã thấy rõ là mặc dù có nhiều cách để thực hiện điều này trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, cách duy nhất là qua trung gian công nghệ, và công nghệ thì tất nhiên phải thông qua khoa học.

Khi con nhìn lại cách sống của con người chỉ 100 năm về trước hay chắc chắn là 200 năm về trước, con sẽ thấy gần như ai ai cũng sống trong một cộng đồng nông nghiệp. Họ phải thức dậy thật sớm buổi sáng để nuôi gia súc, họ phải làm lụng ngoài đồng ruộng, và buổi tối khi cuối cùng họ đặt lưng lên giường thì họ đã quá mệt mỏi để làm bất cứ gì khác. Ngay cả việc đọc sách cũng là quá sức nếu như họ biết đọc – và tất nhiên, nhiều người không biết đọc. Kể từ thời đó, điều đã xảy ra là công nghệ đã được sử dụng để mang lại cho họ một ngày làm việc càng ngày càng ngắn hơn, thời gian di chuyển cũng ngắn hơn, họ có thể nấu ăn nhanh hơn và làm nhiều việc khác cũng nhanh hơn, và họ tiết kiệm được thời gian. Chính điều này đã giải phóng thời gian của mọi người để họ thoát khỏi các công việc sinh tồn cơ bản đó.

Tất nhiên, con vẫn có thể nói là trong thế giới ngày nay, nhiều người vẫn bận rộn hơn bao giờ hết, vì khi họ có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn thì cũng có nhiều chuyện hơn sẽ lôi kéo sự chú ý của họ. Và hiển nhiên, đa số những chuyện lôi kéo chú ý của họ lại phát xuất từ nền công nghệ, chẳng hạn như internet, truyền hình, radio, sách đọc, vân vân. Dẫu sao con vẫn thấy được là mọi người, ít ra ở các nước giàu có hơn, có sự chọn lựa sử dụng thì giờ rảnh rỗi của mình để phát triển cá nhân, để tăng triển cá nhân, thậm chí để bước theo một đường tu tâm linh.

Và ở nhiều nước tiền tiến, con thấy ngày càng có nhiều người hơn bắt đầu đặt trọng tâm vào việc tăng triển cá nhân, luyện tập, thiền tập hay chánh niệm, hay nhiều việc khác nhằm tăng triển tâm linh. Rất có thể họ không gọi đó là tâm linh nhưng họ phát triển cá nhân, họ mở rộng tâm thức. Đó chính là mục đích của công nghệ từ một tầm nhìn cao hơn, và trong tầm nhìn này, công nghệ AI, công nghệ thông minh nhân tạo, có thể được xem vỏn vẹn là một bước tiến xa hơn, bởi vì khi con có càng nhiều công nghệ AI, khi nền công nghệ càng hiệu năng, thì nó sẽ càng có khả năng đảm nhận một số công việc lặp đi lặp lại mà người ta phải làm. Và điều này sẽ một lần nữa cho con người nhiều thời gian hơn để tập trung vào những việc khác.

Ta cũng biết là con luôn luôn có thể tranh luận là AI có thể tước mất việc làm của một số người, nhưng về lâu về dài, nói chung là nền công nghệ – hay công nghệ AI nói riêng – sẽ không khiến cho con người trở nên vô dụng. Luôn luôn sẽ có nhu cầu cần đến con người vì sẽ có giới hạn trong việc tận dụng công nghệ AI.

Bây giờ chúng ta có thể nhìn vào mặt trái của đồng tiền, trong khía cạnh cùng cực nhất của công nghệ là vũ khí hạt nhân. Tại sao các thày lại truyền rải kiến thức về cách làm vỡ hạt nguyên tử và chế tạo bom hạt nhân? À, một phần là vì các thày thấy được loài người không thăng vượt tâm thức nhị nguyên đủ nhanh, và trên thế giới có sự phân cực rõ rệt giữa Liên Xô và khối cộng sản một bên, và các quốc gia tự do hơn ở bên kia. Cho nên thật sự có hiểm họa xảy ra hết cuộc chiến này đến cuộc chiến nọ, và vì vậy việc phóng thích công nghệ hạt nhân sẽ khiến cho những nước nghĩ đến việc giao chiến phải cân nhắc: “Nếu chúng ta khai chiến với một nước có vũ khí hạt nhân thì cuộc chiến có tiềm năng leo thang đến mức nào? Không những nó có thể dẫn đến sự tàn phá đất nước mình mà liệu nó sẽ tàn phá cả hành tinh?” Ở Liên Xô, thật đã có những người thấy được là nếu mục đích của họ là bành trướng chủ nghĩa cộng sản đến toàn hành tinh thì họ không thể đạt mục đích này bằng cách tàn phá hành tinh trong một cuộc chiến hạt nhân.

Ta có thể nói với con là sau Thế chiến thứ Hai đã có thể có mấy cuộc chiến vô cùng tàn khốc rồi nếu nền công nghệ hạt nhân không được phóng thích. Có thể nói là công nghệ có một khía cạnh không mấy xây dựng là đẩy tình hình tới mức cùng cực đến độ, do tiềm năng của công nghệ, con người bị buộc phái xét lại và qua đó họ học được một vài bài học mà họ đã không sẵn lòng học hỏi một cách tự nguyện. Có thể nói là một khía cạnh của công nghệ là nó khiến cho những cú giáng của Trường đời Cay đắng càng đắng cay hơn để bắt buộc con người phải xuy xét trước khi hành động.

Và cũng thế trong chiều hướng này, công nghệ AI có thể giữ một vai trò, là trên thế giới có những người đang đầu tư tất cả tài nguyên, sự chú ý lẫn nguồn lực của họ vào công nghệ AI vì họ nghĩ họ có thể tạo ra một thực thể có sự ý thức– họ có thể chế ra một bộ máy có khả năng tự nhận biết. Đây là một giấc mơ, và cũng chính là giấc mơ của sa nhân từ ngàn đời. Sa nhân đã đeo đuổi chuyện này qua đủ mọi cách. Một trong những cách này là cái mà các thày, đặc biệt trong một đợt truyền pháp trước, gọi là quan niệm “con người maý móc” qua đó chúng tìm cách thu nhỏ con người xuống một trạng thái quên mất mình có tiềm năng quả vị Ki-tô, mình không còn chút phân biện Ki-tô nào nữa. Một con người như vậy chỉ biết nhắm mắt làm theo những kẻ lãnh đạo mình. Đó là điều Giê-su gọi là kẻ mù dẫn dắt người mù.

Như con có thể thấy ở một số quốc gia, chúng đã phần nào thành công trong chuyện này khi người dân không chịu chất vấn giới lãnh đạo của họ mà trái lại họ thỏa thuận với lãnh đạo: “Các ông bà mà không xen vào cuộc sống thường nhật của chúng tôi thì chúng tôi sẽ không xen vào chuyện chính trị của các ông bà.” Và con cũng thấy nhiều ví dụ của cách hành xử này suốt lịch sử ở những nước có một thiểu số thượng tôn quyền lực cai trị phần lớn dân chúng gần như đã trở thành nô lệ cho thiểu số thượng tôn – mặc dù trước đó họ đã không luôn luôn xem mình là nô lệ, nhưng bây giờ họ bị lừa gạt, chẳng hạn bởi một tôn giáo, để nghĩ rằng họ đang làm một công việc thật quan trọng nhưng họ chỉ đang thực hiện tham vọng của kẻ lãnh đạo. Việc xây cất các kim tự tháp ở Ai Cập phần lớn là do mong muốn của một số lãnh tụ nhằm tạo ra một tượng đài cho chính mình cho dù là, ban đầu, kim tự tháp đã không được xây dựng để làm lăng mộ. Và nhiều người dân cứ thế làm theo, họ làm theo vì họ tưởng là họ đang phục vụ một công cuộc gì hệ trọng lắm. Suốt lịch sử, con có thể thấy nhiều ví dụ khác như vậy.

Tất nhiên, một khía cạnh khác của giấc mơ nói trên của sa nhân nhằm tạo ra những kẻ nô lệ ngoan ngoãn vâng lời sẽ không bao giờ chất vấn chúng, là họ muốn có một bộ máy không mang đặc tính “phiền phức” cố hữu của con người là khả năng bước lui lại, nhìn vào tình thế trước mặt từ bên ngoài và tự hỏi: “Tại sao tôi lại làm chuyện này nhỉ?”

Để trích dẫn bài truyền đọc của Giê-su “TA LÀ cánh cửa mở mà không ai có thể khép lại” – con người có thể bị vướng kẹt rất sâu trong tâm thức chết hay tâm thức máy móc, nhưng con người không bao giờ có thể đánh mất khả năng nhận diện Ki-tô. Sa nhân đã nỗ lực tạo ra giống người không biết nhận diện Ki-tô đó, và mặc dù chúng đã tạo được những nhóm người đông đảo nhận ra Ki-tô một cách khó khăn, nhưng chúng đã không bao giờ thành công hoàn toàn. Điều này được chứng minh qua sứ mạng của Giê-su thời đó, vì tuy nhiều người đạo Cơ đốc tin rằng Giê-su xuất hiện tại Israel vì ở đó là Đất Thánh, nhưng kỳ thực thày đã xuất hiện ở Israel vì đó là nơi trên địa cầu con người có ít khả năng nhất nhận diện được Ki-tô. Con người ở đó bị chìm đắm, bị mắc kẹt trong tâm thức chết đến độ họ là kẻ khó lòng nhất nhận ra Ki-tô. Vì vậy thày đã muốn nêu tấm gương của thày ở đó, vì nếu thày có khả năng chạm được những người mù quáng nhất thì có hy vọng người khác cũng có thể được chạm. Và điều này chứng tỏ là sa nhân không thể thành công theo cách đó.

Một cách khác mà sa nhân đã đeo đuổi giấc mơ nói trên là chế tạo những máy móc không có sự suy tư cân nhắc đạo đức như con người và do đó sẽ nhắm mắt tuân theo mọi mệnh lệnh. Đây là giấc mơ về một siêu chiến binh, một người máy có khả năng bắn hạ bất cứ ai nó được lệnh bắn hạ vì nó không giống như con người. Tất nhiên đây là giấc mơ mà sa nhân đã đeo đuổi từ rất lâu trên các hành tinh khác, và từng có những ví dụ ở các hành tinh nơi chúng có khả năng tạo ra một cái gì giống như những con người clone trong phim Star Wars chẳng hạn – là cuộc chiến giữa những bản sao sinh sản một cách vô tính không có chút suy tư gì về đạo đức. Ở đây tuy không phải là sự sinh sản vô tính mà là sự chế tạo qua trung gian công nghệ, nhưng dẫu sao vẫn là cùng một ý tưởng.

Có những người không phải là sa nhân nhưng vẫn bị mê hoặc bởi nền công nghệ chế tạo ra giấc mơ đó. Trong phim Star Trek có một người tên là Data dường như là một rô-bốt, và tất nhiên trong khoa học viễn tưởng đầy rẫy những ví dụ tương tự. Rất nhiều người bị mắc bẫy trong giấc mơ này, và nếu con suy nghĩ những gì ta vừa nói, con sẽ thấy được sự mâu thuẫn. Con sẽ thấy nhược điểm của toàn bộ quan niệm là con có thể tạo ra một bộ máy có khả năng tự nhận biết. Ta vừa nói gì về ý muốn của sa nhân? Chúng muốn tạo ra một bộ máy có trí thông minh của con người mà không có khả năng cân nhắc những chuyện đạo đức “phiền phức” kia. Có điều là cái cho con người trí thông minh – ít ra thông minh vỏ ngoài – là bộ não cùng sự phức tạp của bộ não lẫn cách vận hành của bộ não, nhưng cái cho con minh triết cùng khả năng suy tư về đạo đức là cái ta cao hơn của con, tức là linh hồn theo cách gọi truyền thống nhưng là cái Ta Biết theo cách các thày gọi.

Con mang cái mà sa nhân gọi là khiá cạnh “phiền phức” của con người vì con có tự nhận biết. Người ta hoàn toàn có thể chế tạo một bộ máy có vẻ ngoài thông minh – mà hiện nay con thấy nơi các rô-bốt trò chuyện hay các loại máy tính khác – nhưng con sẽ không bao giờ tạo ra được một bộ máy tự nhận biết, và cái này thì tất nhiên sa nhân không muốn, và chúng biết rõ như vậy, nhưng chúng lại lừa gạt nhiều người khiến họ nghĩ rằng một bộ máy tự nhận biết là một chuyện khả thi. Và chính điều này đã thôi thúc nhiều người hứng thú lãnh vực này cho dù họ không phải là sa nhân.

Con thấy rõ giấc mơ đằng sau công nghệ AI chỉ là đúng vậy thôi – một ảo tưởng, một ảo tưởng hoàn toàn. Nhưng có một số nhà khoa học ngày nay trong các ngành thần kinh học hay vật lý học đã bắt đầu tuyên bố công khai là con người sẽ không bao giờ có thể tạo ra một cỗ máy như vậy. Có những nhà khoa học đã công khai đưa ra một cách giải thích mới về thế giới, rằng thế giới không phải là kết quả của một quá trình máy móc vô thức mà là kết quả hành động do những tác nhân có ý thức. Các nhà khoa học này còn nói rằng có những tác nhân ý thức ở nhiều tầng tâm thức khác nhau, nhiều tầng nhận biết khác nhau. Có một số tác nhân vượt khỏi tầng mức con người, ảnh hưởng đến các nguyên nhân đã khiến cho thế giới hiện hữu và vận hành như nó hiện đang vận hành.

Đây là một hướng phát triển mới khởi lên vì một số nhà khoa học đã thử nghiệm với trí thông minh nhân tạo hay với thần kinh học, và họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng khoa học nào đằng sau những khẳng định duy vật nói trên. Và do đó họ đã mở tâm ra đón nhận ý tưởng: “À, nếu chúng ta không thể giải thích những gì chúng ta quan sát trong khuôn khổ hệ tư tưởng duy vật thì chúng ta cần nhìn xa hơn duy vật.”

Đây là một trong số những tiềm năng của công nghệ này. Con có thể lấy các rô-bốt trò chuyện trên internet và con có thể thấy những gì đang xảy ra ngay bây giờ: Người ta nhận thức được là những chuyện được đưa lên internet chỉ vỏn vẹn là tạo vật của một cái máy, một thuật toán (algorithm). Và thuật toán này đã được lập trình để thu thập thông tin theo một cách nhất định – nó có thể hữu ích trong một số công việc thực tiễn nào đó, và như ta nói, nó có thể hữu dụng, nhưng điều này không có nghĩa là con có thể trông cậy đó là cái nhìn đầy đủ về một vấn đề, hay ngay cả một cái nhìn cao hơn về một vấn đề. Bởi vì người ta bắt đầu nhận thức là những thuật toán đó chỉ có khả năng thu thập thông tin về những gì đã có sẵn. Chúng không thể nghĩ ra một cái gì độc đáo. Chúng không thể suy nghĩ một cách sáng tạo. Chúng có thể thu thập thông tin, chúng có thể đưa ra kết luận dựa theo thông tin có sẵn, nhưng nếu không có thông tin về một vấn đề thì chúng sẽ làm gì đây? Chúng hoạt động dựa trên thông tin của dữ liệu, chúng không thể hoạt động khi không có thông tin, hay chúng không thể làm cho thông tin hiện ra như một trò ảo thuật.

Sự kiện này cũng dẫn đến nhận thức rõ hơn là con không thể tin vào mọi chuyện trên internet. Nhận thức này thật cần thiết vì con cũng biết là có những trại nuôi troll (troll farm) – là khi một số nước thiết lập những sở máy tính có nhân viên chuyên chỉ ngồi đó đăng bài lên các trang mạng truyền thông xã hội nhằm phát tán quan điểm tuyên truyền của chế độ. Càng ngày càng nhiều người nhận thức được hiện tượng này, và công nghệ AI cùng các rô-bốt trò chuyện sẽ càng nâng cao sự nhận thức này lên. Khi con ở trên internet, con cần cân nhắc xem là con đang nói chuyện với ai? Con đang tương tác với ai? Con đang lấy thông tin từ đâu? Đằng sau đó là cái gì? Những người đó đang muốn làm gì?          

Trong tương lai người ta sẽ đặt vấn đề nhiều hơn về sự kiện con có thể tạo ra một rô-bốt trò chuyện hay một thuật toán có khả năng đưa ra những nguồn thông tin khá tinh xảo. Nhưng đâu là các tiêu chuẩn được cài đặt và lập trình trong các thuật toán sẽ định đoạt cách chọn thông tin và trình bày thông tin? Và điều này dẫn đến sự nhận thức là khi một tiêu chuẩn hay một hằng số được cài đặt vào lập trình, thì chính người lập trình có khả năng làm vậy với một hậu ý – người đó có thể mang một hậu ý hay một thâm ý đặc thù muốn trình bày thông tin theo một cách rất chọn lọc nào đó. Chẳng hạn, con có thể dễ dàng tạo ra một rô-bốt trò chuyện trình bày thông tin về cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn từ nhãn quan của nước Nga. Và con có thể ngụy trang nó theo nhiều cách, trình bày như thể ý định của Nga tấn công Ukraine là chân chính nhân từ, và hành động của Nga cũng nhân từ, và sự kiện có nhiều người bị sát hại chỉ do người Ukraine đã cưỡng chống lại. Con có thể dễ dàng tạo ra một rô-bốt như vậy. Và tất nhiên, có rất nhiều đại nghĩa khác mà con có thể ủng hộ và quảng bá theo cách này, và ở một mức độ nào đó, chuyện này đã có xảy ra rồi, tuy rằng cho đến nay phần lớn việc tuyên truyền chỉ mới xảy ra thông qua các trại nuôi troll nơi có người ngồi đó trên máy tính phụ trách đưa quan điểm lên mạng truyền thông xã hội.

Một lần nữa, khi công nghệ được đưa tới cùng cực, nó có thể khiến mọi người suy nghĩ lại và tái nhận định. Rốt cuộc, rất có thể nó sẽ dẫn đến chỗ là mọi người đều bắt đầu nhận ra là họ cần vô cùng cảnh giác, vô cùng sáng suốt về nguồn gốc thông tin mà họ nhận được, không chỉ trong các quyết định quan trọng cho đời mình mà cả những gì sẽ tạo ra thế giới quan của mình. Và điều này cuối cùng sẽ dẫn đến chỗ là mọi người bắt đầu suy nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể tìm được một căn bản thực sự đáng tin cậy để hình thành thế giới quan của tôi?” Và nó có thể dẫn họ đến việc ngộ ra là, cuối cùng, căn bản này chỉ có thể đến từ những sinh thể vượt khỏi tầng cấp con người, những sinh thể không mang chút hậu ý nào và không có tự ngã. Nhưng căn bản này chỉ đến được nếu họ nâng cao tâm thức của họ mà thôi.

Nói cách khác trên cơ bản, công nghệ AI chỉ là việc thu thập thông tin có sẵn, nhưng thông tin này thì do con người tạo ra. Nó được tạo ra bởi những người ở một tầng tâm thức nào đó với một hậu ý nào đó. Và sẽ tới một điểm khi mọi người – nhiều người hơn là những người tâm linh hiện nay – bắt đầu lượng định: “Làm thế nào tôi tìm được thông tin không bị pha màu bởi những thâm ý phàm phu đó, những quan điểm và tin tưởng phàm phu đó? Làm thế nào tôi tìm được một điều gì đến từ một nguồn gốc trung hòa?”

Trên đây ít nhất là một vài tiềm năng cho nền công nghệ AI. Ta có thể nói nhiều hơn vì đây là một vấn đề rộng lớn phức tạp, nhưng ít ra con đã có một nền tảng để tái lượng định toàn bộ động lực của công nghệ này.

Lỗ đen là gì?

Hỏi: Lỗ đen (black hole) là gì? Trong vũ trụ có những hiện tượng gọi là lỗ đen. NASA mô tả lỗ đen như sau: “Lỗ đen là một nơi trong không gian mà lực hấp dẫn (gravity pull) mạnh đến độ ngay cả ánh sáng cũng không thể lọt ra ngoài. Lực hấp dẫn mạnh đến như vậy là vì vật chất bị dồn ép vào một khoảng không gian cực nhỏ.” Và trang mạng space.com viết: “Dị điểm (singularity) ở trung tâm lỗ đen là vùng bất khả xâm tối hậu, một nơi mà vật chất bị nén xuống một điểm cực nhỏ, nơi mọi quan niệm về thời gian và không gian bị hoàn toàn tan vỡ và không thật sự hiện hữu.”

Dẫu vậy, người ta ước lượng có khoảng 40 tỷ tỷ lỗ đen trong vũ trụ, và chỉ trong dải thiên hà của chúng ta – dải Ngân hà – các nhà khoa học ước tính có 10 triệu đến 1 tỷ lỗ đen. Câu hỏi này được đặt ra từ nhãn quan cõi tâm linh và nhãn quan của các chân sư thăng thiên. Lỗ đen là gì? Chức năng và mục đích của chúng là gì? Có phải chúng là sự nối dài của một hiện tượng hay một tình trạng nào đó trong ba cõi cao của cõi vật chất, tức cõi cảm xúc, lý trí và ê-the?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 24/6/2022.

Như với mọi thứ, cách diễn giải của khoa học về những gì chính khoa học đã quan sát bị giới hạn bởi ý thức hệ duy vật. Điều chúng ta có thể nói chung chung là khoa học biết rằng vũ trụ đang giãn nở. Khoa học cũng biết rằng trong một hệ thống kín, entropi sẽ gia tăng cho tới khi mọi cấu trúc trong đó không thể tồn tại, là trạng thái năng lượng thấp nhất có thể, và điều này mâu thuẫn với sự quan sát là vũ trụ đang giãn nở. Nếu vũ trụ giãn nở thì phải có một cái gì thúc đẩy cho nó giãn nở, và để có một cái gì thúc đẩy thì phải có năng lượng được bổ sung vào hệ thống. Năng lượng chính là lực thúc đẩy bất kỳ loại hoạt động nào.

Vì vũ trụ giãn nở cho nên phải có một cõi vượt ra ngoài cái hiện nay được gọi là vũ trụ vật chất, và ở nơi đó có nhiều năng lượng hơn vũ trụ vật chất. Và năng lượng này phải tìm được một cách nào đó để đi vào vũ trụ vật chất để thúc đẩy sự giãn nở. Đây là điều đang xảy ra với mặt trời của các con cũng như với mọi mặt trời khác khắp vũ trụ. Có một sự bổ sung năng lượng nhập vào vũ trụ vật chất xuyên qua tất cả các mặt trời – mà chúng ta có thể gọi là một hình thức lỗ trắng, mặc dù cũng có khái niệm về lỗ trắng. Và như vậy trong vũ trụ có một số trung tâm nơi năng lượng đi vào cõi vật chất dưới một dạng ánh sáng.

Tuy nhiên do những yếu tố vô cùng phức tạp, luôn luôn có một sự cân bằng năng lượng trong vũ trụ. Đây là một điều thay đổi trong thời gian – hay nói cách khác, nếu con đi ngược dòng thời gian đủ xa thì con sẽ thấy có một thế cân bằng năng lượng khác hơn là hiện tại. Vũ trụ có nhu cầu phải cân bằng năng lượng. Điều này có nghĩa là lượng năng lượng được đổ thêm vào vũ trụ vào một thời điểm nào đó không thể vô tận. Phải có một yếu tố cân bằng lại, có nghĩa là phải có một cái gì có khả năng rút năng lượng ra khỏi quang phổ vật lý (material spectrum) hầu toàn bộ vũ trụ không có quá nhiều.

Con có thể nói là thái dương hệ của các con là một đơn vị cục bộ trong vũ trụ nơi năng lượng đổ vào một cách thiếu cân bằng. Điều này cần thiết để đem lại đủ lượng ánh sáng hầu duy trì sự sống trên trái đất. Nhưng năng lượng này cũng tỏa ra khắp vũ trụ, và nếu tất cả năng lượng từ tất cả mọi mặt trời cũng đi vào vũ trụ như vậy thì nó sẽ quá nhiều, nó sẽ tạo ra sự mất quân bình. Một cái gì khác phải tái lập quân bình và đây chính là một trong các chức năng của lỗ đen, tức là lấy năng lương dư thừa đem trở ra.

Tuy vẫn có một số khu vực địa phương với nhiều năng lượng hơn, hay ít ra đủ năng lượng để nuôi dưỡng sự sống, nhưng để tránh tình trạng mất cân bằng trong toàn bộ vũ trụ, năng lượng cũng được lấy đi qua các lỗ đen. Một lỗ đen không thực sự là một lỗ đen mà là một cánh cổng dẫn vào một cõi năng lượng khác, chẳng hạn các bát cung cảm xúc, lý trí và bản sắc. Khoa học hiện thời bị hạn chế bởi cach hiểu duy vật, qua đó các nhà khoa học luôn luôn tìm kiếm một cách giải thích duy vật, cho nên luôn luôn phải có một lực vật lý nào đó. Họ quan sát thấy là tại một số nơi trong vũ trụ có ánh sáng đi vào mà không có ánh sáng đi ra. Làm thế nào giải thích đây? Thế là họ phải giải thích hiện tượng này là do trọng lực tạo ra. Kỳ thực một lỗ đen không do trọng lực tạo ra, nhưng tất nhiên nó có thể có sức hấp dẫn môi trường xung quanh qua trọng lực.

Nhưng lỗ đen không hề được tạo ra bởi trọng lực. Ở giữa lỗ đen không hề có một dị điểm. Dị điểm mà các nhà khoa học và các nhà duy vật nhìn thấy chỉ là sự hư cấu của trí tưởng tượng. Nó không có. Không có một dị điểm nào thật sự hiện hữu. Trước khi Big Bang (Vụ Nổ Lớn) xảy đến, đã không có dị điểm nào. Big Bang không phải là một biến cố khởi đầu từ một điểm, mà là một sự nở giãn vĩ đại khi độ rung của năng lượng được các Elohim hạ thấp xuống từ cõi cảm xúc, và năng lượng khoác lấy hình dạng các hành tinh, mặt trời, vân vân. Đó là độ rung được giảm xuống, chứ không phải là sự giãn nở từ một dị điểm. Không gian, sự giãn nở của vũ trụ, sự giãn nở của không gian, đã không khởi đầu ở một điểm. Nó đã bắt đầu trong một bầu cõi rộng lớn không ngừng giãn nở thêm nữa từ thuở đó.

Tất nhiên còn nhiều điều để nói về đề tài này, và rất nhiều điều hơn nữa sẽ được khám phá trong tương lai. Nhưng ta đã cho con những gì ta xem là xây dựng vào thời điểm này.

Hằng số Planck

Hỏi: Các chân sư đã nhận xét khá nhiều lần rằng trái đất là một cỗ máy giả thực tại (virtual reality simulator). Có thể nào nói rằng hằng số Planck (Planck constant) là nhịp độ làm mới (refresh rate) của sự mô phỏng thực tại? Thày Giê-su đã có lần nói rằng giữa các hình ảnh trong máy chiếu hình của tâm có một khoảng trống mà nơi đó – trong sự tĩnh lặng vượt thời gian – các hình ảnh phù hợp với tâm Ki-tô có thể được xen kẽ vào để thay thế các hình ảnh không phù hợp với các định luật của Thượng đế, và việc này sẽ tức khắc trình chiếu ra một thực tại mới. Đây có phải là cách hiểu phần nào đúng đắn về những gì các thày đã nói?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 21/6/2022.

Phải, đó là cách nhìn đúng đắn. Nhưng tất nhiên còn nhiều điểm khác nữa có thể nói thêm, và điều này đòi hỏi một tầm hiểu biết vật lý học sâu rộng hơn, cho nên xin để lại cho một hôm khác. Đúng là có một nhịp độ làm mới, và nhịp độ này liên hệ với hằng số Planck, và tất nhiên hằng số Planck cũng là các quãng, hay các bước nhảy lượng tử, giữa các trạng thái năng lượng.

Điều khoa học chưa nhận ra là đương nhiên phải có một cái gì đó nằm giữa các bước riêng lẻ này, hay con cũng có thể nói là phải có một cái gì làm nền cho các bước riêng lẻ. Giống như nếu con lấy một dây thước đo để đo milimét hay inch, thì hầu hết mọi người sẽ chú mục vào những đường kẻ nhỏ đo đạc 3 milimét chẳng hạn hay 1 inch, vân vân. Nhưng nếu không có cái dây trắng ở đằng sau thì làm thế nào đường kẻ ở đó được?

Phải có sự im lặng vượt khỏi tiếng động, phải có sự tĩnh lặng vượt khỏi rung động, phải có một tấm thảm liên tục vượt khỏi các bước riêng lẻ. Và chính sự im lặng này là nơi con có thể xen kẽ vào những hình ảnh khác hơn các hình ảnh đã biểu hiện trong thế giới vật lý.

Con có thể nói là trong việc chữa lành một bàn tay bị tật nguyền chẳng hạn, cách trị liệu sẽ dựa trên một cái nhìn được neo trụ trong sự im lặng, và sự im lặng này là các quãng nằm xen giữa nhịp độ làm mới của các hình ảnh đã biểu hiện chứng tật vật lý đó.

Một khi con hòa điệu vào đó thì con có thể, nếu con ở một trình độ đủ cao – và con sẽ chỉ hòa điệu được nếu con đã đạt đến một mức quả vị Ki-tô nào đó – con sẽ có thể trong một số trường hợp làm một điều gì đó có vẻ giống như phép lạ, bởi vì nó thay đổi tức khắc biểu hiện vật lý mà ai ai cũng tưởng là không thể thay đổi. 

Vi-rút là gì?

Hỏi: Vi-rút là gì? Trong Bài thỉnh cho Thế giới số 38, “Thỉnh Astrea tiêu hủy vi-rút corona”, đoạn 6 của phần 4 viết: “Astrea yêu dấu, chúng con kêu gọi vòng tròn và thanh gươm của thày trói chặt các ma quỷ, hồn bóng và sinh thể sa ngã, và đập vỡ cái khuôn mẫu năng lượng đang ngăn cản bản chất của vi-rút được phơi bày, ngăn cản những cách sử dụng tần số năng lượng đặc thù để tiêu diệt mọi loại vi-rút”.  Vậy thì câu hỏi là, thực sự vi-rút là gì? Thày có cái nhìn nội giác nào sâu xa hơn về việc chúng ta có thể dùng một số tần số năng lượng nhất định để tiêu diệt bất kỳ loại vi-rút nào?”


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 19/6/2021.

Ta không muốn đi quá sâu vào một cuộc bàn luận kỹ thuật vì điều này vượt quá kiến thức của vị sứ giả này. Ông không nắm những khái niệm để có thể nhận được giáo lý này và chuyển thành lời nói. Nhưng chúng ta có thể nói được là vi-rút có thể được hiểu ở tầm mức năng lượng như là một dạng rung động đặc thù.   

Tất nhiên bất cứ gì, tất cả mọi thứ đều là năng lượng, cho nên mọi thứ đều có thể hiểu được ở mức độ năng lượng. Bất kỳ loại bệnh tật nào trong cơ thể cũng có thể được hiểu ở mức độ năng lượng. Và con đã nhận được giáo lý nói rằng con có khả năng biến đổi một dạng năng lượng thấp bằng cách hướng vào đó một sóng năng lượng cao tần hơn, hay một rung động cao hơn, và khi đó con có thể chuyển hóa năng lượng thấp.   

Có thể nói, vi-rút cũng như vi khuẩn và nhiều bệnh tật khác trong cơ thể là một khuôn đúc năng lượng đặc thù. Tất nhiên là đằng sau phải có một ý tưởng nào đó, nhưng cũng có một bộ phận năng lượng mà qua đó vi-rút có thể được bẻ nhỏ ra thành từng tần số năng lượng, thành từng sóng năng lượng nhất định. Và khi con có thể nhận diện các sóng năng lượng này, tần số của chúng, đặc tính rung động của chúng, thì con có thể thiết kế một sóng năng lượng sẽ chuyển hóa năng lượng của vi-rút cho cao hơn, tức là trong bản chất, con sẽ giải thoát năng lượng khỏi cái khuôn đúc sinh tạo vi-rút.

Kỹ thuật này từ rất lâu mang tên là ngành y học năng lượng. Một số người đã có dịp nghiên cứu và thử nghiệm ngành y học này từ thời trước Thế chiến Thứ hai, đặc biệt là một vị tên là Rife sáng chế ra máy phát tần số Rife. Đây là một phát minh phần nào có giá trị.

Tuy nhiên phát minh này đã bị cố tình bưng bít, một phần bởi công nghiệp dược phẩm khi họ hiểu ra là họ không thể kiếm được nhiều tiền với máy này so với các loại thuốc hóa học. Nhưng cũng có sự bưng bít bởi ý thức hệ duy vật vì họ không thể chấp nhận là mọi thứ đều là năng lượng cùng với những hệ quả của khám phá này, bởi nó sẽ làm lung lay lời quyết đoán của các nhà duy vật rằng không có bất cứ gì ngoài vũ trụ vật chất.  

Một khi con nhìn nhận, thực sự nhìn nhận, rằng mọi thứ đều là năng lượng thì con hiểu ra là phải có những rung động năng lượng vượt khỏi những gì hiện được coi là rung động vật chất. Và điều này, tất nhiên, chỉ ra mối liên hệ giữa vật chất và tâm thức, cũng như khả năng tâm thức có thể ảnh hưởng năng lượng. Và nếu vật chất được tạo bằng năng lượng thì tâm thức cũng có thể ảnh hưởng vật chất, và đây là điều tuyệt đối cấm kỵ trong ý thức hệ duy vật. 

Hiển nhiên là trên thế giới có những người hiểu biết về lãnh vực này nhiều hơn là sứ giả ở đây. Họ đã có thử nghiệm từ khá lâu và chỉ là một vấn đề thời gian trước khi có sự đột phá và một sự công nhận rộng rãi hơn.

Một lần nữa, vấn đề ở đây là cần nhận ra rằng cái nhìn ý thức hệ về y học đang chế ngự nền y học quy ước chỉ đơn giản là một cái nhìn ý thức hệ. Cái nhìn này đang hạn chế nền y học, giới hạn cách chữa trị rất nhiều loại bệnh tật. Đây là vấn đề phải quay trở về phương pháp tiếp cận thử nghiệm và nói rằng: chúng ta không nhất thiết cần đến một ý thức hệ về thế giới tâm linh hay về cách vận hành của năng lượng, mà chúng ta cần sẵn sàng thử nghiệm. Chúng ta chỉ cần hỏi: có thể nào phát ra những rung động năng lượng chữa lành một số bệnh tật hay không? Liệu nó có giúp được con người, và nếu nó giúp được thì mặc dù ý thức hệ là gì hay chúng ta chưa hiểu được hoàn toàn, chúng ta cũng phải thực hiện thử nghiệm và tìm ra những cách chữa trị giúp nhân loại.    

Bảy tia sáng và quang phổ vật chất

Hỏi: Bảy tia sáng có thể nói là một phần đặc thù của quang phổ vật lý hay không? Và chúng có thể được phát hiện bằng dụng cụ vật chất hay không? Có những khía cạnh đã được nói đến về con mắt và tầm nhìn của chúng ta vận hành như là sự giao thoa của bảy tia sáng.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Ta sẽ không nói rằng bảy tia sáng là một phần của quang phổ vật chất – tức là bảy tia sáng là những loại năng lượng tâm linh. Và tất nhiên, năng lượng của bảy tia đã được giảm độ rung xuống để tạo ra cõi bản sắc trước tiên, rồi cõi lý trí, cõi tình cảm, rồi mới đến cõi vật lý. Năng lượng được hạ độ rung, và khi đó chúng không thực sự là cùng sự rung động của cái mà con thường gọi là bảy tia sáng.

Không phải là mắt con không thể phát hiện ra bảy tia sáng, nhưng bộ não của con không thể xử lý các tia sáng.

Đó là vì sao một số người với khả năng ngoại cảm có thể thấy được hào quang của người khác, chẳng hạn. Mọi người đều nhìn thấy được hào quang nhưng bộ não của họ lọc nó ra như là một loại thông tin không cần thiết. Con không thể thực sự dùng mắt vật lý để thấy được bảy tia sáng tâm linh trong quang phổ tâm linh bởi vì mắt không có khả năng vượt được ra ngoài. Nhưng con có khả năng nhìn tâm linh, là khi con nhận biết, con trực nhận bảy tia sáng.

Nói về các dụng cụ vật chất, thật ra đã có những dụng cụ vật chất có khả năng phát hiện những rung động vượt hẳn ra ngoài cõi vật lý, cõi vật chất. Người ta đã phát triển những dụng cụ này, và một số ít nhà khoa học có đưa ra giả thuyết là chúng phát hiện các rung động của những cõi cao hơn. Nhưng tất nhiên, đây không phải là khoa học chính mạch.  

Dĩ nhiên là người ta có thể khám phá hay phát triển một số dụng cụ có khả năng phát hiện rung động cao hơn, tuy không nhất thiết là sẽ biến chúng thành những vật có thể nhìn thấy bằng mắt. Nhưng dụng cụ sẽ nhận rõ là các rung động đó có mặt ở đó, và bắt buộc phải có mặt ở đó. Điều này cũng phần nào giống như năng lượng tối (dark energy) và vật chất tối (dark matter), là những thứ hiện nay chưa được phát hiện trực tiếp, nhưng có thể được suy ra từ sự đo đạc rằng có sự hiện diện của những thứ mà mắt người không thể nhìn thấy.  

Vật chất tối và năng lượng tối

Hỏi: Con xin có câu hỏi về vật chất tối (dark matter) và năng lượng tối (dark energy). Có sự tương ứng nào hay không? Chẳng hạn, liệu vật chất tối tương ứng với các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc, còn năng lượng tối tương ứng với cõi tâm linh? Thực sự chúng là gì? Người ta có thể tìm tòi nhiều hơn về chúng hay không? Và liệu chúng có thể đem lại nhiều hiểu biết hơn về cấu trúc của vũ trụ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 cho Giải phóng Phụ nữ. Đăng ngày 10/7/2020.

Sự phân biệt giữa vật chất tối (dark matter) và năng lượng tối (dark energy) thật ra là giả tạo. Đó là vì các nhà khoa học đã chưa nhảy được bước nhảy vọt lượng tử để chấp nhận hệ quả triết lý của ngành vật lý lượng tử, thậm chí cả thuyết tương đối, cho thấy rõ là mọi thứ đều là năng lượng và không có gì thực sự là vật chất. Vật chất chỉ đơn giản là một khái niệm được tạo ra bởi giác quan con người. Trên thực tế, tất cả đều là năng lượng.

Các lý thuyết về vật chất tối đã đưa vào nhận biết vật lý của con người – hay đáng lý phải đưa vào nhận biết vật lý của con người – quan niệm rằng cõi vật lý chỉ là một khoảng năng lượng nhỏ bé trong một toàn thể liên tục gồm nhiều năng lượng khác. Vật chất kỳ thực là năng lượng, và có nhiều dạng năng lượng khác vượt ngoài cái được gọi là vật chất vật lý hay năng lượng vật lý.

Cái mà các nhà khoa học hiện đang quan niệm là vật chất tối và năng lượng tối, thật sự là các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc. Cộng thêm với cõi vật lý, toàn bộ năng lượng của bốn cõi này cấu tạo cái mà trong góc nhìn thăng thiên được gọi là vũ trụ vật chất. Các nhà khoa học đã nhận xét một cách chính xác khi, chẳng hạn, họ không thể giải thích được cách chuyển động của các thiên hà duy chỉ bằng trọng lực của cái thường được gọi là vật chất. Nhất định phải có những loại lực khác tác động lên thiên hà khiến chúng chuyển động như vậy. Và hiện tượng này là do lực kéo – không cứ là trọng lực – của các năng lượng trong các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc.

Vật chất tối và năng lượng tối không phải là cõi tâm linh vì cõi này vượt hẳn mọi khả năng hiểu biết hiện tại của khoa học. Tất nhiên, tiến bộ vượt bực sẽ có thể đạt được nếu khoa học bắt đầu tìm hiểu những vấn đề này nhiều hơn. Thậm chí trong tương lai cũng có thể có một số dụng cụ hay kỹ thuật mà ta có thể truyền rải để khoa học hiển thị loại năng lượng này và khởi sự nghiên cứu.    

Dĩ nhiên người ta cũng có thể nghiên cứu qua kinh nghiệm trực giác để hiểu biết thêm về vấn đề này. Chẳng hạn, cách đây một vài năm, người ta có nói đến một hiện tượng rất nổi tiếng, ít ra ở một số nơi trên thế giới, là ý tưởng du hành trong cõi vía (astral travel) qua đó con người có thể được huấn luyện để du hành đến các nơi chốn xa xôi và quan sát từ xa. Hiển nhiên đó là vì con người có khả năng du hành trong cảm thể hay trí thể của mình để đến một nơi khác và quan sát những gì cần quan sát ở đó.

Hiện đã có một số chỉ dấu về sự kiện này. Nhiều nhà ngoại cảm có nhận thức về các cảnh giới đó. Và chỉ là một vấn đề thời gian trước khi loài người đạt được một túc số tới hạn, và khi đó một sự chuyển vọt sẽ xảy ra và một số lớn hơn, hay một số đủ, các nhà khoa học sẽ sẵn sàng tuyên bố: “Đây là một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu. Và để tìm hiểu trọn vẹn, chúng ta cần mở rộng hệ tư tưởng hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần nhìn xa hơn một hệ tư tưởng duy vật quá cứng nhắc, vì nếu không, chúng ta sẽ không có cả khả năng tư duy để khái niệm hóa những gì vượt ngoài cõi vật lý.”