Cách hiệu quả nhất để tác động đến khí hậu

Hỏi: Bờ Tây của Hoa kỳ vừa bị tàn phá bởi những trận hỏa hoạn dữ dội trong khi bờ Đông phải đương đầu với bão lụt. Hôm trước, nhiệt độ thành phố Los Angeles lên tới 120 độ Fahrenheit (49 độ C). Hình như mỗi năm hành tinh lại nóng hơn trước. Con hiểu là các chân sư có nói rằng tâm thức loài người có tác động đáng kể đến khí hậu. Con xin hỏi cho rõ hơn là loài người có thể sử dụng tâm thức của mình như thế nào để cải thiện khí hậu? Liệu chúng con nên giữ trong tâm thức mình một viễn quan về một khí hậu quân bình hơn, hay đây là vấn đề chuyển đổi các ưu tiên của mình? Chẳng hạn, con hiểu là các vụ cháy rừng dữ dội ở bờ Tây gắn liền với lòng tham, cho nên nếu tâm thức tấp thể trên bờ Tây chuyển dời ưu tiên và tập trung vào việc nâng cao toàn thể thay vì chỉ nâng cao cá nhân mình, thì liệu sự thay đổi trọng điểm này có dẫn đến một khí hậu tốt hơn? Đâu là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy một sự thay đổi tích cực? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 20/10/2020.

Nếu con là một người tâm linh cởi mở với ý tưởng rằng tâm thức có tác động đến khí hậu – và tất nhiên nhiều người sẽ chế giễu ý tưởng này – thì việc tập trung vào khí hậu sẽ không thực sự là cách hiệu quả nhất để đem lại thay đổi. Nói cách khác, trong tư cách một học trò của chân sư thăng thiên, con có thể tập trung vào việc thay đổi thái độ của con đối với khí hậu, hay nâng cao tâm thức của con, hay đọc những bài thỉnh bài chú cho khí hậu.

Nhưng thật ra, làm như vậy vẫn là một cách gián tiếp để thay đổi khí hậu. Cách trực tiếp hơn để thay đổi khí hậu là con làm những gì chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã khuyến khích loài người nên làm: chú tâm vào việc nâng cao tâm thức tập thể. Tất nhiên con có thể nâng cao chính tâm thức của con, nhưng con cũng có thể thỉnh gọi việc nâng cao tâm thức tập thể.

Trên cơ bản, đó là lý do vì sao chúng tôi đã không đưa ra bài thỉnh nào đặc trưng nhắm vào khí hậu, vì phương thức để thực sự thay đổi khí hậu là tập trung vào những vấn đề kia. Điều này không có nghĩa là mọi người nên làm ngơ vấn đề khí hậu. Nhưng như đã trình bày, chúng tôi phải lượng định tình hình một cách thiết thực – bởi vì đệ tử của chân sư thăng thiên chỉ có một số giới hạn, cho nên đâu là cách tốt nhất để họ sử dụng nỗ lực của họ vào việc đem lại tác động lớn nhất? Và cách tốt nhất đó không phải là những bài thỉnh đặc trưng về khí hậu, mà những bài thỉnh để đem lại thay đổi trong tâm thức tập thể lẫn trong xã hội.

Rõ ràng nếu người dân sống trên bờ Tây sẵn lòng thay đổi trọng tâm của mình, lánh xa khỏi lòng tham cá nhân chỉ biết phục vụ cho quyên lợi của mình và chuyển sang phụng sự toàn thể cũng như hợp tác trong các cộng đồng, thì chắc chắn điều này sẽ có tác dụng to lớn trên khí hậu vùng bờ Tây. Tương tự như vậy, nếu người dân ở các khu vực khác đang bị tai biến thiên nhiên cũng thay đổi tư duy của mình lẫn tâm thức tập thể, thì họ cũng sẽ có được một tác động tích cực.

Rõ ràng việc tìm cách thay đổi khí hậu một cách riêng lẻ không phải là cách hiệu quả nhất. Để thay đổi khí hậu, con cần thay đổi nguyên nhân của nó, và nguyên nhân chính là tâm thức tập thể. Con cần không quan tâm đến việc người ta sẽ chế giễu toàn bộ ý tưởng này cũng như toàn bộ cách tiếp cận này như thế nào. 

Nhân loại đã tạo ra mọi sự mất quân bình trong thiên nhiên như thế nào

Hỏi: Chỉ bây giờ những thay đổi trên trái đất mới bị coi là thảm họa khi nhà cửa bị phá hủy. Bỗng nhiên Thượng đế muốn chúng ta chú ý. Đó là những dấu hiệu, là quả báo? Làm sao có thể như vậy được khi thiên tai đã từng xảy ra trên địa cầu trước khi cả có nhân loại để mà chứng kiến? Nếu chúng ta nhìn sang Mộc tinh, có một đám mây đỏ khổng lồ bao chung quanh, đó chính là một trận bão khổng lồ. Rồi trên Hoả tinh cũng có bão táp, còn Kim tinh thì nóng và độc hại… Những chuyện đó xảy ra khắp nơi trong thiên nhiên, thậm chí chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng… nhưng trời đất, chúng ta xây lên một căn nhà xong nó bị tàn phá, thì chúng ta gọi ngay đó là Thượng đế đang muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta để bảo chúng ta là xấu ác. Không hiểu sao chứ có lẽ chúng ta chưa có đủ công nghệ để xây cất nhà cửa cho vững chắc hầu chịu được những thay đổi liên tục đó, chứ chuyện này thật sự chẳng dính dáng gì tới đạo đức với tâm linh gì hết.      


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Một trong những mục đích của ta với trang mạng này là tạo cảm hứng cho những ai có tâm cởi mở về mặt tâm linh nhìn xa hơn tâm thức nhị nguyên. Trạng thái tâm thức này khiến cho con người xem mình là những sinh thể tách biệt khỏi tổng thể mà họ là thành phần. Trong tâm họ, họ tạo ra đủ loại những ngăn tủ được chia cách bởi hàng rào, và điều này cho họ một cái cớ để họ chối bỏ trách nhiệm của họ.

Chẳng hạn, những người bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên đã tạo ra một ngăn tủ gọi là “Thiên nhiên” và một ngăn khác gọi là “Hoạt động con người”. Họ coi hai cái ngăn đó là tách biệt, với rất ít hoặc không có chút tương tác nào với nhau. Cho nên khi một trận động đất xảy đến, họ sẽ bảo đó là kết quả của một “tiến trình thiên nhiên”, và vì vậy các hoạt động, cách hành xử hay trạng thái tâm thức của họ không thể nào liên quan gì tới động đất. Nó cho họ một cái cớ để cứ tiếp tục lối sống cũ mà không chịu xét xem liệu họ có cần thay đổi chính bản thân họ hay không.

Trong tư duy tách biệt đó, họ đã tạo ra những công nghệ cô lập họ khỏi thiên nhiên. Rồi khi một trận động đất xảy đến tàn phá căn nhà của họ, họ lại đi tìm một công nghệ nào khác để bảo vệ họ tốt hơn – và như vậy họ lại càng tự cô lập thêm nữa với thiên nhiên – thay vì suy nghĩ rồi có lẽ hiểu ra là mình cần thay đổi cách nhìn của mình và làm việc với Mẹ Địa cầu thay vì làm việc chống lại Mẹ Địa cầu.

Cũng trong tư duy tách biệt, có những người khác đã tạo ra một ngăn tủ gọi là Thượng đế, mà họ xem là một ông thần giận dữ ở trên trời. Cho nên họ chỉ có khả năng lý luận là nếu một thiên tai đem theo một thông điệp, thì đó nhất định phải là một thông điệp từ ông thần giận dữ kia ở trên trời đang cố nói với họ là họ xấu ác. Họ sẽ không thấy được Thượng đế đích thực ở ngay trong chính họ, chỉ đang cố dẫn dắt họ đến mức nhận ra ích lợi lớn nhất của họ trong giác ngộ. 

Chừng nào con người còn bị kẹt trong cách nhìn cuộc sống với những ngăn tủ cứng ngắc như vậy, chừng nào họ còn từ chối tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa hơn – để rốt cuộc ngộ ra tính tương kết của mọi sự sống – thì ta sẽ không thể giúp họ được. Thế nhưng đối với những ai sẵn lòng nhìn sâu hơn dáng vẻ bề ngoài, ta sẽ có thể gợi ra một cách thức để họ lần hồi mở rộng tâm ra.

Khoa học đã chứng minh rằng tất cả mọi thứ đều là năng lượng, và điều này đã thiết lập khả năng có sự kết nối giữa tâm và vật chất, kết nối giữa các tiến trình tự nhiên và các hoạt động của con người. Để dễ suy luận, chúng ta hãy thử lấy ví dụ là có một tiến trình tự nhiên nào đó đã gây ra căng thẳng trong vỏ trái đất. Sự căng thẳng này không chỉ là căng thẳng vật lý, mà còn có một tầng cấp nhân quả sâu xa hơn, cụ thể là sự tương tác giữa các sóng năng lượng với nhau.   

Theo thuyết tương đối của Enstein, trên lý thuyết hoàn toàn có khả năng là các sóng năng lượng do tâm con người sản xuất có thể tương tác với những sóng năng lượng đang tạo ra căng thẳng trong vỏ trái đất. Như vậy, các làn sóng tư tưởng có tiềm năng gia tăng lực căng thẳng hiện hữu, với kết quả là nó gây ra động đất ở một thời điểm hay một địa điểm nào đó. Nó có thể gia tăng cường độ của một trận động đất, hoặc thậm chí nó có thể kích họat một trận động đất thay vì chỉ lần lần giải tỏa lực căng thẳng mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào trên mặt đất.

Đúng là cái gọi là những tiến trình tự nhiên đã hiện hữu từ hàng triệu năm rồi, nhưng đâu là bằng chứng cho thấy chúng đã tàn phá dữ dội như ngày nay? Làm sao con biết được những tiến trình như vậy đã không diễn ra một cách lần hồi đến độ chúng không gây ra nhiều tàn phá trên mặt đất? Nếu một tiến trình đủ chậm, rất có thể nó sẽ không phá sập một căn nhà. Hoặc người ta sẽ có thì giờ dọn đi nơi khác hay điều chỉnh cách khác để không ai bị thiệt mạng. Liệu có khả năng hay chăng là những gì người ta gọi là thiên tai đã không hề xảy ra khi loài người chưa có mặt?

Mặc dù đó không phải – chưa phải – là khoa học chính mạch, chuyện này không vượt ra ngoài tầm hiểu của những người có khuynh hướng tâm linh, đặc biệt những người cởi mở đối với các giáo lý Thời mới. Nếu các ý tưởng này mới mẻ đối với con, có thể con sẽ cần một chút thời gian để tâm trí con thích nghi với thế giới quan rộng mở này. Có thể con cũng cần thời gian để cảm xúc của con chấp nhận phần trách nhiệm lớn hơn khi con nắm được hiểu biết này. Con phải sẵn lòng chấp nhận rằng các ý tưởng, cảm xúc và hành động của con có những hậu quả vô cùng xa rộng, và điều này có thể là một bài học rất khó nuốt đối với một số người đến độ họ sẽ kháng cự lại với tất cả lòng xúc động của họ.     

Nhưng một khi con làm quen hơn với thế giới quan rộng mở đó, con sẽ có thể đưa nó đi xa hơn nữa. Bằng cách chứng mình rằng tất cả mọi thứ được cấu tạo bằng năng lượng, Einstein cũng chứng minh là mọi thứ nối kết với nhau. Nói cách khác, ở tầng cấp của vật chất hữu hình, thiên nhiên và con người có thể có vẻ tách biệt, nhưng ở tầng cấp sâu hơn của năng lượng, cả hai đều là thành phần của một tổng thể rộng lớn – tấm thảm liên tục của năng lượng.  

Như nhiều người có ý thức về môi trường và tâm linh đã bắt đầu nhận ra, con người không thể đơn giản vứt bỏ trách nhiệm của mình và cho rằng mình có thể làm bất cứ gì mình muốn trên hành tinh này. Nhiều người đang ngộ ra rằng các hành động của con người có thể mang hệ quả toàn cầu, nhưng ta có thể cam đoan với con là tâm con người còn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn thế rất nhiều trên hệ năng lượng của hành tinh trái đất.

Sẽ tới một ngày khi các nhà khoa học chấp nhận – như một số đã nhận ra rồi – rằng tất cả mọi thứ đều được tạo ra từ tâm thức. Các nhà vật lý lượng tử đã hiểu ra rằng tâm thức có khả năng ảnh hưởng tầng cấp cơ bản nhất của vật chất, tức các hạt cơ bản. Họ đang nghiêm túc xem xét câu hỏi: “Liệu vũ trụ có mặt hay chăng khi không có ai nhìn?” Nói cách khác, tâm thức là thực tại nền tảng, nó đứng đằng sau cả năng lượng.

Một ngày kia người ta sẽ nhìn nhận sự thật hiển nhiên rằng những viên gạch cơ bản của vũ trụ vật chất là thông tin. Chính thông tin nói rõ cho sóng năng lượng thuần khiết cách hình thành hạt cơ bản, và nó nói rõ cho hạt cơ bản cách hình thành nguyên tử. Nó cũng nói rõ cho nguyên tử cách hình thành phân tử, và nó nói rõ cho phân tử cách hình thành mọi thứ có mặt trong quang phổ vật chất. Do đó, căn nguyên tối hậu của mọi hiệu ứng vật chất mà chúng ta thấy trong thiên nhiên chính là những gì xảy ra ở tầng cấp tâm thức.

Không có gì có thể hiện hữu như một “vật” mà không hiện hữu trước tiên như một ý tưởng – tức là một số thông tin có sự tổ chức – trong một cái tâm có khả năng tự nhận biết. Một ngày kia điều này sẽ trở thành hệ thuyết cơ bản của khoa học, và các nhà khoa học bấy giờ sẽ nhìn lại triết lý duy vật ngày hôm nay chẳng khác gì chính con nhìn lại triết lý xưa kia cho rằng trái đất này bằng phẳng.

Một khi con điều chỉnh thế giới quan của con với thực tại rằng tất cả đều là tâm thức, con sẽ bắt đầu khắc phục được cái nhìn cuộc sống chia ra thành từng ngăn tủ. Con sẽ nhận ra là các tình huống vật lý vỏ ngoài mà con gặp chỉ đơn giản là những cái quả của cái nhân trong chính tâm con. 

Có thể con sẽ bắt đầu chấp nhận là con thu hút về phía con những hoàn cảnh phản ánh trạng thái của tâm con, nhưng sẽ tới một điểm khi con bắt đầu nhìn ra là thật sự chính con là người tạo ra thực tại của con. Điều này sẽ mở ra cho con cái biết – như các giáo lý Thời mới đã diễn tả theo nhiều cách khác nhau – rằng tập thể loài người đã tạo ra các điều kiện hiện hành trên trái đất.  

Con sẽ chịu đưa hiểu biết này đi bao xa? Liệu con sẽ chấp nhận là các vị đại diện của Thượng đế đã tạo ra một hành tinh xinh đẹp, hoàn toàn cân bằng, hài hòa và trù phú trong thiên nhiên, nhưng sau đó loài người – bằng cách chìm xuống tâm thức tách biệt và nhị nguyên – đã tạo ra TẤT CẢ những sự mất cân bằng đã dẫn đến những tai họa thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, thậm chí cả bệnh tật?

Liệu con sẽ chấp nhận là ở ban đầu, trái đất đã được tạo ra từ những năng lượng không dày đặc như vật chất ngày nay, và chính sự “dày đặc hóa” của tâm thức nhân loại đã khiến cho năng lượng cũng bị dày đặc theo, để trở thành cái mà ngày nay hiện ra như vật chất rắn đặc? Liệu con sẽ chấp nhận là tiến trình này đã diễn ra trên một thời gian rất dài và các sinh thể tự nhận biết đã tác động lên hành tinh này từ những thuở xa xưa mà khoa học chưa biết đến?   

Kỳ thực, các dòng sống tương tự như những dòng sống mà các con đang hiện thân trong cơ thể vật lý, đã từng ảnh hưởng hành tinh này trước cả khi cơ thể con người được thành hình. Trong quá khứ xa xôi, các dòng sống đó đã hiện thân trong những cơ thể thanh nhẹ hơn, và đó là tại sao người ta không tìm ra vết tích hóa thạch nào về họ hay về những nền văn minh của họ.

Lịch sử tác động của tâm các sinh thể tự nhận biết đó – mà con có thể gọi là con người hay một cái tên nào khác – trên hành tinh này đi trở ngược về một quá khứ vô cùng xa xôi. Thật là ngây thơ nếu cho rằng những sinh thể như thế chỉ mới sống trên hành tinh này trong vòng 10 hay 30 ngàn năm qua. Thời gian thực sự, như thày Maitreya giải thích trong sách của thày, là 2,5 tỷ năm.

Tương tự như vậy, các điều kiện được thấy trên các hành tinh khác cũng đã được tạo ra bởi các sinh thể tự nhận biết ở đó. Hiện nay các sinh thể này không hiện hữu trong cùng một quang phổ tần số như loài người. Nhưng dù sao đi nữa, các điều kiện vật lý ở các hành tinh đó vẫn là do các sinh thể tự nhận biết tạo ra khi họ sử dụng quyền năng sáng tạo của họ trong quan hệ với hành tinh của họ.

Tất cả những ý tưởng nói trên sẽ rất khó chấp nhận đối với những ai còn bị mắc kẹt trong tâm thức tách biệt, nhưng đôi khi các nhà khoa học có sử dụng một lập luận để chứng minh sự hiện hữu của những loài sinh thể thông minh ngoài trái đất, và lập luận này cũng hữu ích ở đây. Họ bảo rằng nếu loài người là loài thông minh duy nhất trong nguyên vũ trụ bao la thế này, thì thật là một sự phí phạm không gian khủng khiếp. Nếu theo các nhà khoa học, địa cầu đã 4,5 tỷ năm tuổi, và nếu con người mới chỉ hiện diện ở đây được 30 ngàn năm, thì quả thực đó cũng là một sự phí phạm thời gian khủng khiếp.

Ngay từ khởi đầu, địa cầu đã được thiết kế như một môi trường học hỏi cho sự sống thông minh, tự nhận biết. Một số sinh thể đã tới đây, đã học xong bài học của họ và đã thăng lên những tầng cõi cao hơn. Một số khác đã tới đây, đã không học được bài học, và thay vào đó, đã kẹt lại ở đây. Vậy bài học đó là gì?  

  • Con là một vị đồng sáng tạo cùng với Thượng đế.
  • Con có quyền tự quyết để sáng tạo bất cứ gì con muốn.
  • Con sáng tạo qua quyền năng của tâm con. Các hình ảnh mà con cầm giữ trong tâm được phóng chiếu lên năng lượng cấu tạo vật chất.
  • Con không thể tránh khỏi việc trải nghiệm những gì con đã sáng tạo vì vũ trụ vật chất sẽ trình chiếu ra những hình ảnh mà con giữ trong tâm. Tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu về con các tâm ảnh đó dưới dạng vật chất.
  • Nếu con tạo ra sự mất cân bằng trong quang phổ vật chất, con sẽ không thể đi đâu khác cho tới khi con phục hồi cân bằng.
  • Con không thể phục hồi cân bằng cho đến khi con vươn lên cao hơn mức tâm thức đã khiến con tạo ra sự mất cân bằng.   

Con người đã tạo ra tất cả những khốn khổ hiện có mặt trên hành tinh này, kể cả các thiên tai cùng tất cả mọi sự mất cân bằng trong thiên nhiên. Bằng cách từ chối nhận lãnh trách nhiệm của mình, họ sẽ ở lại trong tâm thức tách biệt và sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều khốn khổ hơn nữa. Nhưng bằng cách vươn lên cao hơn trạng thái tâm đó, họ có khả năng tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và phục hồi sự cân bằng nguyên thủy cho hành tinh đang cung cấp cho họ một môi trường thăng tiến tâm linh. Con phải chọn giữa Là hay Không Là. Con hãy chọn sự sống!

Động đất ở Trung quốc có là quả báo cho việc chiếm đóng Tây Tạng?

Hỏi: Thưa thày Giê-su, nữ diễn viên người Mỹ Sharon Stone đã đưa ra nhận xét trong liên hoan điện ảnh Cannes rằng trận động đất xảy ra gần đây ở Trung quốc [năm 2010] có thể là quả báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với dân tộc Tây Tạng. Xin thày cho biết quan điểm của thày về việc này. Ngoài ra, tại sao lời tuyên bố của cô Sharon Stone lại gây ra quá nhiều tức giận và chế nhạo đến vậy?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Trước tiên, hãy để ta nói cho thật rõ: Để có thể có một sự xoay chuyển trong tâm thức tập thể thì điều tuyệt đối cần thiết là những ai ở một địa vị được công chúng lắng nghe phải có can đảm lên tiếng, phải can đảm đưa ra những nhận xét tạo xốc hầu mọi người có thể suy nghĩ vượt ra khỏi hộp tư duy hiện thời. Trong nhãn quan này, thật không mấy quan trọng nếu các lời tuyên bố có thể được xem là chính đáng và thận trọng hay không – cho dù chúng có thể xác thực theo một nghĩa tối hậu nào đó. Bởi vì mục đích của lời tuyên bố là để lay chuyển mọi người, lay chuyển những ai có tâm chưa hoàn toàn khép kín để họ suy nghĩ một cách mới mẻ về một vấn đề.

Cho nên ta phải khen ngợi Sharon Stone và một số diễn viên danh tiếng khác như Richard Gere và Harrison Ford, đã có can đảm hỗ trợ đức Đạt lai Lạt ma cùng chính nghĩa của người Tây Tạng, đến độ họ phải chịu thiệt hại trong sự nghiệp cùng thu nhập của họ. Thật là một thực tế đáng buồn trên hành tinh này khi những ai có điều gì quan trọng để nói lên thường khó lòng được giới truyền thông lắng nghe, trong khi một số nhân vật nổi tiếng khác lại được báo chí đăng tải rầm rộ những lời nói nông cạn nhất. Vì vậy thật vô cùng cần thiết và đáng khen khi có những người đã đạt được tư thế nổi danh lên tiếng về một chính nghĩa có thể đem lại sự thay đổi.

Bây giờ hãy để ta trả lời câu hỏi, liệu trận động đất gần đây có phải là quả báo cho cách chính quyền Trung quốc đối xử với người Tây Tạng hay không. Trước hết, Sharon Stone đã can đảm bày tỏ công khai ý tưởng rằng một thảm họa thiên nhiên quả thực có thể là hậu quả của hành vi con người – một ý tưởng rất dễ đoán trước là cô ta sẽ bị người ta chế nhạo tại phương Tây. Bởi vì như Mẹ Mary có giảng, nhân loại rất cần thức tỉnh nhìn ra sự thật là có một mối liên hệ giữa trạng thái tâm thức loài người và các tai họa “tự nhiên”.

Tất nhiên một quốc gia có thể phải nếm mùi thiên tai do hành vi của kẻ lãnh đạo quốc gia đó, như được thấy qua ví dụ trận bão Katrina ở Hoa Kỳ [năm 2005]. Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này, thật không chính xác khi bảo rằng trận động đất này là quả báo cho cách hành xử của Trung quốc chống lại Tây Tạng. Đây là một trường hợp mà cô Sharon Stone, mặc dù ý định của cô rất tốt, đã quá chú mục nhìn thế giới từ góc cạnh của cô và đặt dân tộc Tây Tạng ở ngay trung tâm cái nhìn đó.

Sự thật là trận động đất gần đây ở Trung quốc không phải là quả báo cho cách hành xử của chính quyền đối với dân tộc Tây Tạng mà đối với một tập thể khác – một tập thể thường bị phương Tây lãng quên khi nhìn vào Trung quốc. Và nếu con bị khó khăn không nhận diện ra tập thể này, thì điều đó càng chứng minh điểm ta muốn nói. 

Sự thật là trận động đất vừa rồi là nghiệp báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với chính dân tộc Trung quốc!

Hiển nhiên chính quyền Trung quốc đã đàn áp người dân Tây Tạng, nhưng chẳng phải là họ cũng đã đàn áp chính nhân dân họ ở cùng một mức độ hay sao? Liệu người dân Trung quốc không xứng đáng được thương xót và giúp đỡ một cách bình đẳng để họ tự do hay sao?

Nếu điều này đã rõ thì ta sẽ nhận xét thêm về câu hỏi, liệu có bất công hay không khi người dân Trung quốc phải hứng chịu hậu quả những hành vi của chính quyền họ – khi chính quyền này áp bức họ. Thực tế là ở mọi quốc gia, chính quyền là sự thể hiện của tâm thức quần chúng. Cho nên một nước không thể có chính quyền áp bức trừ khi trong tâm thức quần chúng cũng có một xu hướng phục tùng, không chịu lãnh trách nhiệm về cuộc sống của mình lẫn về đất nước của mình.

Do đó ngay cả ở các quốc gia độc tài nhất vẫn có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa kẻ cai trị áp bức và quần chúng chấp nhận áp bức. Chỉ khi nào có một túc số tới hạn những con người quyết định nhận lãnh trách nhiệm về vận mạng của mình – và họ vươn lên cao hơn cái tâm thức đã khiến cho kẻ áp bức nắm được chính quyền – thì mới có một sự xoay chuyển quyết định trong hình thức chính quyền.

Và chót hết, ta sẽ nhận xét thêm về lý do tại sao lời tuyên bố của Sharon Stone lại gây ra nhiều tức giận tại Trung quốc và nhiều chế nhạo tại phương Tây đến như vậy. Lý do thật giản dị là vì ở cả hai vùng này của thế giới, có một tỷ lệ rất cao đã được nuôi dạy trong triết lý duy vật, một triết lý phản tâm linh. Theo đó, con người có thể tránh né hậu quả việc làm của mình, hoặc hành động của một người không có hậu quả gì hết ngoại trừ những gì thấy được ngay lập tức.

Như thày Maitreya có giải thích trong sách của thày [Master Keys to Spiritual Freedom], việc phủ nhận hậu quả như vậy là sự biến thái tha hóa cùng cực của quyền tự quyết. Thượng đế đã cho phép địa cầu – do độ dày đặc của vật chất ở đây – trở thành một hành tinh nơi con người có thể phủ nhận sự hiện hữu của ngài, và qua đó cũng phủ nhận các định luật của ngài. Điều này là để cho phép những dòng sống nào muốn tách biệt khỏi Thượng đế có cơ hội làm như vậy, với hy vọng là rốt cuộc họ sẽ chán chê chuyện đó và quay trở về với thực tại.

Thế nhưng một số những người đó đã tự thuyết phục mình – và cũng đang nỗ lực thuyết phục mọi người khác trên địa cầu – rằng thật ra không có Thượng đế, cho nên họ mới có cái mà họ tưởng là tự do tối hậu, tức là tự do làm bất cứ gì họ muốn mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào. Tuy nhiên như thày Maitreya giải thích, nếu không có hậu quả thì cũng không có quyền tự quyết, bởi vì nếu chọn lựa của con không mang lại hậu quả thì kỳ thực con đã không chọn lựa gì hết.

Vì vậy thực tế trên địa cầu là sẽ có một thành phần trong quần chúng bác bỏ kịch liệt sự kiện hành vi của con người có thể đem lại hậu quả cho thân thể của hành tinh, hoặc hành tinh có thể đáp trả lại hành vi của con người qua các thiên tai. Những người đó sẽ chế nhạo một cách ác độc bất cứ ai lên tiếng phản đối thế giới quan ích kỷ và tương đối của họ, và họ càng ích kỷ bao nhiêu thì sự chế nhạo sẽ càng cuồng nhiệt bấy nhiêu. Bởi vì CHỈ CÓ lòng ích kỷ mới có thể khiến cho con người từ chối xét xem hành động hay trạng thái tâm thức của mình có thể đem lại hậu quả tác động đến những thành phần khác của sự sống. Tất nhiên, chỉ có lòng ích kỷ đã khiến cho các dòng sống đó muốn tách rời khỏi Thượng đế cùng Thân thể của ngài.

Nhưng những ai đã bắt đầu khắc phục được lòng ích kỷ của mình cũng đã bắt đầu nhìn ra là mọi người trên trái đất đều là một phần của cùng một tổng thể rộng lớn, cho nên họ đang vượt ra khỏi tâm thức của Cain để nhìn nhận rằng quả thực họ là người canh giữ cho anh em mình. Và do đó, thật là chính đáng để có một phong trào “Tây Tạng tự do”, nhưng cũng chính đáng không kém là có một phong trào “Trung quốc tự do”. Bởi vì nếu con có thể giải phóng dân tộc Trung quốc khỏi cái tâm thức áp bức-phục tùng kia, thì con có nghĩ là vấn đề Tây Tạng cũng sẽ được giải quyết cùng một lượt hay không?

Về khía cạnh này, điều vô cùng quan trọng là người tâm linh cần nâng cao cách hiểu của mình về nghiệp quả để vượt ra khỏi truyền thống xem nghiệp quả là sự trừng phạt. Nếu con có một quả bóng và cứ thổi thêm hơi vào quả bóng thì cuối cùng nó sẽ nổ tung, nhưng liệu quả bóng nổ có phải là sự trừng phạt của một Thượng đế tức giận hay không? Không. Kỳ thực nhân loại đang không ngừng đổ thêm năng lượng ở tần số thấp vào trường năng lượng của thân thể hành tinh, và một khi áp suất trở nên quá lớn thì một cái gì đó phải nổ tung để giải áp. Vì nếu áp suất không được giảm bớt một cách lần hồi qua các pháp tu tâm linh – ví dụ như các bài chú hay bài thỉnh của Mẹ Mary – thì nó sẽ bùng nổ dữ dội và nhiều người sẽ bị thiệt hại.

Và mặc dù người ta có chiều hướng chú tâm vào những thiệt hại cho con người, đây vẫn không phải là một sự trừng phạt. Đây chỉ là kết quả không thể tránh khỏi của hành vi con người. Và vì vậy nghiệp quả luôn luôn là một vị thày – nghiệp quả chỉ duy nhất là một vị thày. Nghiệp quả là một nỗ lực nhằm dạy dỗ con người rằng mọi hành động, kể cả những “hành động” tâm lý, đều mang hậu quả. Cho nên luôn luôn có sự mong mỏi là một khi con người nếm mùi hậu quả thì họ sẽ thức tỉnh, sẽ nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình và quyết định thay đổi.

Tất nhiên trong nhiều trường hợp, chính cái tâm thức đã khiến cho con người tạo nghiệp sẽ ngăn cản họ thấy được nghiệp báo như một bài học. Khi nào con người còn bịt tai không muốn nghe các vị thày tâm linh của mình, thì không còn cách nào khác để dạy cho họ ngoài việc cho phép họ gặt hái nghiệp báo – hết lần này tới lần khác cho đến khi họ bắt đầu tự hỏi: “Không hiểu có cách nào khác hay hơn chăng? Có phải chính tôi là người phải thay đổi? Đâu là cái xà trong mắt tôi mà tôi chưa nhìn thấy?”

Nhóm thượng tôn quyền lực đang sử dụng các vấn đề môi trường và hâm nóng toàn cầu như thế nào

Hỏi: Con đã là một độc giả nhiệt thành của trang mạng này từ khoảng một năm nay. Xin vô cùng cảm ơn số lượng bài vở và những thông điệp vô cùng bổ ích cho nhân loại. Hôm nay, phần đầu của bản báo cáo từ Ủy ban về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc đã được công bố, cho nên con xin đặt câu hỏi quan trọng này: Thày Giê-su nói gì về sự hâm nóng toàn cầu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Đây là một vấn đề phức tạp, một vấn đề với hệ quả toàn cầu, và ta sẽ trình bày thật thẳng thắn. Khi dùng từ “toàn cầu”, ta dùng từ này một cách sâu sắc hơn hầu hết mọi người, vì ta không chỉ dùng nó để chỉ mọi thứ trên hành tinh vật lý, mà mọi thứ trong toàn bầu cõi của trái đất, kể cả bốn khía cạnh của toàn bộ trường năng lượng của hành tinh. Cho nên để hiểu trọn vẹn sự hâm nóng toàn cầu, con phải nhìn vào toàn bộ mọi vấn đề vật lý, tâm lý lẫn tâm linh.

Chúng ta hãy phân biệt giữa vấn đề hâm nóng toàn cầu với cuộc tranh luận về vấn đề hâm nóng toàn cầu. Và chúng ta hãy thảo luận trước tiên về chính vấn đề. Ta đồng ý với nhận định trái đất đang hâm nóng, như được thể hiện qua nhiều đo đạc và thống kê khoa học cùng những dạng thời tiết bất thường đã làm tiêu đề cho các bản tin khắp thế giới. Ta cũng đồng ý với nhận định rằng hiện tượng hâm nóng này là do con người gây ra. Kỳ thực, ta đồng ý cả với những ai nói rằng nó hoàn toàn do con người gây ra và nó không phải là kết quả sự biến đổi tự nhiên của khí hậu trái đất. Tuy vậy, sự đồng ý của ta với phiên bản chính thức, khoa học đó, kết thúc ở chỗ này.

Không có chu kỳ tự nhiên

Một số người cho rằng hâm nóng địa cầu là một phần của chu kỳ tự nhiên đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Ta không bác bỏ là trên trái đất có một số chu kỳ, và nhiều lần trong quá khứ khí hậu đã từng ấm hơn hiện nay. Nhưng ta không đồng ý với nhận định này vì trên hành tinh KHÔNG HỀ có chu kỳ tự nhiên – nếu qua từ “tự nhiên”, con nói đến những gì không bị ảnh hưởng bởi loài người. Tất cả mọi thứ làm bằng tâm thức, tức là mọi điều kiện trên trái đất, hoặc đã được tâm thức loài người tạo ra, hoặc đã bị tâm thức loài người ảnh hưởng.

Một cách tiếp cận bất nhất đối với vấn đề môi trường

Ta biết rõ là nhiều người bác bỏ ý tưởng rằng tâm thức của họ có thể góp phần vào các thiên tai, và ta muốn nhân cơ hội này chỉ ra một sự bất nhất, thiếu nhất quán, trong quan điểm của nhiều người tự nhận mình là có ý thức môi sinh.

Nếu con quan sát một số người phủ nhận hâm nóng toàn cầu, con sẽ thấy một phần động cơ của họ là họ từ chối tin rằng hoạt động của con người có thể đem lại hậu quả toàn cầu. Họ không chấp nhận là sự ô nhiễm nhân tạo có thể thực sự ảnh hưởng đến khí hậu của hành tinh, tạo ra hậu quả tàn khốc. Vì vậy những ai có ý thức môi sinh – cho dù họ nhìn cuộc sống một cách duy vật hay tâm linh – thường hay dè bỉu những người đó, coi thường những người phủ nhận hâm nóng toàn cầu, mà không nhận ra là chính họ cũng bị mắc kẹt trong cùng một sự phủ nhận, chỉ dưới một lớp ngụy trang khác mà thôi.

Nhìn vào những người phủ nhận, con sẽ thấy có yếu tố tâm lý là họ không sẵn lòng thay đổi lối sống cơ bản của họ. Và bởi vì hâm nóng toàn cầu dường như chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi cơ bản như vậy, cho nên họ phủ nhận nó. Tuy nhiên ở bên dưới phản ứng tâm lý này là một phản ứng tâm linh sâu xa hơn, là họ từ chối nhận trách nhiệm trọn vẹn về hoàn cảnh của họ. Họ từ chối chấp nhận hành động của mình có thể có hậu quả toàn cầu và họ cần thay đổi cách nhìn cuộc sống để bao gồm các mối quan tâm toàn cầu này. Nền tảng của sự phủ nhận là họ chối bỏ chính cái lý do đã giúp loài người tồn tại cho đến nay, cụ thể là con người được tạo ra để đồng sáng tạo với Thượng đế. Con người được ban cho “quyền cai quản” trên trái đất (Sáng thế 1:26).

Cai quản không có nghĩa là con trấn áp thô bạo, ép buộc mọi khía cạnh của thiên nhiên phải phục vụ nhu cầu của con, mà có nghĩa là trước tiên con cai quản bản ngã của mình – tâm con, tâm lý của con, trường năng lượng của con – xong con dùng khả năng tự điều ngự này để khiến trái đất, kể cả thiên nhiên, trải bày ra viễn quan cao nhất cho hành tinh, tức là niệm tinh khôi được cầm giữ trong tâm Thượng đế. Ta có thể cam đoan với con là viễn quan và quy luật của Thượng đế cho phép mọi người, tất cả mọi người, được có một cuộc sống sung túc mà không hủy hoại môi trường. Không có sự cần thiết phải “chinh phục” một mức sống vật chất cao cấp bằng cách lạm dụng môi trường hay lạm dụng người khác. Đây chỉ là một sự mất cân bằng bắt nguồn từ tự ngã con người, từ thái độ “tôi chống anh” sẽ chỉ dẫn đến mù quáng tâm linh.

Làm người đồng sáng tạo là vai trò mà con người được tạo ra để chu toàn, và vấn đề hâm nóng toàn cầu chính là sản phẩm khi hầu hết mọi người từ chối chu toàn vai trò đó. Sự từ chối được ngụy trang dưới nhiều cách tinh vi và khôn ngoan, nhưng đằng sau tất cả là tự ngã con người sẽ luôn luôn chối bỏ trách nhiệm của mình về hậu quả những việc mình làm cùng thái độ của mình về cuộc sống. Cho nên chừng nào con người còn bị mù quáng bởi tư duy nhị nguyên của tự ngã, thì họ sẽ bác bỏ toàn bộ hậu quả của lối sống của họ.

Những kẻ phủ nhận hâm nóng bị mắc kẹt dưới lớp phủ của sự từ chối trách nhiệm, từ chối thừa nhận rằng hành vi con người có hậu quả toàn cầu. Còn những ai có ý thức về môi trường thì có thể nhìn ra sự nông cạn của cái nhìn đó, nhưng họ lại thường không thấy là họ cũng bị mắc kẹt trong một khía cạnh tinh tế hơn của tự ngã chối bỏ trách nhiệm. Họ không chịu ngó đến sự kiện môi trường tự nhiên không chỉ bị ảnh hưởng bởi hành động con người, mà bởi toàn bộ bản thể con người, kể cả tâm thức con người.

Điểm ta muốn nói là nếu họ có ý thức môi sinh – và chấp nhận là hành vi con người có thể gây hậu quả toàn cầu – thì họ sẽ thật bất nhất nếu họ phủ nhận là môi trường tự nhiên cũng bị trạng thái tâm thức con người tác động. Tuy họ đã bắt đầu khắc phục sự chối bỏ trách nhiệm khi họ thừa  nhận là hành động có hậu quả toàn cầu, nhưng họ lại ngừng dở chừng ở đó. Họ vẫn không chấp nhận toàn bộ trách nhiệm của mình bằng cách nhìn nhận là trạng thái tâm thức còn tác động môi trường mạnh hơn gấp bội các hành động vật lý.

Cho nên nếu họ thực sự quan tâm đến môi trường như họ tuyên bố, thì họ cần nhìn vào cái xà nơi mắt họ và đạt cái hiểu trọn vẹn. Họ cần hiểu là mọi thứ đều là năng lượng, cho nên năng lượng cấu tạo hành tinh vật lý cũng là cùng một chất cơ bản như năng lượng của tư tưởng và cảm xúc. Có nghĩa là, thật vậy, hành tinh vật lý cũng sẽ bị tác động bởi tâm thức tập thể của nhân loại.

Khắc phục sự chối bỏ trách nhiệm

Ta cũng biết đây không phải là chuyện dễ làm, vì hầu hết mọi người đã được nuôi dạy trong một xã hội gần như tràn ngập tinh thần chối bỏ trách nhiệm. Nguyên nhân là vì trong nhiều thế kỷ, xã hội phương Tây đã là chiến trường giữa hai thế lực – được đại diện bởi đạo Cơ đốc và nền khoa học duy vật – và cả hai đều chối bỏ sự kiện là con người hoàn toàn trách nhiệm về hành tinh này.

Nói chung, đạo Cơ đốc phủ nhận con người được tạo ra để đồng sáng tạo và cai quản trái đất – một công việc họ chỉ có thể thực hiện bằng cách khoác vào tâm Ki-tô và trở thành Ki-tô Hằng sống trong hiện thân. Còn khoa học thì tuyên bố con người chỉ hơn loài vượn tiến hoá một chút, có nghĩa là khoa học phải phủ nhận quyền năng của tâm con người, và thay vào đó, phải tập trung vào sự ô nhiễm vật lý như nguyên nhân duy nhất của sự hâm nóng.

Con có bắt đầu thấy được tại sao ta bào là hâm nóng toàn cầu có hệ quả toàn cầu hay chăng? Quả như vậy, hâm nóng toàn cầu là do con người gây ra, nhưng nguyên nhân thực sự không phải là ô nhiễm vật lý mà là sự từ chối không nhận toàn bộ trách nhiệm về hành tinh này. Cho nên có thể nói nguyên nhân thực sự là một sự chối bỏ trách nhiệm, và nếu nhân loại muốn giải quyết thành công vấn đề này thì trước tiên phải thừa nhận và đối mặt với vấn đề chối bỏ trách nhiệm. Nó sẽ đòi hỏi họ suy nghĩ lại toàn bộ – xét lại ở mức toàn cầu – cách họ tiếp cận cuộc sống.

Nếu nhân loại giảm lượng khí thải nhà kính xuống đến mức 0 thì cũng sẽ không ngăn được hâm nóng toàn cầu, bởi vì nguyên nhân sâu xa hơn gấp bội. Cho nên trừ khi nguyên nhân tâm linh được đưa ra ánh sáng và giải quyết, hành tinh này sẽ tiếp tục hâm nóng, thời tiết sẽ tiếp tục ngày càng thất thường hơn. Đây là hậu quả sự kiện trái đất có một số chu kỳ vũ trụ, qua đó nhân loại phải học qua một số bài học. Và như Shiva đã giải thích, trước năm 2012, loài người phải học bài học là tâm thức có tác động đến cả hành tinh vật lý:

[trích dẫn bài giảng của Shiva] Cho nên ta yêu cầu con suy ngẫm xem đâu là nhu cầu lớn nhất trên hành tinh ngay bây giờ để loài người có thể thức tỉnh trước thực tế là chính Mẹ Trái đất cũng kết nối chặt chẽ với tâm thức nhân loại. Và những biến cố xảy ra cho thân thể Mẹ Trái đất mà mắt người có thể nhìn thấy, chỉ là sản phẩm của các tư tưởng cùng cảm xúc có mặt trong tâm thức đại chúng.

Đây là sự chứng ngộ tuyệt đối cần thiết trên hành tinh này. Nhân loại không thể đơn giản vươn lên một mức tâm thức cao hơn cho đến khi con người bắt đầu nhận ra mối liên hệ trực tiếp giữa địa cầu vật lý và tâm thức của mình. Nếu họ không nhận ra, họ sẽ tiếp tục bị chấn động, bị choáng váng mỗi khi tai họa xảy đến. Và họ sẽ không thể giải thích tại sao, họ sẽ cảm thấy bất lực không làm gì được để ngăn chặn nó tái diễn trong tương lai. Cho nên họ bị tê liệt trong nỗi sợ tương lai, thay vì động viên để cai quản trái đất và tăng trưởng ánh sáng tâm linh bên trong họ, là ánh sáng có khả năng tiêu hủy căn nguyên của mọi tai họa tương lai.

Cho nên đây là sự chứng ngộ cốt yếu phải đột phá vào tâm thức, vào tâm thức đại chúng của nhân loại. Câu hỏi duy nhất đặt ra là nó sẽ đột phá như thế nào. Cho nên ta sẽ tiên tri là giữa bây giờ và năm 2012, có hai cách mà nhân loại có thể bước tới.

Có một con đường cao, là khi con người bắt đầu đáp lại các thông điệp tâm linh được các chân sư thăng thiên truyền rải qua nhiều nguồn khác nhau. Họ nâng cao nhận biết và nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời cá nhân của mình cũng như về hành tinh nói chung. Họ chấp nhận là họ phải thay đổi tâm thức để tránh chịu thêm thiên tai hay chinh chiến.

Đấy là con đường cao, mà các thày rất mong mỏi là con đường mà nhân loại sẽ chọn. Nhưng nó chỉ có thể xảy ra nếu lớp 10% với tâm thức cao nhất trong quần chúng – như Giê-su đã giải thích trong một bài truyền đọc gần đây – thức tỉnh và ngộ ra họ phải là những kẻ tiên phong vì 80% dân chúng không thể tự mình thức tỉnh. Còn lớp 10% thấp nhất trong quần chúng sẽ làm đủ mọi cách để giữ chặt mọi người kẹt lại trong vô minh.

Ta phải nói với con là nếu sự thức tỉnh này không xảy đến thì con đường thứ nhì sẽ diễn ra. Số lượng và độ nghiêm trọng của thiên tai sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi nó dữ dội đến mức con người không thể phớt lờ được nữa là trái đất đang gửi cho mình một thông điệp. Và thông điệp đó nói: “Bạn phải thay đổi nếu không thì chết, vì nếu bạn không thay đổi, chính ta đây sẽ chết. Và làm thế nào bạn có thể tồn tại nếu nền tảng cho cuộc sống vật lý của bạn không còn nữa?” [ngừng trích]

Sự cọ xát tâm linh gây ra hâm nóng toàn cầu

Vậy đâu là nguyên nhân tâm linh của hâm nóng toàn cầu? À, đây là một vấn đề phức tạp có nhiều hơn một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu có thể quy cho một loại cọ xát tâm linh. Con cũng biết khi con lái xe xuống một đoàn đường rất dốc mà cứ không ngừng đạp thắng, thì cuối cùng thắng có thể quá nhiệt và hỏng. Lý do là vì lực cọ xát giữa các bộ phận thắng sinh ra nhiệt.

Như các nhà vật lý vũ trụ đã phát hiện, toàn bộ vũ trụ vật lý đang giãn nở, nhưng điều mà họ chưa hiểu là nó không chỉ giãn nở theo chiều ngang. Để tiếp tục bành trướng, vũ trụ không thể đứng nguyên ở cùng độ rung, hay cùng tỉ trọng. Chính vật chất vật lý phải được nâng cao độ rung, bởi vì nếu không, quán tính trong vật chất sẽ khiến cho vũ trụ ngừng giãn nở, và nó sẽ bắt đầu co sụp xuống trong cái được các nhà khoa học gọi là Big Crunch.

Điều ta muốn nói là sự giãn nở của vũ trụ liên hệ đến việc nâng cao độ rung của vật chất, và việc này làm giảm tỉ trọng của vật chất. Tiến trình này được giải thích tóm gọn ở một nơi khác trên trang mạng này. Ý tưởng cơ bản ở đây là một bầu cõi được nâng độ rung cho đến khi nó thăng thiên và trở thành một phần của cõi tâm linh. Mục đích của các sinh thể tự nhận biết sống trong bầu cõi là đóng góp cho tiến trình này bằng cách nâng cao tâm thức của mình. Có hàng tỷ và hàng tỷ những sinh thể như vậy trong bầu cõi mà vũ trụ vật chất là một thành phần, và họ đã cùng nhau tạo được một động lượng thúc đẩy không những sự giãn nở chiều ngang của vũ trụ, mà cả sự nâng cao rung động của chính vật chất.

Đúng lý thì trái đất cũng phải thăng vượt rung động của mình, và đây là nhiệm vụ của các sinh thể tự nhận biết sống trên hành tinh này – tức loài người – họ phải tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình thăng lên. Nếu tập thể loài người quyết định không nâng cao tâm thức, việc thăng thiên của trái đất có thể bị chậm lại. Tuy nhiên, không một hành tinh nào là một hòn đảo, và trái đất là một thành phần của một hệ thống rộng lớn hơn bao gồm cả thái dương hệ, thậm chí cả dải thiên hà. Trong hệ thống này có rất nhiều sinh thể tự nhận biết khác đã tạo được một động lượng hướng thượng. Cho nên trong khi loài người cai quản trái đất có thể quyết định hãm lại việc trái đất thăng thiên, nhưng loài người không thể kìm hãm động lượng của nguyên hệ thống rộng lớn mà hành tinh này là một thành phần.

Hậu quả là tuy động lượng của toàn bộ hệ thống đang kéo trái đất đi lên, nhưng tâm thức thấp của loài người giống như một quả tạ đang cố giữ trái đất lại. Chúng ta có thể ví như loài người đang đạp thắng để tìm cách làm chậm tiến trình thăng thiên của hành tinh. Chính hiệu ứng kéo chậm lại này đã sản xuất lực cọ xát khiến cho toàn bộ hành tinh thêm nhiệt. Vật chất vật lý trên hành tinh hiện đang dày đặc hơn so với dự kiến, và điều này gây ra quán tính gây ra cọ xát gây ra nhiệt.

Nhân loại từ chối tiếp cận sự sống một cách tâm linh hơn

Điều này tác động lên mọi khía cạnh ở cả bốn tầng của trường năng lượng trái đất. Tuy nhiên cũng có một sự thật trong sự kiện khoa học tin rằng hâm nóng toàn cầu chủ yếu là do ô nhiễm không khi gây ra. Không khí, hay khí quyển, tương ứng với tầng lý trí trong trường năng lượng của hành tinh, và tầng này tương ứng với các ý tưởng của nhân loại. Vấn đề chính ở đây là con người đã từ chối thay đổi tư duy của mình, cách suy nghĩ của mình, cách hiểu của mình về cuộc sống dựa trên các khám phá của khoa học hiện đại lẫn các “tiết lộ” trong lãnh vực tâm linh hiện đại.

Thay vào đó, con thấy đa số quần chúng có cảm tưởng mọi chuyện đang thay đổi quá nhanh, và họ muốn tiếp tục sống theo lối sống quen thuộc, nên họ muốn xã hội hay đà tiến bộ phải chậm lại hầu họ có thể xử lý. Nhưng sự thật là hành tinh đang đứng giữa một giai đọan chuyển tiếp từ Thời đại Song ngư sang Thời đại Bảo bình. Vì loài người đã từ chối học hỏi những bài học cần học trong Thời đại Song ngư – chủ yếu vì các giáo hội Công giáo và chính mạch khác đã phủ nhận tiềm năng con người có thể trở thành Ki-tô – cho nên hành tinh đang bị chậm trễ và loài người cần đuổi thật nhanh để cố bắt kịp. Cho nên quả thực đã có một yêu cầu của thời đại là con người – chỉ trong vòng một thế hệ – phải thực hiện một bước nhảy vọt trong tâm thức mà bình thường sẽ tốn đến mấy thế hệ. Và vì con người cảm thấy choáng ngợp bởi thử thách này nên họ đã tìm cách làm chậm tiến trình và ôm giữ những cách tư duy cũ – một hiện tượng mà con có thể thấy trong mọi lãnh vực của xã hội nếu con chịu thành thật.

Đâu là sự kiện chủ yếu cần xảy ra về mặt thay đổi tư duy? Trước hết, con người cần nhận biết về tâm thức nhị nguyên cùng sự kiện có một chọn lựa khác cho dạng tư duy này, là sự phân biện của tâm thức Ki-tô. Con người cần vươn lên cao hơn tư duy đen-trắng mà không bị mắc kẹt trong tư duy xám.

Suốt hàng thiên kỷ qua, xã hội phương Tây đã bị chế ngự bởi tôn giáo Cơ đốc, và nói chung tôn giáo này đã cho con người một cái cớ để không nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm về bản thân mình: Con là kẻ có tội. Và cái cớ đối với hành tinh là: Giê-su sẽ đến cứu thế gian. Đó là một cái nhìn đen-trắng về thế giới. Thế nhưng khi ảnh hưởng của đạo Cơ đốc bắt đầu suy yếu thì khoa học đã chiếm lấy ưu thế, và khoa học cũng cho con người một cái cớ bằng cách mô tả họ là những sinh thể duy vật thiếu hẳn sức mạnh tâm trí để cai quản chính mình hay cai quản hành tinh. Trên cơ bản, khoa học bảo là con không thể biết được sự thật ngoài những gì có thể được chứng minh qua thí nghiệm duy vật, và đây là sự phủ nhận khả năng cố hữu của tâm có thể biết được sự thật Ki-tô. Và như vậy, khoa học chủ yếu cổ xúy một thế giới quan bảo rằng không có sự thật tuyệt đối – đây chính là một dạng tư duy xám.

Nhưng cái gì đứng đằng sau cả hai khuynh hướng nói trên? Đó là ý tưởng vi tế cho rằng con người được sinh tạo như một sinh thể bất toàn hay thiếu sót, không có khả năng chăm sóc bản thân, cả về vật chất lẫn tâm linh. Cho nên quần chúng sẽ cần một ai đó lãnh đạo họ, tức là nhóm thiểu số thượng tôn đang cầm đầu các giới quyền tôn giáo, khoa học, kinh tế, chính trị và quân sự. Cho nên con thấy luôn luôn có một thiểu số thượng tôn quyền lực tìm cách ngăn chặn quần chúng tìm ra hay chấp nhận sự thật sẽ giải thoát họ. Sự thật đó là gì? Ta đã bày tỏ như thế này cách đây 2000 năm: “Vương quốc Thượng đế ở trong con” (Luke 17:21).

Nếu con nhìn quá khứ, con sẽ thấy loài người đã kinh qua một số cách mạng trong cách suy nghĩ, chẳng hạn khi họ vứt bỏ niềm tin là trái đất phẳng. Ngày nay con không thể hiểu nổi thời đó con người bị kẹt trong niềm tin đó như thế nào, cho nên con không thể nhận chân được sự thay đổi to lớn cần thiết trong tư duy để họ buông bỏ một niềm tin mà bây giờ con xem là quá ấu trĩ. Nhưng ta có thể cam đoan với con là chỉ trong một vài thế hệ nữa, người ta sẽ nhìn lại thời buổi này của con tương tự như vậy.

Các thế hệ tương lai sẽ chấp nhận là tâm thức của họ ảnh hưởng mọi chuyện, và họ sẽ nhìn lại thế hệ của con mà không thể hiểu nổi sao con có thể bị kẹt trong thế giới quan của mình đến thế. Họ sẽ không hiểu nổi sao thế hệ của con không thể nhìn xuyên thấu, từ bỏ các tin tưởng cũ và chấp nhận điều họ xem là tuyệt đối hiển nhiên, cụ thể là tâm thức con người ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của hoàn cảnh vật lý của mình. Họ sẽ xem thế hệ của con cũng ấu trĩ y như những người kia cứ nhất định tin rằng trái đất phẳng.

Ta cũng hiểu là khi con còn ở trong hộp tư duy của một ảo tưởng, nó hình thành một tấm màn sẽ pha màu cách con nhìn cuộc sống. Nhưng một khi bong bóng bể, con sẽ nhìn thế giới với con mắt mới, và con sẽ thấy sao quá hiển nhiên các niềm tin cũ của mình bị hạn chế tới chừng nào. Đột nhiên con thấy nhà vua không mặc quần áo.

Vượt khỏi cách tiếp cận dựa trên sức mạnh

Trên bình diện rộng lớn hơn nữa, sự thay đổi tư duy ta vừa nói đến là khi con người hiểu ra mọi thứ đều là năng lượng, cho nên quyền năng của tâm lớn hơn nhiều so với những gì cả tôn giáo truyền thống lẫn khoa học duy vật công nhận. Thực tế là nó đòi hỏi con người thông hiểu bốn tầng cõi của thế giới, rằng mọi chuyện trong cõi vật lý khởi đầu ở cõi bản sắc, rồi trở thành ý tưởng, rồi trở thành cảm xúc, và cuối cùng thị hiện như một hiện tượng hay một hoàn cảnh vật lý.

Khi hiểu ra điều này, một thế giới quan mới sẽ mở ra dẫn đến một xoay chuyển ngoạn mục trong cách nhìn cuộc sống trên địa cầu. Hãy để ta phác họa những hệ quả quan trọng nhất:

  • Con người sẽ ngộ ra là trái đất được sinh tạo như một sân hoạt động cho sự tăng triển tâm linh của mình. Vì vậy họ có quyền có mặt ở đây, và thiết kế của Thượng đế là địa cầu sẽ là nơi sinh sống cho 10 tỷ người.
  • Con người sẽ phát triển một niềm kính trọng và yêu thương mới đối với hành tinh, gồm cả môi trường tự nhiên. Họ sẽ khắc phục mọi xu hướng muốn hãm hiếp môi trường để trục lợi trước mắt và họ sẽ không cho phép các đại tập đoàn hay nước lớn làm vậy nữa. Nhưng họ cũng sẽ nhận ra là việc thay đổi môi trường để nuôi sống loài người nằm hoàn toàn trong hoạch định của Thượng đế cho địa cầu.
  • Con người sẽ hiểu ra là việc sống còn sẽ không đủ nữa và MỌI người phải được hưởng một mức sống khả quan, dành cơ hội cho họ đeo đuổi việc thăng tiến tâm linh.
  • Con người sẽ hiểu ra là để đem lại một mức sống phải chăng cho 10 tỷ người mà không phá hủy môi trường, một cách tiếp cận cách mạng phải được tìm thấy.
  • Cách tiếp cận mới này CHỈ có thể được tìm thấy bằng cách dùng quyền năng của tâm để nhìn vượt khỏi thế giới quan duy vật hiện nay. Chính thế giới quan này đang giam giữ loài người ở một mức nơi họ bị hạn chế phải dùng cái có thể gọi là loại công nghệ dựa trên sức mạnh. Qua từ này, ta muốn nói đến nền công nghệ dùng vũ lực để thu hoạch tài nguyên và sản xuất năng lượng, hoặc bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch, hoặc cưỡng bách hạt nguyên tử phân chia. Kết quả không thể tránh của công nghệ này là hãm hiếp môi trường để có tài nguyên, sản xuất ra ô nhiễm.

Giải pháp cho loài người là vươn lên một mức cao hơn khi họ có thể tiếp nhận công nghệ tiền tiến hơn. Công nghệ này sẵn hiện hữu và các chân sư thăng thiên chỉ chờ tâm thức đột phá để phóng thích nó ra. Nó sẽ cho phép năng lượng được sản xuất miễn phí mà không đòi hỏi tài nguyên vật lý, cho nên sẽ không hãm hiếp môi trường hay tạo ô nhiễm. Ta biết chuyện này nghe như khoa học giả tưởng, nhưng cảm giác này là vì con người còn bị kẹt trong tư duy phải giành lấy mọi thứ bằng sức mạnh. Một khi vượt qua cách suy nghĩ đó, họ sẽ nhìn ra tất cả những hệ quả to lớn của sự thật cách mạng mà ta đã trình bày 2000 năm về trước: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi, vì Cha các con đã bằng lòng cho các con vương quốc” (Luke 12:32).

Thượng đế hoàn toàn vui lòng ban cho nhân loại mọi thứ họ cần để biến hành tinh này thành một thiên đàng, một Kỷ nguyên Hoàng kim. Tuy nhiên con người phải sẵn sàng tiếp nhận, vì chừng nào họ chưa sẵn sàng thì việc trao công nghệ cho họ sẽ chỉ khiến họ tự hủy hoại mà thôi. Quần chúng nói chung cũng phải đạt tới điểm sẵn lòng nhận trách nhiệm hoàn toàn về hoàn cảnh của mình, vì chừng nào họ chưa sẵn lòng thì chắc chắn họ sẽ còn bị nhóm thượng tôn cai trị. Như ta vừa giải thích, sự tồn tại của một nhóm thượng tôn quyền lực là kết quả trực tiếp khi hầu hết loài người từ chối nhận toàn bộ trách nhiệm về hành tinh của mình và không chịu thay đổi tư duy.

Chính điều này cho phép thiểu số thượng tôn còn tiếp tục nắm quyền, còn bưng bít những hiểu biết về công nghệ năng lượng miễn phí. Thực tế đơn giản là nhóm thượng tôn quyền lực mơ ước giữ chặt độc quyền, nhưng năng lượng miễn phí thì không ai có thể độc quyền, có nghĩa là các tập đoàn năng lượng khổng lồ hiện nay sẽ tiêu tan khi công nghệ này rốt cuộc được phóng thích. Cho nên nhóm thượng tôn quyền lực đang cố hết sức kìm hãm công nghệ này hầu cứu vãn chế độ độc quyền của chúng. Và chừng nào con người chưa nhận trách nhiệm hoàn toàn và chưa đòi hỏi thay đổi, thì chúng sẽ tiếp tục làm được chuyện đó.

Các khía cạnh tích cực của hâm nóng toàn cầu

Hâm nóng toàn cầu không nhất thiết là tiêu cực, theo nghĩa là trong hoạch định dài hạn cho trái đất, các chỏm băng ở hai cực sẽ chảy ra và khí hậu trở nên ấm áp hơn. Điều này sẽ mở ra những khu vực rộng lớn mới mà ngày nay không thích hợp cho nông nghiệp, và nhờ vậy sẽ nuôi sống một dân số đông hơn. Một lần nữa, phong trào bảo vệ môi trường dựa trên triết lý cho rằng dân số quá đông là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề môi trường, nhưng không nhất thiết như vậy. Nếu mọi người sống một cuộc sống cân bằng hơn hiện nay thì hành tinh này quả thực có khả năng nuôi sống 10 tỷ người, cho nên bất kỳ dân số nào ít hơn con số này KHÔNG phải là dân số quá tải.

Tuy nhiên để hành tinh nuôi sống được dân số đó, độ nghiêng của trục trái đất phải được giảm bớt đáng kể, và điều này sẽ khiến cho khí hậu điều hòa trở lại – nếu đi đôi với việc nâng cao tâm thức tập thể – và sẽ gia tăng đáng kể sản lượng lương thực. Việc điều chỉnh trục trái đất cũng sẽ giảm thiểu biến đổi nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông nhưng không hoàn toàn loại bỏ các mùa trong năm. Và nếu tiến trình điều chỉnh xảy ra lần hồi, nó sẽ không gây ra thiên tai lớn hay những dạng thời tiết mất cân bằng.

Tái phân phối cơ hội kinh tế

Ngoài ra cũng phải có một sự tái phân phối tài nguyên, tái phân phối cơ hội, để địa cầu không còn bị cai trị bởi một thiểu số thượng tôn quyền lực đang kiểm soát và tiêu thụ một lượng quá đáng những tài nguyên thiên nhiên và của cải. Phải có sự nhìn nhận rằng mục đích của thịnh vượng là để đem lại lợi ích cho đa số quần chúng thay vì chỉ giúp cho một thiểu số thượng tôn gom góp nhiều của cải hơn bất cứ ai có thể cần đến hoặc tiêu thụ được.

Một lần nữa, vấn đề này đòi hỏi những thay đổi to lớn trong cách tư duy của mọi người, vì nếu ai nấy cứ tiếp tục cưỡng lại tiến trình thì hiện tượng cọ xát sẽ chỉ gia tăng, dẫn đến nhiều hâm nóng và nhiều trục trặc thời tiết hơn nữa. Nếu con nhìn trở ngược lại, con sẽ thấy là vào thập niên 1960, một khuynh hướng mới mẻ đã khởi đầu, nâng cao nhận thức của con người về cộng đồng toàn cầu cùng tính chất liên đới của sự sống. Nhưng cho tới giờ, nó vẫn chưa chuyển thành những thay đổi lớn lao gì trong nhận thức quần chúng. Thay vào đó, nhóm thượng tôn quyền lực đã lợi dụng khuynh hướng này để khởi động một phong trào tìm cách dùng trào lưu toàn cầu hóa làm bình phong cho việc bành trướng quyền lực và kiểm soát của chúng.

Nếu muốn lật ngược khuynh hướng này và giúp cho nhận thức toàn cầu nói trên đem lại một nhận thức trách nhiệm toàn cầu, thì những người tâm linh nhất trên địa cầu cần tỉnh giấc, họ cần ngộ ra là họ phải nắm lấy quyền cai quản hành tinh của mình. Và trong cái ngộ này có cả việc hiểu ra là bất kỳ vấn đề nào cũng có thể bị, và sẽ bị, thiểu số thượng tôn quyền lực khai thác để phục vụ mục tiêu của chúng. Và vấn đề môi trường, kể cả vấn đề hâm nóng toàn cầu, không phải là ngoại lệ. Các thày đã có giải thích sự kiện này trong sách Chữa lành Mẹ Địa cầu.

Hệ thống miễn nhiễm của hành tinh

Điều quan trọng là con hiểu mọi chuyện xảy ra ở tầng vật lý có một bộ phận song song ở ba tầng cao hơn. Cụ thể, sự ô nhiễm vật lý chỉ là kết quả thấy được của một tình trạng ô nhiễm ở cõi cảm xúc và cõi lý trí, dưới dạng năng lượng tâm lý tha hóa được tạo ra bởi những tư tưởng cùng cảm xúc không phát xuất từ tình thương. Khi năng lượng này đủ cường độ, nó tràn ra ngoài và gia tăng hiệu ứng ô nhiễm vật lý. Nói cách khác, thành phần vật lý của hâm nóng toàn cầu chính là việc phát thải khí nhà kính, nhưng trong điều kiện bình thường, các quy trình tự nhiên sẽ có khả năng giải quyết vấn đề mà không gây tàn phá. Hành tinh có một số quy trình làm việc giống như hệ thống miễn nhiễm của con người cùng các hệ thống loại bỏ độc tố, loại bỏ chất thải khỏi cơ thể.

Tuy nhiên hệ thống này gắn liền với ba tầng cao của vũ trụ, cho nên khi có quá nhiều năng lượng cảm xúc và lý trí tích tụ lại, điều này làm suy giảm các quy trình thanh lọc vật lý – cũng giống như hệ thống miễn nhiễm của con bị suy yếu khi con căng thẳng tình cảm. Kết quả là ô nhiễm sẽ tệ hơn, bởi vì nếu hệ thống hành tinh hoạt động bình thường thì các khí thải nhà kính đã không ảnh hưởng khí hậu một cách rõ rệt như vậy. Điều ta muốn nói cho những ai quan tâm đến môi trường và cởi mở với các giải pháp tâm linh, có một cách vô cùng hiệu quả để thanh lọc toàn bộ hệ thống năng lượng của hành inh, đó là đọc các bài thỉnh của Mẹ Mary. Và nếu có đủ túc số những người đọc thỉnh như vậy thì hệ thống sẽ được giải phóng để nó tự thanh lọc lấy, và tác động của ô nhiễm vật lý được giảm thiểu.

Cuộc tranh luận về hâm nóng toàn cầu và các hậu ý

Cuộc tranh luận về vấn đề còn phức tạp hơn cả tự thân vấn đề, bởi vì có quá nhiều nhóm khác nhau tìm cách giật dây nó với quá nhiều động cơ khác nhau. Muốn tìm hiểu chuyện này đầy đủ sẽ dẫn chúng ta vào tận cốt lõi của những gì đang xảy ra với địa cầu, và điều này sẽ phải chờ đến khi có thêm nhiều giáo lý nền tảng được ban truyền. Điều ta có thể nói ngay bây giờ là như sau: Điều tuyệt đối cần thiết cho những ai có nhận biết tâm linh cao nhất là họ cần vượt qua niềm tin ngây thơ cho rằng tất cả những ai tuyên bố làm việc cho môi trường đều làm vậy với động cơ trong lành.

Thực tế đáng buồn là gần như không có một lãnh vực tranh luận nào của con người mà lại bị khuynh đảo nhiều hơn cuộc tranh luận về môi trường. Lý do là vì, tất nhiên, trong tất cả mọi lãnh vực tranh luận gần như không có cuộc tranh luận nào mang hệ quả lớn hơn, vì vấn đề ở đây là quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên toàn cầu. Do đó có rất nhiều đấu thủ ở đây đeo đuổi những quyền lợi khác nhau, nhiều khi trái ngược và loại trừ lẫn nhau. Cái có vẻ là một chính nghĩa trong sáng muốn cứu nguy môi trường thường chỉ là một lớp ngụy trang cho một thâm ý.

Mẹ Mary đã có trình bày một trong những yếu tố chủ yếu trong cuộc tranh luận về môi trường, cụ thể là một số đại tập đoàn sử dụng các tổ chức môi trường làm bình phong để hạn chế việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, qua đó họ lập ra một thế độc quyền được chính quyền phê chuẩn. Tuy nhiên phong trào này – cùng một vài tổ chức môi trường nổi tiếng – có thể được truy ngược về những năm 1800 khi việc khám phá những nguồn tài nguyên thiên nhiên mới ở miền Tây Hoa Kỳ là mối đe doạ có thể lật đổ sự thống trị kinh tế của giới “tiền cũ” ở các tiểu bang Đông Bắc. Vì vậy, một số doanh nhân lớn ở miền Đông đã thành lập và tài trợ một vài tổ chức bảo vệ môi trường.

Tất nhiên, những tổ chức đó đã vượt xa mục đích ban đầu, và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một số đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi guồng máy tuyên truyền của Liên Xô cùng nỗ lực của nước này nhằm hạn chế phát triển kinh tế ở phương Tây. Điều này dẫn đến phong trào gọi là “Hạn chế tăng trưởng” với lập luận bảo rằng sự tăng trưởng kinh tế có giới hạn và dân số loài người cũng có giới hạn. Cho nên các quốc gia Tây phương đứng trước một chọn lựa, hoặc sụp đổ, hoặc phải tự ý giới hạn tăng trưởng của mình. Điều này có nghĩa là nhà nước phải kiểm soát tài nguyên và nền kinh tế, tạo ra một hệ thống cũng tương tự như hệ thống cộng sản, chỉ khác tên gọi.

Như ta đã đề cập ở trên, chừng nào con người còn bị mắc kẹt trong một nền công nghệ dựa trên sức mạnh, thì quả thật có một giới hạn cho tỷ lệ tăng dân số và tăng trưởng kinh tế bền vững. Cho nên vẫn có một chút căn bản sự thật đằng sau những lập luận do các tổ chức môi trường đưa ra. Tuy nhiên, chừng nào cuộc tranh luận không vượt ra ngoài những nguyên nhân duy vật, thì tự thân cuộc tranh luận sẽ phục vụ cho một mục tiêu lớn hơn, là ngăn chặn tâm thức nhân loại vươn lên một mức hoàn toàn mới. Và đây chính là mục đích thật sự đằng sau cuộc tranh luận hiện thời về môi trường.

Hãy khôn ngoan như rắn

Quả thật là có rất nhiều người có thiện ý – rất nhiều người trong số 10% có ý thức tâm linh cao nhất – đã bị lôi cuốn vào việc hỗ trợ các phong trào bảo vệ môi trường mà không nhìn thấy thâm ý đằng sau. Thâm ý này thường được thực hiện qua việc trưng bày một số vấn đề dễ gây động cảm, chẳng hạn như cứu nguy một loài động vật hay một môi trường nhạy cảm nào đó – cái thường được gọi bằng thuật ngữ hư cấu là “hệ sinh thái”. Con hãy lưu ý là ta không nói rằng một số phong trào như vậy không có giá trị hay không cần thiết. Đúng là nó cần thiết, như trong hai ví dụ này: cứu cá voi và cứu rừng nhiệt đới khỏi sự khai thác kinh tế không hạn chế. Tuy nhiên điều ta muốn trình bày rộng lớn hơn, là khi người ta tập trung vào những vấn đề riêng lẻ như thế thì sự chú ý của họ sẽ bị dẫn dắt một cách “thuận lợi” để họ không nhìn thấy vấn đế tổng thể trong hậu trường.

Rất nhiều đại nghĩa bảo vệ môi trường chỉ đơn giản là ngụy trang nhằm cố tình che giấu những nguyên nhân sâu xa. Nguyên nhân chủ yếu bị che giấu là nhu cầu phát triển một thế giới quan cao hơn và tâm linh hơn. Và người ta che giấu bằng cách chỉ tập trung vào các nguyên nhân và các vần đề duy vật, thường thường qua việc giản dị hóa vấn đề đến độ nó chỉ còn là một chuyện vô cùng trắng-đen với một thủ phạm rõ ràng. Chẳng hạn, kỹ nghệ săn bắt cá voi là thủ phạm, kỹ nghệ khai thác gỗ là thủ phạm, và nếu chúng ta ngăn chặn họ thì chúng ta sẽ cứu được cá voi và rừng nhiệt đới.

Những đại nghĩa môi trường đầy động cảm như vậy thường dựa trên bằng chứng khoa học đáng ngờ, khi một nhà khoa học được trích dẫn bởi một nhà khoa học khác được trích dẫn bởi nhiều nhà khoa học khác, cho tới khi người ta có hẳn một “khối lượng bằng chứng khoa học” không có chút thực tế nào nhưng lại có vẻ rất thuyết phục đối với người bình thường. Kết quả chung chung là ai nấy có cảm giác mình đang đóng góp cho trái đất, nhưng sự chú ý của họ được khéo léo dẫn dắt để họ không xem xét các nguyên nhân sâu xa hơn. Tất nhiên, nó che giấu bàn tay của nhóm thượng tôn quyền lực là kẻ đích thị đang lạm dụng môi trường.

Nhóm thượng tôn quyền lực có tư duy dựa trên vũ lực

Toàn bộ thâm ý là lớp thượng tôn quyền lực biết rất rõ nguy cơ nhân loại có thể vươn lên một tầm nhìn tâm linh hơn về cuộc sống. Chúng biết là nếu điều này xảy ra, chúng sẽ bị lật mặt, và một khi chúng bị phơi bày, chúng sẽ bị tước mất quyền lực trên quần chúng mà chúng đã nắm từ hàng bao thế kỷ, thậm chí hàng bao thiên niên kỷ.

Lớp thượng tôn quyền lực có một cách tư duy hoàn toàn dựa trên sự tha hóa của lời răn rằng con người hãy nhân lên và cai quản trái đất. Chúng xem trái đất và con người là những kẻ thù phải trấn áp mạnh bạo, và tư duy này đã giam giữ loài người trong nền công nghệ dựa trên sức mạnh. Nhóm thượng tôn đã chiếm quyền bằng vũ lực và chúng sẽ làm mọi cách để giữ quyền, kể cả ngăn chặn toàn bộ hành tinh vươn lên một tầng cấp cao hơn. Mặc dù chúng nghĩ chúng rất tinh xảo khôn ngoan, nhưng kỳ thực chúng là những kẻ lãnh đạo mù mà ta đã cảnh báo mọi người khoảng 2000 năm về trước: 

  • “Hãy để họ vậy: họ là kẻ mù dẫn đường người mù. Và nếu kẻ mù dẫn đường người mù, cả hai sẽ té xuống hố” (Matthew 15:14).
  •  “Kìa, ta cho các con đi tựa như chiên đi vào giữa bầy lang sói. Vậy hãy khôn ngoan như rắn và vô hại như bồ câu” (Matthew 10:16).
  • “Hãy coi chừng tiên tri giả, họ đến với con đội lốt chiên, nhưng bên trong họ là chó sói đói ăn vô độ” (Matthew 7:15).

Thiểu số thượng tôn quyền lực đã chiếm quyền bằng cách chia rẽ quần chúng và chúng sẽ làm đủ cách đễ giữ cho quần chúng tiếp tục bị chia rẽ. Cho nên trong cuộc tranh luận về môi trường, con thấy nhiều mưu mô trái ngược nhau chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu lớn hơn là chia rẽ quần chúng, đồng thời che giấu lý do bên dưới là thâm ý kiểm soát của nhóm thượng tôn. Những người thuộc nhóm thượng tôn có cách suy nghĩ hoàn toàn dựa trên sức mạnh, và một trong những thành công lớn của chúng là Chiến tranh Lạnh khi chúng đã xoay xở tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai khối cộng sản và tư bản.

Điều này được thực hiện khi một số nhà tài chính ở phương Tây đã tạo ra và tài trợ – trong nghĩa đen – cho cuộc cách mạng bolshevik và xây dựng Liên Xô thành một cường quốc quân sự hàng đầu. Tình trạng này đưa đến cuộc chạy đua vũ trang đã suốt mấy thập niên giữ cho tổ hợp quân sự-công nghiệp (military-industrial complex) nắm quyền và thu lợi nhuận. Như ta vừa nói, cuộc tranh luận về môi trường tại phương Tây đã trở thành một công cụ nhằm gia tăng căng thẳng, và ngày hôm nay nó vẫn được dùng trong mục tiêu đó. Các đại tập đoàn đa quốc cũng dùng tranh luận này để tìm cách giành độc quyền trong các nền kinh tế mới mở mang nơi họ đã từng gặp khó khăn tìm được chân đứng.

Từ một góc nhìn hời hợt, có vẻ như có sự xung đột giữa các đại tổ hợp đa quốc và các phong trào bảo vệ môi sinh, nhưng đây chỉ là bề ngoài. Sâu hơn, họ làm việc cho cùng một mục tiêu rộng lớn là tạo căng thẳng và xung đột sẽ duy trì quyền kiểm soát của thiểu số quyền lực. Và thậm chí đằng sau thiểu số quyền lực còn có âm mưu rộng lớn hơn nữa là giữ vững các thế lực nhị nguyên ở địa vị kiểm soát hành tinh này và ngăn cản sự thức tỉnh tâm linh đang trên ngưỡng cửa đột phá.

Nguồn gốc của nhóm thượng tôn quyền lực đã được giải thích ở một nơi khác. Tuy nhiên như ta vừa nói, thông điệp bên dưới của chúng là loài người nói chung là nguyên nhân của các vấn đề môi trường, nhóm thượng tôn là những vị cứu tinh có thể giải quyết tất cả – chỉ cần nhân loại chịu khuất phục sự kiểm soát của chúng. Nhóm thượng tôn luôn luôn tìm cách tạo ra một vấn nạn xong tự đặt mình là giải pháp duy nhất cho vấn nạn mà chúng đã tạo ra. Nhưng như ta trình bày khắp trang mạng này, con không thể giải quyết một vấn đề khi con vẫn mắc kẹt trong chính cái trạng thái tâm thức đã gây ra vấn đề. Và đó là tại sao các vấn đề môi trường sẽ không có giải pháp thực sự nào cho đến khi quần chúng thức giấc và vượt xa khỏi tư duy nhị nguyên, dựa trên sức mạnh, đã khiến nhóm thượng tôn mù quáng.

Điểm chung của ta ở đây là giúp những ai cởi mở với trang mạng này nhận thức được là nếu con muốn đóng góp hiệu quả nhất trong việc giải quyết – giải quyết thực sự – các vấn đề môi trường, thì con nên khởi sự bằng cách điều chỉnh lại cách suy nghĩ của mình như sau:

  • Trái đất đã được tạo ra như một sân hoạt động cho sự tiến hóa tâm linh của nhân loại. Nó không được tạo ra để là một môi trường tự nhiên nguyên sơ không có tì vết và cũng không có con người.
  • Vai trò dự trù của con là trở thành người đồng sáng tạo cai quản chính tâm mình, xong cai quản môi trường địa cầu, đưa nó đứng thẳng hàng với viễn quan và quy luật của Thượng đế.
  • Trái đất được trù liệu để nuôi sống 10 tỷ người với mức sống thoải mái.
  • Điều này chỉ có thể thực hiện qua những thay đổi to lớn trong nền chính trị lẫn công nghệ.
  • Giải pháp thực sự duy nhất cho các vấn đề môi trường hiện thời là nhân loại phải vươn tới mức có khả năng tiếp nhận nền công nghệ không dựa trên sức mạnh.
  • Để việc này xảy ra, tâm thức loài người phải nhảy vọt một bước thật dài, và phần 10% trên cùng của những người có ý thức tâm linh nhất phải là người đi tiên phong trong cuộc chuyển tiếp này. Vì vậy, việc đạt được quả vị Ki-tô cá nhân và gây cảm hứng cho người khác cũng đi theo con đường quả vị Ki-tô là sự đóng góp quan trọng nhất mà con có thể cống hiến để giải quyết các vấn đề môi trường. Tất nhiên, điều này bao gồm việc trình bày với người khác về mối liên hệ giữa tâm thức và các tình huống vật lý, trong đó có cả các tình huống của môi trường.

Làm thế nào là người thực sự có ý thức môi sinh

Sự nhận biết cao hơn cần xuất hiện là xã hội phương Tây đã đi sai đường trong nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, do bị cả đạo Cơ đốc chính thống lẫn khoa học duy vật dẫn lạc đường, và cả hai đã bị thiểu số quyền lực sử dụng làm bình phong. Cách hiệu quả nhất để nhóm thượng tôn lũng đoạn một cuộc tranh luận là lập ra hai đối cực rồi khiến cho quần chúng tin rằng họ phải chọn một trong hai, thế nhưng cả hai đều nhằm duy trì tình trạng nhóm thiểu số có thể áp đảo quần chúng. Điều này che lấp sự hiện hữu của một giải pháp khác hẳn cả hai cách tiếp cận kia, là vượt lên một tầm hiểu cao hơn về vấn đề.

Các chân sư thăng thiên sẵn lòng và cũng sẵn sàng cộng tác với những người có nhận biết cao nhất để đem lại một tầm nhận biết cao hơn về môi trường. Kỳ thực, các thày đã khởi sự truyền rải qua một số cá nhân, nhưng tầm nhận biết này chưa được chấp nhận rộng rãi vì giới truyền thông chính mạch đã làm ngơ. Ý tưởng cơ bản cần được hiểu là hành tinh này đã được tạo ra cho một mục đích đặc thù là sự tiến hoá tâm linh của loài người.

Vì vậy, mọi thứ trên địa cầu đều được thiết lập để cống hiến cho loài người cơ hội tốt nhất để con người học hỏi bài học cơ bản của cuộc sống, cụ thể là tâm con người có quyền năng tạo ra các tình huống vật lý xảy ra cho bản thân mình. Mỗi người đã suốt nhiều kiếp sống tạo ra các tình huống cá nhân của mình, và loài người cũng đã suốt hàng thiên niên kỷ cùng nhau tạo dựng rất nhiều giới hạn mà con thấy ngày nay trên trái đất.

Tuy nhiên, quy luật của Thượng đế là khi nào con người nâng cao tâm thức thì môi trường vật lý cũng theo đó đáp ứng theo. Những mất thăng bằng hiện thời trong thiên nhiên, ngay cả sự thiếu hụt cái gọi là tài nguyên thiên nhiên, đều là sản phẩm của sự mất thăng bằng khi con người đồng sáng tạo bên ngoài quy luật Thượng đế. Quy luật của Thượng đế được thiết lập để cung cấp đời sống sung túc cho nhân loại, và bằng cách đứng thẳng hàng với các quy luật này, con người có khả năng thị hiện những điều kiện sẽ nuôi sống 10 tỷ người và cho họ một cuộc sống vật chất thoải mái mà không phải cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại thế cân bằng của môi trường hay làm trục trặc khí hậu của hành tinh.

Thực tế phũ phàng là từ nhiều thập niên, thiểu số thượng tôn quyền lực đã sử dụng vấn đề môi trường để tạo dựng niềm tin về một ngày diệt vong sắp sửa ập tới, để niềm tin này thúc đẩy mọi người chịu bỏ tự do, bỏ quyền lợi và tiền bạc của mình. Vào thời Trung cổ, nhóm thượng tôn còn dùng khái niệm địa ngục và luyện ngục của đạo Cơ đốc để dọa nạt mọi người. Thế rồi khi chúng đem khoa học duy vật vào, niềm tin này bị suy yếu và chúng phải cố nghĩ ra những chuyện dọa nạt khác. Trong số này, có bệnh đại dịch, có xâm lăng của người ngoài hành tinh, có thiên thể sắp đụng trái đất, có kinh tế sụp đổ, có chiến tranh hạt nhân và, tất nhiên… có cả sự tàn phá môi trường.

Kế hoạch của nhóm thượng tôn là tạo ra cơn hoảng loạn lan rộng khiến ai nấy tin rằng họ phải chọn giữa hai tệ đoan, và điều có thể đoán trước là họ sẽ luôn luôn chọn tệ đoan có vẻ đỡ tệ nhất. Nhưng con chỉ bị bắt buộc chọn lựa giữa hai tệ đoan bởi vì con có một tầm hiểu giới hạn về tình thế, và con hiểu giới hạn như vậy là vì con không chịu sử dụng khả năng phân biện Ki-tô của con để tìm dữ liệu từ một nguồn cao hơn, một nguồn vượt khỏi cái nhìn nhị nguyên của tự ngã. Và nguồn này hiển nhiên là cái ta Ki-tô của con cùng các chân sư thăng thiên.

Khi con thỉnh dữ kiện đó, con sẽ thấy luôn luôn có một giải pháp khác hơn cho các đối cực nhân tạo. Giải pháp khác đó là vượt khỏi cách tiếp cận nhị nguyên về cuộc sống, qua đó con luôn luôn bị lôi kéo bởi hai đối cực về những hướng đối nghịch. Giải pháp khác đó là nhìn vào cuộc sống qua tâm Ki-tô để thấy được: “Điều này với con người không thể làm được, nhưng với Thượng đế thì mọi việc đều làm được” (Matthew 19:26). Như ta có giải thích ở trên, một khi con người đứng thẳng hàng với quy luật Thượng đế, thì các vấn đề môi trường sẽ có thể được giải quyết mà không phải vứt bỏ các quyền tự do dân chủ lẫn tự do kinh tế, hay cho phép nhóm thượng tôn quyền lực kiểm soát mọi khía cạnh của đời mình.

Thật ra bằng cách cho phép nhóm thượng tôn quyền lực tiếp tục kiểm soát cuộc tranh luận về môi trường, điều chắc chắn là cuộc tranh luận này sẽ tiếp tục chạy trật đường rày, và như vậy các vấn nạn môi trường sẽ chỉ càng tệ hại thêm. Nhóm thượng tôn quyền lực bị mù quáng bởi sự kiêu mạn tâm linh đến độ chúng sẽ tiếp tục tiến tới vực thẳm, và giống như bao lần trong quá khứ, nó sẽ khiến chúng giết mất con ngỗng – tức là toàn bộ hành tinh trong trường hợp này – đẻ trứng vàng.

Ta biết lời giải thích của ta có thể khiến cho một người đơn lẻ cảm thấy vô vọng không biết làm gì trước âm mưu thao túng đó, nhưng con hãy nhớ, đó chính là điều nhóm thượng tôn luôn luôn muốn con tin. Thông điệp bên dưới của chúng là một người không thể nào làm gì để thay đổi. Nhưng thông điệp sâu xa của đời ta và cuộc đời của nhiều người khác là quả thực một người CÓ THỂ tạo sự thay đổi – khi người đó làm việc cùng với Thượng đế.

Cho nên con hãy buông mọi cảm giác choáng ngợp và cho phép Thượng đế bước vào trong con để ngài chỉ cho con thấy làm thế nào cá nhân con có thể góp phần vào việc đem lại sự thay đổi. Luôn luôn nhớ rằng, muốn cho thiểu số thượng tôn quyền lực chiến thắng, chỉ cần 10% dẫn đầu nhân loại không làm gì cả.


Ghi chú: Để hiểu sâu hơn về các vấn đề môi trường, về thiểu số thượng tôn quyền lực và mối quan hệ của con người với địa cầu, xin tham khảo sách Healing Mother Earth (Chữa lành Mẹ Địa cầu).