Bước ra khỏi cơ chế vận hành tự ti và tự đại

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Sanat Kumara qua trung gian Kim Michaels ngày 2/10/2021, nhân Webinar 2021 cho Hàn quốc – Là Cánh cửa mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 20/10/2021.

TA LÀ chân sư thăng thiên Sanat Kumara. Ta đến đây với lòng biết ơn đối với các con đã đọc bài thỉnh vừa rồi cũng như đối với rất nhiều người đã thỉnh ta suốt nhiều năm trời, không những trong đợt truyền pháp này mà các đợt khác nữa. Việc này đã cho phép ta nhập cuộc và truyền rải nhiều năng lượng cùng một số ý tưởng đến địa cầu mà nhiều người đã tiếp nhận được. Nhiều người trong số này không nhất thiết là học trò của chân sư thăng thiên. Và một trong những đóng góp thực sự mà các con có thể làm trong tư cách là học trò của chân sư là nhận ra thời đại hoàng kim cần có rất nhiều ý tưởng được nhân loại hiện đang đầu thai tiếp nhận, đem ra áp dụng và thực hiện.

Và nhiều khi các con, những đệ tử của chân sư thăng thiên, sẽ không ở trong cương vị tốt nhất để nhận hay để thực hiện một ý tưởng. Và do đó con không thể bị dính mắc là liệu con có là người nhận được ý tưởng cùng với niềm vinh dự, hay có người khác nhận được. Khi con mang viễn quan làm đệ tử của chân sư thăng thiên, con có thể trau dồi lòng sẵn sàng cầu thỉnh, nâng cao tâm thức mình và tu học các giáo lý, và đồng thời con cũng có viễn quan là những ai có khả năng nhận được một số ý tưởng quả nhiên sẽ nhận được, sẽ áp dụng và sẽ theo đó mà hành động, rồi từ đó có thật nhiều người hơn chấp nhận ý tưởng giúp nó lan truyền. Đây chính là một phần của viễn quan mà con cầm giữ, một phần của việc phụng sự của con.

Vượt qua mặc cảm tự ti-tự đại

Điều này gắn liền với chủ đề đầu tiên mà ta muốn nêu lên. Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu? À, con phải vượt qua cái thường được gọi là mặc cảm tự ti-tự đại. Suốt nhiều thập niên trao truyền giáo lý trực tiếp, các thày đã và đang nhìn thấy hai xu hướng rõ rệt trong số học trò của mình.

Một số học trò rất, rất sốt sắng áp dụng giáo lý, học hỏi giáo lý. Họ đưa ra bộ mặt là những học trò rất chăm chỉ, rất háo hức. Nhưng họ thường làm vậy vì họ mang một mặc cảm tự tôn. Họ mong muốn là người tốt đẹp hơn người khác, là học trò cao cấp hơn học trò khác, cho nên họ bị thôi thúc bởi mong muốn sử dụng giáo lý để nâng cao bản thân và đạt được một cảm giác vượt trội nào đó.

Xu hướng kia mà các thày nhận thấy là có nhiều học trò, thường là đa số, chấp nhận giáo lý, học hỏi giáo lý, thực hành các bài chú bài thỉnh, nhưng họ không thực sự chấp nhận là mình có thể liên lạc trực tiếp với các thày, nhận được ý tưởng hay xung lực từ các thày, hay làm được gì đó đáng kể cho các thày. Họ thỏa mãn với chuyện theo chân tổ chức, theo chân một sứ giả hay một đạo sư, làm những gì họ được chỉ bảo và họ sẽ thành tâm làm việc đó nhưng họ không thực sự chuyển tâm để nghĩ rằng có lẽ họ không phải luôn luôn là những kẻ theo chân.

Con thấy đó, có những người muốn lãnh đạo và có những người muốn đi theo, và tiếc thay điều này thường tạo ra một tình trạng rất không lành mạnh và không quân bình trong tổ chức. Ta không chỉ nói đến các tổ chức của chân sư thăng thiên, và con có thể thấy cùng tình trạng này trong rất nhiều tổ chức khác khắp thế giới. Điều ta muốn chú trọng nói đến ở đây chính là cách vận hành đó, cơ chế tự ti-tự đại.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là không có mặc cảm tự đại mà chỉ có mặc cảm tự ti. Thật không phải là vấn đề người ta cảm thấy tự đại hay tự ti, bởi vì trong rất nhiều kiếp sống mọi người đã phải giáp mặt với sa nhân trên hành tinh này, đã bị chúng khuynh loát và dồn vào thế cảm thấy tự ti. Thật không phải vấn đề người ta cảm thấy tự ti hay tự đại – vì họ đều cảm thấy tự ti – mà là vấn đề ứng phó như thế nào. Một số ứng phó bằng cách chấp nhận sự thua kém của mình, khiến họ trở thành kẻ đi theo. Một số khác ứng phó bằng cách chối bỏ sự thua kém của mình, cố gắng dựng lên một vẻ mặt cao trội để có thể cảm thấy cao trội bề ngoài, và như vậy họ phủ nhận cái mặc cảm tự ti vẫn nằm đó sâu bên trong tâm lý họ.

Thêm vào đó tất nhiên là có các sa nhân đang đầu thai. Dĩ nhiên có một số ít sa nhân đã bị thu hút hay được gửi vào tham gia các giáo lý cùng tổ chức của chân sư thăng thiên, và con có thể nói khi con nhìn những sa nhân đó, chắc chắn họ mang một mặc cảm tự tôn. Họ cho là họ thật sự cao trội hơn người khác, nhưng nếu con nhìn kỹ hơn, con sẽ thấy là ngay cả các sa nhân này cũng mang một mặc cảm tự ti ở sâu bên dưới, được che lấp bởi quá nhiều lớp phủ nhận đến độ họ cũng cảm thấy mình thua kém. Và họ là ví dụ điển hình của những người phản ứng lại sự thua kém của mình bằng cách che lấp nó đi và tìm cách dựng lên một cảm giác cao trội trong thế gian này qua những vật của thế gian.

Tìm lại quân bình

Điều các thày mong nhìn thấy nơi học trò của mình tất nhiên là các con tìm được một trạng thái cân bằng. Và các thày đã thấy, chẳng hạn trong một đợt truyền pháp trước – đợt chót mà các thày đã có thể trao truyền trong Thời đại Song ngư – là có một nhóm học trò khá đông cảm thấy mình cao trội. Trong tổ chức có một nét văn hóa cho rằng: “Chúng ta có giáo lý tâm linh tinh tiến nhất trên hành tinh, chúng ta là những người tiên phong cho Thời Hoàng kim của Saint Germain, chúng ta giống như các tông đồ của Giê-su và do đó rõ ràng chúng ta là những đệ tử cao cấp nhất trên hành tinh.” Hiển nhiên, điều này không đến nỗi phổ biến trong đợt truyên pháp này vì các thày đã cho con bao nhiêu lời dạy để các con khắc phục xu hướng này. Nhưng ta vẫn muốn bàn đến cảm giác tự ti.

Con cũng hiểu là mục tiêu chính của sa nhân trên trái đất là kiểm soát loài người, kiểm soát các avatar, kiểm soát các cư dân nguyên thủy của địa cầu. Chúng muốn kiểm soát mọi người. Như các thày có giảng nhiều lần, điều này khó lòng thực hiện qua sự kiểm soát vật lý, cho nên phải có một yếu tố kiểm soát tâm lý. Và yếu tố kiểm soát tâm lý quan trọng nhất chính là mặc cảm tự ti.

Khi con có thể khiến người ta cảm thấy thua kém, khi con khiến số đông quần chúng cảm thấy thua kém một nhóm nhỏ thượng lưu, thì con có thể kiểm soát đại bộ phận dân chúng. Thiểu số thượng lưu có thể kiểm soát quần chúng qua cảm giác tự ti này. Con thử nhìn lại biết bao nền văn minh khắp thế giới trong quá khứ và nhận thấy là đã có một niềm tin cho rằng có một tầng lớp thượng lưu với phẩm chất đặc biệt, khả năng và quyền uy đặc biệt. Một cách nào đó, họ khác biệt mọi người. Họ mang máu mủ đặc biệt, họ mang gốc gác khác thường, họ mang dòng dõi khác thường, cho nên họ thật xuất chúng. Họ có thể làm những chuyện không ai khác làm được.

Con chỉ cần nhìn quá biên giới sang Bắc Hàn, và ở đó người ta tin gì về lãnh tụ của họ? Một lần nữa, một con người xuất chúng từ một dòng dõi đặc biệt, đặc biệt ngay từ khi sinh ra, và vì vậy lời nói của ông ta luôn luôn thập toàn. Ông ta không thể nào sai lầm, không thể nào phạm lỗi, vân vân. Con thấy được niềm tin vô cùng lâu đời vào chủ nghĩa tinh hoa cho rằng có một nhóm nhỏ thượng tôn, cho nên tuyệt đại đa số dân chúng phải thấp kém hơn.

Nhưng này, có một tiến trình để leo ra khỏi tình trạng thấp kém này. Để leo ra khỏi thấp kém, một số người sẽ bơi sang đối cực ngược lại và cố dựng lên một cảm giác cao trội. Đây thực chất là tại sao các thày đã cho phép nét văn hóa cao trội kia hình thành trong đợt truyền pháp trước, bởi vì các thày thấy rõ là có những người ở cuối Thời đại Song ngư cần đến cảm giác cao trội này, trải nghiệm cao trội này, để tìm đường trở lại trạng thái quân bình nơi họ không cần cảm thấy cao trội nữa nhưng cũng không xem mình là thấp kém. Các thày đã cho phép họ tạm thời có cảm giác cao trội để họ có thể khắc phục tự ti.

Điều các thày mong thấy trong đợt truyền pháp này là con tìm được một cách tiếp cận quân bình hơn, qua đó con không cần bước vào cảm giác tự đại mà con lần hồi đạt được một thế cân bằng biết mình là ai. Và ta muốn nói gì qua từ “cân bằng”? À, tất nhiên ta muốn nói đây là cốt yếu của quả vị Ki-tô.

Trải nghiệm nhận biết thuần khiết

Như các thày có nói, quả vị Ki-tô có một số giai đoạn. Có giai đoạn quả vị Ki-tô nơi con bắt đầu vươn lên trên tâm thức tập thể. Như các thày cũng nói, có một con quái vật  tập thể, một lốc xoáy tập thể vô cùng mạnh mẽ cuốn hút con người vào cảm giác thua kém. Và để bước chân trên đường tu tâm linh và vượt lên trên tầng tâm thức thứ 48, con phải tách mình ra khỏi lực kéo hướng hạ của tâm thức tập thể. Có nghĩa là cuối cùng con sẽ hiểu biết nhiều hơn một người trung bình, con có kỷ luật tự giác cao hơn một người trung bình, con có một số sáng ngộ nội tâm vượt quá một người trung bình, và do đó con có thể nói là con đạt được một sự vượt trội nào đó – nếu con muốn dùng thuật ngữ này.

Khi con bước từ tầng 48 đến tầng 96, con xây dựng một cảm nhận là con khác biệt hầu hết mọi người – không nhất thiết là cao trội, nhưng đối với nhiều đệ tử, cảm nhận này biến thành một cảm giác cao trội. Ở giai đọan này thì điều đó chấp nhận được. Nhưng để đi xa hơn tầng 96, con sẽ cần bắt đầu vượt quá trạng thái này. Con không thể tiến xa hơn tầng 96 nếu con còn một cảm nhận cao trội mạnh mẽ hay một cảm nhận thua kém mạnh mẽ. Con cần tìm ra một cách tiếp cận quân bình hơn, và cách tiếp cận quân bình này chỉ có thể tìm được bằng một cách: qua trải nghiệm.

Con không thể tìm được một cách lý thuyết. Con không thể tìm được một cách trí thức. Con không thể tìm được chỉ qua hiểu biết. Sẽ đến một điểm con không thể thoát khỏi thế bí này trừ khi con trải nghiệm cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, khi nó bước ra ngoài bốn thể phàm của con và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết. Con yêu dấu, con không thể làm được, chưa có ai có thể làm được bằng trí năng. Con có thể làm được một số chuyện bằng trí năng, con có thể khiến mình tin rằng mình không thua kém hay không cao trội, nhưng tâm thức con sẽ không xoay chuyển cho đến khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Tại sao như vậy?

Vì như các thày mô tả rất nhiều lần, nhận biết thuần khiết vượt khỏi nhị nguyên. Không có phân cực, không có những đối cực nhị nguyên. Và khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết, con cũng nghiệm thấy là tất cả mọi phân rẽ hay phân cực nhị nguyên đơn giản tan biến mất. Chúng trở thành lỗi thời, chúng trở nên vô nghĩa. Chúng không còn quan trọng gì với con. Và khi con chán chê các trải nghiệm này, kết quả sẽ là một xự xoay chuyển trong tâm thức khi con bắt đầu chuyển dần ra khỏi cảm nhận đó.

Việc con cao trội hơn người có quan trọng gì không? Trong nhận biết thuần khiết, nó có giá trị gì không? Việc con thua kém người khác có quan trọng gì không? Trong nhận biết thuần khiết, nó có quan trọng gì không? Con trải nghiệm trực tiếp là có một mức tâm thức vượt khỏi mức con người, và ở đó tất cả những chuyện quan trọng biết mấy cho con người sẽ hoàn toàn và tuyệt đối không quan trọng gì nữa. Chúng chỉ tan biến mất.

Bước vào tâm bình đẳng

Đây là một trong những đặc tính của giác ngộ. Con nhìn vượt khỏi cái mà Phật gọi là “những cặp” khi luôn luôn có hai đối cực. Và con thấy là không có chuyện đối cực này đúng, đối cực kia sai. Cả hai đều lỗi thời, đều vô nghĩa, đều không thực. Không phải là chuyện đúng hay sai, tốt hay xấu, mà là chuyện thực hay không thực. Và khi con kinh nghiệm nhận biết thuần khiết, con trải nghiệm một thực tại vượt khỏi tâm thức con người, vượt khỏi tâm thức tập thể, vượt khỏi cả mức tâm thức hiện thời của con. Và thực tại này, con trải nghiệm nó thực hơn là trạng thái tâm thức bình thường của con.  

Đây thật là điều duy nhất sẽ xoay chuyển con ra khỏi tự đại lẫn tự ti. Vì khi con đến với trải nghiệm đó và kinh qua nó nhiều lần, con nhận ra là chuyện hơn thua người khác chẳng quan trọng gì nữa. Giản dị là nó không quan trọng gì nữa đối với con. Ngay cả việc lượng định xem mình đứng ở đâu trên thang điểm ai cao ai thấp, cũng không quan trọng gì. Ta không bảo là điều này sẽ xảy ra trong một giây phút giác ngộ huy hoàng mà nó xảy ra lần hồi trên một khoảng thời gian. Nhiều người trong các con đã bắt đầu kinh qua điều này, và tất cả các con đều có tiềm năng kinh qua như vậy khi con ngộ ra là nếu mọi con người đều đến từ cùng một nguồn cội thì ai có thể thấp hơn, ai có thể cao hơn được đây?

Những khái niệm đó, những phân chia đó, những phân cực đó chỉ đơn giản là vô hiệu lực. Chúng chỉ hiệu lực cho một mức tâm thức nào đó. Nhưng khi con nếm được nhận biết thuần khiết, tâm thức nhị nguyên sẽ tự thân nó trở nên vô giá trị. Và khi chính tâm thức nhị nguyên vô giá trị thì tất cả mọi phân chia khởi lên từ tâm thức nhị nguyên cũng vô giá trị y như vậy. Còn quan trọng gì nữa?

Con thử nhìn xem tất cả những kịch bản kia, tất cả những nền văn hóa kia do loài người tạo ra suốt các thời đại. Con hãy trở ngược lại và đọc sách lịch sử, đọc xem người ta tin gì về các nền văn minh bao ngàn năm về trước với lãnh tụ xuất chúng biết mấy so với dân chúng bình thường. Con sẽ tìm thấy những chuyện như thế khắp mọi nơi, ở mọi quốc gia, ở mọi vùng thế giới, con sẽ tìm thấy. Xong con nhìn xem nền văn hiến kia có thể đã vĩ đại và hưng thịnh 5 ngàn năm về trước, liệu nó có liên quan gì đến con người ngày nay không? Có ai còn quan tâm nữa không? Trong một vài trường hợp thì có thể, nhưng trong đa số trường hợp chẳng ai quan tâm gì nữa. Đế chế La Mã ư? Ngày hôm nay có ai quan tâm đến đế chế La Mã? Dân tộc Inca, dân tộc Aztec, một vài nền văn mình cổ ở châu Á như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản? Có ai lo lắng gì về họ? Liệu có quan trọng gì không?

Khi con nhìn những gì xảy ra cho các đế chế vĩ đại đó trong lịch sử, con chẳng thấy được hay sao, con chẳng phóng chiếu được vào tương lai hay sao? Như các thày đã nói, khi con hiểu các xu hướng của quá khứ, con sẽ có thể phóng chiếu vào tương lai, cho nên con chẳng thấy hay sao là trong một hai ngàn năm nữa, hay năm ngàn năm nữa, nền văn minh của con cũng sẽ không quan trọng y như vậy đối với con người tương lai? Điều này có nghĩa là các con, trong tư cách đệ tử chân sư thăng thiên, có thể nhìn vào nền văn minh của mình, nhìn vào nền văn hóa của mình và nói: “Chuyện này có quan trọng gì với tôi? Chuyện này có quan trọng gì với tôi? Nó có là gì đối với tôi? Tôi sẽ theo chân Giê-su bước vào tâm thức Ki-tô.”

Con có thể nhìn nền văn hóa của con, xã hội của con, văn minh của con và thấy là ngay cả ở các nước dân chủ cũng có một hệ thống tin tưởng vô cùng vi tế cho rằng có một số người cao trội, còn số đông thì thấp kém. Có một số người thông minh hơn mọi người. Có một số người được trang bị tốt hơn để lãnh đạo các tập đoàn khổng lồ, lãnh đạo chính phủ hay bất cứ gì khác. Vẫn có một nét văn hóa hơn thua vô cùng vi tế. Người ta phải biết vị trí của mình và chấp nhận vị trí này trong xã hội. Văn hóa này, mọi quốc gia đều có. Ngay cả những quốc gia dân chủ hiện đại nhất cũng mang một phiên bản của nó. Nó thường không được nói đến vì nhiều nước dân chủ vẫn muốn tạo ra bộ mặt là ai ai cũng bình đẳng, và vì vậy họ không muốn thừa nhận điều này. Nhưng họ vẫn mang cái đó. Con vẫn thấy cái đó trong mọi nền văn hóa cho dù con có ở đâu trên địa cầu. Con đã được lập trình để mang mặc cảm thua kém này so với giới lãnh đạo.

Trung hòa để trở thành cánh cửa mở

Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu? À, con cần xem xét điều này. Con cần khắc phục nó. Bởi vì nếu không, rất có thể con sẽ mang trong tiềm thức niềm tin vi tế chưa được nhận diện, bảo rằng: “Ồ, tôi sinh trưởng trong một gia đình tầm thường. Tôi chỉ là một người tầm thường. Tôi không giỏi gì đặc biệt khi đi học. Làm sao tôi có thể nhận được từ Saint Germain một ý tưởng sẽ giúp đem lại thời hoàng kim? Làm sao tôi có thể xứng đáng được như vậy? Cho nên tôi sẽ ngồi yên đây và đọc thỉnh đọc chú, nhưng tôi không dám nghĩ đến chuyện nhận được một gợi ý nào đó.”      

Đối cực ngược lại với thái độ trên là những học trò háo hức quá đáng cho mình là người đặc biệt, mình là người xứng đáng nhận được gợi ý. Và họ luôn luôn chú mục vào việc nhận được những ý tưởng sẽ đem lại vẻ vang và vinh dự cho họ, sẽ khiến họ được người khác khâm phục. Và dù thế nào đi nữa, dù con có xem mình là cao trội hay thua kém, thì chính cái cảm giác cao trội hay thua kém này, chính sự phán xét giá trị này mà con áp đặt lên chính mình sẽ đóng cánh cửa của con lại. Nó sẽ ngăn cản không cho con làm cánh cửa mở.

Các thày đã nói điều gì rất nhiều lần? Sứ giả này đã nói gì rất nhiều lần? Con phải cần có gì để nhận bài truyền đọc từ các chân sư thăng thiên? Con phải ở trong một tâm thái trung hòa. À, điều này nghe có vẻ tốt thôi, nhưng tương đối chỉ ít người có thể nắm bắt được thế nào là tâm thái trung hòa. Nhưng tất cả các con đều có tiềm năng trau dồi, lần hồi trau dồi khả năng đó, là khả năng không những bước ra ngoài sự hơn thua, mà còn bước ra ngoài mọi định kiến về những gì nên làm, những gì có thể làm, những gì không thể làm – và con chỉ trung hòa tiếp nhận ý tưởng.

Con sẽ thấy là nhiều khi con tìm hiểu khoa học, chẳng hạn khi một nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu một vấn đề cụ thể trong lãnh vực của mình. Ông đã làm việc ráo riết và đã tập trung tất cả chú ý vào đó. Ông biết là có một điều gì ông chưa thể hiểu nhưng ông không thể nắm được. Tâm trí ông không thể nắm lấy nó. Thế rồi ông nghỉ ngơi một chặp, ông đi đâu khác, ông làm gì đó hoàn toàn khác, và bỗng nhiên ý tưởng nảy ra trong tâm ông. Và ông nhìn thấy nó trong một trải nghiệm trực giác nội tâm.

Và điều này cũng tương tự với mọi người. Con cần nhìn nhận là việc tiếp nhận một ý tưởng đòi hỏi một sự thay đổi bên trong. Trước hết con tập trung. Con tìm hiểu một đề tài. Con suy nghĩ về đề tài. Con đặt chú tâm vào nó, nhưng sẽ tới một điểm khi đơn giản con cần buông nó ra. Thế là có một khoảng trống, rồi có một khe hở để ý tưởng đi vào tâm con. Con có thấy tại sao không? À, đó là vì khi một nhà khoa học chẳng hạn nghiên cứu một đề tài, ông ta đã có sẵn một giả thuyết về những gì phải xảy ra, những gì cuộc thử nghiệm phải chứng minh và bước đột phá mới phải là gì. Cái gì đã đóng chặt tâm ông? Định kiến. Ông không cởi mở. Ông không trung hòa. Ông muốn một kết quả nhất định được thể hiện.

Con có hiểu điều này liên quan thế nào với con trong tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên? Nếu con mang lớp phủ cao trội này thì con đang muốn một kết quả nào đó thể hiện. Nếu con mang lớp phủ thua kém kia, con cũng muốn một kết quả nào đó không thể hiện. Nhưng con vẫn có định kiến. Giê-su đã nói gì rất, rất nhiều năm trước đây? “Ta không thể tự mình làm gì cả.” Đây là một cách khác để đối phó với mặc cảm tự ti-tự đại khi con là đệ tử của chân sư thăng thiên. Các thày đã dạy con điều gì?

Hành động và phản ứng

Các thày đã dạy con là con có bốn thể phàm. Các thày đã dạy con là trong bốn thể phàm này không những có những cái ngã tách biệt mà còn có rất, rất nhiều những niềm tin, rất nhiều ý tưởng cùng khuôn nếp mà con đã dựng lên suốt nhiều kiếp sống về cách tương tác với trái đất, với môi trường nơi con hiện thân. Điều này cũng tốt thôi – ta không bảo tất cả là sai trái, mà ta chỉ ra cho con là con đang mang cơ chế này trong bốn thể phàm, nó cho con một cái nhìn về bản thân, về con người mà con là, về hành tinh và cách con tương tác với hành tinh cũng như người khác. Và những thứ này hình thành một lớp phủ. Các thày đã gọi đó là một phin lọc nhận thức.

Cái đó, như các thày đã giảng cho con nhiều lần, không phải là con người thực của con. Đó chỉ là một cái gì con đã khoác vào khi liên hệ với trái đất, liên hệ với việc đầu thai trên trái đất. Toàn bộ giá trị của giáo lý về cái Ta Biết nằm ở chỗ là trong bản thân con có một thành phần – mà con có thể gọi bất cứ tên gì con muốn – nhưng có một thành phần của con có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm, bước ra ngoài cái tâm và nhân cách bình thường của con. Giáo lý này đã có mặt trong mọi giáo lý thần bí được biết đến trên trái đất, nó đã mang nhiều tên khác nhau và không nhất thiết gọi là cái Ta Biết, nhưng trong mọi giáo lý thần bí đều có khái niệm là trong con có một thành phần có khả năng bước ra ngoài cái con bình thường gọi là “cái tôi”, là nhân cách, là cá tính của con hay bất kỳ tên gọi nào khác.

Khi con trải nghiệm điều này, rằng con là nhiều hơn tâm vỏ ngoài, thì con có thể nhận ra là tâm vỏ ngoài này có thể làm nhiều chuyện – hay đúng hơn, con có thể làm nhiều chuyện xuyên qua tâm vỏ ngoài. Nhưng con cũng bắt đầu thấy là thường thường những gì con có thể làm bị giới hạn. Khi con hành động qua tâm vỏ ngoài, con thường tạo ra một số hậu quả không còn là những gì con muốn. Và đây là điều Giê-su đã cố giảng giải, Phật đã cố giảng giải và nhiều vị thày tâm linh khác đã cố giảng giải, là sẽ có một điểm trên đường tu tâm linh khi con bắt đầu tách mình ra khỏi sự đồng hóa với nhân cách vỏ ngoài.

Con hướng chú ý vào bên trong. Con hướng chú ý vào cốt lõi sinh thể của con là Hiện diện TA LÀ của con. Là một con người, con có hai cách hành động: con có thể hành động xuyên qua nhân cách vỏ ngoài, hay con có thể bước ra ngoài nhân cách vỏ ngoài và cho phép Hiện diện TA LÀ hành động xuyên qua con. Như Giê-su nói, chính Cha trong tôi, Hiện diện TA LÀ trong tôi, làm mọi việc. Đây là những chọn lựa, những chọn lựa cơ bản mà con có. À, hầu hết mọi người không có chọn lựa này vì họ không có hiểu biết hay nối kết với Hiện diện TA LÀ của họ. Nhưng con là học trò của chân sư thăng thiên, con càng bước lên cao hơn trên đường tu thì con sẽ càng có nhiều chọn lựa. Liệu con sẽ hành động xuyên qua nhân cách vỏ ngoài? Hay liệu con sẽ bước qua bên và để cho Hiện diện TA LÀ hành động xuyên qua con?

Con có thể nói ở đây có một bí ẩn, là sẽ tới một điểm con bắt đầu nắm bắt được những lời dạy này, cho dù một lời dạy thần bí hay một lời dạy khác. Nhưng hãy thử lấy cách trình bày của các thày trong đợt truyền pháp này. Con đang bắt đầu nắm bắt là có một phần cốt lõi của con là cái Ta Biết. Con đã bắt đầu trải nghiệm nhận biết thuần khiết. Và con đã bắt đầu trải nghiệm là con có khả năng tách mình ra khỏi nhân cách vỏ ngoài và không hành động qua nhân cách đó. Con không phản ứng lại – nếu có thể nói như vậy, vì nhân cách vỏ ngoài thật ra không thể hành động mà chỉ có thể phản ứng. Con có thể nói chọn lựa cơ bản mà con có là: Liệu con sẽ phản ứng xuyên qua nhân cách vỏ ngoài hay con sẽ hành động bằng cách để cho Hiện diện Ta LÀ chảy xuyên qua con? Lý do nhân cách vỏ ngoài chỉ có thể phản ứng là vì nó đã được tạo ra trong sự phản ứng đối với các điều kiện con gặp trên trái đất. Nó được tạo ra như một phản ứng và do đó nó luôn luôn phản ứng. Đây chính là lời dạy về các ngã tách biệt được lập trình giống như một máy tính. Bất cứ khi nào chúng bị kích hoạt thì lần nào như lần nấy, chúng sẽ phản ứng lại theo một cách nhất định.

Tôi là ai?

Nhưng tới một thời điểm, sự bối rối sẽ xuất hiện, và sẽ có một giai đọan con cần sẵn lòng kinh qua nỗi bối rối huy hoàng này là câu hỏi: Ai đang là “tôi” trong lúc này? Con có một giai đoạn, và hầu hết mọi người vẫn còn trong giai đoạn này, khi con bị hoàn toàn đồng hóa với nhân cách vỏ ngoài. Khi con bảo “tôi” thì cái đó là nhân cách vỏ ngoài. Sau đó sẽ đến giai đoạn khi con bắt đầu nhận ra con là nhiều hơn nhân cách vỏ ngoài. Nhưng khi đó, “tôi” là ai chứ?

Tôi có phải là Hiện diện TA LÀ? Không, vì Hiện diện TA LÀ ở cõi tâm linh. Tôi có phải là cái Ta Biết? Cái Ta Biết là gì? Các thày đã nói đó là nhận biết thuần khiết. Gần như các thày đã mô tả như thể nó không là gì cả. Nó giống như một cái chấm. Nó là gì? Tôi là ai ngay lúc này? Và con yêu dấu, đây chỉ là một giai đoạn cần thiết và con cần sẵn lòng đi xuyên thấu nỗi bối rối này. Tất cả những ai đã từng hiện thân và đã thăng thiên đều đã phải đi xuyên thấu nỗi bối rối này. Đôi khi nó có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí mấy chục năm trời.

Tôi là ai khi tôi bảo “tôi”? Tôi biết tôi không phải là nhân cách vỏ ngoài, nhưng nếu vậy thì tôi là ai hay tôi là gì? Không có lời dạy nào các thày có thể cho con sẽ giải quyết được bí ẩn này tức thì. Điều thật sự cần xảy ra là con đạt đến một điểm khi câu hỏi đó trở nên vô hiệu lực. Sự kiện tôi là ai hay là gì thật không quan trọng, bởi vì tôi chỉ là. Từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc sau, tôi chỉ là, cho dù tôi có là gì. Trong khoảnh khắc này tôi có thể hành động cách này, và trong khoảnh khắc sau tôi có thể hành động cách kia. Nhưng dù tôi có là gì thì tôi vẫn là. Con không cần phân tích, con không cần suy tư, con không cần mang ý tưởng là con luôn luôn phải là cùng y như vậy.

Hành động không cần có lý do

Sau đây là yếu tố chót ta muốn trao cho con trong bài giảng này vì ta biết ta đã cho con một số khái niệm rất tinh tế, phức tạp. Nhưng nhiều người trong các con đã sẵn sàng để bắt đầu suy ngẫm. Yếu tố chót này là khi con nhìn thế giới, các thày đã nói trong những bài giảng trước ở nơi đây là trong tâm thức tập thể có những rào cản, có những con xoáy, có những cơn lốc tìm cách lôi kéo con vào, nhưng cũng có những rào cản ngăn chặn những gì con người có thể thấy và có thể nghĩ. Và một trong những rào cản này, trong số những rào cản thực sự vi tế, thực sự gian xảo, thực sự làm tổn thương và tê liệt, là ý tưởng cho rằng con luôn luôn phải có một lý do để làm những gì con đang làm. Và con phải nhất quán trong những gì con làm.  

Nói cách khác. con quyết định phản ứng lại một tình huống nào đó theo một cách nào đó, và con phải có khả năng đưa ra một cách giải thích hợp lý, đường thẳng, lô-gíc về lý do con hành xử như vậy. Xong một khi con đã hành xử như vậy trong một tình huống thì con luôn luôn phải hành xử theo cùng cách đó trong những tình huống tương tự. Đây là điều mà văn hóa của con đòi hỏi con làm. Đây là điều xã hội của con đòi hỏi con làm, là điều mọi người chung quanh con sẽ đòi hỏi con làm. Họ đòi hỏi con phải có lý do. Họ đòi hỏi một sự nhất quán.

Đằng sau tất cả sự thể này cuối cùng là sa nhân, chúng muốn kiểm soát con. Bởi vì chúng bảo, con luôn luôn phải có một lời giải thích hữu lý về lý do con làm những gì con làm. Nhưng điều này thực sự nghĩa là gì? Nghĩa là con cần có một lời giải thích có thể chấp nhận được ở đây trên trái đất, trong xã hội và nền văn hóa đặc thù của con. Và nếu xã hội và văn hóa này bị sa nhân chi phối thì con sẽ chỉ có thể hành xử theo những cách được chấp nhận bởi chuẩn mực và quy định của chúng. Và sau đó tất nhiên, một khi con đã làm vậy một lần thì con sẽ phải đi theo đường rày này cho đến mãn kiếp. Con sẽ phải luôn luôn làm cùng một chuyện như vậy.

À, con yêu dấu, trong Kinh thánh có nói gì về Thánh linh? Rằng Thánh linh thổi nơi nào nó muốn. Có nghĩa chăng là Thánh linh không tuân theo quy tắc nào? Ấy, chúng ta có thể bàn cãi liệu Thánh linh có theo quy tắc nào hay không, nhưng điều chắc chắn chúng ta có thể nói là Thánh linh không tuân theo quy tắc nào do con người đặt ra. Thánh linh không tuân theo quy tắc do sa nhân quy định.

Sa nhân muốn đóng chặt Tánh linh để Tánh linh không thể tuôn chảy. Đây là mục đích chính của chúng. Mối đe doạ lớn nhất đối với chúng là có người đạt đến một mức tâm thức khi có gì từ cõi tâm linh tuôn chảy xuyên qua họ. Đây là mối đe dọa chủ yếu và cũng là điều chúng muốn ngăn cản bằng mọi cách có thể. Chúng muốn mọi chuyện phải tiên đoán được, phải kiểm soát được, và tất nhiên điều này không ảnh hưởng chút nào đến Tánh linh.

Đây là một trong những bước đột phá to lớn con có thể ngộ được trên đường tu tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, khi không những con hiểu bằng trí năng mà con còn thấy được. Con thấy được là Tánh linh hoàn toàn độc lập và không bị tác động bởi các lý thuyết cùng tin tưởng của con người trên trái đất – và tất nhiên của sa nhân. Không một niềm tin nào trên trái đất có bất kỳ ảnh hưởng nào trên Tánh linh. Nếu con muốn một minh họa về điểm này thì con hãy lấy một chiếc búa thật lớn, chiếc búa lớn nhất mà con có thể cầm trong tay, con đi xuống bãi biển một hôm đẹp trời và con lấy búa đập vào đại dương với tất cả sức bình sinh của con. Đồng ý, nước sẽ bắn tung tóe, nhưng chỉ vài giây sau, đại dương sẽ làm gì? Đại dương sẽ êm đềm lại như cũ. Đấy, điều này phần nào minh họa cho Tánh linh, ngoại trừ điểm khác biệt là dù con có chế tạo một chiếc búa vĩ đại đến chừng nào trên trái đất thì con vẫn không thể khiến cho Tánh linh bắn tung tóe. Tánh linh hoàn toàn không bị tác động bởi hành động con người.

Sa nhân có một niềm tin vô cùng lâu đời mà nhiều người đã hấp thu. Chúng nghĩ là những gì chúng làm, hay con người làm ở đây trên trái đất có thể ảnh hưởng được cõi tâm linh, ảnh hưởng các thiên thần, ảnh hưởng Thượng đế. Sa nhân muốn tin là chúng có thể thay đổi quan điểm của Thượng đế và được giao phó việc cai quản tạo vật của ngài. Nhiều người muốn tin là Thượng đế chú ý đặc biệt đến họ, ban cho họ ân huệ. Tất cả chỉ là chuyện hư cấu, con yêu dấu. Tất cả đều là hư cấu. Các thày đã từng nói rồi đó. Các thày là chân sư thăng thiên chứ không phải là thần thánh đáp ứng lời cầu của con. Các thày ở đây để giúp con tự giải thoát khỏi tâm thức con người chứ không để ban cho con những ân huệ mà con nghĩ là quan trọng trong tâm thức con người.

Tánh linh hoàn toàn thản nhiên trước quan điểm và tin tưởng của con người. Điều này nghĩa là gì? Làm thế nào con trở thành một cánh cửa mở cho Tánh linh? Bằng cách, ở mức độ cao nhất mà con có thể, giải phóng tâm con khỏi tất cả những quy tắc, luật lệ do con người đặt ra. Đây là điều các thày gọi là đi vào tâm thái trung hòa. Điều này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong các giáo lý thần bí: Hồng ân lắng nghe, tâm thức thuần khiết lắng nghe, sự nhận biết thuần khiết. Còn nhiều tên gọi nữa, nhưng tên gọi không quan trọng. Điều quan trọng là con, tất cả các con, có thể vun bồi một cách ý thức khả năng bước vào tâm thái trung hòa và đơn giản mở cửa ra cho Tánh linh.

Tôi buông, tôi buông, tôi buông

Chắc chắn sẽ có những người không làm được chuyện này vì tâm họ mở ra quá lớn với cõi cảm xúc hay cõi lý trí. Nhưng các con là đệ tử của chân sư thăng thiên, con đã thực tập các bài chú của các thày để tự bảo vệ tâm linh, con đã thỉnh gọi Astrea, đã đọc các bài thỉnh, đã nỗ lực giải quyết tâm lý của mình, thì hầu hết các con đều có thể được lợi lạc – một khi con đã giải quyết phần nào tâm lý của mình và không bị buộc vào các thế lực thấp kém kia – con có thể được lợi lạc dành ra một chút thì giờ để ngồi xuống trong một tư thế thoải mái, hay con nằm xuống, và con chỉ bước vào tâm thái trung hòa này. Ta biết là ta đang nói “con chỉ bước vào”, nhưng kỳ thực đây là một trong những việc khó làm nhất do có quá nhiều áp lực từ ngoại cảnh trên tâm con cứ muốn kéo con ra khỏi tâm trung hòa. Nhưng dẫu vậy, ít nhất con có thể bắt đầu tiến trình này.

Con có thể dành ra một chút thời gian. Và một cách là con thực hiện một đợt canh thức (novena) như các thày ta đã có bàn đến. Các thày có một canh thức cho Đại chỉ đạo Thiêng liêng khi con đọc bài chú Đại chỉ đạo Thiêng liêng 9 lần (hay 14 lần – có hai bài chú cho Đại chỉ đạo Thiêng liêng, và cho canh thức thì con dùng bài nào cũng được). Sau đó con ngồi lại đó với một tờ giấy trắng và một cây bút, và con ghi xuống bất cứ gì khởi lên trong con. Tương tự như vậy, con cũng có thể làm canh thức cho ta bằng cách đọc bài chú của ta 9 lần, xong con ghi xuống bất cứ gì đến với con mà không có phán xét, không có định kiến gì hết.

Nhưng chuyện này cũng không cần nghi thức đến vậy. Con có thể chỉ đơn giản bước vào một trạng thái lắng nghe. Con không cần ghi xuống, nhưng đôi khi việc ghi xuống có thể giúp con vô hiệu hóa tâm mình. Nhưng nếu con có thể, con chỉ đi vào một tâm thái trung hòa. Điều có thể giúp con là con nằm xuống, hay con nhắm mắt, con ngồi thẳng nhắm mắt, và con chỉ chú ý đến ý tưởng của mình. Nhiều hình thức thiền định bảo con chú ý đến hơi thở, và nếu điều này hữu ích cho con thì cũng tốt thôi, nhưng con hãy chú ý đến ý tưởng của mình. Và bất cứ khi nào một ý tưởng hiện ra, con thầm nói trong tâm: “Tôi buông, tôi buông nó” [surrender trong tiếng Anh có mấy nghĩa: buông bỏ, từ bỏ, hàng phục, trả lại]. Con không cần suy nghĩ. “Tôi không cần suy nghĩ về chuyện này. Tôi không cần giải quyết bất cứ gì. Tôi chỉ buông nó ra. Tôi để cho nó ra đi. Tôi buông, tôi buông, tôi buông.” Con có khả năng làm được.

Vị sứ giả này đã làm như vậy rất nhiều lần trong đời ông và ông vẫn tiếp tục làm vậy. Con có thể làm vậy một cách thường xuyên, chỉ cần một vài phút, hay con có thể làm lâu hơn, bất cứ gì con muốn. Nhưng con chỉ buông. Con không có ý là chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Con chỉ đi vào trung hòa. Con không có ý là một chân sư thăng thiên phải hiện ra trước mặt con và cho con một ý tưởng huy hoàng nào đó. Con không có định kiến về điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Con hãy lưu ý điều ta vừa nói: “điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra”. Con không có ý tưởng là không gì được xảy ra, hay con không xứng đáng được nhận ý tưởng nào. Nhưng con cũng không có ý tưởng là con muốn như vậy.

Nếu con có thể trau dồi khả năng lắng nghe nội tâm này, con có thể thấy như các thày có nói là lúc đầu con nhận được một số sáng ngộ về những gì con cần giải quyết trong tâm lý. Và nếu con sẵn lòng thì với thời gian, con sẽ bắt đầu xoay chuyển và con nhận được những ý tưởng khác nữa về những gì con có thể làm – những gì con có thể làm trong đời mình, làm cho các chân sư thăng thiên, làm cho Saint Germain.

Để yên cho Tánh linh làm việc xuyên qua con

Và làm sao con có thể nói được với tâm thái hiện thời của con là chuyện này sẽ dẫn con xa đến đâu? Con hiểu là ngay bây giờ, ngay ở đây, con đang lắng nghe bài truyền đọc này, hay con đang đọc bài giảng này. Ngay bây giờ con đang ở một tầng nào đó trong số 144 tầng tâm thức. Cho dù tầng tâm thức của con là gì, con nhìn nhận là khi con cứ tiếp tục tiến bước trên đường tu tâm linh và thực hành các giáo lý mà các thày đã cho con, con sẽ lần hồi nâng cao tâm thức. Nhưng các thày đã nói gì với con? Khi con khởi sự ở tầng 144 và đi xuống, con khoác vào một ảo tưởng để bước xuống tầng 143. Và con cứ khoác thêm từng ảo tưởng như vậy để đi xuống tầng tâm thức hiện thời của con. Có nghĩa là nếu con đang ở tầng 80 chẳng hạn, con vẫn còn mang khá nhiều ảo tưởng ngăn cản con nhìn thấy rõ.

Con cần nhìn nhận ở đây là ở tầng tâm thức hiện thời của con, con không thể nào thấy được con sẽ như thế nào khi con ở 10, 20 hay 30 tầng cao hơn bây giờ. Con cần phải nhìn ra và chấp nhận với tâm ý thức là khi con tiếp tục bước chân trên đường tu, con sẽ đi lên cao hơn và một ngày kia con sẽ ở 20 tầng cao hơn ngày hôm nay.

Điều gì quan trọng với con bây giờ? Là con không cho phép tâm vỏ ngoài, hay bất kỳ thế lực nào đang lôi kéo tâm con, khiến con tin rằng có sự giới hạn trong những gì con có thể làm. Thật vô cùng quan trọng con nhìn nhận là ở mức hiện thời, con đang có một viễn quan nào đó. Và ở mức này thì đúng vậy, có những điều con không thể làm được. Nhưng cũng thật quan trọng con nhận ra là khi con nâng cao tâm thức, viễn quan hiện thời của con sẽ không còn hạn chế con nữa. Và do đó, con không thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ làm được chuyện này.” Suốt các thời đại, quá nhiều người đã nhìn vào Giê-su, chẳng hạn, cùng toàn bộ câu chuyện về những phép lạ của thày và nói: “Tôi sẽ không bao giờ đi bộ được trên mặt nước.”

Nhưng này con, trong thời đại hôm nay chuyện đi bộ trên nước thật không có ý nghĩa gì mấy, cho nên ta không yêu cầu con nuôi dưỡng ý tưởng là một ngày kia con sẽ có thể đi bộ trên nước, và nếu con không thể thì con là một kẻ thất bại. Con hãy để cho ý tưởng đó tàn lụi, vì có nhiều cách khác để con biểu hiện quả vị Ki-tô. Và thật vô cùng quan trọng là con đừng nhìn vào Ki-tô rồi thần tượng hóa, đừng rơi vào sự sùng bái thần tượng đã được xây đắp chung quanh Giê-su hay chung quanh Phật, để rồi quyết định bằng tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi không thể nào làm được những gì Giê-su hay Phật đã làm.” Trên thực tế, điều thật quan trọng là con không tìm cách so sánh mình với các vị đó để mà nghĩ rằng nếu con đạt được quả vị Ki-tô hay quả vị Phật thì con phải làm được y như họ đã làm.

Bởi vì với mức tâm thức hiện giờ của con, làm sao con biết được những gì Tánh linh sẽ thực hiện xuyên qua con khi con bước lên 20 tầng cao hơn? Làm sao con thấy được? Thực tế là con không thể nào thấy được do những ảo tưởng mà con chưa giải quyết. Nhưng có những người – và người ta làm chuyện này thường xuyên – vẫn có thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi không thể nào làm được. Không bao giờ tôi sẽ làm được.” Ấy, con không bao giờ nên nói “không bao giờ”, vì khi con quyết định vỏ ngoài như vậy, thật ra con có thể hạn chế những gì tâm vỏ ngoài của con có thể chấp nhận. Và điều này có nghĩa là giờ đây có thể có tình huống là con đã thực sự bước cao hơn 20 tầng trên đường tu và Tánh linh có khả năng làm gì đó xuyên qua con mà trước đó nó không thể làm, nhưng tâm vỏ ngoài của con thì không thể chấp nhận. Tâm vỏ ngoài không thể chấp nhận sự chứng đạt của con, cho nên điều này ngăn chặn Tánh linh làm việc qua con.

Sứ giả này vào thời Summit Lighthouse khi ông ngồi đó lắng nghe hàng trăm bài truyền đọc do bà Elizabeth Clare Prophet trao truyền, một số bài truyền đọc rất cao siêu, rất dũng mãnh, thì ông đã có thể nói: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ làm được như vậy.” Nếu con nhìn lại và so sánh, con có thể nói là một số bài truyền đọc của bà ấy rất khác với những gì sứ giả này đang trao truyền. Có người sẽ bảo là chúng cao hơn, có người sẽ bảo là chúng nhiều uy lực hơn, nhưng liệu so sánh như vậy có nghĩa lý gì không? Sứ giả này không có mục đích làm giống y như bà Elizabeth Clare Prophet mà ông chỉ có mục đích cho phép Tánh linh làm việc xuyên qua ông theo cách Tánh linh muốn làm việc xuyên qua ông.

Không ích gì mà so sánh những gì Tánh linh làm qua một người với những gì Tánh linh làm qua một người khác. Tánh linh thổi nơi nào nó muốn. Thật không ích gì con tự so sánh với Giê-su, với Phật hay với một vị thày tâm linh nào khác, hay với sứ giả này. Những loại so sánh như vậy chẳng ích lợi gì hết. Con không biết được Tánh linh sẽ làm gì xuyên qua con trong tương lai. Và quan trọng hơn, con không biết được Tánh linh sẽ không làm gì, cho nên con đừng quyết định với tâm vỏ ngoài là Tánh linh phải làm gì hay không được làm gì xuyên qua con. Đây là một trong những cách thông thường nhất mà người tâm linh giới hạn những gì Tánh linh có thể làm xuyên qua mình.

Con hãy sẵn lòng nhận bài truyền đọc này, nhận những bài truyền đọc khác từ hội nghị này, và nhìn xem: “Tôi đang giới hạn Tánh linh như thế nào?” Sứ giả này nhiều năm trước đây đã đi đến kết luận đó. Ông đã có thể hòa điệu và nhận được ý tưởng đó, và như vậy ông đã bắt đầu xem xét: “Tôi đang giới hạn Tánh linh như thế nào? Tôi đang giới hạn cách Tánh linh chảy qua tôi như thế nào?” Và việc quán chiếu này đã là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn ông vào tâm thái qua đó Giê-su đã có thể khởi sự huấn luyện ông cho sứ mạng đặc thù hiện nay của ông. À, sứ mạng của con sẽ khác, nhưng điều quan trọng là con xem xét những giới hạn con đang áp đặt lên Tánh linh như thế nào, hay con đang tìm cách hướng dòng chảy của Tánh linh đi về đâu để đem lại một số kết quả mà tâm vỏ ngoài của con mong muốn.

Giai đoạn vô vi

Sứ giả này trước khi ông bắt đầu luyện tập với Giê-su, đã chứng được sáng ngộ là quá nhiều nỗ lực của mình trên đường tu tâm linh đã bị sai khiến bởi tự ngã. Ông đã mong muốn trở thành một đệ tử tinh tấn với dáng vẻ một đệ tử cao cấp. Quá nhiều chuyện ông làm đã bị thúc đẩy bởi động cơ này. Và như các thày có nói, chuyện này cũng thật hợp lẽ giữa tầng 48 và 96 vì con cần vươn lên khỏi tâm thức tập thể. Nhiều các con sẽ có cảm nhận tương tự, cảm giác tương tự như vậy, và con sẽ có thể nhìn ra điều này nếu con sẵn lòng, và con sẽ làm được những gì sứ giả này đã làm – con chỉ buông bỏ, con chỉ để cho nó ra đi và con ngộ: “Không có gì mà tôi muốn làm trên hành tinh này.”    

Và khi không có gì mà con – cái nhân cách vỏ ngoài – muốn làm trên hành tinh này thì đó là lúc Tánh linh có thể nói: “Vậy con có cho phép ta làm gì đó xuyên qua con hay chăng?” Giờ đây, con không cần đạt tới điểm buông bỏ mọi thứ, mọi mong muốn của con người. Nhưng con cần có một khe mở để Tánh linh làm việc xuyên qua con theo những cách con không đoán trước được hay không cố gắng kiểm soát.

Con yêu dấu, sa nhân đang mưu toan kiểm soát Tánh linh. Là đệ tử của chân sư thăng thiên, con thật sự không muốn làm cùng chuyện đó. Thánh linh thổi nơi nào nó muốn. Có nghĩa là để cho Thánh linh thổi xuyên qua con, con phải sẵn lòng để yên cho nó thổi theo những cách con không thể tiên đoán, không thể dự trù, không thể điều khiển. Nếu con muốn kiểm soát trước dòng chảy của Tánh linh thì Tánh linh sẽ phải đứng lui lại và đợi cho đến khi con mở cửa ra. Không thể nào khác được, con yêu dấu, vì Thánh linh sẽ không vi phạm quyền tự quyết của con, ý chí tự do của con. Vậy con có thể hỏi: “À, thế khi sứ giả này khởi sự vào năm 2002 hay 2001, liệu ông có biết ông sẽ làm gì ngày hôm nay không? Ông có biết trước việc gì sẽ xảy ra không?” Không, ông không biết. Vậy thì làm thế nào ông đã tự do chọn lựa? Nhưng ông đã tự do chọn lựa là ông sẽ bỏ sang bên các mong muốn cùng tham vọng của con người phàm. Ông sẽ mở rộng ra với Tánh linh và nói: “Bất cứ chuyện gì cứ việc xảy ra, Tánh linh cứ việc tuôn chảy xuyên qua tôi.” Đó cũng là một chọn lựa tự do đó con.

Chỉ có tâm vỏ ngoài mới muốn kiểm soát kết quả, muốn tiên đoán kết quả. Nó muốn biết trước kết quả sẽ ra sao, nó muốn một sự đảm bảo. Nhưng không có gì là đảm bảo. Ác quỷ sẽ cho con một hợp đồng. Tánh linh không cho con hợp đồng nào. Con có rộng mở ngay bây giờ hay chăng? Nếu thế thì Tánh linh sẽ chảy qua con. Nếu ngày mai con không rộng mở thì ngày mai Tánh linh sẽ không chảy qua con. Nếu 10 năm sau con lại rộng mở, Tánh linh sẽ lại chảy qua con một lần nữa – bất cứ khi nào có sự cởi mở. Không có hợp đồng, không có nghĩa vụ, không có bó buộc. Quá nhiều người cho rằng để là cánh cửa mở cho chân sư thăng thiên, con như thể phải mặc vào một bộ áo tù khóa chặt chân tay. Giờ đây con phải làm mọi chuyện cho thật chỉnh. Các thày đã nói gì chứ? Câu hỏi duy nhất đặt ra là liệu sự cởi mở có mặt hay không, có một khe mở hay không, có một cửa mở hay không? Khi đó Tánh linh có thể và sẽ tuôn chảy. Thường khi vấn đề không phải là con phải làm một điều gì đó, mà là không làm một điều gì đó.

Điều nghịch lý tất nhiên là hầu hết mọi người khi cất bước trên đường tu tâm linh đều có quá nhiều năng lượng tha hóa trong cảm thể và trí thể, quá nhiều ảo tưởng đến độ họ cần phải dọn dẹp đi phần nào, cho nên trong một thời gian họ sẽ phải làm một điều gì đó. Con phải đọc chú, đọc thỉnh để giải tỏa các năng lượng, con phải làm việc trên các ngã tách biệt và ảo tưởng của con, con phải học tập các giáo lý. Con phải nỗ lực một thời gian để dọn sạch những rác rưởi trong bốn thể phàm sẽ đóng chặt tâm con, vì đó cũng là một cách đóng tâm con lại. Nhưng một khi con đã làm công việc này, vấn đề không phải là làm nữa mà kỳ thực là không làm.

“Vô vi nhi vô bất vi” – không làm nhưng cũng không không làm – là một khái niệm trong đạo Phật mà con có thể quán chiếu. Vô vi nhi vô bất vi. Một số các con đã sẵn sàng để bắt đầu quán chiếu bí ẩn này. Một số thì chưa hẳn như vậy cho nên con có thể bỏ qua điểm này, nhưng sẽ tới một điểm khi con không còn là tác nhân nữa. Nhưng dẫu sao con cũng nhìn nhận là có một số công việc phải được chăm sóc trong đời sống thực tế, và con hãy chăm sóc chúng, rồi sau đó con hãy tập trung vào các hoạt động tâm linh của con. Nhưng phần nào con luôn luôn mở ra, con luôn luôn lắng nghe, luôn luôn trong tâm con có một khoảng trống, một khe mở. Có thể con đang chú tâm vào một số vấn đề trong cuộc sống, nhưng vẫn có một phần trong con mở ra để tiếp nhận một sáng ngộ mới, một ý tưởng mới. Nhiều khi giữa sinh hoạt hàng ngày, con vẫn có thể nhận được một sáng ngộ nào đó, một xung lực nào đó.

Đây là điểm các thày muốn con đạt được, là khi con bắt đầu có được hồng ân lắng nghe – nếu các thày có thể gọi như vậy – là sự cởi mở nội tâm mở ra phần nào với Tánh linh, với Hiện diện TA LÀ, với các chân sư thăng thiên. Và ai nói được Tánh linh có thể làm gì xuyên qua con? Chắc chắn không người nào khác nói được là Tánh linh có thể hay không thể làm gì xuyên qua con. Ta có ý gì khi ta bảo là không người nào khác có thể nói cho con? À, bốn thể phàm, nhân cách vỏ ngoài của con là gì chứ? Đó là một con người, cho nên chính nhân cách vỏ ngoài của con không thể nói cho con Tánh linh có thể hay không thể làm gì xuyên qua con.

Với lời này, ta đã trao cho con những ý tưởng mà ta muốn trao. Ta cũng biết – nếu có thể nói vậy – đây là một bài truyền đọc thật huyền bí hay thần bí, đòi hỏi nơi con rất nhiều suy ngẫm. Đối với một số các con, có thể nó sẽ không vang dội trong con vì con chưa ở mức cần đến nó. Nhưng với một số khác, nó đúng là điều con đang cần để bước lên thêm một tầng nữa trên đương tu. Ta để con tùy tiện sử dụng thế nào cũng được. Nhưng như ta có nói, nếu con nỗ lực tập trung vào Bản thể của ta, vào Hiện diện của ta, thì ta sẽ làm mọi cách để cho con những sáng ngộ mà con cần hầu bước lên một mức độ phụng sự và hòa điệu cao hơn. Với lời này, ta niêm con trong ngọn lửa vui mừng mà TA LÀ.

9.05 Sanat Kumara, hãy nâng cao địa cầu

Nhân danh TA LÀ CÁI TA LÀ, Giê-su Ki-tô, con kêu gọi Hiện diện TA LÀ của con, hãy chảy xuyên qua Hiện diện Ta Sẽ Là mà TA LÀ, và ban cho lời chú này quyền năng trọn vẹn. Con kêu gọi thày Sanat Kumara và Venus yêu dấu, hãy phóng ra Ngọn lửa Hồng ngọc của thày và tiêu hủy mọi hình dạng thấp kém, kể cả… [đọc nơi đây lời kêu gọi riêng của bạn]

1. Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2. Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3. Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,  
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4. Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,  
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5. Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

6. Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,  
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

7. Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,  
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

8. Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,  
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

9. Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ,
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Niêm:

Nhân danh Mẹ Thiêng liêng, con hoàn toàn chấp nhận cho quyền năng lời kêu gọi này được sử dụng để giải thoát Ánh sáng Mẫu-Vật, hầu ánh sáng phóng chiếu viễn quan toàn hảo của Ki-tô cho đời con, cho đời của mọi người cùng hành tinh. Nhân danh TA LÀ CÁI TA LÀ, việc đó đã xong! Amen.

17 | Thỉnh cầu an bình với việc con có mặt trên trái đất (5 phần)

Nhân danh TA LÀ CÁI TA LÀ, Giê-su Ki-tô, con kêu gọi tất cả mọi đại diện của Mẹ Thiêng liêng. đặc biệt là Sanat Kumara, hãy giúp con khắc phục mọi thái độ tiêu cực liên quan đến việc con có mặt trên trái đất. Xin các thày giúp con khắc phục mọi trở ngại ngăn cản con chấp nhận mình có mặt ở đây, kể cả…

[đọc nơi đây lời kêu gọi riêng của bạn]

Phần 1

1.1. Sanat Kumara, con đang kết nối lại với nhân tính cơ bản có trong con và trong tất cả mọi người. Con nhìn mọi người như anh chị em tâm linh của con. Con không còn nhìn họ như người “khác”.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.2. Sanat Kumara, con nhận ra là đã tới lúc con phải tiến lên cao hơn. Đã tới lúc con ý thức nhận ra tại sao con ở trên hành tinh này. Con ở đây để làm một điểm neo và để cống hiến một khung tham chiếu tích cực cho những cư dân khác của hành tinh.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.3. Sanat Kumara, việc con từ đâu đến và tâm thức con cao tới đâu trước khi con tới trái đất, không phải là điều quan trọng. Một khi con mang vào những ảo tưởng khi xuống đây, thì con sẽ nhìn đời trên trái đất qua phin lọc của các ảo tưởng đó.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.4. Sanat Kumara, con ở trong cùng tình trạng như các cư dân khác trên trái đất. Con không cao hơn họ vì con phải đối mặt cùng những khai ngộ.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.5. Sanat Kumara, con sẽ không cho phép mình có ý niệm là con khác, con không thực sự thuộc về nơi đây, hành tinh này ban sơ hay con không thể giao tiếp được với những người trên hành tinh. Con sẽ không cho phép mình cảm thấy xa cách hay cao hơn những người khác trên trái đất.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.6. Sanat Kumara, con nhận ra là con đã bị cú sốc lớn bởi chuyện xảy ra cho con khi con xuống đây nên con đánh mất nhân tính cơ bản trong con. Con cũng không thấy được nhân tính cơ bản này nơi những người trên trái đất và nơi các sa nhân.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.7. Sanat Kumara, con nâng mình một cách có ý thức lên khỏi mọi trạng thái tâm tiêu cực, khuynh hướng chê bai trái đất, mọi ý niệm vũ trụ vật chất chống lại sự tăng triển tâm linh của con, mọi ý niệm con người trên hành tinh này ban sơ, các xã hội ở đây ban sơ.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.8. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi khuynh hướng chỉ trích chọn lọc trong đó con nhìn một số nhóm người đặc thù như rất tiêu cực, lạc hậu, không tăng triển, hay không xứng đáng để con kính trọng, thương yêu hay quan tâm.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

1.9. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi ảo tưởng cho rằng, vì điều kiện thấp trên trái đất và đặc biệt là điều kiện thấp của một số nhóm người, cần dùng những biện pháp quyết liệt để nâng trái đất lên.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Phần 2

2.1. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi mọi khuynh hướng bị thu hút và say mê một ý tưởng, một lý tưởng. Con bác bỏ ảo tưởng cho rằng để đẩy mạnh một lý tưởng, việc giết hay ép buộc một số người là chuyện chính đáng.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.2. Sanat Kumara, con sẵn sàng ngưng không coi cá nhân mình là trung tâm của cuộc đời và con đường tu của mình, để tìm ra nhân tính cơ bản trong con.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.3. Sanat Kumara, con sẽ không tiếp tục chú tâm vào việc nâng cao chính mình. Con sẽ xoay chuyển và bắt đầu chú tâm vào việc nâng cao tổng thể.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.4. Sanat Kumara, con nhận ra tâm thức Ki-tô trong chính con. Con hiểu tâm thức Ki-tô là sợi dây nối kết mọi sự sống.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.5. Sanat Kumara, con không ở đây để nâng cao tâm thức mình lên một tầng cao hơn rất nhiều các cư dân khác trên trái đất để con có thể cảm thấy mình hơn họ. Con ở đây để nâng cao tâm thức của tổng thể.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.6. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi ảo tưởng cho rằng, vì con đã tiến tới một tầng nào đó của con đường tâm linh và vì con đến từ một thế giới tốt đẹp hơn, nên con hơn những cư dân khác trên trái đất.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.7. Sanat Kumara, con khám phá yếu tố của tâm thức Ki-tô kết nối con với mọi sự sống, kể cả những cư dân trên trái đất, bất kể họ đang ở tầng tâm thức nào.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.8. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi mọi ý tưởng hơn người bằng cách neo mình vào yếu tố của tâm thức Ki-tô hoàn toàn vượt lên trên ý niệm thứ bậc do con người tạo lập trên trái đất.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

2.9. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi ảo tưởng cho rằng có một thứ bậc thế gian trong đó một số người được xem là thuộc một giai cấp tách biệt vì họ trong bản chất giỏi hơn, cao cấp hơn người khác.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Phần 3

3.1. Sanat Kumara, con có sự phân biện, chỉ có thể làm được với tâm Ki-tô, là sự kiện con ở một tầng cao hơn trên con đường tu và ở một tầng tâm thức cao hơn, không khiến con hơn những người ở các tầng thấp hơn.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.2. Sanat Kumara, con thấy là khi con càng lên cao về hướng tầng 144 của tâm thức, thì con càng ít cảm thấy mình hơn người, con càng cảm thấy mình là một với mọi sự sống và con càng muốn nâng cao mọi sự sống.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.3. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi nhu cầu muốn đạt một địa vị trong thứ bậc thế gian khiến cho người khác hay chính con nghĩ là con hơn người. Con nâng mình lên khỏi nhu cầu muốn đi trên con đường tâm linh để được các chân sư thăng thiên công nhận.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.4. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi nhu cầu muốn ở địa vị cao nhất trong thứ bậc, là nơi con không thể nào bị người ở cấp thấp hơn chất vấn hay phản bác.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.5. Sanat Kumara, con nhận ra là các chân sư thăng thiên không muốn thiết lập loại thứ bậc này trên trái đất.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.6. Sanat Kumara, con đáp ứng thách đố của thời Song ngư và khắc phục mọi ý niệm mình cao hơn người khác, mọi ý niệm về cấp bậc. Con khám phá ra nhân tính cơ bản gắn bó con với tất cả mọi người.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.7. Sanat Kumara, con thức tỉnh và vượt qua sự khai ngộ đó, vượt qua khuynh hướng tự tôn xen lẫn tự ti. Con không đi theo con đường tâm linh để nâng cao mình lên, để khiến mình cảm thấy hơn người khác.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.8. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi cảm nhận mình thuộc thiểu số người đang cứu nguy hành tinh và đang làm một việc quan trọng cho các chân sư thăng thiên. Con nhận ra rằng đã đến lúc con vượt lên trên tầng tâm thức đó và hoàn toàn nhìn nhận đó không phải là lý do tại sao con ở đây.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

3.9. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi mọi thái độ chỉ trích hành tinh này và các người sống ở đây, và mọi mong muốn thoát ra khỏi nơi đây.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Phần 4

4.1. Sanat Kumara, con nhận ra là con tới trái đất để đem lại sự thay đổi tích cực, nhưng con không thể đem lại thay đổi tích cực khi con ở trong một trạng thái tâm tiêu cực. Con không thể đem lại thay đổi tích cực trên trái đất nếu con có một thái độ tiêu cực đối với hành tinh này và những người sống trên đó.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.2. Sanat Kumara, con nhận ra là đã tới lúc con vượt lên trên toàn bộ tâm thức đó và tới điểm động cơ cá nhân thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh không có những yếu tố tiêu cực trong đó, những yếu tố muốn nâng mình lên trên người khác hay những yếu tố muốn thoát khỏi nơi đây.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.3. Sanat Kumara, con nhận ra là chỉ khi nào con hoàn toàn bình an với sự kiện con ở trên hành tinh này, khi nào con hoàn toàn chấp nhận con đang ở trên hành tinh này và khi nào con cảm thấy thoải mái là con đang ở trên hành tinh này, thì con mới ra khỏi hành tinh này được.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.4. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi ý niệm con không phải theo những luật lệ hiện hành trên trái đất. Con buông bỏ mong muốn trốn tránh đối mặt hậu quả của những chọn lựa của mình, không phải chịu trách nhiệm những phản ứng của mình.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.5. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi giấc mộng là con có thể tìm ra một ngõ tắt, một công thức thần thông khiến con bỗng nhiên có thể thoát khỏi việc phải đi trên con đường tu giống như mọi người.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.6. Sanat Kumara, con buông bỏ ý muốn nâng mình lên trên sự khốn khổ, xung đột, đấu tranh, đau khổ trên hành tinh này bằng cách khiến mình trở thành bất bại.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.7. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi ảo tưởng là con nên dùng sự thành đạt tâm linh và uy lực của mình để đặt mình vào vị thế bất bại. Con buông bỏ ý muốn dùng con đường tu của các chân sư thăng thiên để đặt mình vào vị thế bất bại.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.8. Sanat Kumara, con sẵn sàng thấy một cách có ý thức ảo tưởng muốn mình bất bại hay hơn người. Con nâng mình lên khỏi nhu cầu đi từ đối cực hoàn toàn hơn người sang đối cực hoàn toàn thấp kém.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

4.9. Sanat Kumara, con chấp nhận thách đố của thày muốn con bước lên một tầng cao hơn và nhận ra là không có sự an toàn tối hậu khi con bất khả xâm phạm trên trái đất, cũng như không có sự nhục nhã tối hậu khi con hoàn toàn không có khả năng bảo vệ mình.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Phần 5

5.1. Sanat Kumara, con nhận ra là khi so sánh với sự liên tục của bản thể của con, với nhân tính cơ bản hay với tâm Ki-tô trong bản thể của con, thì tất cả những điều kiện bên ngoài kia chẳng có gì quan trọng.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Con nhập đoàn hợp xướng của tình thương, 
Mở tâm ra, hát bài ca tán thưởng, 
Và cùng nhau nâng hành tinh gia tốc. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.2. Sanat Kumara, con thấy là nếu các điều kiện bên ngoài không quan trọng, thì con không cần tiếp tục đi trên đường tu của các chân sư thăng thiên với động cơ muốn cảm thấy mình cao hơn, giỏi hơn, có một cấp bậc hay nhiệm vụ quan trọng nào đó.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Được khai ngộ – điều con muốn trước tiên, 
Shamballa – nhà con ở cõi thiên,
Cho thày, con chỉ xin làm cực điện.

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.3. Sanat Kumara, con đi trên đường tu với động cơ tình thương, tình thương đã chính là động cơ khiến con tới đây. Con nối kết lại với động cơ nguyên thủy đưa con tới đây, và con tìm ra một động cơ hoàn toàn mới để đi trên con đường tu.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Thày vạch đường cho con cứ theo chân, 
Khai mở con bằng tình yêu vô tận, 
Làm cửa mở cho Bồ câu Thánh thần. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.4. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi mọi ghiền nghiện cứ mãi đi tìm trải nghiệm tột đỉnh cao hơn và cao hơn. Con tìm ra con đường trung đạo thật, con vượt lên trên các cặp, các đối cực và do đó càng ngày con càng có bớt những tương phản trên đường tu.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Gương của thày, cả một nguồn linh hứng. 
Không dính mắc, con ngập nỗi vui mừng  
Đóng góp cho địa cầu lại được sống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.5. Sanat Kumara, con đang phát triển đức tính kiên nhẫn vô biên và vô điều kiện. Con không tìm cách đặt ra mục tiêu cho chính con, hay đặt ra mục tiêu muốn thấy một số chuyện xảy ra ở cấp hành tinh.

Sanat Kumara, Lửa Hồng ngọc, 
Là bộ máy để địa cầu thanh lọc, 
Mọi tà thể tiêu hết khỏi hành tinh,
Từ bên trong hiển lộ Đốm Tánh linh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.6. Sanat Kumara, con nhận ra rằng con ở đây để tiếp tục nâng cao tâm thức mình, để làm điều mà trực giác bên trong bảo con làm. Con không dính mắc vào kết quả vật lý. Con vui mừng khi thấy chúng nhưng con không bất toại nguyện hay hoài nghi nếu không thấy chúng.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là bộ máy vũ trụ đang khuếch lớn, 
Đoàn người đến từ Kim tinh rung động,
Khiến tà lực không thể nào cưỡng chống. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.7. Sanat Kumara, con nhận ra là con phải hành động trong khuôn khổ luật tự quyết, như các chân sư thăng thiên vẫn làm. Con làm việc với con người để giúp họ tới được điểm họ có thể chọn lựa một cách ý thức, tự do là họ muốn lên cao hơn.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Con là máy khuếch trương của thày đó,
Con khôi phục tình yêu không gò bó, 
Luân xa này là cửa mở thật to. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.8. Sanat Kumara, con nâng mình lên khỏi trạng thái tâm tiêu cực, chỉ trích, và con tìm thấy sự bình an khi sống trên hành tinh này. Con chấp nhận đang ở trên hành tinh này. Con chấp nhận hành tinh này như nó là: một trường học cho những dòng sống ở đây.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc hồng, 
Là cái loa cho điệp khúc Kim tinh,
Khi tình yêu vang dội khắp cùng chốn,
Thâm nhập cả những tâm hồn vô minh. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

5.9. Sanat Kumara, con tôn trọng luật tự quyết và cách nó vận hành. Con bình an với việc con đang ở đây. Con cho phép mình cảm thấy thoải mái về chuyện con là một con người đang đầu thai ở đây, không vượt lên trên các luật lệ của hành tinh này, nhưng là một với mọi người. Con đồng hóa mình với họ ở mức tâm Ki-tô, con thấy nhân tính cơ bản của họ và con luôn luôn tìm cách nâng nó lên cao hơn.

Sanat Kumara, Lửa Ngọc đỏ, 
Nhờ thày đến, chúng sinh được thánh hóa, 
Nguyên hành tinh biến thành miền cao cả,
Do hồng ân toàn vũ mà thăng hoa. 

Sanat Kumara, Tia Ngọc đỏ, 
Đến địa cầu để mở lối cao hơn, 
Ngọn lửa thày giúp hành tinh sáng tỏ, 
Mặc bộ áo mới tinh cho ngày lớn. 

Niêm

Nhân danh Mẹ Thiêng liêng, con kêu gọi Mẹ Mary hãy niêm phong con cùng mọi người trong vòng ảnh hưởng của con vào dòng chảy sáng tạo của Mẹ Thiêng liêng, Dòng sông sự Sống. Con kêu gọi tất cả các đại diện của Mẹ Thiêng liêng hãy nhân lên các lời kêu gọi của con, để chúng ta hình thành vòng số tám toàn hảo “Trên sao, dưới vậy”. Do đó, con chấp nhận là toàn bộ bài thỉnh này được biểu hiện, vì miệng của Thượng đế, Mẹ Thiêng liêng mà con LÀ, đã nói ra nó. Amen.

16 | Một thông điệp cho tất cả những ai đã đến đây với sứ vụ giải cứu

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Sanat Kumara qua trung gian Kim Michaels, ngày 12 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Sanat Kumara. Thày đến đây với một thông điệp đa diện. Kỳ thực, các thông điệp của các thày luôn luôn đa diện vì chúng có thể hiểu được theo nhiều tầng cấp tâm thức khác nhau. Tuy thế, thông điệp của thày đặc biệt đa diện vì thày không chỉ giản dị nói dựa trên 144 tầng tâm thức có thể có trên trái đất. Thày nói cho nhiều người khác nhau đã đến trái đất để làm điều ta có thể gọi là một sứ vụ giải cứu.

Các con đều đã từng nghe câu truyện là có một điểm khi trái đất ở trong một trạng thái rất thấp và nhiều người trong số các thày cho rằng trái đất không thể tồn tại được. Lúc đó, thày và 144,000 dòng sống từ Kim tinh quyết định đến trái đất để giúp nâng cao hành tinh này. Điều này có nghĩa là 144,000 dòng sống đầu thai trên trái đất trong khi thày thì không đầu thai, nhưng thày có thành lập một tu viện ở đây bên trên sa mạc Gobi được gọi là Shamballa.

Giờ đây, như các thày đã nói trước đây, và thày sẽ nói lần nữa, là lẽ tất nhiên những dòng sống từ Kim tinh không phải là những dòng sống duy nhất tới trái đất để giúp nâng hành tinh này lên, vào lúc đó, hay sau đó. Trước đó và sau đó, đã có những dòng sống khác đã đến trái đất để giúp nâng nó lên vượt qua tầng mức nhị nguyên. Nhóm người Kim tinh là nhóm đơn nhất đông đảo nhất đã tới trái đất nhưng có những nhóm khác nhỏ hơn đã tới, có những cá nhân đã tới và họ có nhiều quá trình khác nhau.

16.1. Hành tinh tự nhiên và không tự nhiên

Các thày có gợi ý là con có thể chia hành tinh thành hai loại: hành tinh tự nhiên và không tự nhiên. Trái đất là một hành tinh không tự nhiên vì tâm thức tập thể dựa trên sợ hãi. Ở đây con có sa nhân đầu thai, con có chiến tranh, xung đột, con có tất cả những biểu hiện bên ngoài đó cho thấy rõ những điều này không thể nào tự nhiên, theo nghĩa chúng không được Thượng đế hay các chân sư thăng thiên sáng tạo hay thiết kế.

Đây là một hiện tượng do quyền tự quyết đem tới khi các sinh thể dùng quyền tự quyết của họ để đi vào nhị nguyên, xem mình là những sinh thể tách biệt. Do đó, họ tạo ra tất cả những biểu hiện mà con thấy trên trái đất, chỉ có thể xảy ra được khi con người quên đi nhân tính cơ bản có trong tất cả mọi người. Vì vậy, họ không thấy là tất cả mọi người là anh chị em tâm linh của họ. Họ nhìn tất cả mọi người như người “khác” và họ rơi vào ảo tưởng cho rằng họ có thể làm những điều đối với người khác mà không bị vũ trụ làm lại đối với họ, không bị tấm gương vũ trụ phản ánh lại họ.

Đây là một ảo tưởng chỉ có thể hiện hữu trên một hành tinh không tự nhiên. Ngược lại, có hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ vật chất đang ở trong giai đoạn là hành tinh tự nhiên. Nhiều trong số các hành tinh này có mức tâm thức tập thể rất cao. Do đó chúng tạo ra một lực hút từ tính lớn lao kéo toàn thể vũ trụ lên, kể cả, lẽ dĩ nhiên, hành tinh trái đất. Khi lực kéo này gia tăng, chuyện xảy ra là các hành tinh không tự nhiên vẫn tiếp tục bị hút lên bởi lực hút kéo của toàn thể vũ trụ. Vì các hành tinh này có tầng mức tâm thức tập thể thấp, nguy cơ là sự cưỡng chống có thể tạo ra một sự khác biệt lớn giữa lực kéo lên của vũ trụ và lực cưỡng chống của hành tinh, đến độ hành tinh vật lý không thể tụ dính vào nhau và nó có thể bị vỡ tung ra, theo nghĩa đen.

Để tránh chuyện này xảy ra, cần có những dòng sống từ một số các hành tinh tự nhiên đến trái đất và đầu thai ở đây. Chỉ với sự hiện thân vật lý của họ, có thể nói họ là điểm neo cho hành tinh nhà của họ và các rung động của hành tinh nhà của họ. Đây là nỗ lực cuối cùng cần thiết để giúp giữ hành tinh này tụ dính vào nhau lâu hơn nữa với hy vọng có một ngày tâm thức tập thể được nâng cao để hành tinh không còn bị nguy cơ bị vỡ tung ra. Rất nhiều, rất nhiều dòng sống đã tới với nhiệm vụ như thế.

16.2. Đã tới lúc con biết tại sao con ở đây

Bây giờ con cần cẩn thận nhận ra rằng một mặt, thày muốn nói với các dòng sống này. Thày có một ý định muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ vào tâm thức tập thể, hay đúng hơn vào tâm thức cá nhân của tất cả các dòng sống này, là đã tới lúc các con phải tiến lên cao hơn. Đã tới lúc con ý thức nhận ra tại sao con ở trên hành tinh này: con ở đây không phải chỉ để làm một điểm neo, nhưng cũng để cống hiến một khung tham chiếu tích cực cho những cư dân khác của hành tinh. Thời gian đã chín mùi để con bắt đầu làm việc này.

Tuy thế, để làm tròn nhiệm vụ này, con cần nhận ra rằng tuy con đến từ một hành tinh tự nhiên, việc xuống đầu thai ở một hành tinh thấp như trái đất này không thể làm được khi con còn duy trì trọn vẹn cái biết con là ai và từ đâu đến. Như thày Hilarion đã giảng, con chỉ đầu thai được bằng cách mang vào một số ảo tưởng tương ứng với 144 tầng tâm thức. Đây giản dị là chuyện con phải xuống thấp tới đâu để có thể đầu thai ở đây, và con cần nhận ra là con đã mang vào những ảo tưởng này.

Con cũng cần nhận ra một sự kiện rất giản dị: việc con từ đâu đến và tâm thức con cao tới đâu trước khi con tới trái đất, không phải là điều quan trọng. Một khi con mang vào những ảo tưởng này, thì con sẽ nhìn đời trên trái đất qua phin lọc của các ảo tưởng đó. Điều này có nghĩa là giờ đây con ở trong cùng tình trạng như các cư dân khác trên trái đất. Con không cao hơn, con không khôn ngoan hơn, con không tưởng thành hơn họ vì con phải đối mặt cùng những khai ngộ.

Con có tiềm năng hạ tâm thức xuống, và quả thực một số dòng sống đến từ các hành tinh tự nhiên đã đi xuống thấp hơn tầng tâm thức 48. Nhiều người đã không đi xuống, hầu hết đã không đi xuống nhưng các con vẫn phải đối mặt cùng các khai ngộ. Con cần nhận ra rằng con không thể cho phép mình có ý niệm là con khác, con không thực sự thuộc về nơi đây, hành tinh này ban sơ, con không thể giao tiếp được với những người trên hành tinh và tất cả những chuyện tương tự. Có nhiều dòng sống tới đây với nhiệm vụ giải cứu đã cảm thấy xa cách hay cao hơn những người khác trên trái đất. Lý do rất giản dị. Khi con đi vào sự dày đặc của một hành tinh như trái đất, con mất đi sự kết nối với cái biết mà trong các bài truyền đọc gần đây các thày gọi là nhân tính cơ bản. Con bị cú sốc lớn khi xuống đây và bị những người ở đây đối xử (khi con bị bác bỏ một cách rất tàn bạo thường là ngay lần đầu thai đầu tiên trên hành tinh này) nên con tựa như đánh mất nhân tính cơ bản trong con. Hơn thế nữa, con không thấy được nhân tính cơ bản này nơi những người trên trái đất. Có thể nói là con không thấy được nhân tính cơ bản nơi những sa nhân đã làm con tổn thương một cách rất tàn bạo. Con cũng không thấy nó nơi người dân trung bình trên trái đất vì con thấy rất nhiều người không tăng triển, họ không muốn tăng triển.

Con cần nhận ra ở đây có một động lực rất rất quan trọng, là nhiều dòng sống, trên thực tế hầu hết dòng sống đã tới trái đất từ những hành tinh tiến hóa cao hơn, đã đi vào điều có thể gọi là một trạng thái tâm tiêu cực. Họ có khuynh hướng chê bai trái đất rất nhiều, họ có ý niệm là có lẽ chính vũ trụ vật chất chống lại sự tăng triển tâm linh của họ, vũ trụ vật chất dơ bẩn làm sao đó, con người trên hành tinh này ban sơ, các xã hội ở đây ban sơ. Con thường bị dính mắc vào sự chỉ trích chọn lọc này trong đó con nhìn một số nhóm người đặc thù như rất tiêu cực, lạc hậu hay không tăng triển, và vì sao đó, không xứng đáng để con kính trọng, thương yêu hay quan tâm.

16.3. Bị lừa bởi chủ thuyết Quốc xã

Điều sau đây có thể gây sốc nhưng là một sự thật. Nếu con nhìn vào Đức quốc xã, thì một số những dòng sống đến từ những hành tinh cao đã bị quyến rũ bởi ý thức hệ Quốc xã về dòng giống ưu việt và nhu cầu thanh tẩy dòng giống con người. Thực tế là họ cống hiến ánh sáng của họ để ủng hộ guồng máy Quốc xã đã rốt cuộc dẫn tới việc diệt chủng người Do thái (Holocaust). Thày không nói họ là những người lính canh ngục trong các trại tập trung hay họ đã đẩy người tù vào phòng hơi ngạt, nhưng họ phục vụ ở các cấp cao trong guồng máy Quốc xã. Ánh sáng của họ là một yếu tố giúp kéo dài guồng máy chiến tranh do Hitler tạo ra.

Nếu con nhìn một số dòng sống này, ngay cả qua hình ảnh hay phim xi nê của thời đó, thì con có thể thấy là họ có ánh sáng tâm linh. Họ là những người cao, tóc vàng, mắt xanh dương, thực sự có ánh sáng tâm linh nhưng họ đã bị quyến rũ để ủng hộ ý thức hệ Quốc xã. Họ nghĩ rằng, vì điều kiện thấp trên trái đất và đặc biệt là điều kiện thấp của một số nhóm người, có lẽ đã tới lúc dùng những biện pháp quyết liệt để nâng trái đất lên trên cái mà họ thấy là sự điên rồ đã bỗng nhiên bao trùm trái đất. Con cần nhìn nhận rằng khi con đầu thai trên trái đất (đặc biệt là khi con xuống, không nhất thiết là dưới tầng 48, nhưng chắc chắn là dưới tầng 96), dù con đến từ một hành tinh cao, nhưng con vẫn có thể dễ bị thu hút và say mê một ý tưởng, một lý tưởng. Thực tế là con có thể bị quyến rũ để nghĩ rằng để đẩy mạnh lý tưởng này, việc giết những người hành động chống lại điều mà con cho là lý tưởng cho hành tinh này là chuyện chính đáng.

Con yêu dấu, ở đây thày kêu gọi những ai trong các con đã đến từ hành tinh tự nhiên, là đã đến lúc các con nâng mình lên khỏi ảo tưởng này một cách vĩnh viễn. Con chỉ có thể làm điều này bằng cách nghe theo lời khuyên của các thày để: 1) Ngưng không coi cá nhân mình là trung tâm của cuộc đời và con đường tu của mình, và 2) Tìm ra cái mà các thày gọi là nhân tính cơ bản trong mình.

16.4. Nâng cao chính mình hay toàn thể

Bây giờ, tại sao các thày gọi nó là “nhân tính cơ bản”? Một số người sẽ nói tại sao không gọi là “bản sắc tâm linh?” Ấy, đó là vì có một lúc trên con đường tâm linh, như các thày đã nói nhiều lần, khi con cần nâng mình lên khỏi sức hút kéo xuống của tâm thức đại chúng. Các thày đã cố chỉ cho chúng con một con đường tu có hệ thống trong khóa học tự điều ngự trong đó con có thể nâng mình lên qua bảy tia sáng, từ tầng 48 tới tầng 96. Các thày cũng nói là khi con đạt tầng 96, thì con đối mặt một khai ngộ đặc thù, đó là con sẽ tiếp tục chú tâm vào việc nâng cao chính mình hay con sẽ xoay chuyển và bắt đầu chú tâm vào việc nâng cao tổng thể.

Làm sao con có thể xoay chuyển và chú tâm vào việc nâng cao tổng thể? Chỉ bằng cách nhận ra cái mà trong những lần giảng khác các thày đã gọi là tâm thức Ki-tô. Chỉ khi nào con bắt đầu nhận ra tâm thức Ki-tô trong chính con, và bắt đầu hiểu tâm thức Ki-tô là sợi dây nối kết mọi sự sống, thì con mới có thể thực sự nhận ra tại sao con ở đây.

Con yêu dấu, con không ở đây để nâng cao tâm thức mình lên một tầng cao hơn rất nhiều các cư dân khác trên trái đất để con có thể cảm thấy mình hơn họ. Con ở đây để nâng cao tâm thức của tổng thể. Con không thể làm được điều này nếu con dùng sự tiến bộ trên đường tu của mình để quyết định là, vì con đã tiến tới một tầng nào đó của con đường tâm linh và vì con đến từ một thế giới tốt đẹp hơn, nên con hơn những cư dân khác trên trái đất. Con cần khám phá yếu tố của tâm thức Ki-tô kết nối con với mọi sự sống, kể cả những cư dân trên trái đất, bất kể họ đang ở tầng tâm thức nào.

Đây là một yếu tố của tâm thức Ki-tô mà Giê-su đã mô tả khi thày nói: “Hễ các người làm điều gì cho người thấp hèn nhất trong anh em của ta, thì các người đã làm điều đó cho chính ta.” Nếu con nhìn vào đời của Giê-su, dù Thánh kinh chỉ ghi lại những đoạn rời rạc về đời thày, thì con có thể thấy là thày không coi mình hơn người khác. Thày không làm điều mà nhiều người Do thái đã làm thời đó: cảm thấy hơn những người khác đang sống trên mảnh đất đó, như người Xa-ma-ri-a và những người khác. Thày tiếp cận tất cả mọi người và đó là lý do vì sao các thày gọi đó là nhân tính cơ bản.

16.5. Tránh coi mình hơn người

Bây giờ, chúng ta đã nói tới nhu cầu là mọi người khám phá ra nhân tính cơ bản đó, họ có thể bắt đầu hợp tác với nhau dựa trên tin tưởng và quan niệm mọi người bình đẳng. Điều con cần nhận ra, trên cương vị một người tâm linh, là con cũng đối mặt với cùng khai ngộ đó, nhưng chỉ khác đi một chút. Thử thách chính của con không giống như thử thách của hầu hết mọi người trên trái đất. Thử thách của con trước tiên là tránh không coi mình hơn người khác. Làm sao con làm được điều này? Một phần bằng cách neo mình vào yếu tố của tâm thức Ki-tô hoàn toàn vượt lên trên ý niệm thứ bậc do con người tạo lập trên trái đất.

Khi con nhìn vào trái đất, con có thể nhìn trở lại lịch sử được biết và con sẽ thấy là tất cả mọi xã hội đều có ý niệm thứ bậc này. Một số người không những ở địa vị quyền uy hơn người khác, nhưng họ thường được xem là thuộc một giai cấp tách biệt vì họ trong bản chất giỏi hơn, cao cấp hơn người khác (ít ra là họ tự coi mình như thế nhưng người khác cũng thường coi họ như thế). Thậm chí một số người còn tin rằng họ được Thượng đế sinh tạo ra như thế. Đáng tiếc thay, nhiều người đến từ các hành tinh tự nhiên đã bị quyến rũ bởi những hệ thống tư tưởng này vì họ cảm thấy họ trưởng thành hơn, tinh tế hơn những cư dân của hành tinh này. Thày thách thức con phân biện, sự phân biện chỉ có thể làm được với tâm Ki-tô, là sự kiện con ở một tầng cao hơn trên con đường tu và ở một tầng tâm thức cao hơn, không khiến con hơn những người ở các tầng thấp hơn. Thật ra, con càng lên cao về hướng tầng 144 của tâm thức, thì con càng ít cảm thấy mình hơn người, con càng cảm thấy mình là một với mọi sự sống và con càng muốn nâng cao mọi sự sống. Con chỉ có thể vượt qua thử thách này nếu con hiểu được ý nghĩa của việc không coi cá nhân mình là trung tâm của cuộc đời mình. Con hoàn toàn không tìm cách đạt được một địa vị nào đó trong thứ bậc thế gian khiến cho người khác hay chính con nghĩ là con hơn người. Con cũng không đi trên con đường tâm linh, và có lẽ đạt được một địa vị nào đó trong một tổ chức chân sư thăng thiên, để được các chân sư thăng thiên công nhận. Con hiểu chăng, con yêu dấu, là khái niệm thứ bậc có giá trị là vì một thứ bậc trên cõi thăng thiên. Con yêu dấu, sinh thể thăng thiên cao nhất đang làm việc với cõi chưa thăng thiên này không cảm thấy mình cao hơn các sinh thể chưa thăng thiên đang sống trên trái đất. Không có sự cao hơn. Có thứ bậc theo nghĩa là có một số sinh thể giữ chức vụ cao, nhưng không hề có sự đánh giá giá trị, không hề có ý niệm cao hơn liên quan tới thứ bậc này.

16.6. Một thứ bậc giả

Con biết quá rõ là sa nhân rất thiện nghệ trong việc lấy một ý niệm có giá trị và tha hóa nó. Trên trái đất này, họ chỉ cần lấy khái niệm thứ bậc và tha hóa nó với sự phán xét giá trị của tâm nhị nguyên. Điều này dẫn tới hai chuyện. Một là những người ở trên đỉnh thứ bậc trên trái đất giỏi hơn những người ở các tầng thấp hơn. Con cũng có thể thiết lập điều kiện được thấy ở Đức quốc xã là nòi giống A-ri-an cao hơn các nòi giống khác. Con cũng có thể thấy ở Liên Xô là một số người cảm thấy những người cộng sản chân chính tại Liên Xô cao hơn những người trong các quốc gia không cộng sản hay ngay cả những người ở các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa khác. Con có thể thấy nhiều, rất nhiều ví dụ như thế hiện nay và trong lịch sử. Con yêu dấu, con có thực sự tin rằng tâm thức này có thể sống sót trong Thời Hoàng kim chăng? Nó không thể nào.

Khía cạnh khác của tâm thức này là một khi con đã thiết lập thứ bậc, những người ở chóp bu không thể nào bị người ở cấp thấp hơn chất vấn hay phản bác. Lẽ tự nhiên điều này đã dẫn tới những hoàn cảnh quả thực điên rồ, ví dụ như khi con nhìn vào cuộc đời của Adolf Hitler, thì con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp ông đã cố ý lờ đi lời khuyên của tướng lãnh của ông nói cho ông biết cuộc chiến đang diễn tiến ra sao. Ông nghĩ rằng họ quá tiêu cực và giới hạn và quân đội của ông có thể làm những điều mà các tướng lãnh cho là không thể làm được. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, điều này quả thực đã xảy ra trong một số trường hợp. Các tướng lãnh lượng định một số điều không làm được, nhưng Hitler cứ ra lệnh tiến tới và kết quả đạt được. Ông tự ru ngủ mình trong tâm thức là ông không bao giờ cần lắng nghe lời khuyên của người khác và ông không cần biết chuyện gì thực sự xảy ra trên chiến trường. Ông chỉ cần đi vào nội tâm và có viễn kiến điều gì phải xảy ra và sau đó ông ra lệnh là nó sẽ xảy ra. Lẽ dĩ nhiên các con đều biết là ông tới điểm giản dị cạn kiệt động lượng tiến tới và mọi chuyện bắt đầu sụp đổ. Thay vì nhìn nhận chuyện này và làm những điều chỉnh cần thiết, ông cứ tiếp tục đi theo hướng cũ và vì vậy đã khuếch đại mức tai họa thật sự xảy ra.

16.7. Những thách đố của thời Song Ngư

Con yêu dấu, con cần nhận ra ở đây là các thày, các chân sư thăng thiên không muốn thiết lập loại thứ bậc này trên trái đất. Con có thể tự hỏi tại sao lại có một số tổ chức chân sư thăng thiên đã có đúng hệ thống thứ bậc đó? Một lần nữa, đó là vì các thày phải làm việc với trình độ tâm thức tập thể và các thày phải làm việc với trình độ của những người ở các tầng cao hơn và có nhiều tiềm năng theo học giáo lý của các thày hơn. Ai là người đã đưa ra ví dụ này: “Hễ các người làm điều gì cho người thấp hèn nhất trong anh em của ta, thì các người đã làm điều đó cho chính ta?” Đó chính là Giê-su và Giê-su là người khai sáng Thời Song ngư. Thách đố cần được vượt qua ở cuối thời Song ngư là gì? Nó chính là việc khắc phục trạng thái tâm thức đó, ý niệm mình cao hơn đó, ý niệm về cấp bậc, và khám phá ra nhân tính cơ bản gắn bó con với tất cả mọi người.

Có một điểm vào những năm 1900 các thày nhận ra đã tới lúc trao truyền một giáo lý trực tiếp hơn từ cõi thăng thiên và các thày được phép tấn phong sứ giả và trao truyền các bài truyền đọc trực tiếp. Các thày cũng nhìn nhận là tâm thức của các đệ tử nói chung, những người có tiềm năng theo học giáo lý của các thày, giản dị là chưa tới trình độ có thể vượt qua khai ngộ đó của thời Song ngư. Nhiều người trong số họ chưa sẵn sàng vượt qua khai ngộ đó vì họ vẫn còn mắc kẹt trong nhu cầu cảm thấy họ đang làm một việc quan trọng. Các thày luôn luôn phải đối mặt với tình thế khó xử là các thày muốn thu hút một nhóm người bằng cách trao truyền một giáo lý có thể đưa họ tiến lên cao hơn, nhưng để làm được điều này, các thày phải có một lượng định thực tế về trình độ tâm thức hiện thời của họ.

Các thày phải nhìn xem động cơ thúc đẩy họ chính xác là gì, và sau đó các thày phải cho họ điều gì đó hấp dẫn động cơ này – để khiến họ chấp nhận giáo lý của các thày và bắt đầu con đường mà các thày cống hiến. Các thày phải cho họ giáo lý mang những chìa khóa cần thiết sẽ giúp họ thăng vượt tầng tâm thức đó, nhưng vẫn còn một số yếu tố hấp dẫn động cơ muốn cảm thấy đang làm điều gì đó rất quan trọng để cải thiện hành tinh trái đất.

16.8. Bước lên một động cơ cao hơn

Điều thày đang nói là từ nhiều năm nay qua trung gian người sứ giả này, các thày đã trao truyền một giáo lý cao về nhị nguyên, về tư duy cuồng đại, về tự ngã và khắc phục khuynh hướng tự tôn xen lẫn tự ti. Đây thực sự là lời kêu gọi của thày gửi đến tất cả những dòng sống đã tới trái đất từ một hành tinh cao, là đã tới lúc các con thức tỉnh và vượt qua khai ngộ này, vượt qua điểm gay go này và bước lên một động cơ cao hơn. Con không đi theo con đường tâm linh hay theo một giáo lý tâm linh hay thực tập để nâng cao mình lên, để khiến mình cảm thấy hơn người khác, hay để củng cố ý niệm tự tôn mà con đã có sẵn, hay để cảm thấy mình thuộc thiểu số người đang cứu nguy hành tinh và đang làm một việc quan trọng cho các chân sư thăng thiên. Con nhận ra rằng đã đến lúc con vượt lên trên tầng tâm thức đó và hoàn toàn nhìn nhận đó không phải là lý do tại sao con ở đây. Do đó con cần làm điều mà các thày đã trao truyền giáo lý và các dụng cụ để con làm: con trở về và xem xét chấn thương nhập đời mà con phải gánh chịu khi con đầu thai trên trái đất và bị cú sốc khi thấy điều kiện sống ở đây.

Con cần nhìn nhận rằng kể từ lúc đó, con đã duy trì thái độ chỉ trích hành tinh này, con cảm thấy đây là một hành tinh thấp kém, những cư dân ở đây rất thấp so với con, họ không xứng đáng đón nhận ánh sáng và tình thương của con, và ngay cả cõi vật chất này là thù nghịch của sự tăng triển tâm linh của con. Con có thể đã nảy nở mong muốn thoát ra khỏi nơi đây. Đã tới lúc con nhìn nhận, con yêu dấu, là con tới trái đất để đem lại sự thay đổi tích cực, nhưng con không thể đem lại thay đổi tích cực khi con ở trong một trạng thái tâm tiêu cực. Con không thể đem lại thay đổi tích cực trên trái đất nếu con có một thái độ tiêu cực đối với hành tinh trái đất và những người sống trên đó.

Con cần nhìn nhận là đã tới lúc, thực ra con phải làm điều này từ lâu rồi, con vượt lên trên toàn bộ tâm thức đó và tới điểm con nhìn vào động cơ cá nhân nào thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh. Con đã thấy được những yếu tố tiêu cực trong đó, những yếu tố muốn nâng mình lên trên người khác hay những yếu tố muốn thoát khỏi nơi đây. Con cần nhìn nhận, con yêu dấu, một sự thật giản dị, mà các thày khác đã nói trước đây, là chỉ khi nào con hoàn toàn bình an với sự kiện con ở trên hành tinh này, khi nào con hoàn toàn chấp nhận con đang ở trên hành tinh này và khi nào con cảm thấy thoải mái là con đang ở trên hành tinh này, thì con mới ra khỏi hành tinh này được.

16.9. Nghĩ rằng luật lệ không áp dụng cho con

Một số các con, các con yêu dấu, có một ý niệm rất vi tế (và thường thường là con không nhận ra) là vì con đến từ một hành tinh tự nhiên, nơi đó các luật thiên nhiên và ngay cả các luật tâm linh cũng khác, cho nên dù bây giờ con đang đầu thai trên một hành tinh không tự nhiên, nhưng con không phải theo những luật lệ hiện hành ở đây. Con nghĩ là đáng lẽ con có thể tới đây và quần áo của con không bị dơ bẩn, và con không phải đối mặt hậu quả của những chọn lựa của mình, con không phải chịu trách nhiệm những phản ứng của mình. Con yêu dấu, khi con chọn tới đây, con biết rõ là khi con đầu thai, con sẽ phải chịu những quy luật hiện hành trên hành tinh này. Con sẽ phải đối mặt cùng những khai ngộ như mọi người khác, và con sẽ phải làm cùng những việc như người khác để nâng cao tâm thức mình và hội đủ điều kiện thăng thiên.

Con hãy bước ra khỏi giấc mộng, mà một số các con có, là con có thể tìm ra một ngõ tắt, một công thức thần thông khiến con bỗng nhiên có thể thoát khỏi việc phải đi trên con đường tu giống như mọi người. Con hãy vứt nó đi! Nó không giúp con, nó không giúp con hoàn thành mục tiêu đã khiến con tới đây. Con hãy nhìn nhận, con yêu dấu, sự kiện là sa nhân đã thiết lập một tình trạng rất đặc thù trên hành tinh này. Các thày đã dạy về tâm thức nhị nguyên và tư duy cuồng đại, nhưng thày muốn trao cho con một giáo lý còn sâu xa hơn về đề tài này bởi vì một số trong các con đã sẵn sàng nhận nó.

16.10. Làm sao vượt lên trên nhị nguyên

Thày đã nói là sa nhân luôn luôn muốn thiết lập một thứ bậc và đặt họ ở chóp bu để không ai chạm tới họ được, không ai ở dưới phản bác hay thách thức họ được. Lẽ dĩ nhiên không ai ở trên họ có thể thách thức hay phản bác họ được vì họ đã cố ngăn chận mọi sự hiểu biết về các chân sư thăng thiên trên hành tinh này. Điều mà họ đã thực sự làm là dùng tâm thức nhị nguyên để tạo ra một số khái niệm rất vi tế. Điều các sa nhân muốn làm trên hành tinh này là đặt họ vào vị thế trở thành bất bại, bất khả xâm phạm. Giờ đây con có thể nghĩ là khái niệm này có một giá trị nào vì chắc chắn Đại thiên thần Michael bất bại và bất khả xâm phạm. Nhưng thày không bất bại theo cách nhị nguyên, thày bất bại vì thày vượt lên trên nhị nguyên. Câu hỏi đặt ra là: “Làm sao con vượt lên trên nhị nguyên?”

Thày có nói trước đây là một số người tới trái đất với nhiệm vụ giải cứu bị quyến rũ bởi ý thức hệ Quốc xã và ý thức hệ về một nòi giống ưu việt. Ấy, một cách để nâng mình lên trên sự khốn khổ, xung đột, đấu tranh, đau khổ trên hành tinh này là tìm cách khiến mình trở thành bất bại. Nhiều người trong số những dòng sống tiến hóa hơn đã tới đây đã bị quyến rũ nghĩ rằng họ nên dùng sự thành đạt tâm linh và uy lực của mình để đặt mình vào vị thế bất bại. Một số đã bị quyến rũ bởi truyền thống chiến sĩ, nghĩ rằng họ phải trở thành chiến sĩ bất bại, một số cố gắng đạt điều này bằng những cách khác. Một số còn tìm cách dùng con đường tu và giáo lý của các chân sư thăng thiên để đặt họ vào vị thế bất bại. Con yêu dấu, mục đích của con đường quả vị Ki-tô không phải là trở nên bất bại theo cách nhị nguyên. Giê-su có bất bại không? Ấy, nếu thày bất bại thì tại sao thày bị đóng đinh trên thập tự? 

Con phải nhận ra rằng khi con ở trên một hành tinh có nhị nguyên, thì con đường tâm linh có nhiều giai đoạn. Con tiến triển không phải chỉ bằng cách kéo mình ra khỏi nhị nguyên. Các thày có nói tới giai đoạn trầm mình và giai đoạn thức tỉnh. Con nhận ra rằng, khi con ở trong giai đoạn trầm mình, không phải con chỉ đi xuống thấp hơn trong tâm thức, con cũng có thể đi lên cao hơn, nhưng cách con đi lên cao hơn là trải nghiệm những tương phản cùng tột mà con tìm thấy trên trái đất. Một số người đã trải qua nhiều kiếp sống để mưu cầu mục đích bất bại hay hơn người. Họ đã cố gắng làm cho mình bất bại và đưa mình lên một địa vị nào đó trong thứ bậc thế gian khiến họ có vẻ cao hơn người khác, nhưng đây có thể trở thành một cái bẫy khó thoát ra. Làm sao con người có thể thoát ra khỏi cái bẫy này nếu họ không muốn một cách ý thức, nếu họ không muốn nhìn thấy ảo tưởng cao hơn và bất bại? Ấy, họ sẽ phải trải nghiệm một số kiếp sống trong đó họ ở đối cực hoàn toàn ngược lại là họ hoàn toàn không tự bảo vệ mình được và họ hoàn toàn thấp kém. Đây là một trong những lý do tại sao hành tinh này đã kết đọng hiện tượng nô lệ.

Nhiều lần, con sẽ thấy, ví dụ như trong xã hội La Mã, một linh hồn trong nhiều kiếp ở chóp bu của thứ bậc La Mã nhưng sau đó bỗng nhiên, linh hồn đó đi xuống và giờ đây đầu thai là một nô lệ trong một số kiếp sống. Qua sự trải nghiệm cả hai tương phản cùng tột này trên trái đất, rốt cuộc điều này sẽ khiến một số dòng sống nhận ra trong họ cái mà các thày gọi là nhân tính cơ bản. Họ nhận ra rằng dù họ ở một vị thế cao hay vị thế thấp, dù họ bất bại tối đa hay họ bất lực tối đa, vẫn có một phần trong họ không có gì thay đổi. Có một phần của con người họ là thật và phần đó sẽ tiếp tục tăng triển bất kể hoàn cảnh bên ngoài của họ. Có thể nói là các dòng sống này đã bắt đầu buông bỏ tính cá nhân của những tương phản cùng tột mà con thấy trên trái đất. Họ bắt đầu không đồng hóa mình với vở tuồng thế gian này và đấy là cách họ tìm ra cái hơn nữa, cái mà thày Gautama gọi là trung đạo không bị chi phối bởi tương phản. Đây là điều đã khiến tất cả các con tới được điểm mở tâm ra với giáo lý của chân sư thăng thiên. Điều thày trao truyền cho con bây giờ là thách đố con bước lên một tầng cao hơn của giáo lý bằng cách nhận ra trong chính mình là con đã đi giữa hai đối cực này như một phần không né tránh được trong sự tăng triển của mình.

Bây giờ đã tới lúc thăng vượt chúng, nhận ra rằng, con yêu dấu, không có sự an toàn tối hậu khi con bất khả xâm phạm trên trái đất, cũng như không có sự nhục nhã tối hậu khi con hoàn toàn không có khả năng bảo vệ mình. Con tới được điểm con nhận ra là khi so sánh với sự liên tục của bản thể của con, với nhân tính cơ bản hay với tâm Ki-tô trong bản thể của con, thì tất cả những điều kiện bên ngoài kia chẳng có gì quan trọng. Nếu chúng không quan trọng, thì tại sao con cứ phải tiếp tục đi trên đường tu của các chân sư thăng thiên với động cơ muốn cảm thấy mình cao hơn, giỏi hơn, có một cấp bậc hay nhiệm vụ quan trọng nào đó?

16.11. Một động cơ cao để đi trên con đường tu

Bây giờ, một số các con sẽ nói: “Nhưng làm sao chúng con có động cơ đi trên con đường tu khi chúng con không có ý niệm là chúng con đang làm một điều gì quan trọng để cứu trái đất hay đem lại thời hoàng kim?” Ấy, con yêu dấu, con có thể có động cơ tình thương – vì tình thương chính là động cơ khiến con tới đây. Con hãy nối kết lại với động cơ nguyên thủy đưa con tới đây, và sau đó con sẽ có thể tìm được một động cơ hoàn toàn mới để đi trên con đường tu. Con sẽ không bị lôi kéo tới chỗ này hay chỗ kia bởi các đối cực. Ví dụ, con sẽ không bị lôi kéo vào mấy lời tiên tri tiêu cực, nghĩ rằng con phải chú ý tới chúng.

Con sẽ tìm ra một sự tiến triển vững vàng đều đặn hơn, một sự phát triển vững vàng đều đặn hơn. Đây là một sự điều chỉnh mới cho con vì con sẽ không phải trải qua những kinh nghiệm cùng tột mà một số các con đã trải qua trên con đường tu. Có những tầng thấp trên đường tu khi con có thể có những trải nghiệm mà mọi người gọi là “trải nghiệm tột đỉnh.” Nhiều đệ tử quả thực đã bị mắc kẹt trong một dạng ghiền nghiện cứ mãi đi tìm trải nghiệm tột đỉnh cao hơn và cao hơn. Con chỉ có tột đỉnh khi con có thung lũng và con chỉ có kinh nghiệm cao khi con có sự tương phản của kinh nghiệm thấp. Khi con tìm ra con đường trung đạo thật, con vượt lên trên các cặp, các đối cực và do đó càng ngày con càng có bớt những tương phản trên đường tu.

Lúc đầu, con sẽ thấy chuyện này khó hiểu và gây bối rối cho mình. Khi con tiếp tục áp dụng những giáo lý mà các thày đã trao truyền, thì con có thể tới được điểm con vượt thăng nó được. Con không cần có động cơ cũ đó nữa, cái ý niệm cũ là mình quan trọng. Con là người con là, con đang làm cái con đang làm với động cơ dựa trên tình thương.

16.12. Sự kiên nhẫn vô biên và vô điều kiện

Điều này cũng có nghĩa là con phát triển một đức tính mà nhiều học viên tâm linh không phát triển, đó là tính kiên nhẫn vô biên và vô điều kiện. Nhiều người trong các con cảm thấy một sự thôi thúc phải đẩy mạnh trên đường tu cá nhân. Một lần nữa, chuyện này có giá trị trong một thời gian vì con cần nâng mình lên khỏi sức hút của tâm thức đại chúng. Nhưng sẽ tới một lúc, con yêu dấu, con cần vượt lên trên thái độ này. Con không tìm cách đặt ra tất cả những mục tiêu đó, hay đặt ra mục tiêu thấy một số chuyện xảy ra ở cấp hành tinh, hay lúc nào một điều kiện nào đó phải thay đổi. Một số các con đã bị ám ảnh bởi tầm quan trọng của chính mình đến độ con nghĩ rằng nếu con đọc rất nhiều bài cầu thỉnh và cầu chú trong một thời gian nào đó thì hành tinh phải thay đổi hay một số quốc gia đặc thù phải thay đổi. Nếu chúng không thay đổi, con trở nên thất vọng, con bắt đầu nghi ngờ không biết giáo lý có hữu hiệu không, và vân vân. Con có thể vượt thăng hết các chuyện này và nhận ra rằng con ở đây để tiếp tục nâng cao tâm thức mình, để làm điều mà trực giác bên trong bảo con làm, và con không dính mắc vào kết quả vật lý. Con vui mừng khi thấy chúng nhưng con không bất toại nguyện, nổi giận hay hoài nghi nếu không thấy chúng. Con nhận ra rằng con phải làm việc trong những giới hạn của quyền tự quyết, như các thày là chân sư thăng thiên đang làm.

Con yêu dấu, thày tới trái đất này từ xa xưa lắm. Nếu thày thiếu kiên nhẫn như nhiều người trong các con, thì thày đã tự tàn phá mình về mặt tâm lý từ xa xưa khi thấy trái đất không tiến triển. Các thày là chân sư thăng thiên có một tầm nhìn hoàn toàn khác. Như các thày mới đây có nói, mục đích của các thày không phải là tạo nên những thay đổi đặc thù bên ngoài nhưng mục đích là nâng cao tâm thức tập thể. Chuyện này chỉ làm được bằng cách làm việc với con người để họ tới được điểm họ có thể chọn lựa một cách ý thức, tự do là họ muốn lên cao hơn. Đấy là mục đích của các thày. Mục đích của các thày không phải là biểu thị những thay đổi bên ngoài mà nhiều đệ tử tâm linh đã bị dính mắc vào. Khi con có thể vượt lên trên các điều này, thường lôi kéo con vào trạng thái tâm tiêu cực, chỉ trích, thì con có thể tìm thấy sự bình an khi sống trên hành tinh này. Con có thể chấp nhận đang ở trên hành tinh này. Con có thể chấp nhận hành tinh này như nó là, không có nghĩa là con phải duy trì tình trạng hiện nay của nó, nhưng con chấp nhận nó như nó là: một trường học cho những dòng sống ở đây. Con có thể tôn trọng điều mà các thày đã dạy về quyền tự quyết và con chấp nhận cách nó vận hành. Vì vậy, con có thể tới được điểm con bình an với việc con đang ở đây. Con có thể cho phép mình cảm thấy thoải mái về chuyện con là một con người đang đầu thai ở đây, không vượt lên trên các luật lệ của hành tinh này, nhưng là một với mọi người. Con đồng hóa mình với họ ở mức tâm Ki-tô, con thấy nhân tính cơ bản của họ và con luôn luôn tìm cách nâng nó lên cao hơn.

Con yêu dấu, đây là món quà của thày cho các con ngày hôm nay. Như thày đã nói, thông điệp này đa diện và con nên học tập nhiều, nhiều lần để có thể rút ra hết giá trị của nó, nhiều khi hầu như chôn giấu giữa các hàng chữ. Con hãy đọc giữa các hàng chữ. Con hãy hòa điệu với Bản thể của thày vượt lên trên từ ngữ và thày sẽ cho con, khi con sẵn sàng muốn, điều không gói ghém được trong từ ngữ – ít nhất, không phải ở tầng mà tâm vỏ ngoài của con có thể hiểu được qua từ ngữ mà thôi.

Do đó, một lần nữa, thày cảm ơn các con, đã là những điện cực để lan tỏa thông điệp của thày đến tâm thức tập thể. Con hãy chắc chắn là con không luôn luôn coi xem những người ngoài kia cần phải thay đổi ra sao. Bài truyền đọc này đặt một tấm gương trước mặt con và nói: “Bây giờ con nhìn xem con cần thay đổi như thế nào.”